Ðiểm Báo Pháp – 22/3/21
Serbia, cửa ngõ vào châu Âu cho Bắc Kinh
22/03/2021 – Cuộc chiến mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Serbia, sân sau của châu Âu, là đề tài được Le Monde quan tâm qua bài phóng sự dài có tiêu đề « Serbia, cửa ngõ vào châu Âu cho Bắc Kinh ». Quảng cáo https://989e9fd26c80d53e9db9aaf02c84e9f9.safeframe.googlesyndication.com/safeframe/1-0-37/html/container.html
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã trở thành người ngợi ca tình hữu nghị Serbia – Trung Quốc, cho dù Serbia đang là ứng viên gia nhập Liên Âu và nhận được rất nhiều khoản hỗ trợ tài chính của Bruxelles. Có những phát biểu ủng hộ Liên Âu, mơ ước đưa Serbia trở thành thành viên Liên Hiệp, nhưng ông Aleksandar Vucic cũng là người đã ký rất nhiều hợp đồng với các tập đoàn công nghiệp của Trung Quốc, góp phần làm tỏa sáng hình ảnh của Tập Cận Bình ở cửa ngõ châu Âu.
Đối với đặc phái viên của Le Monde tại Belgrade và thành phố Bor, miền đông Serbia, vụ công ty Tử Kim (Zijin) của Trung Quốc đầu tư 1,3 tỉ đô la mua lại một khu mỏ và công ty khai thác quặng và luyện đồng ở thành phố Bor, đưa lao động Trung Quốc đến làm việc, gây nhiều vấn đề ô nhiễm môi trường, khiến nhiều người Serbia phải rời đi … là một trong những hệ quả nặng nề nhất từ chính sách thân Bắc Kinh của tổng thống Serbia.
Kịch bản vay nợ tương tự như châu Phi
Ngoài các thương vụ đầu tư gây tranh cãi của giới tư nhân Trung Quốc, Le Monde còn liệt kê hàng loạt hợp đồng xây dựng hạ tầng cơ sở Nhà nước mà tổng thống Serbia dành cho Trung Quốc, không qua gọi thầu theo luật định châu Âu. Publicité
Cũng như ở châu Phi, Bắc Kinh cho Serbia vay với điều kiện các công ty của Trung quốc phụ trách xây dựng. Ở Serbia, Trung Quốc đã xây dựng một số đường cao tốc, một cây cầu, một nhà máy điện mới … theo phương thức này. Một nhà đối lập Serbia thuộc phe thân châu Âu lo ngại nếu một ngày nào đó, Serbia không thể trả nợ, Trung Quốc sẽ đòi sở hữu một công ty điện hay một doanh nghiệp trong một lĩnh vực chiến lược để trừ nợ.
Le Monde còn lấy một ví dụ đáng ngại khác : Trong khi ngành đường sắt Serbia tổ chức cho đặc phái viên báo Le Monde đến thăm trụ sở một công ty Trung Quốc, các nhân công Trung Quốc đã chặn lối vào ở phút cuối mà không một lời giải thích. Chính quyền Serbia cũng bất lực, không can thiệp nổi …
Covid-19, cánh cửa nối Trung Quốc với Serbia
Le Monde nhắc lại đại dịch Covid-19 là cơ hội để Bắc Kinh trở thành một người bạn mới của Belgrade, thậm chí vượt mặt cả đồng minh truyền thống của Serbia là Nga. Vào tháng 03/2020, khi phải đấu tranh để có được khẩu trang từ Liên Âu, tổng thống Serbia tuyên bố « sự đoàn kết của châu Âu không tồn tại » và ca ngợi Trung Quốc là nước duy nhất đã giúp đỡ, cung cấp khẩu trang cho Serbia. Sau khi Bắc Kinh cho một máy bay chở dụng cụ y tế đến Serbia, đường phố Belgrade giăng đầy áp-phích lớn với biểu ngữ ca ngợi Tập Cận Bình.
