Đọc báo Pháp – 02/08/2017
Bắc Kinh bành trướng xuống ASEAN
với Con Đường Tơ Lụa qua Lào
Năm 2013, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra dự án về con đường tơ lụa mới, mà gần đây được đặt tên là dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường »(Belt and Road Initiative). Trong loạt bài viết « Mùa hè Figaro », đặc phái viên Sébastien Falletti của nhật báo thiên hữu giúp người đọc tìm hiểu năm chặng chính của dự án này, trong đó chặng thứ hai nói về « Hành lang kinh tế từ Côn Minh đến Singapore » với mục tiêu hoàn thiện vào khoảng năm 2025.
Có mặt tại Boten (Lào), đặc phái viên của Le Figaro miêu tả công trường hoạt động « 24/24 giờ », đang khoan đoạn đường hầm dài 9 km và sâu 40 mét trong lòng « Núi Hữu Nghị ».
Boten là thị trấn vùng biên, nằm giữa Côn Minh (Trung Quốc) và Vientiane (Lào), và trở thành « vùng đặc quyền kinh tế » được Lào cho Trung Quốc thuê trong vòng 99 năm. Ở đây, 90% dân cư là người Hoa, ngôn ngữ chính là tiếng Hoa, luật lệ và giờ giấc được áp dụng theo Bắc Kinh, điện thoại di động bắt sóng của China Unicom và giao dịch có thanh toán được bằng Alipay, hệ thống trả tiền thông qua điện thoại di động của Alibaba.
Bà Đoạn Ôn Bình (Duan Wenping), giám đốc marketing của tập đoàn xây dựng Trung Quốc Haifeng Group thực hiện đoạn đường hầm, cho biết « người Lào được đưa hết ra khỏi khu vực. Họ quá chậm và không có tay nghề. Từ nay đến ba năm nữa sẽ có khoảng 30.000 người Hoa sinh sống tại đây và trong tương lai là 100.000 người ».
Thị trấn Boten sắp sửa « đổi đời » vì Bắc Kinh đang có ý định biến thành một thành phố rộng 34 km2 và là trạm tiền tiêu mới cho « nền văn minh Trung Hoa ». Theo bà Đoạn Ôn Bình, « nhờ những tuyến đường tơ lụa mới, Boten sẽ trở thành một trọng điểm giao thông, là nơi trung chuyển của các tuyến đường sắt và của một tuyến đường cao tốc nối liền với Bangkok ».
Để thực hiện dự án, 7 quả đồi sẽ bị san ủi để mở rộng diện tích thêm 10.000 ha. Khu đô thị mới sẽ có một trung tâm thương mại, nhiều cửa hàng miễn thuế, một trường dạy tiếng Hoa, khoảng 10.000 phòng khách sạn để thu hút du khách Trung Quốc muốn tìm không khí trong lành, ba ngôi đền theo phong cách Lào sẽ được xây dựng để thêm phần dân dã và một trường đua ngựa 500 ha, được cho là « lớn nhất châu Á ».
Dự án được Nhà nước Trung Quốc ủng hộ, cho phép mượn được những khoản vay khổng lồ của Ngân hàng Xây Dựng Trung Quốc (China Construction Bank). Bà Đoạn Ôn Bình cho biết « Việc thương lượng với chính phủ Lào rất dễ dàng. Chỉ cần rót ít tiền lót tay là được ».
Các nước láng giềng tăng cường đề phòng Trung Quốc
Với đoạn đường hầm chiến lược xuyên « Núi Hữu Nghị », song song với trục đường cao tốc, tuyến đường sắt sẽ rút ngắn thời gian đi lại, giữa Côn Minh và thủ đô Vientiane của Lào, xuống còn 10 giờ. Sau đó, tuyến đường sắt được nối tiếp bằng trục Vientiane-Bangkok vừa được Bắc Kinh ký nhiều thỏa thuận trị giá 5,2 tỉ đô la với chính quyền quân sự Thái Lan (song song với một dự án đường bộ từ bắc Thái Lan đến Bangkok). Mạng lưới này sẽ được nối vào tuyến đường sắt cao tốc Kuala Lumpur-Singapore mà Malaysia vừa khởi công xây dựng.
