Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn – Lê Minh Nguyên
Như chúng ta biết, nhân loại đã được chuyên chở bởi ba làn sóng vĩ đại để đi qua bốn thời đại. Làn sóng thứ nhất đã đưa con người từ Thời Đại Du Mục sang Thời Đại Nông Nghiệp. Làn sóng thứ nhì đã đưa con người từ Thời Đại Nông Nghiệp sang Thời Đại Kỹ Nghệ, và làn sóng thứ ba đã và đang đưa con người từ Thời Đại Kỹ Nghệ sang Thời Đại Thông Tin. Để dễ hiểu hơn, nó đưa luồng lao động chính yếu hay sự làm việc để sinh tồn đi qua các ngưỡng cửa mới trong khi sự sản xuất của các thời đại cũ như nông nghiệp hay kỹ nghệ vẫn tiếp tục gia tăng nhưng không còn cần nhiều tới sức bậc con người do việc cơ khí hóa hay robot hóa.
Nếu chúng ta lấy 4.5 tỷ năm tuổi của quả địa cầu dồn nén lại để còn là một năm thôi với 365 ngày của 12 tháng thì sự sống của những sinh vật dưới biển bắt đầu từ tháng 5, sinh vật trên đất từ cuối tháng 11. Khủng long xuất hiện vào giữa tháng 12 rồi biến mất 10 ngày sau, khi rặng núi Rocky Mountains được mọc lên. Sinh vật có hình dáng người xuất hiện vào buổi tối ngày 31 tháng 12. La Mã cai trị Tây Âu được 5 giây, từ 15 đến 10 giây trước nửa đêm và ông Columbus khám phá Mỹ Châu 3 giây trước nửa đêm.
Điều này cho thấy con người có cuộc sống rất ngắn ngủi và là tinh hoa của sự tiến hóa trên quả địa cầu. Sự tiến hóa này phải vượt qua muôn vàn cam go và khổ sở để tiến từ một tế bào nguyên thủy, được tạo ra ở biển cả bởi sấm sét và khí âm dương để đi vào thời đại thông tin ngày nay. Yếu tố khoa học vật chất này được phát triển song song với yếu tố tâm linh, hổ trợ cho nhau để phát huy sự sinh tồn. Các nhà khoa học ngày nay đã chứng minh được rằng chính tôn giáo giúp con người thăng tiến sự sinh tồn và bộ óc con người, phần ở phía trước được dành cho lãnh vực tâm linh, nếu mất đi phần này con người vẫn sống nhưng không còn khả năng phân biệt thiện ác.
Do con người không thể thoát ra khỏi các định luật thiên nhiên của quả địa cầu và của vũ trụ, nên phải tuân lệnh thiên nhiên để vận dụng thiên nhiên, hầu tối đa hóa khả năng sinh tồn. Có lẽ một ngày nào đó của một tương lai xa, khả năng sinh tồn này sẽ giúp cho con người được trường tồn, dưới một hình thức nào đó khi chúng ta tiếp tục Chủ nghĩa Dân Tôc Sinh Tồn xây dựng những nguyên tắc căn bản của nó trên con người thực sự, không hư ảo như con người tự do bình đẳng có tính bổn thiện của chủ nghĩa dân chủ, hay con người duy vật chất của chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa DTST dùng các phương pháp phân tích khoa học để tìm hiểu con người với những mối tương quan cơ cấu khách quan trong vũ trụ. Vì không thể thoát ra khỏi các định luật của thiên nhiên, chủ nghĩa nghiên cứu các luật thiên nhiên để biết nó như thế nào, hầu nương theo nó và vận dụng nó để phục vụ cho sự sinh tồn. Chủ nghĩa khảo sát vị trí con người trong vũ trụ, bản chất con người, động cơ thúc đẩy con người hoạt động, và các điều kiện hoạt động.
