Có con với người chết: Cơ hội trong tầm tay?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Có con với người chết: Cơ hội trong tầm tay?

SPL Jenny Morbel

BBC – 25 tháng 8 2016

Người đàn ông đang chờ đợi bác sĩ trong lúc thời gian với anh đang cạn dần.

Đó là một buổi tối muộn, chỉ độ một tiếng đồng hồ sau đó vị bác sĩ lần đầu tiên trả lời cú điện thoại.

“Hãy làm ơn giúp chúng tôi,” giọng nói đầy đau khổ của người phụ nữ ở đầu dây bên kia vang lên.

Giờ đây, vị bác sĩ đang trong tư thế rất khẩn trương, chuẩn bị cho một quy trình y tế.

Ông làm mọi thứ rất nhanh. Ông rửa tay và cánh tay bằng xà bông, rồi đeo găng tay. Người trợ lý sắp xếp các thiết bị được vô trùng lên chiếc bàn inox. Không khí mát mẻ, nặng mùi thuốc khử trùng.

Bác sĩ sẵn sàng thực hiện ca phẫu thuật.

Ông ngừng lại một khoảnh khắc, nghĩ tới một hình ảnh trong tâm trí, sau đó cắt vào da bệnh nhân cho đến khi thấy những lớp mô bên ngoài của bộ phận được phẫu thuật.

Nó sáng, trắng đục màu sữa và có nhiều gân. Bác sĩ cắt một mảnh giống như bọt biển và thả vào chiếc lọ nhỏ. Người trợ lý mang cái lọ đi.

Bác sĩ cẩn thận khâu vết mổ trên người bệnh nhân lại. Căn phòng yên lặng. Không có màn hình với những âm thanh tiếng bíp hay ống truyền dịch. Không ai kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Bệnh nhân cũng không được tiêm thuốc giảm đau.

Người vừa được phẫu thuật thực ra đã chết.

Trong thực tế, người đó đã chết khá lâu, khoảng hơn 30 giờ trước, theo biểu đồ cơ thể – nhưng một vài bộ phận trong cơ thể vẫn còn sống.

Thứ mà bác sĩ lấy ra khỏi cơ thể người quá cố là thứ chất lỏng có thể tạo ra sự sống. Một vật chất kỳ diệu không phải là người, cũng không phải đồ vật, vừa đa dạng vừa quá quý giá đến nỗi chúng ta vẫn chưa hoàn toàn biết phải làm gì với nó.

Đó là tinh trùng của một người đã chết.

Image copyright ISTOCK
Ca phẫu thuật lấy tinh trùng từ người chết đầu tiên được thực hiện vào thập niên 1970

Thêm một cơ hội

Ana và Michael Clark chỉ vừa kết hôn được một năm khi Mike nhận lệnh lên tàu ra nước ngoài trong đợt điều quân thứ năm của anh.

Mike 25 tuổi, là trung sĩ trong lực lượng thuỷ quân lục chiến. Anh nhập ngũ khi 18 tuổi và trong bảy năm phục vụ đã nhận được rất nhiều huân chương và huy hiệu, trong đó có cả huy chương Trái tim Tím (Purple Heart).

Hai vợ chồng quyết định đi chơi trước khi Mike lên đường: một chuyến đi bằng xe máy dọc theo đường cao tốc California.

Đó là chuyến đi cuối cùng của họ. Lúc quay lại đường cao tốc sau bữa trưa, Mike mất lái khi điều khiển xe máy và họ văng ra khỏi một rặng đá. Ana sống sót sau tai nạn. Mike thì không.

Sau khi hồi phục vì gãy xương sống và xương vai, Clark đã phải than khóc không chỉ vì chồng qua đời, mà vì cả đứa con tương lai mà họ chưa có.

“Chúng tôi đã nói về việc có con một vài tuần trước khi anh ấy qua đời bởi vì anh sẽ ra chiến trận. Anh ấy nói, ‘Em biết đấy, chán quá vì chúng ta chưa thể đến một ngân hàng tinh trùng để trữ đông tinh trùng… anh bận nhiều việc quá.'”

Thấy Clark đau khổ vì mất đi cơ hội có con với người chồng đã mất, một người bạn đề nghị cô nên tính tới việc sử dụng lại một số tinh trùng của Mike.

“Tôi tìm hiểu trên mạng và gọi đến số của ngân hàng tinh trùng,” Clark kể. Phải qua vài cuộc gọi cô mới tìm thấy một bác sĩ nhận lời thực hiện ca mổ lấy tinh trùng trên thi thể bệnh nhân đã chết. “Và sau đó tôi phải thuê một xe tang…”

Chiếc xe tang đưa thi thể Mike đi khoảng 100 dặm từ bệnh viện tại Riverside đến San Diego để thực hiện ca mổ, và sau đó đưa thi thể quay lại. Qua điện thoại, Clark có vẻ rất độc lập và bình tĩnh.