Liên quan tới vac-xin ngừa Covic-19, trong khi Nga chỉ bán cho Serbia vài chục ngàn liều Sputnik V, đầu tháng 03, Trung Quốc đã chuyển đến Belgrade 2 triệu liều vac-xin của Sinopharm, nhờ đó Serbia trở thành một trong những nước có tỷ lệ dân số tiêm ngừa Covid-19 cao nhất châu Âu.
Bất chấp việc vac-xin Sinopharm không được Cơ quan Dược phẩm châu Âu bật đèn xanh, cũng như kết quả thử nghiệm vac-xin Sinopharm không được công bố trên một tạp chí khoa học quốc tế uy tín nào, người Serbia vẫn đang đổ xô đi tiêm phòng bằng vac-xin Trung Quốc, kể cả những nhà đối lập với tổng thống Aleksandar Vucic. Vị tổng thống Serbia giờ đây còn tự cho phép mình « chơi sang », gửi vac-xin cho các nước láng giềng thuộc Nam Tư cũ và đề nghị tiêm chủng cho tất cả các nhà ngoại giao nước ngoài tại Belgrade, thậm chí là với vac-xin Pfizer.
Ngoài y tế, Trung Quốc đang phát triển chính sách gây ảnh hưởng về văn hóa : Trong một tòa nhà mới tráng lệ ở khu New Belgrade, một Viện Khổng Tử hoành tráng đang chờ đến hết dịch để mở cửa. Hợp tác cũng diễn ra trong lĩnh vực an ninh. Tòa thị chính Belgrade đã lắp đặt hơn 1.000 camera nhận dạng khuôn mặt của tập đoàn Hoa Vi. Gã khổng lồ công nghệ thông tin và truyền thông của Trung Quốc đã biến thủ đô Serbia thành ví dụ đầu tiên về công nghệ « thành phố an toàn » ở châu Âu.
Đối với Le Monde, tại một quốc gia mà nền dân chủ vẫn còn rất mong manh, thiết lập quan hệ liên minh với việc sử dụng công nghệ giám sát từ một chế độ độc tài như vậy là rất đáng lo ngại. Vấn đề là Liên Âu vẫn chưa biết làm cách nào để bảo vệ « sân sau » khỏi sự thâm nhập của Trung Quốc.
Nga: Lạm phát – khủng hoảng xã hội có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị
Nhìn sang nước Nga, Le Monde chú ý đến tình trạng lạm phát. Trong vòng 1 năm, giá đường tăng 70%, dầu hướng dương tăng 24%, khoai tây tăng 40% … Theo Cơ quan thống Nga Rosstat, tính trung bình, giá lương thực tăng 8,2%. Có rất nhiều nguyên nhân : giá cả trên thị trường thế giới tăng ; đồng rúp giảm giá làm tăng giá nguyên liệu đầu vào và thúc đẩy các nhà sản xuất xuất khẩu hàng hóa, mùa đông khắc nghiệt làm giá rau quả trồng trong nhà kính tăng, dịch cúm gia cầm khiến giá gia cầm và trứng tăng cao … Lạm phát đã lên mức cao nhất kể từ năm 2015.
Mức sống của người Nga đã giảm hơn 10% kể từ năm 2013. Mỳ sợi không phải là biểu tượng của ẩm thực Nga, nhưng đã trở nên phổ biến với các gia đình có điều kiện khiếm tốn và trở thành biểu tượng cho một mùa đông khó khăn tại Nga. Chưa bao giờ nước Nga trải qua một thời kỳ nghèo đói kéo dài như vậy kể từ những năm 1990 : các kệ hàng siêu thị trống rỗng. Nhiều nghiên cứu xã hội học cho thấy 12% người dân không có đủ tiền mua thực phẩm, 25% phải dồn toàn bộ thu nhập để mua thực phẩm. Trong quý 2 năm 2020, số người sống dưới mức nghèo khó tăng 1,3 triệu, lên thành 20 triệu (13,5% dân số). Trung bình, 38,16% ngân sách hộ gia đình dành cho thực phẩm, mức cao kỷ lục kể từ năm 2010.