Con người là một tổng thể thuần nhất gồm thể xác và tâm hồn trộn lẫn nhau một cách chặc chẽ với sự tương quan mật thiết giữa những hoạt động tâm lý và sinh lý. Chủ nghĩa đi từ bản năng gốc rễ của con người là bản năng sinh tồn, nó là động lực tự nhiên thúc đẩy con người hoạt động mà trong đó chính yếu là sự trộn lẫn và quấn quyện của ba bản năng phía dưới và phía trong là: bản năng vị kỷ, bản năng tình dục và bản năng xã hội. Ba bản năng này đi từ việc phục vụ sự sinh tồn của cá nhân, để từ đó sự sinh tồn của chủng loại được phát huy và hình thành một sự kết hợp để có sức mạnh bảo vệ sự sinh tồn của tập thể.
Ba bản năng này luôn luôn tương tác để tạo ra mô hình thích hợp nhất cho từng hoàn cảnh không gian và thời gian hầu phục vụ một bản năng duy nhất là bản năng sinh tồn. Mục đích của sự hiện hữu của con người trên quả địa cầu này là để sống, để sinh tồn, duy trì và phát huy sự sinh tồn. Do đó, ta không ngạc nhiên khi sự sinh tồn của dân tộc bị đe dọa thì bản năng vị kỷ, nghĩa là vì mình, lấy mình làm trung tâm cho mọi ứng xử, sẽ trở thành vị tha và liều chết để bảo vệ, như Hội Nghị Diên Hồng đời nhà Trần.
Bản năng vị kỷ luôn biến hóa theo sự tương tác với môi trường bên ngoài, cùng hai bản năng tình dục và xã hội bên trong. Nó giống như vòng điện quang bao phủ chung quanh mỗi người. Vòng hào quang này sáng chói khi bản năng vị kỷ tiến lên vị tha như những bậc chân tu, những vị lãnh đạo vì dân vì nước v.v… Nó sẽ nhỏ nhoi hay mờ yếu nếu bản năng vị kỷ thụt lùi thành ích kỷ. Nếu nó tắt lịm thì người quá ích kỷ thường đi tìm cái chết bằng sự tự tử như những người nhảy lầu hay treo cổ khi thua chứng khoán hay bị mất đi khối tài sản mà họ coi là không có gì quý hơn.
Muốn sinh tồn con người phải tranh đấu. Để chiến thắng trong sự tranh đấu thì phải có sức mạnh, phải biết biến cải để thích ứng và tạo ưu thế trong môi trường tranh đấu, và phải biết hợp quần để làm nên sức mạnh áp đảo của tập thể. Hợp quần trong phạm vi dân tộc là hình thức hợp quần vừa phải nhất và hợp lý nhất mà lịch sử loài người chứng minh là đã thực hiện được một cách tốt đẹp.
Từ các bản năng sinh tồn này, dân tộc xây dựng nó lên thành các định chế chính trị và xã hội, để vừa phát huy sự sinh tồn vừa điều tiết những bản năng, để con người không trở thành thú dữ và xây dựng được nếp sống văn minh. Thí dụ như từ bản năng tình dục con người xây dựng những định chế về gia đình, từ bản năng vị kỷ con người xây dựng những định chế về quyền tư hữu, về thuế khóa v.v.., từ bản năng xã hội con người xây dựng những định chế về sự lập hội, về tôn giáo, về nghiệp đoàn, về chính đảng, về xã hội công dân, xã hội dân sự. Chủ nghĩa cộng sản phủ nhận các bản năng của con người, tiêu biểu nhất là bản năng vị kỷ, cho nên nó tước đoạt quyền tư hữu, vẽ ra một xã hội không tưởng, một con đường đi không đến của thiên đường mù và tạo sự đau khổ cho nhân loại mà chúng ta đã và đang chứng kiến.