ASEAN là khu vực quan trọng về kinh tế, cũng như về địa chiến lược. Bà Đoạn Ôn Bình giải thích : « Đường cao tốc tới Bankok sẽ nối với cảng Moulmein ở Miến Điện, một quốc gia quan trọng với Trung Quốc. Trong trường hợp chiến tranh, nguồn tiếp tế đến từ châu Âu hay Trung Đông sẽ không còn bị phụ thuộc vào mỗi eo biển Malacca, do Singapore kiểm soát ».
Với điều kiện Miến Điện tham gia cuộc chơi, Trung Quốc mới chấm dứt được « thế nước đôi của Malacca » mà cựu chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từng nhắc đến, nhằm ám chỉ đến việc 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc từ Trung Đông phải đi qua khu vực này, trong khi Singapore là một đồng minh của Mỹ.
Trung Quốc đang tràn xuống Đông Nam Á, nhưng vấp phải sự lo ngại ngày càng lớn của các nước trong vùng trước một « cuộc xâm lược » mới. Chỉ có Lào là mắt xích yếu trong vùng, giữa một bên là Việt Nam chống Trung Quốc và bên kia là Miến Điện ngày càng hoài nghi. Lào trở thành trung gian giúp Bắc Kinh vươn xuống miền nam. Giáo sư Jean-Pierre Cabestan thuộc đại học Baptiste Hồng Kông đánh giá « đảng Pathet Lào là một băng đảng mafia và Lào đã thành một vệ tinh của Trung Quốc ».
Trung Quốc là nước có lợi nhất trong dự án Con Đường Tơ Lụa Đông Nam Á. Bắc Kinh sẽ hưởng 70% lợi nhuận từ tuyến đường sắt và có thể xây dựng những dự án bất động sản sinh lời dọc bên đường. Các doanh nghiệp Trung Quốc chỉ sử dụng lao động người Hoa. Còn người Lào sẽ chỉ hưởng « đầu thừa đuôi thẹo », như làm dọn phòng trong khách sạn.
Thế nhưng, sự phát triển quy mô lớn này lại che giấu những điểm yếu khổng lồ bên trong. Theo bà Đoàn, « dự án một con đường, một vành đai là điều không thể tránh được, vì nếu không, tình trạng sản xuất dư thừa của ngành công nghiệp Trung Quốc sẽ bùng nổ ». Bắc Kinh xuất khẩu mô hình tăng trưởng dựa trên cơ sở hạ tầng và nguồn tín dụng dễ dãi với nguy cơ hình thành những thành phố ma mới và khối nợ cao như núi bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Venezuela : Chuyển hướng sang độc tài,
Maduro khiến quốc tế lo ngại
Venezuela chìm trong bất trắc sau cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến ngày 30/07/2017, đặc biệt sau sự kiện hai nhà đối lập bị bắt giữ tại nhà riêng. Trong khi đó, phiên họp khai mạc chính thức của Quốc Hội mới, được dự kiến vào ngày 02/08, vẫn chưa được khẳng định.
Nhật báo Le Monde đánh giá « Venezuela chìm trong bất trắc ». Từ trừng phạt một số quan chức cao cấp của Caracas, Washington trừng phạt đích danh tổng thống Maduro vào ngày 31/07. Lãnh đạo Venezuela trở thành nguyên thủ thứ tư bị Mỹ trừng phạt, sau tổng thống Syria Bachar Al Assad, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe. Nhiều quốc gia, trong đó có Liên Hiệp Châu Âu, chỉ trích Quốc Hội Lập Hiến. Ngược lại, Nga và Cuba công nhận kết quả cuộc bầu cử.
