Cuộc tranh đấu chung quanh ý niệm dân chủ – Cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cuộc tranh đấu chung quanh ý niệm dân chủ – Cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy

Trong diễn tiến dung hòa và chống chọi nhau giữa các luồng tư tưởng chánh yếu, đã có một hiện tượng đáng lưu ý là cuộc tranh đấu nhau chung quanh ý niệm dân chủ. Hiện nay, có nhiều chủ trương cùng tự xưng là dân chủ, nhưng lại chống chọi nhau mãnh liệt.  Hai phe đã đương đầu nhau một cách dữ dội từ sau Thế Chiến i i là dân chủ tự do và dân chủ xã hội.

I.- So sánh quan niệm căn bản của hai bên.

A.- Những điểm tương đồng.

Sở dĩ cả hai phe chống chọi nhau đều tự xưng là dân chủ được là vì họ đã dựa vào một số quan niệm căn bản như nhau.

1-Theo mọi phe tự xưng là dân chủ, con người phải được tự do và bình đẳng.

2-Vì mọi người trong cộng đồng đều bình đẳng nhau nên không một cá nhân hay một dòng họ nào có thể làm chủ quốc gia, và quốc gia phải được xem là sở hữu của toàn thể nhân dân.

3-Do chỗ mọi người đều tự do và bình đẳng, và quốc gia là sở hữu của toàn thể nhân dân, nên người công dân không phải tùng phục một cá nhân nào, chỉ tùng phục luật pháp, và luật pháp này lại không phải là ý muốn của một cá nhân hay tổ chức nào, mà phải do ý muốn của nhân dân mà ra.

4-Luật pháp quan trọng như vậy cho nên cộng đồng phải có một thủ tục làm luật pháp rõ rệt, và mọi việc đều phải làm theo như luật pháp ấn định. Theo lề lối thông thường áp dụng ở các nước gọi là dân chủ, trên hết có đạo luật căn bản là Hiến pháp được thiết lập đầu tiên theo một thủ tục đặc biệt và có tính cách trường cữu.  Luật pháp thường phải phù hợp vời hiến pháp . Nhà cầm quyền phải được chọn lựa và bổ nhiệm đúng theo luật pháp, và khi được bổ nhiệm rồi thì phải tuân teo luật pháp trong khi hành sự.

5-Hiến pháp và các luật pháp căn bản phải bảo đảm một số quyền lợi đặc biệt của người dân trên căn bản tự do và bình đẳng.

B.- Những điểm dị biệt.

Tuy nguyên tắc căn bản giống nhau như trên đây đã nói, hai quan niệm dân chủ tự do và dân chủ xã hội lại có những điểm rất khác nhau vi một sự chọn lựa về cứu cánh và chủ trương căn bản đã đưa ra những qui tắc áp dụng khác nhau trong đời sống thực tế.

1.- Sự khác biệt trong cứu cánh và chủ trương căn bản. Về mặt cứu cánh, quan niệm dân chủ tự do lấy việc bảo vệ cá nhân, tức là con người với tư cách là người , làm trọng; trong khi quan niệm dân chủ xã hội lấy việc bảo vệ tập thể, tức là toàn thể cộng đồng làm trọng.

Tập thể chỉ có một quyền lợi vật chất và tinh thần duy nhất trong khi các cá nhân trong tập thể có nhiều quyén những ền lợi vật chất và tinh thần khác nhau. Do chỗ khác nhau này mà sự chọn lựa lấy cá nhân hay lấy tập thể làm trọng đã đưa các quan niệm dân chủ tự do và dân chủ xã hội dến những chủ trương căn bản khác nhau: một bên theo chủ trương đa phương, một bên theo chủ trương toàn diện.

2.- Sự khác biệt trong các qui tắc áp dụng ra thực tế. Trên bình diện thực tế, sự dị biệt trong cứu cánh và chủ trương căn bản đã đưa đến những dị biệt như sau đây:

a.- Chánh đảng và đối lập. 