Dân tộc là sự quy tụ của khối đông người một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử, dù cho có cùng hay khác sắc tộc và huyết thống, có một ngôn ngữ chung được chấp nhận, có nếp sinh hoạt văn hóa giống nhau và những phong tục tập quán như nhau. Ngoài ra còn có các yếu tố tinh thần là lịch sử, với sự đồng lao cộng khổ, cùng nhau trong quá khứ tranh đấu để sinh tồn, tạo nên tình tự quê hương và dân tộc, giữ cho sự đoàn kết càng thêm bền chặt, và quan trọng hơn hết là có cùng ước vọng cho một vận mệnh tương lai chung.
Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn có thể được tóm tắt với các câu thơ đơn giản sau đây :
“Sinh Tồn nguồn gốc Bản Năng
Trong ba tiểu bản giảm tăng môi trường
Bản Năng Vị Kỹ đo lường
Bản Năng Tình Dục nối đường cháu con
Bản Năng Xã Hội sắc son
Dân ta Tranh Đấu giữ non nước nhà
Muốn thắng thì phải có ba
Sức Mạnh, Biến Cải, thiết tha Hợp Quần
Văn minh định chế không ngừng
Phát huy Dân Tộc thắm nhuần Bản Năng”
Dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc có tổ quốc, có căn cước rõ rệt được các dân tộc khác trên thế giới công nhận. Nhìn về lịch sử nước ta, dân tộc Việt Nam đã trãi qua một quá trình sinh tồn mãnh liệt, vươn lên qua nhiều ngàn năm. Trong khi đó có nhiều dân tộc, hoặc đã đánh mất đi căn cước của mình như người Mãn Châu ở Trung Quốc, người Hawaii ở Hoa Kỳ, hoặc đã mất đi tổ quốc như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người da đỏ ở Mỹ Châu, người Palestine ở Trung Đông hay người Do Thái trước năm 1948.
Dân tộc nào cũng muốn sinh tồn, nhưng duy trì được sự sinh tồn và tiến lên để trở thành một dân tộc mạnh của thế giới thì không phải dân tộc nào cũng làm được. Những dân tộc mạnh trên thế giới ngày nay mà một số học giả còn gọi là các bộ lạc hoàn cầu là dân tộc Do Thái, dân tộc Anh-Mỹ (Anglo-Sexon), dân tộc Nhựt, dân tộc Trung Hoa, dân tộc Ấn Độ, dân tộc Lebanese v.v.., họ có những đặc tính riêng để bảo tồn căn cước của dân tộc họ, và những đặc tính chung của các điều kiện cần có, để vươn lên tranh đua cùng những dân tộc khác.
Đặc tính riêng là cái gene DNA của mỗi dân tộc để không bị đồng hóa như văn hóa, phong tục tập quán, ngôn ngữ và lich sử chung, có cùng mơ ước về một vận mệnh tương lai chung và hợp quần để cùng nhau thể hiện những mơ ước đó.
Đặc tính chung là cái quan năng biến cải để thích ứng với môi trường của thời đại và nơi chốn như khả năng tập hợp nơi các đô thị đa sắc màu (cosmopolitan), khả năng nắm bắt các khoa học kỹ thuật, khả năng đầu tư và kinh doanh thương nghiệp, khả năng tham gia chính trị chính dòng, khả năng hợp quần để tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau.
Sự sinh tồn của dân tộc Việt Nam là một sự sinh tồn vất vã và nhiều đau thương trong quá khứ, có lẽ hầu hết chúng ta đã nghe qua bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn «một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày…» và ngày nay áng mây nô lệ mới từ phương Bắc đang bay đến đất nước ta. Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy khi sinh tiền nhận xét dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh, dũng cảm nhưng lại chịu quá nhiều bất hạnh. Ông đã mơ ước là giải phóng được dân tộc thoát khỏi gông cùm cộng sản và nếu còn sống sót thì sẽ viết về những ưu khuyết điểm của dân tộc ta, để các thế hệ mai sau học hỏi từ kinh nghiệm của quá khứ mà đưa dân tộc tiến đến bến bờ vinh quang, qua cơn bỉ cực và vĩnh viễn giải trừ sự bất hạnh bằng trí tuệ thông minh của dân tộc.
