Điểm Báo Pháp – 22-2-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 22-2-2016

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đang theo dõi vụ bắn tên lửa tầm xa (ảnh do Yonhap công bố ngày 07/02/2016) – REUTERS/Yonhap/Files

Theo RFI – Thu Hằng – 22-02-2016

Bài báo mở đầu với nhận định: «Kim Jong Un đang đùa với lửa », được hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chưa nhắc tới phản ứng của cộng đồng quốc tế, vụ thử hạt nhân dưới lòng đất vào ngày 06/01 có thể đánh thức ngọn núi lửa trên dãy núi Trường Bạch (Paektu), theo phân tích của các nhà khoa học Hàn Quốc.
Tiếp theo, các vụ thử từ đầu năm 2016 hoàn toàn đi ngược với các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Bắc Triều Tiên lại ở vị thế đối đầu với các cường quốc, đứng đầu là TC và Hoa Kỳ hiện vẫn đang bất lực trước «lãnh tụ tối cao » mới khoảng 33 tuổi của Bắc Triều Tiên.
Vậy Kim Jong Un còn có thể đi tới đâu? Và liệu ông ta có thực sự đe dọa an ninh trong khu vực Bắc Á hay không? Theo tác giả bài viết, chế độ Bình Nhưỡng mang ba mối đe dọa chính: đe dọa hạt nhân, đe dọa tên lửa đạn đạo và đe dọa xảy ra một cuộc xung đột với Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo
Từ khi lên cầm quyền vào năm 2011, Kim Jong Un biến «bom » thành hình ảnh quảng bá cho chế độ. Một năm sau, bản Hiến Pháp được mở đầu bằng lời giới thiệu mới, tự hào khẳng định Bắc Triều Tiên là một «Nhà nước nguyên tử ». Và từ đó, để tiếp nối con đường của «cha ông », nhà lãnh đạo trẻ củng cố quyền lực lãnh đạo bằng chương trình nguyên tử.
Thế nhưng, Kim Jong Un còn tỏ ra «hơn cha », dù không có tài ngoại giao, theo nhận định của nhà nghiên cứu Cheong Seong Chang, thuộc viện Sejong tại Seoul. Vì cố lãnh tụ Kim Jong Il biết dùng chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng làm «công cụ mặc cả » với chính quyền của tổng thống Georges W. Bush thời đó. Ngược lại, Kim Jong Un muốn phát triển một kho vũ khí hạt nhân thật sự, có khả năng đe dọa nước Mỹ. Nhà lãnh đạo độc tài này có đầy đủ điều kiện cần thiết để thực hiện kế hoạch này, nhờ trình độ công nghệ của các nhà khoa học và quân sự Bắc Triều Tiên và đặc biệt là ngân sách dành cho quốc phòng chiếm tới 23,8% GDP của đất nước. Đây là một kỷ lục thế giới !
Nguy cơ xung đột với Hàn Quốc và Hoa Kỳ, gây bất ổn trong khu vực Đông Bắc Á
Liệu Bắc Triều Tiên có thể tấn công được tới Hoa Kỳ? Theo bản báo cáo được đại học Johns-Hopkins tại Washington công bố, Bình Nhưỡng có khoảng 10 đến 15 quả bom tính tới cuối năm 2014, và có tham vọng phát triển lên thành 20 đến 100 quả bom vào khoảng năm 2020. Vì vậy, Bình Nhưỡng tái khởi động chương trình làm giầu uranium tại khu vực Yongbyon. Sau nhiều lần thử nghiệm, Bình Nhưỡng khăng khăng khẳng định là đã có đủ khả năng tấn công tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Trên lý thuyết, tên lửa của Bắc Triều Tiên có thể chạm tới căn cứ trên đảo Guam, thậm chí là tới tiểu bang Alaska của Mỹ.
Bình Nhưỡng cũng khẳng định đã thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân. Theo nhận định của ông Daniel Pinkston, thuộc International Crisis Group, thông tin này «không kiểm chứng được » nhưng hoàn toàn «có thể ». Tuy vậy, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Alison Evans, thuộc viện quốc phòng ISH Jane’s Defense, «bước tiếp theo mới mang tính quyết định: Cần phải phóng thành công một vệ tinh lên quỹ đạo. Đây sẽ được cho là dấu hiệu chứng tỏ Bình Nhưỡng có khả năng sản xuất được tên lửa xuyên lục địa ICBM và được trang bị đầu đạn hạt nhân có khả năng đe dọa Mỹ». Chính vì vậy, chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ còn tiến hành nhiều vụ phóng vệ tinh khác và sẽ còn gây thêm căng thẳng.
