Cảm Nghĩ Nhân Kỷ Niệm Lần 49 Ngày Thành Lập Đảng Tân Đại Việt – Hoài Sơn

Cac Bai Khac

No sub-categories

Cảm Nghĩ Nhân Kỷ Niệm Lần 49 Ngày Thành Lập Đảng Tân Đại Việt – Hoài Sơn

Vài Cảm Nghĩ Nhân Kỷ Niệm Ngày Thành Lập Đảng Tân Đại Việt
Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa

Ngày 14 tháng 11 tới đây là ngày kỷ niệm lần thứ 49 ngày thành lập Đảng Tân Đại Việt (TĐV). Đảng TĐV do giáo sư Nguyễn Ngọc Huy thành lập vào ngày 14 tháng 11 năm 1964 tại Sài Gòn. Vì đó, nhắc đến Đảng TĐV là nhắc đến giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, vì không có Ông, là không có Đảng TĐV. Nhắc đến giáo sư Huy là nhắc đến cuộc đời tranh đấu trường kỳ và gian khổ của Ông, đồng thời cũng nhắc đến chủ trương của Ông là xây dựng Việt Nam thành một nước dân chủ pháp trị như những nước dân chủ ở Tây Âu và Bắc Mỹ.

Nói không quá đáng, nếu có ai bạo gan dám sánh cuộc đời tranh đấu của Ông với hai bậc tiền bối Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh cùng ông Hồ Chí Minh thì sẽ thấy nổi bật hai điểm trường kỳ và gian khổ sau đây:
1.    Trường Kỳ:
–    Cụ Phan Bội Châu bắt đầu tranh đấu năm 1900, mất năm 1940 tại Bến Ngự, Huế: tổng cộng 40 năm.
–    Cụ Phan Châu Trinh bắt đầu tranh đấu năm 1900, mất năm 1926 tại Sài Gòn: tổng cộng 26 năm.
–    Ông Hồ Chí Minh bắt đầu vào đảng Cộng Sản tranh đấu năm 1920, trước đó không kể, đến năm 1955 tiếp thâu Hà Nội sau chiến thắng Điện Biên Phủ: tổng cộng 35 năm.
–    Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy bắt đầu tranh đấu năm 1945, năm Ông gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng, liên tiếp cho đến năm 1990, năm Ông mất tại Pháp: tổng cộng 45 năm. Vậy giáo sư Huy là người tranh đấu trường kỳ nhứt trong 4 ông.
2.    Gian Khổ:
–    Cụ Phan Bội Châu tuy tranh đấu trong 40 năm, nhưng chỉ có 25 năm đầu (từ 1900 đến 1925) ở hải ngoại là gian khổ, còn 15 năm sau (từ 1925 đến 1940) tuy bị an trí nhưng cũng gọi là an nhàn cho đến chết (1940).
–    Cụ Phan Châu Trinh tuy tranh đấu trong 26 năm, nhưng chỉ có 11 năm đầu (từ 1900 đến 1911) là bị tội tù khổ sở, còn 15 năm sau (từ 1911 đến 1926) thì bị an trí tại Pháp rồi trở về mất tại Sài Gòn năm cuối cùng thì cũng tạm gọi là an nhàn cho đến chết.
–    Ông Hồ Chí Minh tranh đấu từ năm 1920 đến năm 1955, chịu gian nan khổ sở trong 35 năm, nhưng từ năm 1955 đến năm 1969, năm ông mất, ông sống an nhàn sung sướng trong chức vụ Chủ Tịch nước.
–    Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy tranh đấu liên tục từ năm 1945 đến năm 1990 với các chức vụ nặng nề Tổng Bí Thư Đảng TĐV đồng thời kiêm nhiệm chức Tổng Thư Ký Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến trước năm 1975, rồi sau năm 1975, ở ngoại quốc, chức Tổng Bí Thư Đảng Tân Đại Việt, đồng thời kiêm nhiệm Chủ Tịch Liên Minh Dân Chủ Việt Nam và Tổng Thư Ký Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do. Và trong 10 năm cuối cùng, tuy bị bịnh ung thư ác liệt hành hạ, Ông vẫn tiếp tục hoạt động cho đến sức cùng lực kiệt mới đành trút hơi thở cuối cùng.

