Đọc báo Pháp – 08/06/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 08/06/2018

Trang nhất : Sóng gió ở G7,

dự luật chống tin giả bị phản đối…

Trọng Thành

Dự luật chống nạn tin giả của chính phủ Pháp bị đối lập phản đối mạnh, thượng đỉnh khối các nước công nghiệp phát triển G7 rối ren do lập trường độc đoán, xoay như chong chóng của tổng thống Mỹ là chủ đề lớn trang nhất hôm nay. Báo Pháp chú ý nhiều đến sự cô lập của Donald Trump, một chống lại sáu nước « đồng minh », nhưng cũng đặt câu hỏi về ý nghĩa thực sự của khối G7 trong bối cảnh quốc tế hiện nay.

G7 : Pháp – Canada dẫn đầu liên minh « chống » Trump

Les Echos chạy tựa trang nhất : « Trump đối mặt với một mặt trận thống nhất tại thượng đỉnh G7 », Le Monde có bài xã luận : « Trump, một mình chống lại tất cả », Libération : « Với Trump, G7 là một thượng đỉnh với 6 ràng buộc ». Le Figaro dành phụ trương kinh tế cho chủ đề « Macron và Trudeau dẫn dắt cuộc chiến chống Trump ». Le Figaro dẫn tuyên bố của tổng thống Pháp, theo đó sáu thành viên của khối (bao gồm Pháp, Canada, Nhật Bản, Đức, Anh và Ý), trong hai ngày hội nghị, sẽ tìm cách thuyết phục tổng thống Mỹ, thay đổi « các chính sách bất hợp tác » của Washington. Tổng thống Pháp Macron cũng báo trước là nhóm 6 nước sẽ không nhân nhượng bất cứ điều gì « trên bình diện nguyên tắc căn bản ».

Libération cho biết tổng thống Pháp đã có mặt tại Ottawa, thủ đô Canada, gần hai ngày trước thượng đỉnh, để tìm cách phối hợp với thủ tướng Canada. Sáng ngày mai, thứ Sáu 09/06, ngay trước khi thượng đỉnh khai mạc, thủ tướng Canada sẽ có cuộc hội ý với lãnh đạo bốn nước châu Âu.

Lời qua tiếng lại cho thấy không khí căng thẳng trước thượng đỉnh của khối 7 quốc gia, vốn được coi là các đồng minh thân thiết. Đáp lại báo giới về các thông điệp mới nhất của tổng thống Mỹ, tỏ thái độ « thờ ơ » và « khinh bỉ » các đối tác G7, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo : Không có ai trong các lãnh đạo tại đây có thể tại vị vĩnh viễn !

Lãnh đạo Pháp tỏ ý là việc Donald Trump cầm quyền chỉ là một « tai biến » của lịch sử và các quyết định lớn của chính quyền Trump (rút khỏi các thỏa thuận về Khí hậu, hạt nhân Iran và về thương mại) là các hành động « bất hợp pháp ». Việc chính quyền Trump kiên quyết tăng thuế nhập thép từ Canada và Liên Âu, vì lý do « an ninh quốc gia », bị thủ tướng Canada lên án là điều « nực cười » và thậm chí là một hành động « lăng nhục ».

Vẫn theo Libération, tổng thống Pháp hy vọng lãnh đạo Mỹ một lần nữa « vươn lên xứng tầm lịch sử » và hiểu rằng « các lợi ích và giá trị của nước Mỹ » được xây dựng trên nền tảng đối ngoại đa phương. Pháp và Canada không ảo tưởng về khả năng G7 ra được tuyên bố chung. Rất nhiều khả năng 7 nước sẽ chỉ đạt đồng thuận tối thiểu, với tuyên bố kết thúc hội nghị của nước chủ nhà. Tổng thống Pháp cũng bảo đảm là 6 nước G7 sẽ không ngần ngại khi phải đối mặt với Donald Trump, « thị trường của 6 quốc gia còn lại của G7 gộp lại lớn hơn thị trường Mỹ ». Điều mà Paris và Ottawa chờ đợi là Nhật Bản tham gia vào liên minh.