Dù khó lòng tấn công tới tận Hoa Kỳ khi có tới 28.500 quân nhân Mỹ đang đóng tại Hàn Quốc, song chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hoàn toàn có nguy cơ đe dọa tới hòa bình và ổn định địa chiến lược trong khu vực Đông Bắc Á.
Hàn Quốc buộc phải hiện đại hóa trang thiết bị quân sự và xích lại gần hơn người «anh cả »Hoa Kỳ. Động thái này sẽ khiến TC lo ngại. Ngay sau vụ bắn tên lửa tầm xa ngày 07/02 của Bình Nhưỡng, Hàn Quốc công khai ý định muốn gia nhập hệ thống chống tên lửa THAAD của Mỹ, luôn bị Bắc Kinh coi là một mối đe dọa. Thậm chí, một số người Hàn Quốc còn muốn nước này có bom riêng để cân bằng tương quan lực lượng với người anh em miền bắc và độc lập với quân đội Hoa Kỳ. Kịch bản này chỉ khiến tình hình trong khu vực trở nên xấu hơn và sẽ buộc Nhật Bản cũng phải trang bị vũ khí nguyên tử. Như vậy, hai nền kinh tế lớn của thế giới và là hai cựu thù Trung Quốc và Nhật Bản lại có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến mới.
Ấn Độ: Chủ nghĩa dân tộc đáng lo ngại của thủ tướng Modi 
Ấn Độ là một quốc gia châu Á khác được nhắc tới sau loạt xung đột trên quy mô toàn quốc giữa người dân biểu tình và chính quyền xảy ra vào tuần trước. Trong bài xã luận «Chủ nghĩa dân tộc đáng ngại của thủ tướng Modi », nhật báo Le Monde nhận xét từ khi ông Narendra Modi lên lãnh đạo chính phủ cách đây hai năm, nền dân chủ Ấn Độ có xu hướng ngày càng trở nên đen tối.
Theo nhận định của bài báo, sự kiện một sinh viên và một giáo sư đại học bị bắt vào tuần trước, vì bị cáo buộc « nổi loạn », là minh chứng mới nhất cho chính sách độc tài, bịt miệng mọi chỉ trích, của chính phủ của ông Modi. Dù nguyên nhân bắt giữ hai nhân vật trên vẫn chưa rõ ràng, sinh viên trên khắp đất nước đã xuống đường biểu tình phản đối.
Tại Ấn Độ, quyền tự do ngôn luận là kết quả được kế thừa từ triều đại Ashoka, vào thế kỷ III trước Công nguyên. Song hiện giờ, tự do ngôn luận dường như trở thành một « quyền lợi xa xỉ » giành cho một số người « bạo miệng».
Việc quyền lợi này bị chính quyền xâm phạm không hề mới tại Ấn Độ. Thế nhưng, những sự kiện gần đây cho thấy các nhà bảo vệ công lý và cảnh sát không thể bảo vệ được quyền cơ bản này. Minh chứng là những người ủng hộ thủ tướng Modi đã tấn công sinh viên, phóng viên và giảng viên đại học ngay bên trong tòa án trước sự dửng dưng của cảnh sát. Tờ Le Monde nhận định: Chủ nghĩa dân tộc Ấn Giáo mang đượm màu sắc hooligan.
Từ một năm nay, chính phủ của thủ tướng Modi cũng là mục tiêu tấn công của nhiều hiệp hội và tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là những tổ chức bảo vệ môi trường luôn bị chính quyền coi là những nhân tố gây cản trở cho tăng trưởng kinh tế. Chính vì vậy, khoảng 9.000 tổ chức phi chính phủ bị giải thể vì có nguồn kinh phí từ nước ngoài.
Trước tình hình nhân quyền ngày càng đi xuống tại Ấn Độ, cộng đồng quốc tế lại tỏ ra im lặng. Vì trước hết, họ không muốn gây trở ngại cho một đồng minh đáng giá trước sự phát triển mạnh mẽ của TC. Tiếp theo, họ cũng không muốn mất những cơ hội đầu tư vào Ấn Độ, một trong những nền kinh tế phát triển mạnh nhất thế giới. Pháp cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, Paris cũng muốn ưu tiên hợp tác ngoại giao kinh tế và các hợp đồng khổng lồ với quốc gia Nam Á này và luôn cố cư xử với Ấn Độ như một nền dân chủ lớn của thế giới.