Chế dân chủ xã hội theo qui tắc độc đảng và không công nhận đối lập, còn chế độ dân chủ tự do theo nguyên tắc đa đảng và chấp nhận đối lập.

– Quan niệm dân chủ  xã hội lấy việc bảo vệ quyền lợi tập thể làm cứu cánh. Tập thể vốn chỉ có một quyền lợi vật chất và tinh thần duy nhứt, và đảng Cộng sản là đoàn thể được thành lập để phục vụ quyền lợi đó.  Bởi vậy, chỉ có đảng Cộng sản mới được cầm quyền điều khiển công việc quốc gia . Trong khuôn khổ của quan niệm dân chủ xã hội, chống lại đảng Cộng sản là chống chọi lại quyền lợi tập thể, tức là quyền lợi chung của mọi người. Do đó, đối lập bị đồng hóa với phản quốc hại dân, và vì lẽ không chánh quyền nào có thể dung nạp những cá nhân và đoàn thể phản quốc hại dân, nên chế độ dân chủ xã hội không chấp nhận đối lập. Trong chế độ dân chủ xã hội , chỉ có đảng Cộng sản là được hoạt động và cầm quyền.  Nếu có lý do nào đó mà người  cộng sản còn  phải dung nạp một vài chánh đảng tồn tại thì các chánh đảng này cũng chỉ là các đảng nhỏ không thực lực, không có quyền tự do hoạt động, và không được đứng vào thế đối lập, mà phải giữ vai tuồng phụ trợ cho đảng Cộng sản. Kết quả của các qui tắc độc đảng là không công nhận đối lập, và chánh quyền lúc nào cũng phải do đảng Cộng sản nắm giữ. Sự giành quyền vị hay thay đổi lãnh đạo bị hạn chế trong khuôn khổ của đảng Cộng sản cầm quyền, không có sự tham dự của nhân dân.

Quan niệm dân chủ tự do lấy việc bảo vệ quyền lợi cá nhân làm cứu cánh mà mỗi cá nhân đều có quyền lợi vật chất và tinh thần riêng rẽ của mình, và các quyền lợi này  không thể hợp nhứt làm một được .  Bởi vậy, chế dộ dân chủ tự do phải để cho công dân kết hợp nhau trong nhiều chánh đảng, mỗi chánh đảng bênh vực cho quyền lợi vật chất và tinh thần của một số cá  nhân. Các chánh đảng đều được  tự do hoạt động để bành trướng thế lực và chen vào chánh quyền.  Chánh đảng hoặc nhóm chánh đảng nào có chương trình hoạt động phù hợp với quyền lợi của số đông thì được nắm chánh quyền , các chánh đảng khác giữ vai tuồng đối lập, chỉ trích chánh đảng cầm quyền và tìm cách chứng minh rằng sự hoạt động của chánh đảng hay nhóm chánh đảng cầm quyền không có lợi cho quốc gia .  Nếu đa số nhân dân cho rằng đối lập chỉ trích sai, họ sẽ tiếp tục ủng hộ phe nắm chánh quyền. Trái lại, nếu đa số nhân dân cho rằng đối lập có lý, họ sẽ đưa đối lập lên nắm chánh quyền , và phe cầm quyền cũ lại phải rời chánh quyền và làm đối lập, điều này chúng ta thấy ngay tại hầu hết những nước có nền dân chủ tự do Canada, Úc Đại Lợi, Hoa Kỳ .. .), đã làm điều kiện căn bản vững chắc cho việc phát triển đất nước giàu mạnh.

Vậy, qui tắc đa đảng và sự chấp nhận đối lập đưa đến việc các chánh đảng khác nhau thay phiên nhau nắm chánh quyền.  Việc thay đổi này thực hiện qua những cuộc bầu cử trung thực và có định kỳ.

b.- Tập quyền và phân quyền.

