Bang giao Việt – Trung: ‘Có tích mới dịch nên tuồng’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bang giao Việt – Trung: ‘Có tích mới dịch nên tuồng’

Với Chủ tịch Vương Đình Huệ, ông Tập khu biệt ‘minh triết chính trị’ vào mối bang giao song phương, mà theo ông, đó là quan hệ ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’. Hình minh họa.Chia sẻ

Chuyện đời cứ tái diễn hoài thành tích. Huống chi chưa đầy một tháng mà có nhiều đoàn cấp cao từ Hà Nội lần lượt thăm Trung Quốc thì quả thật ‘chẳng tích… cũng dịch thành tuồng’.

Đinh Hoàng Thắng

Trong những ngày đầu ở Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (thăm Trung Quốc từ 8 – 12/4) đã có ba cuộc hội kiến Lãnh đạo Trung Nam Hải. Với Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Ủy viên trưởng Nhân đại Triệu Lạc Tế (Chủ tịch Quốc hội) và Chủ tịch Chính hiệp Vương Hỗ Ninh (Chủ tịch Mặt trận). Tại cuộc hội kiến cao nhất diễn ra trước cả nghi thức đón rước tại Đại lễ đường, ông Tập kêu gọi Hà Nội sử dụng ‘minh triết chính trị’ trong việc quản lý các mối quan hệ với Bắc Kinh, giữa lúc hai bên đang tìm cách hóa giải căng thẳng trên Biển Đông (1).

‘Minh triết chính trị’: Cảnh giác với Trung Quốc

Khái niệm ‘minh triết chính trị’ là chuyển ngữ từ ‘chính trị trí tuệ’ (tiếng Trung) hay ‘political wisdom’ (tiếng Anh), xuất hiện gần đây nhất từ một khảo cứu về chính sách đối ngoại Trung Quốc trong kỷ nguyên chuyển đổi từ ‘cường quốc khu vực’ thành ‘cường quốc toàn cầu’ (2).

Với Chủ tịch Vương Đình Huệ, ông Tập khu biệt ‘minh triết chính trị’ vào mối bang giao song phương, mà theo ông, đó là quan hệ ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’.

Ông nhắc lại cam kết của lãnh đạo cấp cao Hà Nội, thỏa thuận xây dựng một ‘cộng đồng có tương lai chung’ trong chuyến thăm Việt Nam tháng 12/2023. Trước ‘những thay đổi sâu sắc và phức tạp’ của trật tự thế giới hiện tại, vẫn trích lời ông Tập, ‘lợi ích chung của Trung Quốc và Việt Nam là bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa và duy trì sự ổn định và phát triển quốc gia… Cả hai bên cần ý thức mạnh mẽ về một cộng đồng Trung – Việt với tương lai chung và mức độ tin cậy lẫn nhau cao’. Ông Tập kêu gọi hai nước hãy cùng nhau nỗ lực nhằm thúc đẩy nhiều thành tựu hơn nữa trong việc xây dựng cộng đồng Trung – Việt, với tương lai chung, phục vụ quá trình hiện đại hóa của mỗi nước, mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho nhân dân hai nước và đóng góp lớn hơn cho ‘sự nghiệp xã hội chủ nghĩa toàn cầu’ (global socialst cause) (3).

Tuy nhiên, cho đến nay, trên truyền thông chính thống của Việt Nam nói chung, đặc biệt, trên trang điện tử “Người đại biểu Nhân dân”, tờ báo chính thức của Quốc hội Việt Nam nói riêng, độc giả không thể nào tìm thấy các “chỉ dụ” thượng dẫn của Tập Chủ tịch về ‘minh triết chính trị’, về ‘hệ thống xã hội chủ nghĩa’ cũng như về ‘sự nghiệp xã hội chủ nghĩa toàn cầu’ mà hai Đảng và hai nước cần đóng góp (4).

