Tập San Tân Đại Việt – Số 1/2018 – Tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa
Mục Lục
Lê Minh Nguyên: Quyền Bất Tuân Dân Sự và Cách Mạng Dân Chủ
Nguyễn Tiến Hưng: Tổng thống Thiệu ra lệnh khai hỏa ở Hoàng Sa
Khai Trinh: Thơ “ Máu thắm đão Hoàng Sa”
Phó thịnh Đường: Trận hải chiến Hoàng Sa dưới mắt một người còn sống sót
Phạm Lê Phan: Thơ «Bài Thơ Cho Hải Ðảo Hờn Căm»
Vô Danh: Thơ «Hoàng Sa»
Cát Vàng: Thơ «Tên con là Hoàng Sa»
Nguyễn Việt Kim: Người về từ đại dương
Nguyễn Ngọc Sẵng: Hai Bản Án Một Vết Nhơ.
Mai Thanh Truyết: Lối Thoát Cho Việt Nam – Bất Tuân Dân Sự
Mai Thanh Truyết: Nguy cơ Khủng Bố Sinh Học Toàn Cầu
Nhữ Đình Hùng: Trên thềm năm 2018: «Âu-châu trước sự thử thách của chủ-nghĩa quốc-gia»
Đào Văn Bình: Nhật Ký Biển Đông;
-Vụ Jerusalem Gây Họa Cho Liên Hiệp Quốc
-Ô. Trump Nổi Đóa Với Pakistan
Lâm Lễ Trinh: Hãy trả sự thật lại cho lịch sử
Phan Văn Song: Nước Pháp Và Nỗi Ám Ảnh Súng
Trọng Đạt: Con đường trắc trở tới hòa bình
Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi: Hàn Phi Tử – Phần I – Chương I –Thời Xuân Thu và Chiến Quốc Tình Hình Xã Hội
Từ Thức: Năm 2018: Bảy (7) chuyện phải làm
Vũ Linh: Chính Trị Và … Sex
Nguyễn thị Cỏ May: Lá đa, lá nho Hay sự sai lầm của Thánh kinh?
Trịnh Hoài Phương: Trường Sa vùng biển nhớ
Lương Thái Sỹ – An Dân: Một thời cà phê Sài Gòn
Mặc Ngôn: Con chú sãi chùa lại quét lá đa
Quyền Bất Tuân Dân Sự và Cách Mạng Dân Chủ – Lê Minh Nguyên
Bất tuân dân sự, một hình thức công khai từ chối tuân theo các luật lệ hay quy định khắc nghiệt, bất công của chính quyền, nhất là các chính quyền độc tài mà người dân không có tiếng nói trong tiến trình hình thành luật pháp hay các quy định chi phối đời sống của họ.
Cuộc bãi thị và biểu tình của khoảng 2,000 tiểu thương trước chợ An Đông ở Quận 5, Saigon sáng ngày 19/9/2017 là một trường hợp điển hình. Tiểu thương Quận 5 phản đối Ban Quản Lý chợ và Ủy Ban Nhân Dân Quận 5 vì thiếu minh bạch trong số tiền khoảng 200 tỷ đồng mà họ đóng góp để sửa chợ, không thực hiện lời hứa thi công mà còn bắt họ ký hợp đồng thuê sạp trong khi họ đã mua trước đây rồi.
Các cuộc phản đối trạm thu phí Bến Thủy 1 ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh hồi tháng 4/2017 cho đến BOT Cai Lậy trong thời gian vừa qua có tính cách nhẹ nhàng hơn trong các cách bất tuân dân sự, bởi vì nó công khai và TUÂN THEO quy định là phải nộp tiền mãi lộ dù không dùng tuyến đường của BOT, các tài xế “bạn hữu đường xa” không có làm điều gì vi phạm luật hay quy định. Nếu họ có qua lại trạm thu phí trên 10 lần một ngày thì họ cũng vẫn trả tiền để tuân thủ các quy định thổ phỉ này, và thổ phỉ không thể nói như trong Công điện số 82/CĐ-TTg ngày 18/1/2018 của thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc rằng họ là “các đối tượng xấu càng lợi dụng, lấn tới, tiềm ẩn những hành vi gây mất an ninh trật tự, kể cả các tổ chức phản động lợi dụng phá hoại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.” Việc “Sáu ôtô liên tục quay đầu nhiều lần để qua lại BOT Sóc Trăng khiến nhà đầu tư xả trạm 4 lần trong ngày cuối tuần” mà trong đó có chiếc “Ôtô quay đầu 17 lần” (Zing 20/1/18) cũng là bình thường thôi vì có thể họ sinh sống bằng nghề giao hàng hay nghề lái taxi v.v..
Tối hôm 18/1/18 ông Phúc đã gởi công điện yêu cầu Bộ Giao Thông Vận Tải cung cấp cho Bộ Công an hồ sơ, tài liệu về đối tượng kích động, chống phá, quấy rối tại các trạm BOT và Bộ Công an xử lý ngay những đối tượng cố tình vi phạm (http://bit.ly/2n0oMSW), ngoài ra ông còn lôi kéo bộ Quốc phòng, công an các địa phương và Uỷ Ban Nhân Dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào cuộc để chuẩn bị đàn áp những người không chấp nhận việc cướp đường có bảo kê này.
Cánh đây hơn một tháng, ngày 4/12/2017 ông Phúc quyết định tạm dừng thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy từ 1-2 tháng (http://bit.ly/2BjJu4w), trên danh nghĩa là “để Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ mọi vấn đề, đồng thời đề xuất phương án trên cơ sở khoa học và phù hợp thực tiễn”, nhưng đến hôm nay, qua Công điện số 82, đã cho thấy rõ là CSVN dùng kế hoãn binh để có thời gian bày mưu tính kế đàn áp phong trào phản đối rất ôn hoà này.
Hồ sơ CSVN từ xưa đến nay cho thấy là họ không bao giờ chấp nhận sai lầm hay nhượng bộ người dân, khi yếu thì họ có thể lùi một bước để tìm cách tiến lên ba bước trong việc đàn áp. Dù CSVN thông đồng với các nhóm lợi ích để cướp đường mà chính Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết là “cả nước có 8 trạm BOT đặt vị trí bất hợp lý kiểu đặt trên đường hiện có nhưng thu phí cho tuyến tránh, tương tự BOT Cai Lậy-Tiền Giang”, như các trạm thu phí Tào Xuyên ở Thanh Hoá, trạm thu phí BOT Quốc lộ 5, trạm thu phí Bắc Thăng Long ở Nội Bài, trạm BOT cầu Bến Thủy, trạm BOT quốc lộ 6 Lương Sơn ở Hoà Bình, trạm BOT Tam Nông trên Quốc lộ 32, trạm BOT quốc lộ 1 qua Hà Nam đoạn tránh Phủ Lý, trạm BOT Thái Nguyên ở Chợ Mới Bắc Kạn (http://bit.ly/2BiKm9D), nhưng thay vì sửa sai thì họ lo bảo vệ các nhóm lợi ích, cho thấy việc ông Trọng chống tham nhũng chẳng qua là một sự thanh trừng nội bộ để giành ăn.
Bất tuân dân sự còn được thể hiện qua các vụ như phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tháng 5/2014 với hàng chục ngàn người, các cuộc biểu tình phản đối chặt hạ cây xanh, các cuộc đỉnh công của công nhân năm 2015, việc người dân tự cô lập phong tỏa các lối vào thôn ở Đồng Tâm, biểu tình bảo vệ môi trường và phản đối Formosa ở Saigon tháng 5/2016 mà số người tham gia lên đến khoảng 5 ngàn…
Phong trào bất tuân dân sự càng ngày càng phát triển và khởi sắc hơn, vụ truớc tạo kinh nghiệm và nguồn cảm hứng cho vụ sau. CSVN với thái độ bất tương nhượng và mưu mô đàn áp, trong khi chính đầu não lãnh đạo của họ đang bị chia rẽ không hàn gắn được là điềm báo hiệu rằng đất nước đang đi vào thời buổi hừng đông cho một cuộc cách mạng dân chủ.
Then chốt của ngày xảy ra cách mạng dân chủ là khi bộ máy đàn áp, thanh gươm lá chắn của họ bị bất khiển dụng, Tunisia hay Ukraine là những trường hợp điển hình. Việc này đang trên đường xảy ra khi ông Trọng càng tóm thu quyền lực chừng nào thì nội bộ Đảng càng phân tán rã rời chừng nấy. Những 200 uỷ viên trung ương đảng ngày nay không còn lòng dạ để bảo vệ đảng như trước kia, bởi vì chính bản thân, gia đình và tài sản của họ không còn được bảo vệ, họ ở vào thế bấp bênh khi nhìn thấy đương kim uỷ viên trung ương (muốn tước bỏ tư cách này phải chờ đến hội nghị trung ương 7 khoảng tháng 4/2018) và là cựu uỷ viên bộ chính trị Đinh La Thăng đang vừa phải khạc ra tiền tham nhũng và vẫn bị đi tù. Có ai trong đám 200 trung ương uỷ viên này mà không tham nhũng? Ngay cả chính ông Trọng qua vụ Ciputra.
Có nhiều người cho rằng CSVN là thành đồng vách sắt, không thể bị sụp đổ, CSVN đang xem vấn đề chống tham nhũng là chủ trương lớn của Đảng, họ học kinh nghiệm của Trung Quốc đã và đang làm, họ được TQ hậu thuẩn, giúp bảo vệ chế độ. Lý luận này không sai, nhưng nó không thể ngăn cản cách mạng dân chủ xảy ra và đi đến thành công, Ba Lan là một trường hợp điển hình. Trong lịch sử các quốc gia trên thế giới, cách mạng xảy ra là do dân chứ không phải do yếu tố bên ngoài, và dân Việt Nam không ngồi chờ TQ thay đổi để VN thay đổi, mà là ngược lại, chính VN thay đổi qua dân chủ để yếu tố ven biên ảnh hưởng vào TQ. Người viết cách đây hơn mười năm đã có lần đánh cá với anh Lê Chí Quang về điều này.
Đặc điểm của các chế độ độc tài là như cành cây khô, nó rắn chắc nhưng rất dòn nên dễ gãy. Việc CSVN hủy bỏ đêm ca nhạc của Đoàn nghệ thuật Nội Mông Trung Quốc tại Hà Nội, đúng vào ngày trận Hoàng Sa 19/1 cho thấy CSVN tuy bị TQ xỏ mũi nhưng vẫn lo sợ việc cho biểu diễn này có thể châm ngòi cho một cuộc cách mạng (http://bit.ly/2Bjkzho).
CSVN gia tăng đàn áp nhân quyền trong năm 2017 là chỉ dấu của sự bất an và lo sợ (http://bit.ly/2BjGsxb). Trước đây sự chia rẽ trong nội bộ của họ còn là các vụ nổ ở bên trong hệ thống, nhưng ngày nay nó đi đến cái độ không hàn gắn được và có thể nổ tung ra ngoài làm vỡ hệ thống độc tài độc đảng mà họ muốn bảo vệ. Chính vì vậy mà họ ra tay triệt hạ các nhà dân chủ trước, nghĩ rằng dù phe phái trong nội bộ có đánh nhau tơi tả thì sẽ cũng như trước đây thôi, một phe sẽ toàn thắng dù đã bị yếu đi nhưng phe dân chủ không còn để đe doạ họ. Nhưng đó là họ nghĩ theo cách nổ bên trong hệ thống, khi đã nổ từ bên trong tung ra bên ngoài thì dù họ có đàn áp khốc liệt các nhà dân chủ thì cũng không ngăn được cách mạng sẽ xảy ra, bởi vì sự vùng lên là từ dân chứ không phải từ các nhà hoạt động. Ngay ông thánh Hồ của họ cũng công nhận điều này khi ông lập lại rằng “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.
Đất nước ta đang đi vào thởi kỳ bình minh của cách mạng dân chủ và các hình thức bất tuân dân sự là những dạo khúc ban đầu, cho dù CSVN với Công điện 82 để ra tay trù dập. Qua việc ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh khóc lóc xin xỏ ông Trọng tại toà, việc CSVN bị TQ xỏ mũi qua Đoàn nghệ thuật Nội Mông… cho thấy lãnh đạo CSVN tuy đa mưu nhưng hèn, nhưng dân tộc VN là một dân tộc thông minh và dũng cảm, dân tộc này không thể nào nằm dưới sự lãnh đạo hèn mãi được. Dân tộc này sẽ đứng lên và ngày mai tươi sáng ấy sẽ không xa.
Tổng thống Thiệu ra lệnh khai hỏa ở Hoàng Sa – Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng
Người dân chài làm ăn thường là cần cù, lương thiện nhưng khi người lính đội lốt dân chài đi đánh cá thì thật là nguy hiểm, dù đánh cá ở Scarborough, Kinsaku hay Hoàng Sa.
Vào tháng 2 năm 1959 ngư thuyền Trung Quốc đưa người vào đánh cá trên Hoàng Sa. Không biết là dân chài thật hay dân chài giả, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho lệnh bắt giữ rồi trục xuất ra ngay.
Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của Ngoại trưởng Foster Dulles không e ngại TQ trả đũa, cũng không ngăn chặn Tổng thống Diệm.
Tới năm 1974, ngư thuyền Trung Quốc lại quay về Hoàng Sa, nhưng lần này có chiến hạm đi theo. Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh ‘mời’ những tàu này ra.
Khi chiến hạm cứ tiến vào, Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã khai hỏa. Trận chiến kéo dài một ngày. Lập tức Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Kissinger liền khẩn cấp can ngăn Tổng thống Thiệu hãy ngừng lại, đừng đụng độ với Trung Quốc thêm nữa!
Ý nghĩa của trận Hoàng Sa
Quân đội Mỹ vừa rút đi xong, Trung Quốc đã muốn tìm hiểu xem thực sự Mỹ có can thiệp trở lại hay không, Washington có thay đổi lập trường “ngăn chặn Trung Cộng'” hay không? Đó là lý do dẫn đến biến cố Hoàng Sa ngay đầu năm 1974.
Đây là cảm tưởng chúng tôi có được sau khi hàn huyên với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về biến cố này.
Một buổi chiều mùa Thu năm 1976 tại ngôi nhà bé nhỏ của gia đình ông ở vùng Surrey ngoại ô thành phố Luân Đôn, sau bữa cơm tối tôi ngồi nhâm nhi ly rượu và tâm sự với ông về những diễn biến trước khi sụp đổ.
Khi tôi hỏi ông về trận Hoàng Sa và nhắc lại là đầu năm 1974 ông có chỉ thị cho chúng tôi phải báo cáo cho thật trung thực về tình hình viện trợ, chúng tôi đã trình bày là về tiếp liệu, quân nhu và quân cụ thì chúng tôi không biết rõ, nhưng về ngân sách dành cho Việt Nam thì sắp hết rồi vì Quốc hội Mỹ đang cắt xén rất mạnh tay.
Tôi hỏi ông là tại sao ông biết đã đến lúc cạn kiệt rồi mà vẫn còn chống cự cả Trung Quốc.
Nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ VNCH Quân lệnh của Tổng thống Thiệu
Ông không trả lời thẳng nhưng suy nghĩ giây lát rồi lẩm bẩm – chúng tôi không nhớ rõ nguyên văn nhưng đại khái ông nói: “Tôi còn định đi thêm bước nữa,” rồi nhìn tôi và lắc đầu.
Tôi muốn hỏi thêm ‘đi bước nữa là thế nào,’ nhưng thấy ông tỏ vẻ lơ đãng, ưu phiền nên nói lảng sang chuyện khác. Các bạn có thể xem thêm trong cuốn Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 25.
Ngày nay, với những tiết lộ mới đây về mật điện của Bộ Ngoại Giao Mỹ vào chính ngày có hải chiến Hoàng Sa (19/1/1974) và tìm hiểu thêm qua nhân chứng thì chúng tôi đã có thể giải mã về biến cố này.
Phân tích cho kỹ thì thấy ý nghĩa của trận Hoàng Sa thật là sâu xa: về thực tế, là để bảo tồn lãnh thổ, nhưng về mặt nguyên tắc, nó phản ảnh một cố gắng – hoàn toàn ngoài sức mạnh của VNCH – để ngăn chặn Trung Quốc khỏi tràn xuống Biển Đông.
Bối cảnh dẫn tới trận Hoàng Sa
Ngày 22 tháng 6, 1972 trong một buổi mật đàm với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ở Bắc Kinh, Cố vấn Mỹ Henry Kissinger đã cho ông Chu biết rằng:
“Nếu có một thời gian vừa đủ giữa lúc chúng tôi rút quân và những gì xẩy ra sau đó thì vấn đề gần như chắc chắn rằng có thể khoanh gọn, như chuyện nội bộ của Đông Dương” và “sau khi chúng tôi đã không còn can dự nữa thì …rất ít khả năng chúng tôi sẽ quay trở lại, rất ít khả năng.”
Cuối tháng 3/1975, toàn bộ quân lực Mỹ đã rút khỏi Miền Nam. Sau đó Quốc Hội Mỹ lấy cớ “Miền Nam đã có cả hòa bình lẫn danh dự” để cắt giảm viện trợ thật nhanh.
Như vậy là ván bài Việt Nam đã được khoanh gọn, và tới đầu năm 1974 thì chắc TQ cho rằng “khoảng thời gian vừa đủ” đã chấm dứt: Bắc Kinh muốn trắc nghiệm xem Mỹ có quay trở lại hay không.
Cho nên, ngay đầu năm, Trung Quốc đã lấn chiếm Hoàng Sa.
Dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã, Hải quân VNCH vẫn chống trả. Ngày 18 tháng 1, Tổng thống Thiệu bay ra tận Đà Nẵng, lấy giấy ra viết tay thẳng cho Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải.
Trên đầu trang ông viết: ‘Chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải’:
“Thứ nhất là tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh thổ VNCH. Thứ hai, nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ VNCH.”
Viết lệnh xong, ông Thiệu cất giọng: “Anh Thoại, đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng thì cho tôi biết ngay từ bây giờ.”
Dù bị mất Hoàng Sa và chịu nhiều tổn thất và thương vong, Hải quân VNCH đã gây tổn thất lớn cho đối phương như nhiều nguồn đã đề cập.
Theo ông Thoại thì Hộ tống hạm lớp Kronshtadt 274 của Trung Quốc bị bắn chìm.
Vì tàu này là soái hạm nên hầu hết bộ tham mưu đều tử trận gồm cả Đô đốc Phương Quang Kinh, Tư lệnh Phó của Hạm đội Nam Hải, bốn đại tá, sáu trung tá, hai thiếu tá, bảy sĩ quan cấp úy và một số đoàn viên.
Ngoài ra, Trục lôi hạm số 389 và số 396 bị hư hại nặng.
Dĩ nhiên phải “cẩn tắc” để “vô ưu” nên Trung Quốc đã chuẩn bị cho những bất trắc có thể xảy ra.
Những tiết lộ mới đây cho biết Chủ tịch Mao đã sắp xếp để đưa một lực lượng quân sự lớn lao gồm hơn 40 chiến hạm để làm lá chắn cho Hoàng sa, phòng hờ Đệ Thất Hạm Đội can thiệp.
Trung Quốc tưởng niệm tử sỹ Hoàng Sa
Sau hải chiến, Tổng thống Thiệu ra lệnh cho Không quân oanh kích để phản công
Bây giờ thì chúng tôi lại cũng hiểu rõ về câu Tổng thống Thiệu nói “Tôi còn định đi thêm bước nữa.”
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết rằng sau trận hải chiến, Tổng thống Thiệu đã ra lệnh cho Không Quân VNCH bay ra Hoàng Sa oanh kích để phản công, nhưng rồi lệnh được rút lại.
Tại sao như vậy? Ngày nay thì ta đã có chứng cớ và văn bản để trả lời.
Trước hết về lệnh cho Không Quân ra khơi để phản công, chúng tôi phối kiểm với Đại tá Nguyễn Quốc Hưng, (Phụ Tá Tham Mưu Phó Hành Quân, Bộ Tư lệnh Không quân, phụ trách toàn bộ 19 phi đoàn khu trục của VNCH) thì ông đã xác nhận là đúng.
Ông kể lại nhiều chi tiết, tóm tắt như sau: vào 8 giờ tối ngày 19 tháng 1/1974, Tư lệnh Không quân nhận được mật lệnh của Tổng thống phải dùng phản lực cơ chiến đấu siêu thanh F5-E để oanh kích phản công địch trên đảo Hoàng Sa.
Ngày hôm sau đoàn phi công đã cất cánh hai lần để ra khơi, một lần vào buổi trưa và một lần buổi chiều, mỗi lần gồm hai phi tuần.
Nhưng vừa bay được khoảng trên một trăm dặm thì nhận được đặc lệnh phải quay trở về đáp và hủy bỏ ngay các phi vụ không kích này.
Lý do là Đệ Thất Hạm Đội yêu cầu ngừng kế hoạch oanh tạc và nhấn mạnh rằng sẽ không có “top cover” (yểm trợ trong trường hợp bị phi cơ của Trung Quốc từ Hải Nam lên không chiến) và cũng không có “rescue” (cứu vớt nếu bị bắn rơi).
Trong số những quân nhân tham gia phi vụ không kích này, số nhân chứng còn sống hiện nay thì ngoài ông Quốc Hưng (hiện ở Salem, Oregon) còn có các Thiếu tá Phạm Đình Anh (California), Đàm Tường Vũ (Arizona), Vũ Viết Quý (California), và Hồ Văn Giầu (Las Vegas).
Mật điện Bộ Ngoại Giao Mỹ (19 /1/1974): Can ngăn Tổng thống Thiệu
Một chuyện thật lạ lùng: vào ngày 17 tháng 1/1974 (ngày 18 tháng 1 – giờ Sài Gòn) Bộ Ngoại Giao Mỹ do Ngoại trưởng Henry Kissinger lãnh đạo đã gọi điện thoại cho Đại sứ Martin ở Sàigòn và nhấn mạnh ý muốn của Bộ là “tình hình phải được hạ nhiệt” (cooling the situation).
Tài liệu này được giải mật ngày 30 tháng 6, 2005. Dĩ nhiên là ông Martin phải thi hành ngay và đã cố vấn ông Thiệu. Ngày hôm ấy chính là ngày Tổng thống Thiệu bay ra Đà Nẵng để ra lệnh chống cự Hải quân Trung Quốc.
Cùng ngày, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải quân VNCH bay ra Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng để chỉ huy lực lượng tham chiến tại Hoàng Sa. Ngày 19 tháng 1 là ngày có trận hải chiến, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lại gửi mật điện can ngăn Tổng thống Thiệu đừng đi thêm bước nữa.
Bức điện đó như sau:
Ngày 19 tháng 1/1974
Người gửi: Ngoại Trưởng – Washington DC
Nơi nhận: Tòa Đại sứ Sài Gòn
Mật điện Bộ Ngoại Giao 012641
1. Xung đột quân sự tại Hoàng Sa đã đưa đến thương vong cho VNCH với hai chiến hạm bị tên lửa STYX của Trung Quốc bắn chìm. Chính phủ VNCH có yêu cầu Mỹ giúp tìm kiếm và cứu vớt các nạn nhân. Tình hình thêm phức tạp vì báo cáo là trên đảo Pattle (do VNCH đóng quân) lại có một nhân viên dân sự Mỹ làm việc cho Văn phòng Tùy viên ở Đà Nẵng. Chúng tôi không hiểu tại sao người này lại có mặt ở đó.
2. Bộ Ngoại Giao đã yêu cầu Bộ Quốc Phòng ra lệnh cho Hải quân Hoa Kỳ tránh khỏi khu vực này.
Hai ngày trước đây (17 tháng 1) chúng tôi có bàn luận với Đại sứ Martin qua điện thoại và bày tỏ ý muốn của chúng tôi là tình hình phải được hạ nhiệt…
3. Thông cáo của Bộ Ngoại Giao gửi cho báo chí về vụ này sẽ nói theo những điểm như sau:
— Chính phủ Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong việc tranh chấp Hoàng Sa nhưng hết sức mong muốn là sự tranh chấp được giải quyết trong hòa bình.
— Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu gì vào xung đột này.
4. Chúng tôi đang yêu cầu Tòa Đại sứ ở Sàigòn cố vấn chính phủ VNCH chỉ nên có những hành động tối thiểu để tự vệ và để cứu vớt nạn nhân (và người nhân viên Mỹ ở trên đảo) nhưng làm tất cả những gì có thể để tránh đụng độ trực tiếp thêm nữa với lực lượng Trung Quốc. Việc mà VNCH hay chúng ta không cần chút nào trong lúc này là đụng độ giữa Trung Quốc và Chính phủ Việt Nam về mấy hòn đảo, dẫn tới vai trò bất chấp của Trung Quốc trong cuộc chiến Việt Nam.
KHẨN – MẬT
Về phản ứng của Mỹ và mật điện ngày 19 tháng 1, 1974, ta có thể nhận xét như sau:
Vừa biết tin rục rịch là TT Thiệu đang sửa soạn ra lệnh chống trả chiến hạm
Trung Quốc là Bộ Ngoại Giao đã can ngăn ngay.
Chính phủ VNCH yêu cầu Mỹ giúp tìm kiếm và cứu vớt các nạn nhân (ngoài số tử thương còn 68 binh sĩ VNCH bị mất tích và bắt làm tù binh) nhưng bị từ chối.
Đã không yểm trợ chiến đấu, đã ra lệnh cho Hải quân Hoa Kỳ tránh né khỏi khu vực giao tranh, lại còn tuyên bố cho rõ ràng là “Chính phủ Mỹ không đứng về phe nào trong việc tranh chấp Hoàng Sa” và xác định (cho Bắc Kinh biết) là “Lực lượng quân sự Mỹ không dính líu gì vào vụ xung đột này.”
Không đứng về phe nào thì tại sao lại khuyên can chính phủ VNCH “hãy hạ nhiệt,” chỉ hành động tối thiểu để tự vệ và để cứu vớt nạn nhân thôi, nhưng làm bất cứ những gì để tránh đụng độ thêm nữa với lực lượng Trung Quốc về mấy hòn đảo? Ông Kissinger đã quên rằng chính ông đã từng soạn thảo lá thư để TT Nixon gửi TT Thiệu ngay trước khi ký kết Hiệp Định Paris nói đến lập trường vẹn toàn lãnh thổ của VNCH: “Nền tự do và độc lập của VNCH vẫn còn là mục tiêu tối cao của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ” (thư ngày 17 tháng 1, 1973).
Như vậy là một cửa vào Biển Đông đã bắt đầu được mở rộng. Trước đó, từ 1960 tới 1973, Trung Quốc chỉ cho tầu đi tuần tiễu vùng biển giữa quần đảo Hải Nam và Hoàng Sa trung bình khoảng năm lần một năm.
Qua eo biển Đài Loan
Trước Hoàng Sa, Mỹ đã mở một cửa nữa vào Biển Đông, đó là qua eo biển Đài Loan ở phía trên. Sau khi ông Mao Trạch Đông chiếm được Trung Hoa Lục Địa vào tháng 10/1949, Hoa Kỳ nhất quyết bảo vệ độc lập của Đài Loan hay nước ‘Trung Hoa Dân Quốc.’
Bởi vậy mỗi lần Bắc Kinh đe dọa eo biển Đài Loan như vào năm 1954-1955 và 1958 thì Mỹ phản ứng rất mạnh (xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 28). Nhưng từ 1971 thì khác.
Ngày 29 tháng 7/1971: Kissinger bí mật đi Bắc Kinh và trong dịp này đã cho Trung Quốc biết là Mỹ không còn ủng hộ một Đài Loan độc lập nữa, có nghĩa là Đài Loan sẽ chỉ là một khu vực của Trung Quốc, và như vậy Mỹ sẽ hết bảo vệ khu này và sẽ rút hạm đội và phi đội ra khỏi nơi đây.
Tháng 8/1971: sau cuộc họp, Mỹ tuyên bố hủy bỏ việc chống Trung Quốc gia nhập Liên Hiệp Quốc. Tháng 10, Liên hiệp Quốc bỏ phiếu 76 thuận, 35 chống (và 17 không bỏ phiếu) việc đẩy Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc và chấp nhận chính quyền Bắc Kinh là chính phủ đại diện Trung Quốc.
Tháng 10/1971: Mỹ rút khu trục hạm của Đệ Thất Hạm Đội ra khỏi eo biển Đài Loan.
Tháng 2/ 1972: TT Nixon thăm viếng Bắc Kinh. Sau cuộc họp Nixon – Mao tại Bắc Kinh, một thông cáo chung gọi là ‘Thông Cáo Thượng Hải’ (Shanghai Communique) được tuyên bố, gián tiếp quy định “Việc Mỹ rút toàn bộ khỏi Đài Loan là mục tiêu cuối cùng,” và sẽ “từng bước giảm cả quân đội, cả những căn cứ Mỹ tại Đài Loan khi sự căng thẳng trong vùng bớt đi.”
Trấn an Trung Quốc sau khi Miền Nam sụp đổ
Ngày 1 tháng 12 năm 1975: ông Henry Kissinger đã sắp xếp để người kế vị Tổng thống Richard Nixon là Tổng thống Gerald Ford đi Bắc Kinh năm ngày và gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Trước chuyến đi, ông Kissinger đã cố vấn Tổng thống Ford thật kỹ: “Ngài sẽ cố gắng hết sức để tăng cường giây liên lạc với Trung Quốc. Ngài (nên cho họ biết rằng) Ngài tin việc phát triển mối bang giao Mỹ – Trung là quyền lợi căn bản của chúng ta và Ngài sẽ theo đuổi việc này một cách mạnh mẽ trong những năm tới.”
Ngày 7 tháng 12/1975: Vừa từ Bắc Kinh về, TT Ford tuyên bố ‘Học thuyết Thái Bình Dương’ (Pacific Doctrine) kêu gọi bình thường hóa toàn diện quan hệ với Trung Quốc và cộng tác kinh tế trong toàn thể Á Châu.
Dĩ nhiên, điều kiện để bình thường hóa toàn diện với Trung Quốc là việc Mỹ rút khỏi eo biển Đài Loan.
Cuối tháng 5 năm 1975: chỉ một tháng sau khi Miền nam sụp đổ, Hoa Kỳ đã rút đội phi cơ chiến đấu cuối cùng ra khỏi Đài Loan. Có nghĩa là từ đó những hạm đội Đông Hải của TQ từ phía bắc có thể theo con đường nhanh nhất tràn xuống phía Nam.
Và từ phía nam những hạm đội Nam Hải có thể tiến thẳng vào Biển Đông qua ngả Hoàng Sa.
Cùng tác giả: “Năm năm vàng son” của Việt Nam Cộng Hòa
Tương lai của vùng này trở nên đen tối. Trung Quốc chỉ cần mua thời gian để chuẩn bị, chờ cho tới khi có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để ra tay: ba yếu tố này đã hội đủ vào năm 2008 (Các bạn xem thêm cuốn Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 26).
Như vậy lịch sử sẽ phải ghi nhận rằng chính hai ông Nixon và Kissinger đã đơn phương và trong vòng bí mật, mở cả hai cửa vào Biển Đông cho Trung Quốc từ trên 40 năm trước đây.
Hậu quả của mật điện Hoàng Sa ngày 19/1/1974 thật là lớn lao, nó dẫn đến tình trạng hỗn loạn tại Biển Đông ngày nay. Để mất Hoàng Sa và còn nhắn nhủ Trung Quốc rằng Mỹ không có dính líu gì vào tranh chấp hải đảo, rằng quân lực Mỹ đã được lệnh rút ra khỏi vùng này.
Như vậy là Trung Quốc được tự do tung hoành. Từ tung hoành tới lộng hành. Cái kẹt là sau khi lộng hành với các quốc gia sở tại, Trung Quốc lộng hành với chính Mỹ. Cho nên Mỹ phải xoay trục để trở về với Biển Đông, nơi đó có tới bảy quyền lợi của Mỹ như đã được xác định bằng văn bản (Khi Đồng Minh Nhảy Vào, Chương 26).
Trung Quốc lại là đối tác ngoại thương lớn nhất – tổng số xuất-nhập Trung-Mỹ lên tới $579 tỷ vào năm 2016. Mặt khác Mỹ phải cố gắng để thắt cho thật chặt quan hệ ngoại giao với các quốc gia trong vùng, nhất là với Việt Nam.
Tại sao như vậy? Đó là một chủ đề chúng tôi sẽ đề cập trong một bài khác.
Bây giờ, muốn trở về với Biển Đông Mỹ đi hàng đôi: một mặt thì tỏ ra mềm dẻo với Trung Quốc nhưng mặt khác lại luôn luôn chuẩn bị để đối phó bằng quân sự với Trung Quốc, dù dưới thời Tổng thống Obama hay Tổng thống Trump.
Để đối phó, Mỹ đang tăng cường liên minh quân sự với một số quốc gia trong vùng, kể cả tiến tới đối tác chiến lược với Việt Nam. Tại sao như vậy? Đó là một chủ đề chúng tôi sẽ đề cập trong một bài khác.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, Cựu Tổng trưởng Kế hoạch VNCH từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh nhảy vào (2016).
http://www.bbc.com/vietnamese/forum-39194766
Máu thắm đão Hoàng Sa – Khai Trinh
– Kính dâng nén nhang lòng đến hương hồn các tử sĩ đã anh dũng bảo vệ Lãnh Hải Tổ Quốc Việt Nam, Hải Quân QL/VNCH.
– Kính tặng toàn thể các Chiến Sĩ Hải Quân QL/VNCH khắp nơi trên toàn Thế Giới
Hoàng Sa ơi hỡi ! Hoàng Sa ơi !
“Nhật Tảo” tang thương oán góc trời (1)
Một mãnh giang sơn hồn Nước Việt
Bao đời ngạo nghễ giữa trùng khơị
Tinh thần tiết tháo Hải Quân ta (2)
Anh dũng máu loang tô thắm nhà
Chiến tích kiêu hùng năm Bảy Bốn !
Uy danh Hạm Trưởng Ngụy văn Thà.
Hoàng Sa hải đảo ! vẫn trơ gan !
Ngậm đắng nuốt cay hận giặc càn (3)
Lấn chiếm ngang tàng quân rợ cướp
Nhận chìm hải đảo cảnh tan hoang.
Hải đảo thân yêu máu lệ nhòa
Hoàng Sa oan nghiệt, hỡi Hoàng Sa !
Sao không chôn giặc: Bạch Đằng trận ??
Tiếp nối vang lừng Hải Chiến ta.
Ray rức linh hồn cách biển sông
Sơn Hà mây nước rộng mênh mông
Giữa lòng hải đảo lưu danh tiếng
Trải mật phơi gan một tấc lòng.
Tổ Quốc nghìn năm giống Lạc Hồng
Ngậm cười chín suối nức Cha Ông
Bóng trăng chênh chếch hồn Nam Quốc
Đáy nước Hoàng Sa hận biển Đông !!
(1) Hộ Tống Hạn HQ10 mang tên Nhật Tảo do Hạm Trưởng Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, đã tuẫn tiết theo Chiến Hạm, và Thiếu Tá Nguyễn Thành Trí Hạm Phó đã hy sinh trong cuộc giao chiến với 4 chiến Hạm Kronstadt 271,274,389,396 của Trung Cộng ngày 19-1-74.
(2) Các Chiến Sĩ Hải Quân Trung Sĩ Lê Văn Tây, Trung Sĩ Đinh Hoàng Mai đã nêu cao gương anh dũng theo Truyền Thống bất khuất và đã đền nợ nước trong trận hải chiến 19-1-74 trên Hộ Tống Hạm HQ10.
(3) Năm 1958 Hồ Chí Minh đã cúi đầu làm tôi tớ cho Trung Cộng ra lệnh cho Thủ Tướng Phạm-Văn-Đồng ký hiệp ước dâng đảo Hoàng Sa cho Trung Cộng. Kể từ đó TC đem quân ồ ạt chiếm quần đảo Đông Bắc Amphibious, dần dần theo kế hoạch “Tầm ăn dâu” đổ quân chiếm xuống các quần đảo phía Tây Nam Croisant : đó là Duy Mộng (Duymont) và Quang Hòa, và sẽ dần đến các quần đảo phía trái là Robert và Money rồi chiếm nốt Pattern. Biết được tin này Đại Tá NGẠC Tư Lệnh Lực Lượng chỉ huy ra lệnh Tuần Dương Hạm HQ16 cùng Hộ Tống Hạm HQ10 đến thị sát và ngăn chận mọi sự xâm nhập bất họp pháp của Trung Cộng nếu có. Nhưng trong thời gian còn điều nghiên tình hình thì bọn Trung Cộng cho lệnh tập trung 4 chiến hạm của chúng dồn hỏa lực mạnh và tấn công. Trước tình thế nguy ngập chiến đấu đơn phương HQ10 chống trả mãnh liệt, nhưng rồi HQ10 bị trúng đạn Đại bác 130 ly và hỏa tiễn nên Hộ Tống Hạm ngấm chìm vào lòng Đại Dương, và Hạm Trưởng Thiếu Tá Ngụy Văn Thà phải đành tuẫn tiết theo Hạm tại Hải Đảo Hoàng Sa.
http://www.hqvnch.net/default.asp?id=54&lstid=5
Trận hải chiến Hoàng Sa dưới mắt một người còn sống sót (Chuyện thật xảy ra vào trung tuần Tháng Giêng năm 1974) – Phó thịnh Đường
Lời Giới Thiệu:
Tất Ngưu là người bạn cùng lớp (Khóa 20) trường Hàng Hải Thương Thuyền (HHTT) – Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, Việt Nam. Chúng tôi tốt nghiệp vào lúc nước nhà thất điên bát đảo, kiệt quệ trong khói lửa chiến tranh. Mộng tìm việc làm trên các thương thuyền tan theo mây khói. Cùng một số bạn cùng khóa chẳng hạn như Nguyễn Văn Kết, Trần Minh Trung, Phạm Tánh Dược, Nguyễn Chánh Nghĩa ,… chúng tôi đành lên đường nhập ngũ tòng chinh. Một số anh em cùng với tôi đã gia nhập Hải Quân và Quân Vận VNCH với hy vọng có cơ hội áp dụng những kỹ thuật hải hành hấp thụ được ở trường HHTT. Thế rồi trong một trận hải chiến, chiến hạm bị đánh đắm. Lênh đênh trên biển cả ba đêm, bốn ngày không thực phẩm và nước uống, Tất Ngưu đã chết đi rồi sống lại.
Là người may mắn được xem bài tường thuật trong quyển nhật ký được cẩn thận giữ gìn hơn 32 năm qua, tôi đã xin và được anh cho phép đăng tải nguyên văn.
Xin nói thêm là đối với một người đã một lần chết đi rồi sống lại như anh, danh lợi chỉ là chuyện phù phiếm. Anh đang có một cuộc sống bình dị, thoải mái, không màng đến vinh hoa phú quý. Đăng tải bài tường thuật này là việc ngoài ý muốn của anh, nhưng bởi sự yêu cầu khẩn khoản của tôi, anh đã đồng ý. Dẫu sao đây cũng là một dịp để xác nhận chiến công của những chiến sĩ vô danh và các đồng đội mà anh còn nhớ tên trong đó có Trung Sĩ Trọng Pháo (TSTP) Xuân, Hạ Sĩ Nhất Vận Chuyển (HS1VC) Tây, Hạ Sĩ vận Chuyển (HSVC) Sáu, và còn nữa…
Cũng nhân tiện chúng tôi thuộc khóa đàn em Hàng Hải Thương Thuyền (HHTT) xin được cảm kích chiến công của HQ Tr/úy Cơ Khí (CK/HHTT) Huỳnh Duy Thạch là đàn anh (thuộc khóa 13 HHTT), nguyên Cơ khí Trưởng của Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ10 đã đi theo chiến hạm vào lòng đại dương.
Xin độc giả dành cho anh Tất Ngưu và các đồng đội của anh sự tri ơn thành thật nhất. Riêng tôi, xin “thẩm quyền nước Việt” trao đến các anh bằng Tưởng Lục cao quý nhất, Anh Dũng Bội Tinh, và Đệ Nhất Đẳng Bảo Quốc Huân Chương, và hằng mong Thượng Đế, Trời, Phật luôn theo sát phò hộ các anh.
Phó Thịnh Đường (nguyên Hải Quân Thiếu Úy Hàng Hải Thương Thuyền)
Florida, Spring 2006
Trước trận hải chiến, Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ11 hiện diện tại quân cảng Đà Nẵng. Lúc trận chiến diễn ra, HQ11 đã rời bến đi tăng viện Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10. Khi rời bến HQ11 đã nhận giữ thư từ của HQ10. Giữa đường đến quần đảo Hoàng Sa, để tránh không tập của địch và bảo toàn lực lượng, HQ11 đã được lệnh gọi quay trở về. Trên HQ11 có HQ Th/úy HHTT Nguyễn văn Kết. Mới đây Kết có gởi cho Tất Ngưu một điện thư như sau:
(E-mail ngày 30 tháng 3 năm 2006)
Không biết là Tất Ngưu có biết (hay có nhớ) rằng tớ là người đầu tiên nghe danh sách các chiến sĩ của HQ10, được tầu buôn Hòa Lan vớt lên …
Hôm đó tớ đi ca đêm trên Hộ Tống Hạm Chí Linh HQ11, khi anh hạ sĩ trực máy truyền tin nhận được tín hiệu từ tầu buôn Hòa Lan, tớ liền lên máy. Bên kia là một giọng nói Việt Nam, đọc cho tớ nghe tên của các chiến sĩ được vớt lên tầu …
Tớ không thể nào diễn tả được cảm xúc của mình lúc đó khi nghe tên của Chuẩn úy Tất Ngưu được đọc lên trong máy …
Ký tên,
Nguyễn văn Kết.
Sau đây là tên các chiến sĩ sống sót được chép lại từ quyển nhật ký của Tất Ngưu:
Danh sách thủy thủ đoàn thuộc Hộ Tống Hạm NHẬT TẢO HQ10 đã trở về sau trận hải chiến Hoàng Sa:
1 Trung sĩ Bí Thư TSBT Võ văn Bằng
2 Trung sĩ Tiếp Vụ TSTV Đỗ kim Hoàng
3 Hạ sĩ 1 Trọng Pháo HS1TP Nguyễn văn Tám
4 Hạ sĩ Trọng Pháo HSTP Trần ngọc Sơn
5 Hạ sĩ Trọng Pháo HSTP Phạm văn Lợi
6 Hạ sĩ Trọng Pháo HSTP Võ văn Tuấn
7 Hạ sĩ Trọng Pháo HSTP Lê tấn Hưng
8 Hạ sĩ Trọng Pháo HSTP Vương văn Và
9 Hạ sĩ 1 Cơ Khí HS1CK Lưu tố Nữ
10 Hạ sĩ Cơ Khí HSCK Nguyễn hồng Cứng
11 Hạ sĩ Cơ Khí HSCK Huỳnh văn Hòa
12 Hạ sĩ Tiếp Vụ HSTV Nguyễn văn A
13 Thủy thủ 1 Cơ Khí TT1CK Trần văn Hà
14 Hạ sĩ Bí Thư HSBT Đỗ văn Thành
15 Thủy thủ 1 Thám Xuất TT1TX Trương văn Long
16 HQ Trung úy K8/OCS Hà đăng Ngân
17 HQ Trung úy K20/NT Phạm văn Thì
18 HQ Trung úy K1/70 ĐB Ngô văn Hòa
19 HQ Trung úy K25/VBĐL Nguyễn đông Mai
20 HQ Thiếu úy K24/NT Phạm thế Hùng
21 HQ Chuẩn úy K1/IOCS Tất Ngưu
Trận Hoàng Sa
Nhật Ký của Tất Ngưu
Sài Gòn ngày 30 tháng 5 năm 1974,
Tôi đã sống lại một kiếp sống thứ hai. Phải, tôi đã thoát chết, đã kinh nghiệm một cái sống khi tôi không còn một tia hy vọng trong trí não. Nhưng thật sự tôi đang còn đây, và tôi sẽ thuật lại một trận chiến hãi hùng đầy cam go, và một cuộc sống lênh đênh trên mặt biển liên tục bốn ngày ba đêm trên một con bè với một túi thực phẩm chỉ gồm kẹo và nước uống.
“Te-Tít … Te-Tít … Te-Tít …Te-Tít … Te-Tít … Nhiệm sở vận chuyển.”
Hạm trưởng hiên ngang đứng trên đài chỉ huy ra lệnh tháo giây. Một số anh em khấp khiểng chạy về chiến hạm. Họ vừa đi nhậu về, hôm nay mới lãnh lương mà. Nhân viên trên tầu chỉ có thế, lãnh lương ra thì lại đi uống rượu.
“Nhanh lên, tầu rời bến, nhanh lên !”
“Tủm !”
“Ối !”
Anh HS1TP Tám chếnh choáng rơi tùm xuống nước. Tôi thấy hạm kiều náo động, nghe tiếng hối thúc:
“Thả phao”, “Vớt người”, …
Đó phải chăng là một điềm chẳng lành.
Chiến hạm chúng tôi (HQ10) sau một đêm lình bình tuần tiễu tại cửa Đà Nẵng, nhận lệnh theo HQ 5 trực chỉ quần đảo Hoàng Sa. Nhiệm vụ của chúng tôi là yêu cầu các thuyền đánh cá của Trung Cộng rời khỏi thềm lục địa của đảo Quang Hòa (Duncan).
“Chuẩn Úy, Chuẩn Úy, tới giờ đổi ca”. Mắt nhắm mắt mở tôi nhìn đồng hồ. Đã 2345H (11 giờ 45 đêm) rồi, nhanh nhỉ. Thời tiết tháng Giêng còn hanh lạnh, tôi khoác thêm một chiếc áo choàng mầu navy blue. Nhận ca, tôi được biết chiến hạm đang thả trôi tại quần đảo Hoàng Sa. Cùng có sự hiện diện của cả khu trục hạm HQ4, hai tuần dương hạm HQ5, và HQ16.
Trong suốt ca trực từ 2400H đến 0400H, tôi cùng HSTP Lợi nói chuyện vui với nhau. Anh này vừa mới tân đáo và đây là chuyến công tác đầu. Tôi nghe anh ta kể lại những ngày huy hoàng sống ở giang đoàn. Nào là bắt những con tôm càng, thịt, bánh mì sandwich, v.v… Nghĩ mà thú nhỉ !
Vào khoảng 0100H, tôi nhận được chỉ thị – không đúng – một công điện khẩn thì đúng hơn: “0600H GIỜ THI HÀNH”. Tôi trình công điện lên hạm trưởng. Đêm đó hạm trưởng an giấc tại phòng vô tuyến phụ, cạnh đài chỉ huy. Thời gian đi như chợp mắt, mới đó mà đã đến gần 0400H rồi. Tôi gọi:
“Anh Lợi ơi, xuống gọi Th/úy Mai lên đổi ca giùm đi!”
Thế rồi hạm trưởng thức giấc. Đứng trên đài chỉ huy, ông ngó nhìn xung quanh để quan sát vị thế, rồi ra lệnh kéo còi nhiệm sở tác chiến. Một hồi còi rợn người nổi lên: “ Tít … Tít … Tít … Tít … Tít … Tít…” Tiếng của hạm trưởng vang trên hệ thống nội thông :
“Đây là Hạm Trưởng”
“Nhiệm sở tác chiến, nhiệm sở tác chiến”
“Tất cả vào nhiệm sở tác chiến”
“Nhiệm sở tác chiến”
“Tất cả vào nhiệm sở tác chiến”. “Tít … Tít … Tít … Tít … ……”
Tất cả anh em thủy thủ đoàn vội vã thức giấc. Ai nấy vào nhiệm sở của mình. Riêng tôi, vừa đi xong ca cách mạng (phiên trực hải hành từ nửa đêm đến tờ mờ sáng) lại vướng vào nhiệm sở tác chiến, cảm thấy mệt đừ. Ngay sau đó:
“Nhiệm sở phòng không” “Nhiệm sở phòng không”
Tôi thấy ngay lập tức những nòng súng rợp rợp hướng lên trời góc 45 độ, nào là các đại bác 76 ly 2, bô-pho 40 ly, 20 ly, đại liên 30, súng cối 81 ly.
“Đài chỉ huy, đây sân mũi, 76 ly, 2 cò điện bất khiển dụng”
“Thôi được, cho dùng cò chân”
“Đài chỉ huy, đây 41, 42 tôi phát hiện một phi cơ bay từ ánh trăng hướng về phía ta, hướng 3 giờ.”
“Đài chỉ huy nghe rõ, tất cả các khẩu hướng về hướng 3 giờ”
“Đài chỉ huy, phi cơ bay vào mây và mất dạng”
Toàn thể nhân viên chiến hạm cứ luôn ở vào một tình trạng căng thẳng. Chắc hẳn mọi người, ai cũng đang linh cảm rằng một cuộc hải chiến sẽ xảy ra. Có lẽ cũng giống như các bạn đồng đội, đầu óc tôi đang nghĩ đến một chiến thắng huy hoàng, một ngày về với bộ tiểu lễ trắng tinh, hiên ngang đứng giữa hàng quân, trên ngực đầy những huy chương. Tất nhiên, không ai nghĩ đến hậu qủa của một cuộc chiến: thương vong. Khoảng thời gian từ 4 giờ sáng đến 6 giờ sáng ngày 19 tháng Giêng, chiến hạm vẫn tiến, và nhân viên vẫn cảnh giác trước phi cơ của địch. Trời lờ mờ, chưa tỏ hẳn ánh dương, hải đội của ta lập thành một đội hình. Bên địch (Trung Cộng) cũng gồm bốn chiến đỉnh 389, 396, 271, và 274, vẫn chạy đan qua đan lại có vẻ như muốn khiêu khích. Lắm lúc như muốn đâm thẳng cả tầu vào chiến hạm của ta. Sau một thời gian kèm sát bên nhau, địch và ta dường như đang tìm những vị thế thích hợp để công kích nhau.
