Tin Việt Nam – 25/02/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 25/02/2018

LHQ kêu gọi VN thả người ‘liên quan phản đối Formosa’

Các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 23/2 kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những người mà họ nói đã bị tù vì phản ứng thảm họa môi trường liên quan công ty Đài Loan Formosa.

Bình luận vụ bắt giữ, truy nã ở Nghệ An, Hà Tĩnh

‘Chưa LS nào bào chữa thành công các vụ Điều 258’

HRW: Các nhà hoạt động ‘không chốn dung thân’ ở VN

Cụ thể, họ đề cập vụ xử các ông Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong đầu tháng Hai, ông Nguyễn Văn Hóa, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tháng 11/2017.

Đặc ủy về Nhân quyền và các chất thải nguy hại, Baskut Tuncak, nói trong thông cáo: “Việc bỏ tù các blogger và nhà hoạt động vì công tác hợp pháp nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường và sức khỏe, là không chấp nhận được.”

“Chúng tôi kêu gọi giới chức thả ông Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong, bị bắt sau nỗ lực nâng cao nhận thức và bảo đảm trách nhiệm liên quan vụ xả thải của nhà máy thép Formosa.”

Đặc ủy của LHQ về quyền tự do biểu đạt, David Kaye, nói rằng ông “quan ngại sâu sắc trước tình trạng gia tăng bắt bớ những nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo” ở Việt Nam.

Thông cáo ngày 23/2 của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền đề cập thêm trường hợp bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và ông Nguyễn Văn Hóa bị tù mà theo LHQ là do có hoạt động tường thuật về biểu tình chống Formosa.

Thông cáo nhắc lại rằng các chuyên gia LHQ trước đó cũng từng kêu gọi Việt Nam thả các blogger và nhà hoạt động trong các vụ khác liên quan Formosa.

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình (còn được biết với tên Hoàng Bình) bị tuyên tổng cộng 14 năm tù vì vi phạm hai Điều 257, 258 Bộ luật Hình sự trong phiên tòa diễn ra hôm 6/2 tại thành phố Vinh.

Người cùng ra tòa với ông Bình là ông Nguyễn Nam Phong bị tuyên 2 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” theo Điều 257.

Sự kiện cá chết xảy ra tại miền Trung Việt Nam từ tháng 4/2016, khiến nhiều ngư dân trong khu vực ảnh hưởng phải ngưng đánh bắt và không bán được hải sản.

Công ty Formosa Hà Tĩnh bị kết luận là đã xả thải xuống biển gây ra thảm họa môi trường này và đồng ý bồi thường 500 triệu đô la hồi tháng 5/2016.

Thảm họa cá chết hàng loạt đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và tuần hành phản đối trong dân chúng tại nhiều nơi ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43186808

 

Công ty ‘chở than Bắc Hàn sang Việt Nam’

đối mặt trừng phạt

Hoa Kỳ kêu gọi Liên Hiệp Quốc (LHQ) cấm 33 tàu không được cập bến cảng khắp thế giới và đưa 27 công ty vận tải biển vào “danh sách đen” vì giúp Bắc Hàn “né” các biện pháp trừng phạt.

AFP đưa tin rằng phóng viên của hãng này đã xem văn bản đề nghị mà Mỹ gửi tới ủy ban trừng phạt của LHQ, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump hôm 23/2 thông báo “lệnh trừng phạt lớn chưa từng thấy” nhắm vào Bắc Hàn vì các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này.

Trong số 27 công ty thương mại và vận tải biển đối mặt với nguy cơ bị Liên Hiệp Quốc phong tỏa tài sản, năm công ty có trụ sở ở Hong Kong, trong đó có Huaxin Shipping, vốn bị cáo buộc sử dụng đội tàu của mình để chuyển than của Bắc Hàn sang Việt Nam.

Cho tới nay, theo AFP, mới chỉ có 8 tàu bị cấm và đề nghị của Hoa Kỳ sẽ nối dài “danh sách đen” nhằm khống chế mạng lưới hàng hải của Bắc Hàn.

Trong số 33 tàu có thể bị cấm cập cảng trên toàn cầu, một con số đáng kể 19 tàu từ Bắc Hàn, và bước đi trên sẽ là cú giáng mạnh đối với việc sử dụng tàu thuyền để chở hàng cấm của Bắc Hàn.

Chính quyền trong nước năm ngoái đã lên tiếng phản hồi về thông tin Bình Nhưỡng “chuyển hướng đưa than sang Việt Nam”, bất chấp lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc và nhiều khả năng đối mặt với sự trừng phạt của Mỹ.

Trả lời VOA tiếng Việt liên quan tới báo cáo của Liên Hiệp Quốc [LHQ] về việc Bắc Hàn “xuất than sang các nước thành viên [LHQ] khác là Malaysia và Việt Nam”, sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu than từ Bắc Hàn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:

“Là một thành viên có trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn luôn tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó có Nghị quyết số 2371”.