Trước đó, báo chí Việt Nam cũng từng ‘đánh bài lờ’ các thâm ý mà Ngoại trưởng Vương Nghị ‘truyền đạt’ cho Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn và Trưởng ban Đối ngoại Lê Hoài Trung rằng, Việt Nam ‘cần cảnh giác trước các âm mưu ‘kết bè kéo cánh’ và không nên tham gia ‘các khối’ để chống lại nước khác trong khu vực, nhân chuyến thăm của ông Trung và ông Sơn đến Trung Quốc vào hồi đầu tháng (5). Trên thực địa, trong quá trình quốc tế hóa Biển Đông, Việt Nam vẫn chọn Nhật Bản, Ấn Độ tham gia dự án khai thác mỏ khí đốt ở Biển Đông và dảnh cho Công ty ExxonMobil của Mỹ dự án Cá Voi Xanh tại miền Trung (6).

Theo RFA ngày 8/4, TTXVN đã đề cao chuyến công du của ông Huệ là cực kỳ quan trọng nhằm ‘định hướng chiến lược cho quan hệ song phương’. Nhưng thử hỏi còn gì để định hướng nữa, khi mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã cam kết với ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm cấp Nhà nước vào cuối năm ngoái, rằng hai quốc gia quyết nâng tầm quan hệ ‘Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện’ và xây dựng ‘Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc’. Theo giới quan sát, Vương Đình Huệ, nay là con bài cuối cùng của ông Nguyễn Phú Trọng, đang đứng trước những nguy cơ bị loại bỏ bởi cuộc đấu đá cung đình. Vậy nên với chuyến thăm Bắc Kinh lần này, không loại trừ còn là dịp để ông Huệ ‘thề non hẹn biển’ với họ Tập, ngõ hầu tìm kiếm thêm sự bảo đảm để con đường tiến lên vị trí cao hơn của ông trên các nấc thang quyền lực ở Ba Đình được hanh thông (7).

‘Kết bè, kéo cánh’ theo nghĩa tích cực

Sự nhộn nhịp khác thường của bang giao Việt – Trung những ngày này khó qua mặt giới quan sát.

‘Foreign Affairs’, ấn bản hóa thân từ Tạp chí nghiên cứu có uy tín hàng đầu ở Mỹ về chính trị quốc tế, mới đây đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ xuất hiện tập hợp các quốc gia chuyên quyền (new-autocratic-alliances), như là ‘một dạng liên kết mới, không giống với hệ thống đồng minh của Mỹ nhưng vẫn hết sức nguy hiểm’ (They don’t look like America’s—but they’re still dangerous). Việc điểm danh hàng loạt các loại liên minh này cung cấp một cái nhìn toàn cảnh hơn về những gì thực sự đang diễn ra dưới hình thái ‘móc nối’ giữa một số nước trong thế giới hỗn mang hiện nay. Sự kết hợp này mang nhiều sắc thái và khá đậm đặc. Đối tác Trung – Nga ngày càng đi vào chiều sâu, với nhiều tham vọng trên lục địa Á – Âu là một điển hình. Quan hệ Nga với Bình Nhưỡng và Tehran vốn là chuỗi viện trợ có tầm ảnh hưởng dài lâu. Trung Quốc xích lại gần Iran hơn để bổ sung cho liên minh hàng thập kỷ qua với Bắc Triều. Nhiều năm, Bình Nhưỡng và Tehran cùng hợp tác để chế tạo tên lửa. Nhưng đấy chưa phải là các trường hợp duy nhất. Mạng lưới chằng chịt giữa các quốc gia chuyên quyền nhằm ý đồ can thiệp vào trật tự khu vực, từ đấy tham vọng sắp xếp lại trật tự thế giới (8).

Chưa rõ lời cảnh báo sắc lẹm nói trên có hàm ý gì liên quan đến các chuyển động cấp tập gần đây giữa ĐCS Việt Nam với ĐCS Trung Quốc? Bởi vì, trước đó một tháng, tờ Washington Post ngày 6/3/2024 cũng vừa có bài bình luận ‘chát chúa’ cho rằng, Việt Nam đánh lừa Hoa Kỳ khi ban hành ‘Chỉ thị mật 24’ (tháng 7/2023), chủ trương tiếp tục đàn áp xã hội dân sự và hạn chế mọi quyền tự do, dân chủ và nhân quyền của người dân trong nước, đúng hai tháng trước khi đón Tổng thống Biden sang Hà Nội (tháng 9/2023) để ký kết nâng quan hệ Việt – Mỹ lên ‘Đối tác chiến lược toàn diện’ (CSP) (9). Với sự cảnh giác đề phòng này từ giới truyền thông Mỹ, cộng thêm làn sóng phản đối của một bộ phận trong nhánh lập pháp Hoa Kỳ, tháng 7 tới đây, khả năng chính quyền Biden sẽ xóa nhãn ‘nền kinh tế phi thị trường’ đối với Việt Nam, vẫn còn khá bấp bênh.