Libération nhấn mạnh đến sự kiện « Hai nhà đối lập quay lại nhà tù » sau khi được trả tự do và bị quản thúc tại gia trước khi diễn ra cuộc bầu cử. Đánh giá sự kiện này, Les Echos cho rằng « Venezuela : Chuyển hướng sang độc tài, Maduro khiến quốc tế lo ngại ». Chủ tịch Nghị Viện Julio Borges, thuộc phe đối lập, khẳng định cơ quan lập pháp vẫn tiếp tục làm việc bất chấp cuộc bầu cử gây tranh cãi cách đây hai ngày.
Brazil : Số phận tổng thống Temer trong tay các nghị sĩ
Vẫn tại Nam Mỹ, số phận của tổng thống Brazil cũng được các nhật báo Pháp đề cập. Hôm nay, Quốc Hội sẽ quyết định liệu ông Michel Temer có bị xét xử về tội tham nhũng hay không.
Nhận xét về sự kiện hiếm hoi ở Brazil, nhật báo Le Figaro cho rằng « Số phận tổng thống Temer nằm trong bàn tay nghị sĩ ». Trong trường hợp đa số phiếu ủng hộ tiếp tục truy cứu tư pháp, ông Temer sẽ bị đình chỉ chức vụ tổng thống, có thể lên đến 180 ngày. Chủ tịch Hạ Viện Rodrigo Maia sẽ lên thay thế, song ông Maia hiện cũng đang bị điều tra tham nhũng.
Nhật báo La Croix đưa tin : « Tổng Brazil Michel Temer tìm cách cứu ghế ngồi của mình ». Sau hơn một tháng tăng cường vận động hành lang « bổ nhiệm vị trí, tạo đặc quyền » để có phiếu ủng hộ, chính phủ chắc chắn thu được 172 phiếu cần thiết để tránh phế truất ông Temer. Thông tín viên của La Croix nhận định, giống như đợt phế truất tổng thống Dilma Rousseff năm 2016, cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ mang tính chính trị hơn là tư pháp.
Phe đối lập với tổng thống, có vẻ yếu thế lần này, « dường như muốn kế vị tổng thống không được lòng dân tiếp tục nắm quyền để toàn tâm toàn ý vào cuộc bầu cử năm 2018 ».
Pháp tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè 2024
Thế Vận Hội mùa Hè 2024 thuộc về Pháp là chủ đề trang nhất của hầu hết nhật báo. Le Monde chạy tựa : « Paris rộng đường chuẩn bị Olympic 2024 », với La Croix, « Paris sẵn sàng chào đón sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh vào năm 2024 », Le Figaro nhận định : « Paris 2024, Thế Vận Hội thế là đã xong », còn Les Echos đặt câu hỏi « Paris đã giành được JO 2024 như thế nào ? »
Ngày 31/07/2017, Los Angeles, thành phố ứng cử đăng cai Olympic với Paris, đã chính thức cho biết muốn đang cai Olympic 2028. Vì thế, thủ đô Paris của Pháp là ứng viên duy nhất còn lại muốn đăng cai Olympic 2024. Paris đã đầu tư 6,6 tỉ euro để được đăng cai Thế Vận Hội. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng của Ủy ban Thế Vận chỉ được thông báo sau lá phiếu ngày 13/09.
Du khách Trung Quốc trở lại Pháp
Đây là chủ đề trên trang nhất của Le Figaro. Sau năm 2016 khó khăn, ngành khách sạn và thương mại Pháp vui mừng thấy những du khách Trung Quốc trở lại. Đây là khách hàng quan trọng vì họ sẵn sàng chi trung bình 200 euro mỗi ngày, trong đó 1/3 dành cho mua sắm.
Trong trái tim người Hoa, Pháp và Paris vẫn chiếm vị trí đầu tiên tại châu Âu vì với họ, « Paris là thành phố của lãng mạn, của lịch sự và họ hình dung mọi người ra đường đều mặc Dior và xực nước hoa Chanel ». Pháp thu hút đến 24,6% lượng du khách Trung Quốc, song vẫn mất 3 điểm so với cách đây ba năm vì tình trạng « cướp giật và móc túi, được cho là những thiệt hại cho lĩnh vực du lịch ».