Chính trong nỗi niềm đau thương và bất hạnh này mà chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn đã ra đời, được Đảng Trưởng Trương Tử Anh của Đại Việt Quốc Dân Đảng sáng tạo ra trong thời tranh đấu với thực dân Pháp, và GS Nguyễn Ngọc Huy đã phát huy lên trong thời chiến tranh quốc-cộng để chống lại chủ nghĩa cộng sản nhằm tiêu diệt dân tộc, qua chủ trương vô tổ quốc và thế giới đại đồng. Hy vọng rằng những tài năng trẻ sau này sẽ tiếp tục phát huy nó trong thời đại thông tin (Information Age) của nhân loại ngày nay, để nó phục vụ hữu hiệu cho dân tộc và tổ quốc Việt Nam.
Ông Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ ràng tinh thần vô tổ quốc ấy qua bài thơ ông so sánh sự nghiệp của ông với sự nghiệp của Đức Trần Hưng Đạo. Tiếc thay, Đức Trần Hưng Đạo chiến đấu để bảo vệ sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, tách rời Việt Nam với Trung Quốc, còn ông Hồ chiến đấu để mang Việt Nam sáp nhập lại vào Trung Quốc. Đã vậy mà ông Hồ còn bảo Đức Trần Hưng Đạo cười một tiếng cho sự thành công phục vụ ngoại bang của ông.
Bác đưa một nước qua nô lệ
Tôi dẫn năm châu đến đại đồng
Bác có linh thiêng cười một tiếng
Rằng tôi cách mạng đã thành công
Dân tộc Việt Nam ngày nay đã hội đủ một số điều kiện cần có để trở thành một dân tộc mạnh, nhưng chưa có được các điều kiện đủ. Các điều kiện cần mà ngày nay dân tộc của chúng ta có được là (1) sự hiện hữu của dân tộc ta ở khắp nơi trên thế giới và phần lớn quy tụ ở những vùng đô thị đa sắc màu, đa văn hóa, (2) dân tộc ta rất có khiếu và giỏi về khoa học kỹ thuật, ở trong nước và nhất là ở hải ngoại với môi trường tự do, dễ phát huy khả năng tưởng tượng, phát minh và sáng tạo, (3) dân tộc ta ngày nay đã phát triển khá nhanh khả năng thương mại, mậu dịch, quản trị kinh doanh, vượt qua tầm vóc tiểu thương gia đình và đang đi vào vĩ mô của mậu dịch thế giới, (4) dân tộc ta ở hải ngoại đã và đang đi vào chính dòng của những sinh hoạt chính trị của các nước sở tại, điều này đã tạo sức mạnh lớn cho dân tộc Do Thái, (5) dân tộc ta chịu khó, cần cù, hiếu học, đam mê kiến thức, trong khi thời đại ngày nay là thời đại thông tin, thời đại của kiến thức mà nhân loại đang đi vào.