Ông là người tranh đấu trường kỳ và gian khổ nhứt trong bốn ông.

Vào khoảng cuối năm 1963, sau khi Đệ Nhứt Cộng Hòa sụp đổ, giáo sư Nguyễn Ngọc Huy lưu vong từ Pháp trong nhiều năm qua, trở về Việt Nam. Gặp Ông, tôi hỏi ngay:
–    Sống ở Pháp lâu năm, anh có cảm tưởng gì về nước này?
Ông đáp:
–    Thấy người ta hoạt động mà ham!
Tôi hỏi ham về việc gì thì Ông đáp:
–    Người ta có một hệ thống chánh đảng đã trưởng thành, hoạt động đâu vào đó, đảng đối lập làm theo đối lập, tất cả đều thượng tôn pháp luật nên chánh tình rất ổn định, kinh tế rất phát triển,  dân chúng sống ấm no hạnh phúc.
Rồi Ông nhấn mạnh, nói tiếp:
–    Tôi sẽ tranh đấu để biến Việt Nam trở thành một nước dân chủ pháp trị như tại các nước Tây Âu và Bắc Mỹ.
Tôi hỏi:
–    Nhưng làm thế nào để biến một nước bất ổn như Việt Nam trở thành một nước pháp trị ổn định được?
Giáo sư Huy đáp:
–    Trước hết phải chuyển các đảng cách mạng tranh đấu bí mật trở thành các đảng chánh trị hoạt động công khai đã.

Nguyên từ trước đến giờ, tại Việt Nam, chưa có đảng nào gọi là đảng chánh trị cả. Tất cả đều là những hội kín hoạt động bí mật mà đời người thường gọi là đảng cách mạng. Đảng cách mạng khác với đảng chánh trị ở chỗ đảng cách mạng thì hoạt động bí mật, bất hợp pháp, dùng bạo lực để cướp chánh quyền nên đất nước luôn luôn bất ổn. Còn đảng chánh trị thì ngược lại, hoạt động công khai, hợp pháp, dung lá phiếu để nắm chính quyền nên đất nước luôn luôn ổn định. Giáo sư Huy muốn chuyển các đảng cách mạng thành đảng chánh trị ra hoạt động công khai để ổn định đất nước. Và đất nước có ổn định mới xây dựng được dân chủ. Vì đó, Ông ra sức vận động với Xứ bộ miền Nam ĐVQDĐ để ra hoạt động công khai, trở thành đảng chánh trị. Được sự chấp thuận của Xứ bộ miền Nam, Ông đến vận động với Xứ bộ Miền Trung và Xứ bộ miền Bắc. Tại đây, Ông bị sự từ chối quyết liệt của hai Xứ bộ Trung và Bắc. Nhưng Ông nhứt quyết hoạt động công khai. Vì đó, đến cuối năm 1964, Ông cho tách Xứ bộ miền Nam ra khỏi ĐVQDĐ để thành lập một đảng mới lấy tên là Đảng Tân Đại Việt tức là đảng Đại Việt hoạt động theo đường lối mới, đường lối chánh trị, khác với đường lối cũ, đường lối cách mạng. Đó là ngày 14 tháng 11 năm 1964, ngày thành lập Đảng Tân Đại Việt.

Sang năm sau, 1965, ông Hà Thúc Ký cũng cho tách Xứ bộ miền Trung ra khỏi ĐVQD Đ để thàn hlập một đảng mới khác lấy tên là Đảng Đại Việt Cách Mạng (ĐVCM) tức là đảng mới khác là đảng Đại Việt tranh đấu theo đường lối cách mạng.

Còn Xứ bộ miền Bắc di cư vào Nam từ năm 1954 vẫn tiếp tục hoạt động theo đường lối cũ và vẫn mang danh xưng Đại Việt Quốc Dân Đảng (ĐVQDĐ).

