Đằng sau cái chết của ông Kim Jong Nam, và phản ứng của Bắc Kinh

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đằng sau cái chết của ông Kim Jong Nam, và phản ứng của Bắc Kinh

Ông Kim Jong Nam được coi là một mối đe dọa đối với chế độ cai trị của ông Kim Jong Un.

 

VOA
15/02/2017 

Tin đồn lan truyền rằng cái chết của ông Kim Jong Nam, anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, đã được thực hiện theo lệnh của các giới chức cao cấp tại Bình nhưỡng, và rất có thể, thừa lệnh của chính ông Kim Jong Un.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc kiêm Thủ Tướng Hwang Kyo-ahn nói: “Nếu chứng minh được là cái chết của ông Kim Jong Nam là do chính quyền Bắc Hàn thực hiện, thì đây là một trường hợp cho thấy sự tàn bạo và vô nhân đạo của chế độ Kim Jong Un.”
Ông Kim Jong Nam được coi là một mối đe dọa đối với chế độ cai trị của người em khác mẹ vì những lời chỉ trích bộc trực của ông đối với chính sách đàn áp và đường lối cai trị độc tài ở trong nước, và bởi vì ông Kim Jong Nam là người ủng hộ các chính sách cải cách sẽ nới lỏng quyền kiểm soát của nhà nước. Một lý do khác là bởi vì những đồn đại cho rằng Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mong muốn thấy ông Kim Jong Nam thay thế Kim Jong Un trong cương vị lãnh tụ Bắc Hàn.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc hôm thứ Tư (15/2) nói rằng ông Kim Jong Un đã công bố “mật lệnh quân sự”, phải tuân thủ trong mọi trường hợp, là ám sát cho bằng được người anh cùng cha khác mẹ. Vẫn theo nguồn tin này thì đã có một âm mưu ám sát ông Jong Nam hồi năm 2012.
Ông Kim Jong Nam đã từng được Bắc Kinh bảo vệ và sống với người vợ thứ nhì của ông tại Macau thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Ông Ahn Chan-il, một người đào tị từ Bắc Hàn và hiện là một nhà phân tích tại Viện Quốc tế nghiên cứu các vấn đề Bắc Hàn, nói có phần chắc là các điệp viên Bắc Hàn, trà trộn trong số đông đảo người lao động làm việc trong công nghiệp khai thác khoáng sản và hầm mỏ ở Malaysia, đã được tin về kế hoạch du hành của ông Kim Jong Nam và quyết định ra tay trong khi ông không được sự bảo vệ của Trung Quốc.
Ông Ahn Chan-il nói: “Tôi tin rằng Bắc Hàn có thể đã cho đặc vụ trà trộn trong đám đông người lao đông. Trong khi hai phụ nữ bị tình nghi là thành viên của cơ quan trinh sát, có khả năng cao là ít nhất có hơn 10 người thuộc các cơ quan tình báo khác cũng có liên quan tới sứ mạng này.”
Chính quyền Hàn Quốc hôm thứ Tư (15/2) hối thúc tất cả những người đào tị Bắc Hàn hãy thận trọng đề phòng và giữ an toàn bản thân.
Chế độ khủng bố
Nếu được chứng minh, vụ ám sát người anh trai của lãnh tụ Kim Jong Un theo lệnh của nhà nước Bắc Hàn, sẽ cô lập hoá hơn nữa giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng, vốn đã phải chật vật xoay sở trong các điều kiện khắc nghiệt để tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi các vụ vi phạm nhân quyền diễn ra khắp nơi trong nước.
Viện An ninh Quốc gia Hàn Quốc hồi tháng 12 năm 2016 tố cáo Kim Jong Un đã hạ lệnh hành quyết 340 người kể từ khi ông ta lên nắm quyền vào tháng 12 năm 2011. Năm 2013, Kim ra lệnh tử hình chú của mình, ông Jang Song Thaek, từng được coi là người hướng dẫn tinh thần cho Kim Jong Un, và từng là nhân vật quyền lực thứ nhì của Bắc Hàn, về tội “phản bội”, theo Bình nhưỡng.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, nói cái chết của ông Kim Jong Nam là thêm một chỉ dấu khác nữa về những lo âu chính trị ở Bắc Hàn.
Giáo sư Thayer: “Ngay cả khi người anh của ông ta bị loại trừ, và rõ rệt là sẽ không bao giờ trở về để thách thức ông ta, đây có thể là thêm một chỉ dấu về những sự lo âu của Kim Jong Un.”
Trong nhiều ngày tới, Bắc Hàn sẽ đánh dấu sinh nhật của lãnh tụ tiền nhiệm, ông Kim Jong Il, cha của hai anh em cùng cha khác mẹ Kim Jong Nam và Kim Jong Un. Lễ lớn rơi vào ngày thứ Năm tuần này (16/2) được gọi là “Ngày Sao Sáng”, sẽ có những màn trình diễn trượt băng và bơi nghệ thuật, pháo bông và các cuộc tập họp đông đảo.
Phản ứng từ Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Tư (15/2) cho hay họ đang theo sát các diễn tiến trong vụ này, và lưu ý rằng nhà chức trách Malaysia đang tiếp tục điều tra cái chết của ông Kim Jong Nam.
Giới học giả và truyền thông nhà nước Trung Quốc không vội vàng đưa ra kết luận nào về cái chết của ông Kim Jong Nam trước khi cuộc điều tra kết thúc. Họ cũng tìm cách làm giảm tầm quan trọng của những mối liên hệ giữa người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un với Trung Quốc.
Ông Vương Đông, một nhà khoa học chính trị tại đại học Bắc Kinh, nói cái chết của ông Kim Jong Nam sẽ không thay đổi bất cứ điều gì, ông nói rằng tất cả những thách thức trên bán đảo Triều Tiên sẽ không tự nó biến mất.
Ông Vương nhận định: “Những gì xảy ra cho ông Kim Jong Nam hôm qua chỉ là một tin giật gân cho các tờ báo, tôi không tin là vụ này sẽ mang lại một thay đổi cơ bản, hoặc sẽ có tác động đáng kể nào tới tình hình chính trị tại Bình Nhưỡng.”
Tuy nhiên, trên mạng, cuộc thảo luận có vẻ bao quát hơn. Trong mấy năm trở lại đây, ông Kim Jong Un càng ngày càng trở thành mục tiêu bị diễu cợt trên mạng Internet ở Trung Quốc, giữa lúc các quan hệ giữa lãnh tụ của đất nước bị cô lập này với Bắc Kinh ngày càng căng thẳng hơn.
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa gặp ông Kim Jong Un từ khi ông này lên nắm quyền, và Kim Jong Un cũng chưa từng đi thăm Bắc Kinh, như cha ông đã làm trong quá khứ.
Nhà phân tích các vấn đề Bắc Á, Giáo sư Justin Hastings của Đại học Sydney, nói Trung Quốc trước đây đã răn đe là không được hãm hại ông Kim Jong Nam ngày nào mà ông còn ở trên lãnh thổ Trung Quốc, kể cả tại Macau.
Giáo sư Hastings cho rằng việc ông Kim Jong Nam đi thăm Malaysia cung cấp một cơ hội cho những kẻ chực sẵn, giết hại ông.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài VOA, Giáo sư Hastings nói: “Không mấy ngạc nhiên khi ông Kim Jong Nam bị giết. Trước sau gì thì ông Kim Jong Un cũng tìm cách hãm hại ông. Còn về thời điểm xảy ra chuyện này, thì đơn giản là đó là lúc thuận tiện để họ có thể ra tay.”