Trong khi đó, theo tờ ‘Le Monde’ (Pháp), ‘Chỉ thị 24’ thực chất là copy nguyên mẫu từ ‘Chỉ thị số 9’ của ĐCSTQ nói về cách đối phó của các nước cộng sản còn rơi rớt lại khi buộc phải hội nhập, mở cửa làm ăn với phương Tây.

Bắc Kinh từ lâu đã thay thế Mátxcơva – trở thành ‘người anh cả’ của ĐCSVN – từng lặp lại thông điệp nhàm chán là, Việt Nam muốn phát triển bao nhiêu tùy sức, vấn đề là không được buông bỏ ngọn cờ ‘Chủ nghĩa xã hội’ (10).

Nguyên ủy Chỉ thị số 24 vốn là vậy. Nhưng cũng có nhận định cho rằng, đấy chỉ là ‘bài’ ĐCSVN ‘diễn’ với ĐCSTQ mà thôi. Thực tế, mặc cảnh báo từ Trung Quốc về việc Việt Nam không được ‘kết bè, kéo cánh’, Hà Nội vẫn chủ động gia tăng số thành viên trong hệ thống CSP, đối tác chiến lược toàn diện, chính phủ Việt Nam vẫn dành cho Mỹ và phương Tây một số đặc quyền về đất hiếm, khí đốt, đường sắt Bắc Nam… Ngược lại, vì lý do chiến lược nhằm ‘be bờ’ Trung Quốc, Mỹ và phương Tây cần thỏa hiệp với Việt Nam. Vì thế, dù VOA, RFA từ Hoa Kỳ, BBC từ Anh quốc, RFI (France 24) của Pháp đồng loạt ‘giật’ tít lớn, Mỹ và phương Tây vẫn không cắt cầu với Hà Nội. Mặt khác, Việt Nam vẫn ‘kết bè, kéo cánh’ mà không tuân thủ ‘sự chỉ đạo’ từ Bắc Kinh.

Nhưng dù sao, chính sách ‘hòa Trung, thân Mỹ’ vẫn còn đối mặt với một giai đoạn thử thách cam go. Liệu ĐCSVN Việt Nam có thể làm Trung Quốc yên lòng, khi giải thích rằng, hệ thống các CSP của Việt Nam với QUAD (Bộ Tứ) hay AUKUS (Liên minh tay ba Úc – Anh – Mỹ) trên thực tế còn ‘tụt hậu’ sau Trung Quốc hàng chục năm. Chính Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình mới là quốc gia cộng sản đầu tiên từng ‘xé rào’, khởi xướng và giương cao ‘ngọn cờ Realpolitik’: ‘Mèo trắng hay mèo đen đâu quan trọng, miễn là nó bắt được chuột’.

Ngược lại, đối với Hoa Kỳ, liệu Việt Nam có khả năng xua tan ‘đám mây liên minh’ giữa các quốc gia chuyên quyền như tờ ‘Foreign Affairs’ đã cảnh báo ngày 29/3/2024? Hãy chờ đến tháng 7/2024 này, nếu Hoa Kỳ không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, và hàng hóa của Hà Nội xuất sang Mỹ vẫn bị ‘săm bờ soi’ để chịu đánh thuế cao thì ‘bốn không một tùy’ chưa thật hiệu quả. ‘Ngoại giao cây tre’ lại đứng trước viễn cảnh mới bấp bênh, khi mà chính giới chuyên gia quốc tế cũng đánh giá, ‘măng tre’ vốn là món khoái khẩu nhất của ‘Gấu trúc’ (11).

https://bitly.ws/3hUZA