Tuy nhiên, có những điều kiện đủ mà dân tộc ta chưa đạt được là (1) chế độ chính trị độc tài độc đảng đang kìm hãm khả năng phát huy nội lực của mỗi một người dân trong tổ quốc, chế độ này lo sợ kiến thức và tìm cách kiểm soát, hạn chế kiến thức, lo sợ truyền thông tư nhân, Google, Facebook, Twitter, các websites thông tin trung thực, các phản biện xây dựng của những nhà trí thức của chính chế độ như Bauxite Việt Nam, IDS, bloggers trong nước…, (2) khả năng hợp quần để gây sức mạnh, để giúp đỡ nhau cùng đẩy dân tộc đi lên vẫn còn yếu kém, nhất là trong các túi dân tộc (diaspora) ở nước ngoài như Nam California và nhiều nơi khác. Người Trung Quốc có khá tốt khả năng này qua hình thức bang hội, người Anh-Mỹ qua các định chế tài chánh và tổ chức hành chánh, người Nhựt qua tinh thần võ sĩ đạo. Trong nước chế độ CS tìm cách triệt tiêu khả năng này qua sự đàn áp, giam cầm, bắt bớ, cấm đoán…vì sợ nó đe dọa sự độc tôn của chế độ, ở hải ngoại họ có Nghị Quyết 36 và ngân sách để thực hiện nghị quyết này hầu làm tan rã khả năng hợp quần của dân tộc Việt, vì họ lo sợ khả năng này của dân tộc mà họ còn gọi là «thế lực thù địch» sẽ đoàn kết được người trong nước (3) dân tộc ta tuy yêu chuộng kiến thức nhưng còn ít chịu phiêu lưu để tham gia mạnh vào lãnh vực chính trị hay kinh doanh đầu tư, mà còn bảo thủ để chỉ làm chuyên viên, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo, công chức…, không như dân tộc Do Thái hay dân tộc Trung Quốc, họ xông pha vào chính trường và thương trường, nắm được nhiều quyền lực chính trị và kinh tế của Hoa Kỳ và nhiều nơi khác.
Bà cựu thủ tướng Anh, Margaret Thatcher, nói rằng một đất nước thịnh vượng theo định nghĩa cũ là phải có ba yếu tố (1) đất rộng, (2) dân đông, và (3) tài nguyên phong phú, ngày nay đã không còn đúng nữa vì Nga, Ấn Độ, Ba Tây, Nam Dương… đều có đủ cả ba yếu tố đó và đều nghèo. Trong khi, các quốc gia Âu Châu, Nhật, Đài Loan, Nam Hàn, Singapore… không có ba yếu tố và đều giàu. Và theo bà, sự thịnh vượng nằm trong yếu tố con người, tức là một dân tộc mạnh. Và muốn được vậy thì mỗi một người dân trong dân tộc phải đều có năng lực. Muốn dân có năng lực thì chế độ phải có tự do dân chủ để người dân phát huy được khả năng trí tuệ, khả năng tưởng tượng, sáng tạo, phát minh, cải tiến, sản xuất. Nhìn ba nhạc sĩ nổi tiếng của nước ta là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn thì ta thấy rõ điều này. Văn Cao ở lại Miền Bắc sống dước chế độ cộng sản nên sau đó bị tịt ngòi. Pham Duy vào Nam và tiếp tục thăng hoa trong chế độ dân chủ. Trịnh Công Sơn thì mất hẳn tinh hoa sau 1975 khi CS chiếm Miền Nam.
Những công trình vĩ đại do con người tạo ra mà chúng ta thấy ngày hôm nay trong thế giới đều là sản phẩm của trí tuệ. Chủ nghĩa DTST với bản năng biến cải trong thời đại thông tin, chủ trương một sự giải phóng trí tuệ của dân tộc VN. Nếu khoảng 90 triệu người VN ở trong và ngoài nước đều có năng lực trí tuệ cao, dân tộc ta mới có cơ hội để trở thành một dân tộc mạnh trong thế giới, tổ quốc ta mới mong giữ được sự độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, mới có khả năng bảo vệ Biển Đông. Chiến đấu trong tương lai là bằng xe tăng, tàu lặn, máy bay không người lái, chiến tranh không gian ảo (information warfare hay cyber war) và nhất là cân não. Dân tộc VN không có năng lực trí tuệ thì làm sao chiến thắng được trong môi trường chiến đấu như vậy và bảo vệ được sự sinh tồn?