Khối G7 còn có ý nghĩa gì ?

La Croix dành mục thảo luận cho vấn đề : « G7 còn tồn tại để làm gì ? », trong bối cảnh tổng thống Mỹ vứt bỏ các nguyên tắc đa phương và trách nhiệm trong các quan hệ quốc tế. Tờ báo Công Giáo giới thiệu quan điểm của bà Anne-Laure Delatta. Phó giám đốc của CEPII, chương trình khoa học về kinh tế vĩ mô và tài chính quốc tế khẳng định « việc duy trì không gian đối thoại này là điều căn bản », trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy gia tăng ở khắp nơi và rất nhiều thách thức lớn của thế giới hiện nay đòi hỏi một sự phối hợp quốc tế ở cấp độ «trên quốc gia », như về khí hậu, khủng hoảng di cư, chống khủng bố, hay sự gia tăng bất bình đẳng… Không thách thức lớn nào mà một quốc gia đơn độc có thể tự giải quyết.

Chuyên gia nói trên cũng lưu ý là trong bối cảnh vai trò của G7 đang bị vượt qua, các cường quốc công nghiệp trong khối cũng có những đối thoại khác với các quốc gia đang trỗi dậy trong khuôn khổ G20. Tuy nhiên, khó hy vọng là chủ nghĩa đa phương sẽ được phát triển với các quốc gia như Trung Quốc, bởi hai bên không có cùng quan niệm, đặc biệt là về luật chơi dân chủ.

Về chủ đề này, Libération có bài phỏng vấn chuyên gia về các quan hệ quốc tế Frederic Merand. Ông cũng nêu quan điểm là, cho dù G7 không còn là thế lực dẫn dắt thế giới như trước đây, nhưng khuôn khổ gặp gỡ « phi chính thức » này vẫn rất cần cho các nền dân chủ phát triển. Cho dù bất đồng trong hàng loạt vấn đề, 6 nước còn lại của G7 và Hoa Kỳ cũng hy vọng có thể đạt được một số đồng thuận, ví dụ như một « hiến chương về chống rác nhựa trên đại dương », có thể được thông qua lần này.

Riêng về triển vọng chính sách kinh tế của tổng thống Mỹ, cây viết xã luận của Les Echos Eric Le Boucher có bài « Trump đi tìm một chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch không thể có được », với lời cảnh báo là chính quyền Trump đang « hủy diệt khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ ».

Thế giới đang « phi toàn cầu hóa » ?

Xu hướng bảo hộ kinh tế của chính quyền Trump dường như phản ánh một xu thế sâu xa, được Le Monde ghi nhận trong phụ trương kinh tế, với bài « Phi toàn cầu hóa đang diễn ra ». Dấu hiệu mới nhất, theo Le Monde, là báo cáo của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển (Cnuced/ UNCTAD), công bố hôm 6/6. Theo đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài sụt giảm mạnh (gần 500 tỉ so với 2007), đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp, cùng lúc với lợi nhuận do đầu tư mang lại cũng giảm (6,7% so với 8,1% năm 2012).

Hội thảo về « Rạn rứt lớn của nền dân chủ »

Về cuộc khủng hoảng hiện nay ở phương Tây, Le Figaro – cùng Fondation Tocqueville và cơ quan tư vấn Mỹ Atlantic Council – tổ chức một hội nghị khoa học lớn hôm nay, với tên gọi « Nền dân chủ phương Tây thế kỷ XXI », được sự tham gia của 150 nhà tư tưởng Pháp và quốc tế hàng đầu. Một trong các điểm được nhấn mạnh là sự rạn nứt trong nội bộ các xã hội dân chủ, giữa một bên là giới tinh hoa và bên kia là dân chúng.