Nghị quyết Hà Nội đề cập ở trên được thông qua trước đó, cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt và quặng sắt, chì và quặng chì cũng như hải sản. Biện pháp này được cho là sẽ khiến Bình Nhưỡng mất đi một lượng ngoại tệ đáng kể lên tới một tỷ đôla.

Trung Quốc sau đó đã ngưng nhập than của Bắc Hàn, và hãng tin Kyodo của Nhật dẫn một báo cáo mật của Liên Hiệp Quốc nói rằng Bắc Hàn tiếp tục xuất than sang các nước, trong đó có Việt Nam, thu về 270 triệu đôla năm 2017.

https://www.voatiengviet.com/a/cong-ty-cho-than-cua-bac-han-sang-viet-nam-doi-mat-voi-lenh-trung-phat/4269696.html

 

Nhà báo Phạm Đoan Trang

được ‘tạm tha’ nhưng bị công an bao vây

Nhà báo Phạm Đoan Trang, tác giả cuốn sách “Chính Trị Bình Dân”, vào khuya Thứ Bảy 24/02 được công an của chế độ tạm tha cho về nhà, nhưng khu chung cư nơi bà đang trú ngụ cùng với người mẹ bị công an bao vây. Một người bạn của bà Đoan Trang cho hay như vậy trên Facebook hôm Thứ Bảy.

Tình hình của nhà báo kiêm nhà hoạt động nhân quyền là bị cắt điện và Internet. Các nhân viên an ninh bộ công an CSVN nói với bà Đoan Trang rằng, bà đừng mong ra khỏi nhà dù chỉ một bước chân.

Trước đó, từ trưa cho tới hơn 11 giờ khuya Thứ Bảy, bà bị đưa đến trụ sở tiếp dân của cơ quan an ninh bộ công an số 3 phố Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội. Họ ép bà phải ký nhận những bài phỏng vấn từ năm 2015. An ninh muốn biết bà in sách “Chính Trị Bình Dân” ở đâu và in ra sao.

Nhà báo Phạm Đoan Trang mới được tổ chức nhân quyền People in Need ở Cộng Hòa Czech trao giải thưởng Homo Homini. Đây là một giải thưởng nhằm vinh danh những cá nhân “có cống hiến cho sự phát triển về nhân quyền, dân chủ, và giải pháp phi bạo lực cho xung đột chính trị”. Cuốn sách “Chính Trị Bình Dân” của bà Phạm Đoan Trang nhằm giải thích các chủ đề chính trị bằng ngôn từ dễ hiểu cho người đọc thuộc mọi tầng lớp. Cuốn sách được bán qua trang mạng Amazon và đang gây bất an cho nhà cầm quyền CSVN. Mới đây các cục hải quan trong nước được lệnh thu giữ bất cứ cuốn Chính Trị Bình Dân nào lọt vào Việt Nam.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/nha-bao-pham-doan-trang-duoc-tam-tha-nhung-bi-cong-an-bao-vay/

 

Người Hà Tĩnh

mang bẫy ruồi biểu tình phản đối nhà máy rác

Hàng chục gia đình ở tỉnh Hà Tĩnh hôm Thứ Bảy 24/02 mang theo bẫy ruồi và biểu ngữ đến biểu tình trước cổng một nhà máy rác để phản đối việc gây ô nhiễm môi trường.

Theo báo mạng VnExpress, các gia đình ở thôn Nam Xuân Sơn, xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh, biểu tình chặn xe chở rác ra vào. Họ cho biết kể từ tháng 8 năm 2015, khi nhà máy chế biến rác Phú Hà bắt đầu hoạt động, cuộc sống của họ bị đảo lộn, ruồi muỗi xuất hiện nhiều hơn, và nguy cơ dịch bệnh tăng cao. Một cư dân xã Kỳ Tân là ông Nguyễn Vũ Hoàng cho biết, do nhà máy ở gần khu dân cư, nên những người sống xung quanh luôn cảm thấy tức ngực, khó thở bởi mùi hôi thối. Ông cho biết, mọi người không thể thích nghi được, nên tập trung phản đối.

Trưởng thôn Nam Xuân Sơn là ông Nguyễn Văn Sự cho biết, theo quy định của Bộ Tài Nguyên Và Môi Trường CSVN, nhà máy chế biến rác thải phải khu dân cư tối thiểu 500 mét, nhưng nhà máy này có chung hàng rào với khu dân cư.

Chủ tịch ủy ban huyện Kỳ Anh là ông Bùi Quang Hoàn cho biết, vào buổi chiều Thứ Bảy, nhà chức trách đã đối thoại với các gia đình, và họ nghe xong thì giải tán cuộc biểu tình lúc 4 giờ chiều. Ông Hoàn nói nguyện vọng của các gia đình trong thôn Nam Xuân Sơn là được di dời khỏi khu vực sát nhà máy rác. Ông Hoàn cho biết tỉnh sẽ tiến hành một kế hoạch di dời.

Huy Lam / SBTN

https://www.sbtn.tv/nguoi-ha-tinh-mang-bay-ruoi-bieu-tinh-phan-doi-nha-may-rac/