Những lý thuyết có nguồn gốc tôn giáo như lý thuyết thần quyền phản ảnh sự bất lực của con người trước các hiện tượng thiên nhiên và dùng thần minh để giải thích, xem thần minh là cứu cánh và cho rằng con người sinh ra là để phụng sự thần minh, chính quyền là đại diện thần minh, đưa đến chính quyền hầu hết là độc tài.
Lý thuyết dân chủ tiến xa hơn, lấy con người làm cứu cánh, làm trung tâm cho mọi hoạt động chính trị. Tuy nhiên con người trong lý thuyết này là con người hư ảo vì John Lock và Jean Jacques Rousseau cho rằng ai sinh ra tánh đều vốn tốt, có đầy đủ các quyền tự do, và hoàn toàn bình đẳng với nhau. Đây là con người lý tưởng luôn luôn thăng bằng được giữa hai ý niệm đối chọi nhau là tự do và bình đẳng. Trong thực tế lý thuyết này cho ra các chế độ dân chủ thiên về ý niệm tự do, nên thiếu bình đẳng, hay còn gọi là dân chủ tư sản của những tập đoàn kinh tế tài chính đầy quyền lực.
Lý thuyết cộng sản nhìn thế giới duy vật chất và bài bác phần tâm linh, cho nên đặt nền tảng trên con người không luân lý hay con người vô tâm. Họ chủ trương đấu tranh giai cấp để tiến đến một xã hội không giai cấp, một thế giới đại đồng. Để tiến đến đó thì một nhóm người tự cho là ưu tú, biết đường đi, tụ tập nhau làm đảng công sản, giữ lấy độc quyền chính trị và kinh tế để dẫn dắt. Vì phủ nhận cái mà họ không biết (tâm linh) nên chủ nghĩa thiếu tính khoa học. Chủ nghĩa dùng luật biến chứng để áp dụng vào vật chất nhưng lại phản bội hai đặc tính của luật biện chứng là tinh cách tương đối của chân lý và tính không cùng của luật biện chứng. Giai cấp tranh đấu chỉ là một thể hiện của nhiều hình thức tranh đấu khác nhau chứ không phải là sự tranh đấu duy nhất trong lịch sử loài người. Lý thuyết CS nói hạ tầng kinh tế quyết định thượng tầng kiến trúc chính trị, tức nền tảng kinh tế tạo ra thể chế chính trị, nhưng trên thực tế họ đi ngược lại, dùng việc cướp chính quyền bằng bạo lực, tức dùng chính trị để nhào nặn ra nền kinh tế tập trung chỉ huy. Thiên đàng địa giới của thế giới đại đồng là một điều không tưởng và thực tế là họ tạo ra một giai cấp mới, giai cấp thống trị của tư bản đỏ, trên danh nghĩa của tranh đấu để xóa bỏ giai cấp.
Chủ nghĩa Phát Xít là sự cực đoan hay quá độ của tinh thần quốc gia và Chủ Nghĩa Siêu Tộc là sự cực đoan hay quá độ của tinh thần dân tộc. Lý thuyết Phát Xít lấy quốc gia làm cứu cánh và bắt con người tuyệt đối hy sinh cho quốc gia. Lý thuyết Siêu Tộc cho rằng siêu tộc lãnh đạo thế giới và các chủng tộc khác phải phụng sự siêu tộc. Hai lý thuyết này chủ trương độc tài chính trị và cho tự do kinh tế. Hai lý thuyết này thất bại vì nó không phục vụ con người.
Chủ nghĩa Tam Dân tìm cách hội nhập các ưu điểm của ba chủ nghĩa quốc gia, dân chủ và xã hội mà trong đó (a) Dân Tộc để kêu gọi người dân Trung Quốc ưu tiên đoàn kết trong phạm vi quốc gia, vượt lên phạm vi bang hội, và không quá trớn như chủ trương đại đồng của CS, (b) Dân Quyền để phủ nhận các chế độ độc tài, nhưng cũng giới hạn sự tự do và bình đẳng để phục vụ quốc gia, và (c) Dân Sinh để phủ nhận chế độ tư bản và không tán thành giai cấp tranh đấu, công nhận quyền tư hữu hạn chế. Chủ nghĩa này gián tiếp phủ nhận sự tự do cá nhân, chứa nhiều lý luận mâu thuẩn nhau và chưa có cơ hội thực hiện.