Giới tinh hoa, mà nhà tiểu luận người Anh David Goodhart mệnh danh là nhóm « Anywhere », chiếm khoảng 20 đến 25% dân số, với học vấn cao hơn, khả năng di động dễ dàng, là nhóm được hưởng lợi trong quá trình toàn cầu hóa, cũng là những người ủng hộ tiến trình này. Ngược lại là nhóm « Somewhere », chiếm khoảng 50% dân số, sống gắn với các truyền thống, giá trị, với một vùng đất nhất định. Nhóm này được coi là những người bị thua thiệt trong toàn cầu hóa.

Nhà báo Brice Couturier thì lưu ý đến hai mặt trận mà « các nền dân chủ tự do » phải đối mặt. Một bên là các chế độ « dân chủ phi tự do », nhân danh đa số mà tấn công vào các quyền tự do cá nhân và Nhà nước pháp quyền, và bên kia là các chế độ độc đoán nhân danh tự do, nhân danh « các định chế (được coi là) hoàn toàn độc lập và mang tính kỹ thuật », để đưa ra các quyết định chính trị không chịu « sự kiểm soát của các thể thức dân chủ ». Liên Hiệp Châu Âu bị nêu ra như một ví dụ.

Liên hệ nhiều chiều giữa hai nguyên lý « dân chủ » và « tự do », khi thì phối hợp, nhưng « đôi khi » đối lập với nhau, là một vấn đề cổ điển của chính trị học, đó là lưu ý của nhà triết học Pháp Marcel Gauchet. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phối hợp quyền của cá nhân với quyền tập thể, của đa số, cụ thể như trong lĩnh vực di dân tị nạn, được coi là một trong các thách thức hàng đầu của Liên Âu.

« Sự phục thù của Kim Jong Un »

Hồ sơ nóng hạt nhân Bắc Triều Tiên là đối tượng một bài phân tích của Les Echos với nhan đề : « Sự phục thù của Kim Jong Un ». Theo nhà báo Yann Rousseau, từ Tokyo, thì viễn cảnh của thượng đỉnh Donald Trump và Kim Jong Un, dự kiến sẽ diễn ra tại Singapore tuần tới, không có gì tốt lành.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã giành được « một thắng lợi to lớn » trước tổng thống Mỹ, vốn có chiến lược được đánh giá là « hỗn độn ». Để đạt được một thượng đỉnh với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, tổng thống Mỹ từng hứa hẹn sẽ « rất cứng rắn » và đòi hỏi việc « phi hạt nhân hóa hoàn toàn, ngay lập tức, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược », tuy nhiên trong những ngày gần đây, dường như Washington đang hạ thấp mục tiêu. Việc phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên rất có thể sẽ chỉ được nêu ra một cách « chung chung » trong thỏa thuận.

Theo Les Echos, hiện tại Trung Quốc và Hàn Quốc đang dần dần nối lại các hợp tác kinh tế với Bình Nhưỡng, bất chấp các quyết định trừng phạt kinh tế quốc tế, được áp dụng mạnh từ cuối năm ngoái, để gây áp lực với Bắc Triều Tiên. Chế độ độc tài Bình Nhưỡng với sự thống trị của gia tộc họ Kim sẽ tiếp tục được duy trì, được « bình thường hóa » trong con mắt quốc tế.

Dự luật chống tin giả :

Nguy hiểm và không có khả năng áp dụng

Trở lại với dự luật chống fake news tại Pháp, được các nghị sĩ xem xét kể từ hôm qua, Le Monde chạy tựa trang nhất : « Thông tin bịa đặt : Một luật mới để làm gì ? », Le Figaro ghi nhận : « Dự luật chống fake news bị phản đối mạnh ».