Các bài báo trên truyền thông đôi khi vẫn nói bóng gió về những phụ nữ muốn tìm cách sinh con sau khi chồng chết, những người mong muốn là ít ra cũng còn liên hệ gì đó với người thân yêu đã mất, như thể đó là những người không thực tế. Nhưng Ana Clark hoàn toàn không viển vông.

Image copyright SPL
Tinh trùng vẫn còn có khả năng sử dụng được khi người đã chết vài ngày

“Điều đó cho tôi cảm giác hy vọng rằng anh ấy không ra đi mãi mãi, rằng tôi sẽ có thể có một phần của anh ấy còn tồn tại. Chỉ dành cho tôi. Một phần rất nhỏ của Mike còn bên tôi.” Hơn thế nữa, Clark muốn Mike có một di sản.

“Anh ấy là người đàn ông rất, rất tốt. Anh ấy là một lính thủy quân lục chiến rất giỏi, và việc hiểu rằng tôi có thể mang trong mình một phần của anh, một sinh linh sẽ tiếp tục con đường dũng cảm như anh ấy. Tôi nghĩ đó là điều thực sự tạo động lực cho tôi…”

Các biện pháp trích xuất tinh trùng thời kỳ đầu

Cuối thập niên 1970, nhà niệu học Cappy Rothman ở Los Angeles lần đầu tiên thực hiện cuộc trích xuất tinh trùng từ người đã mất.

Trước đó, Rothman đã trích xuất tinh trùng từ đàn ông vô sinh, công việc khiến ông tích luỹ được rất nhiều kiến thức về giải phẫu học sinh lý nam giới, có trải nghiệm trong việc trích xuất và bảo tồn tinh trùng, và nổi tiếng với những người gặp vấn đề về sinh sản.

“Chỉ trong sáu tuần, tôi đã được đăng ký, lên lịch dày đặc hết cho sáu tháng,” ông nhớ lại.

Sau đó, khi con trai của một chính trị gia nổi tiếng bị chết não sau tai nạn giao thông, “tôi nhận được cuộc gọi từ bác sĩ trưởng khoa phẫu thuật thần kinh tại Đại học California, Los Angeles (UCLA). Ông ấy nói, ‘Tôi nhận được một đề nghị kỳ lạ. [Chính trị gia này] muốn bảo tồn tinh trùng của con trai ông ấy. Anh làm được không?'”

Rothman đưa ra ba lựa chọn: bơm vào người một loại thuốc khiến cả cơ thể co giật, qua đó hy vọng gây xuất tinh; phẫu thuật lấy cơ quan sinh sản của người đàn ông đó ra để lấy tinh trùng; hoặc kích thích thủ công.

Image copyright SPL
Nhiều phán quyết của tòa án gần đây đã coi tinh trùng có vị trí cao hơn máu hay nội tạng

“Tôi nhớ đã có một khoảng dừng ở đầu dây bên kia… rồi ông ấy [bác sĩ phẫu thuật thần kinh] nói, ‘Này bác sĩ, tôi đã được yêu cầu làm rất nhiều thứ khi làm trưởng khoa phẫu thuật thần kinh nhưng nếu anh nghĩ tôi sẽ thủ dâm cho một người chết thì anh điên rồi.'”

Họ quyết định chọn cách thứ hai.

Tuy nhiên, mãi đến năm 1999 mới có ca sinh sản đầu tiên dùng tinh trùng từ người chết.

Gaby Vernoff sinh bé Brandalynn từ tinh trùng mà Rothman trích xuất được sau khi chồng bà chết 30 giờ. Theo Gaby, bà đậu thai nhờ vào lọ tinh trùng cuối cùng còn lại.

Ngày nay, Rothman là nhà đồng sáng lập và là giám đốc y học của California Cryobank, ngân hàng tinh trùng lớn nhất tại Hoa Kỳ. Ông ước tính đã thực hiện gần 200 ca trích xuất tinh trùng từ cơ thể người chết.

Hồ sơ lưu trữ của bệnh viện cho thấy chỉ có ba ca mổ trích xuất trong thập niên 1980 và 15 ca trong thập niên 1990, nhưng từ năm 2000-2014, họ đã thực hiện 130 ca, trung bình gần chín ca một năm.

Rothman không phải là phòng mạch duy nhất nhận thực hiện dịch vụ này.

Các phân tích gần đây khá khan hiếm, nhưng khảo sát về các trung tâm sinh sản Hoa Kỳ từ năm 1997-2000 cho thấy số lượng yêu cầu trích xuất tinh trùng từ người chết đã tăng lên, mặc dù mức tăng rất chậm.