Trong bối cảnh đó, giá cả tăng cao được coi là mối quan tâm số một của người Nga, theo một cuộc thăm dò của Viện Levada vào tháng Ba. Tiếp theo là nạn nghèo đói, tham nhũng, thất nghiệp, bất bình đẳng giàu nghèo và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế. Đối với nhà chức trách, đây không chỉ là vấn đề xã hội, mà còn là mang tính chính trị, khi chỉ còn nửa năm nữa là đến kỳ bầu cử lập pháp dự kiến diễn ra vào mùa thu.
Sự bất mãn xã hội cũng là động lực mạnh mẽ cho các cuộc biểu tình do phe đối lập tổ chức vào tháng 01/2021 sau khi nhà đối lập Nga Alexei Navalny bị bỏ tù. Mức sống sụt giảm là một trong những chủ đề được những người biểu tình đề cập tới. Vào cuối tháng 2, Bloomberg công bố một phân tích đáng chú ý theo đó Nga trở thành một trong 5 quốc gia trên thế giới có rủi ro xã hội cao nhất từ giá lương thực, cùng với Ấn Độ hay Nigeria.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đối mặt với khủng hoảng di dân
Nhìn sang nước Mỹ, báo thiên hữu Le Figaro quan tâm đến thử thách mà tổng thống Mỹ Joe Biden đang phải đối phó : cuộc khủng hoảng di dân. Từng chỉ trích tổng thống Donald Trump về những biện pháp « vô nhân tính » trong chính sách nhập cư, giờ đây đến lượt vị tổng thống thuộc đảng Dân Chủ phải đối mặt với hồ sơ di dân, trong khi hàng trăm ngàn người nước ngoài đang dồn lại ở biên giới phía nam nước Mỹ.
Ở biên giới Mỹ – Mêhicô, trong những tuần qua, số người vượt biên giới trái phép vào Mỹ đã tăng nhanh chóng. Hồi tháng 02, lực lượng biên phòng đã thẩm vấn hơn 100.000 người nhập cư lậu, con số này đã tăng 20% so với tháng trước đó. Trong số những người nhập cư lậu, chính quyền liên bang ghi nhận có 15.000 trẻ vị thành niên mà chính quyền Mỹ không thể trục xuất như dưới thời Donald Trump. Hôm qua 21/03, bộ trưởng An Ninh Nội Địa Mỹ, Alejandro Mayorkas, thông báo đóng cửa biên giới với người nhập cư nhưng không thông báo biện pháp này kéo dài bao nhiêu lâu. Bộ trưởng Alejandro Mayorkas cũng khẳng định sẽ không trục xuất những trẻ vị thành niên hiện đang ở trên lãnh thổ Mỹ và hứa tăng khả năng tạo chỗ ở cho nhóm đối tượng này. Ông Mayorkas còn đổ lỗi cho chính quyền Trump vì đã dỡ bỏ hệ thống nhập cư thông thường.
Thế nhưng, báo thiên hữu Le Figaro nhận định chính chính quyền Biden đã góp phần lớn vào cuộc khủng hoảng di dân mới này khi hứa hẹn một chính sách chào đón người nhập cư nhân từ hơn, nhưng lại không cung cấp phương tiện để đối phó với dòng người nhập cư ồ ạt. Chính quyền Biden đã có nhiều biện pháp mà người nhập cư và các mạng lưới buôn người ở Mêhicô hiểu rằng Mỹ gần như đã mở biên giới. Lãnh đạo phe thiểu số của đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện Kevin McCarthy đã gọi đây là « cuộc khủng hoảng Biden » và chỉ trích là chỉ trong vài tuần, chính quyền Biden đã biến « một thắng lợi của quốc gia thành một thảm kịch quốc gia ».