Số du khách tự đến Pháp chiếm 40% tổng du khách Trung Quốc, đó là « một thế hệ mới độc lập, kết nối và đi tìm sự độc đáo ». Sau Paris, du khách Trung Quốc muốn đến những địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Pháp, bắt đầu từ những địa điểm được xếp hạng di sản thế giới của Unesco. Chính vì vậy, các tỉnh của Pháp cũng muốn có phần trong « miếng bánh » béo bở này.
Từ ngày 02/08, nhân loại ăn lạm quỹ tài nguyên của năm 2017
Ngày 02/08 đánh dấu « ngày tiêu thụ vượt quá giới hạn phục hồi tài nguyên của Trái Đất »(Earth overshoot day) của năm 2017, có nghĩa là từ nay đến cuối năm, con người ăn lạm vào nguồn tài nguyên trên hành tinh.
Với Le Figaro, « Ngày 02/08, ngày mà chỉ một Trái Đất không còn đủ », Le Monde và Les Echos cùng đưa tin : « Kể từ ngày 02/08, nhân loại sống nhờ vay mượn ». Trang nhất và mục « Sự kiện » của Libération là hàng tựa lớn « Trái Đất đang phải đi vay ». Nhật báo nhấn mạnh : Thời điểm mà bạn đọc hàng tựa này, có 1 triệu kg khí CO2 thải vào khí quyển, 41.200 kg thức ăn bị bỏ đi, 10.000 kg thịt bò được tiêu thụ, 4.900 kg cá bị đánh bắt.
Theo tính toán của Viện nghiên cứu quốc tế Global Footprint Network, tại Oakland (Calofornia), tiêu thụ của nhân loại vượt hơn 70% các nguồn tài nguyên có trên Trái Đất, có nghĩa là cần có 1,7 hành tinh như Trái Đất để đáp ứng nhu cầu của con người.
Hậu quả của tình trạng tiêu thụ quá mức là nạn phá rừng, hệ sinh thái suy giảm, thiếu nước, đại dương bị axit hóa, lở đất, tích lũy rác thải hay lượng khí CO2 tăng trong bầu không khí…
Nếu như năm 1961, 1/4 trữ lượng Trái Đất còn chưa được khai thác, thì từ năm 1970, nhân loại bắt đầu ăn lạm vào nguồn tài nguyên và hàng năm, ngày này đến càng sớm hơn, như năm 1985 là ngày 05/11, năm 2009 là ngày 20/08 và 2016 là ngày 08/08.
Tin đọc nhanh
(AFP) – Trung Quốc bảo vệ quyền khai thác khí đốt ở Biển Hoa Đông
Ngay sau khi Tokyo phản đối Bắc Kinh đưa giàn khoan đến vùng hải giới Nhật –Trung, bộ Ngoại Giao Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của Tokyo cho rằng Trung Quốc đã « đơn phương khai thác » tài nguyên tại một khu vực, mà theo chính quyền Nhật Bản, « ranh giới trên biển » Hoa Đông còn chưa được phân định. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nhấn mạnh, khái niệm « ranh giới trên biển » là một đề nghị do Tokyo đơn phương nêu lên. Theo báo chí Nhật, từ tháng 10/2016, Trung Quốc đã bắt đầu các hoạt động khai thác tại vùng giáp ranh và đã bố trí 16 giàn khoan tại đây.
(Reuters) – Nhật Bản : Tái bổ nhiệm cựu bộ trưởng Quốc Phòng
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ tái bổ nhiệm cựu bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera. Đài truyền hình Nhật Bản NHK ngày 02/08/2017 đưa tin trên. Ông Itsunori Onodera từng là bộ trưởng Quốc Phòng trong gần 2 năm, sau khi thủ tướng Shinzo Abe tái đắc cử vào năm 2012. Tuần trước, bộ trưởng Tomomi Inada phải từ chức, vì dính líu tới bê bối che giấu tài liệu về hoạt động của lực lượng lính Mũ Xanh Nhật Bản tại Nam Sudan.