Sau một loạt đèn hiệu được choé sáng, từ đảo nọ bốn chiếc tầu đánh cá hướng về phía Bắc, di tản, và bốn chiến đỉnh của họ vận chuyển song song để bảo vệ.
Thế rồi anh em trên chiến hạm thoáng nét vui mừng.
Ồ! họ đã chịu lui bước, trả lại mảnh đất cho chúng ta. Nào ngờ sau khi bốn tầu đánh cá đi khá xa, bốn chiến đỉnh địch quay đầu trở lại với lối vận chuyển đầy khiêu khích. Chiến hạm lại nhận được lệnh chuẩn bị tác chiến. Tất cả nòng súng hướng vào phiá đảo để tránh sự khiêu khích với tàu địch. Trên tầu anh em xôn xao căng thẳng, chỉ chờ một hiệu lệnh tác xạ ban ra là những viên đạn vô tri này sẽ phá tan một hòn đảo nhỏ bé ngoài khơi, và bao nhiêu nhân mạng trên đảo sẽ bị chôn vùi dưới lòng đại dương.
Trông chờ mãi, khẩu lệnh vẫn chưa được ban hành, thủy thủ đoàn có phần nản chí, không còn vẻ hăng say của thoạt đầu, xem những cuộc quần thảo giữa địch và ta như trò đùa. Anh em trở nên chán ngán, quên hẳn sự căng thẳng giữa địch và ta, bẵng đi việc sẵn sàng của nhiệm sở tác chiến. Một số nhỏ hớ hênh để súng cá nhân xuống sàn tầu rồi cùng trò chuyện vui đùa với nhau. Thức dậy từ lúc tờ mờ sáng đến giờ không có gì lót dạ, anh em chúng tôi cảm thấy đói, riêng tôi như thấy kiến bò trong bụng, may quá chúng tôi được lệnh luân phiên nhau vào nhà ăn để dùng cháo.
“Th/úy Mai. Anh vào dùng trước, tôi sẽ ăn sau.”
Khi Th/úy Mai vừa dùng diểm tâm xong, chúng tôi được lệnh tác xạ mà mục tiêu là các chiến hạm địch: Bất kể nơi nào, thấy chiếc nào trong tầm thì cứ bắn, mục tiêu chính yếu là chiếc dương tốc đỉnh 396.
Và rồi những nòng súng nay đã được hướng vào chiến hạm địch. Rồi những chiến hạm của địch và ta lại tiếp tục quần thảo nhau.
Vào khoảng sau 0900H, một lệnh “BẮN” được ban hành mà tôi nghe được qua chiếc headphone. Riêng tôi, trong nhiệm sở tác chiến là sĩ quan đảm trách 2 khẩu 20 ly và súng cối 81 ly ở sân sau. Tôi vội vã hô to:
“Bắn, bắn nhanh lên”.
Những tiếng súng ầm ầm vang dội, những tia sáng thi nhau bay về phía địch, những đóm lửa lần lượt bao chụp lên chiến hạm địch.
TSTP Xuân hiên ngang đưa khẩu 20 ly qua lại, bắn liên hồi.
“Tạch … Tạch … Tạch …”
“Ối ! sao khẩu 20 ly không bắn nữa ?”
“Thưa Ch/úy, súng trở ngại tác xạ”
“Trở ngại thế nào ?”
“Kẹt đạn”
“Bắn một nòng”
“Tạch … Tạch … Tạch …”
“Hết đạn”
“Nằm xuống, để tao”, Hạ sĩ nhất vận chuyển Tây thét lên, gạt Xuân ra, dựt lấy khẩu 20 ly.
“Tạch … Tạch …Tạch …”
Trong khi đó HSVC Sáu lom khom chạy qua chạy lại lấy đạn 81 ly nạp vào khẩu súng cối.
“Ầm!” “Ầm!”
Tầu địch bốc cháy. Tôi thấy những viên đạn trọng pháo lớn nhỏ đua nhau bám vào tầu địch.
“Rầm !!!”
Có giọng nói giữa đám anh em đang hỗn loạn:
“Tàu Trung Cộng đổ bộ, anh em cẩn thận”.
Một loạt đạn M16 túa bay ra từ đài chỉ huy. Nhìn phía trước, tôi thấy mũi tầu của ta đâm vào tầu địch. Thế rồi hai tàu từ từ dang ra. Tàu ta bất khiển dụng cả hai máy chánh, cứ vậy mà trôi lênh đênh.
Sau khi hai chiếc tàu đụng nhau, tiếng súng lớn dường như im bặt, chỉ còn nghe những tiếng súng nhỏ. Giai đoạn hải chiến hình như chấm dứt. Anh em đồng đội chuẩn bị cứu thương lẫn nhau. Hầm máy đang cháy, nhân viên phòng tai lo cứu hỏa. Một số nhân viên cơ khí chết thui dưới hầm máy. Những anh còn tỉnh thì được kéo lên boong chánh. Trung úy Huỳnh Duy Thạch (cùng là đàn anh của tôi xuất thân từ trường Việt Nam Hàng Hải Thương Thuyền, cũng là Cơ Khí Trưởng của chiến hạm HQ10, chẳng may đã tử trận trong hầm máy. Ôi! tiếng rên la áo não ngần nào. Đài chỉ huy hoàn toàn tê liệt, cả cầu thang từ trung tâm chiến báo (CIC) lên đài chỉ huy cũng bay mất một góc.
Phòng y tá hoàn toàn thiêu trụi. Trong phòng ăn sĩ quan (được sử dụng làm trung tâm phòng tai), sĩ quan phòng tai HQ Thiếu Úy Bửu (Khóa 25/Võ Bị Đà Lạt) đang rên la với một chân trái bị bay mất, máu ướt đẫm người. Vừa được đưa ra đến sân sau, anh đã trút hơi thở cuối cùng. Các anh em bị thương khác không có thuốc men cấp cứu gì hơn, chỉ dùng vạt áo để băng bó.
“Ồ ! HQ16, anh Thương hãy đánh SOS cho họ đến tiếp cứu!”
Chúng tôi đánh hiệu bằng cờ, nhưng HQ16 đã quay đầu đi thẳng trong sự thất vọng hoàn toàn của chúng tôi. Những tiếng súng lại bắn vang, cùng với những tiếng nổ trên tàu. Chính lúc này Thiếu Tá Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà đã anh dũng hy sinh trên đài chỉ huy. Tôi còn nhớ là đài chỉ huy trước khi bị tê liệt hoàn toàn đã ra lệnh cho chúng tôi đào thoát. Những giòng tư tưởng quay cuồng trong tôi. Thế còn tàu? và nếu có đào thoát, chắc hẳn có sống không? Rồi tôi tự nhủ rằng HQ16 sẽ quay lại cứu mình.
Những tiếng súng lại vang lên, tiếng nổ trên tàu lại tiếp diễn. Nhìn ra phía sau, hai chiến hạm địch lù lù tiến đến, hướng về phía mình. HQ16 di tản càng ngày càng xa. Trên boong thây xác ngổn ngang, chiến hạm trơ trơ mặc sóng gió đẩy đưa. Trên mặt biển, đồng đội lô nhô trên những bè cấp cứu. Ôi thay! tôi tự hỏi mình có nên đào thoát hay không.
Hạ sĩ nhất cơ khí Nữ chạy đến với giọng rung rung:
“Ch/úy. Ch/úy biết bơi có gì Ch/úy kéo hộ tôi nhé!”
“Rồi cứ nhẩy đi, tôi sẽ kéo ra bè cho.”
“Ch/úy, phao này cho hơi vào cách nào ?”
Tôi bèn kéo chốt cho hơi vào phao và nói anh ấy nhẩy đi. Một chốc sau ngó xuống nước tôi lại không thấy anh ta đâu nữa. Tôi đoán có lẽ vì sóng to quá nên anh ta dạt vào thành tàu. Ngay lúc đó, anh TSVC Đa và HSCK Hòa hấp tấp chạy đến:
“Ch/úy nhẩy nhanh lên, kho đạn 20 ly và 40 ly nổ, nhẩy nhanh lên!”
TSVC Đa, HSCK Hòa, và tôi cùng nhảy xuống. Tôi hoảng khi thấy bè thì quá xa, sóng lại to, ngẩm không biết mình có thể bơi ra đến nơi không.
Xin mở ngoặc nơi đây là: Trước khi đào thoát, tôi có gọi luôn cả HS1VC Tây cùng nhẩy, nhưng anh ta trả lời rằng: “Thôi, tôi ở lại ăn thua đủ với Trung Cộng. Ch/úy cứ nhẩy đi.”
Thật đúng y như câu nói của người xưa: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”. Chẳng biết HS1VC Tây có được đến trường để học và thấu hiểu câu nói thâm thúy này không? Anh có nghe ai bàn về câu nói ấy không? !! Thế mà anh đã thực hiện được sự việc đó mới là hay chứ. Việc mà chỉ có những đại anh hùng, các bậc trượng phu không biết “tham sinh úy tử” là gì họa may mới làm được. Thật là anh hùng. Tôi xin ngã mũ.
Lớp ngớp trên mặt biển, bơi mãi vẫn không đến bè được, tôi mới tiếc rẻ: “Ối ! phải biết ở lại tàu còn hơn!” Chất thuốc mầu vàng của bao thuốc trị cá mập trong phao cá nhân của tôi đã được bật ra. Thuốc hòa lẫn với nước biển biến thành một vũng mầu xanh lá cây. Tôi cứ bơi, bơi mãi, bè cứ dạt xa. Mỗi lần sóng đánh đến, nước biển lại tràn vào miệng cùng với thuốc trị cá mập, có vị đắng đắng cay cay, Ôi! hơi sức nào để ý đến nữa, mục đích là sự sống. Chỉ làm cách nào bám vào được bè, mạng sống mới có thể vãn hồi. Nhưng mệt nhừ rồi, còn sức đâu nữa mà bơi ra bè. Không, ta phải sống, bản năng sinh tồn lúc đó không cho phép tôi ngừng, cứ bơi, bơi mãi, đến khi bám được bè, nhìn thấy mặt anh em, tôi ngất đi trong giây lát. Phải chăng lực tiềm tàng trong cơ thể đã cạn, hay là ta đã tìm thấy sự sống nên lực đó không cần thiết nữa. Khi được kéo lên bè, người tôi lã đi vì đói khát mệt mỏi. Thật là “họa bất đơn hành”, sau khi ngồi yên trên bè, kéo chung những bè lại, nhìn về hướng tàu, trong khi hai chiếc tốc đỉnh của Trung Cộng sân sân tiến tới, khẩu 20 ly trên HQ10 cứ nổ vang. Hai chiến hạm của TC cũng không vừa, cứ vừa tiến vừa tác xạ, thế rồi khẩu 20 ly đành im bặt. Những tiếng súng sau cùng đó… Hỡi ơi! anh Tây, anh Sáu, các anh đã hy sinh đền nợ nước cùng một số đông các chiến sĩ bất tử của HQ10. Các anh ngã mình một cách anh dũng, nhưng có ai biết đến, chỉ có những đồng đội cùng tàu với hai anh mới thấu hiểu. Nói đến sự hy sinh chiến đấu vô vọng, tôi biết rằng giá trị còn tùy thuộc quan niệm của mỗi con người. Có người cho rằng: “Quân tử phục thù, thập niên vị vãn”. Nhưng theo tôi, các anh là những tấm gương anh dũng rạng ngời. Đúng như vậy, anh Tây rất xứng với dòng chữ xâm trên tay “Mặc Thế Nhân”. Thân xác hai anh giờ này đã chôn vùi dưới đáy biển Hoàng Sa cùng với chiếc tàu thân yêu HQ10. Ước gì tên tuổi của hai anh HS1VC Tây và HSVC Sáu được lưu mãi trong sử xanh.
Hai chiến hạm của dòng khát máu Cộng Sản Trung Cộng vẫn không buông tha một chiến thuyền đã đang bốc cháy và bất khả vận chuyển. Chúng cứ luân phiên nhau vây đánh chiếc HQ10, sau đó quay đầu tiến đến bè của chúng tôi. Chúng tôi nghĩ là nếu họ tác xạ mình thì anh em lại đào thoát lần thứ hai. Mắt Thượng Đế vẫn còn đây, bầu trời xanh lồng lộng còn đó, mọi sự đã an bài sẵn. Tôi tự nhủ hãy phó thác mạng sống mình cho Trời Phật. Số đã sống thì không thể chết, số chết thì không sao cứu vãn được. May thay họ lại bỏ đi. (Tôi nghĩ rằng không phải họ vì nhân đạo – cộng sản làm gì có nhân đạo – lý do chính là chung quanh đây chỉ có những đảo mà họ chiếm và cả một mặt biển rộng mênh mông. Họ chẳng cần vớt người làm chi cho nhọc công, để chúng tôi chết dần mòn khỏi phải mang tiếng với quốc tế.)
Qua cơn bỉ cực đầu tiên, tôi phải đương đầu với đại dương trùng sóng và đói khát. Người đã mệt lã đi, lại cứ nôn mửa suốt hơn cả tiếng đồng hồ. Tôi say sóng cũng thường rồi, nhưng lần này uống nhằm mấy ngụm nước có thuốc trị cá mập, tôi ói ra hết mật xanh, mật vàng. Vừa ói vừa rên, tôi cảm thấy người không còn chút sức lực nào.
Nhìn lại xung quanh, tôi thấy tất cả có năm chiếc bè, bốn lớn và một nhỏ, hầu hết đã bị bắn thủng. Chúng tôi cột chung các bè lại với nhau. Nhưng vì sóng to gió lớn, một cái bè bị tản mác. Mặc dù chúng tôi đã tìm mọi cách nhưng không thể lại gần nó được. Bè đông người và được cột chum nhau, chìm xuống mặt nước. Chúng tôi không có một dụng cụ nào khác để chèo ngoài những bàn tay hết sinh lực. Trôi đến chiều hôm đó (ngày 19 tháng giêng), chúng tôi thấy một hoang đảo có nhiều cây cối. Mắt trông thật rõ nhưng lấy tay khoát nước mãi vẫn không sao lại gần đảo được, vì hôm đó sóng quả rất to.
Sau khi kiểm điểm lại chúng tôi chia làm bốn bè:
Bè số 1: coi như bè hướng dẫn, gồm có tôi, Tr/úy Thì, Tr/úy Hòa, Th/úy Mai, HSBT Thành, HSCK Hòa, và TS1GL Thương.
Bè số 2: bè hậu bị tiếp sức, gồm có Th/úy Hùng, TSBT Bằng, TSTV Hoàng, HSTV A, HSTP Lợi, HSTP Tuấn và TT1CK Hà.
Bè số 3: bè tản thương, gồm HS1TP Hưng, HSTP Và, TSQK Tuấn, ThSTP Châu, TSĐT Thọ.
Bè số 4: bè dưỡng thương, đó là một bè nhỏ có hai mảnh ván bé kê lên để bệnh nhân có thể nằm cho không ướt người. Bè gồm có TSVC Đa, và TSTP Nam.
Riêng về bè trôi dạt không thể cột chùm được kia gồm có: Hạm Phó Trí, Tr/úy Ngân, HS1CK Nữ, HSTP Sơn, HSCK Cứng, TT1TX Long.
Bầu trời đã tối mịt, sóng lại to hơn. Anh em mệt lã người phần vì đói khát, phần vì mệt nhọc sợ hãi. Chúng tôi cứ mặc cho bè trôi quanh đây với hy vọng sáng sẽ bơi vào đảo được. Đêm hôm đó Hạm Phó Trí đã trút hơi thở cuối cùng. Thân xác Hạm Phó cũng đành giao cho thủy thần định liệu.
Suốt đêm cơn lạnh đã hành hạ cơ thể của tôi, với bộ quân phục ướt như chuột lột. Anh em cứ ôm gồng lấy nhau mà rung rẩy chờ đêm qua. Đêm sao qua chậm thế! Giờ này mới ba giờ đêm, bốn giờ, năm giờ, … trời bắt đầu sáng. Thật là quái dị. Đêm vừa qua lại không trăng sao, sáng nay mặt trời lại không mọc. Phải chăng ông Trời cũng không dám diện kiến một cảnh tượng thê lương trên biển của thủy thủ đoàn HQ10?
Thân mệt nhừ, tôi quay qua quay lại nhìn dáo dác, rồi lẩm bẩm:
“Ủa ! đảo hôm qua đâu ?! Thôi rồi anh em ơi, chúng ta không biết đã trôi về đâu?!”
Ai nấy đều lộ vẻ thất vọng. Khi TS1GL Thương mang ra được một la bàn cầm tay thì chúng tôi mới hỡi ơi là hiện tại luồng nước xoáy đang đưa bè theo hướng Đông Bắc, nếu muốn vào đảo anh em phải chèo ngược lại theo hướng Tây Nam.
Cơn đói khát lại hành hạ. Sau khi kiểm điểm thì thấy bè số 1 không có bao thực phẩm nào cả dù rằng dây buộc vẫn còn đó. Bè số 2, 3 mỗi bè gồm một bao thực phẩm chứa 20 lon nước (cỡ chai coca-cola) và 12 bao kẹo, mỗi bao gồm 8 miếng kẹo. Thế rồi phải lấy ra gom lại chia đều ra. Trong đó có 6 bao kẹo không thể sử dụng được, nhưng cũng để dành lại đó. Chúng tôi khui những lon nước, mỗi người hớp một ít, và ăn một miếng kẹo.
Những người bị thương nặng như TS1GL Thương, TSQK Tuấn, có lẽ bị mất quá nhiều máu nên họ cứ đòi nước mãi. Ngày đầu tiên trôi dạt trên biển chúng tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ lên được một đảo nào đó gần đây, hay có thể được chiến hạm của ta ra cứu vớt, nên vấn đề uống nước ngọt chưa bị hạn chế. Nhất là nghe các anh bị mất nhiều máu rên rỉ gọi khát chúng tôi chúng tôi không đành nên cho họ uống cả lon. Khoảng 9 giờ sáng ngày 20 tháng Giêng, TSQK Tuấn đã ra đi một cách âm thầm không một lời trối trăn, mà cách đó ba bốn giờ đồng hồ miệng cứ kêu la khát, khát quá…. Ý thức được rằng sẽ còn nhiều ngày lênh đênh trên biển nữa, nước ngọt rất cấp thiết, chúng tôi tự hạn chế trong việc sử dụng nước ngọt và kẹo. Bè cứ mặc cho dòng nước đưa trôi. Sáng hôm nay lại nghe những tiếng súng nổ vang. Chúng tôi thắc mắc phải chăng chiến hạm tăng phái của ta đã đến và một cuộc hải chiến lại tiếp diễn?
“Anh em hãy gắng sức chèo về hướng Tây Nam, đúng hướng đó rồi, hướng của những hòn đảo hôm qua ta tranh giành.”…
“Cố lên anh em, chúng ta sẽ sống nếu gặp lại tầu bạn.”…
Khoát nước, chèo mãi vẫn không đi tới đâu.
“Thôi chúng ta tháo hai miếng ván của bè nhỏ để chèo đi, chèo mãi theo hướng Tây Nam sẽ đến đảo ngay.”
“Anh em cứ cố gắng lên, đừng nghỉ tay, nếu không công trình khoát chèo, bơi từ sáng đến gìờ coi như hoang phí. Đêm nay chúng ta luân phiên chèo nhé!”…
Bè nay đã được cột chùm vào nhau; lúc đầu cột ngang nhau, nhưng sóng đập mạnh, các bè cứ va đập vào nhau. Bè lật, vỡ bể thêm ra. Sau cùng đành cột theo hàng dọc nối đuôi nhau. Bè của tôi dẫn đầu, sau đến bè số 2, số 3, rồi bè nhỏ. Những bè sau đa số là anh em bị thương, mệt mỏi, chán nản, nên chỉ còn chúng tôi (Tr/úy Thì, Th/úy Mai, Th/úy Hùng, Tr/úy Hòa, HSTV A, và tôi) là những người còn đủ sức để chèo. Đêm đó cứ luân phiên nhau mà chèo. Lúc đầu dựa vào hướng của la bàn, nhưng trong đêm tối la bàn đã bị đánh mất, phải nhờ các vị sao định hướng để chèo. Suốt đêm anh em chỉ được nghỉ ngơi đôi chút.
Khoảng sáu bảy giờ sáng ngày 21 tháng Giêng, thình lình tôi thấy hướng Tây Bắc có hỏa châu lóe lên rồi mất hẳn. Tôi mới hô to:“Có hỏa châu, một là chiến hạm tìm kiếm ta, hai là lính địa phương quân trên đảo. Anh em hãy chèo về hướng đó nhanh lên!”
Nhưng trời chưa tha bọn người hoạn nạn như chúng tôi. Sáng hôm đó sóng quá to, hơn nữa lại phải chèo ngược sóng, cho nên cứ chèo mãi mà hình như bè vẫn ở tại chỗ. Buồn thay, buổi sáng nay thêm một bạn đồng nghiệp nữa lẳng lặng ra đi không một lời từ biệt – TS1GL Thương. Buổi chiều, thêm TSĐT Thọ từ giã anh em. Xin được mỹ miều chua xót ghi là “Sáng, thủy thần lại gọi thêm trình diện thủy cung. Chiều, thêm người theo hạm trưởng đi công tác đáy biển bằng tàu ngầm HQ10.”
Có lẽ trước vài tiếng đồng hồ mà thủy thần gõ cửa kêu tên, mọi người đều nghe văng vẳng bên tai một cách yếu ớt “Khát quá … khát quá …” Tinh thần của anh em lúc này có vẻ giao động, nghĩ đến giây phút thần chết sắp gọi tên mình, nghĩ đến những bạn đồng đội đã đi “công tác trên tầu lặn với hạm trưởng.” Nếu không muốn nói là mọi người như sắp điên loạn. Chiều hôm đó Thượng Sĩ Châu hỏi tôi:
“Đây cách Đà Nẵng bao xa?”.
“Khoảng trăm mấy, hai trăm hải lý.”, tôi nói.
Thế là ông tuyên bố ai muốn cùng đi với ông ta về Đà Nẵng thì đi, nếu không ông sẽ đi một mình! Đoạn ông đẩy những anh bị thương trên bè xuống biển. Thế rồi chúng tôi lại phải thất công lần lượt kéo từng người lên. Thượng Sĩ Châu đã mất trí!!
Ban ngày nhìn thấy chim hải âu bay qua lượn lại, chúng tôi cứ hy vọng gần đây sẽ có đảo. Nhưng nhìn dáo dác, biển cả vẫn hoàn toàn biển cả. Kẹo và nước ngọt đều dùng cạn. Anh em bắt buộc phải dùng những lon không đã hết nước, pha nước tiểu với nước biển để uống. Lúc bấy gìờ không ai để ý đến đói, nhưng cơn khát hoành hành cảm thấy thấm thía. Đêm đó ai nấy đều mệt nhừ, đến nỗi các giây cột các bè lại với nhau đứt hồi nào không hay.
Sáng hôm nay, ngày 22 tháng Giêng, tỉnh dậy tôi không còn thấy một bè nào cột bên cạnh bè mình. Nhìn về trước, một bè trôi khá xa. Ngó về phía phải cũng thấy một bè, nhưng cố gắng chèo mãi mà không sao tới nổi. Dần dần những bè đó khuất dần ngoài tầm mắt của tôi Trưa rồi lại chiều. Chân tôi giờ này sưng thủng, không sao cử động được, miệng cứ tự động thều thào hai tiếng “khát quá … khát quá”. Mắt, miệng đã sưng vù lên. Th/úy Mai đã nói lâm râm:
“Ch/úy Ngưu chắc không qua khỏi đêm nay.”
Tai tôi vẫn nghe thấy những tiếng đó, đầu óc tôi cũng biết rằng mình không thể nào thoát khỏi tử thần trong đêm nay – có lẽ giờ này hạm trưởng đang cứu xét mình có đủ điều kiện đi tàu lặn HQ10 chăng?
Chiều hôm đó, khoảng sáu giờ, anh em chuẩn bị ôm lấy nhau để qua đêm rét buốt. Thình lình HSCK Hòa thét lên: “Có tàu!”
“Ôi ! tàu đâu, tàu đâu?”
Một cứu tinh hiện trước mặt. Lúc đó tự dưng tôi bật đứng lên trên bè được, tay gỡ áo phao đỏ mà phất. Tôi hy vọng họ sẽ phát giác ra mình, dù rằng chiếc tàu cứu tinh còn cách bè mấy hải lý.
“Phải rồi ! Chúng ta đã sống, tàu đang ngừng!”
“Có lẽ họ đã phát hiện chúng ta, anh em cố chèo về hướng tàu nhanh lên, nếu đêm tối họ sẽ không nhìn thấy để cứt vớt ta, la lớn lên anh em.”
“Một hai ba… Ô!” “Một hai ba… Ô!” “123…Ah!” “123… Ah!”, một mặt lo chèo, mặt khác la to lên.
“Hình như bè không tiến tới chút nào cả, và tàu họ cũng không vận chuyển!”
“Anh em ơi, nhẩy xuống bơi!”
Nhưng hơi sức đâu mà bơi nữa. Nhất là vùng này đầy cá mập, nay thuốc chống cá mập lại không còn. “Ô kìa! Tàu quay đi đâu? Thôi chết rồi, hết hy vọng rồi, cố lên anh em!”
Hy vọng xen lẫn thất vọng. Màn đêm đang dần dà bao phủ thì bỗng xa kia ánh sáng đèn tàu rực lên. Ôi chao! Trông chiếc tàu dễ thương biết bao! Sau đó một ánh đèn pha rọi sáng và từ từ di chuyển.
“À! Họ đã thả dzu dzu ra để vớt chúng ta. Sao họ chạy đường kia?”
“Có lẽ họ đang vớt đồng đội mình. Kìa, họ tới mình, la lên cho họ biết anh em!”
“Ah! Oh! Help us sir, please help us.”
“Okey, take it easy, be careful. Are there any wounded?”
“Yes sir, most of us are wounded.”
“All right …”
Chiếc dzu dzu từ từ cặp sát bè và đưa chúng tôi lên. Dzu dzu chạy một cách chậm chạp về tàu. Trên dzu dzu ngoài một nhân viên lái, và hai nhân viên phụ tá còn có vị thuyền phó người Hòa Lan, tay cầm một máy truyền tin đang liên lạc với thuyền trưởng. Chiếc dzu dzu cặp sát vào tàu. Trên tàu, các thủy thủ người Hồng Kông đang thả dây xuống, móc vào dzu dzu. Thế rồi dzu dzu được nhẹ nhàng kéo lên. Khi thành của dzu dzu ngang với boong tàu, một cầu thang bật ra, lần lượt cứ hai nhân viên lại dìu một người chúng tôi lên tàu.
Họ đưa chúng tôi vào một phòng ngủ, cởi tất cả quần áo ướt ra, đắp cho mỗi người một tấm chăn, rồi cho chúng tôi luân phiên đi tắm rửa bằng nước ấm. Cùng lúc đó họ đem cho chúng tôi sữa tươi, cà phê, soup, thuốc lá. Sau đó thuyền phó hỏi tôi là hình như trong nhóm có một lieutenant. Tôi đáp lại rằng chỉ có Lieutenant Junior Grade (tức là trung úy) và chỉ Tr/úy Thì. Ông đưa Tr/úy Thì đi tắm rửa và lên phòng ông để liên lạc với Hải Quân Việt Nam.
Chúng tôi đã thật sự sống lại. Ngay khi đó đồng hồ tôi chỉ đúng 12 giờ khuya, tôi hô to lên với anh em:
“Chúng ta đang qua đêm giao thừa trên chiếc tàu Hòa Lan Kopionella, vị ân nhân của chúng ta!”…
Ghi chú: Th/úy Nguyễn đông Mai là một sĩ quan hiện dịch, xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, trước khi xảy ra trận chiến anh đã có nghị định và sắp đến ngày đeo lon Trung Úy; sau khi trở về, Tr/úy Mai được đặc cách thăng cấp lên chức Đại Úy.
Tác giả: HQ Th/úy HHTT Tất Ngưu HQ10
Bổ túc chi tiết: HQ Th/úy HHTT Nguyễn văn Kết HQ11
Sửa kỹ thuật: HQ Th/úy K25NT Lê văn Kim
Giới thiệu và đánh máy: HQ Th/úy HHTT Phó thịnh Đường
Yêu cầu: Tất cả bạn hữu và chiến hữu Khóa 25 SQ/HQNT và IOCS
https://dongsongcu.wordpress.com/2018/01/16/tran-hai-chien-hoang-sa-duoi-mat-mot-nguoi-con-song-sot/
Bài Thơ Cho Hải Ðảo Hờn Căm – Phạm Lê Phan
Lời biển gọi cuối năm
Hờn căm trừng mắt lửa
Hỡi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa …
Mẹ đứng mũi Sơn Chà
Gửi hồn ra Ðông Hải
Ðảo nổi giận nên biển cuồn sống dậy
Ôi, đất nước ông cha: tay đứt lòng đau
Súng thét khơi xa, sao lửa đốt trong đầu
Lòng mẹ bời bời: ruột mềm máu chảy
Mắt mẹ trông vời, triền môi run rẩy:
Hỡi Hoàng Sa, hỡi các cháu con ta?
Con cháu mẹ
Năm mươi đứa làm anh hùng của bể
Năm mươi con thành dũng sĩ Trường Sơn
Bốn ngàn năm mài nhọn mũi căm hờn
Phóng mắt hận, nghiến răng ghìm giặc Bắc.
Cờ Nương Tử phất bay hồn xâm lược
Gươm Mê Linh thét máu nhuộm đầu voi
“Trèo lên đỉnh núi mà coi
Dáng Bà quản tượng trăng soi ngời ngời”.
Cửu Chân hề, Cửu Chân ơi!
Gót nhi nữ ra khơi
Ðạp tan luồng sóng dữ
Chém cá tràng kình, rạng danh liệt nữ
Dũng khí Nhụy Kiều gục mặt Bắc quân!
Ngậm mối thù truyền kiếp mấy ngàn năm
Con cháu mẹ từng nhọc nhằn u uất
Ðắm biển mò châu phơi rừng tìm ngọc
Nanh vuốt sài lang nào kể gái hay trai
Máu mỡ no nê muông thú một bầy
Loài đỉa Hán vốn cuồng say máu Việt
Nước độc rừng thiêng một đi là một chết
Vạn người đi, không một bóng ma về
Gia Ðịnh, chiều 30 Tết Giáp Dần (22-01-1974)
https://ngoclinhvugia.wordpress.com/2014/01/17/bai-cho-hai-dao-hon-cam-tho-pham-le-phan-22-1-1974/
Hoàng Sa – Vô Danh
Xin kể thêm tôi
Thành mười chín triệu một người
Trái tim tôi đập về trong nớ
Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi
Hoàng sa, Hoàng sa!
Cái tên nghe buồn như thở ban sơ
Đối với tôi đã là da thịt
Dẫu chỉ là một mảng san hô
Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa
Trang sử cũ còn hằn dấu ngựa
Từ thảo nguyên xa, từ biên ải lửa
Khói tràn về đen thẫm những ước mơ
Đếm biết bao nhiêu người vợ đợi chờ
Em ơi, trên từng trang sử nhỏ
Xin kể thêm tôi
Thành mười chín triệu một người
Thành viên gạch hồng tươi
Làm bức tường thành ngăn triền sóng dữ
Làm chiếc vò đựng mùa Xuân ngọt lự
Giữ không rơi một gịot mật nào
Mỗi giọt ra đi chính giọt máu đào
Từ cuộc đời cha ông nhỏ xuống
Người bạn Hải Quân Miền Nam ơi
Trân đảo mù sương hôm đó có tay anh cầm súng
Từ những hạm tầu rẽ sóng đại dương
Tôi thấy pháo anh dương nòng sừng sững
Cuộc chiến kết thúc dù bi thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi góp phát súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm dần giữa sóng
Đáy biển âm thần ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng tổ quốc ta
Xin cho thơ tôi làm thảm sóng ngân nga
Ru giấc ngủ những chàng trai dũng cảm
Tiếng cười ngày nào còn ran trong nắng
Đôi mắt ngày nào đọng mắt người thương
Tôi biết mùa xuân chưa đến bao giờ
Ngực đảo còn đau ngàn bàn chân lạ
Hoàng Sa, xa vời ơi Hoàng Sa!
Tên người ngân buồn như bản Thánh Ca
Tên Con Là HOÀNG SA – Cát Vàng
Hướng về phía Tây, biển xa tít tắp,
Từng đàn hải âu bay về chốn sương mây
Ráng dương đỏ chìm dần trong vô tận
Gió bùng lên lùa sóng vỗ miên man
Con khẽ hỏi tại sao kia bố
Đặt tên con là Trần thị Hoàng Sa???
Mỗi độ Xuân sang, bố lại dẫn con ra biển
Để kỷ niệm ngày sinh nhật của con
“Bé con ” ạ, con ghi lời bố nhé
Đời bố sẽ thừa nếu thiếu biển, thiếú con
Ba mươi năm chĩu nặng mối ưu hờn
Con đã đem lại cho bố vạn niềm an ủi
Con làm bố nhớ những chàng trai trẻ
Dâng tuổi thanh xuân phục vụ dưới cờ
Nhớ biển trời xanh phấp phới ánh vàng son
Niềm kiêu hãnh là cháu con Trần Quốc Tuấn
Con làm bố nhớ quãng đời hồ hải
Giãi nắng tuần dương gìn giữ đất ông cha
Nhớ trứng chim, phốt phát Hoàng Sa
Nhớ những giọt mồ hôi dựng bia trấn đảo
Ngày hôm ấy, giặc lén cắm cờ đỏ đảo
Quân ta tràn lên dựng lại ngọn cờ vàng
Ghì súng gươm hùng khí ngất trời xanh
Giặc nổ súng, bãi cát vàng nhuốm máu
Hải pháo ta nổ dòn công kích địch
Trực xạ đài chỉ huy, tướng Tầu nát xác
Lưới đạn giăng vây quân thù truyền kiếp
Tầu giặc chìm dần, sôi sục Biển Đông
Ngày hôm ấy cũng là ngày định mệnh
Thuỷ thủ đoàn cùng Hạm Trưởng Nguỵ Thà
Chìm theo tầu bảo vệ đảo thiêng
Cột mốc muôn năm mang hồn Nhâït Tảơ*
Sinh nhật của con, hãy đơm hoa hy vọng
Thế hệ đồng vai con gánh vác non sông
Xiết chặt mối keo sơn, kết đoàn dân tộc
Đuổi sạch quân thù , giành lại giang sơn
Con của Bố là bia chủ quyền sống
Của mẹ con và các chú bác con
Ngày mai kia giành lại đảo Cát Vàng
Con sẽ là người mang hoa dâng Đảo
San Diego, Đông 2003
http://www.hqvnch.net/default.asp?id=54&lstid=5
Người về từ đại dương – Nguyễn Việt Kim
LTS: Bài này được viết theo lời kể của 15 chiến sĩ Hải-quân thuộc Tuần Dương Hạm Lý-Thường-Kiệt (HQ.16) đổ bộ lên quần đảo Hoàng-Sa hôm 17-01-1974 để hạ cờ TC và dựng lại cờ của VNCH đã bị bọn TC xâm lược phá hủy. Sau trận hải chiến 19-01-1974 và khi bị phi cơ, các chiến sĩ này bị mất liên lạc với chiến hạm, do đó 15 chiến sĩ Hải-quân thuộc TDH. Lý-Thường-Kiệt đã rút ra khỏi đảo bằng bè cao su. Sau 10 ngày lênh đênh đói khát trên biển cả, 15 chiến sĩ này được ngư dân cứu thoát đưa về Quân Y Viện Qui-Nhơn, tuy nhiên có một người kiệt sức và hy sinh, 14 người còn lại trong tình trạng sức khỏe khả quan.
Lệnh đổ bộ lên đão
Ngày 17-01-1974, chúng tôi được lệnh đổ bộ lên quần đảo Hoàng-Sa với một nhiệm vụ rất ư là đặc biệt. Tâm trạng chúng tôi lúc này 15 người thật háo hức, không một ai lo sợ gì hết, mặc dù biết rằng đổ bộ lên đảo chắc chắn sẽ gặp trở ngại lớn, vì hiện tại trên đảo đã có một số quân Trung Cộng lén đóng trên đó. Đây chính là một thử thách tinh thần to lớn, và chúng tôi biết rằng cuộc chạm trán này thật quan trọng, không những chỉ ảnh hưởng đến Quân Chủng Hải Quân mà còn cho cả 19 triệu dân Miền Nam ngàn đời không biết khuất phục. Bởi vậy, chúng tôi hết sức hâm hở, mặc dù biết rằng phải đối đầu với lực lượng rất hùng hậu. Đã là con cháu Hưng Đạo Vương Trần-Quốc-Tuấn, Quan-Trung, Lê-Lợi… mang giòng máu hào hùng bất khuất của tiền nhân, chúng tôi phải nối gót để tô đậm thêm cho những chiến tích lẫy lừng, Bạch-Đằng, Chương-Dương, Hàm-Tử… mồ chôn hàng vạn tinh binh Mông-Cổ. Giờ đây, thời gian đã cách xa hàng ngàn năm, nhưng chiến trường vẫn là kẻ thù xưa – Bọn Tàu đỏ xâm lược. Bởi vậy , chúng tôi háo hức, chúng tôi sôi máu, chúng tôi hãnh diện khi cầm những lá cờ Việt-Nam vàng chói cấm lên đảo để tái xác định chủ quyền VNCH trên mảnh đất xa xôi nhỏ bé nhưng đầy thân yêu này.
Cuộc đổ bộ bắt đầu, 15 đứa chúng tôi được hướng dẫn thật kỹ càng, khi gặp trường hợp giao tranh với lực lượng của bọn Trung Cộng, những lời dặn dò càng tránh gây hấn càng tốt, chỉ tự vệ khi thích đáng cũng như có chỉ thị mới được nổ súng.
Để phòng ngừa bất trắc, chúng tôi được trang bị vũ khí nhẹ, gồm súng phóng lựu, lựu đạn và súng cá nhân, máy vô tuyến và phao cá nhân.
Những chiếc bè cao su được hạ thấp xuống từ Tuần Dương Hạm Lý-Thường-Kiệt. Chúng tôi bắt đầu rời tàu. Nhìn đồng hồ lúc này là 7 giờ 45 phút. Trời cũng vừa hừng đông. Mặt trời đỏ hồng từ dưới biển khơi chui lên thật đẹp. Chúng tôi có cảm tưởng mặt trời bị nhuộm máu. Máu sẽ đổ trong đó sẽ có máu của những người trai Việt hào hùng chống xâm lăng, bảo vệ lãnh thổ yêu dấu của quê hương, và máu của bọn TC xâm lược sẽ đổ như cha ông của chúng ngày xưa trên sóng nước Bạch-Đằng, Chương-Dương, Hàm-Tử…
Sóng dập dềnh tung bọt trắng xóa, chiếc bè cao su nhấp nhô, không đầy 10 phút, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình.
Những ánh mắt nhìn nhau ngời sáng, niềm tin tất thắng trong nụ cười. Chúng tôi cùng bắt tay thề sống chết có nhau. Nếu một người hay nhiều hơn trong toán bị hy sinh thì bằng mọi giá những người còn lại sẽ ăn thua đủ cùng bọn hải khấu và cố gắng đưa thân xác trở lại với gia đình.
Trung úy L. trưởng toán kiểm qua một lượt quân số trước khi chúng tôi rời bè lên đảo. Mặt trời cao dần, ánh sáng thật rực rỡ, niềm tin chiến thắng càng bừng lên trong óc chúng tôi. Tay cầm những lá cờ phần phật trước gió, chúng tôi hăm hở bước trên đá và san hô lởm chởm. Khi đặt chân lên đảo, một vài ngư phủ (quân Trung Cộng trá hình) ra hiệu cho toán dừng lại nhưng chúng tôi vẫn bước đi và nhìn chúng bằng đôi mắt ngạo nghễ. Trung úy L trưởng toán căn dặn chúng tôi:
– Các bạn nên thận trọng, đừng bao giờ nổ súng trước.
Chúng tôi thi hành lệnh và vẫn lẫm liệt tiến bước. Một vài cọc sắt, một vài bảng gỗ có ghi chữ Tàu (do bọn TC mới đặt lên để tạo vết tích) bắt gặp, bị chúng tôi nhổ ngay, và thay vào đó là lá cờ Việt Nam. Lúc này chúng tôi cũng vừa nhận ra, ngoài chúng tôi còn có các đơn vị khác đang tiến vào như anh em Biệt Hải, các nhân viên chiến hạm bạn. Tinh thần chúng tôi lên thật cao.. Trên đường đi, toán chúng tôi bắt gặp một số ngư phủ của TC nhìn chúng tôi bằng đôi mắt cú vọ như muốn ăn tươi nuốt sống. Chúng chưa có phản ứng gì thì kệ chúng, chưa vội gì. Nếu chúng chửi bằng mồm thì mình chửi lại, tiếng chúng chúng nghe… và chúng tôi vẫn thản nhiên cắm Cờ.
Anh bạn mang máy truyền tin vẫn liên lạc đều với cấp chỉ huy ngoài chiến hạm. Cắm cờ quốc gia trên đảo, niềm hãnh diện mọc lớn trong tâm hồn chúng tôi. Thân thể của mẹ Việt-Nam phải được nguyên vẹn. Đất đai của Việt-Nam phải vẹn toàn, một tấc đất cũng không thể mất vào tay bọn TC xâm lăng. Chúng tôi như đi ngược lại thời gian, anh em luôn miệng kể chuyện tiền nhân ta đánh Tàu, nào Ô-Mã-Nhi phải lủi như chuột, Thoát-Hoan phải chui vào ống đồng mới bảo toàn được tính mạng. Hùng khí cao lên ngất trời, chúng tôi nghỉ lúc này mà được giao tranh với địch thì sướng biết mấy.
Cắm hết số cờ có sẵn, chúng tôi chờ lệnh. Lúc này, chúng tôi vừa nhận ra trên trời cao, phản lực của địch gầm thét, ngoài biển khơi, tàu của TC xuất hiện. Chúng tôi kiểm soát lại vũ khí. Đạn đã lên nòng, bây giờ dù cho quân số địch có đông đảo cỡ nào đi nữa, chúng tôi vẫn sẵn sàng nghênh chiến, ví dù 15 người chúng tôi có hy sinh, thì ít nhất cũng phải có hàng trăm tên giặc phơi thây và chắc chúng phải kiêng nể.
Thời gian lặng lẽ trôi qua, chúng tôi phải dùng lương khô tiếp tục chờ lệnh. Ngoài khơi, chiến hạm ta và chiến hạm TC cũng đang trong tư thế ghìm nhau. Chúng tôi vững bụng, nếu bọn TC không đổ quân lên đảo thì đối với bọn lính TC, ngụy trang ngư dân, thì chúng tôi cũng như các đơn vị bạn thừa sức chống trả.
Một ngày trôi qua, bình minh lại rạng rỡ, chúng tôi tiếp tục dùng lương khô và chờ lệnh. Người hạ sĩ liên lạc máy cho biết là có mấy tàu lớn của TC đổ quân lên đảo Quang Hòa. Ngoài ra, chiến hạm của ta cũng như của địch đang còn vờn nhau, chưa bên nào được lệnh nổ súng.
Giờ phút quyết liệt
Ngày 19- 01, ngày lịch sử của trận thư hùng trên đảo đã tới. Chúng tôi được tin các chiến hạm của TC xâm lược ồ ạt vây kéo, với ý định nuốt sống những chiến hạm của ta, đồng thời, chúng cho đổ bộ thêm quân lên đảo.
Khoảng 10 giờ hơn, chúng tôi nghe hải pháo nổ ầm ầm. Thật xa, chúng tôi nhận ra các chiến hạm đang nã hải pháo vào tàu địch. Tiếng súng lớn quen thuộc của chiến hạm cùng tiếng súng lạ của tàu địch khiến cả toán nôn nóng. Trung úy L ra lệnh cho chúng tôi bình tĩnh, kiểm soát lại súng đạn. Chúng tôi hồi hộp đợi chờ và tất cả đều thầm khấn vái Đức Thánh Trần phù hộ cho đoàn hậu duệ của Ngài lập lại những chiến công hiển hách ngày xưa.
Trên đảo đã có nhiều tiếng nổ, chúng tôi nhận ra vài đơn vị bạn đang giao tranh lẻ tẻ với địch và chúng tôi cũng nhận ra bọn TC đang đổ hàng chục đại đội lên đảo. Lúc này địch quân đông như kiến cỏ.. Nhiệm vụ cắm cờ của chúng tôi đã hoàn tất, chúng tôi được lệnh rút ra khỏi đảo để hải pháo của ta bắn vào những vị trí đổ quân của địch. Thời gian này thật nghiêm trọng. Không một ai lo sợ cho bản thân, mà chỉ mong sao chiến hạm toàn thắng quân thù, vì thủy thủ yêu con tàu như yêu chính bản thân mình.
Tiếng đạn vẫn nổ ầm ầm rung chuyển cả mặt biển khơi. Hai bên đang dàn trận quyết sinh tử.
Ra tới mép đảo, bè cao su chỉ còn lại một cái duy nhất. Trung úy L. cho biết cứ theo con sóng mà rút ra. Mười lăm người chỉ còn một chiếc bè quá nhỏ. Chiều dài khoảng 2 thước, chiều rộng chỉ 1 thước
mà thôi. Một số người bơi giỏi thì bám theo bè, còn những người khác ngồi trên bè, súng cầm tay, phòng ngừa bất trắc.
Chúng tôi đi dưới làn mưa đạn của bọn TC, một vài anh em cũng đã phóng lên mấy quả M.79 khi thấy bọn TC lấp ló. Chiếc bè xa dần bờ. Đột nhiên Trung úy L. la lớn khi ông vừa thấy một cột lửa khổng lồ trên biển khơi. Mọi người hồi hộp nhìn bóng dáng con tàu đang bị cháy. Lúc này 30 con mắt chúng tôi đều mở thật lớn, 15 trái tim hầu như ngừng đập. Rồi 15 khuôn mặt rang rỡ sáng ngời. Con tàu đang bốc cháy màu đen, đó là con tàu của bọn TC xâm lược. Chúng tôi vỗ tay thật lớn, reo hò thật to, gào lên hết sức hết hơi mình để lấn át tiếng sóng của biển khơi như ngày xưa quân Nam đã reo hò trên Bạch-Đằng-Giang khi đánh tan tinh binh Mông Cổ.
Chiến thắng đến rực rỡ như ánh sáng đang ngập tràn biển khơi. Trung úy L. kêu nhân viên mang máy truyền tin liên lạc với vị Chỉ-huy Chiến-trường và được biết chiến công này do chiến hạm của chúng tôi tạo nên. Trung úy L. đề nghị hát một bài. Bản “Việt Nam, Việt Nam”. Tiếng hát rộn ràng trong nắng, vang vang trên một vùng biển khơi, tiếng hát đầy chân thành cảm động mà quên đi là tất cà đang phải vật lộn với gian nguy hiểm nghèo.
Trung úy L. khích lệ Tinh thần anh em. Mọi người hăng hái tay chèo.
Nắng lúc này thật gắt, bây giờ anh em mới cảm thấy khát và đói. Máy vô tuyến bị nước biển vào hư luôn. Sóng mỗi lúc một cao úp lên chiếc bè mong manh. Chúng tôi ướt như chuột lột. Tuy vậy anh em vẫn cố gắng tay chèo để vật lộn với thủy thần.
Thoát hiểm
Ngày lại ngày, trời nước vẫn mênh mông. Trời sáng rồi lại tối, tối rồi lại sáng… ban ngày chúng tôi phải chịu đựng với cái nắng cháy của mặt trời, da bị nứt nẻ, nước biển dính trên người đóng khô thành muối thật xót. Tối lại, cái lạnh cắt da đồng lõa với những cơn sóng phủ lên người làm mọi người tê dại. Không nước uống, không thức ăn và dù bây giờ có thức ăn đi nữa thì có lẽ cũng không ai ăn nổi vì đã kiệt sức.
Biển vẫn mênh mông, chúng tôi không còn đủ sức để nói với nhau một câu nào. Sáng rồi lại tối, ngày này qua ngày khác, chúng tôi tính là đã được tới ngày thứ chín. Mặt trời mọc rồi lại lặn thật bình thản, mặc 15 thân xác đang đi dần vào cỏi chết. Chúng tôi chỉ còn biết xin Thượng đế, Thánh tổ phù hộ. Đến ngày thứ 10, hầu như tất cả đều ngất đi vì quá kiệt lực. Mắt chúng tôi chẳng còn thấy gì nữa, ngay cả tiếng sóng biển cũng chẳng nghe. Thân xác đã chịu đựng quá giới hạn con người. Nắng, gió, sương lạnh, và những cơn sóng lớn cùng thiếu thực phẩm và nươc uống đã khiến chúng tôi tuyệt vọng, chờ chết.
Cho đến lúc chúng tôi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên một ghe chài của dân. Trong số 15 người, chỉ có một vài người … mở mắt được, nhưng cũng chẳng nói được lời nào, chỉ lờ đờ nhìn, tuy nhiên vẫn còn đủ tinh thần nhận định là … MÌNH CÒN SỐNG – MìNH ĐÃ SỐNG.
Khi được đưa về Quân Y Viện Qui-Nhơn, và được săn sóc thì tất cả mới đươc hồi sinh lại, và trong số 15 người chúng tôi, có một bạn đồng đội đã quá kiệt sức nên tắt thở khi về bệnh viện… đó là Cố Hạ Sĩ Nhất Quản kho Nguyễn-Văn-Duyên.