Ngày nay, dân tộc Việt Nam đang đứng trước một sự hiểm nguy lớn lao bởi bá quyền Trung Quốc ở bên ngoài và chủ nghĩa Mác-Lê phản dân tộc ở bên trong. Nếu thế giới đại đồng, nếu bốn phương vô sản đều là anh em, nếu Trung Quốc-Việt Nam núi liền núi, sông liền sông, đất nước chung nghe tiếng gà gáy cùng thì làm sao mà giữ độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ với TQ được?
Ông tiến sĩ Đổ Xuân Thọ, một đảng viên của đảng CSVN ngày 13/4/2010 trả lời phỏng vấn đài BBC cho biết ông đã gởi thư lên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, tha thiết yêu cầu từ bỏ học thuyết Mác Lê và thay vào đó là chủ nghĩa dân tộc làm cơ sở chính trị và tư tưởng cho Đảng và chế độ. Ông đã bị trù dập nặng nề, bởi vì như ông Hồ đã nói là ông «dẫn năm châu đến đại đồng» và các đệ tử của ông trong đảng CSVN đang thực hiện 16 chữ vàng, 4 tốt với Trung Quốc.
Ngày nay TQ đang chuẩn bị dư luận quần chúng của họ cho một kế hoạch đánh chiếm vùng biển đảo Trường Sa, nếu họ không lấy được vùng này một cách êm dịu bằng sự lấn lướt. Hiện nay có ba nơi mà TQ có thể gây chiến vì đã là những điểm nóng tranh chấp lãnh thổ, đó là vùng biển Trường Sa, đảo quốc Đài Loan, vùng biên giới Ấn-Hoa và tỉnh Arunachal Pradesh. Trong chế độ độc tài, nhất là một nước lớn như Trung Quốc, khi nội bộ có vấn đề thì họ có nhu cầu cho một cuộc chiến tranh bành trướng, đánh để lấy được một cái gì, thắng nhanh, không sa lầy, không tốn kém nhiều, thỏa mãn được mặc cảm nhược quốc trong thời thuộc địa, hướng dẫn dư luận quần chúng về hướng ái quốc để giảm thiểu những xung đột nội bộ, gởi tín hiệu cho thế giới biết rằng TQ ngày nay đã là một siêu cường. Các lãnh tụ của họ không thể hát giọng thấp khi tranh chấp quyền lực, trừ khi muốn bị loại trừ như Triệu Tử Dương.
Để thỏa mãn được những đòi hỏi này thì vùng biển Trường Sa là đạt được tiêu chuẩn cao nhất cho chiến tranh. Các chỉ dấu cho việc chuẩn bị này càng ngày càng biểu hiện rõ, như tăng cường hải quân với ngân sách hơn 1/3 tổng số ngân sách quốc phòng TQ, tuần tra vùng biển này thường hơn, cho ngư dân TQ nuôi cá ở vùng biển này, xua đuổi những công ty ngoại quốc có ý hợp tác với VN để thăm dò dầu khí, cắt cáp tàu thăm dò VN, bắt ngư dân, đâm tàu đánh cá và tịch thu hay phá hủy ngư cụ, cho báo chi của họ thường xuyên loan tin về chủ quyền biển đảo của họ ở vùng này, chỉ trích VN xâm phạm chủ quyền và tuyên bố Biên Đông là “quyền lợi cốt lõi” của họ. Việc Hoa Kỳ muốn can thiệp vào Biển Đông, bà ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố là “quyền lợi quốc gia” đã làm cho TQ tức tối coi là kỳ đà cản mũi. Hành động của HK tuy có lợi cho VN, nhưng chỉ là một điều kiện thuận lợi nhất thời của môi trường bên ngoài, điều kiện đủ là chính dân tộc VN phải có khả năng tự bảo vệ.