Chế dộ dân  chủ xã hội theo qui tắc tập quyền, còn chế độ dân chủ tự do theo nguyên tắc phân quyền.  Việc tổ chức các cơ cấu chánh quyền trong nước có thể theo nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, xét về mặt thực tế thì dù theo hình thức nào, các nước cộng sản theo chế độ dân chủ xã hội cũng đều tập trung quyền hành vào tay đảng Cộng sản. Do chỗ đảng Cộng sản nắm quyền quyết định tối hậu về tất cả mọi vấn đề nên dầu cho nước theo Cộng sản có nhiều cơ quan khác nhau, các cơ quan ấy đều phải làm theo chỉ thị của đảng Cộng sản, chớ không thể có quyết định khác với ý muốn của đảng Cộng sản được.

Phía các nước theo chế độ dân chủ tự do thì ít nhứt cũng có sự phân quyền giữa ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp, và Tư pháp. Mối liên hệ giữa ba cơ quan đó có thể khác nhau tùy nước, nhưng nói chung lại thì mỗi cơ quan đều có quyền riêng của mình, không cơ quan nào được trọn quyền quyết định, và bắt buộc được cơ quan khác phải theo ý mình.  Mặt khác, sự hiện diện của nhiều chánh đảng, và sự chấp nhận cho đối lập được tự do hoạt động làm cho không chánh đảng nào có thể nắm giữ trọn vẹn hết các cơ quan khác nhau của quốc gia để bắt các cơ quan ấy làm theo ý mình.

c.- Phạt lầm và tha lầm.

Chế độ dân chủ xã hội  lấy việc bảo vệ quyền lợi tập thể làm cứu cánh nên xem nhẹ quyền lợi của cá nhân.  Do đó, khi nhận thấy rằng quyền lợi tập thể bị đe dọa, nhà cầm quyền có thể trừng phạt những  cá nhân mà họ cho là có hoạt động bất lợi cho tập thể. Quan niệm về việc có hành động bất lợi cho tập thể thật sự không phải lúc nào cũng rõ ràng minh xác, và nhiều khi được gồm chung vào những tội danh mơ hồ như  ” phản cách mạng”, ”phản xã hội”, ” phản động”. Mặt khác, việc đặt quyền lợi tập thể lên trên làm cho nhà cầm quyền có thể trừng phạt dầu cho họ không có đủ bằng cớ.  Trong một chế độ theo chủ trương như vậy, nhiều người có thể bị trừng phạt oan ức, nhưng với chế độ dân chủ xã hội , điều này không quan trọng vì cá nhân phải hy sinh cho tập thể.

Chế độ dân chủ tự do trái lại, lấy việc bảo vệ quyền lợi cá nhân làm cứu cánh nên hệ thống luật pháp nhắm vào việc bảo đảm cho người công dân không bị trừng phạt oan ức.  Để thực hiện lý tưởng này, chế độ dân chủ tự do áp dụng một số qui tắc như sau:

-Có luật mới có phạt; người công dân chỉ bị truy tố và trừng phạt  khi vi phạm một điều luật đã được ban hành. Một việc làm có thể bị mọi người cho là sai quấy, nhưng nếu không có một điều luật cho đó là việc sai quấy và ấn định sự trừng phạt, thì người công dân làm việc đó không thể bị truy tố.

– Muốn truy tố một người , phía chánh quyền phải chứng minh rằng người ấy quả có hành động vi phạm luật pháp . Nếu không có đủ bằng chứng rõ rệt thì phải tha bổng bị cáo.  Đó là qui tắc thà tha lầm một người có tội, chớ không thể trừng phạt một người vô tội.

– Để chánh quyền không thể vi phạm các qui tắc trên đây, các vị thẩm phán xử án được độc lập đối với nhà cầm quyền Lập pháp và Hành pháp, và không bị bắt buộc phải làm điều gì trái với luật pháp và lương tâm.  Chế độ phân quyền và sự hiện diện của đối lập giúp vào việc bảo đảm cho sự độc lập của thẩm phán nói trên đây.

d.- Chấp nhận và không chấp nhận quyền tư hữu trên phương tiện sản xuất. 

