Cuộc khổ nạn của thầy Tuệ Sỹ.

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cuộc khổ nạn của thầy Tuệ Sỹ.

[Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất images]

Nguyễn Đức Thành

25-11-2023

Ảnh: Từ trái qua, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thiền sư Lê Mạnh Thát và Hoà thượng Thích Quảng Độ. Ảnh trên mạng

Ghi chú cá nhân: Tôi không nhớ chính xác, có lẽ khoảng đầu những năm 2000, lần đầu tôi đọc một cuốn cổ sử Việt Nam do một nhà sư viết. Tác giả là Thích Trí Siêu, tục danh Lê Mạnh Thát. Vì cuốn sách viết theo một lối dân tộc chủ nghĩa lạ lùng, với một số khám phá mới theo cách rất đặc biệt, nên tôi thử tìm hiểu xem tác giả này là ai.

Hồi ấy đã có internet. Khi tra tên của ông, tôi biết đó là một tu sĩ, nhưng rất ngạc nhiên là ông từng bị án tử hình của chế độ, và rất mới thôi, ông vẫn ngồi tù. Đây là một cú sốc lớn vì hồi ấy tôi không bao giờ nghĩ là sư mà lại bị đi tù – không như thời nay bắt sư đi tù thì hết người coi chùa – và nghiêm trọng hơn lại còn bị kết án tử hình! Nhất là với một vị trí thức uyên thâm như tác giả cuốn sách.

Thế là từ đó tôi mới bắt đầu tìm hiểu và biết về cái gọi là Vụ án Già Lam. Qua đây, ngoài biết tới và hâm mộ cư sĩ – học giả Lê Mạnh Thát, tôi biết thêm một tu sĩ là Tuệ Sỹ, và cùng với đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất cùng các vấn đề liên quan. Kể từ ấy, tôi tìm mua tất cả những gì được các vị này viết ra, và tôi hiểu đó là những long tượng của không chỉ Phật giáo Việt Nam hiện đại, mà là của cả nền văn hoá và học thuật Việt Nam. Tất nhiên cái án tử hình đối với họ luôn ám ảnh tôi. Tôi không thể hiểu vì sao chính quyền lại sợ hãi và nhẫn tâm với họ như vậy. Sau này rồi thì hiểu dần ra, tất nhiên, theo một cách không quá khó.

Vụ án Già Lam, tức cuộc khổ nạn thời hiện đại (rất gần) của Trí Siêu, Tuệ Sỹ và các vị sư cùng pháp hữu, không bao giờ được phổ biến ở truyền thông trong nước. Nên ở đây tôi cứ cóp nhặt từ nguồn có trên mạng để cho ai chưa biết thì tìm hiểu dần thêm – và tất nhiên bây giờ ai muốn tự tìm hiểu thì đều rất dễ rồi.

Tìm hiểu để biết các vị ấy, đặc biệt là Tuệ Sỹ, đã hành động như những thánh tử đạo như thế nào, và qua đó, biết thêm về công phu và hành trạng của họ, như kim cương bất hoại vẫn được nhắc tới trong kinh điển Phật giáo. Và chẳng ở đâu xa, không phải trong Thiền Uyển Tập Anh hay Cao Tăng Truyện của hàng trăm năm trước, mà vừa mới đây thôi, ngay cạnh chúng ta.

***

Năm 1978, ngài Thích Tuệ Sỹ bị công an ập vào chùa Già Lam, Sài Gòn, bắt mang đi cải tạo – với lý do như hàng trăm ngàn trí thức, công chức, cựu binh… của miền Nam, mà đường về nhà thì tùy theo vui buồn của các nhà lãnh đạo cộng sản, gọi là khoan hồng. Những tháng năm giam hãm “cải tạo” không tên gọi chính thức đó, kéo dài đến năm 1981.