Bấy giờ nằm trong Quân Y Viện nghĩ lại, chúng tôi không khỏi rùng mình. Chúng tôi còn sống hôm nay có lẽ là nhờ Phật Trời, Thánh Tổ phù hộ, che chở cho những người con yêu của đất nước, đã chiến đấu cho sự sống còn của Tổ quốc cũng như cho chính nghĩa rạng ngời của một quốc gia nhỏ bé trước bọn TC bạo tàn xâm lược. Mười ngày lênh đênh trên biển cả với nắng cháy da, với sương lạnh cắt thịt, với những cơn sóng lớn nhồi cao cùng với 10 ngày không ăn uống mà chúng tôi vẫn còn sống quả là một phép nhiệm mầu.
January 18.2018
https://dongsongcu.wordpress.com/2018/01/18/nguoi-ve-tu-dai-duong-2/
Vui cười
Hai bà bạn lâu ngày gặp nhau . Bà này hỏi bà nọ:
– Sao ??? Dạo này đứa con gái chị thế nào rồi ?
– Mèn đéc ơi ! Tui chưa thấy ai mà sướng như nó hết, chị à ! Từ ngày đi lấy chồng tới giờ nó chẳng phải làm cái chi đụng móng tay móng chân hết chị à: sáng ngủ tới 11 giờ mới dậy, áo quần thì thằng chồng nó giặt rồi ủi rồi xếp thẳng thóm để trong tủ, cơm nước thì thằng chồng nó nấu, có bửa nó mệt trong người thì thằng chồng nó bưng vô tận trong phòng ngủ hầu hạ phục dịch, chợ búa thì thằng chồng nó đi làm dìa ghé mua! Ngày tối nó chỉ cà nhỏng lạng qua lạng lại mấy cái shopping không thôi ! Con gái tui mà, tui dặn nó hồi nó sắp lấy chồng là : “Dạy con từ thủa còn thơ. Dạy chồng từ thủa bơ vơ mới dìa” . Nó nghe lời tui nên bây giờ nó mới sướng như vậy – Thế còn thằng con trai lớn của chị thì sao?
– Nói ra thiệt là nhục nhả chị à ! Thằng con của tui, tui nuôi nó bằng cơm bằng gạo chứ có phải bằng cám heo đâu mà nó ngu còn hơn con heo nữa chị à ! Đi làm trong sở 8 tiếng dìa tới nhà là nó xăn tay áo xắn ống quần ra làm tất cả công việc nhà : từ nấu cơm giặt giủ cho tới chợ búa ! Con vợ của nó, cái thứ đàn bà gì nhớt chảy thây, đụng vô việc nhà nó sợ gảy mấy cái móng tay giả của nó. Ngày tối tui chỉ thấy nó xách xe đi shopping không thôi ! Đồ cái thứ đàn bà hư, đàn bà thúi! Thằng con tui chắc đui mới rước nhằm cái thứ quỷ này dìa. Thiếu điều nó chỉ còn đóng trang thờ con vợ mắc dịch của nó nữa mà thôi!
Hai Bản Án Một Vết Nhơ – Nguyễn Ngọc Sẵng
Hai bản án được đề cập là bản án của nữ lưu Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với án tù 10 năm và bản án của tên ăn cắp Đinh La Thăng với bản án đề nghị từ 14 đến 15 năm tù.
Sáng ngày 29/6/2017, Tòa Án Nh ân Dân tỉnh Khánh Hòa mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88 BLHS, với bản án 10 năm tù.
Và lúc 7:30’ sáng nay, 30/11/2017, tòa án CSVN đã mở phiên phúc thẩm xét xử blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với thẩm phán Trần Hữu Viên là chủ tọa phiên toà. Hắn giữ nguyên án 10 năm tù cho Như Quỳnh.
Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sinh ngày 18/7/1979, là một trong những thành viên sáng lập Mạng Lưới Blogger Việt Nam.
Suốt gần mười năm qua, đảng cộng sản Việt Nam đã dùng đủ mọi hình thức từ trấn áp, cô lập, đe dọa đến tù đày nhưng vẫn không thể dập tắt tiếng nói của Mẹ Nấm -Như Quỳnh. Có thể nói Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong những công dân can đảm, gương mẫu đã đặt Tổ quốc, danh dự, trách nhiệm và tương lai của dân tộc lên trên sự an nguy, hạnh phúc của bản thân và gia đình của cô.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người tích cực chống lại tội ác hủy hoại môi trường để bảo vệ mạng sống, sức khỏe cho 90 triệu dân Việt hôm nay và cho các thế hệ con cháu mai hậu. Cô đòi công ty gang thép Formosa làm sạch lại biển, trả laị sự trong lành cho bầu trời, tranh đấu cho công ăn việc làm, đời sống ổn định cho người dân bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên miền Trung Việt Nam.
Như Quỳnh kiên cường chống Trung Cộng bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; đấu tranh đòi tự do, dân chủ, nhân quyền cho người dân; đòi công lý, công bằng cho xã hội; bảo vệ môi trường trong sạch cho đất nước là những việc làm chính đáng mà bất cứ một người dân có trách nhiệm nào cũng phải làm đối với tổ quốc và nhân dân của mình.
Một phụ nữ chân yếu tay mềm dám đứng lên chống bất công, chống sự lệ thuộc Trung Cộng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội mà nhà cầm quyền Hà Nội cúi mặt không dám thốt một lời. Trái lại họ cố gắng bày tỏ tấm lòng khuyển mã trung thành với chủ Tàu bằng cách trấn áp, bỏ tù Như Quỳnh cùng những nhà tranh đấu khác.
Phản ứng của quần chúng sau phiên tòa:
Giáo sư Tương Lai
Thế là chúng nó y án xử “Mẹ Nấm” 10 năm tù. Cùng với sự y án của một bản án bỏ túi vô pháp, vô luân đó, chúng đã làm cho Việt Nam tự phơi bày trước thế giới là một nước xấu xí, tự cô lập mình.
Bà Đặc ủy Nhân quyền của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, Bärbel Kofler, về bản án phúc thẩm dành cho nữ blogger Việt Nam nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (“Mẹ Nấm”), ông Frank Schwabe, Phát ngôn viên về Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo của Khối Dân biểu Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong Quốc hội Liên bang Đức cũng đã đưa ra một thông cáo báo chí nhận định rất chính xác về tình trạng nhiều người đã bị bắt giam tại Việt nam chỉ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Frank Schwabe, Phát ngôn viên về Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo của Khối Dân biểu đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong Quốc hội Liên Bang Đức, tuyên bố:
“Tại Việt Nam những nhà phê bình Chính phủ đang bị đe dọa, sách nhiễu và bắt giữ một cách có hệ thống. Các nhà bảo vệ nhân quyền và những blogger đang đặc biệt bị hiểm nguy. Thí dụ mới nhất là trường hợp Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, với bút danh Mẹ Nấm, bị tòa phúc thẩm hôm qua y án 10 năm tù. Khối dân biểu Đảng SPD trong Quốc hội Liên bang Đức yêu cầu trả tự do lập tức cho bà Như Quỳnh.
Quốc Hội Âu châu ngày 14 tháng 12, 2017 thông qua Quyết nghị lên án chính quyền Việt Nam bỏ tù nhà hoạt động blogger Nguyễn Văn Hóa, giam giữ các công dân nêu ý kiến chỉ trích chính quyền, ngăn cản nghiêm trọng tự do báo chí. Các nhà lập pháp cũng lưu ý đến trường hợp blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được gọi là Mẹ Nấm.
Theo faceook Nguyễn Hoàng Vi: “Sau phiên toà, mọi người đến ủng hộ mẹ Nấm vô cùng bức xức với bản án toà tuyên 10 năm. Mọi người hô to phản đối phiên toà và bắt đầu kéo đi tuần hành trên đường phố. Được chừng 50m thì an ninh các loại áp sát, giựt điện thoại của Trịnh Kim Tiến đang livestream. Sau đó, cả đám an ninh thường phục bắt đầu chặn bắt những người chụp hình trong đoàn.
Cô Tuyet Lan Nguyen, cậu chị Quỳnh, chị Trần Thu Nguyệt, Trịnh Kim Tiến bị đánh dã man và bắt đi. Mọi người chỉ có thể kéo cô Lan lại không bị bắt đi. Anh Nguyễn Công Thanh bị bắt đi khi lao vào bảo vệ những người bị đánh.
Như Quỳnh, người được Phu nhân Tổng thống Melania Trump và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh, nhưng bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vùi dập, bỏ tù. Một hành vi phi nhân tính, phản dân chủ.
Khi nói lời sau cùng, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã gửi lời xin lỗi mẹ và hai con nhỏ. Mẹ Nấm nói: “Con xin lỗi mẹ và 2 con vì những gì con làm đã làm khiến tình mẫu tử mẹ con bị chia cắt lâu dài, nhưng con không ân hận về những gì mình đã làm. Và nếu như phải lựa chọn lại, con sẽ vẫn làm như vậy.”
Nữ blogger này nói thêm, cô sẽ tiếp tục đi con đường đã đi, đó là con đường tranh đấu cho dân sinh, dân quyền và giúp người dân vượt qua nỗi sợ hãi.
Đinh La Thăng.
Sáng 8/1/2018, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội bắt đầu mở phiên tòa sơ thẩm xét xử hai bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác trong vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Petro Vietnam và PVC, theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999. Đinh La Thăng ở trong mức án đề nghị từ 14 đến 15 năm tù.
Diễn biến sự việc
Chiều ngày 8/12, Thường vụ Quốc Hội họp phiên bất thường ra quyết định bãi miễn tư cách đại biểu, tước quyền bất khả xâm phạm thân thể và quyền miễn trừ khởi tố bắt giam của ông Đinh La Thăng.
17giờ19 phút, ngày 8/12/2017, báo VnExpress.net, tờ báo đầu tiên đưa tin Quốc Hội họp bất thường bãi miễn tư cách đại biểu của ông Đinh La Thăng, Bộ Chính Trị đình chỉ sinh hoạt đảng và sinh hoạt cấp ủy trung ương. Ngay sau đó, Bộ Công An phát lệnh khởi tố bắt tạm giam.
18giờ 45 phút, chiếc xe định mệnh 7 chỗ ngồi, biển xanh của cảnh sát xuất hiện, đi thẳng vào khu chung cư khu đô thị Sông Đà, nơi ở của gia đình ông Đinh La Thăng. 30 phút sau, cổng vào khu vực sân chung cư đóng hoàn toàn, đèn tắt, chỉ còn công an là những bóng người xuất hiện tại khu vực. Lệnh bắt tạm giam và khám xét tại gia đã được thực hiện chỉ sau quyết định của Quốc hội và lệnh của bộ Công an không quá một giờ. Khám và bắt kết thúc vào lúc 20h30, trong cùng ngày 8/12.
Sự việc bắt đầu từ khi Đinh La Thăng trở thành lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) giá dầu thế giới trượt từ 50 đôla lên xấp xỉ 145 đôla một thùng những năm từ 2006-2011, mỗi năm Việt Nam xuất bán khoảng 20 triệu tấn, tiền lãi ngoài hạch toán lên tới 7-9 tỷ đôla hằng năm.
“Chỉ tính trong 10 năm ông Nguyễn-Tấn-Dũng làm thủ tướng, mỗi năm Việt-Nam xuất bán 20 triệu tấn dầu thô. Với lượng dầu thô ăn cắp khoảng 30% tức là khoảng 6 triệu tấn/năm. Mỗi tấn tính rẻ 600 đô, như vậy là băng đảng ông Nguyễn-Tấn-Dũng và Đinh-La-Thăng đã ăn gọn là 10 x 6 x 600 =36 tỷ đô-la” Trịnh Xuân Thanh, thuộc hạ của Thăng, nắm được mọi thứ tiền xuất phát từ các quyết định của Đinh La Thăng, và là người chia tiền từ các khoản nộp lại từ bên dưới. Trịnh Xuân Thanh biết tất cả, nắm và chứng kiến tất cả.
Trịnh Xuân Thanh dù chưa xử thì thiên hạ cũng đã biết kết quả thế nào. Tội làm thua lỗ và thất thoát 3.300 tỷ đồng, Chuyện tham ô hàng chục tỷ vụ lừa bất động sản của Tổng công ty bất động sản Điện Lực dầu khí.
Ông Trọng ra lệnh hoàn chỉnh hồ sơ kết án ông Đinh La Thăng, việc đối chứng của ông Trịnh Xuân Thanh là không thể thiếu, nên việc bắt cóc Thanh phải làm bất cứ gía nào, dù phải hy sinh việc đối ngoại.
Ông Trọng xem đây là âm mưu biển thủ của công hay âm mưu phá hoại, làm sụp đổ chế độ.
Chính khí của bậc nữ lưu và ô danh của tên ăn cắp.
Khi nói lời sau cùng với mẹ và hai con, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã gửi lời xin lỗi mẹ và hai con nhỏ. Mẹ Nấm nói: “Con xin lỗi mẹ và 2 con vì những gì con làm đã làm khiến tình mẫu tử mẹ con bị chia cắt lâu dài, nhưng con không ân hận về những gì mình đã làm. Và nếu như phải lựa chọn lại, con sẽ vẫn làm như vậy.”
Nữ blogger này nói thêm, cô sẽ tiếp tục đi con đường đã đi, đó là con đường tranh đấu cho dân sinh, dân quyền và giúp người dân vượt qua nỗi sợ hãi.
Lời nói đầy chính khí của người yêu nước, cô đặt việc nước trên tình nhà. Thật đáng khâm phục thay bậc nữ lưu thời đại.
Ngược lại Đinh La Thăng, nguyên lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), kẻ mang thân phận vá áo túi cơm, tên ăn cắp đã trình bày trước tòa một số điểm về gia cảnh của ông và tình trạng sức khỏe cá nhân để ăn mày ân huệ:
”Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh, không phải đến bây giờ ra tòa mới nói mà ngay từ năm 2006, Ban bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Trung ương đã cấp thuốc hàng ngày,” VietnamNet dẫn lời bị cáo nguyên là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.
Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng van xin với Hội đồng Xét xử cho được ‘chết tại nhà trong vòng tay người thân’ vì không muốn làm ‘đám ma tù’, trong khi cựu Phó Chủ tịch Tỉnh Hậu Giang, ông Trịnh Xuân Thanh ‘bật khóc’ ngay tại tòa trước khi phát biểu tự bào chữa, theo truyền thông Việt Nam”. (BBC, 14/1/2018). Cái hèn của Thăng và Thanh bộc lộ làm thăng hoa sự dũng cảm của nữ lưu Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Cô Như Quỳnh sau khi bị kết án, được đồng bào trong và ngoài nước, những vị thức giả, các tổ chức nhân quyền, những nhân vật danh giá đồng lên tiếng thương xót cho người tranh đấu, phản đối phiên toà bất công, vi luật, chia xẻ những bất công, bất hạnh mà cô sẽ chịu đựng. Ngược lại, Đinh La Thăng ra toà, dù chưa chính thức nhận bản án, không tổ chức quốc tế nào bên vực, kêu oan, ngược lại cộng đồng Người Việt tỏ vẻ vui mừng vì tên cắp cuối cùng sẽ đền tôi.
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và cái gọi là hệ thống tư pháp Việt Nam đã một lần nữa tự trét thêm vào mặt mình vết nhơ khi kết án 10 năm tù một phụ nữ can đảm tranh đấu cho quyền làm người, bảo vệ lãnh thổ trước hành động xâm lấn của Tàu. Trong khi đó Đinh La Thăng, tên hèn nhát, tên tội đồ hủy hoại nền kinh tế, làm trì trệ sự phát triển quốc gia, có nguy cơ làm sụp đổ chế độ mà chỉ thọ hình có 15 năm tù. Họ tự phô bày là bọn tay sai bán nước ra công khuyển mã đàn áp đồng bào để tỏ lòng trung thành với chủ. Lịch sử sẽ mãi mãi ghi vết nhơ khó rửa của người cộng sản.
Vui cười
Một nhà sư và một cao bồi chơi golf với nhau, mỗi lần đánh trượt, tay cao bồi lại chửi thề. Ông sư tức lắm, mấy lần nhắc nhở mà hắn vẫn quen miệng, cuối cùng ông quở hắn: – Anh mà còn chửi thề nữa là Ngọc hoàng sẽ giáng sét vào anh đấy!
Ở gậy sau, tay cao bồi chưa dứt tiếng chửi thì một tiếng sét vang lên… Ông sư lăn ra chết. Trên trời vọng xuống tiếng lẩm bẩm: – Mẹ kiếp, lại đánh trượt rồi!
Một buổi sáng đầu năm, một người nông dân ở làng nọ gặp cha xứ đang đi trên đường.
– Chào cha ạ! – Người nông dân lễ phép.
– Chào đứa con của quỷ sa tăng – Cha xứ trả lời.
– Thưa cha, xin cha ban phước lành cho con, vì đêm qua con mơ thấy….
– Tôi không quan tâm tới những giấc mơ của kẻ khác – Cha xứ ngắt lời.
– Dạ, nhưng con mơ thấy những điều về cha.
– Thật vậy sao! Thế anh kể đi.
– Thưa cha, con mơ thấy con chết và đang đi lên thiên đàng.
– Lên thiên đàng? – Cha xứ kêu lên – Anh không bao giờ lên thiên đàng được vì anh có đi lễ nhà thờ đâu.
– Lạy cha, thật ạ, con được lên thiên đàng. Con thấy một cái thang rất dài và một thiên thần đứng dưới chân cầu thang. Thiên thần đưa cho con một cục phấn rất to, rồi bảo con: ” Mỗi bước lên cầu thang, phải đánh một chữ thập. Mỗi dấu thập ấy là tội lỗi mà con đã phạm phải ở trần gian. Khi nào thấy hết tội thì mới thôi làm dấu và cứ thế tiếp tục đi lên”. Sau khi con đã đánh rất nhiều dấu và leo lên khá xa thì con trông thấy một người đàn ông đang đi xuống. Con rất ngạc nhiên, vì người ấy chính là… cha.
– Là tôi? Tại sao tôi lại đang ở đấy?
– Thưa cha, đấy là điều mà con ngạc nhiên. Con đã hỏi cha và cha trả lời: “Tao xuống xin thêm phấn”.
Lối Thoát Cho Việt Nam – Bất Tuân Dân Sự – Mai Thanh Truyết
Theo định nghĩa thông thường, Bất tuân (Disobedience) là sự từ chối hay phủ nhận, hay không vâng lời (một mệnh lệnh nào đó). Còn Bất tuân dân sự (civil disobedience) là từ chối tuân thủ các luật lệ do chính phủ áp đặt và gián tiếp buộc họ phải làm hoặc thay đổi (một chính sách hay luật lệ gì đó). Một thí dụ cụ thể trong đại học là Hội sinh viên của trường có thể thực hiện bất tuân dân sự để gây áp lực với Hội đồng Khoa để đòi thay đổi học phí hay chính sách thi cử v.v…
Người hệ thống hóa chính sách bất bạo động: Gene Sharp
Gene Sharp (sinh ngày 21 tháng 1 năm 1928) là người sáng lập Viện Albert Einstein, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu hành động bất bạo động và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Massachusetts Dartmouth. Ông được biết đến với nhiều bài viết về cuộc đấu tranh bất bạo động, đã ảnh hưởng đến rất nhiều phong trào phản kháng của chính phủ trên toàn thế giới. Các nguồn tin không chính thức cho rằng Sharp đã được đề cử giải Nobel Hoà bình năm 2015 và trước đó đã được đề cử ba lần trong năm 2009, 2012 và 2013. Năm 2011, ông được trao Giải thưởng Giáo dục Hòa bình El-Hibri (El-Hibri Peace Education). Năm 2012, ông được nhận giải Right Livelihood Award, cũng như giải thưởng về “Dân chủ xuất sắc Trọn đời” (Distinguished Lifetime Democracy Award).
Ông đã soạn thảo và hệ thống hóa cung cách bất bạo động bằng cách tiếp cận các cuộc kháng chiến dân sự bất bạo động dựa trên các bài học của Gandhi, Luther King, Havel và nhiều người khác. Lý thuyết về quyền lực của Sharp nhấn mạnh rằng chủ nghĩa độc đoán đặt căn bản trên sự vâng lời của dân chúng và sự hợp tác của các cá nhân với những người cầm quyền. Quan niệm rốt ráo của ông là sự chống đối bất bạo động có thể lật đổ quyền lực chính trị và tinh thần của một chế độ độc tài.
Bản tóm lược của ông về 198 Phương pháp Hành động Bất bạo động (Nonviolent Action) trình bày một loạt các kỹ thuật:
Tẩy chay, đình công, tọa kháng (sit-ins);
Ngăn chặn và làm chậm lại (blockades and slowdowns);
Phân phối tờ rơi (leaflets) và các buổi nói chuyện công cộng.
Tất cả điều trên, bất cứ một công dân nào cũng có thể dùng để từ chối một quyền lực bất hợp pháp của chế độ độc tài. Một khi kết hợp được với các hình thức phản kháng truyền thống nói trên người dân có thể gây ra áp lực to lớn cho các nhà độc tài tùy theo từng giai đoạn.
Một khi nhận thức về tính bất khả chiến bại của chính sách bất bạo động qua hình thức “chấm dứt sự vâng lời” (đối với chế độ CSBV), sẽ đưa tới sự tan rã của chế độ một cách nhanh chóng.
198 Phương cách Bất tuân của Gene Sharp
Ông đã phân chia nhiều loại bất tuân, trong đó từ phương cách 193 đến 198 được Ông xếp vào loại “Can thiệp chính trị” (political intervention) như sau:
• 193. Sự quá tải của các hệ thống hành chính;
• 194. Tiết lộ danh tính của các điệp viên bí mật;
195. Tìm cách giam cầm các nhà độc tài (seeking imprisonment);
196. Sự bất tuân dân sự;
197. Làm việc mà không cần cộng tác với chính quyền độc tài;
198. Thiết lập Chủ quyền kép (Dual sovereignty) và thành lập Chính phủ Song hành.
Không nghi ngờ gì nữa, vẫn còn một số lượng lớn các phương pháp bổ túc đã được sử dụng nhưng chưa được phân loại, và sẽ có nhiều phương pháp bổ túc khác sẽ được khơi sáng trong tương lai có đặc điểm của ba loại phương pháp: a- phản đối bất bạo động và thuyết phục, b- bất hợp tác và c- can thiệp bất bạo động (non-violent protest and persuasion, non-cooperation and non-violent intervention).
Tại sao người dân vâng lời
Sharp đưa ra bảy (7) lý do khiến cho người dân “phải” nghe lời.
Thói quen: Theo thói quen, đó là lý do chính khiến mọi người không đặt câu hỏi của “thượng cấp” muốn họ làm. Sự vâng lời (theo thói quen) đã được nhen nhúm trong hầu hết các nền văn hoá (nhứt là văn hóa Việt Nam);
Nỗi sợ hãi bị trừng phạt: Đó là nỗi sợ hãi của các hình thức trừng phạt, chứ không phải chính sự hình phạt; điều đó có hiệu quả nhất trong việc áp đặt sự vâng lời;
Nghĩa vụ đạo đức: “Sự hạn chế nội lực” (inner constraining power) là sản phẩm của chương trình văn hoá và giáo dục nhồi sọ có chủ ý do chính quyền độc tài qua tôn giáo và truyền thông theo chế độ;
Lợi ích cá nhân: Khả năng có được lợi ích về uy tín và tài chánh được nâng cao, có thể thu hút nhiều người tuân theo để hưởng lợi ích kể trên;
Nhận diện tâm lý với người cai trị: Mọi người có thể cảm thấy có mối liên hệ cảm tính và có cảm tình với người lãnh đạo hoặc hệ thống lãnh đạo. Các biểu hiện phổ biến nhất của điều này là cung cách biện minh bằng lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc;
Các trí não không ý thức: Mọi người thường tuân theo lệnh mà không có ý thức để đặt câu hỏi về tính hợp pháp của một chính thể độc tài;
Sự vắng bóng của niềm tự tin: Một số người thích “chuyển” sự kiểm soát cuộc sống của họ cho lớp cầm quyền, vì họ không đủ tự tin để tự quyết định.
Làm thế nào để lật đổ độc tài?
Hai nhà giáo Srdja Popovic và Slobodan Djinovic, lãnh đạo Otpor, một phong trào học sinh ở Serbia đã từng nổi lên để lật đổ Tổng thống độc tài Slobodan Milosevic năm 2000. Sau đó, họ giúp đỡ các phong trào dân chủ thành công ở Gruzia và Ukraine. Tiếp theo, hai người thành lập Trung tâm Ứng dụng Chính sách và Hành động Bất bạo động (Center for Applied Nonviolent Action and Strategies – Canvas) và đã đi khắp thế giới, đào tạo các nhà hoạt động dân chủ từ 46 quốc gia theo phương pháp của Otpor.
Hai nhà giáo Serbia trên bắt đầu với những khái niệm của học giả người Mỹ Gene Sharp về phong trào bất bạo động. Nhưng họ đã tinh chế và thêm vào những ý tưởng. Popovic kể lại sách lược của Canvas và cách mọi người sử dụng chúng như thế nào trong một cuốn sách mới “Bản Thiết kế cho Cách mạng” (Blueprint for Revolution).
Huyền thoại: Bất bạo động là đồng nghĩa với tính thụ động. Không đúng.
Cuộc đấu tranh bất bạo động là một sách lược buộc một nhà độc tài phải trả lại (cede) quyền lực bằng cách tách rời ông ta rời khỏi các tay chân trụ cột của ông ta;
Huyền thoại: Những phong trào bất bạo động thành công nhất nảy sinh và tiến triển từ sự tự phát. Không đúng. Sự chiến đấu bất bạo động là một cuộc vận động chiến lược để ép nhà độc tài phải rời khỏi quyền lực;
Huyền thoại: Chiến thuật chính của đấu tranh bất bạo động là tập trung nhiều người. Ý tưởng này phổ biến rộng rãi vì những cuộc biểu tình lớn giống như đầu của tảng băng trôi và điều quan trọng duy nhất là có thể nhìn thấy tảng băng từ xa;
Huyền thoại: Bất bạo động có thể là hình thức đạo đức cao, nhưng áp dụng hình thức nầy sẽ vô ích đối với một nhà độc tài dã man. Bất bạo động không chỉ là sự lựa chọn đạo đức; nhưng nó luôn luôn là sự lựa chọn có chiến lược;
Huyền thoại: Chính trị là chuyện kinh doanh nghiêm chỉnh.Theo triết gia James P. Sullivan, tiếng cười mạnh hơn 10 lần so với tiếng la hét. Không có gì phá vỡ sự sợ hãi của mọi người bằng cách nhạo báng lãnh đạo độc tài;
Huyền thoại: Bạn khuyến khích mọi người bằng cách vạch trần các vi phạm nhân quyền. Hầu hết mọi người không quan tâm đến nhân quyền. Người dân quan tâm và ủng hộ một người/phe đối lập với một tầm nhìn về tương lai với hứa hẹn là sẽ làm cho cuộc sống của họ tốt hơn và có nhiều phúc lợi hơn nhà cầm quyền hiện có;
Huyền thoại: Các phong trào bất bạo động đòi hỏi những nhà lãnh đạo có sức thu hút và có cách thức nói chuyện gây hứng khởi cho người nghe;
Huyền thoại: Xem cảnh sát, lực lượng an ninh và các nhóm lợi ích, đồng minh của nhà độc tài là kẻ thù. Có thể, nhưng đừng đẩy tất cả nhân sự trong những nhóm vào chân tường mà có thể đối xử trong chừng mực nào đó với những người “cảnh tỉnh”.
Trên đây là 8 bổ túc trong cuộc tranh đấu bất bạo động nằm trong chiêu thức 196 của Gene Sharp qua chiến lược “Bất tuân dân sự”. Các bổ túc nầy góp phần xóa tan bảy yếu tố khiến cho người dân bắt buộc phải “vâng lời” sau một thời gian dài bị sự áp đặt, kềm kẹp, đàn áp không khoan nhượng của độc tài.
Việt Nam, với CSBV và qua cơ chế chuyên chính vô sản, đã hội tụ đủ 7 yếu tố “vâng lời” từ đó biến cải người dân phải tùng phục…vô điều kiện. Vì vậy, người dân trong và ngoài nước cần phải chiêm nghiệm, động não nhiều hơn 8 huyền thoại kể trên để có thể xóa tan bức màn “vô minh” mà CSBV áp đặt lên mọi người dân.
Có cuộc cách mạng bất tuân dân sự ở Việt Nam hiện tại hay không?
Trong khoảng thời gian ba năm trở lại đây, ở Việt Nam có rất nhiều tai nạn “cháy” nhà máy, kho bãi chứa hóa chất, và nguyên vật liệu v.v… mà đa số nhà máy đều do người Tàu làm chủ hay của các công ty quốc doanh. Nhưng hầu hết những vụ cháy trên đều không truy tìm được hung thủ hay nguyên nhân.
Chuyện gì đã và đang xảy ra đây?
Chúng ta thử duyệt qua một số “tai nạn” điển hình trong năm 2017 sau đây:
Cảnh sát PCCC kém hiệu quả trong vụ cháy ở Cần Thơ ngày 25/3/2017?
Theo công điện, trong các ngày 23, 24 và sáng ngày 27-3, tại Khu Công nghiệp Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, đã xảy ra vụ cháy liên tiếp tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Kwong Lung – Meko, gây thiệt hại lớn về tài sản.
Dư luận đang rất quan tâm đến nguồn tin cho rằng, việc cảnh sát PCCC hoạt động kém hiệu quả khiến đám cháy tại công ty TNHH Kwong Lung – Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) kéo dài, gây thiệt hại lớn…
Đặc biệt, trên 1 tờ báo, ông Lê Thành Dũng – Phó giám đốc công ty Kwong Lung – Meko, cũng cho rằng cảnh sát PCCC chữa cháy không hiệu quả. Ông Dũng cho biết, ban đầu cháy tại xưởng may mền, tầng 5 nhưng cháy nhỏ do chữa cháy chậm dẫn đến cháy hết xưởng.
Cháy lớn ở Khu công nghiệp Hoàng Gia
(NLĐO)- Sau hơn 3 giờ chữa cháy tại khu công nghiệp tại huyện Đức Hòa, Long An, đám cháy vẫn chưa được khống chế hoàn toàn.
Trưa 16-6, trung tá Nguyễn Văn Tợn, Đội trưởng, phụ trách lực lượng chữa cháy khu vực huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) cho biết hơn 100 chiến sĩ chữa cháy cùng dân phòng, bảo vệ khu công nghiệp vẫn đang tích cực tham gia chữa cháy tại Công ty TNHH Sơn Hiệp Phát (đóng tại Khu công nghiệp Hoàng Gia, ấp Mới Hai, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa).
Theo báo cáo ban đầu, lúc 6 giờ sáng 16-6, một tiếng nổ lớn phát ra sau đó là ngọn lửa bốc lên cao cùng khói đen bao trùm cả công ty rồi lan nhanh ra khu vực. Nhận được tin báo, 10 xe chữa cháy chuyên nghiệp của tỉnh, huyện Đức Hòa và các khu công nghiệp cùng 100 cán bộ chiến sĩ có mặt hiện trường dập lửa. Do ngọn lửa cháy quá lớn nên Cảnh sát PCCC TP.HCM có mặt chi viện.
Hà Nội: Nổ, cháy tại khu công nghiệp của Bộ Công an
Sau nhiều tiếng nổ lớn liên tiếp, ngọn lửa bốc lên dữ dội, cột khói đen nghi ngút bao trùm một xưởng của Khu công nghiệp an ninh thuộc Bộ Công an. Vào khoảng 16 giờ 30 phút chiều 14-11, một vụ cháy nổ lớn đã xảy ra tại Khu công nghiệp an ninh (thuộc Bộ Công an) thuộc địa bàn xã An Khánh, huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Theo một số người dân có mặt gần hiện trường, vào thời điểm trên, sau nhiều tiếng nổ lớn liên tiếp suốt một khoảng thời gian khá dài, ngọn lửa bắt đầu bùng cháy, khói đen bao trùm cả khu công nghiệp. Cùng lúc đó, nhiều tiếng la hét của hàng chục công nhân chạy từ trong xưởng bị cháy ra ngoài. Lúc này, gió lớn khiến ngọn lửa bốc cháy càng cao.
Ngọn lửa bùng cháy lớn kèm theo cột khói đen bốc cao
Do công ty kinh doanh vật liệu dễ cháy như: hóa chất, sơn, dầu nên lửa cháy lan nhanh, nhiều lính cứu hỏa không thể tiếp cận cứu chữa mà phải phun nước từ xa để chữa cháy và phòng cháy lan.
Cháy công ty gỗ mỹ nghệ ở Bình Dương thiệt hại hàng tỷ đồng.
Sau tiếng nổ lớn từ khu chứa sơn của công ty gỗ mỹ nghệ, ngọn lửa bốc cao và nhanh chóng bao trùm hàng nghìn m2 nhà xưởng. Hỏa hoạn xảy ra vào 15:00 giờ ngày 28/11/2017, tại Công ty gỗ mỹ nghệ Nam Hải 2 (đường Lý Thường Kiệt, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, Bình Dương). Thời gian này, nhiều công nhân đang làm việc thì giật mình nghe tiếng nổ lớn ở khu xưởng. Họ chạy ra ngoài thấy lửa bốc cao ở khu vực chứa sơn của công ty. Nhiều người bỏ chạy ra ngoài thoát thân. Đội bảo vệ và một số công nhân sử dụng bình chữa cháy và phun nước dập lửa nhưng bất thành.
Khống chế đám cháy tại Bình Dương sau một đêm cháy lớn.
Nhiều thùng phuy chứa sơn và hóa chất bị lửa nổ. Đến sáng 27/4/2015, lực lượng cảnh sát PCCC tỉnh Bình Dương vẫn đang nỗ lực khống chế ngọn lửa tại kho hàng chứa sơn và hóa chất của Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vân Trúc, Bình Dương.
• 20-04-2015 Thái Bình: Cháy lớn tại cửa hàng xăng dầu, 1 người tử vong
• 01-04-2015 Cháy lớn tại xưởng sản xuất nệm mút ở Thành phố Hồ Chí Minh
• 07-03-2015 Cháy lớn tại Công ty Việt Nam SamHo
Công ty dệt may Thành Công ở Sài Gòn cháy ngùn ngụt
Chia sẻ với phóng viên NDH, ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT của TCM cho biết kho bãi bị cháy không gây thiệt hại về người, còn thiệt hại về tài sản không lớn. Công ty cũng đã có bảo hiểm 100%. Theo đại diện của TCM, số vải trong kho bị cháy khoảng vài trăm nghìn mét vải. Giá trị ước tính khoảng 1,4-1,5 triệu USD. Được biết, đây chỉ một trong các kho vải của Dệt May Thành Công. Đám cháy xảy ra tại kho vải mộc này có thể ảnh hưởng tới một số đơn hàng xuất sang Nhật Bản sắp tới của Công ty.
Qua bao nhiêu đám cháy xảy ra từ Bắc chí Nam nhưng không tìm ra thủ phạm. Hiện tượng nầy cho thấy tính bất ổn định trong xã hội “xã hội chủ nghĩa” ngày hôm nay. Với hàng triệu công an, hàng bao nhiêu “công dân áo đỏ”, đủ loại cảnh sát bảo vệ (hay kiểm soát) mọi sinh hoạt của từng người dân trên toàn lãnh thổ … nhưng không có khả năng điều tra chỉ một tai nạn “cháy”.
KHU LƯU NIỆM LÊ DUẨN BỊ CHÁY RỤI
Vào đêm ngày 6 tháng 12 năm 2017, nhà lưu niệm Lê Duẩn mới được khánh thành vào tháng 8 năm nay bị cháy rụi. Được biết căn nhà này là để tưởng niệm lãnh đạo chính quyền Hà Nội, cố TBT Lê Duẩn. Theo tìn tức từ xã Nhơn Hòa Lập, vào khoảng đêm ngày 6 tháng 12, bà con địa phương thấy lửa bốc cháy ngùn ngụt trong khu di tích kháng chiến Nam Bộ. Khu di tích được đầu tư 130 tỷ và hoàn thành vào mùa hè năm 2017. Khu di tích được Nguyên Chủ tịch nước CS Trương Tấn Sang khánh thành vào ngày 19 tháng 8 năm 2017 tọa lạc tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Công trình có diện tích gần 3ha. Do đêm khuya, gió thổi mạnh, nên gần 20 phút sau đám cháy thiêu rụi toàn bộ căn nhà ông Lê Duẩn. Hiện chính quyền Hà Nội đang gắt gao điều tra ai đã đốt nhà lưu niệm Lê Duẩn.
Vì vậy, nhìn chung những “vụ cháy” trên có thể được xem như không phải là “tai nạn” mà đã xảy ra có “chủ ý”.
Nếu đúng như vậy thì đó là “chủ ý” của ai?
Phải chăng “hiện tượng bất lực” trong việc chữa cháy của nhân viên phòng cháy và chữa cháy có thể là một chỉ dấu cho thấy một hành động bất tuân dân sự…kín đáo?
Phải chăng các sự kiện trên chính là sự biểu lộ của một thái độ và hành động bất tuân dân sự trong lòng người dân sau hơn 42 năm chịu sự đàn áp, bóc lột của cường quyền, một hình thức độc tài “tập thể”?
Thay lời kết
Gần đây nhứt, ngày 3/12, TT CS phải quyết định ngừng thu phí BOT ở Cai Lậy nói lên hiện tượng “bất tuân dân sự” của người dân trong nước. Ông Phạm Chí Dũng nhận định về vấn đề nầy với bài viết:”Cai Lậy và làn sóng bất tuân dân sự” như sau:
“Bất chấp chính quyền Tiền Giang và chủ đầu tư BOT Cai Lậy lập “phương án tác chiến” rất chi tiết với mũi chủ công trấn áp là hàng trăm cảnh sát cơ động và công an giao thông, bất chấp việc bị lực lượng “tay sai bảo kê” này răn đe và đàn áp, bắt bớ, cánh lái xe đã không chỉ tiếp tục yêu sách đòi BOT Cai Lậy phải hủy bỏ tình trạng “quy hoạch một nơi, thu phí nơi khác”, duy trì chiến thuật trả tiền lẻ mà còn dũng cảm đối mặt với công an, thậm chí còn tổ chức tập hợp kéo đến đồn công an đòi người khi 2 người lái xe bị công an bắt giữ”.
Ký giả Ngàn Hương cũng có phóng sự sau đó ngày 4/12 như sau:”Sau mấy ngày sôi sục khí thế tổng tấn công của nhân dân Nam Bộ, của người dân Tiền Giang, của các tài xế, và được sự cổ võ hết mình của báo chí lề đảng, nhằm đánh thẳng vào nhóm lợi ích BOT Cai Lậy (Tiền Giang), đã làm cho con quái vật này choáng váng, quằn quại và lăn lóc trong vở kịch “xả-thu xả- thu” liên tục. Nhờ các kiểu tấn công vừa trực tiếp, vừa gián tiếp liên miên và bền bỉ như vậy, đã làm cho trạm BOT này chỉ trong 4 ngày vừa qua (từ 30/11 đến 01, 02 và 03/12), đã “vỡ trận” đến 24 lần. Câu hỏi đặt ra là, ai đứng đằng sau trạm BOT Cai Lậy để ‘hà hơi tiếp sức” cho nhóm lợi ích này ‘ngóc đầu dậy,” và vùng vẫy mạnh hơn trước?”
Hai bài phóng sự tại chỗ về BOT Cai Lậy trên đây chứng minh một cách hùng hồn rằng hành động bất tuân dân sự thực sự đã được người dân Cai Lậy và ở nhiều BOT khác từ Bắc chí Nam đã hiểu và áp dụng một cách hết sức sáng tạo qua việc trả lộ phí, và cũng có nghĩa là hiện tượng trên đã đi vào lòng đại chúng.
Tại BOT Cai Lậy, lộ phí là 25.000 Đồng Việt Nam. Và họ đóng lộ phí qua trạm bằng cách trả giấy bạc 500.000 Đồng và chờ tiền thối lại; hoặc trả 2×10.000 Đồng, 4×1.000 Đồng, 1×500 Đồng và 3×200 Đồng. Tổng cộng 25.100 Đồng và người dân nhứt định chờ Trạm thu lộ phí phải thối lại 100 Đồng …mới chịu chạy qua khỏi trạm với mục đích đình trệ việc lưu thộng vì tiền thối 100 Đồng không còn lưu dụng nữa.
Qua các sự kiện kể trên và sự phân tích cuộc tranh đấu bất bạo động qua hình thức bất tuân dân sự của Gene Sharp đã nói lên một thực trạng rõ ràng của xã hội Việt Nam hiện nay:
Người dân không còn gì để sợ hãi nữa vì đã bị đẩy vào tận chân tường rồi;
Chủng tử sợ đó đã được chuyển tải qua những cán bộ, đảng viên tư bản đỏ và các nhóm lợi ích cùng tập đoàn “thực dân mới” Trung Cộng đang hiện diện trên 49 địa điểm chiến lược quan trọng từ Bắc chí Nam.
Vì vậy, người con Việt ngày nay không còn gì để mất nữa. Mỗi người trong chúng ta chỉ còn quyết tâm đứng lên áp dụng những chiêu thức trong cuộc cách mạng bất tuân dân sự nêu trên.
Về cá nhân – Mỗi người trong 95 triệu dân, chúng ta có thể làm những việc sau đây:
Để đuổi Tàu đang ngự trị trên lãnh thổ Việt Nam, chúng ta phá hoại bằng cách ĐỐT những cơ sở làm ăn của chúng, từ tiệm chạp phô, tiệm hủ tiếu, hay một nhà máy sản xuất v.v…Vì bây giờ họ rất sợ. Kinh nghiệm vụ đốt phá Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương cho thấy các chủ nhân ông Tàu đã chạy mau về Tàu rồi. Thậm chí TC cho tàu qua rước công nhân của họ ở Vũng Áng, Hà Tĩnh về Tàu nữa;
Đề diệt Việt Cộng và các nhóm lợi ích, áp dụng cùng chính sách như trên, phục kích, đốt phá bằng mọi cách các cơ ngơi được xây dựng trên xương máu của dân tộc. Trong giai đoạn “gần như tuyệt vọng” của đất nước như ngày hôm nay, phương châm “cứu cánh biện minh cho phương tiện” cần áp dụng triệt để. Vì chính cá nhân và gia đình họ cũng đã và đang chuẩn bị “hạ cánh an toàn” ở ngoại quốc.
Về các tập đoàn xã hội dân sự và đại chúng – Những đề nghị dưới đây có thể triệt tiêu và xóa tan cơ chế chuyên chính vô sản của CSBV trong hỗn loạn. Chúng ta hãy thử hình dung những hoạt cảnh sau đây:
Công nhân sở Rác ở Sai Gòn và Hà Nội ngưng hốt rác trong 2 ngày, thì hai thành phố hơn 7 triệu dân mỗi nơi cũng đủ để biến thái với trên 40.000 tấn rác phủ ngập thành phố.
Công nhân ở các công ty cung cấp nước uống, nhà máy điện, nhà máy khí đốt và xăng dầu v.v… đồng loạt đình công không đi làm việc trong một ngày mà thôi cũng đủ để biến loạn Xã hội.
Người dân buôn thúng bán bưng đình công không nhóm chợ. Chuyện gì sẽ xảy ra?
Nhân viên y tế, bác sĩ, nhà bảo sinh… ngưng không làm việc, thì sẽ ra sao?
Sinh viên và học sinh đồng loạt bãi khóa thì ngòi nổ sau cùng sẽ chấm dứt chế độ độc tài tập thể cộng sản Bắc Việt.
Ngần ấy sự việc và câu hỏi nêu trên có rất nhiều xác xuất xảy ra trong giai đọan nầy.
Chắc chắn cường quyền sẽ đàn áp dã man.
Chắc chắn máu con Rồng cháu Tiên sẽ tuôn rơi ngập tràn.
Và chắc chắn cơ chế chuyên chính vô sản sẽ bị triệt tiêu vĩnh viễn.
Sau cùng “Lối thoát cho Việt Nam” chính là Cuộc Cách Mạng Bất Tuân Dân Sự.
Hãy làm theo lời dặn dò của vua Duy Tân:”Nước dơ phải lấy máu mà rửa”.
Nhóm Chống Tàu Diệt Việt Cộng
Mùa Giáng sinh Hy vọng 2017
Vui cười
Một người đang hấp hối khẩn khoản xin được gặp người cộng sự của mình.
– Tôi chỉ còn sống được có mấy phút. Tôi muốn thú tội cùng ông. Ba năm qua tôi đã rút nhiều tiền từ ngân quỹ, và giờ đây tôi rất hối hận. Trước khi chết tôi muốn xin được tha thứ. Mong ông hiểu cho tôi.
– Tôi biết rồi, – người cộng sự trả lời. – Nhưng tại sao ông nghĩ là tôi đã đầu độc ông?
– Hôm thứ bảy tuần rồi em lại nhà chị Thủy hát Karaoke Người ta xúm lại bắt em nhứt định phải lên hát một bản. Em từ chối nhưng họ cứ nằng nặc một hai bắt em phải lên hát . Cuối cùng em đành phải chịu thua lên cầm micro ca cho họ nghe.
– Ừ cho đáng kiếp cả lũ!
Trên thềm năm 2018: Âu-châu trước sự thử thách của chủ-nghĩa quốc-gia – Nhữ Đình Hùng/18.01.2018
Âu-châu hiện nay đang đứng trước một thử thách lớn: đó là sự trỗi dậy của các phong-trào ‘dân tuý’ đặt căn-bản trên hai điểm chính là việc bảo-vệ chủ-quyền quốc-gia và việc duy-trì bản-sắc. Các phong-trào dân tuý này đã tràn đi từ Anh, xuyên qua Pháp, Đức, Áo,… và nói ngắn gọn là cả Âu-châu.
Trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4 năm 2017, đảng cực hữu Front National, mặc dù bị mọi đảng khác chống lại, đã vào được vòng hai và tuy thất bại, đã đạt được một số phiếu bầu kỷ-lục với 7,6 triệu phiếu bầu, chiếm 21,3% tổng số phiếu bầu. Trong kỳ tranh cử quốc hội sau đó, tuy không đủ số dân biểu để có thể lập ra một khối, đảng FN cũng có được 8 dân biểu!
Tại Đức, trong cuộc bầu cử quốc-hội ngày 24 tháng 9 vừa qua, đảng cực hữu của Đức đã chiếm được 12,8% phiếu bầu và đã có được 94 ghế dân-biểu. Đây là lần đầu tiên kể từ sau đệ nhị thế chiến một đảng cực hữu đạt được một kết quả như thế.
Gần đây nhất là trường -hợp nước Áo. Các kết quả cho thấy sau mười năm cầm quyền của đảng dân chủ xã-hội, phe bảo-thủ dân-chủ thiên-chúa-giáo ÖVP với Sébastian Kurz đã về đầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội với 31% và 62 ghế dân-biểu. Đảng dân-chủ xã-hội vẫn là đảng mạnh về nhì với 26% phiếu bầu và có được 52 ghế dân biểu. Điều đáng nói là đảng cực hữu tuy về ba nhưng đã bám sát đảng dân-chủ xã hội, đảng FPÖ chỉ thua đảng SPÖ có một phần trăm, đạt được 25% tổng số phiếu bầu và có 51 ghế dân biểu, so với nhiệm-kỳ trước họ đã có thêm được 11 ghế dân biểu. Nếu như đảng dân-chủ xã-hội đã không thành-công trong việc lãnh đạo nước Áo từ mười năm qua, ông Sébastian Kurz không có lý do gì để liên kết với đảng về nhì vì sẽ đương nhiên gánh chịu các hậu quả của họ để lại vì phải tiếp tục đi theo một số chánh-sách của họ trong đó có vấn đề dân nhập cư Cho nên, việc liên kết với đảng FPÖ là điều dễ hiểu vả hăng hiện nay đảng này ngang ngửa với đảng SPÖ!
Vài nét về đảng cực hữu FPÖ: được thành lập từ 1956, các thành -viên sáng-lập là cựu thành-viên quốc-xã và lúc đầu do một cựu nhân viên Waffen SS điều khiển. Đến 1983, đảng này theo hướng tự do và tham gia chánh-quyền, phe cực đoan trong đảng trở thành thiểu số; năm 1990, đảng được đặt dưới sự điều khiển của Jörg Haider, đưa ra nhiều khẩu hiệu bài ngoại!
Năm 2000, lần đầu tiên FPÖ tham gia một chánh quyền liên-kết, sau khi đạt tới 26,9% trong cuộc bầu cử quốc hội: chánh-quyền Áo bị Liên Âu lên án và có những biện pháp trừng phạt!
Từ 2005 đến 2016, Strach, một người có khuynh hướng cực đoan, tiếp tay với Haider để chấn chỉnh lại FPÖ sau khi Haider thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010. Năm 2016, Haider về hạng nhì trong cuộc tranh cử tổng thống với 46,2% trong vòng hai (Tổng thống đắc cử thuộc đảng Xanh, nhưng trong cuộc bầu cử quốc hội tháng mười 2017, đảng Xanh bị quét sạch). Tháng mười 2017, FPÖ về hạng ba trong cuộc bầu cử quốc hội, tham gia chánh-quyền liên kết với ông Strache là phó thủ tướng và sáu bộ trong tổng số 13 bộ, trong đó có ba bộ trọng yếu là quốc-phòng, nội-vụ và ngoại-giao!
Không phải chỉ có ở Áo, Đức, Pháp các phong trào cực hữu mới mạnh hơn lên. Ở các nước khác cũng vậy.
Tại Hoà Lan, “đảng vì tự do’ (PVV) của Geert Wilders, có khuynh-hướng chống hồi-giáo, từ tháng ba 2017 đã trở thành lực-lượng chánh-trị đứng hàng thứ nhì, sau đảng tự do, với 20 ghế dân biểu trong tổng số 150. Được biết đảng vì tự do chỉ mới được thành lập năm 2006!