– Quan niệm dân chủ xã hội không chấp nhận cho tư nhân có quyền sở hữu trên các phương tiện sản xuất, vì cho rằng điều này đưa đến nạn Tư bản bóc lột nhân dân.  Do đó, trong chế độ cộng sản, tất cả các phương tiện sản xuất đều được quốc hữu hóa (quốc doanh) và do chánh quyền điều khiển.  Kết quả là tất cả mọi người đều là công nhân của nhà nước; nếu chế độ cộng sản có chấp nhận cho một số người có của riêng dùng trong sự  sản xuất thì nó cũng hạn chế số người này, đồng thời hạn chế quyền của họ. Nói chung thì với chế độ cộng sản , quan niệm dân chủ xã hội kiểm soát đời sống người dân một cách chặt chẽ vì có thể trực tiếp ảnh hưởng đến sự làm việc để sinh sống của họ.

– Chế dộ dân chủ tự do xem quyền tư hữu là một quyền căn bản của người dân. Do đó, sự hạn chế quyền tư hữu tuy có thể được chấp nhận vì lý do công ích, nhưng không thể đi xa quá, và đa số người dân được quyền có những của riêng được dùng vào việc sản xuất.  Do đó, người dân trong chế độ dân chủ tự do ít tùy thuộc nhà nước hơn người dân trong chế độ dân chủ xã hội.

II.- Ưu và Nhược điểm của hai chế độ Dân chủ xã hội và Dân chủ tự do.

So sánh hai chế độ Dân chủ xã hội và Dân chủ tự do với nhau, ta thấy rằng chế độ nào cũng có ưu và nhược điểm.

A.- Ưu và Nhược điểm của chế độ dân chủ xã hội.

1.- Các ưu và nhược điểm của chế độ dân chủ xã hội:

a)- Về mặt thuần tuý.  Xét về mặt thuần tuý, chế độ dân chủ xã hội có những ưu điểm sau đây:

– Đem quyền lợi chung của toàn thể nhân dân so với quyền lợi riêng của cá nhân thì quyền lợi chung của toàn thể nhân dân rõ rệt là quan trọng hơn và đáng được bảo vệ hơn.

– Người cầm quyền có tài và có công được tôn sùng và có thể phục vụ quốc gia lâu dài, không bị các cuộc bầu cử loại bỏ khi dân chúng thay đổi ý kiến một cách bất thường, hoặc bất mãn một cách vô lý vì những khó khăn tự nhiên mà không chánh quyền nào có thể tránh được.

b)- Về mặt thực tế. Xét về mặt thực tế, chánh quyền trong chế độ dân chủ xã hội có thể quyết định nhanh chóng, kín đáo, đồng thời có thể huy động toàn dân dễ dàng, nên sự hoạt động chính trị dễ có hiệu lực.

2.- Các nhược điểm của chế độ dân chủ xã hội.

a)- Chánh quyền của chế độ dân chủ xã hội nằm trong tay của một chánh đảng duy nhứt, không  nhóm nào khác hơn có thể thay thế nó được một cách bình thường.  Do đó, nhà cầm quyền dễ trở thành chuyên chế, và hướng đến phục vụ quyền lợi riêng mà nhân dân không sao có thể đối phó với họ được. Về pháp lý, mọi sự chống đối đều bị xem là tội phản động và bị trừng phạt nặng nề. Về thực tế, nhà cầm quyền không những nắm giữ các lực lượng hành chánh, quân sự, cảnh sát, mà còn nắm giữ luôn cả các lực lượng kinh tế trong tay, nên người dân hoàn toàn bị chế ngự không sao có thể đương đầu lại chánh quyền một cách có hiệu lực. Kết quả là nhân dân luôn luôn bị thống trị không ngóc đầu lên được. Sự tranh giành quyền vị chỉ xảy ra bên trong đảng cầm quyền, và sự tranh giành này thường chỉ có thể kết thúc bằng sự thanh toán lẫn nhau, chớ ít khi sự thay đổi lãnh đạo được thực hiện bằng phương pháp hòa bình.  Những sự thanh toán nhau như vậy một mặt làm cho một số người có khả năng bị loại trừ, một mặt làm cho đa số nhân viên chánh quyền bị kềm chế không có sáng kiến.