Năm 1984, ngài bị bắt cùng 17 người nữa, trong đó có giáo sư Trí Siêu – Lê Mạnh Thát. Lý do bắt giữ, mà công an khép tội, nghe cũng rất quen thuộc là “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”. Nhưng thực chất, cuộc bắt giữ nhằm chặn đứng phong trào phục hưng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, sau khi nhà cầm quyền đã tìm cách phế bỏ tổ chức này, bằng cách lập ra một giáo hội Phật giáo của Nhà nước kiểm soát vào năm 1981, và tổ chức này vẫn hoạt động với sự yểm trợ chính trị của nhà nước Việt Nam cho đến nay.

Lúc bị bắt, công trình “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” lớn nhất của hai vị Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát, hai bậc học giả Phật giáo hàng đầu của Việt Nam, là việc soạn cuốn Bách Khoa Phật học Ðại Tự Ðiển.

Vào những ngày tháng không có mạng xã hội, không có thư tín tự do và cũng không cơ quan truyền thông quốc tế nào được đi lại, dự khán tòa án, án tử hình đã được áp cho ngài Tuệ Sỹ trong tháng 9/1988. Với các phiên xử đấu tố theo kiểu miền Bắc trước năm 1975, có lẽ không có gì là quá bất thường trong xã hội Việt Nam khép kín bấy giờ, nhưng tin tức về bậc trí giả Phật giáo Việt Nam bị án tử hình đã làm cả thế giới chấn động. Nhiều quốc gia lên tiếng phản đối, các tổ chức quốc tế và cơ quan Liên Hợp Quốc đã liên tục chất vấn và làm áp lực với Hà Nội khiến hai tháng sau, án tử hình được chuyển thành án tù chung thân.

Khi ấy, tòa án không có luật sư, và ngài Tuệ Sỹ cũng không làm đơn xin kháng án hay phúc thẩm. Án chung thân đưa ngài đi xa cả ngàn cây số khỏi miền Nam, và giam ở trại Ba Sao, Hà Nam, nhằm cắt đứt mọi liên lạc với giới tăng ni và tín đồ đang đau đớn dõi theo.

Nhưng khi Việt Nam bắt đầu nối kết với thế giới, đặc biệt là khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận vào năm 1994. Một phái đoàn đặc biệt được cử đến trại giam gặp ngài, và đề nghị ngài viết đơn xin ân xá, để được nhà nước khoan hồng. Thậm chí đơn được đánh máy sẵn, đề sẵn tên người gửi là chủ tịch Trần Đức Lương. Đơn chỉ cần ngài ký tên là xong.

Nhưng ngài Tuệ Sỹ đã từ chối lá đơn xin ân xá đó, và trả lời rằng: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi”. Việc ép buộc diễn ra với những kiểu khác nhau, và để chống lại, ngài đã tuyệt thực để phản đối.

Những năm anh đi

(Trích trường ca Trường Sơn của Tuệ Sỹ)

Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng,

Nhìn Quê hương qua chứng tích điêu tàn.

Triều Đông hải vẫn thì thầm cát trắng:

Truyện Tình người và nhịp thở của Trường Sơn.

Mười năm nữa anh vẫn lầm lì phố thị,

Yêu rừng sâu nên khoé mắt rưng rưng.

Tay anh với Trời cao chim chiều rủ rỉ,

Đời lênh đênh thu cánh nhỏ bên đường.

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối,

Tìm Quê hương trên vết máu giữa đồng hoang:

Chiều khói nhạt như hồn ai còn hận tủi,

Từng con sông từng huyết lệ lan tràn.

Mười năm đó anh quên mình sậy yếu,

Trên vai gầy từ thuở dựng Quê hương;

Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu,

Bản tình ca vô tận của Đông phương.

Và ngày ấy anh trở về phố cũ,

Giữa con đường còn rợp khói tang thương;

Trong mắt biếc mang nỗi hờn thiên cổ.

Vẫn chân tình như mưa lũ biên cương.Bình Luận từ Facebook