Sự sống sau khi chết

Cơ thể chúng ta, có vẻ như không chết đi cùng một lúc, mà là chết từng phần.

Từ thời kỳ đầu, các tài liệu khoa học đã khuyên bác sĩ nên trích xuất và ủ đông tinh trùng trong khoảng 24 -36 giờ sau khi người đó chết, nhưng các nghiên cứu cho thấy trong điều kiện hợp lý, tinh trùng có thể vẫn sống khoẻ ngay cả sau thời hạn này.

Image copyright SPL
Các mẫu được lưu trữ trong ngân hàng tinh trùng

Rothman cho biết một người đàn ông chết khi chèo thuyền kayak trong nước lạnh vẫn còn tinh trùng hoàn toàn khỏe mạnh hai ngày sau đó.

Và vào tháng 4/2015, bác sĩ ở Úc công bố một “em bé khỏe mạnh, hạnh phúc” sinh ra từ tinh trùng lấy từ cơ thể người cha đã chết sau 48 giờ.

Tinh trùng không cần phải quá nhanh nhẹn và hoàn hảo, chúng chỉ cần còn sống – một tinh trùng chậm chạp vẫn có thể giúp đậu thai.

Tất cả những gì cần có là làm sao đưa được một tinh trùng tiếp cận với trứng.

Nhưng đầu tiên phải có ai đó lấy được con tinh trùng đó ra đã. Có rất nhiều cách lấy tinh trùng, bao gồm cả việc dùng kim tiêm để hút.

Đúng theo tên gọi của cách này, trong phương pháp này bác sỹ sẽ dùng xi lanh cắm ống kim tiêm vào tinh hoàn và hút ra một ít tinh trùng.

Cách thứ hai để lấy tinh trùng ra là phẫu thuật lấy tinh hoàn hay mào tinh hoàn ra.

Vì mào tinh hoàn là nơi tinh trùng sinh trưởng, nên người ta thường ưa lấy được mô này.

Bác sĩ dùng phương pháp phẫu thuật lấy mào tinh hoàn và tinh dịch ra hoặc bằng cách khác là tách tinh trùng từ mô này ra.

Một cách khác là dùng phương pháp xuất tinh thăm dò trực tràng, còn được gọi là cách phóng tinh dịch điện tử.

Bác sĩ đưa một ống dẫn thăm dò vào hậu môn người đàn ông cho đến khi nó tiếp cận tiền liệt tuyến.

Tia điện phóng ra khiến cơ co lại và kích thích xuất tinh theo đường thông thường. Vì cách này không đòi hỏi phản xạ nguyên vẹn, nên nó hay được sử dụng cho đàn ông bị tổn thương ở cột sống.

Image copyrightSPL
Trữ đông tinh trùng có thể bảo quản tinh trùng đến khi cần dùng đến

Tranh cãi pháp lý tại Hoa Kỳ

Nhưng không phải vì có những cách để trích xuất tinh trùng từ người chết mà ta được cho phép tiếp cận quy trình này nếu muốn.

Martin Bastuba, nhà sáng lập và giám đốc y tế của Trung tâm Nam khoa và Tình Dục học ở San Diego, là bác sĩ đã trích xuất tinh trùng của Mike Clark sau khi anh bị tai nạn xe máy.

“Không có quy tắc cụ thể nào cả,” Bastuba nói.

Hoa Kỳ về mặt pháp lý vẫn giữ quan điểm khá rắc rối và khó hiểu, thậm chí đôi khi còn ra những quy định trái ngược nhau về vấn đề này.

Quy định pháp luật về hoạt động quản lý mô và việc hiến nội tạng thuộc về cấp liên bang, nhưng lại không nhất thiết áp dụng cho tinh trùng, vì tinh trùng được xếp vào nhóm mô có thể tái sử dụng.

Trong khi đó, thụ tinh nhân tạo lại thuộc phạm vi điều chỉnh của luật cấp tiểu bang.

Nếu một người đàn ông chưa từng đăng ký với nhà chức trách, như đăng ký tham gia hiến tạng, thì người họ hàng thân thiết có thể quyết định khi nào ngưng các phương pháp y học để duy trì sự sống, hay liệu có hiến tạng của người đó không, và cũng quyết định liệu xác của người đó sẽ được sử dụng hay an táng, hay các nghi thức an táng sẽ ra sao.

Nhưng tinh trùng lại là chuyện khác.

Tinh trùng được cho là một bộ phận rất đặc biệt trong cơ thể người đàn ông.

Đã có rất nhiều phán quyết gần đây của toà cho rằng tinh trùng có vị trí pháp lý quan trọng hơn máu, tuỷ xương hay nội tạng.

Mời quý vị đón xem phần tiếp theo, “Cơ sở pháp lý và đạo đức của việc dùng tinh trùng người chết“.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.