b)- Người dân phải sống dưới một sự áp chế thường trực.  Đời sống họ không có gì bảo đảm vì họ có thể bị bắt giam hay bị thanh toán lúc nào cũng được. Về mặt kinh tế, người dân của chế độ dân chủ xã hội bị bắt buộc phải phục vụ các mục tiêu do chánh quyền ấn định và không được hưởng trọn kết quả công việc họ làm.  Thiếu cái lợi cá nhân làm động lực, họ không hăng hái làm việc.  Do đó, chế độ dân chủ xã hội thường thất bại trong sự sản xuất kinh tế.  Trong ngành công nghệ, nhà cầm quyền còn có thể dùng những cấp bực lương bổng cao thấp khác nhau và dùng giấy ban khen để khuyến khích những người làm việc nhiều, vì kết quả làm việc của mọi cá nhân có thể đánh giá được một cách tương đối dễ dàng qua số lượng sản phẩm tạo ra được hằng ngày.  Do đó, nền công nghiệp các nước Cộng sản còn đưa đến một số kết quả tốt.  Trong ngành nông nghiệp, việc đánh giá kết quả công việc làm hằng ngày của mỗi cá nhân không  thể thực hiện được .  Do đó, chánh quyền cộng sản không có biện pháp hữu hiệu để  phân biệt người làm việc có hiệu lực với người không chịu làm việc hay am vvệc dở để thưởng phạt một cách công bình.  Đó là một trong những lý do làm cho nền nông nghiệp của những nước cộng sản thường thất bại nặng nề.

B.- Ưu và Nhược điểm của chế độ Dân chủ tự do.

1.- Các ưu điểm của chế độ Dân chủ tự do.

a.- Trong chế độ dân chủ tự do , chánh quyền không bức hiếp người dân, và người dân quả có được thật sự tự do. Nếu không làm điều gì phạm luật pháp , người dân có thể tin chắc là mình không bị nhà cầm quyền làm khó hay bắt bớ giam cầm, hoặc giết hại.  Mặt khác, người dân có thể hưởng trọn kết quả công việc mình làm và có quyền làm chủ các tài sản dùng vào việc sản xuất kinh tế. Do đó, người dân thường hăng hái hoạt động để gia tăng sản xuất trong mọi ngành.  Bởi vậy, mặc dầu trong chế độ dân chủ tự do cũng gặp một số khó khăn kinh tế, nói chung lại, các nước dân chủ tự do đã thành công về mặt phát triển kinh tế nhiều hơn các nước dân chủ xã hội.

b.- Với sự hiện diện của nhiều chánh đảng thay nhau nắm chánh quyền qua những cuộc bầu cử, chế độ dân chủ tự do có thể lần lượt áp nhiều chánh sách khác nhau. Sự tự do tranh luận làm cho những sai lầm của một đường lối chính trị  hay một định chế có thể được nhận tức rõ rệt và được sửa chữa khi có sự thay đổi chánh quyền.  Nhờ đó, chế độ dân chủ tự do có thể cải thiện được một cách êm ái và liên tục.