Tại Bảo-gia-lợi (Bulgarie) cũng vậy. Trong một tập hợp mang tên ‘người yêu nước đoàn kết’, những người quốc-gia Bảo-gia-lợi đã về hàng thứ ba trong cuộc bầu cử quốc-hội hồi tháng ba 2017 và cũng tham gia chánh-quyền Bảo. Dù rằng khuynh hướng của tập-hợp là thân Liên Âu và thân OTAN, tập-hợp cho thấy tíng chống di dân , chống người Thổ-nhĩ-kỳ, người Rom và chống đồng-tính luyến ái!
Tại Ý-đại-lợi, liên-đoàn Bắc Ý (Ligue du Nord) đã trở thành một đảng có khuynh hướng chống Liên Âu và chống dân nhập cư. Trong năm 2016, đảng này đã gây khó khăn cho chánh-quyền của ông Matteo Renzi trong cuộc trưng cầu dân-ý về việc sửa đổi hiến pháp, khiến chánh-quyền này bị rớt đài!
Tại nước Slovaquie, đảng ‘Slovaquie của chúng tã (LSNS) khuynh-hướng tân quốc-xã, được thành lập từ năm 2012 và đã đạt được 14 ghế dân biểu trên tổng số 150 vào tháng ba năm 2016. Thành-quả này có được nhờ ở chủ trương chống di dân.
Tại Hi-Lạp cũng thế. Nhờ chánh sách chống di dân, đảng “bình minh rực rỡ’ (AD) đã trở thành lực lượng chánh-trị thứ ba trong nước, trong cuộc bầu cử tháng chín 2015, đảng đã đạt được 6,99% phiếu bầu và có được 18 dân-biểu. Đảng AD bác bỏ việc gán ép là tân quốc-xã, tự coi là một phong-trào quôc-gia, là người bảo-vệ nòi giống trắng!
Tại Thụy Điển (Suède), đảng Dân Chủ Thụy Điển (SD), được thành lập từ 1998, có khuynh hướng quốc-gia và chống di dân, vào tháng chín năm 2014, trong cuộc bầu cử quốc-hội, đã trở thành lực lượng chánh-trị đứng hàng thứ ba trong nước với 48 ghế dân biểu trên tổng số 349 ghế, có được 13% tổng số phiếu bầu.
Tại Hung-gia-lợi đảng Jobbik (phong trào vì một Hung-gia-lợi tốt đẹp hơn) đã trở thành lực lượng chánh-trị đứng hàng thứ nhì với 24 dân biểu. Khởi đi từ buổi đầu với các khẩu hiệu kỳ thị chủng tộc và bài Do-thái, đảng này hiện chuyển sang các khẩu hiệu chống tham nhũng, cải thiện y tế và giáo-dục. Đây là cách để kiếm phiếu vì chánh-quyền của ông Victor Orban thuộc đảng bào thủ cũng khai thác việc chống nhập cư!
Tại Bỉ, đảng Vlaams Belang chủ trương vùng Flandre độc lập đã không có được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân-dân, một số lớn các người ủng hộ đảng này gần đây đã quay sang ủng hộ cho đảng N-VA, một đảng có khuynh hướng quốc-gia.
Do đâu các phong-trào quốc-gia, cực-hữu đã có thể tăng-cường thế-lực mặc dù họ luôn luôn là mục-tiêu chính bị các đảng khác công-kích?
Theo nhà nghiên-cứu Anaïs Voy-Gillis, việc này có thể giải-thích qua ba yếu-tố: sự khủng-hoảng về tính- cách đại-diện, việc Âu-châu gặp phải một khủng-hoảng nghiêm-trọng về di-dân với một khối-lượng rất lớn người tị-nạn, gây ra phản ứng chống lại người nhập cư và hồi giáo, và chót hết công dân của các nước trong liên-âu có cảm-giác bị Liên-Âu lấy mất chủ quyền trong các lãnh-vực kinh-tế, tài-chánh…
Nhưng, nói một cách chung, tính cách bài âu và chủ-nghĩa hoài-nghi đối với Âu-châu không phải là điều chỉ có ở các đảng hay phong trào cực hữu. Trường hợp rút chân khỏi Liên-Âu của nước Anh, được biết dưới tên Brexit, là một bằng chứng và việc này cũng cho thấy tinh thần ‘quốc-gia, nhà nước, chủ quyền’ không chịu nhường bước trước tinh thần ‘siêu quốc-gia, siêu quyền lực’. Như thế, việc mong muốn biến Liên Âu thành một liên-bang hãy còn gặp rất nhiều khó khăn, điều có thể làm được chỉ là ‘một tập hợp những quốc gia có quyền lợi chung’, một hình thức ‘khối thịnh vượng chung’.
Trên thềm năm 2018, một trong những nước dẫn đường ở Âu-châu đang gặp khó khăn đó là nước Đức. Vào tháng chín năm 2017, cuộc bầu cử liên-bang đã cho phe cực hữu có được 94 dân-biểu vào quốc-hội (Bundestag) nhưng nhiều quan-sát-viên cho rằng bà Merkel sẽ thành-công trong việc thành-lập chánh-quyền liên-hiệp như đã từng làm từ trước đấn nay. Không ai bàn tới việc Đức ở trong tình-trạng không thể điều-khiển được nhưng cho tới cuối năm 2017, bà Merkel chưa thành-công trong việc thành-lập chánh-phủ liên-hiệp! Hình-thức chánh-phủ này không cho phép mang lại tính cách thay phiên để hết đảng nọ đến đảng kia cầm quyền, đem lại một thay đổi trong chánh-trường. Dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, chánh quyền Đức gồm có khối CDU-CSU như là trụ cột, liên-kết với các nhóm tự do FDP, nhóm Xanh…Các nhóm này có những ý thức hệ căn bản khác nhau do đó chánh quyền liên hiệp, để được bền vững, phải đạt tới một tổng-hợp chánh-trị được các phe chấp nhận! Điều này đã khiến nước Đức không đưa ra một chánh-sách rõ ràng. Để vừa lòng đảng Xanh, sau khi có thảm họa Fukushima ở Nhật, Đức đã quyết-định đóng cửa các trung tâm điện nguyên-tử và thay vào đó là các trung tâm nhiệt điện chạy bằng than đá và các năng lượng tái tạo (gió, năng-lượng mặt trời,…). Nếu trung tâm nguyên-tử tạo ra ô nhiễm, trung tâm nhiệt điện than đá cũng tạo ra ô nhiễm không kém. Đâu là vấn-đề bảo-vệ môi-sinh? Tuy vậy, bà Merkel không còn cách nào khác là tiếp-tục vận-động thành-lập một chánh-phủ liên-hiệp với những đảng khác, ngoại trừ phe cực hữu Những tiếp xúc với đảng SPD trong thời gian đầu tháng giêng khiến người ta nghĩ một chánh phủ liên-kết có thể được ra mắt trong những ngày sắp tới, chậm lắm là cuối tháng ba 2018. Cho đến nay, Đức vẫn được coi như là nước lãnh-đạo Liên Âu nhờ sự phát triển kinh tế và sự ổn-định chánh-trị, chính vì thế ở tại Đức vấn đề chủ-quyền quốc-gia không được đặt ra. Ngược lại, để có thể có được những công nhân không cần có tay nghề cao và chấp nhận lương bổng thấp, Đức đã sẵn sàng chấp nhận số người ‘tị nạn’ đông, điều này đã giúp phe cực hữu AfD có được hậu thuẫn của một số đông người Đức. Trong các diễn văn, đảng này hay dùng chữ “Überfremdung” hàm ý người Đức chánh gốc để chống đối lại chánh-sách di dân hiện đang áp dụng.
Trong khi đó, tại Pháp, tình hình đã khác hẳn với sự thành-công của một chánh-đảng vừa mới ra đời Đảng En Marche (Tiến bước)hiện diện chưa đầy hai năm, đã đánh bại các đảng kỳ cựu như LR, PS,PC, FN để đưa ứng cử viên của đảng, Emmanuel Macron, vào chức vụ tổng-thống và chiếm được đa số áp đảo tại Quốc-Hội để có thể thi hành các chánh-sách do tổng thống Macron đề ra mà không cần phải vận động đến các đảng khác. Tuy rằng đảng cực hữu FN có những bước tiến đáng kể,ứng cử viên tổng thống M. Le Pen của FN đã lọt vào vòng hai tranh cử tổng-thống và tuy thất bại, tỉ lệ phiếu bầu đạt được rất đáng kể, đảng này không thành công trong cuộc bầu cử quốc-hội, không có đủ số dân biểu để thành lập một khối. Dẫu sao, khuynh-hướng cực hữu ở Pháp hiện nay đã không còn là điều bị chỉ trích, cấm kị như trước đây. Đảng Insoumis của Mélenchon tuy thất bại trong cuộc tranh cử tổng thống đã có đủ số dân biểu để lập một khối trong quốc hội, đảng này có khuynh hướng cực tả. Điều này cho thấy mặc dù vấn đề chủ quyền quốc gia được đặt ra, dân chúng Pháp vẫn thiên về khuynh hướng xã hội với các ý niệm liên-đới và bình-đẳng. Với khuynh hướng tự do và thực tiễn,mức độ tín nhiệm của dân chúng với ông Macron không dao động nhiều; Với một tình trạng chánh-trị nội-bộ tương đối khá tốt, ông Macron đang có những toan tính để Pháp thay thế Đức trong việc lãnh-đạo Âu Châu.
Trong các cuộc bầu cử ở Âu-châu trong năm 2017, người ta có thể ghi nhận được ít ra hai điều: đó là việc xuất hiện của những nhân vật trẻ hấu như ít được biết đến trước đó như Sébastian Kurz ở Áo hay Macron ở Pháp. Điều này có thể được hiểu như dân chúng ở những nước này không còn tin tưởng nơi nhựng người làm chánh chánh-trị chuyên nghiệp Cuộc bầu cử quốc-hội ở Pháp cho thấy rõ điều này: tập hợp En Marche với đa số là các người chưa từng làm chánh-trị đã đánh bại các đảng có tầm vóc và có một sinh hoạt chánh trị lâu đời như liên đoàn cộng-hoà LR (hậu thân của UMP và UMP là hậu thân của RPR), đảng xã-hội PS. Việc trỗi dậy của các đảng cực hữu ở nhiều nước Âu-châu đã cho thấy có sự lớn mạnh của chủ nghĩa chủ-quyền quốc-gia cũng như khuynh hướng e dè với Âu-châu nếu không muốn nói là chống lại Âu-châu.
Thực ra, khuynh hướng e dè với Âu-châu đã có từ những năm 1980 do thái-độ của nước Anh về việc hội-nhập Âu-châu. Kế đó, hiệp định Maastricht đã gia tăng quyền hạn của Liên Âu khiến dân chúng Âu Châu có thái độ e dè với các định chế của Liên Âu. Thêm vào đó, các cuộc khủng hoảng kinh tế ở một số quốc gia thuộc Liên Âu như Hi-lạp và Tây-ban-nha với các biện pháp áp đặt của Liên Âu đối với những quốc gia này đã khiến dân chúng chẳng những ở những nước này mà còn ở khắp Liên Âu e dè, chỉ có một phần ba dân chúng là tin tưởng vào các định chế của Liên Âu.. Sự giảm thiểu tín nhiệm vào Liên Âu hay chủ nghĩa dè dặt với Âu Châu (euroscepticisme) bao gồm nhiều cảm nhận chánh-trị khác nhau, từ khuynh hướng chủ quyền quốc gia tới việc bảo vệ bản sắc quốc gia, từ việc chống di dân tới việc bảo vệ các hệ thống xã hội của quốc gia…Vấn đề chủ quyền quốc gia không còn là lãnh vực khai thác của phe cực hữu, ngay cả phe cực tả cũng khai thác việc này. Giới truyền thông đã chỉ chung việc khai thác này dưới tên gọi phong trào dân tuý. Trường hợp Ba-lan có thể được coi như một bài học điển hình. Ngày 11.11.2017, Ba-lan cử hành ngày lễ độc lập. Trong dịp này, các người tham dự các cuộc tuần hành đã hô các khẩu hiệu mang tính cách bài ngoại như ‘Ba-lan thuần khiết, Ba-lan trắng’, ”máu sạch”, ‘chúng tôi mong muốn Thượng Đế’, hát bài hát thiên-chúá-giáo nhân danh các giá -trị tây-phương ‘một Âu-châu trắng và thiên-chúa-giáo hàm ý loại bỏ ảnh hưởng hồi-giáo. Những người tổ chức cuộc tuần hành gồm nhóm quốc-gia cấp-tiến được biết dưới tên ‘ONR’ và đoàn thanh-niên Đại Ba-lan. Không riêng ở Ba-lan, ở các nước đông-âu, nhóm quốc-gia cực đoan cũng đang phát triển mạnh.
*****
Khuynh-hướng quốc-gia dân-túy không phải chỉ thấy ở Âu-châu mà còn thấy ở ngay nước Mỹ. (Làm cho nước Mỹ lớn mạnh lên’ hay ‘nước Mỹ trước đã’ là những khẩu hiệu mang tinh thần quốc-gia. Xem chừng đây là một trào lưu chung để chống lại quyền-lợi của một nhóm, một tập-đoàn. Khẩu hiệu ‘yes, we can’ dùng cho một tập hợp dân Mỹ (vâng, chúng mình có thể) trong khi khẩu hiệu ‘make Americain great again’ dùng cho toàn thể nước Mỹ và dân Mỹ. Trong diễn văn tranh cử, ông Trump đã nói “We will make America strong again. We will make America proud again. We will make America safe again. And we will make America great again“, mục tiêu của ông không phải là những điều có thể mà là nước Mỹ mạnh hơn, tự hào hơn,an toàn hơn và lớn hơn. Đó không còn là thoả mãn cá nhân ‘we can’ mà là vị thế của nước Mỹ phải vượt trội lên, đây chính là sự khích động tinh thần quốc gia.
Tại Trung -hoa, Tập Cận Bình cũng đã khích động tinh thần quốc-gia của dân Tàu và mở rộng tầm ảnh hưởng ra nước ngoài. Việt Nam, nước sát cạnh Trung Hoa và đã thành công trong quá khứ trong việc ngăn chặn bước tiến của Trung-hoa về phương nam, hiện đang là một đích nhắm của Tàu. Xong, nhà cầm quyền công-sản Việt Nam, đã vì quyền lợi của đảng hơn là vì quyền lợi dân tộc, đã chấp nhận thà mất nước hơn mất đảng Còn lại là những người Việt Nam, một tập hợp nhân-dân có một lịch sử hào hùng chống và đánh thắng ngoại xâm phương bắc. Với tinh thần quốc gia ‘nam đế san hà nam đế cư’, người quốc-gia Việt Nam hẳn phải có nổ lực để làm cho nước Việt tự hào hơn, mạnh hơn, an ninh hơn và lớn hơn; Muốn thế phải phá tan bè lũ có chủ trương ‘ta đánh giặc là đánh cho liên-sô và Trung-quốc’, bè lũ chấp nhận ‘mất nước hơn mất đảng’; Bởi vì còn nước, còn dân và mất nước là mất tất cả!
Nguồn:
http://www.iris-france.org/104520-leurope-a-lepreuve-dun-nationalisme-identitaire/
https://chronik.fr/5325-html.html
https://chronik.fr/apres-le-triomphe-de-lafd-en-allemagne-quels-enseignements-pour-leurope-html.html
https://chronik.fr/lecons-polonaises-html.html
http://www.bvoltaire.fr/lautriche-v4-contre-relocalisation-demandeurs-dasile/
Ranh ngôn
* Yêu nhau không phải là ta nhìn nhau mà là cùng nhau nhìn về….chiếc xe dựng gốc cây kẻo kẻ gian chôm mất.
* Khi bạn ở bên một người mà thời gian trôi qua thật nhanh còn khi xa người đó thì thời gian trôi qua thật chậm, thì đó là lúc bạn phải đem đồng hồ đi sửa.
Nhật Ký Biển Đông – Đào Văn Bình
Vụ Jerusalem gây họa cho Liên Hiệp Quốc
Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Mười Hai ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình Hoa Kỳ:
-Tổng Hợp ngày 16/12/20117: ” Cơn bão” tố cáo xâm phạm tiết hạnh tiếp tục kéo tới và “tàn phá” nước Mỹ với những tình tiết mới vô cùng ly kỳ. Bà Andrea Ramsey -một nữ ứng cử viên dân biểu khá xinh đẹp ở Tiểu Bang Kansas đã phải rút lui giữa những tố cáo bà đã “xâm phạm tiết hạnh” hay “mè nheo, ép buộc, mò mẫm” một một người đàn ông dưới quyền bà. “
Tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều vị đực rựa ở xa tiếc không được là “nạn nhân” của bà này. Tuy nhiên “luật là luật”. Dù ông hay bà, mè nheo, ép buộc một người khác phái hay cùng phái về vấn đề xác thịt đều bị tội “sexual harassment”.
-Fox News ngày 23/12/2107: “Một gia đình ở Philadelphia đã bị ban quản lý chung cư yêu cầu phải gỡ bảng hiệu “Jesus” xuống vì có sự khiếu nại của các chủ nhà khác là bảng hiệu này xúc phạm tới họ. Cặp vợ chồng Mark và Lynn Wivell nói đây là đồ trang trí (decorations) để cho mọi người biết Lễ Noel là kỷ niệm ngày sinh của Jesus. Thế nhưng nó không phải là đồ trang hoàng là là một bảng hiệu (banner) đề chữ Jesus.“
Hiện nay Lễ Noel đang là đề tài tranh luận tại Hoa Kỳ và một số muốn nó như là một dịp nghỉ lễ có tính cách văn hóa (cultural) chứ không phải ngày lễ của một tôn giáo. Hiến Pháp Hoa Kỳ ghi chính quyền không được phép ủng hộ hay thiên về bất kỳ một tôn giáo nào (State and Church Separation). Một số nhà bán lẻ khổng lồ như WalMart năm ngoái đã bị Fox News kêu gọi tẩy chay vì đã không trương bảng “Merry Christmas” mà lại trương bảng “Happy Holiday”. Năm nay các tiệm WalMart, Target… không trương bảng hiệu nào cả. Con buôn thường thực tế và họ không muốn tôn giáo ảnh hưởng đến túi tiền của họ. Hiện nay Ô. Trump đang nỗ lực làm sống lại “tinh thần Christmas” có khuynh hướng bớt dần tại Hoa Kỳ. Theo Viện Thống Kê PEW, năm 2013 51% người dân Hoa Kỳ coi Christmas là ngày lễ tôn giáo, ngày nay xuống còn 46%.
-Newsweek ngày 25/12/2017: “Một con chó pit bull (Chó Ngao thấy vẽ ở các Địa Ngục) đã cắn chết một người đàn bà hàng xóm 66 tuổi và cắn bị thương người chồng ở Kentucky ngay giữa đêm Noel.”
Mới đây một chó Pit Bull đã cắn chết cô chủ 22 tuổi của nó khi cô dẫn nó đi chơi ở một khu rừng gần nhà ở Virginia. Thảm họa chó ngao Pit Bull cắn chết người liên tục xảy ra nhưng người Mỹ rất thích muôi loài chó hung dữ này. Có lẽ nó còn hung dữ hơn loại Chó Hoang (Wild Dog) và Linh Cẩu (Hyena) chuyên săn thịt ở Phi Châu. Phải chăng đây là nghiệp chướng của con người? Thấy loại chó này chúng ta phải tránh xa. Nếu hàng xóm nuôi loại chó này, để phòng ngừa chúng ta nên báo cảnh sát. Cũng mới đây, một cô gái giữ trẻ, chạy vào nhà lấy món đồ gì đó, khi chạy ra ngoài vườn thì em bé trai đã bị con pit bull của người hàng xóm cắn chết rồi. Bản thân tôi cũng là “nạn nhân” của chó nhà hàng xóm. Mình làm vườn ở nhà mình, không đụng chạm gì tới nó, nhưng hai con chó cứ lao rầm rầm vào hàng rào như muốn “ăn tươi nuốt sống” mình và nó sủa liên tục 24/24 khiến muốn điên lên. Cũng mới đây một bà bác sĩ thú y chuyên chăm sóc chó, chữa bệnh cho chó ở ngoại ô Thành Phố New Orleans, Louisiana đã dùng súng bắn vào đầu một con chó nhà hàng xóm với lý do nó sủa nhiều quá khiến bà điên tiết!
Thiên nhiên và chính con người đã gây biết bao thảm họa cho con người nhưng nay lại thêm loài chó. Số phận con người sao mong manh quá? Nghĩ cho cùng cũng là do “sở thích” của mình thôi! Khi sở thích trở thành “sở thích quái dị” sẽ quay lại hại mình và hại người. “Chơi dao có ngày đứt tay”, nuôi chó dữ thì có ngày bị chó cắn chết hay cắn người khác chết…rồi vào tù! Đó là Luật Nhân Quả. Nhưng nếu bây giờ ai lên tiếng đòi cấm nuôi loại chó này, chắc chắn sẽ bị các ông bà trong Hội Bảo Vệ Thú Vật lên án là dã man…cho dù chó pit bull có cắn họ chết hay cắn chết con họ thì “tình yêu chó vẫn muôn đời bất diệt!”
-Good Morning America ngày 27/12/2107: “Bốn cậu bé Da Trắng tuổi từ 13-14 đã ném một bao cát qua cây cầu bắc ngang xa lộ ở Tiểu Bang Ohio làm chết một người đàn ông đang lái xe. Bốn “ông trời con” này sẽ bị xét xử theo tội sát nhân.”
Chúng ta còn nhớ cách đây hai tháng, năm học sinh từ 15 tới 17 đã ném một cục đá nặng 5 pound qua rầm cầu (cầu vượt) của một xa lộ, gây tử thương cho Anh Kennth Andrew 32 tuổi trên đường về nhà lúc ban đêm trên Xa Lộ 75 ở Vienna Township.
Ai bảo trẻ con dễ thương? Chúng nó dễ thương thật, nhưng với trò chơi điện tử (games) thời nay, chúng nó có thể “giết người một cách hồn nhiên” vì tưởng đó là trò chơi. Điều đau khổ ở đây không phải là chúng nó, mà là cha mẹ. Bỏ tiền ra bồi thường thiệt hại, thăm nuôi chúng nó dài dài trong tù, ra tù rồi không biết chúng nó có trở nên người lương thiện không? Hay nhà tù lại trui rèn chúng nó thành một thứ “giang hồ” còn nguy hiểm hơn nữa? Có thể nói cha mẹ muôn đời khổ vì con, dù ở trên Thiên Đường nếu còn sinh con đẻ cái thì cũng vẫn khổ vì con như thường. Đó là lý do tại sao tại các quốc gia giàu có văn minh bây giờ họ ngại sinh con.
Tình hình thế giới:
-AFP ngày 16/11/2017: Một vụ án mạng làm rúng động Gia Nã Đại. Hai vợ chồng Ông Bà Barry Sherman người Do Thái, tỷ phú sáng lập công ty dược phẩm khổng lồ, tài sản trị giá khoảng 3.7 tỉ đã tìm thấy nằm chết một cách khả nghi tại dinh thự của họ tại Thành Phố Toronto. Chưa có ai bị nghi ngờ là thủ phạm trong vụ án mạng này. Cặp vợ chồng này mới đây đã rao bán căn nhà của họ với giá 5.5 triệu Mỹ Kim. Tại sao đang là tỉ phú lại phải bán nhà? Rất nhiều nghi vấn trong vụ án mạng. Cuộc điều tra của cảnh sát tin rằng ông đã giết bà, treo cổ bà lên cái thanh ngang bên cạnh hồ tắm ở tầng hầm (basement) rồi treo cổ kết liễu đời mình. Thế nhưng luật sư đại diện cho gia đình nói rằng họ sẽ mướn mướn chuyên viên giảo nghiệm tư để tìm hiểu sự thật về cái chết này.”
Tại sao ông lại giết bà? Ông năm nay 75 tuổi, bà 70. Bà ngoại tình chăng? Hay một kẻ thứ ba đã lẻn vào đây, xiết cổ hai người chết rồi treo nạn nhân lên ở tư thế thắt cổ? Nếu thế thì hung thủ là ai? Kẻ cạnh tranh nghề nghiệp mướn sát thủ để độc quyền sản xuất thuốc? Ô. Barry Sherman thừa hưởng gia tài từ một người chú đã qua đời năm 1967 và vẫn còn đang tranh chấp tài sản với bốn người con của người quá vãng. Thế mới hay dù là tỉ phú hay sống trong cung vàng điện ngọc chưa chắc đã có hạnh phúc.
-ABC News ngày 19/12/2017: “Các viên chức chính phủ Nga và Trung Quốc chỉ trích kế hoạch an ninh mới của Tổng Thống Donald Trump là đế quốc và quay trở lại Thời Kỳ Chiến Tranh Lạnh. Nhưng phản ứng của Mạc Tư Khoa cho rằng cũng có một vài nhận thức chung. Tài liệu về chiến lược an ninh của Ô. Trump phổ biến vào ngày 18/12/2017 mô tả sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã tái xuất hiện và chỉ có thể đương đầu với sách lược không khoan nhượng là ‘Hoa Kỳ Trước Đã’ (Amrica First). Ô. Trump nói rằng sức mạnh vô địch của Hoa Kỳ phải ngăn chặn những thách thức như Nga và Trung Hoa. Chúng ta phải thấy sự suy yếu là con đường chắc chắn đưa tới xung đột (chiến tranh) và sức mạnh vô địch là phương tiện chắc chắn nhất của tự vệ,”
Thực ra chiến lược an ninh này chẳng có gì mới lạ. Mọi tổng thống Hoa Kỳ đều đặt quyền lợi của Hoa Kỳ lên trên hết (America First). Chẳng có ông tổng thống Mỹ nào bán rẻ quyền lợi của nước Mỹ cả. Tuy nhiên:
-Do tính toán sai lầm, do tham vọng, họ can dự vào nhiều cuộc chiến và có những thất bại mà phải rút lui, chỉ vì sức chịu đựng đã hết hoặc sự chống đối của quần chúng. Chẳng có ông tổng thống Mỹ nào ngu dại cả. Nhưng tổng thống Mỹ vẫn có lỗi lầm. Nước Mỹ không phải thần thánh nên cũng có những lỗi lầm.
-Thế giới ngày nay, cả Âu Châu tập họp lại cũng chỉ lả đàn em dưới trướng của Mỹ và chỉ chỉ có ba cường quốc là Mỹ, Nga và Trung Hoa. Trong ba siêu cường này, Mỹ nỗ lực để giữ ngôi vị “Võ Lâm Chí Tôn”. Còn Nga và Trung Hoa đang cố ngoi lên, vừa để tồn tại vừa để tranh ngôi vị bá chủ thế giới của Mỹ. Cuộc tranh hùng này diễn ra từng giây từng phút và vô cùng hào hứng và sẽ kéo dài cho đến ngày tận thế. Quan niệm của Hoa Kỳ là không để cho bất cứ ai, kể cả Âu Châu, Ấn Độ, Nhật Bản có sức mạnh quân sự ngang mình. Giả dụ, nếu mai đây Nhật Bản có sức mạnh quân sự ngang với Mỹ, lập tức Nhật Bản trở thành kẻ thù của Mỹ ngay. Mỹ phải là “Võ Lâm Chí Tôn” giống như giữa Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quân, ai học được Tịch Tà Kiếm Phổ thì kẻ kia phải chết. Cái khó của Hoa Kỳ ngày hôm nay là vừa ngăn chặn Hoa Lục lại vừa muốn hợp tác để phát triển kinh tế cho nên đôi khi trở thành mâu thuẫn. Chính cái mâu thuần đó đã giúp Trung Hoa từ từ trở thành siêu cường. Trung Hoa là thị trường tiêu thụ béo bở nhất mà ai cũng muốn buôn bán, đầu tư… nhất là các tập đoàn tư bản Mỹ, Úc, Âu Châu. Làm ăn buôn bán với họ, thu lời cả ngàn tỉ đô-la thì làm sao “giết” họ được? Muốn “giết” họ thì phải cấm vận và không làm ăn buôn bán với họ chứ? Do đó nhiều khi sách lược chống Trung Quốc chỉ là mị dân kiếm phiếu. Rồi đây khi Ô. Trump hết nhiệm kỳ, ông/bà tổng thống mới lên, chúng ta lại nghe một kế hoạch an ninh giống hệt như vậy.
Theo sự phỏng đoán của tôi, chỉ mười năm nữa thôi, thế giới này sẽ là “Tam Quốc Chí” tức tam phân thiên hạ chứ Hoa Kỳ không thể nào còn giữ được ngôi vị thống trị thế giới nữa, ngoại trừ ngay bây giờ Hoa Kỳ mở cuộc chiến tranh nguyên tử tiêu diệt Nga và Trung Hoa trong chớp nhoáng.
-AOL.com ngày 19/12/2017: “Trong một nỗ lực chống lại Thiên Chúa Giáo, lãnh tụ Bắc Triều Tiên đã ra lệnh cấm tụ tập, uống rượu và ca hát nhân dịp Noel.”
-ABC News ngày 20/12/2017: “Mười hai người bị kết tội sát nhân, cướp bóc và buôn bán ma túy được dẫn đi để trình diện trước đám đông tại một vận động trường cùng với thân nhân khóc than. Mười người trong số này đã bị xử tử. Bảy trong số này đã bị kết tội buôn bán, chế tạo ma túy. Thành Phố Lufeng của Tỉnh Quảng Đông nổi tiếng với cái tên “City of Ice” là hang ổ sản xuất ma túy. “
Trồng cần sa, chế tạo ma túy, buôn bán chuyển vận là “kỹ nghệ” hái ra tiền và mê hoặc lòng người. Nhiều quốc gia đã có luật lệ rất khắt khe như Nam Dương, Mã Lai, Việt Nam nhưng dù biết rằng dính líu vào có thể lãnh án tử hình, nhưng người này tiếp nối người kia, nhất là phụ nữ rất say mê, như một số đàn bà Việt Nam ở Úc và trong nước, vì họ nghĩ rằng đàn bà chuyển vận ma túy thì ít người để ý.
Nguyên do chính là máu mê kiếm tiền làm giàu nhanh chóng, nhưng một nguyên do không kém quan trọng là sự tham nhũng và tiếp tay của nhân viên an ninh, cảnh sát. Chính vì thế mà Ô. Duterte- tổng thống Phi Luật Tân đã ra lệnh bắn bỏ bất cứ ai, dù đó là quan tòa, ông tướng hay cảnh sát, kể cả con trai ông nếu dính líu vào việc buôn bán, chuyển vận ma túy. Tôi nghĩ rằng cũng nên ban hành luật tử hình tất cả những viên chức chính phủ tiếp tay, hỗ trợ, bao che cho các hoạt động về ma túy.
-Newsweek ngày 26/12/2017: Trong bài báo có tên, “What Muslims and the Quran Say About Jesus, Christmas and the Virgin Birth”, tác giả Cristina Maza đã đưa ra một vài chi tiết như sau, “Dĩ nhiên có nhiều khác biệt căn bản giữa người Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo về vai trò của Jesus. Người Thiên Chúa Giáo tin Jesus là đấng cứu thế và là con của Thượng Đế, nhưng người Hồi Giáo coi Jesus chỉ là một nhà tiên tri (prophet) đã được mô tả trong Kinh Quran (Koran). Người Hồi Giáo tin rằng trong lịch sử nhân loại đã có rất nhiều nhà tiên tri, khoảng 120,000 người, nhưng Thánh Muhammad là nhà tiên tri sau cùng.” (There are, of course, fundamental differences between the way Christians and Muslims view Jesus and his role. Christians believe Jesus is the savior and the son of God, but Muslims believe Jesus was a prophet, which is how he is described in the Quran. Muslims believe there were a large number of prophets throughout human history, over 120,000 of them, and that the Holy Prophet Muhammad was the last.) Bài báo còn nói thêm: Thiên Thần Gabriel đã báo mộng cho bà Maria là sẽ sinh ra “con của Thượng Đế” rồi lại đưa Ô. Muhammad lên gặp Thượng Đế để ông này nhớ lại tất cả những lời dạy rồi ghi lại trong Kinh Koran để lập ra Đạo Hồi. Người Hồi Giáo hãnh diện vì Kinh Koran là “lời của thượng đế” (Words of God) chứ không như những gì mà người ta tin rằng (believed) do Saint Paul ghi chép trong Tân Ước (New Testament) vào 50-62 AD. Rồi Kinh Koran còn nói rằng Jesus không sinh ra ở máng cỏ mà dưới gốc cây kè (palm tree).
Những chi tiết này không có gì mới lạ và đã được giảng dạy trong sách giáo khoa về Lịch Sử &Tôn Giáo ở các trường trung học Hoa Kỳ để học sinh hiểu đúng về các tôn giáo đang có mặt trên thế giới.
-ABC News ngày 30/12/2017: “Ít nhất 10 người bị bắn chết trong một vụ nổ súng tại một nhà thờ Thiên Chúa Giáo hệ phái Coptic tại nam ngoại ô Thủ Đô Cairo, Ai Cập ngày 29/12/2107. Nhà Nước Hồi Giáo đã lên tiếng xác nhận họ đã tiến hành vụ thảm sát này. Một tay súng bị bắn hạ khi giao tranh với cảnh sát được bố trí ở đây để bảo vệ cho những người hành lễ.”
Sự căm thù giữa Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo, giữa Hồi Giáo với nhau nhưng khác hệ phái thật kinh hoàng và dường như mỗi lúc mỗi gia tăng. Con người ta thật kỳ lạ. Có khi họ hy sinh tất cả, dù là vợ con, đời sống ấm no, dân chủ tự do…và tất cả mọi thứ trên cõi đời này cho tôn giáo. Khác chủng tộc có khi còn có thể sống chung với nhau. Nhưng khác tôn giáo thì khó sống chung với nhau. Tôn giáo đem lại sự thánh thiện cho con người nhưng tôn giáo cũng đem lại thảm họa cho con người. Chính vì thế mà một vị thiền sư đã nói, “Thuốc nào cũng là thuốc độc”. “Sự lạm dụng thuốc” ở đây sự cuồng tín, niềm tin mù quáng là nguyên do gây thảm họa giữa con người. Chính vì thế mà mới đây Đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng giá trị đạo đức cao hơn tôn giáo và là nền tảng để con người sống thuận hòa với nhau. Một tôn giáo tốt lành phải xây dựng trên căn bản trí tuệ, nhân bản, đạo đức và tình thương.
Tình hình Trung Đông:
-AP ngày 19/12/2017: “Cuộc tấn công giải phóng Mosul khỏi quân Nhà Nước Hồi Giáo ở Iraq khiến 11,000 thường dân bỏ mạng.”
Trong bất cứ cuộc chiến nào, số lượng lính chết trong các cuộc giao tranh thường nhỏ hơn số dân lành vô tội. Chỉ cần một tiểu đội địch chiếm giữ một ngôi làng, vài trăm dân lành trong ngôi làng đó bỏ mạng đã đành, mà nhà cửa trong ngôi làng đó cũng san bằng bình địa. Cứ thử nhìn vào những đống hoang tàn đổ nát, cháy đen của các thành phố cổ kính ở Iraq và Syria thì biết.Vậy thỉ tất cả những ai cổ vũ chiến tranh đều là những kẻ có trái tim bằng gỗ.
-Newsweek ngày 30/12/2017: Theo Reuters, trong thông điệp đầu năm gửi TT. Assad, Tổng Thống Putin nói rằng Nga tiếp tục hỗ trợ cho Syria trong mục tiêu bảo vệ chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.”
Tình hình Biển Đông:
-Yahoo News ngày 18/12/2017: “Trong lúc Hoa Lục tiếp tục biến đổi các bãi đá ngầm đang còn tranh chấp tại Biển Đông thành các đảo có khả năng duy trì các căn cứ không quân và hải quân, Việt Nam cũng tân trang các khu vực của họ. Những hình ảnh thu nhận được từ vệ tinh của Digital Globe cho thấy những cơ sở hạ tầng trong đó có thể có một bến đậu trên Đảo Đá Tây (West London Reef) ở Trường Sa, cách TP. HCM khoảng 680 cây số mà tàu bè có thể dừng chân để bảo trì và thực hiện các chuyến tuần tra dài hạn.”
-Reuters ngày 24/12/2017: “Hoa Lục vừa thực hiện chuyến bay đầu tiên của chiếc thủy phi cơ AG600 lớn nhất thế giới (to bằng chiếc Boeing 737) cất cánh từ một phi trường ở Quảng Đông, hạ cánh ở biển rồi cất cánh từ biển. Thủy phi cơ này có thể mang theo 50 nhân viên cứu cấp, hoạt động ở vùng Biển Đông và là linh hồn để bảo vệ biển, đảo và các bãi đá ngầm. Máy bay có thể múc 12 tấn mét khối nước trong vòng 20 giây để phục vụ công tác cứu hỏa trên biển (các chiến hạm bị cháy). Hiện nay chính quyền đã đặt đóng 17 chiếc như vậy.”
-Reuters ngày 26/12/2017: “Chỉ vài tuần sau khi tòa án tối cao giải tán đảng đối lập trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2018, Ô. Hun Sen tuyên bố dù đã cầm quyền hơn 30 năm, ông sẽ ở lại tối thiểu thêm 10 năm nữa.” Như vậy ai bảo, “Lo cho dân cho nước là khổ? Không, làm thủ tướng, tổng thống lo cho dân cho nước sướng lắm chứ. Và làm cả đời cũng được.” Ôi quyền thế, ta yêu mi lắm mi có biết không? Hết nhiệm kỳ rồi vẫn còn tiếc nuối. Hiện nay Ô. Obama đi khắp thế giới, gặp gỡ các vị nguyên thủ quốc gia, hoàng tử nước Anh để nhớ lại cái thời kỳ huy hoàng xa xưa ấy sao qua nhanh quá. Chúng ta còn nhớ Tưởng Giới Thạch là tổng thống 22 năm ở lục địa rồi 26 năm ở Đài Loan, tổng cộng 48 năm, chẳng có tổng tuyển cử gì cả mà chỉ do Quốc Hội bầu ra trong đó ¾ đã là quốc hội lưu vong từ lục địa. Vậy cũng nên thông cảm cho Ô. Husen vì tấm lòng “lo cho dân, cho nước” của ông.
-UPI ngày 26/12/2017: “Hoa Lục cảnh báo Nhật Bản phải hành động thận trọng khi có báo cáo cho rằng Nhật Bản sẽ trang bị phi cơ chiến đấu tàng hình F-35B cất cánh thẳng đứng của Mỹ cho HKMH trực thăng khổng lồ Izuno, hạ thủy năm 2013 và chính thức hoạt động vào 25/3/ 2015. “
Nhận Định:
Theo Morning America ngày 16/12/2017Good, “ Bộ Y Tế Palestine cho biết gần 400 người Palestines bị thương khắp vùng lãnh thổ, bốn người bị lính Do Thái bắn chết, hai ở West Bank, hai ở Gaza. Ngày hôm nay là ngày đẫm máu nhất kể từ khi Ô. Trump tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Do Thái, trước chuyến viếng thăm vùng Trung Đông của Phó Tổng Thống Mike Pence.”
Theo AP ngày 17/12/201, “Các giáo sĩ Hồi Giáo Nam Dương kêu gọi tẩy chay hàng hóa Hoa Kỳ trong một cuộc biểu tình lớn nhất chống Tổng Thống Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái. Mang áo choàng trắng và biểu ngữ “ Nam Dương đoàn kết vì Do Thái” và “Cứu Palestines của chúng ta”, khoảng 80,000 người tập họp tại thủ đô của của quốc gia Hồi Giáo đông dân nhất này và biểu tình liên tục trong 10 ngày. “
Cũng theo AP ngày 17/12/2017, “Hai trái bom tự sát phá nổ tại một nhà thờ Thiên Chúa Giáo tại Pakistn vào ngày hôm nay, giết chết 9 người và làm bị thương 50 người và đây là cuộc tấn công đầu tiên vào một nhà thờ do nhóm có liên hệ với Nhà Nước Hồi Giáo thực hiện. Cả ngàn người đang tham dự buổi lễ trước Noel thì bom nổ tại thị trấn Quetta và những tay tấn công chạm súng với lực lượng an ninh. Một tay súng bị giết tại lối vào nhà thờ. ” Chưa biết cuộc tấn công này có liên hệ gì tới vụ Palestines hay không?
Theo Reuters ngày 18/12/2017, “Một lần nữa Hoa Kỳ lại bị cô lập xa hơn về việc Tổng Thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái khi họ phủ quyết để ngăn chặn tuyên bố của Hội Đồng Bảo An LHQ yêu cầu Hoa Kỳ rút lui lời tuyên bố này. 14 thành viên đã bỏ phiếu thuận dự thảo do Ai Cập đệ trình, không chỉ đích danh Hoa Kỳ nhưng bày tỏ sự đáng tiếc lớn lao về quyết định liên quan tới Jerusalem. Sau cuộc bỏ phiếu, Bà Nikki Haley nói rằng đây là lần phủ quyết đầu tiên sau sáu năm của Hoa Kỳ và cảnh cáo các quốc gia đã bỏ phiếu hỗ trợ cho dự thảo của Ai Cập và đe dọa sẽ chuyển tên các quốc gia này về Tổng Thống Donald Trump để có biện pháp trừng phạt.” Còn thủ tướng Do Thái nói rằng Liên Hiệp Quốc chỉ là “Căn nhà lếu láo” (House of Lies) và Jerusalem là thủ đô của Do Thái cho dù Hoa Kỳ có công nhận hay không.
Thế nhưng trong phiên họp của Đại Hội Đồng LHQ ngày 21/12/2017, 128 quốc gia vẫn cứ bỏ phiếu thuận, 9 phiếu chống, 35 quốc gia không bỏ phiếu một nghị quyết lên án Tổng Thống Donald Trump đã tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Do Thái. Trong số những quốc gia né tránh không bỏ phiếu có các đồng minh của Hoa Kỳ như Úc và Gia Nã Đại, Mễ Tây Cơ và Á Căn Đình. Sau cuộc bỏ phiếu, Bà Nikki Haley nói một câu cứng dễ sợ, “Không có lá phiếu nào của LHQ có thể làm khác đi được. Nhưng cuộc bỏ phiếu này khiến cho Hoa Kỳ có cái nhìn khác đi về LHQ và chúng tôi sẽ đặt tòa đại sứ tại Jerusalem.”
Chúng ta còn nhớ ngày xưa Ô. Khrushchev- Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nga rút giày đập trên bàn tại Liên Hiệp Quốc, coi LHQ như củ khoai mà thế giới nín khe. Còn các nước nhỏ thấy nghị quyết của LHQ thì run như cầy sấy. Ngày nay Hoa Kỳ và Do Thái coi LHQ không có ký lô nào cả. Ôi sức mạnh của các siêu cường muôn đời là vậy.
Như thế, không phải vì quyền lợi sinh tử mà chỉ vì Do Thái, Hoa Kỳ giờ đây không chỉ đối phó với Hồi Giáo, mà cả thế giới. Ngày 24/12/2017 Hoa Kỳ tuyên bố cắt số tiền 285 triệu Mỹ Kim đóng góp cho LHQ trong tài khóa 2018. Để xem phản ứng của thế giới như thế nào? Liệu LHQ có phải dẹp tiệm để trở lại thời kỳ “luật rừng” không cần quốc tế, quốc tung gì hết chăng? Thế mới hay vũ khí muôn đời là sức mạnh vô địch. Cho nên Bắc Triều Tiên dù sống dù chết cũng phải chế tạo vũ khí nguyên tử là như vậy.
(California ngày 31/12/2017)
https://vietbao.com/a275976/nhat-ky-bien-dong-vu-jerusalem-gay-hoa-cho-lien-hiep-quoc
Ô. Trump Nổi Đóa Với Pakistan
Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Giêng ghi nhận những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình Hoa Kỳ:
-Tổng Hợp ngày 1/1/2018: Một trẻ vị thành niên 16 tuổi tại Long Branch, New Jersey đã dùng khẩu súng bán tự động bắn chết bố 44 tuổi, mẹ 42 tuổi, em gái 18 tuổi và một người bạn của gia đình 70 tuổi vài phút trước khi bước sang năm 2018. Theo Chicago Tribune ngày 13/12018, một thanh niên 22 tuổi ở Hoffman Estates đã bị bắt giam không cho đóng tiền thế chân vì đã bắn chết cha mình sau khi cãi cọ với cha vào buổi sáng về việc nhà và tìm kiếm công ăn việc làm. Alec Tarasiuk bị kết tội giết cha mình là Walter Tarasiuk 57 tuổi khi người cha đang chơi trò chơi điện tử (games) trong phòng ngủ.
Thật kinh hoàng! Ngày nay, những bữa cơm tụ hội tại gia đình hay chính gia đình có thể biến thành địa ngục, một cuộc thảm sát chỉ vì một vài lời nói hay một cử chỉ không ưng ý gì đó. Nền tảng xã hội, gia đình Hoa Kỳ đổ vỡ rồi chăng? Tại sao trẻ nhỏ có thể nóng nảy và hung bạo hơn cả thú dữ như vậy? Chúng ta còn nhớ, vào ngày 25/11/2107, một mục sư ở Virginia đã bắn chết vợ, con gái của vợ cùng bạn trai của cô này ngay trong bữa tiệc Thanksgiving tại nhà, có thể do cãi cọ chuyện gì đó trong gia đình.
-AP ngày 4/1/2018: “Sau khi kiểm phiếu hai bên ngang nhau, thật là may mắn, dân biểu tiểu bang David Yancey (Cộng Hòa, Virginia) đã thắng nhờ cuộc rút một trong hai lá thăm được bỏ trong một cái bát bằng đồ gốm.”
Mọi cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ giờ đây đều căng thẳng như một cuộc tỉ thí võ đài. Nguyên do chỉ vì cử tri bỏ phiếu theo đảng, Dân Chủ bầu Dân Chủ, Cộng Hòa bầu Cộng Hòa và không cần suy xét xem chương trình, kế hoạch của ứng cử viên nào có lợi cho đất nước, cho địa phương mình hay không? Phải chăng dân trí cao và dân chủ tột đỉnh sẽ là chia rẽ theo lằn ranh của đảng và không bao giờ có sự thỏa hiệp? Sau cuộc bầu cử, nếu thua sẽ biểu tình, chống đối đến cùng cho đến khi nào “đảng ta” thắng mới thôi? Tôi có một ý nghĩ “quê mùa” và “ba phải” là, “Phải chăng dân trí cao là theo dõi tình hình của đất nước rồi suy xét xem chương trình của đảng nào, dù không phải đảng mình, làm lợi cho đất nước thì bỏ phiếu, chứ không phải bỏ phiếu theo đảng.” Tin mới nhất cho biết Ô. Cuomo (Dân Chủ) – thống đốc Tiểu Bang New York sẽ kiện chính quyền Liên Bang về luật thuế mới của Đảng Cộng Hòa với lý do vi hiến và kỳ thị Tiểu Bang Nữu Ước và các tiểu bang đã không bỏ phiếu cho Ô. Trump trong kỳ bầu cử.
Từ thực tế nước Mỹ chúng ta có thể rút ra một kết luận rất tức cười là: Xứ nào dân trí thấp, người dân khờ khờ, không thông minh lắm thì dễ bảo nhau và ít biểu tình, tranh cãi. Còn xứ nào dân trí cao, quá nhiều trí thức, quá nhiều người thông minh, quá nhiều lãnh tụ… thì liên tục chống đối nhau, biểu tình liên miên, không ai chịu ai, khiến cộng đồng, đất nước tan nát. Thông minh cần phải đi kèm với lòng bao dung, khiêm tốn, nhường nhịn và cảm thông nếu không nó sẽ là tai họa vì ai cũng thông minh, ai cũng là lãnh tụ cho nên không ai nhường nhịn ai! Một đất nước có quá nhiều người thông minh, quá nhiều “lãnh tụ” sẽ là một thảm họa. Phải chăng dân trí cao là: Biết hết mọi chuyện, tin tức gì cũng biết, nhưng chỉ tôi đúng, còn anh sai, rồi đấu đá nhau?
-The Huffington Post ngày 4/1/2018: “Số dân Mỹ gốc Hồi Giáo đang gia tăng một cách đều đặn, vượt qua số dân theo Do Thái Giáo và giữ vị trí nhóm tôn giáo lớn thứ nhì ở Mỹ. Đợt lượng giá mới nhất của Pew Research Center cho thấy ở Mỹ có 3.45 triệu người Hồi Giáo đang sinh sống ở Hoa Kỳ năm 2017 tức chiếm 1.1% tổng số dân.”
-AP ngày 5/1/2018: “Hai thượng nghị sĩ Cộng Hòa lần đầu tiên đưa vấn đề phạm tội trong những cuộc điều tra của quốc hội liên quan đến việc Nga can dự vào cuộc bầu cử 2016 – nhắm vào tác giả của tài liệu nói rằng Tổng Thống Donald Trump có liên hệ với Nga. TNS. Chuck Grassley (Iowa) và TNS. Linsey Graham (North Carolina) đã chuyển tên của một cựu điệp viên Anh là Christopher Steele tới Bộ Tư Pháp yêu cầu điều tra về tài liệu giả mạo của ông này nói về chính phủ Hoa Kỳ (về Ô. Trump). TNS. Lindsey Graham là Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp của Thượng Viện. Việc yêu cầu điều tra này xuất hiện giữa lúc Đảng Cộng Hòa trong Quốc Hội đã có vài hành động đánh vào uy tín của Công Tố Viên Đặc Biệt Robert Mueller, Bộ Tư Pháp cũng như FBI và cáo buộc rằng đã có sự bất công đối với Ô. Trump của một số viên chức liên bang và công tố viên.”
Ô.Trump nhiều lần lên tiếng cho rằng cuộc điều tra chỉ nhằm triệt hạ đối thủ chính trị (Witch Hunt) chứ ông không có cấu kết với Nga.