(AFP) – Hai cựu thủ tướng Thái Lan thoát án tù
Cựu thủ tướng Thái Lan Somchai Wongsawat và cựu thủ tướng Chavalit Yongchaiyudh hôm nay 02/08/2017 đã bị xét xử với cáo buộc lạm dụng quyền lực, ra lệnh cho cảnh sát trấn áp người biểu tình hồi năm 2008 khiến 2 người chết và 500 người bị thương. Tuy nhiên, hai nhân vật trên đều được Tòa án tối cao Thái Lan xử trắng án.
(Reuters) – Cựu thanh tra tham nhũng Trung Quốc bị khai trừ Đảng
Theo thông cáo ngày 02/08/2017 được đăng tải trên website cuả Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương Đảng Trung Quốc, ông Trương Hoa Vĩ (Zhang Huawei) bị khai trừ khỏi đảng vì lý do lạm dụng quyền lực làm giàu bất chính. Theo thông cáo trên, cựu thanh tra này đã “mất đường lối và niềm tin vào Đảng”, gây tổn hại đến thanh danh của Ủy Ban trong mục đích bài trừ tham nhũng.
(AFP) – Cam Bốt đóng cửa một tổ chức phi chính phủ Mỹ chuyên giúp đỡ trẻ em bị buộc phải hành nghề mãi dâm
Thủ tướng Hun Sen ngày 02/08/2017 ra lệnh đóng cửa Agape International Missions (AIM), hoạt động tại Cam Bốt từ năm 1988. Phnom Penh bắt tổ chức này rời khỏi Cam Bốt. Quyết định trên được đưa ra sau một phóng sự về hoạt động của tổ chức này, được chiếu trên đài truyền hình Mỹ hôm 25/07/2017. Lãnh đạo Cam Bốt coi đây là một sự “sỉ nhục” đối với xứ Chùa Tháp.
(AFP) – Tỷ lệ gia tăng HIV tại Philippines cao nhất châu Á
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc ngày 01/08/2017, trong thời gian từ 2010 đến 2016, số trường hợp phát hiện nhiễm HIV tại Philippines tăng 140%, trong khi các nước khác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giảm 13%. Bà Genesis Samonte thuộc cơ quan Dịch Tễ Học, bộ Y Tế Philippines, cho biết 80% số ca HIV do hoạt động tình dục đồng giới nam, và tình trạng lây nhiễm sẽ tiếp tục gia tăng, nếu chính phủ không đầu tư vào biện pháp ngăn chặn và điều trị.
(AFP) – Mỹ : Christopher Wray được bổ nhiệm giám đốc FBI
Với 92 phiếu thuận, 5 phiếu chống, ngày 01/08/2017 Thượng Viện Hoa Kỳ bật đèn xanh cho ông Christipher Wray, 50 tuổi, lãnh đạo Cục Điều Tra Liên Bang FBI, thay thế ông James Comey đã đột ngột bị tổng thống Trump cách chức cách nay ba tháng. Wray từng là một quan chức cao cấp của bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, ông được các thượng nghị sĩ của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ủng hộ để lãnh đạo FBI trong một nhiệm kỳ 10 năm.
(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ thay thế lãnh đạo Không Quân, Hải Quân và Lục Quân
Hội Đồng Quân Sự Tối Cao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 02/08/2017 đưa ra quyết định nói trên, sau một cuộc họp kín kéo dài trong 4 giờ đồng hồ, được đặt dưới sự chủ tọa của thủ tướng Binali Yildirim. Quyết định trên sẽ còn phải được đệ trình lên tổng thống Erdogan. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chưa bình luận về tin trên. Một bộ phận trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào cuộc đảo chính hụt hồi tháng 7/2016.
(AFP) – Pháp tiến thêm một bước trên con đường cải tổ luật lao động
Ngày 01/08/2017 Hạ Viện Pháp ồ ạt bỏ phiếu cho đề nghị cải tổ luật lao động bằng sắc lệnh của chính phủ, với 421 phiếu thuận, 74 phiếu chống. Thượng Viện sẽ cứu xét dự luật này vào tuần tới.