2.- Các nhược điểm của chế độ dân chủ tự do.                                             

a.- Sự tự do hoạt động kinh tế và quyền tư hữu đã giúp cho một số người trong chế độ dân chủ tự do có những tài sản lớn, trong khi đa số sống trong sự thiếu thốn. Những người có tiền của tự nhiên là được ưu đãi hơn những người nghèo, thành ra sự tự do bình đẳng mà mọi người được hưởng trên lý thuyết thật sự đã thường có lợi cho người giàu hơn cho người nghèo.   Nhờ có tiền, người giàu có thể mướn nhiều luật sư giỏi chỉ dẫn cho mình về mặt pháp lý hoặc biện hộ cho mình khi kiện nhau với người khác hay bị chánh quyền truy tố.  Do đó, người giàu có thể dễ thắng kiện hơn, họ cũng dễ thấy những kẽ hở của luật pháp và lợi dụng các kẽ hở đó được, trong khi người nghèo không có tiền mướn luật sư giỏi giúp mình nên dễ thua kiện và khó tránh bị lọt vào màn lưới của luật pháp. Mặt khác, người giàu có phương tiện để hưởng các quyền tự do một cách đầy đủ hơn người nghèo.  Như về sự tự do đi lại chẳng hạn, người nghèo trên lý thuyết cũng có y như người giàu, nhưng vì không có tiền để di chuyển nên họ không được hưởng sự tự do đi lại đó.  Trong sự xung đột giữa người giàu với người nghèo, người giàu nhờ tiền của nên thắng thế hơn người nghèo. Do đó, mà người giàu có thể hiếp đáp người nghèo. Trong quá khứ, chế độ tự do đã đưa đến nạn tư bản bóc lột.  Chế độ dân chủ tự do ngày nay đã cải thiện nhiều, nhưng sự chênh lệch giàu nghèo, và việc người giàu được ưu đãi hơn vẫn không thể chấm dứt được.

b.- Chánh quyền dân chủ tự do gồm nhiều cơ quan khác nhau và độc lập đối với nhau nên nhà cầm quyền có thể bị ngăn trở, hoặc bắt buộc phải thảo luận thuyết phục cơ quan khác. Do đó, công việc làm thường chậm chạp, không kín đáo và nhiều khi không có hiệu lực.

c.- Sự tự do quá độ có thể đưa đến những họa hại khó chấm dứt. Các nước theo chế độ dân chủ  tự do ngày nay bị một số nạn về xã hội như ma túy, khiêu dâm, ghiền ma tuý. . . hoặc về chính trị như việc tiết lộ các bí mật quốc gia  một cách bừa bãi.  . … và không giải quyết được các nạn ấy dễ dàng, vì biên giới của quyền tự do rất khó ấn định một cách rõ rệt, nhứt là vì sự tranh luận về biên giới đó không lúc nào chấm dứt được.

III.- Căn bản của hai dị biệt giữa hai quan niệm Dân chủ xã hội và Dân chủ tự do.

Đi sâu hơn vào bản chất của sự dị biệt giữa hai quan niệm dân chủ xã hội và dân chủ tự do, ta có thể nhận thấy rằng sự dị biệt này phát xuất từ sự dị biệt giữa hai nguyên tắc làm gốc cho tư tưởng dân chủ là ”tự do ” và ”bình đẳng”.  Nói chung thì cả hai quan niệm dân chủ tự do và dân chủ xã hội đều lấy hai nguyên tắc  Tự do và Bình đẳng làm gốc, nhưng hai nguyên tắc ấy không phải lúc nào cũng tác động theo một chiều hướng với nhau, và quan niệm dân chủ tự do đã nghiêng về Tự do nhiều hơn, trong khi quan niệm dân chủ xã hội thì nghiêng về Bình đẳng nhiều hơn.

A.- Sự hòa hợp nhau giữa hai nguyên tắc Tự do và Bình đẳng.