Tình hình thế giới:
-New York Post ngày 1/1/2018: “Một nhà lãnh đạo Do Thái tại Đức nói rằng tinh thần bài Do Thái lan tràn tới nỗi cần phải có cảnh sát bảo vệ cho những buổi lễ nơi công cộng. Charlotte Knobloch-cựu chủ tịch của Hội Đồng Trung Ương Do Thái tại Đức tin rằng đời sống của người Do Thái phải cần có sự bảo vệ của cảnh sát một cách nghiêm ngặt và tinh thần bài Do Thái đang là trọng tâm của xã hội Đức. Một đoạn thu hình được phổ biến trên hệ thống liên mạng cho thấy một người đàn ông đang xỉ vả một chủ nhà hàng Do Thái tại Bá Linh và sự đe dọa đáng phẫn nộ này là chuyện không lạ lùng gì. Chửi rủa Do Thái một lần nữa đang sống lại ở Đức.”
-Washington Post ngày 2/1/2018: “Tổng Thống Donald Trump đe dọa cắt tiền viện trợ cho Palestines giữa khi quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Do Thái của ông gặp chống đối và hành động này có thể gây trở ngại cho tiến trình hòa đàm ở Trung Đông.” Theo Reuters ngày 6/1/2018, Ngoại Trưởng Ayman Safadi của Jordanie cho biết các quốc gia Ả Rập đang vận động Liên Hiệp Quốc công nhận quốc gia Palestines với Đông Jerusalem là thủ đô mà Do Thái chiếm đóng năm 1967.
-AFP ngày 6/1/2018: “Trước khi lên đường đi Pháp, Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lên án Hoa Kỳ và Do Thái đã can thiệp vào chuyện nội bộ của Ba Tư sau khi quốc gia láng giềng này có những ngày bất ổn khiến 21 người chết và cả ngàn người bị bắt trong một tuần lễ biểu tình liên tiếp và là thách đố lớn nhất cho chế độ Hồi Giáo kể từ cuộc biểu tình khổng lồ năm 2009. Ô. Erdogan nói rằng chúng tôi không chấp nhận một vài quốc gia, nhất là Hoa Kỳ và Do Thái can thiệp vào công việc nội bộ của Ba Tư và Hồi Quốc. Trong chuyến công du Pháp vào ngày 5/1/2018, Ô. Erdogan và Giám Đốc Điều Hành của Airbus đã ký một thỏa thuận không ràng buộc về một đơn đặt hàng 25 chiếc A350-900. ”
Bạn đến thăm một quốc gia tư bản, không gì quý báu cho bằng mua hàng của họ và bạn sẽ là người bạn tốt. Còn bạn đến để xin viện trợ thì họ sẽ nhìn bạn bằng con mắt khác.
Thật tức cười, sau hơn 50 năm là đồng minh gắn bó trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, giờ đây Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đang chống lại chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Có thể do ba nguyên nhân:
-Hoa Kỳ hỗ trợ cho lực lượng người Kurd chống lại Nhà Nước Hồi Giáo ở Syria nhưng lực lượng này lại là nguy cơ chia cắt đất nước Thổ Nhĩ Kỳ.
-Có thể Hoa Kỳ đã ngấm ngầm tổ chức cuộc đảo chính hụt ngày 15/7/2016 để lật đổ Ô. Erdogan khiến ông tức giận.
-Sở dĩ Hoa Kỳ “o bế” Thổ là để Thổ chống Nga. Nhưng chống Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ không được gì và gây phiền phức dài dài với nước láng giềng. Khôn ngoan nhất hòa bình với nước láng giềng, bung ra ngoài thế giới để phát triển đất nước. Chính vì thế Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi chính sách ngoại giao đa phương để tạo uy tín của Thổ trên chính trường quốc tế.
-Newsweek ngày 6/1/2018: “Tổng Thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ trong một cuộc họp báo đã chỉ trích hệ thống pháp luật tại Hoa Kỳ sau khi một chủ ngân hàng lớn của Thổ bị tòa án Hoa Kỳ kết tội đã kiếm lời từ chuyện né tránh cấm vận Ba Tư. Ô. Erdogan nói rằng Hoa Kỳ đã sử dụng phương tiện này để làm suy yếu nền kinh tế và lãnh đạo của Thổ và nếu đây là nền công lý của Hoa Kỳ thì thế giới sẽ tận diệt (doomed).”
-Al Jazeera (Qatar) ngày 6/1/2018:”Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc nói rằng Hoa Kỳ lợi dụng cuộc biểu tình chống đối chính phủ tại Ba Tư để nhận chìm thỏa hiệp hạt nhân ký kết giữa Ba Tư, Hoa Kỳ và 5 cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Hoa năm 2015 dưới thời TT. Obama.” Theo Washington Post, tại cuộc họp của Hội Đồng Bảo An LHQ, một số thành viên cho rằng cuộc biểu tình tại Ba Tư là vấn đề nội bộ mà tổ chức quốc tế không nên can thiệp. Tin ngày 12/1/2018 cho biết TT. Donald Trump ký tái xác nhận Ba Tư tuân thủ thỏa hiệp hạt nhân nhưng áp đặt thêm cấm vận.
-Reuters ngày 9/1/2018: “Hôm nay Nam Triều Tiên nói rằng họ sẽ xem xét việc tạm thời gỡ bỏ lệnh cấm vận nếu thấy cần thiết để làm dễ dàng cho phái đoàn Bắc Triều Tiên tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông tổ chức vào tháng tới. Nam Triều Tiên vừa đơn phương ngăn cấm một số viên chức Bắc Triều Tiên vào đất nước họ để đáp trả lại chương trình hạt nhân và bắn thử hỏa tiễn liên lục địa của Bình Nhưỡng. Nếu Nam Triều Tiên tiến hành bước khởi đầu để giúp phải đoàn Bắc Triều Tiên tham dự Thế Vận Hội thì họ sẽ tham khảo với Hội Đồng Bảo An LHQ và những quốc gia liên hệ.”
Thôi thì ông Nam Triều Tiên nhường nhịn chút ít. Ông Bắc Triều Tiên bớt điên khùng đi một chút cho dân chúng đỡ nghẹt thở và thế giới bớt đau đầu và đau tim.
-Newsweek ngày 10/1/2018: “Bộ tham mưu của Tổng Thống Donald Trump vừa chấp thuận bán bốn hệ thống hỏa tiễn phòng không có tên “Hit-to-Kill” trị giá 133 triệu Mỹ Kim để gia tăng sức mạnh phòng không cho để Nhật chống lại Bắc Triều Tiên. Hỏa tiễn này có thể bắn hạ các hỏa tiễn đạn đạo trên đường bay, từ ngoài bầu khí quyển của Trái Đất.”
-CNBC ngày 11/1/2018: “Hoa Lục cảnh cáo sẽ trả đũa về mọi mặt sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua hai dự luật nhắm thúc đẩy mối bang giao cực kỳ quan trọng Mỹ-Đài Loan (Cần Thượng Viện thông qua và Tổng Thống ký ban hành) . Dự luật có tên Taiwan Travel Act khuyến khích việc thăm viếng của các giới chức cao cấp, mọi cấp của chính quyền. Dự luật thứ hai nói Hoa Kỳ giúp Đài Loan lấy lại vị trí quan sát trong tổ chức Y Tế Thế Giới.”
-Newsweek ngày 11/1/2018: “Các giới chức bắc Trung Hoa vừa phá bỏ thêm một nhà thờ nữa khiến gây lo ngại là Đảng Cộng Sản không tin vào Thần Linh (Atheist) có thể tiến hành chiến dịch chống lại Thiên Chúa Giáo. Ngôi nhà thờ lớn khá nổi tiếng Golden Lampstand ở Thành Phố Linfen Tỉnh Sơn Đông đã bị phá sập bằng chất nổ. Theo đạo luật tôn giáo nghiêm ngặt, mọi tôn giáo đều phải khai báo với chính quyền địa phương. Nhà thờ Golden Lampstand là nhà thờ độc lập không khai báo với chính quyền và điều hành bởi một cặp vợ chồng theo phái Phúc Âm (Evangelist) có 50,000 tín đồ.”
Tình hình Trung Đông:
-US News and World Report ngày 3/1/2018: “Hai binh sĩ Nga tử thương và ít nhất bảy phi cơ của Nga và một kho đạn đã bị phá hủy trong một đợt pháo kích bằng súng cối của nhóm Hồi Giáo quá khích vào căn cứ quân sự Hmeymim ở Syria.”
-Fox News ngày 7/1/2018: “Không Lực Hoàng Gia Ả Rập Sê-út nói rằng hai phi công của máy bay bị rớt trong cuộc hành quân tại Yemen đã được giải cứu. Công bố chính thức cho biết tai nạn do trục trặc máy móc nhưng phiến quân Yemen nói rằng chiếc Tornado do Anh chế tạo đã bị bắn trên không phận bắc Tỉnh Saada nằm ở biên giới rồi rớt trên lãnh thổ Ả Rập Sê-út.”
-UPI ngày 8/1/2018: “Với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội Syria nhang chóng tiến vào vùng thôn quê của Idlib, bao vây cả ngàn quân Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân do Thổ hỗ trợ. Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân vào thành phố tan nát vì chiến tranh này vào Tháng 10. Chưa rõ quân chính phủ sẽ dừng tại cửa ngõ thành phố hay tiến công. Nếu quân chính phủ chiếm được Idlib, nó sẽ đợt cuối cùng trục xuất lực lượng nổi dậy ra khỏi các thành phố.” Vào ngày 101/2018, Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi Nga và Ba Tư làm áp lực lên Syria ngưng tấn công vào Thành Phố Idlib do phiến quân chiếm đóng trong lúc quân chính phủ đã làm chủ căn cứ không quân Abu-Duhur rộng lớn trọng yếu này.
Tình hình Biển Đông:
-Defence Update ngày 3/1/2018: “Bộ Quốc Phòng ở địa phương cho biết ba Tàu Tấn Công Đa Năng của Phi Luật Tân sẽ được trang bị hỏa tiễn đa nhiệm Spike ER của Do Thái.”
-US News &World Report ngày 4/1/2018: “Một viên chức cao cấp của Trung Quốc nói rằng cuộc tổng tuyển cử năm nay tại Căm Bốt sẽ diễn ra công bằng sau khi Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu Châu rút lại sự hỗ trợ tài chính vì quyết định giải tán đảng đối lập. Hoa Lục là quốc gia giúp tiền nhiều nhất và sự hỗ trợ này làm tăng thêm uy thế cho nhà lãnh đạo kỳ cựu Hun Sen.” Theo Reuters ngày 11/1/2018, sau khi thảo luận với nhau ở Phnom Penh, Thủ Tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc và Ô. Hun Sen đã ký 19 thỏa hiệp viện trợ và đầu tư giữa hai quốc gia khoảng vài tỷ Mỹ Kim như làm một đường tốc hành dài 200 km nối Thủ Đô Phnom Penh và Cảng Sihanoukville và Phi Cảng Quốc Tế Phnom Penh mới và dự định gia tăng thương mại song phương lên 6 tỷ vào năm 2020 cho nên Căm Bốt không cần viện trợ của Mỹ và Âu Châu.”
Ngạn ngữ có câu, “Phóng tài hóa, thu nhân tâm”. Khi bạn cho tiền ai mà hoàn toàn vì từ tâm/vô vị lợi thì sẽ chinh phục lòng người. Khi bạn cho tiền ai mà có điều kiện, chẳng hạn như bắt phải làm cái này, bắt phải làm cái kia… thì sự cho đó vô tác dụng và có khi phản tác dụng vì người ta có thể nghĩ bạn là người xấu.
Không có gì ngạc nhiên. Hoa Lục hài lòng với chính sách ngoại giao của Ô. Hun Sen và dĩ nhiên không muốn ông này ra đi khiến tình hình chính trị trở nên hỗn loạn. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy một nền chính trị độc tài như Saddam Hussein lại tốt hơn là khi ông ta bị giết, đưa tới cuộc nội chiến kéo dài 14 năm, Nhà Nước Hồi Giáo ra đời khiến 500,000 dân thường bỏ mạng (thống kê năm 2015) chưa kể binh sĩ, cảnh sát, nhân viên an ninh và khủng bố lan tràn khắp thế giới.
-Tổng Hợp ngày 5/1/2018: Các nguồn tin thân cận với Giải Phóng Quân Trung Hoa nói với South China Morning rằng Hoa Lục đã khởi đầu đóng chiếc HKMH thứ ba tối tân hơn hai chiếc trước. Tham vọng của Hoa Lục là họ sẽ có bốn HKMH hoạt động trên biển vào năm 2030.
Bốn chiếc HKMH này mà nó lảng vảng ở Biển Đông hay nghênh ngang ở Thái Bình Dương thì khả năng phòng thủ từ xa của Hoa Lục đã mở ra rất rộng. Ai muốn tấn công Hoa Lục thì phải đánh chìm bốn chiếc này trước kẻo nó phóng hỏa tiễn nguyên tử vào đất nước mình thì nguy to. Khi bạn có KHMH, có những căn cứ quân sự ở xa thì bạn sẽ là cường quốc quân sự toàn cầu.
– Business Standard India ngày 7/1/2018: “Thủ Tướng Căm Bốt Hun Sen dẫn đầu cuộc tập họp khổng lồ kỷ niệm ngày xụp đổ của chế độ diệt chủng Khờ-Me Đỏ, nắm lấy cơ hội này để đánh bóng tăm tiếng của ông như là một vị cứu tinh của đất nước. (Cambodian PM. leads rally on anniversary of Khmer Rouge’s fall) Bốn chục ngàn người (40,000) đã tham dự buổi lễ kỷ niệm do đảng đương quyền tổ chức, được quân đội Việt Nam dựng lên ngày 7/1/1979 sau khi lật đổ chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot. Số người tham dự cuộc tập họp năm nay lớn hơn những năm trước được tổ chức giữa lúc Ô. Hun Sen kiểm soát chính quyền mạnh mẽ hơn sau khi giải tán một cách có hệ thống đảng đối lập trước cuộc tổng tuyển cử vào Tháng Bảy năm nay.”
Thà để Ô. Hun Sen độc quyền cai trị Căm Bốt còn hơn Đảng Cứu Nguy Dân Tộc của Ô. Sam Rainsy nắm quyền. Với chính sách “bài Việt’ và đòi lại Miền Nam thì chiến tranh Miên-Việt sẽ nổ ra và cả thế giới lại phải xúm lại can thiệp như kiểu Hòa Đàm Paris 1991.
Ô. Hun Sen là một chính trị gia rất bản lĩnh. Chỉ vì Kampuchia là một nước quá nhỏ bé cho nên thiên hạ coi thường ông. Nếu nước ông lớn như Hoa Kỳ, Trung Hoa hay Ấn Độ thì người ta đã viết sách và ca ngợi ông hết mình. Con hổ vồ con nai thì người ta ca ngợi sức mạnh kỳ diệu của con hổ. Nhưng ít ai ca ngợi sự can đảm trốn chạy để thoát hiểm của con nai.
-US & World Report ngày 8/1/2018: “Hôm nay Việt Nam loan báo thành lập Bộ Tư Lệnh Tác Chiến Điện Tử để bảo vệ chủ quyền (an ninh quốc gia) trên hệ thống liên mạng toàn cầu (Internet) với tuyên bố của thủ tướng chỉnh phủ là những nguy cơ này liên hệ tới sự tranh chấp ở Biển Đông, tình hình phức tạp của khu vực và thế giới. Đơn vị mới có trách nhiệm khảo cứu và tiên liệu những cuộc chiến tranh điện tử. Lời tuyên bố này được loan tải trên trang tin chính thức của bộ quốc phòng và cũng trích dẫn lời Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Việt Nam bị đẩy vào cuộc tranh chấp kéo dài với Trung Hoa tại Biển Đông.”
-Điểm Báo Việt Nam ngày 8/1/2018: “Đại Tướng Yamazaki Koji- Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Tự Vệ Diện Địa Nhật Bản đã sang thăm và thảo luận với các lãnh đạo quân sự Việt Nam.”
-Newsweek ngày 9/1/2018: “Theo South China Morning Post, Hoa Kỳ cam kết cái gọi là tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đông khi cáo buộc Bắc Kinh khiêu khích quân sự tại những hòn đảo còn tranh chấp. Ô. Brian Hook – một viên chức cao cấp, cố vấn về chính sách Á Châu của Bộ Trưởng Ngoại Giao Rex Tillerson nói với các ký giả trong một cuộc họp báo bằng điện thoại vào ngày hôm nay rằng Hoa Kỳ sẽ phản đối mọi hành động đơn phương của Hoa Lục tại Biển Đông trong lúc vấn đề chủ quyền tại đây vẫn chưa được giải quyết.”
-AP ngày 11/1/2018: “Lãnh tụ các quốc gia Đông Nam Á nằm dọc Sông Mekong gặp nhau vào ngày 10/1/2018 tại Thủ Đô Phnom Penh, Căm-Bốt giữa lúc Hoa Lục thúc đẩy việc xây thêm đập để chuyển nguồn nước khiến gây lo ngại về môi trường. Cuộc họp do thủ tướng Căm-Bốt Hun Sen và Trung Hoa Lý Khắc Cường chủ tọa bao gồm lãnh đạo các nước Thái Lan, Lào, Việt Nam và Miến Điện. Các nhà lãnh đạo đồng ý về bản công bố chung nhằm tăng cường mối liên hệ giữa các quốc gia để thúc đẩy việc kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, thương mại và hội nhập tài chính. Các nhà lãnh đạo cũng kêu gọi hợp tác hơn nữa trong việc quản trị và sử dụng nguồn nước Sông Mêkong. “
Nhận Định:
Theo Reuters ngày 2/1/2018, Hồi Quốc (Pakistan) đã triệu tập đại sứ Hoa Kỳ để phản đối việc Tổng Thống Donald Trump đã đưa lên Twitter những lời giận dữ nói rằng Hồi Quốc nói láo và gian trá (lies and deceit) và ngoại trưởng Hồi Khawaja Asif không coi đợt bùng nổ này là một thủ đoạn chính trị (politcal stunt). Trong thời gian nghỉ lễ tại Mar-A-Lago Ô. Trump đã nói trên Twitter rằng Hoa Kỳ trong 15 năm đã ngu dại (foolish) viện trợ cho Hồi Quốc 33 tỉ đô-la nhưng không nhận được gì cả ngoài việc nói láo và gian trá, đồng thời đe dọa giữ lại số viện trợ đã hứa cho Hồi Quốc.
Ô. Trump nổi đóa với Hồi Quốc là vì 17 năm qua Hoa Kỳ không sao giải quyết được cuộc chiến tranh A Phú Hãn do Ô. Bush Con gây ra rồi thành lập một liên quân, có lúc lên tới 53 quốc gia hùng mạnh. Hiện nay Hoa Kỳ vẫn còn khoảng 18,000 quân, 352,000 quân chính phủ Kabul, 20,000 lực lượng an ninh do Hoa Kỳ thuê mướn… mà vẫn không tiêu diệt được Taliban với số quân khoảng 60,000 với lối đánh du kích và tấn công tự sát. Những vũ khí tối tân nhất của Hoa Kỳ đã được sử dụng tại đây như: bom áp nhiệt của Dương Nguyệt Ánh, bom khổng lồ “Mẹ của các loại bom”, siêu pháo đài bay B-52, F-16, F-22, trực thăng vũ trang, trực thăng Chinook đổ quân chuyển vận xe tăng, đại bác, một hệ thống pháo binh diện địa hùng mạnh, chiến thuật trực-thăng-vận đổ quân rất nhanh tới bất cứ nơi nào với thủy quân lục chiến và biệt kích tinh nhuệ có thể đột kích bất ngờ.
Cái khó của chiến trường A Phú Hãn là nó nằm trong hóc kẹt, ngoài con đường tiếp vận từ Hồi Quốc thì không còn đường nào khác. Do đó Hoa Kỳ trong 15 năm qua đã viện trợ cho Hồi Quốc 33 tỉ đô-la để “mua đường”. Nhưng khốn nỗi, quân Taliban đã lợi dụng một vùng biên giới núi non trùng điệp cả ngàn cây số với Hồi Quốc để ẩn náu rồi thỉnh thoảng tung ra những cuộc tấn công bất ngờ…làm Hoa Kỳ điên đầu. Hồi Quốc cũng đã mở những cuộc tấn công vào vùng này nhưng tổn thất mà không hiệu quả, đồng thời tạo ra những cuộc biểu tình phản đối, tấn công tự sát vì 74% dân chúng Thổ thù ghét Hoa Kỳ. Do đó để yên thân, Hồi Quốc theo chính sách mập mờ, không ủng hộ Taliban nhưng cũng không ngu dại hành quân tiêu diệt Taliban hao tổn mà không được gì cả…khiến Ô. Trump nổi đóa vì cho rằng “Ăn tiền tui mà không làm gì cả”.
Trong cuộc tranh cử vừa rồi Ô. Trump hứa, “diệt nhanh, diệt gọn, diệt đẹp” Taliban. Nếu hai năm nữa mà Taliban vẫn sống nhăn thì Ô. Trump khó ăn khó nói với cử tri và Đảng Dân Chủ sẽ vin vào đó để đánh bại ông. Ô. Trump đang lo cho “cái ghế” của ông năm 2020. Đảng Dân Chủ bây giờ cũng đang “lựa gà” để ra “đá” với ông. Sách lược muôn thuở để chiến thắng là “attack and promise” nghĩa là “tấn công và hứa hẹn”. Thế võ này vô cùng hiểm độc và đã hạ bao nhiêu tổng thống đương nhiệm. Một ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ muốn thắng cử không cần thực tài mà cần quyên được nhiều tiền và “tấn công cho giỏi, hứa hẹn cho hay”. Ông Bill Clinton một tay mơ ở Arkansas mà quật ngã Ô. Bush Cha; Ô. Obama một thượng nghị sĩ tầm thường gần như không tên tuổi hạ Bà Clinton trong bầu cử sơ bộ, quật ngã Ô. McCain kinh nghiệm đầy mình. Ô. Trump một thương gia chưa có kinh nghiệm chính trị, chưa từng giữ bất cứ một chức vụ nào trong chính quyền mà đè bẹp Bà Clinton nổi danh khắp thế giới và được cả thế giới ủng hộ. Chính trị là thủ đoạn chứ không phải thực tài. Thủ đoạn ở đây là chớp thời cơ, tấn công đối thủ, kể cả chơi đòn bẩn (low road) và hứa hẹn thật nhiều, dù là những điều không sao thực hiện được. Dân chúng muôn đời thích nghe những lời hứa hẹn, kích động tự ái dân tộc, thích một thiên đường ảo ảnh, mà ít chịu nhìn vào thực tế. Ai không biết hứa hẹn thì không thể làm chính trị.
Ngày 12/3/2107, New York Times trong bài viết “Cuộc Chiến Không Bao Giờ Chấm Dứt Ở A Phú Hãn” (The Never-Ending War in Afghanistan) đã có đoạn, “Cho dù đã đổ vào hơn 750 tỉ đô-la từ năm 2001, quân đội A Phú Hãn bị vây khổn bởi nạn thổi phồng quân số, với những cấp chỉ huy quân sự địa phương bỏ túi tiền viện trợ của Hoa Kỳ trả cho lính không thực sự có. Số lính tham chiến đang chiến đấu cùng với lính ma (ghost soldiers) chỉ là một phần của số lính cần phải có để chiến đấu.”
Ô hô, lính ma và lính kiểng đã là nguyên do làm suy yếu quân đội A Phú Hãn và làm nản lòng Hoa Kỳ. Hiện nay các tướng Mỹ chỉ huy chiến trường A Phú Hãn đòi tăng thêm 150,000 quân nhưng Ô. Trump chỉ dám đưa thêm 3000 quân mà thôi. Không chiến thắng ở A Phú Hãn làm ông Trump tức giận và đổ lên đầu Hồi Quốc.
Vào ngày 4/1/2018, bộ tham mưu của Ô. Trump tuyên bố đình chỉ viện trợ an ninh 225 triệu Mỹ Kim cho quân đội Hồi Quốc cho đến khi họ có hành động dứt khoát chống lại lực lượng Taliban và Haqqqni đang tấn công vào quân đội Hoa Kỳ ở A Phú Hãn. Và tổng số viện trợ 2 tỉ Mỹ Kim cho Hồi Quốc để “mua đường” và mua các thiết bị quân sự của Mỹ cũng đang bị đe dọa. Được hỏi có thể nào Hồi Quốc sẽ đóng con đường tiếp vận từ Hồi Quốc vào A Phú Hãn hay không, Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis nói rằng ông không lo lắng về chuyện này.
Không biết lời tuyên bố nảy lửa của Ô. Trump và quyết định ngưng viện trợ quân sự có làm sứt mẻ thêm mối bang giao với Islamabad không trong lúc ông đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Ba Tư và thế giới chống ông về quyết định công nhận Palestines là thủ đô của Do Thái?
Theo AP ngày 5/1/2018, Hồi Quốc nói rằng còn quá sớm để nói quyết định của Hoa Kỳ ảnh hưởng thế nào tới cuộc chiến chống khủng bố kéo dài đã 17 năm khiến Hồi Quốc chi phí hơn 120 tỉ Mỹ Kim. Nói một cách công tâm nhất, Hồi Quốc bị vạ lây vì cuộc chiến A Phú Hãn. Trong một cuộc phỏng vấn với Geo News Channel, Ngoại Trưởng Khawaja Muhammad Asif của Hồi Quốc nói rằng giờ đây Hoa Kỳ không phải là bạn, cũng không phải đồng minh mà là người bạn luôn luôn phản bội. (In an interview Thursday with the Geo News channel, Foreign Minister Khawaja Muhammad Asif said that the United States was now neither a friend nor ally but a friend who always betrays.) Tuy nhiên cho tới nay Hoa Kỳ chưa nhận được thông báo chính thức nào từ phía Hồi Quốc là họ sẽ chấm dứt hợp tác quân sự, tình báo với Hoa Kỳ.
Theo tôi Hồi Quốc nên “wait and see” xem bước thứ hai Ô. Trump làm gì. Mình là nước nhỏ, muốn thành đại sự phải kiên nhẫn. Nếu ít ngày nữa Ô. Trump không cắt viện trợ thì mình tìm cách đối thoại để đưa ra giải pháp hợp lý. Còn nếu Ô. Trump cắt viện trợ thì việc hủy bỏ hợp tác là đúng, không ai trách mình được.
Theo Sputnik News, Trung Quốc dự định xây một căn cứ hải quân gần cảng quan trọng chiến lược ở Gwadar của Hồi Quốc. Hải cảng này là một phần của hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan và là một trong những phần chính của kế hoạch “Một Vành Đai, Một Trục Lộ” của Ô. Tập Cận Bình. Trong khi đó lại có tin Hoa Kỳ đang thương thảo để sử dụng hải cảng Gwadar này hầu tiếp vận nhanh hơn cho binh sĩ ở A Phú Hãn. Thiếu tiếp vận hay tiếp vận bị ngưng trệ thì binh sĩ tiền tuyến coi như tan rã hoặc phải lập cầu không vận khẩn cấp để rút lui binh sĩ, bỏ lại tất cả vũ khí, chiến cụ.
Theo CBS News ngày 12/1/2018, “Cuộc chiến A Phú Hãn khiến 2400 lính Mỹ tử trận, tốn hết 1000 tỉ Mỹ Kim, nhưng 16 năm sau tình hình thủ đô Kabul của đất nước này vô cùng nguy hiểm. Đường xá có nguy cơ bị mìn nổ rất cao, lính Mỹ không dám dùng đường bộ mà phải dùng máy bay từ Kabul tới bộ chỉ huy của họ chỉ cách đó hai dặm. 21 nhóm khủng bố quốc tế đang hoạt động trên lãnh thổ và có cả những xưởng chế tạo người ôm bom tự sát. Hoa Kỳ bao trả 90% ngân sách của chính phủ A Phú Hãn, thiếu viện trợ Mỹ 4 tỉ mỗi năm A Phú Hãn chỉ có thể nuôi quân trong sáu tháng. ”
Tình hình A Phú Hãn thê thảm, giống hệt như Việt Nam Cộng Hòa những năm cuối cùng, viện trợ Mỹ không tháo khoán kịp thời thì không có tiền trả lương cho quân nhân, công chức. Xin nhớ, khi chiến tranh du kích lan rộng trên quy mô toàn quốc thì không một sức mạnh nào có thể tiêu diệt được. Hình ảnh một cuộc “Chiến Tranh Việt Nam” (A Vietnam War) lại hiện ra trước mắt người Mỹ.
(California ngày15/1/2018)
https://vietbao.com/p112a276499/nhat-ky-bien-dong-o-trump-noi-doa-voi-pakistan
Vui cười
Một người đàn bà nom thấy một thanh niên còn khoẻ mạnh đứng trước một cửa hàng ăn xin. Sau khi ném đồng 25 xu vào trong cái nón, bà ta mới hỏi:
– Dòm anh cũng đâu có đui mù sứt mẻ hay què cụt gì đâu mà lại đứng đây ăn xin vậy?
– Có 25 xu mà bà bắt tui phải đui mù hay què cụt bà mới cho sao? Bà có thấy như vậy là đòi hỏi quá đáng lắm không?
Hai “mày râu” gặp nhau:
– Ê! Năm nay mày thi gì vậy?
– Tao hả? Tao thi bác sĩ
– Ủa! Tao nhớ lúc trước mày tính thi kiến trúc mà?
– Tại lúc trước ba tao còn làm bên xây dựng.
– Còn bây giờ?
– Ổng đóng trại hòm.
Hãy trả sự thật lại cho lịch sử – LS. Lâm Lễ Trinh
*(Đây là một tài liệu giá trị nhận định về một khiá cạnh của biến cố lịch sử đưa đến sự cáo chung của chế độ VNCH. Tài liệu này đã được tiến sĩ Lâm Lễ Trinh trình bầy trong một chương trình phát thanh năm ngoái, tuy nhiên vẫn còn có giá trị lâu dài. Vì thế tiến sĩ Lâm Lễ Trinh đã có nhã ý dành cho VNN loan tải lại, và xin qúy độc giả vui lòng cập nhật một vài con số trong bài cho phù hợp với thời gian tính của năm nay, 2001. Trân trọng cảm tạ tiến sĩ Lâm Lễ Trinh và qúy độc giả. VNN)
***
Từ trên hai thập niên nay, mỗi khi tháng tư trở lại, thì giới truyền thông Hoa kỳ, khối diaspora Việt và chính phủ Hà nội đều đồng thanh nhắc đến cuộc chiến Việt Nam với những nhận xét khác biệt và không thay đổi. Năm 2001 đánh dấu kỷ niệm thứ 26 ngày Miền Nam thất thủ, vì thế khơi lại – gay gắt hơn lúc nào hết – vết thương của quá khứ. Các đài truyền hình trên thế giới, nhân dịp này, cho chiếu lại các phim thương mãi và giả tưởng Deer Hunter, Platoon, Apocalypse Now, Full Metal Jacket…Ngoài ra, một số tài liệu gọi là “quân sử” cũng được họ xử dụng để bình phẩm về 15 năm thảm kịch ở Đông Dương, từ 1961 đến 1975, gây thiệt mạng cho 58.000 lính Mỹ và trên 3 triệu người Việt.
Nhà cầm quyền Bắc Việt dựng ra Mặt trận Giải phóng Miền Nam ngày 20.12.1960, lối sáu tuần lễ sau khi John F. Kennedy đắc cử Tổng thống. Qua năm sau, các lực lượng đặc biệt Hoa kỳ tham chiến. Và sau đó, cuối thập niên 60, dưới thời Lyndon B. Johnson, chiến tranh leo thang với vụ oanh tạc Miền Bắc và Hà nội. Tiếp theo là kế hoạch Richard Nixon “Việt nam hóa” chiến tranh, Hiệp ước Paris và bi kịch Miền Nam sụp đổ ngày 30.4.1975.
Chiến tranh Việt Nam là đề tài được Hollywood khai thác lâu nhứt trong lịch sử truyền hình Hoa kỳ. Tạp chí Journal of Broadcasting có đăng một bài khá tường tận của nhà xã hội học George Baylay nghiên cứu về phương thức của ba hệ thống Ti- Vi Mỹ ABC, CBS và NBC trình bày cuộc chiến này từ 1965 cho đến 1970… Theo ông, gần phân nửa tài liệu chiến tranh liên hệ đến hoạt động của bộ binh và không lực trên chiến trường; lối 12% gồm có các bản văn tuyên bố của chính quyền Hoa Thịnh Đốn và Sài gòn; và sau hết, 3% dành cho tin tức lấy từ đối phương Bắc Việt. Ảnh hưởng của chiến tranh đối với quần chúng Mỹ và những vụ đi bộ cổ võ cho hòa bình, dân chúng xuống đường, sinh viên biểu tình. v.v… của phong trào phản chiến tại Hoa kỳ được trình bày giới hạn, với tài liệu phát xuất phần lớn từ Ngũ Giác Đài. Chỉ trong năm 1971, chi phí để hình thành kho “sử liệu” loại này lên đến gần 200 triệu mỹ kim.
Từ đầu tháng tư đến nay, cũng như mọi năm, trong khi dư luận Hoa kỳ cố quên đi giặc giã, một loạt phim tài liệu xuất hiện trên truyền hình Mỹ dưới tên “Viet Nam, A Televised History”, đề cao chiến thắng của Cộng sản Hà nội và nhai đi nhai lại các tội ác chiến tranh của Hoa kỳ và Quân đội VNCH, căn cứ vào những lời tường thuật sặc mùi xã hội chủ nghĩa của một số nhân chứng và cán bộ gốc Miền Bắc. Đòn tuyên truyền cũ rích này không làm cho chính quyền Hoa Thịnh Đốn thay đổi cảm nghĩ đối với chiến tranh Việt Nam.
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Hoa Thịnh Đốn vẫn bị ám ảnh bởi “Hội chứng Việt Nam [Vietnam Syndrome]” và Hà nội tiếp tục sống phập phồng trong ác mộng “diễn biến hòa bình”. Hai căn bịnh trầm kha này – nói gì thì nói – không giúp họ hoàn toàn gột bỏ các thành kiến đối với đối phương cũ và cả hai cố gắng giải thích cuộc tranh chấp xưa theo nhãn quan riêng: Cộng sản cho rằng họ đã thắng lớn năm 1975 nhờ Mác, Lê và Hồ. Phía Hoa kỳ thì lại xem cuộc chiến tại Đông Dương chỉ là giai đoạn chuẩn bị sự sụp đổ toàn diện của xã hội chủ nghĩa mà xứ Cờ Hoa chủ trương từ đầu. Để đánh dấu 26 năm thống nhứt đất nước, tướng về hưu Võ Nguyên Giáp, nay trên 88 tuổi, kêu gọi thảm thiết Hoa Kỳ giúp Việt Nam xây dựng lại. Như thế, trong hậu trường cuộc chiến Việt Nam, còn nhiều bí mật chưa được tiết lộ. Nhà cầm quyền Mỹ và Việt sẽ không được bình ổn tâm thần và hơn thế, khó thể tìm ra giải pháp thích hợp và bền vững cho đến khi cả hai có đủ can đảm nhận và nói ra sự thật đã và đang phân cách họ.
Đến nay tại Hoa kỳ, đã có một số người liên hệ mật thiết đến chiến tranh Việt Nam và thức giả lương thiện mổ xẻ thẳng thắn vấn đề. Thí dụ, nhiều cộng tác viên với chính quyền Mỹ trước 1975 không ngại dùng những danh từ như “lừng khừng, nóng nảy, vô năng” để phê bình chính sách của Kennedy và Johnson. Paul Kattenburg, cựu Chủ tịch Khối Nghiên cứu về Việt Nam, VN Task Force, kể lại: Trong phiên nhóm Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 31.8.1963, do TT Kennedy chủ tọa, ông đã đề nghị, nhưng vô hiệu quả, Hoa kỳ rút khỏi VN “trong danh dự”. Bị mất chức tháng giêng 1964, Kattenburg nhận định chua chát như sau về Bộ Tham mưu chiến tranh của Kennedy: “Không có một người nào trong nhóm nắm vững những vấn đề thảo luận. Họ không biết gì về Việt Nam. Họ không thấu triệt quá khứ. Họ quên hết lịch sử. Họ không hiểu sự phân biệt giữa chủ thuyết quốc gia và chủ nghĩa Cộng sản. Tôi tự nhủ: “Trời ơi, chúng ta đang đi vào nguy nan to lớn!”.
Trong hồi ký muộn màng “In Retrospect”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Mc Namara thú nhận rằng các “đỉnh cao trí tuệ” của nước Cờ Hoa – trong số này tác giả được dư luận xếp vào hàng đầu! – đều mù tịt về Việt Nam được xem như một “vùng đất lạ, terra incognita” và họ “không nhận diện nổi để phân biệt chủ thuyết quốc gia và chủ thuyết cọng sản.”(!). Trong phiên họp ngày 31.8….1963, tại Bộ Ngoại giao, Hoa Thịnh Đốn, khi biết tin âm mưu lật đổ TT Diệm thất bại tuần lễ trước, Phó Tổng thống Lyndon Johnson bộc trực tuyên bố: “Chúng ta nên chấm dứt cái trò vừa la làng, vừa ăn cướp!”
Ngay từ đầu cuộc chiến, chính phủ HK và Việt Nam Cộng hòa đều quan niệm sai lầm liên hệ đồng minh giữa hai nước. Từ đó sinh ra những bất đồng dẫn đến bất hòa và sự bức tử oan uổng của Miền Nam. Thật vậy, quyền lợi của Mỹ và Việt Nam không tương quan: Miền Nam chủ trương chống Bắc Việt để tồn tại như một quốc gia dân chủ và độc lập, trong khi HK muốn dùng VNCH như con cờ thí để thực hiện quân bình chiến lược tại Á châu bằng cách ngăn Bắc Kinh bành trướng thế lực và đồng thời, chia rẽ Nga sô và Trung cộng. Hoa Thịnh Đốn bỏ rơi VNCH không luyến tiếc sau khi Nixon hội kiến với Mao năm 1972. Hoa kỳ không bao giờ chủ trương cho phép (hay giúp) Miền Nam tấn công Bắc Việt để tránh làm phật lòng Bắc kinh và Mạc tư khoa. Hoa kỳ cũng không phản ứng khi Hà nội vi phạm trắng trợn Hiệp ước Bá lê sau 1973. Hoa kỳ còn ép chính phủ Nguyễn Văn Thiệu ký văn kiện này để có lý do rút quân dưới chiêu bài “Việt nam hóa chiến tranh”.
Vả chăng, Hoa kỳ không coi sự thất trận của Pháp tại Điên Biện Phủ như một tai biến đối với Thế giới tự do, căn cứ vào những tài liệu ngoại giao của nguyên Đại sứ Pháp tại Sài gòn Jacques de Folin.
Vì quyền lợi tương phản, Mỹ đã giành hết trách nhiệm trong cuộc chiến để dễ bề thao túng. Quyền lợi và trách nhiệm trở nên quá chênh lệch nên sự tương cẩn và tương kính không còn nữa. Hai đồng minh như “đôi đũa lệch”. Cảnh đồng sàn dị mộng chấm dứt thê thảm..
Nạn nhân trực tiếp trong thảm kịch trên đây là gần ba triệu người Việt di cư hiện tản lạc khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, họ cũng là chứng nhân lịch sử mang trên thân xác và trong tâm tư mối hờn vong quốc. Khối diaspora này – dù thành công đến đâu ở hải ngoại – vẫn hướng về Đất Mẹ. Thành phần lớn tuổi – sắp giã từ cuộc đời – có trách nhiệm nói lên kịp thời, và nói lớn, cho thế giới biết những sự thật không tô điểm, không phấn son, về cuộc chiến gian khổ của Nhân dân và Quân đội Việt nam Cộng hòa vì chính nghĩa. Đúng thế, một số rất đông trong lớp người này từng nắm giữ vai trò then chốt trong các chế độ đã qua. Họ cần nói sự thật, không phải để tự đề cao mà để vinh danh những anh hùng đã hy sinh và tuẫn tiết trong bóng tối, chống Cộng sản, Độc tài và Thực dân.
Cuộc chiến gian khổ tại VN đã dạy chúng ta biết bao kinh nghiệm bổ ích. Về bạn và thù. Về Điểm và Diện trong chiến lược đấu tranh. Về nhân tình thế thái và vô số vần đề khác.
Chúng ta sẽ ghi mãi trong tâm khảm một điều chán chường là “không một xứ nào sẵn sàng sống chết vì mục tiêu chiến đấu để tồn tại của một nước khác. Không ai thương tổ quốc của chúng ta hơn chúng ta. Dân chủ và nhân quyền là thành quả của một sự tự lực tranh thủ kiên trì, quả cảm và có kế hoạch của một dân tộc bất khuất”. Một điều không thể quên khác là “Sự liên minh với bất luận một đại cường nào, dù mạnh đến đâu, rồi cũng sẽ đưa đất nước vào ngõ cụt nếu không có dân tộc hậu thuẩn. Cái thế dân tộc vô địch và vô song. Không tin, không tạo và không xử dụng triệt để “thế dân tộc” thì thất bại đương nhiên, thất bại thê thảm.
Bởi thế, để dựng lại nước, cần lắng nghe rất nhiều nhân chứng trung thực. Điều này hệ trọng hơn là đốt đuốc đi tìm lãnh tụ giữa ban ngày.. Thật vậy, lãnh đạo là gì nếu không phải là tìm cách thấu triệt ý muốn của đại chúng và phục vụ hết lòng nhu cầu chính đáng của dân?
Nếu không nhằm mục tiêu đào sâu thêm hố hận thù thì sự thật có phép lạ nhiệm mầu: Sự thật giải thoát, Sự thật hàn gắn và Sự thật hòa giải. Và nếu biết sám hối và tránh tái phạm lỗi lầm thì Dĩ vãng là một trường đời dạy nhiều bài học vô giá. Theo lời của học giả George Santayana, “Kẻ nào không thể nhớ dĩ vãng, bị phạt dựng lại quá khứ.” Kinh nghiệm, vả chăng, từng chứng minh: Chính trị hủy diệt nhiều hơn đơm hoa. Các thời đại chứng nhân trong lịch sử nhân loại thường tạo nên những nhà lãnh tụ xuất chúng vì họ được trui rèn trong thử thách. Trước khi chỉ huy, họ đã là nạn nhân và nhân chứng.
Năm 1975, CSVN đã thắng. Bằng võ lực, bằng đàn áp. Năm 2001, CSVN đang thua – và thua đậm – một trận chiến mới: trận chiến thu phục nhân tâm và giải quyết nạn nghèo đói, kém phát triển của dân tộc. CS xa dân, phản dân và mất dân.. CS thất bại. Người công bộc xã hội chủ nghĩa thoái hóa đã biến dạng thành chủ nhân ông chễm chệ. CS có thể gạt một số người nhẹ dạ trong một thới gian nhưng không thể gạt mãi mãi tất cả mọi người.
Vì thế, phải nói sự thật.. Để giúp ý và mở mắt các lãnh tụ sắp đến của một nước Việt tiến bộ và dân chủ. Nói sự thật để hướng dẫn lớp trẻ Việt Nam, chất xám quý hóa và hy vọng cuối cùng trong kế hoạch phục hồi xứ sở. Để tránh những lỗi lầm và vấp ngã của các thế hệ trước. Để xóa cái nhục chậm tiến mà Hồ Chí Minh và bè đảng trong Chính trị bộ Hà nội đang phủ lên giang sơn gấm vóc Việt Nam từ trên nửa thế kỷ nay. Chúng ta không còn một chọn lựa nào khác.
https://cuuhocsinhphuyencom.wordpress.com/2018/01/08/hay-tra-su-that-lai-cho-lich-su/
Nước Pháp Và Nỗi Ám Ảnh Súng – Phan Văn Song
Cuối năm đến, đây là thời gian để làm những bản thống kê : thống kê tài sản quốc gia, thống kê tình trạng kinh tế đã đành, thống kê tình hình chánh trị quốc gia, quốc tế, cần thiết… nhưng còn thống kê, tổng kết những con số để đo để lường để đánh giá những kết quá do chánh sách, do phương trình áp dụng để quản trị và điều hành đất nước năm qua, với những tỷ lệ, những con số, từ những tai nạn xe cộ đến tình trạng tâm thần của người công dân. Những năm gần đây, và đặc biệt năm qua, trong thời gian mà cả thế giới phải sống và đang sống trong một tâm trạng lo âu của « cái sợ do bọn khủng bố hồi giáo quá khích gây ra cho Âu châu ». Từ cái tâm trạng lo âu của sự « thiếu an lành » cộng với cái tâm trạng « thiếu ổn định » do thị trường lao động « không tạo việc làm », đến tâm trạng « mất bình yên, thiếu sự an ninh » cho môi trường sống, cho làng xóm láng giềng, cho thành phố, nơi ăn chốn ở. Tóm lại, vì sợ khủng bố, do bọn khủng bố tạo nên, nên tạo một tâm trạng «sống» trong trong một môi trường « thiếu vắng sự an ninh»… Nên dư luận Âu Châu và đặc biệt ở Pháp bắt đầu nói đến quyền «tự bảo vệ », tức là quyền « tự võ trang để tự bảo vệ».
Ở Huê kỳ do tai nạn về súng đạn hơi nhiều, gần như hằng năm, nên dư luận và nhà cầm quyền đều phải đặt thành vấn đề, nhưng vẫn không giải quyết nỗi, vì quyền «người công dân có súng» là một quyền công dân do Hiến Pháp quy định ; chiếu tu chính Hiến Pháp số 2, của Hiến Pháp Huê Kỳ. Nhưng còn ở Pháp? Một hiện tượng mới, các câu lạc bộ « bắn súng» càng ngày càng đông khách. Càng ngày càng nhiều người Pháp mê và thích súng. Ai cũng muốn có một cây súng «riêng» cả!
Câu hỏi là: có bao nhiêu công dân Pháp, nam hay nữ, nam và nữ, không còn tin vào sự bảo vệ của nhà nước Pháp nữa? Và họ là ai?
1/ Những người dân rất bình thường:
Cái ngạc nhiên thường gặp ở Pháp là những con người « yêu súng » là những con người rất bình thường. Không phải một anh cao bồi trong những phim viễn tây Mỹ, kiểu John Wayne, Robert Mitchum, Randoph Scott hay Yul Brynner… mà cũng chẳng phải một chàng gangster, đầu đội mũ Borsalino, kiểu Humphrey Bogart, Richard Widmark hay Alain Delon… súng mang trong ngực áo, trong những phim trinh thám Mỹ hay Ý… Marc, chúng ta cứ gọi anh ta là Marc, Marc hẹn với nhóm điều tra chúng tôi, tại một bãi parking đậu xe của một siêu thị của một thành phố nhỏ chúng tôi xin phép dấu tên. Với tất cả sự cẩn thận, ngó trước ngó sau, anh bằng lòng kể cho nhóm điều tra một câu chuyện không lấy gì làm hãnh diện cho anh cho lắm. Anh vừa ai đó tố cáo, bị cảnh sát đến xét nhà, và đã tịch thu một khẩu súng lục cùng hai súng trường ; anh cũng phải sắp sửa phải ra hầu tòa vì tội sở hữu súng bất hợp lệ nầy, một tội thật là « bất bình thường » cho một thường dân sống tại Pháp. Dĩ nhiên, chúng ta không bắt buộc phải nhìn thấy một anh chàng Clint Eatswood mũ stetson cao-bồi, áo ca-rô, quần jean cao-bồi, bốt ủng, với cặp Colt Navy Western Smith&Wesson lủng lẳng bên hông, hay một anh vạm vỡ, râu quay nón, đầu trọc, như phim Rambo, hay Commando, cựu special force Vietnam, giọng ồ ề, colt US .45, treo trên ngực, áo dã chiến dù, bottes de saut… Nhưng ta cũng không bắt buộc phải gặp một anh chàng chơn mang dép nhựt, áo thun, quần vãi kaki, rất người dân bình thường, đi một chiếc xe hiệu peugeot bình thường, trên xe có cả chiếc ghế chở con nít ở hàng ghế sau. Đó là Marc, một người dân Pháp bình thường như mọi người dân Pháp, sống tại một thành phố hạng hai bình thường của xứ Pháp. Và thử hỏi có phải đây là hình ảnh biểu tượng của những loại người đam mê súng, mê súng, thích súng, chơi súng, sưu tầm – collectionneur súng, đệ tử của những « câu lạc bộ súng tương lai đang tràn ngập xứ Pháp không ?
Và anh ta thản nhiên thú nhận không một thái độ tội lỗi gì, anh hiện sở hữu một khẩu súng lục P38 Special .38, do «một người bạn của một người bạn» bán lại, một khẩu súng trường quân đội MAS 36 cũ, với một lô khoảng 20 viên đạn, cùng một khẩu súng săn hai nòng trên dưới (canons superposés) nòng – calibre 12, với hai hộp đạn chài chì số 6 (plomb n° 6). Tất cả không có giấy phép, kể cả Giấy Phép đi Săn – Permis de Chasse. Đó «chỉ để dùng để tự vệ, khi cần thiết thôi!» anh nói một cách dững dưng, bình thản! «Tất cả đã bi tịch thu», anh ngao ngán cho chúng tôi biết. Và chắn chắn phải hầu tòa và vĩnh viễn mất cả súng ngắn lẫn hai cây súng trường cùng lô đạn. Và càng đau đớn hơn là với cái án nầy, vĩnh viễn anh không có quyền có súng, dù anh có ghi tên làm hội viên một câu lạc bộ thể thao bắn súng đi nữa!
Thật vậy ở Pháp, chánh quyền chỉ cấp giấy phép cho những hội viên các câu lạc bộ «bắn súng thể thao – tir sportif», hay cho những chánh khách có chức vụ hay nghề nghiệp cần phải được bảo vệ sanh mạng. Tất cả những luật lệ ấy làm bực mình «những» Marc, vì dân số những người như Marc ngày nay khá đông tại Pháp.
