Địa Chính Trị

Cac Bai Khac

No sub-categories

Địa Chính Trị

Nhân cuộc tranh luận gần đây (trên Facebook), tôi (Phạm Ngọc Hưng, đang ở VN) mới biết rằng có nhiều người nói về “địa chính trị”, nhưng không thực sự hiểu là gì.

Sách vở địa chính trị rất nhiều, nhưng toàn cao xa. Đài báo nhắc đến “địa chính trị” thường xuyên, nhưng đa phần đều dùng lạm.

Vậy địa chính trị là gì?

Địa chính trị là môn nghiên cứu về cạnh tranh quốc gia thông qua mối quan hệ giữa điều kiện địa lý tự nhiên và kinh tế— quốc phòng.

Đối tượng nghiên cứu là quốc gia, với giả định là lãnh đạo quốc gia hành xử trên lợi ích quốc gia thuần tuý, nên không phân biệt Kim, Tập, Obama hay Trump.

Cơ sở nghiên cứu là địa lý tự nhiên—là một yếu tố vững bền—để đưa ra các quy luật hay xu hướng lâu dài, không chú trọng sự kiện hay nhát cắt thời gian.

Đối tượng nghiên cứu trung gian là kinh tế và quân sự, không đả động đến văn hoá hay chủng tộc, nên không bàn người Nhật nghiêm túc ra sao hay Israel giỏi thế nào.

Tóm lại, địa chính trị là một môn duy lý, khoa học, không bà con gì với phong thuỷ, và khách quan bất chấp ai tin hay không.

Cuối cùng, nếu thấy ai đó lấy bản đồ phi-địa lý để nói về địa chính trị, bạn có thể kết luận ngay là FAKE STUFF.

FB Phạm Ngọc Hưng (VN) – 17/3/18

[PS. (from LMN): Hoa Kỳ có một viện nghiên cứu về địa chính trị nổi tiếng thế giới là Stratfor có trụ sở ở Austin, Texas.

Link: https://worldview.stratfor.com/ ]

 

Với một người bình thường muốn biết địa chính trị có gì quan trọng, thì tôi có thể nói ngay rằng là 3 khái niệm: vùng đất trung tâm (heartland), biên giới và tuyến mậu dịch (trade route).

Đấy cũng là 3 nét phác thảo chính của một quốc gia, giúp định hình mô thức hành xử của quốc gia đó.

Heartland là kho đụn của quốc gia: nó thường là đồng bằng hay châu thổ bằng phẳng, nhiều sông ngòi thuận tiện cho canh tác, vận chuyển, xây dựng cơ xưởng và sinh sống.

Nước Mỹ sở hữu heartland là đồng bằng-châu thổ sông Misissippi rộng nhất, màu mỡ nhất, thuận lợi vận chuyển nhất thế giới, cộng với vị trí giữa Á & Âu là lời giải thích cho sự phồn thịnh không ai bằng.

Biên giới là phên dậu của quốc gia: Ấn Độ được núi cao hiểm trở che chắn bốn bề nên yên tâm sáng lập phong trào Không liên kết, còn nước Nga thông thống với đồng bằng Bắc Âu, nên luôn phải bành trướng xa nhất có thể về phía Tây.

Tuyến thương mại cũng là một nguồn gốc thịnh vượng khác: nước Anh, nước Nhật đều không có heartland đủ lớn, nhưng nhờ vị trí nút trên tuyến thương mại đến Bắc Âu và Bắc Á mà trở nên giàu mạnh, xưng bá một thời.

Xét trên cả 3 phương diện, Việt Nam tuy không bằng nhiều nước lớn, nhưng cũng hơn nhiều quốc gia khác.

Đấy là chủ đề địa chính trị Việt Nam, mà tôi hy vọng sẽ chia sẻ vào một dịp khác.

FB Phạm Ngọc Hưng 18/3

 

Hán Sở tranh hùng kể chuyện đốt Sạn đạo, Tam Quốc Chí kể chuyện lục xuất Kỳ Sơn cho thấy biên giới hiểm trở quan trọng như thế nào.

Không phải ngẫu nhiên mà các đường biên giới tự nhiên đều chạy dọc theo núi cao sông rộng.

Mao sau khi lấy được Trung Nguyên, cấp tốc chiếm Tân Cương — Tây Tạng tiến đến chân dãy Himalaya, lúc đó mới yên tâm về biên giới trên bộ.

Còn như Putin ngày nay chỉ mơ ước có một dãy núi cao chắn giữa miền Đông và Tây Ukraine, vì hiện tại ông ta phải duy trì một lực lượng lớn ở đó rất tốn kém.

Quay lại với Việt Nam, thì đoạn biên giới từ Tây Ninh đến Kiên Giang chỉ là luỹ tre, nên khi Khmer Đỏ trở thành đe doạ thì không có lựa chọn nào khác ngoài đánh tràn tận nơi.

Những câu chuyện trên cho thấy, với mỗi quốc gia, một đường biên giới thuận lợi phòng thủ là tiền đề an ninh #1, mang tính sống còn.

Còn nếu không đạt được tiền đề đó?

Đấy là lĩnh vực khác: cách chống lại bất lợi địa lý, tuy không hẳn là một nội dung của địa chính trị, nhưng có liên quan.

FB Phạm Ngọc Hưng 19/3/18