Sở dĩ các nhà lý thuyết theo tư tưởng dân chủ đã ghép tự do và bình đẳng cung nhau vì hai nguyên tắc ấy đã có sự hòa hợp nhau trong quá khứ.  Khi nghiên cứu về các luồng tư tưởng tự do và xã hội, chúng ta đã nhận thấy rằng cuộc tranh đấu chống lại chế độ nô lệ bắt nguồn từ hai ý niệm tự do và bình đẳng hỗn hợp vào nhau.  Vì cho rằng con người sinh ra ai cũng như ai nên những người chủ trương hủy bỏ chế độ nô lệ không thể chấp nhận được việc người này giữ người khác trong địa vị tù hãm và thấp kém. Mặt khác, trong sự tiến triển của xã hội Tây pương, chúng ta có thể nhận thấy rằng lý tưởng tự do và lý tưởng bình đẳng phát triển theo một chiều hướng chung về mặt chính trị. Các chế độ Quân chủ Âu châu xây dựng sự phân chia giai cấp và quyền chuyên chế của Vua. Lúc chế độ tự do mới bắt đầu được xây dựng, chỉ có một số ít người trong nam giới thuộc hạng quí tộc, trí thức và hào phú mới được tham dự chánh quyền qua việc bầu cử và tranh cử, nhung mọi người đều được hưởng các được tự do căn bản. Chính vì mọi người được hưởng các tự do căn bản mà những người không được quyền bầu cử và tranh cử mới dễ dàng tranh đấu để đòi được các quyền chính trị đó, và cuối cùng, các nước theo chế độ dân chủ tự do đã phải chấp nhận chế độ phổ thông đầu phiếu cho nam giới, rồi kế đó, cho cả phụ nữ.  Vậy, sự tự do chính trị đã giúp người thực hiện sự bình đẳng chính trị.

B.- Sự đối chọi nhau giữa hai nguyên tắc Tự Do và Bình Đẳng.

Nhưng kinh nghiệm của các nước Tây phương theo chế độ dân chủ tự do cũng cho ta thấy rằng hai nguyên tắc tự do và bình đẳng cũng có thể đi về hai chiều hướng trái ngược nhau.  Trong thực tế, con người sinh ra mạnh yếu, khôn dại, giỏi dở khác nhau. Bởi đó, nếu cho người được tự do hoạt động thì người mạnh tất nhiên phải hơn người yếu, người khôn hơn người dại, người giỏi hơn người dở. Dầu cho lúc khởi hành, mọi người đều ở vào một vị trí như nhau, cuối cùng rồi cũng có sự cao thấp khác nhau. Muốn cho mọi người ở vào một địa vị như nhau thì phải kềm chế người mạnh, người khôn, người giỏi để cho người yếu, người dại, người dở tiến lên bằng họ, nhưng như vậy thì không ai còn tự do nữa.

Sự đối chọi nhau giữa hai nguyên tắc tự do và bình đẳng đã biểu lộ rõ rệt trong lãnh vực hoạt động kinh tế. Chế độ dân chủ tự do đã để cho người tự do hoạt động, và kết quả là sự chênh lệch giàu nghèo đưa đến chế độ tư bản và sự bóc lột người vô sản.  Chính vì muốn chấm dứt sự bất bình đẳng kinh tế phát xuất từ chế độ dân chủ tự do  mà những người theo quan niệm dân chủ xã hội chủ trương hủy diệt quyền tư hữu trên các dụng cụ sản xuất, và thực hiện xã hội cộng sản trong đó không còn hạng Tư bản làm chủ phương tiện sản xuất, và Vô Sản làm công cho Tư bản. Nhưng khi tất cả các phương tiện sản xuất đều bị Quốc hữu hóa, tất cả mọi người trong xã hội đều phải tùy thuộc chánh quyền trong việc sinh sống. Người chống đối chánh quyền và không được chánh quyền dùng, không thể nào tìm được việc làm để sinh sống bình thường. Do đó, mọi người đều bị chánh quyền kềm chế chặt chẽ và mất hết tự do. Chế độ cộng sản sở dĩ khắc nghiệt hơn các chế độ chuyên chế khác ngay cả các chế độ toàn diện hữu phái, chính vì nó nắm giữ cả độc quyền về kinh tế, trong khi các chế độ chuyên chế khác chỉ nắm độc quyền về chính trị, hành chánh, cảnh sát, quân sự mà thôi.

C.- Kết Quả Tối Hậu Của Sự Chọn Lựa Giữa Tự Do và Bình Đẳng.

Sự phân tích trên đây cho ta thấy rằng sự dị biệt và xung khắc giữa hai quan niệm dân chủ tự do và dân chủ xã hội  chung qui chỉ là sự dị biệt và xung khắc giữa hai nguyên tắc tự do và bình đẳng, nhứt là về mặt kinh tế. Muốn bảo đảm sự tự do của người, chế độ dân chủ tự do bảo vệ quyền tư hữu trên phương tiện sản xuất. Trên thực tế, chính nhờ quyền tư hữu trên phương tiện sản xuất mà người chống đối chánh quyền có thể tiếp tục sống một cách bình thường và tranh đấu để thay thế nhà cầm quyền.  Nhưng việc bảo vệ quyền tư hữu trên phương tiện sản xuất đã đưa đến sự bất bình đẳng về kinh tế và nạn bóc lột.  Để chấm dứt sự bất bình đẳng đó, quan niệm dân chủ xã hội huỷ diệt quyền tư hữu trên phương tiện sản xuất, nhưng điều này đưa đến việc làm cho người mất hết tự do. Như thế, mặc dầu về lý thuyết, cả hai quan niệm dân chủ tự do và dân chủ xã hội đều nói đến tự do và bình đẳng, thật sự thì dân chủ tự do đã dựa vào tự do nhiều hơn, còn dân chủ xã hội dựa vào bình đẳng nhiều hơn.

Tuy là một bên nghiêng về tự do, một bên ngiêng về bình đẳng, hai quan niệm dựa dân chủ tự do và dân chủ xã hội không phải đều có giá trị như nhau vì nó đã đưa đến những kết quả tốt xấu hoàn toàn khác nhau xét dưới khía cạnh lý tưởng Tự Do và Bình Đẳng. Chế độ dân chủ tự do nghiêng về việc bảo vệ tự do vì đó mà nó đưa đến sự bất bình đẳng. Tuy nhiên, chính nhờ sự tự do cho phép người dân tự vệ được đối với chánh quyền nên một số sai lầm của chế độ tự do  đã được sửa chữa lần lần và cuối cùng sự bất bình đẳng đã giảm bớt.  Hiện nay, sự chênh lệch giàu nghèo vẫn còn, nhung tư bản không bóc lột được vô sản thái quá như trước, và chế độ an ninh xã hội cũng như phép đánh thuế của các xã hội Tự Do có làm cho sự bất bình đẳng dịu bớt.

Quan niệm dân chủ xã hội chủ trương thực hiện sự bình đẳng kinh tế bằng chế độ cộng sản. Chế độ này làm cho người mất tự do và chính vì sự mất tự do mà người trong chế độ cộng sản không tranh đấu được để bảo vệ quyền lợi mình.  Kết quả là đảng cộng sản đã để cho lãnh tụ, các cán bộ và các đảng viên của mình hưởng nhiều đặc quyền mà nhân dân không sao có thể chấm dứt được việc đó.

Vậy, chế độ dân chủ tự do đã duy trì được sự tự do , đồng thời làm dịu bớt sự bất bình đẳng, trong khi chế độ dân chủ xã hội hủy diệt sự tự do rồi làm xuất hiện sự bất bình đẳng; thành ra cuối cùng, trong xã hội dân chủ tự do , Tự Do và Bình Đẳng đều còn duy trì được, còn trong xã hội Dân chủ xã hội , Tự Do và Bình Đẳng đều bị mất cả.

Cố Gs. Nguyễn Ngọc Huy

( Trích từ tiểu luận ”Vấn đề Dân chủ và Đối lập’’ của GS Nguyễn Ngọc Huy và GS Nguyễn Văn Bông do Phong Trào Thanh Niên Dân Chủ ấn hành năm 1997 tại Hoa kỳ.).