2/ Một Luật lệ quá khắc nghiệt :
«Luật lệ quá khắc nghiệt!» Tất cả «những» Marc đồng than trách! Người ta cảm tưởng nghe một công dân Mỹ thuộc Đảng Cộng Hòa Mỹ bầu phiếu cho Tổng Thống Trump, bảo vệ hết mình Tu chính số 2 của Hiến Pháp Huê kỳ. Marc cùng các bạn của Marc không hiểu tại sao Pháp không có một luật bảo vệ «cái quyền dân chủ tự bảo vệ» ấy, «mỗi người công dân phải có một khẩu colt để tự bảo vệ bản thân» chứ! Marc và các bạn khẳng định rằng, mỗi công dân khi gặp hoạn nạn, khủng bố, hay ăn cướp, nhơn viên công lực đều không có mặt để can thiệpn hay bảo vệ họ kịp thời!
Thật vậy, Marc và các bạn Marc có lý. Trước năm 2015, ở Pháp, có thể chỉ có một số nhỏ người dân, thiểu số không nghĩ như vậy. Nhưng từ 2016, từ sau vụ tòa soạn tuần báo « Charlie Hebdo » bị quân khủng bố, gồm chỉ có hai anh em thôi, mà đã tàn sát cả đến 16 chết và 4 bị thương, đến vụ quân khủng bố bắn người ở Bataclan, Paris … rồi đến vụ xe tải tông giết người ở thành phố Nice… dư luận công chúng Pháp đã đổi hướng suy nghĩ. Đa số đã bắt đầu nghĩ đến phải có súng cá nhơn, phải tự tập bắn, để tự bảo vệ mình và gia đình mình. Cả cá nhơn chúng tôi, cũng như bao người á châu, thích cất giữ trang hoàng trong nhà…vũ khí á đông, gươm nhựt, kiếm nhựt; nay cũng vừa sắm hai cây súng săn, vài hộp đạn chài, gọi là khi cần thiết, mặc dù ở một vùng nhà quê rất an toàn. Với súng săn, thủ tục xin phép cũng dễ thôi, thì chỉ cần ghi tên vào một câu lạc bộ đi săn ở làng, có giấy sức khỏe để có một giấy phép đi săn thôi. Đạn chài, chì 6, chì 8 thật sự chẳng giết ai, nhưng tiếng nổ, và tâm lý có súng bảo vệ cũng gọi là « đánh trống, đánh phèn » kêu cấp cứu với láng giềng hàng xóm. Và bạn bè chúng tôi ở làng và chung quanh đều như thế cả. Nhứt là vì xứ nhà quê, nên hầu như nhà anh bạn nào cũng có súng săn, có khi có cả nhiều loại, nhiều đời súng săn cha truyền con nối qua nhiều thế hệ. Hai cây súng hiện thời của tôi, cả hai đều canons juxtaposés cal.20 và cal.16 đúng là loại xưa do các bạn dư xài, bán tặng chúng tôi, mỗi cây một euro – súng dao kiếm là khí giới phải mua, hoặc cướp, không được cho, trừ Vua ban với chức vụ, hay cha truyền con nối.
3/ Năm Chục Ngàn Tay Súng Mới:
Nước Pháp có truyền thống là xứ của dân thích đi săn bắn. Xứ Pháp hiện nay theo thống kê có 4 triệu cây súng, có khai báo đàng hoàng, đa số là súng trường, súng săn. Nhưng nhiều năm nay, một hiện tượng mới, một đam mê mới, thích bắn súng «thể thao». Các câu lạc bộ «bắn súng thể thao» càng ngày càng có số người ham mộ ghi tên càng đông. «Con số được nhơn đôi năm vừa qua» Thierry Coste, Tổng Thư ký Liên hôi – Association Guillaume Tell (tên một xạ thủ bắn tên bằng nỏ – arbalètre, của truyền thuyết Thụy sĩ, rằng ông đã bị ông một quan phạt phải bắn quả táo để trên đầu con trai của ông cách xa 100 bước) gồm 6 câu lạc bộ dân yêu súng của nước Pháp. Từ năm 2011, các hội bắn súng đã thâu thêm 50 ngàn hội viên mới.
Cơ quan đầu tiên lo lắng đến hiện tượng nầy chính là chánh quyền Pháp, vì con số đơn xin phép mua súng càng ngày càng nhiều cao lên. Và con số sở hữu súng bất hợp lệ cũng càng ngày càng động. «Với Tình trạng Khẩn cấp – État d’Urgence» của nước Pháp ngày nay, và thêm quyền được xét nhà – droit de perquisition, làm sao không tạo cho dân chúng một quyền tự bảo vệ?» một vị thẩm phám giấu tên tỏ rõ phản ứng. Và do những vụ xét nhà, những con số rợn người được nêu rõ: 6 000 khẩu súng năm 2015 – chỉ 4 000 năm 2014; qua năm 2016 là 8,000 ; và với 2017 chưa hết (tháng 10) đã có 8 000 khẩu súng đủ loại rồi !
Đó là quan điểm phía chánh phủ. Còn phía người công dân, Guillaume Lorans, 30 tuổi, nghề nghiệp phi công hàng không dân sự, một người dân bình thường, sức khỏe tâm thần tốt, hiện ngay đang đứng đầu một phong trào cổ động người công dân có quyền được mang súng. L’Association pour le Rétablissement du Port d’Armess citoyen (l’ARPAC) – Hội Xin Hồi phục quyền Công dân có Súng. Dùng từ Hồi phục – Rétablissement để chứng mình quyền ấy là một quyền tự nhiên. Hội có mạng facebook và thú nhận đã có trên 14 000 hội viên. Nói tóm lại, không nói hẳn ra mặt, rằng nước Pháp có cả vài tiểu đoàn công dân có súng. Pierre, một nhơn chứng khác cho biết, là một hội viên bắn súng thể thao, anh là chủ nhơn, và xử dụng một khẩu súng lục hiệu Glock 19, một tuần ba lần, anh đến câu lạc bộ « bắn súng thể thao » tại một vùng ngoại ô Paris rằng con số hội viên năm nay của câu lạc bộ anh đã từ 120 năm 2015 lên đến 2015!
Hiệp hội bắn súng thề thao cũng xác nhận sự tăng trưởng của môn thể thao nầy… Nay đã 250 000 hội viên. Nhưng tất cả các hội bắn súng vì là « thể thao» nên có một không khí rất gia đình, láng giềng, thân thiện. Tuổi tác? «Từ 9 đến 80 tuổi, chúng tôi từ chối những đòi hỏi bất bình thường. Thí dụ, vừa qua chúng tôi từ chối một người muốn vào hội vì bà vợ vừa tặng anh ấy một khẩu Kalachnikov – AK47, và muốn gia nhập hội để tập bắn và … có giấy phép. Chẳng những tôi từ chối mà còn báo cho cảnh sát nữa, vì đấy là bổn phận chúng tôi» Anh Chủ tịch câu lạc bộ một cùng cạnh Paris tuyên bố thẳng thừng như vậy!
Một câu lạc bộ khác ở miền Nam nước Pháp, cũng cho biết, để hiểu rõ quyết tâm của người tân hội viên có thật sự thích bắn súng thể thao không ? Là bắt buộc, trong 6 tháng đầu mỗi tuần phải đến hai buổi và tác xạ bằng súng hơi bắn đạn chì – buồn năm phút cho những tay thích bắn súng.
Một sự thực cần phải nói rõ rằng, là một số đông các tân hôi viên là các nhơn viên công lực, cảnh sát, hiến binh – gendarmes, thuế vụ – douaniers, giữ tù – surveillants de prisons, lo lắng không đủ thành thạo nhuần nhuyễn và kinh nghiệm với con số đạn nhà nước cung cấp để bắn tập luyện quá ít, chỉ với 90 viên đạn thôi ! Cũng do đó chúng ta cũng khó kiểm soát được cái « không khí gia đình truyền thống » của một câu lạc bộ « bắn súng thể thao » !
Giới bác sĩ y khoa cũng rất lo ngại về hiện tượng nầy. Bởi con số đòi hỏi giấy chứng chỉ sức khỏe tốt để xin ghi tên vào các câu lạc bộ bắn súng cũng tăng bất thường. Một Bác sĩ vùng miền Nam nước Pháp cho biết rằng nhiều người ghi tên vào một câu lạc bộ, chờ đủ hai năm, với độ vài buổi tập bắn để đủ quyền mua súng để ở nhà, xong rồi không vào câu lạc bộ nữa. Trong giới nầy đa số là dân trẻ giữa 18 đến 35 tuổi. Theo lý do ông nghĩ chỉ là Sợ thôi. Do đó rất nguy hiểm !
«Cứ sau một cuộc khủng bố, là hiện tượng mua sắm súng bùng lên» Yves Gollely, Chủ tịch Phòng thương mãi nghiệp đoàn các nhà Bán Súng- Chambre syndicale des Armuriers, nhận xét. «Trong vòng 48 giờ, sau một cuộc khủng bố là chúng tôi nhận điện thoại dân đòi mua sắm súng bằng mọi giá». Ngay ngày hôm sau, cuộc khủng bố Paris, tiệm của ông, nằm ngay quảng trường Bourse, được một người khách vào hỏi mua một áo giáp chống đạn sẽ dùng để đi xe métro đi làm việc.
Để Kết Luận:
Trong cái không khí đầy sợ sệt nầy, dân chúng thích mua súng cũng là chuyện bình thường và người dân sẳn sàng đi tù chỉ để tự vệ. « Thà đứng thẳng để bị 12 người xử tội còn hơn nằm yên để được 6 người khiên » – Ngụ ý : Thà bị bỏ tù bởi 12 người của bồi thẩm đoàn Tòa Đại hình, hơn là được 6 người nhà đòn khiên quan tài mình.
Ngày nay, có thể mua súng lậu trên mạng… ở Bỉ, ở Mỹ, với một khẩu súng, được tháo làm ba bốn phần, để gởi từng bộ phận về nhà ráp lại. Đạn tìm cũng dễ, qua các câu lạc bộ, bán lại ăn lời.
Nhiều nhà luật học cũng cung cấp thêm những lý do cho cái tự do mang súng. Luật sư Thibault de Montbrial là một. Hội viên của luật sư đoàn Paris, Chủ tịch của Trung Tâm Nghiên Cứu về An ninh Nội chính – Centre de Réflexion sur la Sécurité intérieure từ 20 năm nay, và ông thường diễn thuyết ở Luật Sư đoàn và dùng Trung tâm ấy để đặt lại vấn đề sự « tự bảo vệ chánh đáng – légitime défense».
Đối với ông, vấn đề quan trọng chính là vấn đề an ninh công cộng – sécurité publique. Và ông đề nghị một giải pháp quyền « được mang súng với những khung rào luật lệ rõ ràng ». Với ông, lúc nầy là lúc cần thiết. Để giúp đở các cơ quan công lực đang bị tràn ngập bởi những vấn đề an ninh, phải tạo một cơ quan bán quân sự gồm các cựu cảnh sát, cựu quân nhơn, mà cả những người tình nguyện được lựa chọn rõ ràng được võ trang, huấn luyện để bảo vệ xã hội. Cả đến những ngày hôm nay, ông nếu có dịp, vẫn cố nói rõ quan điểm nầy của ông… cơ quan ấy sẽ được xử dụng trong những buổi lễ lạc lớn, lễ Giáng Sanh, Chợ Giáng Sanh, Đại Nhạc Hội, Lễ Thể thao, Hí trường, Sân Vận Động …
Ông thường dùng thí dụ, để dẫn chứng quan điểm của ông :
Vụ Charlie Hebdo : Họa sĩ Charb, giám đốc tuần báo hí họa Charlie Hebdo, bị ám sát chết, có bằng bắn súng thể thao, đang làm đơn xin phép nhiều lần để có giấy phép được mang súng, nhưng… Kết luận, biết bắn, biết sử dụng súng, có súng mà súng để ở nhà… cũng như không!
Và vụ đêm quân khủng bố đánh nhà hát Bataclan: chỉ một tiếng súng nổ của một ông cò (commissaire) của Đoàn Cảnh sát Chống Tội phạm – Brigade Contre la Criminalité bắn trả vào một tên khủng bổ, là chúng nó hết chạy tán loạn và núp vào nhóm người làm con tin. Nếu không có phát súng ấy, có thể chúng nó tiếp tục tàn sát nhiều người hơn nữa…
Nhưng vậy, phải cho phép người dân được quyền «tự võ trang, tự bảo vệ». Nước Pháp, Âu châu ngày mai, sẽ là hình ảnh của một xứ Huê Kỳ, với các Shériff, với các cơ quan bán quân sự, với những người dân được võ trang tự bảo vệ xóm làng, láng giềng nhà cửa, gia đình mình… Tại sao không ?
Kính chúc tất cả quý thân hữu một Mùa Giáng Sanh an lành.
Hồi Nhơn Sơn, Giáng Sanh 2017
Vui cười
– Nếu không có vợ tôi, hôm qua một tên móc túi đã lấy hết tiền của tôi rồi.
– Thế nào? Cô ấy bắt quả tang hắn à?
– Không, trước đó cô ta đã lấy hết nhẵn tiền ở túi tôi!
– Thưa ngài cảnh sát, con chó này không phải là của tôi, nên tôi không trả tiền phạt về sự làm bẩn đường phố của nó…
– Nhưng nó đi theo anh cơ mà?
– Được thôi, cũng như ngài đi theo tôi, nhưng tôi có quen ngài đâu!
Hai bạn gái lâu ngày gặp nhau:
– Trời ơi, bữa nay bà cao giống diễn viên điện ảnh dễ sợ! Có bí quyết gì chỉ nghe coi?
– Tại tao hay ăn chân cò nên nó cao vậy đó.
– Thôi chết rồi …
– Ủa, sao vậy?
– Tao thường ăn mỏ vịt…
– Hèn gì mỏ mày dạo này hơi chu ra rồi đó nghe!
Con đường trắc trở tới hòa bình – Trọng Đạt
Tháng 9, tháng 10-1972, cuộc hòa đàm Paris đã được khai thông, Hà Nội chịu nhượng bộ các điều khoản chính và có nhiều triển vọng Hiệp định sẽ được sớm ký kết vào cuối tháng 10.
Kissinger phấn khởi tin tưởng sẽ mang lại hòa bình trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 7-11-1972, ông ta sẽ làm cho Nixon đắc cử rồi tha hồ khoe công trạng. Nhưng vấn đề không đơn giản như thế, một trở ngại không ngờ vào hạ tuần tháng 10 tại Sài Gòn đã làm cho ông tiêu tan mọi hy vọng. Phía VNCH chống đối quyết liệt bản Dự thảo Hiệp định mà Kissinger và Hà Nội đã thỏa thuận với nhau từ giữa tháng 10. Ông đã thuật lại chuyến đi Sài Gòn từ 18 tới 23 tháng 10-1972 trong 34 trang giấy, cuốn White House Years, (1). Các nhà sử gia Walter Isaacson, Larry Berman, Marvin Kalb, Bernard Kalb cũng đã viết về sự trở ngại từ phía miền nam VN (2) nhưng có khác với lời kể của Kissinger về chi tiết. Tổng thống Nixon cũng đề cập tới chuyện này trong hồi ký của ông (3)
Dưới đây tôi xin lược dịch lời thuật của tác giả trong White House Years như đã nói trên
Kissinger ở Paris về Mỹ ngày 12-10-1972 báo cáo với TT Nixon đã hoàn thành gần hết ba mục tiêu năm 1972: viếng Nga, Trung Cộng và báo cáo những điều khoản Hiệp định có nhiều thuận lợi cho Mỹ. Nixon chú ý nhất về sự phản đối (sẽ có) của Thiệu, Kissinger lạc quan cho là lần này nhiều thành quả hơn những năm trước, Nixon cho gọi rượu, thịt để ăn mừng.
Như đã ghi trong thời khóa biểu, Kissinger nói sẽ trở lại Paris 17-10 họp với Xuân Thủy về tù dân sự ở miền Nam và việc thay thế vũ khí cho VNCH, ngưng bắn tại Miên, Lào. Sau đó ông ta sẽ từ Paris bay tới Sài Gòn ngày 18-10 ở lại 4 ngày, rồi sẽ đi Hà Nội, về lại Mỹ ngày 24, tuyên bố bản Hiệp định ngày 26 và sẽ ký kết ngày 31-10. Kissinger hy vọng mọi chuyện tốt đẹp, chiến lược của ông ta là làm cho CS Hà Nội sốt ruột vì họ muốn ký sớm (trước bầu cử TT Mỹ). Nixon đồng ý với Kissinger, Winston Lord (phụ tá của Kissinger) ở Paris cho Xuân Thủy biết TT Nixon đồng ý bản Dự thảo có 4 diểm thay đổi của BV (tức nhượng bộ), không có những cái này phía Mỹ sẽ không chấp nhận. Những thay đổi gồm cả cấm xâm nhập, viện trợ cho VNCH, Hội đồng hòa giải không có thực quyền.
TT Nixon không can thiệp vào đàm phán, theo ông Hiệp định sống còn do sức mạnh cưỡng bức thi hành (enforce the agreement) chứ không phải do mánh lới các điều khoản. Điều cần quan tâm của ông là sự tan vỡ giữa Mỹ và VNCH mà ông tránh bằng mọi giá, nếu TT Thiệu cản trở Hiệp định sẽ phải ký kết vào sau ngày bầu cử TT (7-11-1972). Kissinger mơ tưởng Thiệu sẽ thuận ký vì nó tốt hơn những khoản mà ông đã đưa cho Thiệu trong hai năm qua với sự đồng ý của Thiệu. Nixon quả quyết Hiệp định sẽ khộng giúp gì cho cuộc bầu cử hoặc chỉ chút xíu thôi, ngược lại bầu cử còn làm cho đàm phán nhanh hơn Rogers, Bộ trưởng ngoại giao hoan hô bản Dự thảo Hiệp định này, cho là thắng lợi của Mỹ, ông cử Thứ trưởng Sullivan giúp Kissinger về các thủ tục ngoại giao ký kết Hiệp định, Sullivan cựu Đại sứ Lào sẽ phụ tá cho Kissinger trong tháng 10 và sẽ đi theo ông ta. Ngày 13-10 Kissinger nhận được điện tín của Đại Sứ Bunker từ Sài Gòn gửi sang cho biết bản Dự thảo (Hiệp định) sẽ như con tầu vào vùng biển bão tố Sài Gòn, Thiệu sẽ đương đầu với chúng ta (try to stare us down). Ông ta cho là nếu chiến tranh tiếp diễn một hai năm nữa sẽ ký được một Hiệp định tốt hơn nhưng Mỹ không thể chống đỡ một cuộc chiến không mục đích. Kissinger nói Bunker hãy tóm tắt nội dung dưới đây rồi đưa cho ông Thiệu “Ông Thiệu phải hiểu là Mỹ có thể ký Hiệp định từ lâu với điều khoản phải loại bỏ Thiệu, vậy ông ta cần củng cố tương lai của ông, cần linh động không thể chống đối Mỹ được, đổi lại những nhượng bộ của BV, Thiệu cần tỏ ra linh động về ngưng bắn tại chỗ”
Bunker tóm tắt lời của Kissinger (như trên) rồi giao cho ông Thiệu hôm 14-10 nhưng không thấy trả lời. Ngày 14, 15 Kissinger nòi với Đại sứ Nga Dobrynin để yêu cầu Nga giới hạn viện trợ cho BV sau khi ký Hiệp định nhưng họ vẫn vi phạm.
Ngày 16-10 Kissinger đi Paris, Nixon gửi điện tín cho ông ta.
“Cứ làm theo lẽ phải, không phải để ý tới cuộc bầu cử, không để lỡ cơ hội chấm dứt chiến tranh trong danh dự sẩy mất. Bằng mọi giá phải tránh Liên hiệp (Coalition goverment). Tóm lại làm theo lẽ phải, bảo đảm hòa bình danh dự nhưng không để vấn đề bầu cử (TT Mỹ) ảnh hưởng tới”
Khoảng thời gian trống tại Paris
Kissinger họp với Xuân Thủy, ông ta không có nhiều quyền như Lê Đức Thọ. Phía Mỹ bổ túc Hội đồng hòa giải có thể giám sát cuộc bầu cử Tổng thống (miền nam VN) nhưng không có quyền ra lệnh, một cuộc tuyển cử phải được VNCH thỏa thuận. Vấn đề thay thế vũ khí trên cơ bản một đổi một những cái bị hư hỏng được Xuân Thủy đồng ý. Xuân Thủy đề cập tới tù Việt Cộng, Kissinger từ chối nói chuyện này để các phe VN bàn với nhau, ông ta cũng nói không thể tiến hành Hiệp định nêu không có sự đồng thuận của Sài Gòn. Ông sẽ đi Sài Gòn rồi sẽ phải qua Paris, sẽ phải gặp LĐ Thọ tại Vạn Tượng (thí dụ vậy). Kissinger đã hỏi ý kiến (hôm 16, tại Mỹ) Bộ trưởng QP Laird, Tướng Abrams, họ ủng hộ mạnh mẽ bản Dự thảo, Rogers (Bộ trưởng NG) và Tướng Alex Johnson cho là đầu hàng BV. Nixon khuyên Kissinger đi gặp Thiệu như đi đánh ván bài, ráng giữ là bài ăn tới phút cuối. Kissinger sẽ đòi Hà Nội nhiều hơn, ông sẽ không theo lời khuyên của Nixon. Khi ở trên máy bay ông điện tín cho Hà Nội (ngày 18) dưới tên Nixon nói là không thể đi Hà Nội trong khi cần họp với Thọ tại Vạn Tượng hay Paris.
Ông ta đồng ý với Thọ về giảm oanh tạc BV khi đàm phán sau cùng và sẽ ngưng oanh tạc 24 giờ trước khi Kissinger tới Hà Nội
Mỹ kiểm kê kho vũ khí tại Sài Gòn để thay thế, vũ khí được mang tới lấy mật danh “Enhance Plus”. Mọi người lạc quan trừ Negroponte (phụ tá Kissinger), họ cho là ông Thiệu sẽ rất thích Dự thảo ngưng bắn tại chỗ, nó sẽ khiến VNCH có 90% dân số. Cấm, xâm nhập, bóng ma Liên hiệp bị dẹp bỏ, sẽ có Quốc tế kiểm soát, cán bộ VC sẽ nằm yên trong tù, viện trợ quân sự của Mỹ cho miền Nam vẫn tiếp tục
Tham khảo với ông Thiệu
Bunker làm Đại sứ (tại VN) đã năm năm dưới hai thời Tổng thống Johnson, Nixon, ông ta ủng hộ chính phủ. Thiệu bắt Bunker chờ đợi, chầu chực, hoãn gặp… nhưng ông ta không than thở.
Kissinger gặp Bunker, Abrams tại tòa Đại sứ Mỹ. Kissinger và ông Đại sứ đã nói với TT Nixon nếu rút quân thêm sẽ đưa tới tình trạng tồi tệ. Cộng quân ra sức chiếm đất quanh Sài Gòn trước khi ngưng bắn. Charles White House (Phụ tá của Bunker) cho rằng Thiệu sẽ không chấp nhận bản Dự Thảo trước cuộc bầu cử TT 7-11, ông ta muốn trì hoãn, White House nói đúng.
Kissinger hỏi ý kiến Phil Habib, Đại sứ Mỹ tại Đại Hàn mà ông gọi đi theo tới Sài Gòn, Habib đã tham gia vấn đề VN cả chục năm, ông này chủ trương rút bỏ VN trong danh dự, không đầu hàng CS. Ngày 19-10 Kissinger tới dinh Độc Lập phải đợi 15 phút sau đó phụ tá Hoàng Đức Nhã mời vào. Ông Thiệu không chào, thản nhiên nhận thư Nixon, bức thư nói đại lược:
“TS Kissinger sẽ tường trình cho ông chi tiết bản Dự thảo Hiệp định, tôi không nói thêm, tôi nghĩ chúng ta không có lựa chọn nào ngoài bản Dự thảo này. Nó cho thấy phía bên kia (BV) đã nhượng bộ nhiều, nó sẽ cho ông và dân chúng miền Nam có thể tự vệ và quyết định số phận VNCH về chính trị.
Xin cam đoan với ông chúng tôi sẽ duyệt lại mọi điều chúng ta nghi ngại có thể gây ra hậu quả không tốt
Cuối cùng TT Nixon kết luận
TS Kissinger, Tướng Haig và tôi đã thảo luận về đề nghị này rất lâu, cam đoan nó là thành quả mà chúng tôi đã phấn đấu hết sức để đạt mục đích: VNCH phải tồn tại như một quốc gia tự do”
Ông Thiệu đọc xong không nói gì rồi mời mọi người vào phòng bên nơi HĐ an ninh QG đang ngồi họp. Phía Mỹ có Kissinger, Bunker, White House, Abrams, Sullivan, Lord và thông dịch viên (Anh Việt) David Engel, Thiệu khai mạc nói ông Hoàng Đức Nhã là thông ngôn.
Kissinger cho rằng mọi người VN ở đây đều hiểu tiếng Anh như vậy ông ta gây khó dễ cho phía Mỹ
Kissinger bắt đầu nói: sự cố gắng giải quyết vấn đề VN của chúng tôi chỉ do một số nhỏ người (ý nói Hành pháp) trước khối đông dân chúng đang áp lực đòi rút bỏ để đổi lấy tù binh (Mỹ). Ta sẽ không thể kiềm chế được những áp lực này nếu chúng ta bỏ lỡ những cơ hội đàm phán thuận lợi nhất là do một phía (ý nói ông Thiệu) đưa ra.
Kissinger cho đó là sự khác biệt giữa Mỹ và sự áp đặt từ ông Thiệu, ông ta muốn chứng tỏ cho người VN biết ông ta cứng rắn, chúng tôi thì chứng tỏ chủ trương linh động. Kissinger cho biết vấn đề đáng quan tâm là những tháng sau bầu cử TT Mỹ, sau cuộc tấn công 1972, chi phí quân sự Mỹ đã tăng 4.1 tỷ sẽ phải trình Quốc hội trước tháng 1-1973
Kissinger duyệt lại bản Dự thảo cho thấy ngưng bắn đã thỏa mãn những dề nghị của ta.
“Chúng ta đã chiến đấu hơn tám năm, đã hy sinh nhiều, nay nếu chúng ta cùng tìm hòa bình sẽ hàn gắn những chịu đựng của ta.
Vì thế mà TT Nixon cử tôi đến để nói với các ông và tôi tới đây như một người bạn để làm việc với các ông cùng giải quyết vấn đề, cùng hợp tác trong tình bằng hữu”
Thiệu cũng chống lại diễn thuyết của người ngoại quốc y như Lê Đức Thọ, ông ta đặt nhiều câu hỏi rất khôn ngoan nhưng không câu nào đi vào trọng tâm Hiệp định, nếu trả lời thỏa đáng ông sẽ chấp nhận Hiệp định. Thiệu hỏi có phải Hiệp định để giúp cho cuộc bầu cử không? Kissinger trả lời bằng cách đọc thư TT Nixon gửi ông khi lên máy bay rời Washington.
Phía Mỹ đồng ý họp tiếp với HĐ an ninh QG hôm sau, buổi trưa có phiên họp với Thiệu, Abrams, Cao Văn Viên về viện trợ Enhance Plus, ông ta phấn khởi bàn về viện trợ có vẻ như muốn tiến tới ký kết. Kissinger điện tín báo cáo TT Nixon.
“Chưa biết Thiệu sẽ chống đối ra sao, ông ta chưa tỏ thái độ. Tôi đã nói cho ông ta biết Hiệp định này thật tuyệt để bù lại những hy sinh và bảo vệ VNCH và Thiệu. Đây là một Hiệp định tốt đẹp mà mọi người không thể ngờ được nhờ chính sách quân sự ngoại giao của ta”
Buổi họp chiều 19-10, Abrams mô tả với Thiệu những vũ khí Mỹ sẽ để lại cho VNCH qua chiến dịch Enhance Plus sau ngưng bắn gồm 150 máy bay được giao lại sau 2 tuần. Ông ta lại hỏi và Kissinger cho là ông ta muốn ký kết và sẽ không phản đối Kissinger đi Hà Nội. Trước phiên họp hôm sau Hà Nội gửi thông điệp cho Kissinger (đang ở Saigon), chỉ có 800 dặm thôi (Hà Nội-Sài Gòn) nhưng lại phải đi 20,000 dặm. Hà Nội gửi đi Paris cho Đại tá Guay, ông này gửi cho Haig ở Washington, Haig chuyển tới Sài Gòn cho Kissinger, khi Kissinger liên lạc với Hà Nội lại phải đi từ Sài Gòn qua Mỹ, từ Mỹ qua Pháp, Pháp qua Hà Nội. Bức thư của Hà Nội nói họ không muốn họp ở Vạn Tượng hay Paris, ngưng bắn sẽ thả hết tù trừ tù VC ở VNCH, việc thay thế vũ khí, quân dụng, tăng quân số, quân viện của Mỹ (cho VNCH) vô giới hạn.
CSBV chiếm đất giành khiến Mỹ khó thuyết phục VNCH chấp nhận, nay Sài Gòn nắm then chốt trong quyết định vấn đề sớm chấm dứt chiến tranh, Sài Gòn không vội vã.
Kissinger cho rằng nếu ngưng bắn chậm trễ sẽ trở ngại đàm phán sau đó hơn. Nếu CSBV đưa ra phổ biến rộng rãi vấn đề (tức bản Dự thảo) thì chúng tôi sẽ bị dư luận ép phải ký kết Hiệp định do VNCH phản đối, chúng tôi phải vội. Ta sẽ phải ký Hiệp định như theo sự bó buộc của của BV, Quốc hội, người dân.
Kissinger gửi điện tín cho Hà Nội đề cập tù binh Mỹ ở Lào, Miên, chấm dứt chiến tranh Lào, trong tương lai Miên, Lào sẽ ngưng bắn một tháng sau VN, BV nói họ không có ảnh hưởng tới Miên. Ông ta đòi Lê Đức Thọ xác nhận bằng văn thư: chấm dứt tấn công, rút về Bắc, chấm dứt xâm nhập. Chính phủ Sài Gòn khiến Mỹ chậm giải quyết, Mỹ rút hết quân là một cơn ác mộng cho VNCH, cuộc họp với Thiệu và HĐANQG dự trù 9 giờ sáng (20-10) tới 2 giờ chiều, kéo dài 3 giời rưỡi.
Thiệu khai mạc, ông ta tỏ vẻ không thân thiện, nghi ngờ ý định của Hà Nội, HĐ Nhã đề cập chuyện BV còn ở lại, vấn đề thay thế vũ khí, tổ chức, nhiệm vụ của HĐ Hòa giải dân tộc (National council of National Reconciliation) và Mỹ đối với những vi phạm của địch. Kissinger trả lời chi tiết, ông ta nói cấm xâm nhập sẽ làm địch hao mòn lực lượng, thay thế vũ khí thực ra là viện trợ vô giới hạn của Mỹ bằng chương trình Enhance Plus. Kissinger nhắc lại lời Nixon nếu BV tấn công ồ ạt Mỹ sẽ cưỡng bức địch thi hành Hiệp định, Tổng thống đã được Quốc hội cho phép (nói dối). Thực ra chúng tôi không nghĩ vậy, Mỹ đã chiến đấu nhiều năm, đã mất 45,000 người hy sinh, thế mà Hiệp định do họ hy sinh mà có, mà bị vi phạm chẳng lẽ Mỹ lại đứng ngoài.
Kissinger nghĩ chua chát cuộc đàm phán rồi cũng trở thành tồi tàn đểu giả, không có trường hợp nào được giữ đúng, trong trường hợp VN, Hiệp định có thể là một mưu mẹo để đầu hàng. Chúng ta có thể làm như thế sớm hơn (ý nói đầu hàng từ 1969) mà ít đau khổ hơn. Danh dự, cao đẹp, uy tín, quốc tế công pháp… tổng hợp lại rất mâu thuẫn ở chỗ chúng ta hứa canh chừng Hiệp định và cưỡng bức (địch) thi hành Hiệp định. Một Hiệp định long trọng chấm dứt chiến tranh được một Hội nghị quốc tế thông qua, phê chuẩn có nghĩa lý gì? Đối với chúng ta Hiệp định ít mâu thuẫn hơn, chúng ta nghĩ với tinh thần cao đẹp và lập trường chính trị để có thể giúp VNCH gìn giữ tự do dưới danh nghĩa chương trình hòa bình mà dân tộc Mỹ có thể hãnh diện trong một văn kiện chấm dứt cuộc chiến vô tận đã sâu xé nội bộ chúng ta.
Chẳng bao lâu sau khi ký kết, Watergate đã vô hiệu hóa quyền lực của Nixon và cái đập ngăn cản Quốc hội phản chiến vỡ tung, nó đưa tới cơ hội cho những người chủ trương chống đối (cuộc chiến) cả một thập niên thêm cơ hội thắng lợi và họ đã thành công trên sự sụp đổ của nền độc lập VNCH.
Những tiếng lình xình đầu tiên
Không ai trong phái đoàn Mỹ tại dinh Độc Lập tháng 10 có thể ngờ hậu quả của nó, chúng tôi tin là đã giữ được nguyên tắc của Mỹ và Tự do cho VNCH. Chúng tôi tức giận vì nghi ngờ ý kiến trong nước Mỹ mà vì ông Thiệu hình như không nắm được cơ hội. Ngay cả Tướng Abrams vốn thầm lặng hôm 20-10 cũng khuyên ông Thiệu chấp nhận bản Dự thảo.
“Tôi tin tưởng Hiệp định có thể bảo đảm cho chính phủ và đất nước (VNCH). Tôi đồng ý với TS Kissinger không có Hiệp định nào bảo đảm đất nước này mà chỉ có lanh lợi, quả quyết là cứu được. Hôm thứ hai vừa qua khi TT Nixon có hỏi tôi cùng Bộ trưởng QP Laird (tại Mỹ) nghĩ gì về Hiệp định, tôi nói giờ là lúc chúng ta bước sang một bước kế tiếp, rất khó cho bước đầu rút quân và và mỗi lần sau đó nhưng với tự tin, khả năng, khôn ngoan có thể làm được. Từ bao nhiêu năm qua người miền Nam đã tự chiến đấu bảo vệ đất nước họ. Tôi rất kính trọng ngưỡng mộ quân dân VNCH nhưng tôi luôn tin nay đã đến phiên các ông và với sự tự hào của các ông khi an ninh và chính trị là của các ông với không lực chúng tôi trên trời và tiếp tế vũ khí tiếp liệu cho các ông đang ghé bến nước ông”
Thiệu hết lo âu, Tướng Abrams nói ông Thiệu đừng đánh giá cao CS Hà Nội, họ nhiều sai lầm lớn, họ đã sai nhiều lần. Nếu họ rút hai sư đoàn ở Khe Sanh về đánh Huế (năm 1972) thì ta đã mất cố đô. Hà Nội ngu muội nên phân tán lực lượng năm 1972. Không may ông Thiệu bắt bẻ Tướng Abrams nói: thưa ông như thế CSVN thua vì không rút hai sư đoàn ở Khe Sanh về chứ không phải Tướng lãnh của chúng tôi có tài thao lược. Sự thực không phải chúng tôi nhờ may mà Tướng lãnh miền Nam chúng tôi có thực tài. Nhận định BV vụng về không làm ông Thiệu tin tưởng (trang 1374).
Kissinger nghĩ sau tám năm Mỹ tham gia VNCH chưa thể đối đầu với BV nếu ta không can thiệp vào (yểm trợ), ác mộng của họ ở chỗ sợ phải chiến đấu một mình. Đối với giới lãnh đạo Sài Gòn, Hiệp định ngưng bắn tức là khi Mỹ rút hết, họ không tin BV sẽ từ bỏ tham vọng thống trị Đông Dương, họ phải tự lo và hoảng sợ (trang 1375). Họ nghĩ không sai, quân Mỹ đóng ở Đại Hàn cần thiết cho cân bằng quân sự và tâm lý trên bán đảo Triều Tiên.
Thực ra do Mỹ chia rẽ nội bộ, những điều khoản mà chúng tôi đòi được là tốt nhất vì nó cho miền Nam cơ hội tồn tại, vì thế cuộc thảo luận ở dinh Độc Lập hầu hết lạc đề. Họ đề nghị sửa đổi một lô điều khoản khiến phía Mỹ tưởng như họ tiến về việc ký Hiệp định. Họp xong ông Thiệu xác nhận sáng mai bận phải hỏi ý kiến Quốc hội và các chính khách để chuẩn bị cho hôm sau 21-10 lúc 2 giờ chiều với nhóm chuyên gia do ông Trần Văn Lắm đứng đầu để phối hợp với Mỹ làm đề nghị sửa đổi.
“Sau 3 giờ rưỡi thảo luận với ông Thiệu, TS Kissinger báo cáo Tòa Bạch Ốc: Buổi họp không vui vẻ lắm, có lẽ họ cho là Hiệp định sẽ có lợi cho Mỹ. Họ chú trọng BV còn đóng quân ở miền Nam, địch vi phạm Hiệp định, họ tự hào Tướng của họ giỏi, họ không tự tin và sợ CS gian giảo, họ muốn suy tính thêm. Tôi nghĩ họ từ từ sẽ chấp thuận, vì tự trọng họ phải hợp tác”
Sau khi báo cáo ngày 19-10 từ hôm trước, Nixon điện cho Kissinger.
“Sau khi nghiên cứu tôi thấy bản Dự thảo này tốt nhất cho VNCH, vậy nên khuyên ông Thiệu bằng những lời chắc chắn rằng sau 4 năm lãnh đạo không có khuôn mặt chính trị nào cứng rắn với CS bằng TT Nixon, không có khuôn mặt chính khách nào ủng hộ Thiệu bằng Nixon. Cố thuyết phục ông ta tin vào sự ủng hộ của Mỹ trong những ngày sắp tới”
Nhưng hôm sau (20-10) Nixon tham khảo Tướng cựu Tư lệnh Westmoreland (TMT sắp hồi hưu), ông này chống ngưng bắn tại chỗ. Nixon không nói gì với Kissinger về cuộc gặp gỡ Westmoreland… ông gửi bốn điện tín khuyên Kissinger đừng quân tâm tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (7-11) và củng cố tình thân hữu với Thiệu.
“Khi ông bàn tiếp với Thiệu, tôi xin nhấn mạnh là không có gì có thể ảnh hưởng bầu cử TT được, tôi kết luận nếu ký Hiệp định trước bầu cử sẽ là một thất bại lớn có nguy cơ làm hỏng ổn định tình hình tại Mỹ, nếu ký Hiệp định bây giờ sẽ yếu kém hơn là ký sau bầu cử. Vấn đề cơ bản là nếu Thiệu chấp thuận vui vẻ thoải mái thì được nhưng không thể ép ông ta, nó không ngăn cản được CS chiếm miền nam VN.
Như đã nói hôm qua ta cần Thiệu vui vẻ ký, không thể bắt ép được. Tôi sợ mối nguy Hà Nội sẽ công bố tất cả, tôi tin là ta có thể ký kết sau bầu cử hơn là đổ vỡ với Thiệu hoặc ký một Hiệp định mà sẽ bị chỉ trích là lấy cớ để rút quân”
Kissinger cho là trong các cố vấn, phụ tá Tổng thống, ông ta ít can thiệp vào cuộc tranh cử, ông ta sống xa Mỹ từ tháng 9, không bao giờ tham dự vấn đề chiến lược tranh cử, không tham dự gây quĩ.
Chiến lược của Kissinger là lợi dụng lúc BV muốn ký trước bầu cử để lấy được nhiều nhượng bộ hơn (vì họ muốn ký trước), ông ta chưa bao giờ lý luận trái với nó rằng ký sớm sẽ có lợi cho bầu cử. Nixon cũng đã chua chát chỉ trích Kissinger làm ngược ý của Tổng thống rằng Kissinger yểm trợ bầu cử, vì bầu cử”
Nói thẳng với Thiệu
Buổi sáng 21-10, Kissinger gặp nhóm chuyên viên VN do ông Trần Văn Lắm đứng đầu để xin sửa bản Dự Thảo, có 23 khoản, VNCH muốn bỏ cái gọi là Hội đồng hòa giải dân tộc, Kissinger hứa sẽ làm theo.
Kissinger về ăn trưa với Bunker, họ lạc quan sửa chữa trước, lúc 2 giờ trưa, họ đợi phía Dinh Độc Lập gọi sang bàn thảo nhưng không có ai gọi. Một giờ sau HĐ Nhã gọi Bunker cứ chờ, cuộc họp dời lại tới 5 giờ chiều, phía Mỹ hỏi khi nào ông Thiệu sắn sàng thì họ (VN) không xin lỗi vì trễ, cũng không giải thích. Nhã chỉ gửi tin nhắn rồi cúp máy. Lúc 4 giờ rưỡi chiều, đoàn xe chở ông Thiệu đi ngang tòa Đại sứ bấm còi inh ỏi, đến 5 giờ chiều họ không gọi, không nói gì. Bunker gọi cho Thiệu được biết ông ta đang họp Nội các, muốn nói với HĐ Nhã thì họ nói ông ấy đã ra khỏi dinh. Một giờ sau ông Thiệu gọi cho Bunker nói sẽ họp với phái đoàn Mỹ sau khi họp Nội các. Bốn mươi lăm phút sau Nhã gọi điện thoại nói Thiệu sẽ tiếp Bunker, Kissinger 8 giờ sáng mai, Bunker nói đã trễ hẹn 24 giờ, Nhã cúp máy.
Kissinger về dinh Bunker, hai người đoán tình hình khó hiểu cho là VNCH cần suy tính trước một vấn đề lớn, Kissinger hứa sẽ sửa rồi đưa Hà Nội coi nhưng không hứa kết quả sẽ ra sao. Miền Nam khó chịu vì khoản BV còn ở lại, cho dù họ quan tâm chuyện gì nhưng không đồng minh nào được đối xử với đặc phái viên TT (Mỹ) như thế, họ đối với Bunker rất quá đáng, Kissinger có cảm tưởng họ thù ghét người ngoại quốc. Thiệu quan trọng vì Mỹ không thể tiến hành không có ông ta, họ muốn làm nhục Hà Nội, họ dùng tinh thần Quốc gia để thương thuyết mạnh hơn.
Lúc 9 giờ tối (21) Thiệu gọi cho Bunker than phiền Tướng Haig tới Sài Gòn ba tuần trước để âm mưu đảo chính ông ta, các thành viên phái đoàn Mỹ bây giờ cũng âm mưu như vậy, Thiệu yêu cầu phái đoàn Mỹ chấm dứt trò này. Kissinger nói từ bao lâu nay chúng tôi ủng hộ Thiệu nên nhịn cho qua, họ có thái độ hằn học với Mỹ, Kissinger báo cáo Tòa Bạch ốc. “Chúng ta phải rất cẩn thận, nếu Hà Nội đánh điện tín và nếu tôi từ chối đi Hà Nội sẽ bị khó khăn, họ sẽ cho phổ biến bản Dự thảo mà ta đã thỏa thuận”
Chiều 21, Hà Nội lại chấp thuận các khoản yêu cầu của Mỹ, họ cho biết không có tù binh Mỹ ở Miên, nhưng có ở Lào, và sẽ thả cùng với tù binh Mỹ bị bắt ở miền Bắc và Nam VN. Họ đồng ý sẽ họp. Chiến lược của ông ta thành công (Kissinger tự khen) trừ với đồng minh tại Sài Gòn (thì thất bại)
Ký giả Arnaud Borchgrave được thăm Hà Nội và được Thủ tướng BV Phạm Văn Đồng mời vào cho phỏng vấn, nội dung được phổ biến ngày 23-10 khi Kissinger còn ở Sài Gòn. BV biết Kissinger đang thảo luận với VNCH, PVĐ nói về bản Dự thảo và đã nói sai đi như sẽ có ba thành phần, tù nhân hai phía sẽ được thả, Mỹ phải tái thiết BV… BV sẽ tổ chức ăn mừng thắng lợi, mục đích của PVĐ là tạo nghi ngờ cho VNCH.
Nixon gửi điện cho Kissinger nói sẽ ký Hiệp định sau bầu cử TT Mỹ và để hai miền Nam, Bắc VN im lặng cho tới lúc đó. TT Nixon tự tay soạn thư gửi TT Thiệu nói bản Dự thảo chấp nhận được và ông đã chịu nhiều đau khổ để ủng hộ Thiệu
“Quyết định của ông rất quan trọng để tôi có thể ủng hộ ông và VNCH”
Cuộc họp với ông Thiệu 8 giờ sáng hôm sau 22-10 Thiệu, Nhã phía VN, Kissinger, Bunker phía Mỹ, Thiệu phản đối bản Dự thảo, ông ta chú trọng vào việc BV còn đóng quân ở lại miền Nam và Hội đồng hòa giải (Liên hiệp). Ông ta nói Mỹ chỉ muốn rút ra để chấm dứt chiến tranh, với ông là sự sinh tồn của đất nước VNCH. Ông không những phải coi lại các điều khoản mà còn phải coi ý kiến của người dân miền Nam, sẽ phải hỏi Quốc hội, nghe các cố vấn góp ý về các khoản cần sửa. Ông muốn gặp Kissinger và Bunker chiếu nay 5 giờ để trả lời dứt khoát.
Kissinger và Bunker ra về hy vọng sẽ khai thông, ông ta nói Bunker đánh điện tín về Mỹ vì ông phải ra phi trường đi Nam Vang.
Bunker đánh điện nói: chúng tôi ra về hy vọng sẽ thông qua, CSVN muốn chiếm đất dành dân cho nhiều nhưng thất bại, họ yếu hơn bị tử thương nhiều, nay chiến tranh gần chấm dứt, địch sẽ rút khỏi Miên, Lào. Hà Nội nói sẽ cố gắng thuyết phục Lào trả tù binh Mỹ, họ hứa sẽ rút khỏi Miên, Lào và sẽ không dùng Miên, Lào để tấn công VNCH. Lê Đức Thọ nói họ không ảnh hưởng tới Khmer đỏ.
Tại Miên, Lon Lol tin tưởng Mỹ, Quốc hội ra luật cấm dùng không quân giúp Miên, Lào nhưng họ xứng đáng được trợ giúp.
Bunker, Kissinger gặp Thiệu, Nhã lúc 5 giờ chiều như dự định, buổi họp dài khoảng hai giờ. Sau khi nói chuyện xong, Kissinger điện tín báo hung tin cho Tướng Haig ở Mỹ: “Thiệu bác hết toàn bộ chương trình hay tất cả sửa đổi của nó và từ chối thảo luận bất cứ thương lượng nào trên căn bản ấy”
Cuộc gặp gỡ kỳ lạ, Thiệu nói tiếng Anh giỏi nhưng không nói (nhờ HĐ Nhã thông dịch), khi nói ông ta nhiều lần bật khóc, chắc vì tức giận chứ không phải đau khổ, Nhã phiên dịch và cũng khóc theo.
Kissinger bắt đầu họp nói về thành công tại Nam Vang, Bangkok, Vạn Tượng. Thiệu bác bỏ nói chẳng có gì lạ, ông nói Mỹ thông đồng với Nga, Tầu để bán VNCH, ông nói Mỹ đã yêu cầu ông từ chức trước bầu cử Tổng thống một tháng.
“Ông ta nói Mỹ đã thương lượng để ông từ chức, nếu không là quân nhân ông đã từ chức. Những người mà tôi coi như bạn đã phản lại tôi, càng bị xúc phạm tôi càng phải chiến đấu, tôi chưa nói với ai về chuyện Mỹ yêu cầu tôi từ chức vì họ sẽ nhục, mà tôi vờ như tự nguyện” Kissinger đáp:
“Tôi cảm phục sự can đảm, anh dũng trong phát biểu của ông, tôi là người Mỹ rất uất hận khi nghe ông nói chúng tôi thông đồng Nga, Tầu. Sao ông có thể nghĩ thế khi Tổng thống (Mỹ) ngày 8-5 đã không ngại mất tương lai chính trị để giúp ông? Khi chúng tôi đã nói với Nga, Tầu để họ áp lực với Hà Nội, tôi tin Hiệp định sẽ bảo vệ tự do cho VNCH. Nguyên tắc của chúng tôi vẫn y như thế, ông chỉ có một vấn đề trong khi TT Nixon có nhiều vấn đề, ông nói chúng tôi triệt hạ ông thì người Mỹ không ai tin, TT Nixon không tin nổi.
Chúng tôi không công nhận sự hiện diện của BV tại miền Nam, nếu chúng tôi muốn bán các ông thì đã có nhiều cách khác dễ hơn nhiều.
Chúng tôi (Hành pháp Nixon) đã chiến đấu bốn năm, đã dồn chính sách ngoại giao để bảo vệ một nước (miền Nam) mà thôi, ông nói thật cay đắng khó nghe, dĩ nhiên không thể đàm phán nếu không có thỏa thuận (Mỹ-VNCH). Tôi sẽ về lại Mỹ, chúng ta không đả phá nhau về lợi ích hai nước. Tôi sẽ chào vĩnh biệt ông trước khi đi sáng mai (23-10).
Thiệu phản đối bản Dự thảo có nghĩa là chiến tranh chưa chấm dứt và không làm hàn gắn được hai nước (Mỹ-VNCH), lối cư xử của Thiệu cho thấy đàm phán sẽ khó khăn hơn. Ngày 31-10 nếu không ký được Hiệp định, Hà Nội sẽ công khai phản đối Mỹ thất hứa. Ai cũng biết nếu ta đánh mạnh bằng quân sự sẽ ký được một Hiệp định tốt hơn nhưng Quốc hội sẽ chống đối, không ủng hộ. Nếu chúng ta không ký Hiệp định gần với những điều khoản có thể chấp nhận được, chúng ta có thể bị Quốc hội ra luật bắt (Hành pháp) phải rút quân bỏ (VN) để đổi lấy tù binh Mỹ (580 người) (4)
Cuộc tranh đấu của Mỹ (Hành pháp) có một nguyên tắc Mỹ không phản bội đồng minh, nhiệm vụ của tôi (lời Kissinger) là giải quyết vấn đề chính trị mà không đưa tới xáo trộn, Thiệu có trách nhiệm khi đưa chúng tôi sa lầy trong bốn ngày 19,20, 21, 22.