Với chủ nghĩa Mác-Lê, cộng sản TQ xem CSVN là một bộ phận địa phương hay chi nhánh của đảng CSTQ, báo chí TQ loan tải ông Hồ Chí Minh là đảng viên của đảng CSTQ. Chủ nghĩa này rõ ràng bất lực trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước và bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc. Muốn bảo vệ sự sinh tồn của dân tộc và tổ quốc Việt Nam, lịch sử đã chứng minh rằng chỉ có huy động được sức mạnh của toàn dân trong và ngoài nước thì mới mong chống được giặc ngoại xâm.
Đây là lúc mà người dân VN phải tìm cách vứt bỏ chủ nghĩa Mác Lê và nắm bắt lấy chủ nghĩa Dân Tôc Sinh Tồn. Nếu không dựa vào chủ nghĩa dân tộc thì khó mà bảo vệ sự sinh tồn lâu dài của dân tộc và tổ quốc VN. Trong nước, chỉ có sức mạnh của toàn dân mới có đủ sức bảo vệ được chủ quyền ở Biển Đông dù cho vũ khí có yếu kém hơn TQ, chỉ có toàn dân tham dự thì các sáng kiến về chiến lược phòng chống như du kích biển mới có cơ hữu hiệu, mới huy động được trí tuệ để phát minh được những vũ khí điều khiển từ xa. Ở hải ngoại, chỉ có sức mạnh của dân tộc mới làm ồn ào được dư luận thế giới để chống TQ, mới biểu tình ở các tòa đại sứ và lãnh sự của TQ, mới ảnh hưởng được các chính quyền sở tại, mới tạo sự quan tâm can thiệp của các quốc gia khác cho VN.
Các kỹ thuật của truyền thông và vận chuyển đã làm cho quả đất nhỏ lại rất nhiều. Dân tộc VN ngày hôm nay sống trong thời đại thông tin và sống khắp nơi trên thế giới. Môi trường và hoàn cảnh đã thay đổi, quan năng biến cải của chủ nghĩa cần được áp dụng để tối đa hóa hiệu năng của dân tộc cho sự sinh tồn. Chúng ta có thể chiến đấu với TQ trên không gian ảo bằng thông tin chiến, mở rất nhiều mặt trận và ở khắp năm châu, từ kinh tế như vận động thế giới tẩy chay hàng hóa TQ, đến truyền thông, ngoại giao, chính trị v.v… Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn tạo cơ sở cho sự huy động sức mạnh toàn dân trong và ngoài nước được tối đa và hiệu quả cho các công việc lớn lao này.
Trong thời đại thông tin, như nhà xã hội và tương lai học Alvin Toffler nhận xét, quyền lực đã được chuyển đổi, sự cạnh tranh trong thế giới giữa những dân tộc sẽ mãnh liệt hơn, thì sự sinh tồn của dân tộc đòi hỏi năng lực của mỗi một người dân của dân tộc phải được phát huy tối đa và sự hợp quần phải có tầm vóc thế giới. Mạnh yếu không hoàn toàn tùy thuộc ở việc đông người mà tùy thuộc vào trí thông minh của dân tộc, điển hình là nước Anh trong Thời Đại Kỹ Nghệ. Có như thế thì châu chấu mới có khả năng đá xe, dân tộc Do Thái mới chống lại được khối Á Rập, dân tộc Việt Nam mới chống lại được sự bành trướng của Trung Quốc.
Lý thuyết để dẫn dắt và tạo sự hùng mạnh cho dân tộc Việt Nam không phải là lý thuyết Cộng Sản mà là lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn.