Chiến Tranh Lạnh và Thân Phận Việt Nam – Lê Minh Nguyên

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chiến Tranh Lạnh và Thân Phận Việt Nam – Lê Minh Nguyên

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm Thứ Tư 6/5 điện đàm với Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc để thảo luận về đại dịch COVID-19.

Theo thông cáo của Nhà Trắng: “Cả hai nhà lãnh đạo đồng ý tiếp tục hợp tác để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế nhanh chóng và mở rộng Quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam, khi hai nước kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao.” Theo VOA, chính quyền Trump gần đây đã ca ngợi Việt Nam như một hình mẫu về sự hợp tác trong đại dịch virus corona nhằm nêu bật sự tương phản với TQ. (https://bit.ly/3cceTJB)

Báo Lao Động của CSVN nói rằng cuộc điện đàm là “theo đề nghị của phía Mỹ”, “Tổng thống Donald Trump thông báo sẵn sàng tặng Việt Nam một số máy thở để hỗ trợ điều trị bệnh nhân COVID-19”, “Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ mong muốn sẽ sớm được gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, và “Tổng thống Mỹ Donald Trump lấy làm tiếc Hội nghị Cấp cao đặc biệt Mỹ-ASEAN đã bị hoãn do dịch COVID-19 và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ Mỹ-ASEAN trong thời gian tới.” (https://bit.ly/2W8ShUt)

Theo tin Reuters 3/5, chính quyền TT Trump đang “tăng tốc” một sáng kiến ​​nhằm loại bỏ chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu ra khỏi Trung Quốc và cân nhắc mức thuế quan mới để trừng phạt Bắc Kinh vì việc xử lý đại dịch coronavirus.

Chính sách TQ của TT Trump được quyết định bằng các cuộc đấu tranh hậu trường giữa các cố vấn thương mại (người ôm gấu trúc) và phe diều hâu (hiệp sĩ giết rồng), và kể bây giờ phe diều hâu đang thắng thế, coi đây là một “perfect storm” (tổng hợp những cái xấu và bất ngờ để cho ra một cái xấu hoàn hảo) có tính định hướng bởi vì “Tất cả những số tiền mà mọi người nghĩ rằng họ có thể kiếm được bằng cách giao thương với TQ trước đây, thì bây giờ đã bị lu mờ gấp bội lần so với các thiệt hại kinh tế.”

Hoa Kỳ đang nỗ lực tạo ra một liên minh gồm “các đối tác đáng tin cậy”, có tên là Mạng thịnh vượng kinh tế (Economic Prosperity Network), trong đó có Hoa Kỳ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Nam Hàn và Việt Nam để thúc đẩy kinh tế toàn cầu, theo Bộ trưởng Ngoại giao HK Mike Pompeo cho biết hôm 29/4.

Nó gần như là một tiểu bản của TPP, ít quốc gia hơn và nhiều năm chậm hơn. Nó có nền tảng từ Tứ Giác Kim Cương (HK, Nhật, Ấn, Úc) nhưng chỉ có một mình VN là trong khối ASEAN cho nên tuy là liên minh kinh tế nhưng có vẻ nặng về an ninh hơn.

TQ đã vượt qua HK để trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới năm 2010, chiếm 28% sản lượng toàn cầu năm 2018, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc.

Chính quyền TT Trump cam kết trừng phạt TQ nhưng không phải lúc nào cũng thể hiện bằng hành động, ví dụ như việc hứa ngăn chặn Hoa Vi xuất khẩu chip ra thế giới, được phe diều hâu trong chính quyền ủng hộ và được xem xét từ tháng 11, nhưng vẫn chưa thực hiện. (https://reut.rs/2SJqIPB)

Cũng theo tin Reuters hôm 4/5, một báo cáo nội bộ của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cảnh báo rằng Bắc Kinh phải đối mặt với làn sóng thù địch đang gia tăng sau sự bùng nổ của coronavirus, nó có thể khiến mối quan hệ với Hoa Kỳ phải đi vào tình trạng đối đầu. Báo cáo kết luận rằng cảm tính chống TQ toàn cầu đang ở mức cao nhất kể từ cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989, và TQ cần phải chuẩn bị cho một tình huống xấu nhất là đối đầu vũ trang giữa hai siêu cường.

Báo cáo cảnh báo rằng cảm tính chống TQ do coronavirus, có thể gây ra sự quay lưng với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng của Vành Đai Con Đường. Washington có thể tăng cường hỗ trợ tài chính và quân sự cho các đồng minh trong khu vực, khiến cho tình hình an ninh ở châu Á trở nên bất ổn hơn.

Một trong những người am tường về báo cáo này cho biết nó được nhiều người trong cộng đồng tình báo TQ coi đây là phiên bản TQ của “Novikov Telegram”, tức công điện năm 1946 của Đại sứ Liên Xô tại Washington, ông Nikolai Novikov, nhấn mạnh những mối hiểm nguy do tham vọng kinh tế và quân sự của HK sau Thế chiến II. Công điện của Novikov, nhằm trả lời cho công điện của nhà ngoại giao HK George Kennan ở Moscow, có tên “Long Telegram”, trong đó nói rằng Liên Xô không thấy có khả năng sống chung hòa bình với phương Tây, và nên coi việc ngăn chặn be bờ (containment) là chiến lược dài hạn tốt nhất. Hai tài liệu này đã giúp tạo tiền cho cái nhìn chiến lược của cả hai bên để đi đến Chiến tranh Lạnh. (https://reut.rs/3cd5jpJ)

Qua các sự kiện dọc dài đã xảy ra, nó cho thấy HK và TQ đang đi từ mối quan hệ đối tác (partners) qua quan hệ đối thủ (opponents), nhưng duờng như cả hai bên đều muốn tránh đi xa hơn để trở thành kẻ thù (enemies). Điều này có nghĩa là lịch sử sẽ tái diễn để hình thành một cuộc chiến tranh lạnh mới, trước đây là giữa HK và Liên Xô, bây giờ là giữa HK và TQ.