Kissinger nói ông ta sẽ phải nói với Hà Nội là ký Hiệp định với những khoản đã thuận, nhưng sẽ phải nói cho họ biết không thể lật đổ đồng minh (Thiệu), điều mà bốn năm qua chúng tôi đã không làm. Đó là tất cả những cái mà tôi, Lord ở Sài Gòn và Tổng thống Nixon, Haig ở Mỹ mà chúng tôi đã điện tín về qua mười ngàn dặm. Bộ chỉ huy là căn phòng nhỏ trong tư dinh Bunker. Điện thoại bảo đảm không xử dụng được. Nửa đêm tại Sài Gòn khi Lord viết tay xong điện tín có tài xế lái tới tòa Đại sứ để gửi. Tôi muốn về Mỹ trước khi Hà Nội chống phá.
Sau khi gặp Thiệu chủ nhật 8 giờ sáng, Kissinger điện tin tới Haig nói có hai lựa chọn:
1- Kissinger sẽ đi Hà Nội như dự trù, đưa những thay đổi do VNCH đề nghị và sẽ đi tới đi lui cho tới khi hai bên (Nam-Bắc) đã cùng thỏa thuận nhau.
2- Kissinger sẽ về Mỹ ngay, Haig sẽ nói với Dobrynin (Đại sứ Nga) Kissinger gặp trắc trở tại Sài Gòn và muốn đàm phán với Thọ, muốn nhờ Nga can thiệp kiềm chế BV. Kissinger thích lựa chọn (option) hai, ông ta soạn điện tín gửi Hà Nội dưới danh nghĩa Tổng thống Nixon nội dung như sau.
“TT Nixon gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói Mỹ gặp bế tắc tại Sài Gòn và đổ lỗi cho PV Đồng đã nói cho ký giả Borchgrave khiến VNCH chống bản Dự thảo, yêu cầu Hà Nội không công bố Dự thảo và xác nhận Mỹ vẫn giữ nguyên tắc của Dự thảo.
Nixon chống ý kiến đòi ra Bắc bằng một loạt điện tín, ông không chấp nhận Kissinger ra Hà Nội.
Kissinger đáp: nếu chúng ta bị dồn vào tường và ta sẽ tập trung vào chuyện BV còn đóng quân ở miền Nam, bằng mọi giá không để cho TT Thiệu bị người dân coi khinh dù cho ông ta hay cho chúng ta. Cho dù ta vượt qua chống đối của Thiệu, những việc ta đã làm trong tám năm qua sẽ bị loại bỏ.
Hy vọng vài tuần sẽ giải quyết ổn thỏa, Bunker sẽ làm việc với Thiệu, tin do thám cho thấy ông ta chuẩn bị ngưng bắn, có lẽ ông ta nhượng bộ nhất là nếu ta cứng rắn sau bầu cử TT Mỹ. Vả lại nếu ông ta không nhượng bộ đó sẽ là cơ hội tốt để ta và Hà Nội ký Hiệp định, đó là cơ hội tốt cho Thiệu nhượng bộ, chúng ta chỉ ký hai bên (Mỹ-Hà Nội) khi cùng kỳ lý.
Nay tới chuyện đề nghị ngưng ném bom BV, chúng ta đã cho họ biết sẽ ngưng ném bom 24 giờ trước khi phái đoàn Mỹ của Kissinger tới Hà Nội. Nixon từ chối đề nghị của Kissinger về ngưng ném bom. Hai nhà chính khách tranh luận về vấn đề này, oanh tạc dưới vĩ tuyến 20 và trên vĩ tuyến 17 để ngăn chận BV tiếp tế cho miền Nam.
Ngày 23-10, lúc 8 giờ sáng Kissinger đến chào giã từ ông Thiệu, người đã chiến đấu cho độc lập của đất nước, Kissinger không muốn đẩy ông ta vào chỗ sai lầm. Kissinger nói sẽ đề nghị sửa đổi theo yếu cần của miền nam VN, nói cho ông Thiệu biết bản Dự thảo là rất tốt và nói ông ta kính trọng TT VNCH yêu nước và cho Thiệu biết nếu chiến tranh tiếp tục 6 tháng nữa, Quốc hội có thể sẽ cắt viện trợ.
“Điều quan trọng là tất cả những cố gắng nỗ lực của ta đã làm được không thể mất đi một cách vô ích, nếu ta cứ đối đầu nhau, ông sẽ thắng nhưng cuối cùng chúng ta đều thua, thất bại. Một điều rõ ràng là tại Mỹ, truyền thông, báo chí sẽ được lợi khi ta thất bại. Sở dĩ tôi mất bình tĩnh trong những ngày cuối vì thấy cơ hội vụt đi, tôi ra đi với một nỗi buồn khôn nguôi.”
Thiệu bình tĩnh hơn, ông ta coi lại những lời đòi sửa đổi Dự thảo, ông chú trọng Khu phi quân sự (sợ xâm nhập), thành lập Hội đồng hòa giải dân tộc. Ông ta đồng ý vấn đề quân BV có thể giải quyết không tuyên bố họ rút (Hà Nội không đồng ý, thực tế quân BV sẽ tàn lụi nếu không có xâm nhập), Thiệu đồng ý tình hình chống đối bên Mỹ, ông nói đối với miền Nam đó là vấn đề sống còn nhưng không công khai chỉ trích Mỹ. Ông Thiệu nói: hôm qua tôi hứa tránh đối đầu, tôi phổ biến bất đồng ý kiến giữa tôi và TT Nixon, tôi vẫn xem TT Nixon là một người bạn về quân sự, dù còn hay không còn làm Tổng thống, tôi cũng sẽ tạo điều kiện để người Mỹ giúp VN. Nếu tôi làm trở ngại cho hòa bình của Mỹ, tôi sẽ không còn là Tổng thống. Tôi không có ý chỉ trích TT Nixon, tôi chỉ muốn nêu ra là ta đã thắng lợi ở Miên, Lào nhưng lại bất lợi cho VNCH, không thể có thù hận giữa đồng minh, xin bỏ qua những điều chúng tôi đã nói”
Kissinger nói sẽ tiến hành với Hà Nội như cũ không để họ lợi dụng sự rạn nứt giữa miền Nam và Mỹ, trước khi rời Sài Gòn Kissinger gửi thư dưới danh nghĩa TT Nixon tới Đại tá Guay tại Paris để đưa cho Đại diện BV tại đây.
TT Mỹ xin thông báo Thủ tướng VN Dân chủ Cộng hòa.
“Phía Mỹ đã tiến hành sửa đổi những điểm để bàn với VNDCCH tại Paris, Mỹ sẽ không đơn phương hành động mà phải tham khảo đồng minh VNCH. TT Mỹ tin tưởng hòa bình sẽ có được trong một ngày rất gần đây, Mỹ và VNDCCH phải xem xét lại những trở ngại cùng một tinh thần để thảo luận xa hơn.
Xin đề nghị ông Lê Đức Thọ và Kissinger họp sớm để giải quyết những vấn đề còn lại, Kissinger có thể tớiParis bất cứ lúc nào do VNDCCH muốn sắp đặt. Nay ông ta không thể đi Hà Nội khi còn những vấn đề cần giải quyết.
Để tỏ thiện chí phía Mỹ sẽ giữ mức oanh tạc giới hạn cho tới khi kết thúc đàm phán. Phía Mỹ cảnh báo mọi âm mưu khai thác chuyện hiện tại, những khó khắn tạm thời sẽ đưa tới kéo dài đàm phán.
Điều không tránh được là chiến tranh đã kéo quá dài và tạo nhiều thống khổ chỉ là khó khăn tạm thời trên đường đi tới quyết định cuối cùng, Mỹ quyết định đi tìm hòa bình và mong các vị lãnh đạo VNDCCH tham gia với tinh thần hợp tác đưa tới ký kết Hiệp định. Nếu giữ được thái độ đúng thì vấn đề sẽ được vượt qua và sẽ có Hiệp định”.
Trên đường trở về nhà
Đó là một tuần bi đát vất vả (lời Kissinger), chúng tôi bắt đầu sáng hôm 16-10 với mong đợi mang lại hòa bình chấm dứt mọi phiền não của nước Mỹ nhưng đã không hoàn thành, chúng tôi đã tiến bộ, bản Dự thảo ngày 8-10 của BV là một điều khác thường, nó đã được cải thiện nhiều trong hai tuần sau đó. Chúng tôi tự hào với những khoản hơn hai năm trước, nay trở về trong thất vọng, những ngày sau đó sẽ phải hàn gắn những đổ vỡ.
Lý luận của ông Thiệu cho thấy Mỹ và BV không thể quyết định số phận VNCH, họ không phải là bù nhìn, Thiệu đối đầu với Kissinger và Haig
Thiệu muốn chiến thắng cuộc chiến toàn diện trong khi Mỹ muốn một cuộc thương thuyết trong danh dự tháng 10-1972, hai lập trường (Mỹ-VNCH) này không hòa giải với nhau được. Trên đường về Mỹ Kissinger biết là Washington sẽ bỏ bản Dự thảo, nó sẽ tan vỡ cho tới sau bầu cử (mới tính). Ông ta quyết định giữ bản Dự thảo trước thúc ép của Hà Nội, trước sự chống đối của Sài Gòn và sự nghiêng ngả củaWashington nó có thể đưa tới mất kiểm soát tình hình.
Ngày 23-10 Kissinger điện tín cho Haig: Cũng như ông đã nhận xét, đó là một Dự Thảo rất thuận lợi, nó cải thiện tình hình Miên, Lào, tình hình quôc tế, tù binh Mỹ và điều khoản thay thế vũ khí, nhiều cuộc chiến thất bại vì nhút nhát vụng về, biết bao bi kịch đã do những nhà quân sự thiếu khả năng nhận định khi nào thời điểm ký kết đã tới.
Dưới cái nhìn của Kissinger cái thời đã tới, ông ta điện tín cho Washington trên máy bay nói khi nào BV công khai hóa bản Dự thảo, tôi sẽ họp báo nói có nhiếu tiến bộ nhưng còn nhiều chi tiết cần thảo luận lại. Ông sẽ lưu ý BV về cơ bản Dự thảo không thay đổi nhưng cần sửa một số điểm.
Những bi kịch này mà Tổng thống chấp nhận sẽ thúc đấy tôi (lời Kissinger) khi tôi về lại Mỹ sẽ xuất hiện lần đầu trong cuộc họp báo trên TV, kết quả bi đát được tóm tắt trong câu “Hòa bình trong tầm tay”
Nhận xét
Phần này, Kissinger kể chi tiết về trở ngại của bản Dự thảo đã thành hình, trước và tới khi sang Sài Gòn (ngày18) ông tin tưởng TT Thiệu sẽ thuận ký, sau đó sẽ đi Hà Nội và trở về Mỹ ngày 24, hai ngày sau sẽ tuyên bồ đã mang lại hòa bình và ký kết Hiệp định ngày 31-10, đúng một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (7-11). Ông ta tin tưởng đây là món quà lớn dành cho Nixon nhưng phía VNCH cự tuyệt vào ngày chót của cuộc thảo luận khiến mọi hy vọng tiêu tan. Kissinger chủ quan hy vọng ông Thiệu sẽ chấp thuận bản Dự thảo, thậm chí ngày 23 khi tới dinh Độc Lập để chào từ giã vẫn còn hy vọng ông Thiệu đổi ý.
Ở đây chúng ta cũng thấy rõ sự bất đồng ý kiến giữa TT Nixon và Kissinger. Ngày 19-10 khi Kissinger đang thảo luận ở Sài Gòn, Nixon khuyến khích Kissinger ráng thuyết phục Thiệu, nhưng chỉ hôm sau 20-10 ông lại đổi ý chống bản Dự thảo. Kissinger ao ước ký Hiệp định trước bầu cử nhưng Nixon lại đổi ý, ông ủng hộ Thiệu đòi CSBV phải rút quân. Nixon chống đối Kissinger gay gắt, ông đã cho đánh một loạt điện tín cấm Kissinger không được đi Hà Nội bất cứ lý do gì. Kissinger muốn từ Sài Gòn ra Hà Nội để hoặc làm trung gian thương thuyết giữa hai miền, hoặc nếu cần ký riêng với Hà Nội không cần VNCH.
Nixon đổi ý vì nghe lời Tướng Westmoreland, ông này ủng hộ Thiệu, không đồng ý BV còn đóng quân tại miền Nam. Nixon không muốn bất hòa với người bạn đồng minh, ông không muốn tan vỡ với VNCH trong lúc này. Vả lại Nixon biết chắc sẽ đắc cử, qua thăm dò ông vượt quá xa đối thủ McGovern, ông không cần ký trước bầu cử để mang tiếng chịu ơn người Cố vấn. Kissinger cay đắng phân vua với độc giả, ông nói sở dĩ muốn ký sớm vì Hà Nội muốn ký trước bầu cử, họ sẽ nhượng bộ nhiều hơn. Lý luận của ông ta không vững vì địch không chịu nhượng bộ rút về Bắc. Tổng thống là người chịu trách nhiệm, Kissinger là Cố vấn phải theo lệnh của Nixon, ông chỉ được giao nhiệm vụ đàm phán. Tổng thống đã có chủ trương riêng của ông, Cố vấn không cần phải lo lắng quá nhiều.
Lời kể của tác giả cho thấy Kissinger không có nhiều quyền hành như người ta tưởng, bản Hiệp định do Tổng thống quyết định và chỉ đạo, Kissinger chỉ là kẻ thừa hành. Trong bài nói tới viện trợ Enhance Plus của Mỹ cho miền Nam VN, TT Nixon cho biết đây là một khối vũ khí tối tân, không lồ giao cho VNCH từ tháng 11 trước khi Hiệp định được ký (5)
Về vấn đề quân BV còn ở lại miền Nam, TT Nixon cho biết sự tồn tại của VNCH không phụ thuộc vào việc địch còn ở lại mà phụ thuộc vào việc nước Mỹ cưỡng bách thi hành Hiệp định cùng với việc tiếp tục viện trợ và với sự đe doạ trừng trị bằng vũ lực. Điều đó chỉ có được nếu Sài Gòn được Quốc Hội ủng hộ. (6).
Cưỡng bức địch thi hành Hiệp định (enforce the agreement) có nghĩa dùng sức mạnh quân sự để buộc đối phương không vi phạm các điều khoản. Tháng 11-1972 tại Mỹ, Nguyễn Phú Đức (Phụ tá ngoại vụ TT Thiệu) có hỏi về việc BV đã vi phạm thỏa ước Lào trước đây, Sullivan (Thứ trưởng Ngoại giao, cựu Đại sứ Lào 1964-69) đáp Hiệp định chỉ là mảnh giấy, mực trên tờ giấy không quan trọng bằng sắt thép và hỏa lực của pháo đài bay B-52 Mỹ (7)
TT Nixon tin tưởng sẽ xử dụng sức mạnh của B-52 để bảo đảm an ninh cho VNCH nhưng vấn đề không đơn giản, Quốc hội có chấp thuận hay không mới là điều quan trọng. Từ 1971 trở đi Quốc hội (đa số là Dân chủ) ngày càng có vai trò quan trọng nhất là cuối năm 1972, đầu 1973, họ được người dân, phong trào phản chiến ủng hộ mạnh, họ nắm giữ sinh mạng VNCH và cả Đông Dương.
Nửa năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Quốc hội ra luật cắt hết ngân khoản dành cho các hoạt động quân sự của Chính phủ (Nixon) tại Đông Dương, có hiệu lực từ giữa tháng 8-1973 (8). Họ đã chính thức cho phép CSVN tha hồ vi phạm Hiệp định. Từ cuối năm họ cắt giảm dần dần viện trợ cho VNCH. Cộng quân dù rút về Bắc hay ở lại, trên thực tế nó không giữ vai trò quan trọng nào đối với sự sống còn của VNCH.
(1) Chương XXXII The Troubled Road to Peace, trang 1360-1394
(2) Larry Berman: No Peace, No Honor, Chương 9, Thieu Kills The Deal, trang 160-179
Walter Isaacson, Kissinger A Biography, Peace is at Hand, The Paris Talks, trang 452-458
Marvin Kalb & Bernard Kalb, Kissinger trang 364-378
(3) Richard Nixon, No More Vietnams, trang 151-155
(4) White House Years trang 1386, nguyên văn:
“if we did not settle on close to the terms now available to us, we would be forced out of the war by a Congress legislating a simple trade of prisoners for our wihdrawal”
(5) Richard Nixon, No More Vietnams trang 170-171
Nixon vội viện trợ ồ ạt cho VNCH nhiều vũ khí qua hai chiến dịch Enhance (Gia tăng) và Enhance Plus (Gia tăng cộng). Tổng cộng gồm ba tiểu đoàn pháo binh 175 ly, hai tiểu đoàn thiết giáp M-48, gần 600 máy bay trong đó hơn 200 phản lực chiến đấu và oanh tạc cơ, hơn 300 trực thăng, máy bay vận tải, thám thính.
Nhưng tháng 4-1975 nằm ụ nhiều vì không có cơ phận thay thế, không còn săng.
(6) No More Vietnams trang 155
(7) Larry Berman, No Peace No Honor… trang 197
(8) No More Vietnams trang 180
Vui cười
Hai cán bộ phụ nữ xã trò chuyện. Một bà khoe:
– Phụ nữ xóm mình tiến bộ lắm! 100% các cô có chồng đều đăng ký thực hiện kế hoạch hóa gia đình như đặt vòng….
– Ở xóm tớ có mấy cô còn tiến bộ hơn. Chưa có chồng nhưng đã thực hiện kế hoạch như vậy rồi!
– Ngày mai anh đi rồi, đêm cuối này em chiều anh một lần nhé?
– A … ừ, anh muốn thế nào?
– Đừng nói nữa, để anh ngủ.
Bà góa phụ trẻ bảo con gái:
– Nè con! Con lên nhà trên chào người ta đi. Người ta là Việt kiều Mỹ mới về thăm quê và muốn… biết mặt con…
– Mẹ ơi, “ổng” đẹp trai và sang trọng ghê! Con … con run quá hà!
– Có gì mà run. Trước sau gì người ta cũng là… cha con…
Một cặp vợ chồng già đang ngồi xem TV. Bỗng cụ bà nói nhỏ bên tai chồng:
– Nầy ông à! Tui nhớ ngày xưa, mỗi lần hui hui, ông hay cắn nhè nhẹ ở tai tui lắm. Lâu rồi, ông không còn làm chuyện đó với tui nữa.
Nhe nói, cụ ông thừ khì ra một cái rồi dùng hai tay chỏi lên đầu gối, đứng dậy bõ đi, khiến cụ bà ngạc nhiên.
– Uã! Sao ông lại bõ đi?
– Cụ ông nhăn mặt trả lời:
– Thì bà cũng phãi để tui đi lấy hàm răng giã của tui đã chứ.
Nàng: – Em cần mua sắm thêm quần áo mới vì mọi người ở đây đã thấy những bộ đồ cũa em mặc rồi.
Chàng: – Theo ý anh, chúng ta nên dọn nhà đến chỗ khác thì đỡ tốn kém hơn em ơi.
Hàn Phi Tử- Nguyễn Hiến Lê & Giản Chi
Lời mở đầu
Hàn Phi Tử là tư tưởng gia cuối cùng của thời Tiên Tần, tập đại thành các pháp gia (các nhà cho rằng trị nước, dùng pháp luật có hiệu quả hơn, là những người chủ trương pháp trị, trái với Khổng, Mặc chủ trương nhân trị) trong ba bốn thế kỷ, nên trước khi giới thiệu đời Tống và tư tưởng của Hàn Phi, chúng tôi ôn lại hai thời Xuân Thu và Chiến Quốc về phương diện xã hội, chính trị và học thuật, lược thuật tư tưởng và chính sách của các pháp gia trước Hàn Phi: Quản Trọng, Tử Sản, Lý Khôi, Ngô Khởi, Thân Bất Hại, Thận Đáo, Thương Uởng.
Ba điểm chính trong học thuyết của Hàn là:
– Trọng cái thế: Người cầm quyền không cần phải hiền và trí, mà cần có quyền thế và địa vị. Hiền và trí không đủ cho đám đông phục tùng, mà quyền thế và địa vị đủ khuất phục được người hiền. Trọng thế thì tất nhiên trọng sự cưỡng chế: vua nắm cả quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, và phải được tôn trọng triệt để, bắt chết thì phải chết.
– Trọng pháp luật: Mà pháp luật phải hợp thời, dễ biết dễ thi hành, phải công bằng.
– Trọng thuật trừ gian: Dùng người, điểm này rất quan trọng. Hàn đưa ra nhiều thuật tàn nhẫn rồi dùng nhiều cố sự để dẫn chứng, đại khái cũng như Kautilya ở Ấn Độ sau cuộc xâm lăng Ấn của Alexandre le Grand, một thế kỷ trước Hàn Phi; và như Machiavel, tác giả cuốn Le prince ở Ý cuối thế kỷ XV.
Học thuyết của Hàn giúp Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, nhưng từ đời Hán ảnh hưởng của Hàn giảm nhiều, ảnh hưởng của Khổng học lại mạnh lên.
Từ năm 1977, được nhàn rỗi, tôi lại tiếp tục nghiên cứu hết các triết gia lớn đời Tiên Tần, để thực hiện xong chương trình tôi đã vạch từ sáu năm trước, và soạn thên năm cuốn nữa: Mặc Học, Lão Tử, Luận Ngữ, Khổng Tử, Kinh Dịch.
(theo hồi ký Nguyễn Hiến Lê)
Phần I – Chương I – Thời Xuân Thu và Chiến Quốc
Tình Hình Xã Hội
Hàn Phi là tư tưởng gia cuối cùng của thời Tiên Tần, tập đại thành các Pháp gia trong ba bốn thế kỷ, nên trước khi giới thiệu đời sống cùng tư tưởng của ông, chúng tôi nghĩ cần ôn lại hai thời Xuân Thu và Chiến Quốc về phương diện xã hội, chính trị và học thuật. Có sách cho vua Văn Vương là người khai sáng nhà Chu; sự thực ông chỉ là một chư hầu (Tây Bá) có tài có đức dưới quyền vua Trụ nhà Thương (cũng gọi là nhà Ân). Chính con ông, Võ Vương, mới diệt Trụ mà lên ngôi, mở đầu cho nhà Chu (năm – 1122) 1.
Qua đời sau, con Võ Vương là Thành Vương còn nhỏ 2, Chu công tên là Đán, em Võ Vương (tức là chú của Thành Vương) làm chức Trủng Tể, coi việc nước, sửa sang lại chế độ, nhạc lễ, giáo hoá, làm cho nhà Chu cường thịnh, văn minh. Từ đó chế độ phong kiến lần lần thay chế độ thị tộc. Sử chép đầu đời Chu có tới 1600 chư hầu, chúng tôi nghĩ là những bộ lạc, chưa thật sự là chư hầu như giữa đời Tây Chu trở đi 3.
Theo bộ Mạnh Tử (Vạn chương hạ – bài 2) đại khái chế độ phong kiến đời Chu như sau:
Về tước vị các vua trong thiên hạ có 5 bậc: 1- Thiên Tử, 2- Công, 3- Hầu, 4- Bá và 5 – Tử với Nam cùng bậc.
Về phép phong đất thì có 5 hạng: 1- đất của Thiên Tử vuông vức một ngàn dặm; 2- đất của Công và Hầu vuông vức trăm dặm; 3- đất của Bá bảy chục dặm; 4- đất của Tử và Nam năm chục dặm.
Binh lực cũng quy định tuỳ theo nước lớn nhỏ. Thời đó chỉ dùng chiến xa, chưa có bộ binh và kỵ binh. Mỗi chiến xa có 4 ngựa, một người đánh xe ở giữa, một quân bắn cung ở bên trái, và một quân cầm thương ở bên phải. Nước của Thiên Tử có vạn chiến xa, nước của Công Hầu có ngàn chiến xa, dưới nữa là trăm chiến xa.
Chư hầu có bổn phận tuân lệnh, trung thành với thiên tử; ngược lại thiên tử có bổn phận che chở, giúp đỡ chư hầu. Đúng một kỳ hạn nào đó, các chư hầu phải tới triều cống thiên tử; và theo lệ, cứ năm năm một lần, thiên tử đi thăm khắp các chư hầu, xem xét chính tích của họ, tình hình trong xứ: đời sống của dân chúng, lễ nhạc, nhất là ca dao, vì nỗi vui buồn, lo lắng của dân hiện rõ trong ca dao hơn hết (kinh Thi sở dĩ được trọng ngang kinh Thư, kinh Lễ là vì vậy)
Chế độ chia đất cày cho dân, chế độ “tỉnh điền” có lẽ xuất hiện từ đời Hạ 4, sang đời Chu được chỉnh đốn lại, mỗi miếng đất vuông vức 900 mẫu (mỗi mẫu theo Wieger, bằng khoảng 600 mét vuông) chia làm 9 phần bằng nhau như hình trên, mỗi phần 100 mẫu. Tám phần chung quanh chia đều cho 8 gia đình; phần ở giữa để lại một ít làm chỗ ở cho 8 gia đình, còn bao nhiêu 8 gia đình cày cấy chung, nộp lúa cho nhà vua. Hình miếng đất khi chia như vậy, giống chữ 井 nên gọi là phép tỉnh điền.
Ngoài công việc canh nông đó ra, dân còn phải săn chồn, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa để quý tộc may y phục.
Ấy là chưa kể lâu lâu phải lại nhà quý tộc hầu hạ nữa. Đời họ vất vả thật, nhưng xã hội được tổ chức nên đời sống cũng được bảo đảm ít nhiều. Đất còn rộng, dân còn thưa, gặp những lãnh chúa tốt thì những năm không có chiến tranh và mưa gió thuận hoà, họ có thể đủ ăn, đủ mặc, sống vui vẻ.
Chế độ phong kiến đó tập trung quyền hành trong tay quý tộc, làm cho hạng này được ăn sung mặc sướng, có thì giờ nhàn rỗi học hành, trau dồi văn thơ nghệ thuật, nhờ vậy mà văn minh Trung Hoa dưới đời Chu phát triển. Để được hưởng thụ, giới quý tộc thích sống ở thành thị hơn, và ở đâu họ cũng khuyến khích công nghệ, thương mại, do đó thành thị mọc nhiều và mau thịnh.
Nhược điểm của chế độ đó là nền tảng không vững được lâu, phải dựa trên uy quyền của quý tộc. Uy quyền đó mà suy nhược, hoặc bọn cầm quyền mà tham nhũng, là nội loạn nổi lên liền: chư hầu không tuân lệnh thiên tử, dân không tuân lệnh các quan, kẻ mạnh hùng cứ một phương, thôn tính kẻ yếu ở chung quanh mà làm bá chủ. Số bộ lạc nhỏ cứ giảm dần từ 1600 xuống 1000, 500, vài trăm, một trăm… mà các chư hầu hùng cường, đất đai mỗi ngày một rộng, dân chúng mỗi ngày một đông, gấp năm gấp mười của thiên tử.
Nhà Chu chỉ thịnh trên một thế kỷ, từ đời Võ Vương đến hết đời Chiêu Vương. Qua đời Mục Vương (“trước Tây lịch” – 1001 – 936) đã bắt đầu suy, tới đời U Vương (thế kỷ thứ 8 trước T.L.) thì triều đình loạn, U Vương bị rợ Khuyển Nhung giết; thái tử nối ngôi là Bình Vương, sợ các rợ phía Tây (Tây Nhung) lại uy hiếp nữa, phải dời đô qua Lạc Ấp (- 700) ở phía đông, trong sử gọi là đời Đông Chu(- 700 – 221). Từ đó vua Chu tuy vẫn còn giữ cái danh thiên tử, nhưng mất hết cả quyền hành, thường bị chư hầu lấn áp mà chế độ phong kiến lần lần lung lay.
Trong Chiến Quốc sách, phần 1 trang 100 (Lá Bối 1973) chúng tôi đã nói rằng sự phân chia đời Đông Chu chia thành hai thời kỳ
– Thời Xuân Thu (- 700 – 403) từ đời Chu Bình Vương tới gần cuối đời Chu Uy Liệt Vương.
– Thời Chiến Quốc (- 403 – 221) từ gần cuối đời Uy Liệt Vương tới khi Tần diệt Tề và thống nhất Trung Quốc có một điểm gượng: năm – 403 không đánh dấu một biến cố gì quan trọng đủ để mở đầu một thời đại, chỉ là năm ba đại phu nước Tấn: Hàn Kiều, Triệu Tích, Ngụy Tư được vua Chu phong hầu (do đó mà sau Tấn tách ra thành ba nước Hàn, Triệu, Ngụy), còn xã hội, lịch sử Trung Hoa vẫn biến chuyển liên tục, không bị gián đoạn, từ chế độ phong kiến tới chế độ quân chủ chuyên chế, từ tình trạng phân tán tới tình trạng thống nhất. Tuy nhiên có điều này hiển nhiên là càng về sau xã hội càng loạn, biến cố càng dồn dập, và xét chung thì thời Chiến Quốc quả có nhiều điểm khác thời Xuân Thu.
Về kinh tế, canh nông, phương pháp canh tác rất tiến bộ. Thời Ân người ta dùng lưỡi cày bằng gỗ, thời Tây Chu đã có lưỡi cày bằng đồng đỏ; cuối thời Xuân Thu ở Ngô và Việt, người ta đã tìm ra sắt. Sắt lúc đó gọi là “ác kim” (vàng, bạc, đồng là mỹ kim) và chỉ dùng chế tạo những đồ dùng tầm thường như lưỡi cày, lưỡi cuốc… Năm – 513 vua Tấn bắt mỗi người dân phải nộp một ít sắt để đúc những đỉnh ghi hình luật. Cũng vào khoảng đó xuất hiện những truyền thuyết về hai thanh gươm Can Tương và Mạc Da, bén hơn những thanh gươm thường dùng nhiều, chỉ vì đúc bằng sắt và từ đó sắt mới được dùng làm binh khí. Có xưởng đúc phải dùng tới ba trăm người kéo bễ cho lò đủ nóng mà làm chảy được sắt. Tới thời Chiến Quốc, sắt đã thông dụng, và sách Mạnh Tử, Thiên Đằng Vân Công thượng, bài 4, chép một câu Mạnh Tử hỏi Trần Tương: “Hứa Tử có dùng nồi đồng, trách đất nấu ăn không, có dùng (lưỡi cày bằng) sắt mà cày không?” (Hứa Tử dĩ phủ tắng thoán, dĩ thiết canh hồ?).
Nhớ lưỡi cày bằng sắt, nhờ biết dùng bò để kéo cày, mà cày sâu hơn, nhanh hơn, đỡ tốn sức hơn. Người ta lại biết bỏ phân, làm hai mùa, đào kinh dẫn nước. Nước chư hầu nào cũng muốn phú cường để thôn tính các nước bên cạnh, mà muốn phú cường thì trước hết phải khuếch trương canh nông, nghĩa là phải vừa cải tiến phương pháp canh tác vừa khuyến khích khai phá đất đai mới, vừa thay đổi cách đánh thuế.
Sự khai phá đất đai mới có hiệu quả hơn hết mà cũng cấp thiết nhất vì dân số tăng lên khá mau (tổng số nhân khẩu thất quốc đời Đông Chu độ hai chục triệu, tới đầu kỷ nguyên Kitô, tăng lên sáu chục triệu) tới nỗi Mạnh Tử đã lo thiếu thực phẩm và nguyên liệu, nên phải khuyên các nhà cầm quyền cấm dân bủa lưới mắt nhỏ quá trong các bưng, hồ, cấm đốn cây phá rừng sái mùa, (Lương Huệ Vương – bài 3); và một trăm năm sau Hàn Phi đã phải phàn nàn dân số tăng lên quá mau, (theo cấp số nhân, chẳng hạn một người có 5 người con trai, mỗi người con trai lại có 5 người con trai nữa, thành thử chỉ trong hai thế hệ, khoảng bốn năm chục năm, một người thành ra hai mươi lăm người), thực phẩm mỗi ngày một khó kiếm.
Muốn mở mang đất đai thì nên khuyến khích hoặc bắt buộc thanh niên thoát ly gia đình đi tìm đất mới, và đừng hạn chế số đất canh tác của mỗi gia đình. Vì vậy chế độ tỉnh điền không hợp thời nữa, dù Mạnh Tử bênh vực nó đến mấy thì nó cũng phải bỏ; mà sở dĩ ông hăng hái binh vực nó chính vì nó đã bị bỏ ở vài nước rồi. Theo Maspéro trong La Chine Antique (PUF – 1965) thì Tấn là nước đầu tiên bỏ chính sách tỉnh điền từ thời Xuân Thu, trước thời Mạnh Tử một hai trăm năm. Sau Mạnh Tử, Tấn Hiến Công nghe lời khuyên của Thương Ưởng bỏ chính sách đó từ năm – 350, cho dân được tự do khai hoang canh tác. Bỏ chính sách tỉnh điền thì đồng thời cũng bỏ luôn phép đánh thuế thời đó gọi là trợ (giúp): tám gia đình làm giúp một khoảng ruộng công ở giữa cho chủ điền (tức là cho chính phủ, cho quý tộc), mà thay bằng thứ thuế thường bằng một phần mười huê lợi, huê lợi có khi tính từng năm một, có khi lấy số trung bình của nhiều năm. Lối sau này bất lợi cho nông dân: năm được mùa, lúa thóc dư nhiều, chính phủ có thể thu nhiều mà lại thu ít, dân tiêu pha hết không chịu để dành; tới năm mất mùa, huê lợi chỉ đủ trả phí tổn canh tác thì chính phủ lại bắt nộp đủ số, dân đói phải vay nặng lãi của chủ điền, của con buôn, có kẻ trả nợ suốt đời không hết, như ở Ấn Độ gần đây. Gần thời Chiến Quốc, các ông vua chư hầu cần tiền mua khí giới, nuôi binh lính, đánh thuế rất nặng, có nơi bằng 50% huê lợi của dân, dân tình cực điêu đứng. Tuy nhiên chính sách đóng thuế vào huê lợi cũng có lợi cho nông dân về mặt khác: họ tương đối được tự do, độc lập hơn đối với chủ điền, không bị “cột” vào công điền nữa.
Công nghệ đầu đời Chu còn thô sơ: dân chúng đa số chế tạo lấy đồ dùng trong nhà và đồ làm ruộng; một số nô lệ chuyên môn chế tạo khí giới và các đồ dùng đẹp và quý cho giai cấp quý tộc, làm việc trong các xưởng của quốc gia hoặc trong những gia đình lớn. Đọc tiểu thuyết của Gogol, Tolstoi, Tourgueniev, ta thấy thế kỷ XIX ở Nga có lối công nghệ đó, các đại điền chủ Nga có hàng ngàn, hàng vạn “linh hồn” (tức nông nô), và trong điền trang của họ, có hàng chục, hàng trăm nông nô đàn ông và đàn bà chuyên xây cất, đóng xe, dệt vải, chế tạo nông cụ và dụng cụ cho chủ. Rất ít khi điền chủ mua đồ đạc ở thị trấn – thường rất xa – chở về điền trang dùng.
Tới thời Xuân Thu, công nghệ phát triển hơn, các đồ đồng bằng đồng đỏ, các đồ cẩn, khảm đã đạt được kỹ thuật cao, đồ bạc và bằng ngọc đã xuất hiện.
Qua thời Chiến Quốc, thêm đồ sơn, đồ thuỷ tinh; kỹ thuật đồ gốm, kỹ thuật dệt và nhuộm (có khi người ta nhuộm tới bảy màu), rất tiến bộ và người ta đã tìm được những hợp kim để chế tạo những tấm gương soi mặt rất tốt. Ngoài ra, chính sách thực sản của Quản Trọng ở nước Tề (thời Xuân Thu): khai mỏ, đúc tiền, nấu nước bể làm muối, lập kho lẫm… có nhiều kết quả, làm cho Tề phú cường, và qua thời Chiến Quốc, nước nào cũng chịu ảnh hưởng của Tề. Thương mại còn phát triển hơn công nghệ nữa. Nhũng nơi như Hàm Dương ở Tần, Lâm Tri ở Tề, Hàm Đan ở Triệu, Đại Lương ở Nguỵ đều là những thị trần thương mại rất đông dân và thịnh vượng.
Sử còn chép tên những thương gia danh tiếng như Ý Đốn, người nước Lỗ, Đoan Mộc Tử (tức Tử Cống, một môn đệ của Khổng Tử), cả hai đều ở cuối đời Xuân Thu; qua thời Chiến Quốc có những phú thương rất có thế lực, giao thiệp với hạng vua chúa, có kẻ được giao phó chức tướng quốc nữa như Lã Bất Vi. Một người buôn súc vật ở Trịnh, tên là Huyền Cao, trong khi đem súc vật ra chợ bán, gặp một đạo quân của Tấn muốn xâm chiếm nước mình, bèn giả làm sứ giả của vua Trịnh, dâng đạo quân đó tiền bạc và súc vật để xin họ đừng tiến quân nữa; vậy mà họ tin, đủ biết bọn phú thương được trọng ra sao.
Thương gia nổi tiếng nhất ở đầu thế kỷ thứ V là Phạm Lãi. Ông vốn là một trung thần của Việt Vương Câu Tiễn, giúp Câu Tiễn báo thù Ngô Vương Phù Sai; khi đã toại chí, ông không thích làm một quan lớn trong triều đình Việt, vì sợ luỵ đến thân, bỏ nước Việt, qua nước Đào, đổi tên là Đào Chu Công, kinh doanh buôn bán mà giàu lớn. Quy tắc làm giàu của ông là áp dụng luật cung cầu để biết lúc nào nên trữ hàng, lúc nào nên bán ra. Như năm hạn hán, thuyền rẻ, nên mua trữ để sang năm ngập lụt bán ra; trái lại năm ngập lụt nên mua trữ xe để năm hạn hán bán ra. Ông tính rằng trong 12 năm thế nào cũng có một năm đói lớn, và trung bình cứ một năm được mùa, lại có một năm mất mùa. Ông còn bỏ vốn vào việc khai thác mỏ sắt và bất kỳ công việc nào có lợi, không bao giờ để tiền nằm yên trong nhà, mà cho nó lưu thông không ngừng, cho nên chỉ trong ít năm gây được một sản nghiệp vĩ đại. Thật là một chính trị gia kiêm một nhà kinh doanh đại tài của Trung Hoa thời Tiên Tần.
Hạng con buôn nhỏ, chẳng cần mạo hiểm kinh doanh, cứ bỏ tiền cho vay lãi cũng đủ sung sướng, chẳng cần cày cấy, nuôi tằm, dệt lụa mà cũng ăn ngon mặc đẹp; nông dân khi túng tiền, cần bán nông cụ cho họ, họ mua rẻ, bằng nửa giá; rồi tới ngày mùa, cần chuộc nông cụ về, họ bắt trả gấp đôi.
Có lẽ chính vì bọn đó mà dân tộc Trung Hoa đặt giai cấp thương dân sau ba giai cấp sỹ, nông, công; chứ hạng đại kinh doanh như Phạm Lãi thì không bao giờ bị khinh, mà trái lại bọn quý tộc còn muốn làm quen với họ, mời họ “ngồi cùng xe” nữa.
Về chính trị và xã hội, thời Chiến Quốc khác thời Xuân Thu cũng rõ rệt, có phần rõ rệt hơn về kinh tế nữa, vì kinh tế biến chuyển đều đều, còn chính trị có thể ở vài nước như Sở, Tần có những bước nhảy vọt.
– Chế độ phong kiến suy vi. Trong Chiến Quốc sách (trang 10,11) chúng tôi đã viết: từ khi dời đô sang phía đông (Lạc Ấp), nhà Chu suy nhược lần lần, đất đai thì phải chia cắt để phong cho các chư hầu công khanh, nên mỗi ngày mỗi thu hẹp lại (hoá ra nghèo), chỉ còn trông cậy vào sự cống hiến của các chư hầu mà chư hầu như nước Lỗ, trong 242 năm chỉ triều cống có ba lần: không những vậy, vì cái danh nghĩa thiên tử, đôi khi còn phải giúp lương thực cho chư hầu những năm họ mất mùa hoặc có chiến tranh.
Nhà Chu suy nhưng một số chư hầu mỗi ngày một mạnh vì chính trị tốt, kinh tế phát đạt như Tề, hoặc vì thôn tính được những nước nhỏ hơn, khai thác được những đất mới như Sở, Tần. Số chư hầu trước kia còn ngàn rưởi, tới thời Đông Chu (Xuân Thu) chỉ còn lại trên một trăm, qua thời Chiến Quốc, giảm xuống nữa, còn dưới một chục: Tề, Tần, Sở, Hàn, Ngụy, Triệu, Yên; trong số thất hùng, mạnh nhất là Tần, Sở, Tề vì đất đai đã rộng (nhất là Sở) mà tài nguyên lại nhiều. Gần cuối thời Chiến Quốc họ thành những quốc gia độc lập, không phục tùng nhà Chu nữa, không chịu xưng bá mà tự xưng vương (tức tự coi mình ngang với nhà Chu) như Tề, Ngụy năm – 334, Tần năm – 325, Hàn, Yên năm – 323…; sau Tần Chiêu Tương vương còn tự xưng là đế (Tây Đế) – năm – 228 – sai sứ lập vua Tề làm Đông Đế nữa, nghĩa là coi Trung Quốc không còn nhà Chu, chỉ còn Tần và Tề là đáng làm thiên tử của các chư hầu thôi, Tần làm chủ phương Tây, Tề làm chủ phương Đông. Họ thành những quốc gia độc lập.
Trong quốc gia của họ, họ cũng bỏ chế độ phong kiến mà dùng chế độ quận huyện. Tấn là nước đầu tiên lập ra một huyện, huyện Khuê Trung thời Xuân Thu (cuối thế kỷ thứ VII), sau khi chiếm được một miền của một rợ về phía tây. Sau đó là các nước Sở, Tề, Ngô, nhưng những quận huyện thời đó vẫn còn có vài nét thái ấp, vì quyền cai trị vẫn còn cha truyền con nối. Qua thời Chiến Quốc, nhất là từ năm – 350, Thương Ưởng làm tướng quốc ở Tần, chế độ quận huyện thực sự mới được phổ biến và mất hẳn tích cách thái ấp, nghĩa là viên quan cai trị do chính quyền trung ương bổ nhiệm, có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào, y như một công chức thời nay. Đó là một tiến bộ lớn đưa tới chế độ quân chủ chuyên chế các đời sau này.
– Mỗi khi một nước chư hầu bị thôn tính – mà suốt đời Xuân Thu và Chiến Quốc, có hàng trăm nước như vậy- thì một bọn quý tộc mất địa vị, tức như trường hợp Khổng Tử. Tổ tiên ông vốn người nước Tống. vì bị một quyền thừa áp bức, họ Khổng phải dời qua nước Lỗ, được năm đời thì sinh ra ông. Gia đình sa sút, mười tám tuổi chưa có một chức vụ gì cả, mười chín tuổi thành gia thất rồi mới nhận chức ủy lại, coi việc gạt thóc ở kho, sau làm tư chức lại (chức tư lại?), coi việc nuôi bò dê để dùng vào việc cúng tế, đều là những chức thấp nhất trong chính quyền. Mạnh Tử cũng giống ông, thuộc giòng dõi công tộc Mạnh Tôn ở nước Lỗ, nhưng đến đời ông cha đã sa sút, tuy là quý tộc mà sống như bình dân.
Qua thời Chiến Quốc, một số vua chư hầu muốn tước quyền của bọn quý tộc, một mặt không phong thái ấp cho họ nữa, một mặt thâu tước lộc của con cháu những người đã được phong, như nước Sở dưới triều Điệu Vương đầu thế kỷ thứ IV, Ngô Khởi vạch cho Điệu Vương thấy cái hại của bọn đại thần được phong quá đông, khiến cho nước nghèo, binh yếu, nên khuyên Điệu Vương sau ba đời thì thâu tước lộc lại. Điệu Vương nghe theo, bỏ các chức quan không cần thiết, bớt lương bổng của một số khác, để lấy tiền nuôi chiến sỹ. Bọn quý tộc bất mãn, khi Điệu Vương chết, bèn hùa nhau hãm hại Ngô Khởi, giết và chặt chân tay Ngô Khởi. Giữa thế kỷ thứ IV, Tần còn làm mạnh hơn nữa, đặt ra bốn mươi mốt quận huyện trong khắp nước, hằng trăm gia đình quý tộc mất địa vị.
Tóm lại thời Chiến Quốc, gia cấp quý tộc cũ lần lần tan rã, không nắm quyền hành nữa, và một giới hữu sản mới lên thay: họ là những người khai phá những đất mới, những thương nhân làm giàu rồi mua đất và thành những tân địa chủ, lối sống cũng như bọn quý tộc cũ, nhưng tư tưởng tiến bộ hơn, và một số có tài nhảy ra làm chính trị. Thời Xuân Thu đã có một số ít người trong giai cấp đó chiếm được những địa vị cao: như Bách Lý Hề, Quản Trọng, Ninh Thích…, nhưng thời Chiến Quốc mới thực là thời của họ tung hoành. Họ là những kẻ sỹ áo vải 5 giỏi về chính trị, ngoại giao, kinh tế hay võ bị, làm quân sư hoặc tướng quốc cho các vua chúa. Họ là Tô Tần, Trương Nghi, Cam Mậu, Phạm Tuy, Ngô Khởi, Bạch Khởi, Lã Bất Vi, Lý Tư…
Họ thông minh, có chí, quyết lập nên sự nghiệp, trau dồi kiến thức, tìm hiểu tình hình mỗi nước, rồi đi kiếm một ông vua để thờ. Họ phải chờ người giới thiệu hay đút lót mua chuộc bọn hầu cận nhà vua để xin đuợc tiếp kiến. Được tiếp kiến, họ phải dùng ba tất lưỡi để thuyết phục nhà vua – coi thiên Thuế nan (trong phần dịch ở sau), độc giả sẽ thấy thuật thuyết phục đó khó khăn và nguy hiểm ra sao. Khi thuyết phục được rồi, nghĩa là nhà vua chịu nghe theo kế hoạch của họ, tin dùng họ, thì một bước họ nhảy lên chức tướng quốc. Nhưng muốn giữ địa vị đó, họ phải đánh át ảnh hưởng của bọn “cha anh” nhà vua, tức bọn quý tộc cũ, bọn này vốn bảo thủ, muốn bám lấy quyền lợi, ghét mọi sự cải cách, ghen quyền hành của họ, nên nhiều khi làm cho họ mất mạng, như trường hợp Ngô Khởi, Thương Ưởng – coi thiên Cô phẫn trong phần dịch. Sự thăng tiến đó của kẻ sỹ là một nét đặc biệt trong thời Chiến Quốc.
– Một nét đặc biệt nữa là thời Xuân Thu, các vua chúa còn trọng nhân nghĩa, vài ba ông còn dùng nhân nghĩa để trị dân; qua thời Chiến Quốc, họ chỉ dùng thuật. Như vậy một phần do xu thế của đương thời, một phần cũng do sự thúc đẩy của bọn sỹ kể trên.
Ngươi ta thấy chính sách “nhân chính” dùng nhân nghĩa để trị dân của Nghiêu, Thuấn mà Khổng, Mạnh đề cao nếu không phải là vu khoát thì cũng chậm có kết quả, không thể thi hành được.
Tới thời Mạnh Tử còn có một số vua chư hầu thích nghe thuyết nhân chính, như Tề Tuyên Vương, Lương Huệ Vương, nhưng họ chỉ nghe thôi, chứ không đủ kiên nhẫn để theo. Như Lương Huệ Vương phàn nàn với Mạnh Tử rằng đã hết lòng trị nước theo nhân nghĩa, cứu giúp dân nghèo mà sao kết quả không hơn gì các nước láng giềng, dân số vẫn không đông hơn các nước ấy. Mạnh Tử đem trận chiến ra giải thích, bảo:
– “Quân hai bên giao chiến, mà quân của nhà vua thua, cởi bỏ áo giáp, kéo đao thương mà chạy, kẻ chạy trăm bước mà ngừng, kẻ năm chục bước rồi ngừng. Kẻ chạy năm chục bước có quyền chê kẻ chạy trăm bước không?”
Huệ Vương không đáp, và Mạnh Tử kết luận:
– “Vậy thì nhà vua cũng đừng nên mong nước nhà vua đông dân hơn các nước chung quanh”.
Nghĩa là chưa thấy kết quả chỉ tại chưa thi hành nhân nghĩa đến nơi đến chốn, còn phải kiên nhẫn nhiều, gắng sức nhiều nữa, mới bấy nhiêu tuy đã khá hơn các vua khác, nhưng chưa đủ.
Ngay như Đằng Văn Công thành tâm tin thuyết nhân chính, gắng sức thi hành, nhưng bị Tề, Sở ép ở hai bên, lăm le thôn tính, nên luôn luôn lo sợ mất nước, mấy lần khẩn khoản xin Mạnh Tử chỉ cho cách đối phó. Mạnh Tử chẳng đưa ra kế hoạch nào hay cả, trước sau cũng chỉ khuyên ráng cùng với dân kháng chiến, kháng chiến không được thì bỏ nước mà đi. Lời đó càng làm Đằng Văn Công lo thêm. Bí quá Mạnh Tử đành phải bảo: “Nhà vua cứ làm điều thiện đi, đời sau sẽ có người lập được nghiệp vương mà thống trị thiên hạ”. Thật là một lời vô trách nhiệm, nước sắp mất đây, dân sắp làm nô lệ đây, mạng mình không biết còn hay không đây, mà hy vọng ở đời sau!
