Cộng hòa Séc đã cải cách hiến pháp như thế nào.
JANUARY 17 20242:18 PM9 PHÚT ĐỌCCHIA SẺ💡Bài viết này nằm trong số báo đặc biệt “Cảm hứng Cộng hòa Séc” của Luật Khoa tạp chí, phát hành ngày 26/12/2023. Toàn bộ kinh phí sản xuất số báo này do Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc tài trợ.Tải báo – Miễn phí
Không có gì phải nghi ngờ: mọi tiến trình dân chủ hoá đều gắn với một công cuộc cải cách hiến pháp, thường là dài hơi.
Thậm chí, sửa đổi hiến pháp còn thường được coi là khởi đầu của một tiến trình dân chủ hóa. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các nhà đấu tranh chính trị Việt Nam đòi Đảng Cộng sản bãi bỏ Điều 4 Hiến pháp để mở đường cho dân chủ hoá. Mặc dù không nhất thiết phải làm như vậy thì mới bắt đầu dân chủ hóa được – như Luật Khoa từng phân tích, đó vẫn là một đòi hỏi chính đáng. [1]
Đòi hỏi chính đáng đó phần nào đến từ kinh nghiệm của nước Tiệp Khắc cộng sản cũ.
“Điều 4”
Ngày 28/11/1989, tức là ngày thứ mười hai của phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Tiệp Khắc – hay còn gọi là “Cách mạng Nhung” – một sự kiện trọng đại đã diễn ra: Chính quyền Tiệp Khắc tuyên bố chấm dứt chế độ chính trị một đảng và sẽ lập chính phủ mới với nhiều đảng phái tham gia. [2]
Một ngày sau, Quốc hội Liên bang thông qua Đạo luật Hiến pháp số 135/1989 để sửa Hiến pháp 1960, bãi bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc. [3]
Điều khoản bị bãi bỏ ấy ghi như thế này: [4]
“Lực lượng dẫn dắt xã hội và Nhà nước là đội tiên phong của giai cấp công nhân, Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, một liên minh đấu tranh tự nguyện của những công dân tích cực và có ý thức chính trị cao nhất trong hàng ngũ công nhân, nông dân và trí thức.”
Bạn có biết điều khoản hiến pháp đó của Tiệp Khắc mang số mấy không?
Số 4.
Không biết vì lý do gì, Điều 4 của các bản hiến pháp của Việt Nam cũng có nội dung tương tự. Ngày nay, chúng ta thấy các cá nhân, hội nhóm đấu tranh dân chủ Việt Nam liên tục đòi “xóa bỏ Điều 4”, còn báo đảng thì đáp trả rằng đó là luận điệu của “các thế lực thù địch”.
“Các thế lực thù địch” ở Tiệp Khắc vào năm 1989 đó – thông qua các cuộc biểu tình và cuộc đàm phán có tên Hội nghị Bàn tròn – đã ép được Đảng Cộng sản Tiệp Khắc bước xuống vũ đài chính trị, chấm dứt chế độ cộng sản, mở đường cho hàng loạt chương trình cải cách chính trị, kinh tế, xã hội long trời lở đất trong những thập niên sau đó.
Thay máu Quốc hội
Tháng Mười Hai năm đó, một số điều khoản tu chính khác của Hiến pháp 1960 tiếp tục được Quốc hội Liên bang – vốn vẫn do các đảng viên cộng sản nắm – thông qua. Theo đó, các đại biểu Quốc hội có thể bị thay thế ở cả cấp liên bang lẫn hai nước cộng hòa là Séc và Slovakia. Mục đích là để các lực lượng chính trị khác được có ghế trong Quốc hội.
Ngày 29/12, cũng chính Quốc hội do Đảng Cộng sản nắm đa số ghế đó đã bầu lãnh tụ đối lập của Diễn đàn Dân sự (Civic Forum) – Václav Havel – làm tổng thống.
Kể từ đó cho tới tháng Ba năm 1990, hơn một nửa đại biểu Quốc hội ở cả ba viện lập pháp đã bị thay thế. Các cơ quan lập pháp không còn do đảng viên cộng sản chiếm đa số nữa. [5]
Một đạo luật về đảng phái chính trị cũng nhanh chóng được thông qua làm hành lang pháp lý cho các đảng phái hoạt động.
Tới tháng Sáu, cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên diễn ra, các đảng đối lập thắng lợi giòn giã.
“Giấy ly hôn”
Trong lịch sử lập hiến của mình, Quốc hội Tiệp Khắc phải ban ra một tu chính án về việc giải thể quốc gia thành hai nước độc lập, Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia, vào tháng 12/1992.
Tiệp Khắc chính thức giải thể vào cuối ngày 31/12/1992.
Ngày 1/1/1993, Hiến pháp mới của Cộng hòa Séc chính thức có hiệu lực.
Như vậy, bản Hiến pháp 1960 đã không bao giờ được tu chính hoàn chỉnh, cũng không có bản hiến pháp nào hoàn toàn thay thế nó. Số phận của nó chấm dứt cùng với cuộc ly hôn của Séc và Slovakia.
Hiến chương về nhân quyền
Trong khuôn khổ các văn bản cấu thành Hiến pháp Cộng hòa Séc, có một văn bản đặc biệt gọi là “Hiến chương về các Quyền và Tự do Cơ bản”, được ban hành cuối năm 1992. [6] Để so sánh thì ta có thể coi đây giống như Bộ luật Nhân quyền (Bill of Rights) của Hoa Kỳ, tức là 10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp nước này.
Bản Hiến chương này về cơ bản không khác gì lắm so với Tuyên ngôn Nhân quyền 1948 và các công ước nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Nhưng nó có một số điểm khác rất thú vị.
Điều 6 tuyên bố án tử hình bị cấm. Điều này phù hợp với ý định gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) của Cộng hòa Séc, vốn đòi hỏi phải bãi bỏ án tử hình.
Điều 17 cấm kiểm duyệt.
Điều 20 nói các đảng phái và phong trào chính trị, cũng như các hội đoàn, phải tách biệt với chính quyền. Khỏi cần nói cũng biết điều này có gốc rễ từ quá khứ cộng sản, khi Đảng Cộng sản (cũng như các đoàn thể của nó) và chính quyền nhập vào nhau làm một (party-state). Ở ta thì hay gọi “Đảng và Nhà nước” đi đôi với nhau như hình với bóng.
Điều 23 nói rằng công dân có quyền chống lại bất kỳ ai tước đoạt nhân quyền của họ được ghi trong Hiến chương – trong trường hợp đã sử dụng hết các công cụ pháp lý theo luật định. Điều này phản ánh tinh thần của phong trào đấu tranh dân chủ trước năm 1989 là phản kháng dân sự, tức là chống lại những điều luật bất công của chính quyền.
Tòa án Hiến pháp
Làm ra Hiến pháp rồi thì phải nghĩ cách để bảo vệ Hiến pháp. Bảo vệ thật chứ không phải hô khẩu hiệu “sống, học tập và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Ấy gọi là cơ chế bảo hiến.
Thời cộng sản, Tiệp Khắc về lý thuyết và trên giấy tờ có cơ chế bảo hiến, nhưng không ai đoái hoài gì tới nó, không có tòa án hiến pháp nào được lập ra, nên có mà cũng như không. Điều này, chẳng may, cũng giống như tình cảnh của Việt Nam ta bây giờ.
Tháng Một năm 1992, Tòa án Hiến pháp chính thức được thành lập, nhưng chỉ tồn tại được một năm thì Tiệp Khắc giải thể. Sang năm 1993, Cộng hòa Séc phải ban hành Đạo luật Hiến pháp số 182/1993 để lập ra Tòa án Hiến pháp riêng. [7]
Tòa án có 15 thẩm phán do tổng thống bổ nhiệm và Thượng viện phê chuẩn, có nhiệm kỳ 10 năm.
Kể từ đó tới nay, Tòa án Hiến pháp đã đảm nhiệm vai trò phân xử xem các đạo luật hay hành vi của chính quyền có hợp hiến hay không, hay còn gọi là vai trò giám sát tư pháp (judicial review).
***
Kể ra chừng ấy việc chẳng qua chỉ là phác vài nét lớn, chứ công cuộc cải cách chính trị của một đất nước cần đến nhiều thao tác lập hiến hơn thế nhiều. Nhưng cái chính là để thấy rằng, đường đi nước bước thế nào thì các nước đã trải qua cả, ta chẳng cần phát minh lại cái bánh xe làm gì. Thiếu chuyên gia thì có thể đào tạo hay mượn thầy về để nhờ vả, cái đó chẳng có gì phải lo. Nhưng thiếu một phong trào chính trị rộng lớn của người dân làm bà đỡ thì chẳng ý tưởng nào – dù hay ho cách mấy – thoát ra khỏi trang giấy được.
Chú thích
1. Trần Hà Linh. (2020, August 26). Hiến pháp Việt Nam không cấm đa đảng | Luật Khoa tạp chí. Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2020/08/hien-phap-viet-nam-khong-cam-da-dang
2. Simmons, M. (2019, November 29). Czechs scrap one-party rule – archive, 1989. The Guardian; The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2019/nov/29/czechoslovakia-scraps-one-party-rule-1989
3. A HISTORY OF CZECH PARLIAMENTARISM. Chamber of Deputies. https://www.psp.cz/eknih/cdrom/ic2/21_A_history_ENG_05_2019.pdf
4. Constitution of Czechoslovakia 1960. https://www.worldstatesmen.org/Czechoslovakia-Const1960.pdf
5. Čarnogurský, J. (2006). The Fall of Communism in Czechoslovakia. In Transformation: The Czech Experience (pp. 43–50). essay, People in Need. https://mzv.gov.cz/public/eb/53/c9/582145_496817_Anglicka_verze.pdf
6. CHARTER OF FUNDAMENTAL RIGHTS AND FREEDOMS. https://www.usoud.cz/fileadmin/user_upload/ustavni_soud_www/Pravni_uprava/AJ/Listina_English_version.pdf
7. Stanislav Balík. (2005). Law and facts in cases pertaining to the constitutionality of activities of political parties. Council of Europe. https://www.venice.coe.int/webforms/documents/default.aspx?pdffile=CDL-JU(2005)023-e