Trước ngoại giao bóng bàn 1972, Nga và TQ là hai đối tác thân thiện trong khối CS, nhờ đó mà CS Bắc Việt đi dây giữa hai nước này để được sự giúp đỡ của cả hai. Nhưng sau khi Nixon-Kissinger đã thành công trong việc phá vỡ mối quan hệ đối tác Liên Xô-Trung Quốc, thì thế đi dây của CSBV cũng bị hỏng.

Lê Duẫn đi với Liên Xô và chiến tranh biên giới với TQ năm 1979 xảy ra. Hoàng Văn Hoan đại diện cho phe thân TQ, năm 1976 bị cho ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng vì không còn được Bộ Chính trị tín nhiệm nữa. Năm 1979, trong một chuyến đi sang Đông Đức chữa bệnh, ông đã bỏ trốn tại sân bay Karachi (Pakistan) ngày 11/6/1979 rồi sang TQ.

Ngày nay, HK và TQ đang đi từ thế đối tác qua thế đối thủ, CSVN dù không muốn, nhưng cũng phải đối mặt với một chọn lựa mới, HK hay TQ? CSVN phải xếp một hàng chứ không thể đi hai chân hai hàng như trước được nữa. Đó là lý do tại sao Đại Hội 13 vào tháng 1/2021 thì cực kỳ nghiêm trọng đối với họ. Ai sẽ là Lê Duẫn và Hoàn Văn Hoan thời đại? Họ cực kỳ lo sợ về mặt nhân sự, họ bịt miệng đối lập, thanh trừng các thành viên cộng đồng mạng, cưỡng bức Facebook…

Trong nội bộ, sức khỏe Nguyễn Phú Trọng gắn liền với sự tương quan sức mạnh của các phe. Trọng tồn tại đủ lâu thì Trần Quốc Vượng có được thời gian quý báo để tiếp nối Trọng và cũng cố địa vị. Nếu Trọng chết sớm thì Nguyễn Xuân Phúc sẽ thu tóm quyền lực và sẽ có nhiều dao động chính trị hơn.

Việt Nam không thể trôi ra biển như Nhật hay Đài Loan được, cho nên gọng kềm địa chính trị của TQ là vấn nạn thiên thu. VN lại ở trên giao lộ quốc tế cho nên là địa điểm lý tưởng cho các cường quốc ngoài vùng muốn lập tiền đồn. Địa chính trị VN nó giống như con dao hai lưỡi, nó có thể giúp VN vượt trội, nhưng nó cũng có thể cắt VN đau đớn như trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh vừa qua.

GS Nguyễn Ngọc Huy khi còn sinh tiền đã nghiên cứu kỹ về yếu tố địa chính trị này và đã đề nghị một lối thoát cho VN. Đó là một quốc gia theo dân chủ pháp trị và có được một quy chế trung lập pháp lý vĩnh viễn. Muốn được thế thì chính người VN chúng ta phải hết sức tranh đấu để đạt cho được nó. Nó không đến từ ngoại bang, dù đó là HK hay TQ. Nó đến từ sự tranh đấu của chính dân ta.

Thế giới là một bàn cờ tướng vĩ đại mà các siêu cường là những tay chơi cờ. Các tay chơi hiện nay là HK và TQ và họ chơi cho họ chứ không phải họ chơi cho chúng ta. VN chỉ là một con cờ trong bản cờ tướng vĩ đại đó. Nhưng nếu là con cờ thông minh thì cho dù là một con tốt cũng vẫn có thể qua sông, tăng sức mạnh và tồn tại đến cuối cuộc cờ.

Trước mặt là một VN đầy biến động dù hiện giờ có cái cảm giác chung là ổn định. Đảng CSVN không thể đi dây được nữa và ở vào thế phải chọn bên. Chọn TQ thì dân sẽ nổi dậy và HK sẽ không để yên. Chọn HK thì TQ sẽ quậy, không cả nước thì cũng nửa nước VN, phe Hoàn Văn Hoan thời đại sẽ mạnh hơn và nguy hiểm hơn.

CSVN vẫn kiêu căng sau 45 năm cưỡng chiếm Miền Nam, họ vẫn cao ngạo là kẻ chiếm đóng, không có tâm hòa giải nên khó mà chuyển đổi VN qua một chế độ dân chủ pháp trị có khả năng vận động thế giới để có được một quy chế trung lập pháp lý vĩnh viễn được.

HK thì vẫn chưa giúp gì cho phong trào dân chủ TQ và phong trào dân chủ VN. Chiến tranh lạnh giữa HK và TQ là một hoàn cảnh thế giới mới mà chúng ta, những người đi xây dựng tự do dân chủ, phải tự thích ứng để thay đổi vận mạng của dân tộc chúng ta.

Lê Minh Nguyên

6/5/20