Như vậy, ĐVQDĐ do Đảng Trưởng Trương Tử Anh thành lập từ năm 1939 đến năm 1965, sau 26 năm hoạt động, đã phân hóa thành 3 đảng là Tân Đại Việt, Đại Việt Cách Mạng và Đại Việt Quốc Dân Đảng. Cả 3 đều có 3 điểm tương đồng và 3 điểm dị biệt.

Ba điểm tương đồng là:
1.    Cả 3 đảng đều tôn Đảng trưởng Trương Tử Anh là Đảng trưởng của đảng mình.
2.    Cả 3 đảng đều công nhận Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn là chủ nghĩa của đảng mình.
3.    Cả 3 đảng đều công nhận bản Việt Nam Minh Châu Trời Đông là đảng ca của đảng mình (về sau, đảng ĐVCM có bài đảng ca riêng, nhưng lúc mới thành lập, chưa có)

Ba điểm dị biệt là:
1.    Tuyệt đại đa số đảng viên sáng lập của đảng TĐV là Xứ bộ miền Nam. Tuyệt đại đa số đảng viên sáng lập của ĐVQD là Xứ bộ miền Bắc di cư vào Nam từ năm 1954, cộng với vài đảng viên trong Xứ bộ miền Nam mà không gia nhập đảng TĐV và vài đảng viên của Xứ bộ miền Trung mà không gia nhập đảng ĐVCM.
2.    Đảng kỳ của ĐVQD thì nền đỏ giữa có vòng xanh ngôi sao trắng. Đảng kỳ của đảng TĐV cũng giống như vậy, chỉ có thêm sọc vàng ở giữa theo chiều dài để phân biệt với đảng kỳ của ĐVQD. Đảng kỳ của ĐVCM thì nền nửa đỏ, nửa vàng theo chiều dài, giữa có vòng xanh ngôi sao trắng.
3.    Chủ trương của đảng TĐV là dân chủ, còn ĐVCM và ĐVQD vẫn theo chủ trương cũ là lãnh tụ chế tức độc tài.

Thành lập đảng TĐV được ít lâu, giáo sư Huy nhận thấy rằng TĐV là đảng cán bộ chứ không phải là đảng đại chúng, mà tranh đấu cho dân chủ thì phải có đông người mới thâu được nhiều phiếu nên Ông đến trình bày với giáo sư Nguyễn Văn Bông tâm nguyện của mình, rồi cả hai giáo sư Nguyễn Văn Bông và giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cùng đứng ra vận động thành lập một tổ chức quần chúng lấy tên là Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (PTQGCT) qui tụ 3 thành phần chánh là: dân cử, chuyên viên trí thức, và đảng phái tôn giáo.

Thành phần chuyên viên trí thức thì thu hút các doanh gia trí thức ở thành thị; còn thành phần dân cử, đảng phái tôn giáo thì thu hút đa số dân chúng ở nông thôn. Nhờ gồm đủ mọi thành phần trong tổ chức nên PTQGCT phát triển rất mau, chẳng bao lâu đã đóng một vai trò quan trọng trên chánh trường miền Nam. Rất tiếc ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã làm sụp đổ chế độ Việt Nam Cộng Hòa, kéo theo sự tan rã của PTQGCT.

Sau năm 1975, ra hải ngoại, giáo sư Huy vẫn tiếp tục tranh đấu và chẳng bao lâu đã qui tụ được nhiều đảng viên TĐV và đoàn viên PTQGCT làm nồng cốt để vận động thành lập một tổ chức mới lấy tên là Liên Minh Dân Chủ Việt Nam (LMDCVN).

LMDCVN là một tập hợp của những người Việt Nam không cộng sản gồm đủ mọi thành phần nhằm mục đích chống Cộng Sản để xây dựng Việt Nam thành một nước dân chủ tự do theo kiểu tây phương, khác hẳn với nền dân chủ nhơn dân theo kiểu xã hội chủ nghĩa.