Dự thảo chống « fake news » mà Quốc Hội Pháp chuẩn bị có mục tiêu trước hết là đề phòng cử tri bị thao túng, đặc biệt trong các kỳ tranh cử, mà tiêu biểu là nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và nhiều nước châu Âu những năm gần đây. Đối với tờ Le Figaro, dự thảo này chắc chắn sẽ « không có khả năng áp dụng ». Theo nhật báo thiên hữu, đây là một luật mang tính thời điểm, nhằm trước hết chống lại sự thống trị của các « tập đoàn California » (như Google, Amazon, Facebook hay Apple – tức nhóm GAFA) trong lĩnh vực thông tin, các công ty không hề quan tâm đến vấn đề « sự thật » hay « dối trá », mà chủ yếu sự gia tăng số lượng khách hàng, điều kiện để họ tăng doanh thu.

Còn theo xã luận Le Monde, dự luật là « vô ích », thậm chí còn nguy hiểm, bởi các hệ quả tiêu cực có thể « lớn hơn nhiều » so với các hậu quả do thông tin giả mạo. Theo Le Monde, một mặt định nghĩa về tin giả quá mơ hồ không cho phép áp dụng trên thực tế, mặt khác, điều rất nguy hiểm là, nếu được thông qua, một ngày nào đó một chính quyền độc tài sẽ sử dụng chính đạo luật này để áp đặt kiểm duyệt.

Vì phát triển, hãy giải tán GAFA !

Vẫn liên quan đến lĩnh vực thông tin, tin học, Doanh nhân Scott Galloway, mang tiêu đề « Đã đến lúc cần giải thể GAFA ». Ông là tác giả cuốn «The Four: The Hidden DNA of Amazon, Apple, Facebook, and Google» (tạm dịch là Bản chất được che giấu của bộ tứ GAFA). Theo ông, các đại công ty nói trên đã mang lại các « dịch vụ tuyệt vời », và về điểm này họ rất xứng đáng. Họ chỉ làm điều mà một doanh nghiệp hướng đến, tạo ra lợi nhuận. Vấn đề là các công dân đã thất bại trong việc cử ra các đại diện trong chính quyền có thể kiểm soát được các công ty này, buộc họ phải có trách nhiệm.

Theo doanh nhân Scott Galloway, Hoa Kỳ hiện tại không muốn « trừng phạt những anh hùng của mình », mặt khác lo ngại các tập đoàn Trung Quốc đang nổi lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, Scott Galloway khẳng định việc giải thể các công ty GAFA là « một điều tốt » cho nền kinh tế Mỹ, đang nằm trong sự thống trị của các nhóm độc quyền, bóp nghẹt sự phát triển của các doanh nhân nhỏ. Theo ông, chính quyền Mỹ hiện nay đang « ưu tiên các tỉ phú » hơn là các «triệu phú ». Với đà này, nước Mỹ sẽ trở thành vương quốc, nơi « 3 triệu lãnh chúa » thống trị « 350 triệu nông nô ».

Kem chống nắng đe dọa đại dương

Trong lĩnh vực môi trường, Le Monde chú ý đến lời kêu gọi chính quyền can thiệp của giới nuôi ong Pháp – tuyệt vọng vì đà suy sụp của nghề nuôi ong, do ảnh hưởng của hóa chất độc hại trong nông nghiệp.

Le Figaro có bài nêu bật ảnh hưởng nguy hiểm thuốc chống nắng đối với môi trường đại dương. Kể từ năm 2021, sau một khu bảo tồn ở Mêhicô, đến lượt quần đảo Hawai sẽ cấm hai loại hóa chất được sử dụng nhiều trong kem chống nắng, bị coi là góp phần làm chết san hô. Hiện tại ước tính khoảng 25.000 tấn kem chống nắng thải ra biển hàng năm, ảnh hưởng không chỉ đến san hô, mà cả các loại tảo, hầu sò, các động vật phù du – những loài sinh vật là nền tảng của chuỗi cung ứng thực phẩm của đại dương.

Hiện tại các công ty mỹ phẩm đang xem xét lại công thức chế biến kem chống nắng, để đáp ứng đòi hỏi bảo vệ môi trường

Các tập đoàn dầu khí đến Vatican, bàn về sinh thái

Vẫn về môi trường, hôm nay, theo La Croix, nhiều lãnh đạo các tập đoàn dầu khí lớn như BP, Shell, hay Total…, đã tham dự một cuộc họp mặt tại Vatican, để bàn về vấn đề chuyển đổi mô hình năng lượng và bảo vệ sinh thái. Ngoài các tập đoàn dầu khí, còn có nhiều tập đoàn tài chính quốc tế lớn, như ông chủ BlackRock, nơi quản lý các tài sản trị giá 5.000 tỉ đô la.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180608-trang-nhat-song-gio-o-g7-du-luat-chong-tin-gia-bi-phan-doi%E2%80%A6-0

 

Tin đọc nhanh

Reuters) – Mỹ- Nga thăm dò tổ chức thượng đỉnh Trump-Putin. Matxcơva và Washington đang thảo luận về khả năng tổ chức cuộc gặp Donald Trump – Vladimir Putin. Một nguồn tin ngoại giao Nga xin ẩn danh tiết lộ với hãng tin Nga RIA là « có nêu vấn đề với đối tác Mỹ »nhưng không đạt được đồng thuận.

(AFP) – Miến Điện : Tu sĩ cuồng tín bị Facebook đưa vào sổ bìa đen. Nhìn nhận sai lầm trong việc để ngăn chận các luận điểm kỳ thị sắc tộc và tôn giáo lan tràn tại Đông Nam Á, David Caragliano, đặc trách chính trị của mạng Facebook ngày hôm qua cho biết nhóm Mabatha và các tu sĩ Phật giáo Miến Điện cực đoan bị Facebook cấm cửa. Mạng xã hội này từng bị Liên Hiệp Quốc tố cáo để cho loan truyền những thông điệp bài xích người Rohingya

(AFP) – Nicaragua phải dân chủ hóa để thoát khủng hoảng. Trong cuộc họp với tổng thống Daniel Ortega ngày thứ năm 07/06/2018, Hội Đồng Giám Mục Nicaragua đưa đề nghị dân chủ hóa đất nước. Hồng y Leopoldo Brenes kỳ vọng « tổng thống sẽ phúc đáp nhanh chóng »để Nicaragua thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng đã làm 134 người chết từ khi phong trào tranh đấu dân sinh xã hội bùng lên cách nay hai tháng. Đề nghị này nhận được sự đồng thuận của nhiều tầng lớp xã hội và đa số công dân, theo giải thích của chủ tịch Hội Đồng Giám Mục.

(AFP) – Achentina thắt lưng buộc bụng để vay tiền IMF. Để củng cố nền kinh tế đang lao đao, chính phủ Achentina vay 50 tỉ đôla của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và được IMF chấp thuận. Đổi lại, quốc gia Nam Mỹ này sẽ thi hành chính sách tăng thu giảm chi để giảm thâm thủng ngân sách. Đồng peso bị mất giá 20% trong hai tháng vừa qua. Cho dù tình hình kinh tế chưa rơi đến mức thảm hại, nhưng Achentina phải nhanh chóng tăng thêm trữ lượng ngoại tệ, ổn định thị trường chứng khoán và tạo môi trường hấp dẫn giới đầu tư với mục tiêu bình ổn vào năm 2020.

(AFP) – NATO hoan nghênh Đức tăng ngân sách quốc phòng. Chi phí phòng thủ chung của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, phần đóng góp của Châu Âu và Canada tăng thêm 4% từ đầu năm nay. Tổng thư ký NATO thông báo như trên nhân cuộc họp cấp bộ trưởng Quốc Phòng ngày hôm qua 07/06/2018 tại Bruxelles. Liên Minh cũng rất hài lòng vì chính phủ liên minh của Đức đạt được thỏa thuận nâng chi phí quân sự thêm 8%, tương đương với 1,5% GDP. Quyết định này góp phần làm giảm căng thẳng với Mỹ từ khi tổng thống Donald Trump kêu gọi đồng minh Châu Âu « chia sẻ gánh nặng » về an ninh.