Nước Pháp đặt cược vào biện pháp « phong tỏa thoáng khí »
Về tình hình nước Pháp, báo Công giáo La Croix quan tâm đến công tác phòng chống dịch Covid-19. Từ ngày thứ Bảy 20/03/2021, 21 triệu dân Pháp ở 16 tỉnh, trong đó có vùng Paris, bước vào đợt phong tỏa thứ 3 chống dịch Covid-19.
Phong tỏa thường gắn với hình ảnh mọi người phải ngồi nhà bí bách, nhưng báo Công giáo La Croix hôm nay chơi chữ gọi đợt phong tỏa lần thứ 3 tại Pháp là « phong tỏa thoáng khí ». Chính phủ dựa trên các kết quả nghiên cứu theo đó nguy cơ lây nhiễm Covid ở không gian ngoài trời thông thoáng thấp hơn nhiều so với khi mọi người tụ tập trong không gian khép kín.
Theo nhà dịch tễ học Dominique Costagliola, chính phủ tin cậy vào tinh thần tự giác, ý thức của người dân. Nhưng Jean-Paul Stahl, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Đại học Grenoble nhấn mạnh rủi ro là người Pháp háo hức chờ đón những tin tức tích cực, nên chỉ hướng đến những biện pháp mang lại cho họ nhiều sự tự do hơn, thậm chí là những biện pháp lỏng lẻo.
Tổng thống Pháp Emmanuel không muốn một biện pháp phong tỏa triệt để như hồi mùa xuân năm ngoái, theo ông từ « phong tỏa » là không phù hợp. Điều chính quyền Pháp muốn là kiềm chế đà lây lan của virus corona nhưng không để người dân bị nhốt trong nhà, mà cho phép họ có hoạt động ngoài trời trong vòng bán kính 10 km, không giới hạn thời gian và không cần giấy phép. La Croix đặt câu hỏi đây có thực sự là phong tỏa hay không.
Đối với báo La Croix, chiến lược này vẫn là một sự đặt cược đầy rủi ro. Tờ báo kết thúc bài viết bằng lời cảnh báo của Arnaud Fontanet, thành viên của Hội Đồng Khoa Học, cơ quan cố vấn cho chính quyền về đại dịch Covid-19 : « Tại vùng Paris, Hauts-de-France và Paca, không có chỗ cho sai lầm » bởi các khoa Hồi sức đã bão hòa gần như 100%.
Đầu tư vào công nghệ sạch một lần nữa đạt đỉnh vào năm 2020
Vẫn liên quan đến đại dịch Covid-19 tại Pháp, nhưng trong lĩnh vực kinh tế – tài chính, Les Echos quan tâm đến đầu tư vào công nghệ sạch với nhận định « Đầu tư vào công nghệ sạch một lần nữa đạt đỉnh vào năm 2020 ».
Khủng hoảng Covid đã không cản trở sự đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực môi trường. Với 1,2 tỷ euro đầu tư vào 94 công ty, năm 2020 thậm chí là năm đầu tư tài chính nhiều thứ hai trong vòng 10 năm qua. Như vậy, công nghệ sạch bảo vệ môi trường là lĩnh vực mà khủng hoảng Covid không hề gây suy yếu.
Sau khi đại dịch bùng phát kéo theo đó là đợt phong tỏa đầu tiên hồi tháng 3/2020 tại Pháp, các nhà đầu tư đã trở lại. Bà Sophie Paturle, chủ tịch Ủy ban khí hậu của France Invest, giải thích là ngành này thích ứng rất nhanh và rất cởi mở với sự đổi mới. Quá trình chuyển đổi năng lượng, lĩnh vực của các công nghệ sạch, cũng sẽ hưởng lợi và tăng tốc nhanh nhờ kế hoạch phục hồi kinh tế 100 tỷ euro do chính phủ Pháp triển khai để ứng phó với khủng hoảng.
Thùy Dương