Nguyên Dân Chủ có 2 yếu tố căn bản là Tự Do và Bình Đẳng. Có đủ 2 yếu tố này mới gọi là dân chủ. Thiếu một chưa phải là dân chủ. Nhưng tự do và bình đẳng lại thường chống chọi nhau, mâu thuẫn nhau, ít đi đôi với nhau được.

Con người vốn sinh ra mạnh yếu, khôn dại, giỏi dở khác nhau. Nếu cho họ hoàn toàn tự do hoạt động thì người mạnh hơn kẻ yếu, người khôn hơn kẻ dại, người giỏi hơn kẻ dở, nên sự bình đẳng không thể có được. Bằng trái lại, muốn cho mọi người như nhau, tức bình đẳng với nhau, thế phải hạn chế sự hoạt động của những người mạnh, người khôn, người giỏi, mà làm như vậy, là phạm sự tự do hoạt động của họ rồi.

Vậy hai lý tưởng Tự Do và Bình Đẳng thường chống chọi nhau, không thể đi chung với nhau được, cho nên một xã hội tự do bình đẳng thật sự khó thực hiện được. Vì đó, trong hai yếu tố, chỉ chọn một, hoặc tự do, hoặc bình đẳng, rồi cố gắng khắc phục yếu tố kia được nhiều chừng nào, tốt chừng nấy, chớ không thể nào cùng thực hiện một lúc cả tự do lẫn bình đẳng được.

1.    Tại các nước tây phương, người ta rất chuộng tự do. Đối với họ, tự do hay là chết. Vì đó, trong hai yếu tố tự do và bình đẳng của dân chủ, họ chọn yếu tố tự do, rồi cố gắng thực hiện bình đẳng được phần nào hay phần nấy, như bình đẳng trước luật pháp, bình đẳng trước bổn phận và quyền lợi công dân, v.v… Vì đó, người ta gọi dân chủ tại các nước tây phương là Dân Chủ Tự Do và thế giới tây phương là thế giới tự do.
2.    Tại các nước xã hội chủ nghĩa, họ cho rằng tự do là hão huyền, trừu tượng, không có được. Nếu có, là đối với người giàu, có quyền thế, còn đối với người nghèo, yếu thế, thì không thể nào có tự do được. Như quyền tự do báo chí, tự do kinh doanh, tự do lập hội, tự do du lịch, v.v… Những quyền đó, chỉ những ngưòi giàu có, quyền thế, mới hưởng thôi, còn những người nghèo khó thì chỉ biết ngồi nhìn và mơ ước. Vì đó, người Cộng sản gạy bỏ yếu tố tự do, chỉ nhằm thực hiện yếu tố bình đẳng mà thôi.

Để thực hiện bình đẳng, Cộng sản chủ trương tập trung mọi tài sản trong nước làm của chung giao cho nhà nước quản lý, không ai còn có của riêng (để chấm dứt nạn người bóc lột người). Không còn có kẻ giàu người nghèo, mọi người đều như nhau nên bình đẳng với nhau. Nhà nước sẽ thực hiện chế đõ Cộng sản không giai cấp, trong đó, nhơn loại sẽ sống thân ái với nhau trong cảnh hoan lạc của thế giới đại đồng. Vì đó, dân chủ tại các nước Xã hội chủ nghĩa (tức Cộng sản) được gọi là Dân Chủ Bình Đẳng hay Dân Chủ Bình Dân, nhưng thời gian sau này, người ta thường gọi phổ thông là Dân Chủ Nhân Dân, như Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Trung Quốc, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên. v.v…