Thế nhưng, tại khu vực nơi có tới 1/3 dân số thế giới sinh sống, «hình mẫu dân chủ » Ấn Độ có thể tác động tới các nước trong khu vực, hiện cũng đang bị nền độc tài đe dọa như Bangladesh và Maldives.
Donald Trump: Con thú dữ đang lên
Donald Trump, nhà tỉ phú nổi tiếng là ứng cử viên đáng tin cậy vào Nhà Trắng, sau chiến thắng tại bang Nam Carolina? Đây là câu hỏi được nhật báo Libération đăng trên trang nhất với dòng tựa: «Donald Trump: Con thú dữ đang lên ».
Hãy hình dung một buổi sáng tháng 11, chúng ta thức giấc với sự kiện Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, và Vladimir Putin ngự trị tại điện Kremlin? Đây là lời mở đầu của bài xã luận đăng trên tờ Libération. Nếu như vài tháng trước đây, viễn cảnh này còn tỏ ra khó tưởng, thì hiện giờ nó đang thành hình với đầy mối đe dọa.
Libération nhận định, sau chiến thắng tại vòng bầu cử sơ bộ tại bang Nam Carolina, dường như không gì có thể cản trở được đường tới cuộc đua vào Nhà Trắng của tỉ phú New York, bất chấp những lời phát biểu đầy phân biệt chủng tộc và giới tính của ông.
May mắn là «Marco Rubio vẫn còn là đối thủ Cộng Hòa đáng gờm của Donald Trump », theo như dòng tựa trên trang nhất của Le Figaro. Thượng nghị sĩ trẻ bang Florida đứng vị trí thứ hai tại bang Nam Carolina nhờ thu hút được cử tri nữ và thanh niên.
« Brexit»: con đường chông gai phía trước của thủ tướng Anh
Quay lại chủ đề «Brexit », sau khi Anh đạt được thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu, các báo Pháp đều nhận định: cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào tháng 06 sắp tới mới là thách thức chính của thủ tướng Cameron. Ngoài ra, thỏa thuận đạt được với Anh cũng khiến nội tình khối 28 nước bị chia rẽ, đặc biệt trong vấn đề tiếp nhận và quản lý người nhập cư.
Thủ tướng Anh David Cameron áp đặt luật chơi với Liên Hiệp Châu Âu, đây là lời nhận định của các nhật báo L’Humanité và Le Monde. Tờ Le Monde cũng cho rằng trường hợp của Anh có thể trở thành tiền lệ biến Liên Hiệp thành một khối mà các nước thành viên có thể «mặc cả » điều kiện riêng.
Trong khi đó, nhật báo kinh tế Les Echos đặt nghi vấn liệu đây có phải là một « bản thỏa thuận không có ý nghĩa, chỉ nhằm mục đích cứu thể diện cho thủ tướng Anh đang bị cuốn vào lời hứa tổ chức trưng cầu dân ý?»
Một cuộc trưng cầu dân ý mà từ hôm qua, người ta bắt đầu biết danh tính các đối thủ: một bên là thủ tướng Anh và bên kia là thị trưởng Luân Đôn, ông Boris Johnson: «Thị trưởng Luân Đôn thách thức David Cameron », như dòng tựa trên tờ Le Figaro. Cùng quan điểm với thị trưởng Luân Đôn, năm bộ trưởng cũng bỏ rơi người đứng đầu chính phủ khi tuyên bố vận động ủng hộ «Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu ».
Umberto Ecco, tác giả «Tên của hoa hồng » qua đời
Cuối cùng, tất các các nhật báo Pháp đều tưởng nhớ tới Umberto Ecco, nhà văn, nhà triết học người Ý, sinh tại Alexandrie (Ai Cập). Nước Ý để tang tác giả «Tên của hoa hồng » và «Chiếc đồng hồ của Foucault ».
Ngoài ra, Umberto Ecco còn nổi tiếng là nhà sưu tập sách và có khoảng 30.000 cuốn trong thư viện của mình. Ông từng nói đùa rằng: «Người nào không đọc sách, khi sống tới 70 tuổi thì chỉ sống có một cuộc đời, đó là cuộc đời của người đó. Còn người nào đọc sách thì có ít nhất 5.000 cuộc đời».
Lịch sử cũng là một đề tài được nhiều nhật báo Pháp quan tâm: Trận chiến đẫm máu tại Verdun (Pháp) cách đây tròn một thế kỷ. Libération điểm lại một vài con số: 300 ngày giao chiến trong sình lầy pha lẫn xương và máu với kết quả là khoảng 300.000 người chết bên cả hai phía Pháp và Đức.