(AFP) – Cúp Thế Giới 2018 : Anh lo ngại ủng hộ viên bóng đá bị tấn công. Trong bản báo cáo công bố hôm thứ năm, các dân biểu Anh trong Tiểu ban ngoại giao lo ngại « tâm lý bài Anh tại Nga » có thể biến thành bạo lực mà nạn nhân là các ủng hộ viên đội tuyển Anh sang Nga xem bóng đá. Những nguy cơ được tiểu ban ngoại giao nêu lên gồm : hooligan, kỳ thị người đồng tính, tâm lý chống Anh và âm mưu khủng bố. Bản báo cáo lấy làm tiếc là « Cúp thế giới được tổ chức tại một quốc gia không tôn trọng nhân quyền ».

(Reuters) – Trung Quốc : Truyền thông kêu gọi chuẩn bị đối phó « khủng hoảng » với Đài Loan. Xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo ngày 08/06/2018 cho rằng « Chẳng sớm thì muộn, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ phải đối đầu vì một cuộc khủng hoảng mới tại eo biển Đài Loan ». Bởi vì, Hoa Kỳ đang gia tăng áp lực lên Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông. Lời khẳng định này được đưa ra sau khi không quân Mỹ trong tuần này đã điều hai chiếc oanh tạc cơ có thể mang đầu đạn hạt nhân bay ngang khu vực và có những nguồn tin loan báo Washington đang xem xét khả năng gởi tầu chiến đi qua khu vực này.

(AFP) – Jordani : Chính quyền rút các dự luật cải cách gây tranh cãi. Thông báo này được tân thủ tướng Jordani, ông Omar Al Razzaz, đưa ra ngày 07/06/2018 sau 10 ngày biểu tình rầm rộ của hàng ngàn người dân. Nguyên nhân của làn sóng phản đối là chính phủ dự trù tăng thuế, tăng giá điện và nhiên liệu.

(AFP) – Sử dụng thiết bị bay điều khiển từ xa có vũ trang, Trump có khả năng qua mặt Obama. Trung tâm nghiên cứu phi chính trị Stimson Center ngày 07/06/2018 công bố một tài liệu cho biết Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump có xu hướng gia tăng dùng thiết bị bay điều khiển từ xa có vũ trang. Chỉ trong vòng một năm cầm quyền, tổng thống Mỹ có hơn 80 lần cho phép sử dụng loại thiết bị quân sự này tại Pakistan, Yemen, và Somali. Với nhịp độ này, ông Donald Trump có nguy cơ bỏ xa những người tiền nhiệm. Để so sánh, hãng tin Pháp nhắc lại trong hai nhiệm kỳ, Barack Obama đã cho phép 550 lần đánh bằng drone.

(AFP) – Pháp : Chất glyphosate trong mật ong, nông dân kiện Bayer. Nghiệp đoàn nuôi ong tại vùng Aisne ngày 06/06/2018 đã đệ đơn kiện tập đoàn hóa chất Bayer, hãng vừa kết thúc hợp đồng mua lại hãng Monsanto của Mỹ. Các nhà nuôi ong cho biết phát hiện chất glyphosate trong mật, theo như báo động của hãng chế biến mật ông Famille Michaud Apiculteurs, một trong những cơ sở nuôi và chế biến mật lớn nhất tại Pháp, nổi tiếng với nhãn hiệu Lune de Miel (tạm dịch là Trăng Mật).

(AFP) – Mỹ trao trả cho Tây Ban Nha một bức thư của Christophe Colomb. Bức thư nổi tiếng này được viết vào năm 1493, đã bị đánh cắp tại thư viện quốc gia của vùng Catalunya. Tài liệu này là một trong số 16 bản thư sao chép từ bản viết gốc theo yêu cầu của Christophe Colomb thời bấy giờ nhằm kể lại cho hoàng gia Tây Ban Nha về hành trình khám phá của ông. Sau 7 năm điều tra, chính phủ Mỹ ngày 06/06/2018 đã trao lại tài liệu này cho đại sứ Tây Ban Nha ở Mỹ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180608-tin-doc-nhanh