Ngày nay, nếu chỉ dùng danh từ Dân Chủ suông vẫn chưa đủ nghĩa, phải kèm theo sau chữ Dân Chủ các danh từ Tự Do hay Bình Đẳng mới rõ được ý nghĩa, như:
–    Dân Chủ Tự Do là dân chủ được áp dụng tại các nước Tây phương. Tại các nước này, các quyền tự do căn bản đều được tôn trọng. Từ tự do bầu cử, tự do báo chí, tự do lập hội, cho đến tự do tôn giáo, tự do nghiệp đoàn, tự do đi lại, v.v… không thiếu một tự do nào. Vì thế, thế giới của họ gọi là thế giới tự do.
–    Dân Chủ Nhân Dân là dân chủ được áp dụng tại các nước xã hội chủ nghĩa. Tại các nước này, họ chỉ áp dụng bình đẳng. Mọi nguời đều bình đẳng với nhau về kinh tế, không còn kẻ giàu người nghèo, không ai bóc lột ai, nên cùng bình đẳng với nhau trong xã hội. Chỉ có điều trong chế độ xã hội chủ nghĩa, họ cho tự do là trừu tượng, hư ảo, nên phủ nhận tất cả các quyền tự do căn bản tử các quyền lớn như tự do bầu cử, tự do báo chí, tự do lập hội, cho đến các quyền tự do đi lại, tự do cư trú mà cũng cần xin phép! Vì đó, nói đến Dân Chủ Nhân Dân mà nhắc đến mọi quyền tự do là chưa hiểu gì về Cộng Sản.

Muốn biết một nước thật sự có dân chủ hay không, hãy dựa vào 4 tiêu chuẩn sau đây:
1.    Có bầu cử tự do và trong sạch không?
2.    Có tam quyền phân lập không?
3.    Có đối lập chánh trị không?
4.    Có thay đổi nhà cầm quyền không?

Dựa vào 4 tiêu chuẩn trên đây, ta thử xét nước Huê Kỳ tiêu biểu cho nền Dân Chủ Tự Do, và nước Việt Nam Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa tiêu biểu cho nền Dân Chủ Nhân Dân, xem tại hai nước ấy đã có dân chủ thật sự chưa?

A.    Tại Huê Kỳ:
1.    Về bầu cử: có tự do vì mọi công dân đều có quyền ứng cử, không trải qua một cuộc sàn lọc hạn chế nào. Có trong sạch tức không gian lận, vì thời ông Bush cha, đương kim Tổng Thống tái ứng cử mà thất cử thì không thể nào bảo rằng có bầu cử gian lận được.
2.    Về tam quyền phân lập: Tổng Thống Clinton (hành pháp) xung đột với quốc hội (lập pháp) không giải quyết được, đưa tối cao pháp viện phán quyết. Và phán quyết của tối cao pháp viện là chung thẩm. Vậy tại Huê Kỳ, có tam quyền phân lập.
3.    Về đối lập chánh trị: đảng nào thắng cử chiếm đa số thì cầm quyền, đảng thiểu số làm đối lập.
4.    Về nhà cầm quyền thay đổi: có 2 đảng lớn Dân Chủ và Cộng Hòa. Hai đảng này khi thắng khi bại nên nhà cầm quyền vì đó luôn thay đổi.

Tóm lại, tại Huê Kỳ, có bầu cử tự do và trong sạch, có tam quyền phân lập, có đối lập chánh trị, có thay đổi nhà cầm quyền, nên có dân chủ thật sự. Dân chủ ấy là dân chủ tự do, tức nền dân chủ công nhận mọi quyền tự do căn bản của con người. Nhờ có tự do, mọi sự lạm quyền, lộng quyền, bất công, tham những, v.v… đều bị phơi bày, không còn che đậy được, nên nhờ đó công lý được sáng tỏ, luật pháp mới được nghiêm minh. Vậy nhờ có tự do mà Huê Kỳ thực hiện được nền dân chủ pháp trị, làm tiêu biểu cho nền Dân Chủ Tự Do trên thế giới.

B.    Tại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam:
1.    Về bầu cử: không có tự do vì ứng cử viên đã bị mặt trận tổ quốc hạn chế và sàn lọc. Hơn 80 triệu dân chúng ngoài đảng đều bị loại. Cũng không trong sạch (tức có gian lận) vì chỉ nhìn kết quả bầu cử: 100% cử tri đi bầu, 90% cho người đắc cử thì đủ biết! Tại các nước Dân Chủ Tự Do, được 60% cử tri đi bầu và đắc cử với 70% số phiếu là lý tưởng rồi.
2.    Về tam quyền phân lập: đã không có tam quyền phân lập mà trên 3 cơ quan này, còn có bộ chánh trị của đảng, một tổ chức siêu chánh quyền quyết định mọi việc quan trọng trong nước.
3.    Về đối lập chánh trị: không có đảng chánh trị nào được quyền hiện hữu ngoài đảng cộng sản cầm quyền. Cả những cá nhân có tư tưởng, khuynh hướng đối lập với đảng cũng bị trù dập.
4.    Về nhà cầm quyền thay đổi: thay đổi nhà cầm quyền là thay đổi đảng, thay đổi chánh sách, như chánh sách của đảng Cộng Hòa khác với chánh sách của đảng Dân Chủ tại Huê Kỳ, cho nên việc thay đổi nhà cầm quyền rất quan trọng. Còn tại Việt Nam, chỉ có một đảng, một chánh sách thôi, nên dầu có thay đổi bao nhiêu người, cũng vậy thôi, chẳng thay đổi gì cả.

Tóm lại, tại CHXHCN Việt Nam, không có bầu cử tự do và trong sạch, không có tam quyền phân lập, không có đối lập chánh trị, không có thay đổi nhà cầm quyền, nên không có dân chủ tự do, mà chỉ có dân chủ nhân dân. Vì dân chủ nhân dân chỉ chấp nhận có bình đẳng mà không chấp nhận tự do nên trong chế độ này không có tự do nào cả, kể cả tự do nhỏ nhứt là tự do cư trú. Vì không có tự do, dân chúng phải chịu mọi bất công, áp bức. Nạn lạm quyền, lộng quyền, tham nhũng, v.v…mặc sức hoành hành. Công lý không được bảo đảm. Luật pháp luôn bị vi phạm. Vì đó, với dân chủ nhân dân, nói tự do là điều riễu cợt.

Nói đến dân chủ, trước hết, phải có tinh thần dân chủ. Không có tinh thần dân chủ mà nói đến dân chủ thì chỉ là trò đùa. Tinh thần dân chủ là, thứ nhứt: thiểu số phải phục tùng đa số; thứ hai: đa số phải tôn trọng thiểu số. Có đầy đủ hai điều này mới thực sự có tinh thần dân chủ. Xưa nay người ta chỉ biết có điều một mà ít ai lưu ý đến điều hai, vì đó nếu được đa số rồi thì mặc tình lấn lượt, không kể gì đến thiểu số. Nếu bị chống đối thì liền chụp mũ ngay, vì đó mà bao nhiêu chuyện đau lòng đáng tiếc đã xảy ra.

Có tôn trọng thiểu số mới có tinh thần khoan dung, mới chấp nhận đối lập. Mà đối lập là điều kiện tối cần thiết trong việc xây dựng dân chủ. Vì dân chủ mà không có đối lập thì không phải là dân chủ. Nhưng đối lập không phải là đả phá, chống đối, vì đả phá, chống đối là phá hoại. Còn đối lập là xây dựng, giúp cho chế độ được bền vững, giống như cái thắng gấp cho chiếc xe tránh được tai nạn hay thuốc uống giúp cho con người tránh khỏi bị bịnh tật vậy.

Muốn làm tròn nhiệm vụ của mình, đối lập cần phải hội đủ 5 yếu tố sau đây:

1.    Tập thể (phải là một tổ chức lớn, có đông đảng viên)
2.    Công khai (có địa chỉ đàng hoàng, không được bí mật)
3.    Hợp pháp (hoạt động đúng theo hiến pháp và luật pháp)
4.    Bất bạo động (không được dung bạo lực)
5.    Xây dựng (chỉ đối lập về chánh sách để xây dựng nước nhà lương hảo hơn, còn về chế độ thì giúp chánh quyền để bảo vệ chế độ được vững bền)

Đảng Tân Đại Việt trước đây đã làm đúng đắn nhiệm vụ đối lập chánh trị của mình bằng cách gia nhập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến (PTQGCT), một tổ chức chánh trị bề thế có trụ sở chánh thức tại đường Phan Đình Phùng Sài Gòn, hoạt động công khai, hợp pháp, bất bạo động (không dùng bạo lực, chỉ dùng thông tin) và xây dựng (nêu trên báo chí những chánh sách xây dựng của mình khác với chánh sách của chánh quyền để dân chúng biết mà chọn lựa qua các cuộc bầu cử, nhưng đồng thời cũng giúp chánh quyền tham gia Hội Đàm Ba Lê chống lại Cộng sản để bảo vệ chế độ Việt Nam Cộng Hòa).

Tại miền Nam trước đây, chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa của Tổng Thống Thiệu tuy bị nhiều người chống đối, nhưng sánh với chế độ CHXHCN Hà Nội hiện nay, vẫn tiến bộ hơn nhiều. Những quyền tự do căn bản của người dân đều được thực hiện. Thử kể sơ 5 quyền sau đây:

1.    Tự do bầu cử: Ông Thiệu đã phải tranh cử vất vả với các liên danh Phan Khắc Sửu, Trần Văn Hương, Trương Đình Dzu, Hà Thúc Ký và nhiều liên danh khác nữa mới được đắc cử với số phiếu 37%. Vậy có bầu cử tự do và trong sạch.
2.    Tự do báo chí: Tại miền Nam trước đây đã có đến mấy trăm tờ báo ngày, báo tuần, báo tháng, trong đó, chỉ có tờ Tiền Tuyến là của chánh quyền, còn tất cả còn lại đều là của tư nhơn. Từ các nhà in, các nhà xuất bản cũng đều của tư nhơn hết. Vậy thật sự có tự do báo chí tại Việt Nam.
3.    Tự do lập hội: Tại miền Nam trước đây, các đảng Công Nông của Trần Quốc Bửu, đảng Tân Dân của Phan Khắc Sửu, đảng Đại Việt Cách Mạng của Hà Thúc Ký, Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Văn Bông và hàng chục đảng khác thuộc đủ mọi xu hướng, mọi thành phần đều được chánh quyền cấp giấy phép hoạt động. Vậy miền Nam đã thực sự có đa nguyên đa đảng.
4.    Tự do nghiệp đoàn: Tại miền Nam trước đây, đã có 3 nghiệp đoàn lớn ráo riết cạnh tranh nhau hoạt động. Đó là, Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam và Lực Lượng Thợ Thuyền Việt Nam. Vậy miền Nam đã có tự do nghiệp đoàn.
5.    Cải cách ruộng đất: Miền Nam đã thực hiện cuộc cải cách rất tiến bộ: nông dân mỗi nhà nhận 3 mẫu đất với bàn khoán hẳn hòi, còn điền chủ thì được tiền truất hữu đầy đủ, đôi bên đều có lợi, khác hẳn với cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu tại miền Bắc trước kia.

Tóm lại, dưới chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa, miền Nam đã có độc lập, đã có tự do, đã có hạnh phúc. Tuy rằng tự do, hạnh phúc đó có bị tham nhũng, lạm quyền làm cho hạn chế, nhưng dầu sao cũng vẫn còn có hạnh phúc, tự do. Còn dưới chế CHXHCNVN hiện nay, đã không có tự do, làm gì có hạnh phúc. Quyền ứng cử thì chỉ dành cho đảng viên, quyền báo chí là phần riêng của nhà nước, quyền lập hội thì đảng Cộng sản độc quyền, còn nghiệp đoàn, ruộng đất là phần vụ của chánh quyền Công Nông thì người nông dân lại không có một mảnh đất để cất nhà khiến phải làm dân oan đi lang thang khiếu kiện hết năm này sang năm khác. Vì đó, người dân miền Nam mong mỏi sao cho chánh quyền CHXHCN hiện nay bắt kịp với chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa của miền Nam 40 năm về trước để dân có được chút tự do mà sống với đời. Được như vậy, họ cũng được tạm thỏa lòng. Bằng không, họ sẽ ngậm ngùi mà nhắc lại câu nói lịch sử trước kia của Tổng Thống Thiệu: “Đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản làm.”

San Jose, California, ngày 29.10.2013

Hoài Sơn Ung Ngọc Nghĩa