Không có lời nào tỏ được sự thất bại của chính sách nhân chính và tả được tâm trạng xót xa của các Nho gia thời Chiến Quốc bằng lời Mạnh Tử trách Tề Tuyên Vương dưới đây:
“Có người hồi nhỏ học đạo (trị quốc) của thánh hiền, lớn lên mong thi hành sở học của mình. Nhưng nhà vua lại bảo: “Khoan, hãy để qua một bên sở học của nhà ngươi mà làm theo ý ta đã”. Như vậy mới làm sao! Nay nhà vua có một hạt ngọc chưa mài, dù đáng vạn dật thì cũng giao cho thợ ngọc mài dũa. Đến việc trị nước thì nhà vua lại bảo: “Khoan, hãy để qua một bên sở học của nhà ngươi mà làm theo ý ta đã! Sao hành động lại khác khi giao ngọc cho thợ mài dũa?” (Lương Huệ Vương, hạ – 9).
Hành động phải khác chứ, sao lại không? Hạt ngọc đem mài dũa ngay thì nó đẹp lên ngay, chứ không hại gì cả. Còn dùng sở học của Mạnh Tử tức nhân chính, để trị nước Tề thì Tề đã không thể mạnh lên ngay được mà còn có thể bị Tần, Sở đánh bại nữa. Mạnh Tử có tật ví von, thành thử lý luận của ông nhiều khi bông lông, không thực tế.
Thời Chiến Quốc là thời bảy người đuổi bắt một con hươu, kẻ nào mưu mô, nhanh chân khéo tay là được. Nhân nghĩa đôi khi cũng có ích đấy, nhung không đủ, phải làm sao cho nước mau giàu, mau mạnh, phải dùng thuật – thuật hiểu theo hai nghĩa: kỹ thuật và tâm thuật (tức thủ đoạn). Cho nên bọn Ngô Khởi, Thương Ưởng, Tô Tần, Trương Nghi… tư cách kém xa Mạnh Tử, Tuân Tử mà được trọng dụng, làm cho Tần, Sở mau hùng cường.
Trong khi Nho gia chỉ bàn về nhân nghĩa, chê kỹ thuật (Khổng tử chê một môn đồ là quê mùa vì hỏi ông về nghề nông), cho sự cải cách chế độ, kinh tế là tầm thường (Mạnh Tử chê sự nghiệp của Quản Trọng là thấp kém) thì bọn sỹ kia tìm cách cải thiện chính trị, canh nông, binh bị, dùng thuật ngoại giao làm hậu thuẫn, dùng thuật kiểm soát, điều khiển bề tôi để củng cố quân quyền, kết quả chỉ trong năm, mười năm là thấy rõ, nên ông vua nào mà chẳng tin họ?
– Quan trọng nhất là sự cải thiện kỹ thuật chiến tranh. Thời Xuân Thu chiến tranh còn theo luật quân tử.
Đọc Tam Quốc Chí chúng ta mỉm cười khi thấy hai bên dàn trận rồi, tướng bên này xông ra, múa giáo thách đố, có khi sỉ vả hoặc mỉa mai khuyên nhủ tướng bên kia; họ đối đáp với nhau một hồi rồi mới xáp lại đọ sức nhau, trong khi quân lính ở đàng sau ngó. Không biết thời Tam Quốc người ta đánh nhau như vậy có thật không, nhưng thời Xuân Thu thì chắc chắn như vậy, có khi người ta cực kỳ lễ độ với nhau là khác. Marcel Granet, tác giả cuốn La Civilisation chinoise (Albin Michel – Paris – 1948) trong một chương rất lý thú, chương La vie publique, cho ta biết thời Xuân Thu, trước khi lâm chiến, tướng hai bên phái sứ giả định giờ giao tranh. Khi ra trận, tướng hai bên đứng trên chiến xa cúi đầu ba lần để chào nhau; nếu tướng bên đây thấy tướng bên kia chức tước hoặc danh tiếng lớn hơn mình nhiều thì xuống xe, lột mũ trụ để chào nữa. Có khi họ còn trao đổi thức ăn và rượu với nhau. Một nhà quý tộc mà ra trận thì chỉ giết nhiều lắm là ba tên địch chứ không giết hơn. Có kẻ nhắm mắt mà bắn địch, nếu lỡ mà trúng thì là tại số phận của địch. Nực cười nhất là trong một cuộc giao chiến giữa Tấn và Sở, một chiến xa của Tấn sa lầy, tiến không được, tình cảnh nguy ngập, tướng Tấn loay hoay không biết làm sao. Tướng Sở đứng bên ngó, rồi chỉ cho cách gỡ bỏ bớt then ngang cùng cờ và khí giới đi, quân Tấn nghe theo thoát ra khỏi chỗ lầy được.
Dĩ nhiên cũng có nhiều lúc họ hăng hái chém giết nhau, nhưng không bao giờ người ta muốn tận diệt quân địch, và có người không muốn thừa lúc địch chưa chuẩn bị kịp mà tấn công ngay, cho vậy là không quân tử. Chẳng hạn một lần Tống và Sở giao tranh ở Trác Cốc. Quân Sở đương qua sông. Quân Tống đòi thừa dịp tấn công ngay. Tống Tướng công không cho, bảo để địch qua sông đã. Khi quân Sở qua sông hết rồi, quân Tống lại xin tấn công. Tướng công cũng bảo: “Khoan, đợi chúng dàn trận xong đã”. Sở dàn trận xong, đánh bại Tống, Tướng công bị thương, mà còn bảo:” Bậc quân tử không đánh quân địch khi họ ở trong bước cùng khốn”. Truyện đó chép trong thiên XXXII sách Hàn Phi tử, sẽ dịch ở sau.
Tấn Văn công đồng thời với Tống Tướng công (ông này mất năm – 637 thì năm sau Văn công lên ngôi) cũng vì ham cái tiếng nhân nghĩa mà có một hành động mâu thuẫn: trong chiến tranh với Sở, Hồ Yển khuyên ông nên dùng mưu gạt Sở, còn Ung Quý khuyên ông đừng, kẻo mất chữ tín, trái đạo. Ông theo Hồ Yển, thắng Sở rồi thì thưởng công Ung Quý hậu hơn Hồ Yển, vì theo ông, Ung Quý biết “cái lợi muôn đời” còn Hồ Yển thì chỉ nghĩ đến cái lợi nhất thời mà thôi. (Hàn Phi chê thái độ đó trong thiên XXXVI – coi phần dịch.)
Chiến tranh thời Xuân Thu chắc chết ít người lắm.
Nhưng qua thời Chiến Quốc thì khác hẳn. Mạnh Tử đã phải phàn nàn rằng các chư hầu đều “tranh thành dĩ chiến, tranh địa dĩ chiến”, “sát nhân doanh dã, sát nhân doanh thành”. Hết cái luật quân tử, mà chỉ còn cái luật rừng rú: chém giết cho thật nhiều, để cướp bóc cho thật nhiều.
Kỹ thuật chiến tranh, khí giới được cải thiện. Người ta dùng nỏ giương bằng chân, bắn được xa hơn, tương truyền là bắn được kẻ thù cách xa non một cây số.
Kỵ binh xuất hiện; nhờ rút kinh nghiệm của Hung Nô, người ta vừa phi ngựa vừa bắn. Năm – 307, Triệu Võ Linh vương có lẽ là ông vua đầu tiên ăn mặc như người Hồ, cưỡi ngựa bắn cung như người Hồ, nghĩa là dùng kỵ binh như người Hồ để chống lại họ. (coi Chiến Quốc sách – Triệu II.4 – Lá Bối – 1972). Bộ binh cũng xuất hiện và thành binh chủng quan trọng nhất. Có những đạo quân hàng trăm ngàn người. Ngay từ thế kỷ thứ IV, Tần là nước đầu tiên bắt buộc mọi người mạnh mẽ phải đi lính. Người ta chế những cái thang mây, những cái tháp để công phá thành địch; có những cuộc công phá kéo dài tới hai, ba năm. Người ta dùng thuật do thám, tuyên truyền, nghĩa là dùng cả chiến tranh tâm lý.
Càng về cuối thời Chiến Quốc, chiến tranh càng tàn khốc; kinh tởm nhất là tướng Tần Bạch Khởi chôn sống bốn chục vạn quân Triệu đã đầu hàng (năm – 260)
– Do đó tình hình dân chúng thật điêu đứng. Già nửa dân phải đi lính, kẻ ở nhà phải nộp thuế có khi tới ba phần tư hoa lợi. Những năm được mùa, dân cũng không được hưởng vì triều đình thu hết lúa để nuôi lính; mà những năm mất mùa thì kẻ già, người bệnh chết hàng loạt trên đường, trong ruộng.
Dù chiến tranh chấm dứt thì họa cũng kéo dài hàng chục năm, “vì tổn phí vào chiến tranh, mười năm thu lúa cũng chưa đủ bù. Quân đội mà chiến đấu xong thì mâu và kích gẫy, vòng và dây cung đứt, nỏ hao tổn, xe hư hỏng, ngựa mệt mỏi, tên mất đi già nửa, áo giáp cùng binh khí triều đình đã phát ra, kẻ sỹ và đại phu dấu đi một phần, sĩ tốt lấy trộm đi một phần, dù thu thuế ruộng mười năm cũng chưa đủ bù vào” (Chiến Quốc sách – Tề V.I). Ấy là chưa kể bao nhiêu người chết, bao nhiêu đất đai bị bỏ hoang, nhân lực và tài nguyên quốc gia có thể bị kiệt quệ.
Mà chiến tranh trong hai năm cuối cùng thời Chiến Quốc liên miên bất tuyệt, có khi nào chấm dứt đâu, chỉ tạm dừng ở nước này hay nước khác để chuẩn bị cho một chiến tranh khác.
Dân chúng khổ sở vì nỗi bọn vua chúa trụy lạc, bóc lột nữa. Bọn này sống cực kỳ xa hoa trên xương máu của dân: vợ họ đeo đầy châu báu, ngọc thạch, họ ngồi trong những xe phủ gấm vóc, sống trong những lâu đài lộng lẫy, tiệc tùng suốt ngày này qua ngày khác, có bữa tiệc hàng trăm món ăn, tới nỗi “mắt không nhìn thấy hết được, tay không gắp hết được, miệng không nếm hết được”. Một vị đại thần nước Ngụy (tức nước Lương) mà có mấy trăm cỗ xe trang hoàng đẹp đẽ, cả ngàn con ngựa mập và mấy trăm nàng hầu ăn mặc như các công chúa. Như vậy ta tưởng tượng cách sống của các vua nước lớn như Tề, Tần, Sở ra sao.
Quan lại đa số tham nhũng: Tư Mã Thiên trong bộ sử Ký, thiên 119, chỉ chép truyện có năm vị quan tốt (tuần lại) mà thiên 122 chép truyện mười tên quan xấu (khốc lại) điều đó rất có ý nghĩa. Kẻ sỹ chỉ tranh nhau ăn, tới nỗi Phạm Tuy, tể tướng Tần, tư cách cũng chẳng cao đẹp gì mà cũng phải ví họ với bày chó của vua Tần: “(khi bình thường) nằm thì cùng nằm, đi thì cùng đi, ngừng thì cùng ngừng, không cắn nhau; nhưng hễ ném cho chúng một khúc xương thì chúng vùng dậy, nhe nanh ra cắn nhau. Chỉ tại tranh ăn” (Chiến Quốc Sách – Tần III.13).
Thấy xã hội từ trên xuống dưới đầy trộm cướp như vậy, bọn quý tộc sa sút bất bình, muốn trở lại thời Xuân Thu, ổn định hơn, nhưng bất lực; hạng thư sinh thì chỉ thở dài, giảng nhân nghĩa; còn hạng võ dũng thì chỉ biết dùng thanh gươm để rửa nhục cho kẻ bị oan ức, bênh vực kẻ bị áp bức, thành bọn thích khách mà người ta gọi là hiệp sỹ. Chúng ta không thấy làm lạ rằng thời Chiến Quốc có nhiều hiệp sỹ hơn các thời khác, và Tư Mã Thiên không tiếc lời ca tụng họ trong thiên 124: Du hiệp.
Họ tiếc thời cũ, muốn trở lại thời Xuân Thu, một phần vì thời đó ổn định hơn, tôn trọng nhiều giá trị tinh thần (nhân nghĩa…) hơn, một phần cũng vì muốn khôi phục lại địa vị cũ của họ. Nhưng họ lại bất lực; giòng lịch sử chỉ chảy xuôi chứ không chảy ngược.
——————————–
1 Có sách cho nhà Chu bắt đầu từ năm -1134, năm Võ Vương nối ngôi cha làm Tây bá.
2 Đời Thương, vua chết thì truyền ngôi cho em trai, không có em trai mới truyền cho con. Đời Chu đổi hẳn: chỉ truyền cho con, không có con mới truyền cho em.
3 Các học giả Trung Quốc chưa nhất trí về sự phân định các thời đại. Quách Mạt Nhược trong Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu (Khoa học xuất bản xã – Bắc Kinh -1960) cho đời Ân là chế độ thị tộc, Tây Chu là chế độ nô lệ, Đông Chu là chế độ phong kiến; còn Lã Chấn Vũ đồng thời với Quách cho Ân là chế độ nô lệ, Tây Chu là chế độ phong kiến (Phong là rừng cây chia ranh giới, kiến là kiến quốc; phong kiến là cắt đất, định ranh giới cho chư hầu lập quốc).
4 Theo Quách Mạt Nhược (sách đã dẫn) thì chế độ tỉnh điền còn là một nghi vấn, vì trong các kinh Thi, Thư không thấy nói tới, mà nó cũng khó thực hành được, nhưng Maspéro trong Le Chine antique (PUF – 1965), trang 90, chứng minh là nó có.
5 Áo vải tức là gốc bình dân, không phải trong giới quý tộc, chứ không hẳn nghèo vì nghèo quá thì không học hành được.
Vui cười
Hết giờ làm việc, sếp vội vàng gọi đến nàng mới quen từ khách sạn:
– Hello! Ai đấy? Em đó hả? Tối nay anh sẽ đến, nhớ đón anh nhe cục cưng.
– Anh đó hả? Không được đâu anh, ngày mai đi, vì đêm nay lão già sẽ về nhà.
Nhận ra tiếng vợ mình (hoá ra sếp lãng trí gọi nhầm số điện thoại tại nhà ), sếp vội vàng cúp điện thoại xuống lẫm bẫm: Chết cha, may quá! Chút nữa bà ta nhận ra tiếng mình.
Anh A hỏi người bạn:
– Cô gái mày quen làm gì mà ăn mặc đúng mốt thời trang vậy?
Người bạn: – Con gái chủ tiệm vàng đó. Nhưng tính tình lạ lắm mày.
Anh A: – Lạ là như thế nào?
Người bạn: – Tính tình như giá vàng. Sáng khác, chìêu khác.
Một cô gái ăn mặc rất đẹp, chạy xe đến bên một bà lão đang ngồi bên đường rồi hỏi:
– Ê bà già ! Đường nào đến chỗ thi người đẹp thanh lịch?
Bà già: – Chỗ đó thì tôi không biết. Nhưng người như cô phải đến chỗ này…
Cô gái: – Chỗ nào? Bà già: – Chợ cá.
Một nhà văn tâm-sự với bạn:
– Sinh-nhật của bà xã tôi tới một bên, tôi chả biết kiếm thứ gì vừa không tốn-kém vừa khiến bả hãnh-diện và hớn-hở đi khoe với tất cả mọi người…
Anh bạn mách nước:
– Dễ ợt! Anh viết một lá thư tình nặc danh dán tem gửi về cho bả!
– Bọn trẻ chúng bây ngày nay hư quá! Mười lăm tuổi đầu đã rạch-ròi chạy theo trai cả ngày, ngay cả sinh-nhật thứ 30 của mẹ mà cũng chẳng thèm nhớ tới!
Năm 2018: Bảy (7) chuyện phải làm – Từ Thức
“…Bày tỏ tình cảm với những người thân trước khi quá trễ. Người Việt thường che giấu tình cảm. Một ông bạn viết một cuốn sách rất hay, chưa khen ông ta một câu. Ông ta vừa qua đời…”
Triết lý chim sẻ
1- Nhất quyết bỏ thuốc lá. Điều này dễ, vì không đụng tới thuốc lá từ… 10 năm nay
2- Bớt uống rượu. Tương đối dễ. Vì không uống một mình, chỉ uống với bạn. Bạn thực càng ngày càng hiếm, rượu ngon càng ngày càng đắt. ” Rượu ngon không có bạn hiền… ”
3- Tập thể dục mỗi ngày một giờ. Dễ ợt, trên lý thuyết. Trên thực tế, đã quyết tâm từ 15 năm nay, vẫn chưa bắt đầu, vì chưa tìm được ngày lành, tháng tốt. Có lẽ phải đặt mục tiêu khiêm tốn hơn : tập thể dục mỗi tháng một giờ. Hay mỗi năm…
4- Không ăn đồ Tàu. Không khó, vì từ lâu, không đặt chân vào một tiệm ăn Tàu, trừ khi bạn bè lỡ chọn nơi hẹn (Tại sao cứ hẹn nhau ở tiệm Tàu?)
5- Viết tiếng Việt, không viết tiếng Tàu. Không dễ, vì tiếng Việt, như tiếng Nhật, Hàn, đầy chữ gốc Hán.. Nhưng có thể làm được bằng cách, sau khi viết, tìm cách thay những chữ Tàu bằng chữ Việt. Nhiều người làm ngược lại : cố nhét thật nhiều thành ngữ Hán Việt cho sang, cho có vẻ trí thức. Ý càng rỗng, chữ càng kêu.
6- Bày tỏ tình cảm với những người thân trước khi quá trễ. Người Việt thường che giấu tình cảm. Một ông bạn viết một cuốn sách rất hay, chưa khen ông ta một câu. Ông ta vừa qua đời. Quên nói với một bà bạn là nụ cười của bà rất đẹp. Bây giờ bà bị ung thu, không cười nữa.
7- Bắt chước Kennedy, đừng hỏi đât nước làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn làm gì cho đất nước.
Làm một cái gì đó, để khỏi thành một người vô cảm, ăn xong lăn ra ngủ như một con vật, sống vật vờ chờ ngày chết.Nhưng làm gì, khi khả năng không có , khi vấn đề mông mênh, ngập đầu? Đành phải theo triết lý chim sẻ.. Trong một đám cháy rừng, một con chim sẻ bay đi bay lại, xuống sông, ngậm từng ngụm nước, nhả vào lửa. Một con voi nằm vưỡn bụng, chế nhạo : “Mày nhỏ hơn cái kẹo, lăng xăng, bày đặt. Tao còn không làm được gì…”. Chim sẻ trả lời : “Tôi đóng góp phần tôi; tôi làm những gì có thể làm được.’’
Chính Trị Và … Sex – Vũ Linh
Nếu có một du khách nào mới lần đầu tiên tới thăm cái xứ Cờ Hoa lúc này, vị khách đó chắc sẽ dừng một khắc, chụp vài ba bức hình cho có, rồi xách dép chạy bạt mạng về xứ ngay. Nhất là nếu đi du lịch với bầu đoàn thê tử, có con vị thành niên, chạy càng nhanh.
Lý do? Vị du khách này nghĩ lại, chưa thấy mình đã đi đến cái xứ nào loạn luân như cái xứ Mỹ này hết. Mở TV bất cứ đài nào, mua bất cứ báo nào, toàn thấy nói chuyện hết ông này sách nhiễu tình dục đến ông kia lem nhem sàm sở. Dĩ nhiên không kể các ông ôm hôn nhau hay mấy bà nắm tay làm đám cưới. Hay chuyện ông râu xồm đòi vào cầu tiêu nữ, hay cô chân dài đòi vào cầu tiêu nam. Làm như thể cả nước này toàn là bị bệnh hoạn, ám ảnh, dồn nén vì chuyện sex nên thành điên khùng hết rồi.
Chuyện sex, tiền và quyền hành –nhất là quyền chính trị- là ‘ba cái lăng nhăng’ nắm tay nhau đồng hành dĩ nhiên đã có từ thời ông Bành Tổ, không có gì mới lạ, chỉ là thời đó chưa có báo hay TV hay facebook nên ít ai biết. Ai cũng hiểu đó là trong cái bản chất ‘thú tính’ của con người, càng đi xâu vào lịch sử sơ khai, càng gần với cái thú tính đó. Dễ hiểu thôi. Thế nhưng, ta đang ở xứ Cờ Hoa mà. Chẳng phải đây là cái xứ văn minh tiến bộ nhất nhân loại sao? Sao cái ‘thú tính’ đó lại có vẻ như nổi đình nổi đám, bộc phát mạnh hơn cả thế giới? Mà lại trong thiên niên kỷ mới, khi thiên hạ đã biết ăn ở phải phép với nhau từ mấy ngàn năm rồi.
Chuyện cũ thật, nhưng đã qua chương mới.
Cái chương mới này bắt đầu cách đây vài tháng. Một ông đại tỷ phú, chuyên sản xuất những phim vĩ đại, nổi tiếng nhất, Harvey Weinstein, bất ngờ bị một cô chuẩn tài tử nhí đáng tuổi cháu ngoại, không biết vì bực tức thật sự hay vì muốn nổi đình đám kiếm job đóng phim, tự nhiên tố ông Weinstein là sách nhiễu tình dục, sàm sở gì đó. Chuyện quá thường tình trong cái thế giới phim ảnh trong đó đã có cả triệu phim với những màn ôm ấp hôn hít hay xa hơn nữa, giữa những tài tử làm những chuyện này như thiên hạ bắt tay nhau nói hello, chẳng mang một ý nghiã gì, chẳng ai thắc mắc. Họ ‘ngủ thật’ với nhau khi không đóng phim cũng là chuyện bình thường bất kể vợ chồng hay không, nói chi đến chuyện sàm sở vớ vẩn.
Báo chí đăng cho có vì tiếng tăm của ông Weinstein. Ai cũng nghĩ, ngày mai trời lại sáng, thiên hạ lại bù đầu đi cầy, báo chí lại trở về với thú đánh Trump. Thiên hạ sẽ quên hết chuyện ông Weinstein để rồi ông này lại đi bù khú với em chân dài khác.
Thế nhưng kịch bản bình thường này đã bị thay đổi hoàn toàn. Câu chuyện ông Weinstein bất ngờ giống như đập nước bị lủng một lỗ quá lớn, bất thình lình cả cái đập nước bị phá tan.
Tiếp theo cái cô chuẩn tài tử đó, hơn 40 tài tử khác, chuẩn có mà thành danh như Angelina Jolie cũng có, cả lão bà Jane Fonda luôn. Họ ào ào nhẩy ra tố giác Weinstein đã lạm dụng họ, nhiều người thú nhận sự nghiệp điện ảnh huy hoàng của họ đã khởi đầu từ việc phải miễn cưỡng cho ông Weinstein ‘đóng tuồng’ trong những màn không có trong kịch bản cách đây mấy chục năm.
Thiên hạ đang ngỡ ngàng thì nổ bùng ra chuyện anh tài tử Kevin Spacey, một tài tử hạng ‘siêu sao’ đóng vai một tổng thống trong loạt phim TV, House of Cards. Chuyện khác người là anh này bị một ‘ông’ tài tử tuổi xồn xồn, tố là cách đây đâu hai ba chục năm, khi anh mới vào nghề, bị anh Spacey rờ mò mà không dám hó hé. Anh Spacey mau mắn nhận tội, rồi thú nhận anh là dân đồng tính bí mật.
Hàng loạt tài tử, đạo diễn, nhà sản xuất gạo cội nổi danh lần lượt bị tố. Người thì mau mắn nhận tội, người thì thề thốt trong trắng hơn ma sơ.
Ta thấy không thiếu những tên tuổi uy tín, lừng danh như người hùng Rambo Sylvester Stallone; Oliver Stone, nhà đạo diễn cực tả chuyên làm phim bôi bác chiến tranh VN. Thậm chí đến bà ca sĩ diva nổi tiếng Mariah Carey cũng bị anh cận vệ tố là bà đã … chộp anh ta! Không, quý vị không đọc lộn đâu: một anh la ó bị một chị chộp!
Thế rồi chuyện phải đến đã đến. Câu chuyện sách nhiễu tình dục lan qua chính trị. Bước đầu lan nhè nhẹ qua cụ ông Bush cha vì tội thích vỗ đít mấy bà vì … vừa tầm tay khi đang ngồi xe lăn.
Nhưng nạn nhân thật sự đầu tiên là ông quan tòa Roy Moore, ứng viên thượng nghị sĩ Alabama của CH trong cuộc bầu cử đặc biệt tìm người thay thế bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions. Ông già gần tuổi cổ lai hy bị nửa tá bà xồn xồn tố khi các bà ấy còn ở tuổi vị thành niên, đã bị ông Moore sàm sở, có người còn bị hãm nữa.
Dĩ nhiên, món quà trời cho. Phe DC, với sự hăng say tiếp tay của TTDC, nhẩy vào, khai thác triệt để, không phải để mang lại công lý cho mấy bà nạn nhân, mà chỉ nhằm mục đích chiếm cái ghế nghị sĩ của Alabama. Ông Moore đang ở trong tư thế nằm nhà ngủ cũng thắng cử, bất thình lình thấy tỷ lệ hậu thuẫn của mình rớt như sung rụng, bảo đảm sẽ thảm bại không còn manh giáp. Đảng CH xanh mặt. Thế đa số có hai phiếu tại Thượng Viện lung lay mạnh sau khi hai nghị sĩ CH đã tuyên bố không ra tranh cử lại, bây giờ lại mất cái ghế chắc ăn nhất, không run thì khi nào mới run. Thế đa số của cả đảng CH quan trọng gấp vạn lần mấy cái chuyện sex lẩm cẩm này, nhất là chẳng có ai đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào.
DC chiếm đa số trong Hạ Viện và Thượng Viện thì chuyện đàn hặc Trump không còn viễn vông nữa. TT Trump, trước đây ủng hộ ông đối thủ của ông Moore trong lúc tranh cử sơ bộ trong nội bộ CH, nhưng ông này thua, TT Trump đành phải ủng hộ ông Moore.
Trong khi ông Moore bị nước ngập tới cổ thì bất thình lình, hai thượng nghị sĩ tên tuổi của DC bị hàng loạt mấy bà tố đã từng sàm sở. TNS Al Franken bị một nữ ký giả tung hình ông đang giơ hai tay ra chộp ngực bà khi bà đang ngủ ngồi trên máy bay. TNS John Conyers thì bị hàng loạt phụ tá của chính ông tố ông đã sách nhiễu họ đủ kiểu, kể cả đi họp với nhân viên nữ mà chỉ mặc có quần lót.
Riêng về ông Conyers thì lòi ra một chuyện khiến cả quốc hội bối rối chứ chẳng phải riêng ông. Ông Conyers đã có lần lấy tiền từ một quỹ bí mật của quốc hội để bịt miệng một nạn nhân. Bây giờ thiên hạ mới biết quốc hội có quỹ riêng –tức là tiền thuế của dân đấy- để kín đáo bịt miệng những xì-căng-đan của các dân biểu và nghị sĩ, bất kể CH hay DC. Trên mặt chính trị thì đánh nhau không nương tay, nhưng về chuyện xì-căng-đan thì họ bảo vệ nhau rất kỹ.
Tự nhiên hàng loạt chính khách tên tuổi nhất bị tố sàm sở cả đám.
Trong khi cả đảng DC luống cuống thì bất ngờ có một bà nhà báo hăng tiết, nhẩy ra đóng vai Lê Lai cứu chúa. Bà lên báo công khai viết “Đúng là hai ông Franken và Conyers đã sách nhiễu phụ nữ, nhưng vì hai ông thuộc đảng DC nên không sao, không cần từ chức, vì đảng DC nói chung bênh vực nữ quyền, nên phụ nữ chúng tôi cần phiếu của hai ông này. Chuyện sàm sở là chuyện cá nhân, chúng tôi không quan tâm”. Đây cũng là lý luận của các phụ nữ bênh TT Clinton năm xưa. Ít ra thì bà này cũng đã có can đảm nói thật về tính phe đảng của bà. Nôm na ra, có nghĩa là theo bà nhà báo này thì CH không được phép sàm sở nhưng DC thì ô-kê. Ai dám nói báo chí không phe đảng?
Lạ lùng thay, đảng DC và TTDC bất ngờ chuyển hướng, xúm lại đánh hai ông đồng chí Franken và Conyers của họ. Lôi cả TT Clinton ra đánh luôn. Nhiều tiếng nói lớn trong đảng DC quay lại tố TT Clinton và phán quyết đáng lẽ ông ta phải từ chức ngay khi đó rồi.
Bà Hillary dĩ nhiên, vội nhẩy ra bênh chồng. Bà bào chữa mấy vụ sách nhiễu của ông Moore là cưỡng ép nạn nhân, không chấp nhận được, trong khi vụ cô Monica là chuyện hai người trưởng thành đồng thuận, không đáng tội. Thưa bà, trước hết cô Monica là cô nhóc chỉ hơn con gái bà có vài tuổi, gặp ông tổng thống quyền uy 50 tuổi, làm sao đặt lên bàn cân ngang nhau được. Thứ nhì, thế còn các bà Paula Jones, Gennifer Flowers, Juanita Broaddrick,…. thưa TT Clinton thì sao? Có sự thỏa thuận gì không? Thứ ba, các ông chồng đi ăn vụng, nếu có sự đồng thuận của vợ bé thì ô-kê sao, thưa bà Hillary? Bà ra tranh cử năm 2020 với chủ trương này, tôi bảo đảm bà sẽ được phiếu của 90% nam cử tri.
Tại sao phe ta lại trở mặt như vậy? Vì hai lý do:
– Họ tính dựa vào cái tiếng đảng sạch sẽ không chấp nhận sách nhiễu phụ nữ làm chủ điểm cho cuộc vận động bầu quốc hội năm tới.
– Họ cũng tính muốn bứng TT Trump về tội sách nhiễu tình dục trước đây thì sẽ phải thí các ông Franken, Conyers và Clinton trước để có chính danh khi đòi đàn hặc Trump.
Chuyện đàn hặc Trump vẫn chỉ là chuyện vớ vẩn. Những cái gọi là “bê bối” của TT Trump đã được dân Mỹ biết rõ từ trước ngày bầu cử, và họ vẫn bầu cho ông, thì làm sao còn lý do để bứng ông sau khi ông đã đắc cử? Chưa kể phe DC hô hào truất phế Trump cũng bị vấn nạn há miệng mắc quai khi họ đã nhắm cả hai mắt, bảo vệ TT Clinton bất kể cái áo đầm dính đầy… bằng chứng cụ thể.
Chuyện dùng sách nhiễu tình dục làm chủ điểm tranh cử bị mất giá trị sau khi ông Moore thua, vì chứng tỏ phe CH cũng không chấp nhận sách nhiễu tình dục.
Với sự thất cử của ông Moore, nhiều chuyên gia tiên đoán cuộc bầu cử giữa mùa năm tới, sẽ có rất nhiều phụ nữ ra tranh cử và đắc cử. Năm 2018 sẽ là năm phụ nữ lật đổ chế độ phụ hệ ở Mỹ.
Một bà đang ứng cử chức dân biểu trong đảng DC, nhanh trí đã tung ngay ra một khẩu hiệu tranh cử mới: “Bạn có muốn tránh, không thấy người mà bạn bầu làm đại diện khoe ‘của quý’ bất tử không? Vậy thì hãy bầu cho những người không có ‘của quý’!” (bà này công khai dùng danh từ ‘penis’, quý độc giả có quyền tra từ điển).
Trong tình trạng chính khách cả hai đảng đều bối rối đó thì TTDC lên mặt kẻ cả, giảng dạy luân lý giáo khoa thư cho cả nước, nhất là cho các chính khách cả hai đảng.
Các cụ ta có câu “thiên bất dung gian” không thể nào sai vào đâu được.
Bom nguyên tử của Cậu Ấm Ủn chưa thấy đâu, nhưng bom nguyên tử sách nhiễu tình dục nổ lớn ngay trong khối TTDC hết sức ‘đạo đức’.
Bắt đầu bằng ông Mark Halperin. Một cây bút uy tín lừng danh chuyên viết sách nổi tiếng về các cuộc bầu cử tổng thống gần đây. Có tánh đặc biệt, gặp bà nào cũng bắt phải ‘chộp’ ông ta.
Nhẩy qua Matt Lauer. Anh này là nhà báo hàng đầu của NBC, là đài được coi như cơ quan ngôn luận của TT Obama trước đây. Anh chuyên môn phỏng vấn các chính khách lớn nhất thế giới như tổng thống, vua chúa, thủ tướng, đã từng phỏng vấn TT Obama, ngoại trưởng Hillary Clinton, TT Trump,… Mỗi năm lãnh có 20 triệu đô thôi. Anh này có nhiều chuyện vui. Bàn làm việc của anh có nút bấm bí mật, khóa cửa phòng không ai mở được, trong hay ngoài.. Ngăn kéo bàn làm việc thì cả lô … ‘đồ giả’ để tặng quý bà có nhu cầu ‘tự xử’.
Chỉ mới là những người đầu tiên. Cho đến khi bài này được viết thì đã có sơ khởi gần 60 nhà báo tên tuổi và quan chức lớn của các đài NBC, CBS, ABC, CNN, các báo Vox, Rolling Stone, New York Times, Washington Post, New Republic,… Toàn là các cơ quan cấp tiến nặng ký của TTDC phe ta, thuộc đảng DC gần hết.
xxx
Có phải nước Mỹ tự nhiên đổ đốn không? Thưa không. Hầu hết các vụ sàm sở đều xẩy ra cách đây vài ba chục năm. Chẳng qua chỉ là chuyện thay đổi suy tư. Ngày xưa, những chuyện như vỗ má, vỗ đít, hôn ẩu thường được coi như cử chỉ thân thiện, hay tệ lắm, là chuyện diễu dở nham nhở của phái nam, không ai khiếu nại cho dù những việc này khiến phụ nữ khó chịu, bực mình. Bây giờ, vụ ông Weinstein đã là giọt nước làm tràn ly, dẫn đến một cuộc cách mạng văn hoá, thực sự giải thoát phụ nữ Mỹ ra khỏi một thứ luật không thành văn là các ông có thế, có quyền, hay có tiền đều là những người có thể vung tay múa chân môt cách vô tộ vạ, nhất là đối với những phụ nữ trong cô thế như trẻ tuổi, có vị thế xã hội thấp hơn,…
Vụ Weinstein đã khai sinh ra phong trào #MeToo của những phụ nữ nạn nhân của sách nhiễu, nhẩy ra tố khổ các ông hàng loạt. Họ tự chế ra mốt mặc quần áo màu đen, và thiên hạ đã thấy tại đại hội điện ảnh Golden Globes mới đây, tất cả các tài tử đã mặc quần áo đen để bày tỏ việc ủng hộ những nạn nhân sách nhiễu tình dục.
Cuộc cách mạng này sẽ có hậu quả đổi đời mà cho đến nay, ít người thấy được sẽ đi xa đến đâu. Một diễn biến kẻ này hoan nghênh hết mình, miễn sao nó đừng biến thành một công cụ đấm đá chính trị, sẽ mất hết ý nghiã, mà lại gây thiệt hại nhiều hơn cho phụ nữ.
Cũng phải cẩn thận không đi quá xa, đến độ bây giờ mấy ông gặp mấy bà cũng không dám bắt tay nữa, thì sẽ trở thành lố bịch. Quý anh thanh niên đi tán đào, hay tìm vợ, mà bị trói tay, phải học thuộc lòng năm trang luật lệ, thủ tục cư xử ‘phải đạo’ với phụ nữ để bảo đảm mình tôn trọng đối tượng, thì sẽ có hy vọng độc thân lâu dài.
Bà tài tử Pháp Catherine Deneuve, đã lên tiếng chỉ trích phong trào #MeToo mà bà cho là đã đi quá xa, biến tất cả nam giới thành nạn nhân trong khi không thiếu gì phụ nữ vui vẻ chấp nhận việc được các ông ‘chú ý’ tới.
Nghĩ cho cùng, các cụ ta đã nhìn thấy vấn đề từ lâu lắm rồi, nên mới khuyên nhủ con cháu… “nam nữ thọ thọ bất thân” cho chắc ăn. Bởi vậy mới nói xứ ta đã có tới 5.000 năm văn hiến, hơn xa xứ Cờ Hoa mới có 250 năm.
Vũ Linh
http://diendantraichieu.blogspot.fr/2018/01/chinh-tri-va-sex-neuco-mot-du-khach-nao.html#more
Lá đa, lá nho Hay sự sai lầm của Thánh kinh? – Nguyễn thị Cỏ May
Noël là dịp gợi lại cho nhiều người có đạo hay không những kỷ niệm tình cảm thời trẻ thường rất đẹp. Ở Sài gòn vào thập niên 50, học trò, cứ tới từ giửa tháng 12, bắt đầu để dành tiền ăn sáng, tức nhịn ăn, tìm mua thiệp chúc Noël và Tết Tây để gởi cho bạn cùng lớp hoặc bạn khác trường, với những lời chúc tốt đẹp. Thiệp thuở đó so với ngày nay thì thật là quê mùa : hình vẻ ngôi sao, cành thông, viền kim tuyến chớp sáng. Nhưng giá lại mắc hơn gói xôi nhiều.
Khi lên Trung học Đệ II cấp, tới Noël, chúng tôi, vốn là những người ngoại đạo, nên vội vàng gia nhập «Đạo vòng» để lượn hết nhà thờ Đức Bà, Catinat, rồi Nguyễn Huệ, Chợ Sài gòn.
Thật ra, chúng tôi chỉ làm tín đồ « Đạo vòng » mà thôi, không dám vào nhà thờ. Vì gốc nhà quê nên quen tánh giử sự tôn trọng những nơi trang nghiêm. Trong lúc đó cũng thường nghe kể chuyện bạn bè trang lứa, không thiếu những người bám theo bạn gái vào nhà thờ, quì bên cạnh, bạn đọc kinh thì anh ta cũng thành tâm lăm răm khấn nguyện :
« Lạy chúa, chiên lành xin thú tội,
Vì nàng đẹp quá khiến con thương … »
(Thơ Jean Leiba ?)
Nước mất, người Việt nam chạy tủa ra bốn phương tìm lại đời sống tự do. Họ tới đâu thì mang theo tín ngưởng của mình tới đó. Chùa, nhà thờ lần lược mọc lên, theo từng bước đời sống ổn định, vẫn giử nếp củ như lúc còn ở quê nhà.
Lớp trẻ sau này dạng dỉ hơn. Đêm Noël, chúng theo bạn gái đi nhà thờ, vào thẳng bên trong. Và từ đây nảy sanh những mối tình giửa người có đạo, người không. Nhưng ngày nay, có lẽ do ảnh hưởng thời cuộc, và Cộng đồng II Vatican, giáo hội dễ giải cho phép kết hôn, đạo ai nấy giử. Nhờ vậy những chàng trai lấy được vợ có đạo, khởi phải cầu nguyện như trước kia :
« Con quỳ lạy Chúa Ba ngôi,
Con lấy được vợ, con thôi nhà thờ »
Cỏ May tôi có 2 người bạn : kẻ ở Úc, người ở Thụy sĩ. Khi nói tới lễ Noël, tôi thường nhớ tới 2 người bạn này. Với chuyện tình của họ.
Người bạn ở Úc, lúc trẻ yêu một cô người công giáo thuần thành, công giáo gốc bồ đào nha rất khắc khe về phép đạo, nên không thể làm đám cưới được vì làm đám cưới, thì anh phải chịu phép rửa tội, học giáo lý, vô đạo trong lúc Bà Cụ là phật tử thuần thành, ăn chay trường, xuống tóc. Mà ván đã đóng xong thuyền rồi. Anh hứa khi Bà Cụ qua đời, hết kẹt, anh sẽ vô đạo. Cách nay ít lâu, bạn bè được tin anh làm đám cưới, chịu đủ phép, có linh mục làm lễ. Có người bảo nếu anh quên luôn thì chúa cũng đâu có phạt vì chúa đã rao dạy bác ái cho mọi người mà. Vả lại, hai người nay cũng đã già. Nhưng anh là mẫu người của xứ Nam kỳ Lục tỉnh, thời «Luân lý giáo khoa thư», thuộc lòng câu «Quân tử nhứt ngôn»!
Người bạn ở Thụy sĩ, gốc linh mục. Lúc dạy ở Đại học Văn khoa Huế, anh yêu một cô sinh viên. Hai người kết hôn. Dĩ nhiên anh phải xin phép giáo hội, trả lại chén. Ít lâu sau khi đã có với nhau 2 cô con gái, chị vợ xin phép anh chị đi tu và vào chùa ở luôn. Lên Trung học được vài năm, 2 cô con gái cũng theo mẹ vào chùa đi tu luôn. Chán đời, anh xin phép trở lại đi tu nhưng giáo hội không cho.
Anh mất một thân một minh ở Thụy sĩ. Có bạn bè tiển anh.
Phải chi anh đi tu theo Phật giáo thì anh đâu bị đau khổ như vậy. Vì chỉ cần 5 phút cạo trọc, anh trở thành thầy chùa ngay. Kinh kệ đã thuộc sẳn rồi.
Người công giáo ở Pháp
Nhiều ông linh mục việt nam ở Pháp than phiền người công giáo không được như người phật tử việt nam. Họ có chùa riêng của họ. Ngày tư ngày Tết, họ kéo nhau tới chùa tổ chức lễ, gói bánh tét, bánh chưng, giống như ngày Tết hồi còn ở Việt nam trong lúc đó, ông không xin được phép cất nhà thờ việt nam, riêng cho giáo dân việt nam, với kinh phí hoàn toàn của giáo dân đóng góp vì nhà thờ pháp hảy dư xử dụng. Giáo dân việt nam ở địa phương nào thì chỉ cần coi thời biểu lễ của nhà thờ ở thành phố đó mà đi lễ. Muốn đi lễ với linh mục việt nam thì linh mục việt nam hợp tác với nhà thờ, thu xếp thời biểu với nhau. Gói bánh tét, bánh chưng lại không nhằm lễ Noël, lễ Phục sinh nên không kéo nhau vào nhà thờ được.
Nghi lễ công giáo ở Pháp cũng giống như ở Viêt nam bởi công giáo pháp tới Việt nam cùng với chánh quyền thực dân, truyền bá công giáo. Nhưng ở Đức, Anh, Hòa lan, …có nhiều khác bìệt.
Người Đức tổ chức mừng lễ Giáng Sinh rất tươm tất. Ngay từ đầu tháng mười một, người ta đã bày bán những vòng hoa Advent với bốn ngọn nến để chuẩn bị cho tuần vọng, và chưng như vậy mãi cho đến lễ Ba Vua, ngày mùng sáu tháng Giêng mới tháo đèn, tháo hoa và mang thông đi bỏ. Đốt nến cũng phải có qui củ. Đợi đến đầu tháng mười hai mới được đốt lên ngọn nến đầu tiên. Tuần kế tiếp, đốt ngọn nến thứ hai. Và cứ như vậy cho tới ngày lễ Noël.
Ở Hoa Kỳ cũng có bán nhiều Advent wreath, nhưng phần lớn người ta chỉ chưng chứ không đốt. Và nếu có đốt thì thường là đốt cả bốn ngọn vào đêm Giáng Sinh. Không có ai mỗi tuần đốt một ngọn như vậy. Có lẽ vì người Mỹ quá thực tế !
Những ngày Noël
Ngày lễ Noël cho tới nay vẫn không thống nhứt. Người chánh thống giáo (orthodoxe) có ngày Noël khác hơn. Nhứt là Giáo hội chánh thống giáo Nga và Grèce còn giử lịch julien nên Noël nhằm ngày 7 tháng giêng, không giống người công giáo trên thế giới theo Vatican chọn ngày Noël là 25 tháng 12 theo lịch grégorien. Lịch julien do Jules César ban hành, lịch grégorien do giáo hoàng Grégoire XIII ở thế kỷ XVI thiết lập, áp dụng chung trên phần lớn Âu châu và phần còn lại của thế giới. Lịch julien nhiều hơn lịch grégorien 13 ngày nên có sự chênh lệch đó.
Phật giáo trước đây lấy ngày mùng 8 tháng 4 là ngày lễ Phật đản nhưng từ sau đại hội phật giáo thế giới năm 1960 họp ở Nam vang (Cao miên) thống nhứt chọn ngày 15 tháng 4 (ngày rằm) làm ngày Đản sanh.
Thật ra, kinh sách phật giáo không có ghi chép rỏ ràng ngày Đản sanh, mà chỉ ghi Phật ra đời nhằm ngày trăng tròn tháng Vesaka theo lịch ấn độ. Chiếu theo âm lịch thì đó là tháng 4 mà trăng tròn thì phải là ngày rằm.
Với Thiên chúa giáo, thời gian 40 ngày trước Noël, để sửa soạn lễ, gọi là Mùa Vọng (Advent), mong đợi Jésus Christ đến(*). Bửa ăn tối ngày 24, người ta ăn rất đơn giản như chỉ có rau quả rồi đi lễ. Xong lễ nửa đêm về nhà, người ta mới ăn thật sự. Nên bửa ăn Noël sau 12 giờ đêm trở thành quan trọng, rượu thịt ê hề. Để ăn bù cho bửa ăn tối.
Là đa hay lá nho ?
Trong nền văn minh Tây phương, nhiều bức tượng hi lạp xưa trình bày người đàn ông khỏa thân tự nhiên, trái lại tượng người đàn bà, thì phần từ bụng xuống được phủ một chiếc áo dài hay chiếc áo choàng. Nét nghệ thuật này được thấy trong nghệ thuật la-mã cô điển cho tới khi đế quốc la-mã nhập đạo thiên chúa thì hình ảnh khỏa thân hùng dũng không còn nữa. Trong thời Trung cổ, khỏa thân nghệ thuật bị xóa bỏ. Nên Adam và Eve được trinh bày dưới dạng tranh hay tượng đều có chiếc là nho che, đúng theo lời dạy trong thánh kinh.
Tới thế kỷ XVI, ở Vatican, trần của nhà thờ Sixtine trang hoàng những bức họa của Michel Ange bị phản đối mạnh vì tất cả nhơn vật trong tranh đều khỏa thân. Giáo hoàng Paul IV phải nhờ họa sĩ Daniele da Volterra thêm vào những nhơn vật đó vài nét để che khuất bớt vùng nhạy cảm, bằng khăn, bằng cành cây hoặc bằng lá cây. Còn những pho tượng, người ta lại dùng lá nho che.
Tại sao người ta chọn là nho che bộ phận nhạy cảm của Adam và Eve trên nhiều tranh ảnh hoặc tượng ? Thật ra trong Thánh kinh và Cựu Uớc, che chổ kín của 2 kẻ phạm tội không phải lá nho mà lá «sung» (lá cây figuier- Genèse 3:7)
Cũng như bà Eve không chìa ra cho ông Adam trái táo (pomme) mà là trái sung (la figue). Cây sung (le figuier) là thứ cây duy nhứt của Âu châu thuộc họ nhiệt đới, sống ở vùng địa trung hải, gồm tới hơn sáu trăm loại. Cây sung được trồng từ nhiều ngàn năm ở Âu châu. Nó xuất hiện trong nhiều chuyện thần thoại. Trong Kinh Tân ước, người ta chỉ thấy ghi thứ trái bị cấm là «pomum», tiếng la-tinh có nghĩa là «trái». Rồi những nghệ sĩ cảm hứng vẻ thành « trái táo » (la pomme). Có người lại lấy chùm nho.
Nhưng hai vị thủy tổ của chúng ta, sau khi cải lời Chúa Trời, bổng ý thức mình không phải như trước đây nữa, mà là hai kẻ khác giới tính, nam-nữ rỏ ràng. Tâm động, thiên đàng, địa ngục liền xuất hiện. Họ vội vàng hái lá sung (la feuille du figuier) che lại. Từ đó, lá sung trở thành một biểu tượng khiêu dâm nên bị giáo hội cấm (Genèse 3, chương 7).
Ai cũng dễ quả quyết phải lá sung mới đúng vì lá sung lớn hơn lá nho và chắc chắn hơn là nho. Adam mỉm cười, đồng ý phải là sung mời được chớ !
(*) Trong một vài bài đã phổ biến, tác giả dựa theo một bài viết về « Người Đức sửa sơạn ăn lễ Noël » nên có sai lầm cho rằng »Thời gian 4 tuần trước Noël là Carème de Noël và 4 tuần này, là mùa chay, … ». Điều này không đúng. Nay xin thưa lại và thành thần cáo lỗi. (ntcm) .
Vui cười
Một trọc phú bước vào salon ôtô, vênh váo nói:
– Hãy chọn cho tôi một chiếc BMW thật đặc biệt, không phải màu xanh, đỏ, tím, vàng, nâu, đen hoặc trắng…
– Đồng ý, chúng tôi sẽ đặt cho ông chiếc xe đó, ông quay lại sau nhé!
– Nói chính xác là hôm nào đi!
– Hôm nào cũng được, trừ các ngày thường, ngày lễ và chủ nhật.
Một bà bị chó cắn hồi nhỏ, nên rất thông cảm với những người sợ chó. Một buổi sáng, đang lái xe trên đường, bà thấy một cô gái chạy theo vẫy xe bà, phiá sau có một con chó xồm đang rượt theo. Bà liền dừng xe lại, vội vàng mở cửa xe và nói với cô gái:” lên xe mau”.
Cô gái vừa giử cửa xe vừa nói: “Bà thực tốt bụng. Hồi nãy có mấy cái tắc xi đi qua nhưng đều không chịu cho con chó của tôi lên xe”
Cuối năm, chồng hỏi vợ:
– Em thích quà tặng gì nhân dịp năm mới?
– Đơn giản thôi, thứ gì mà tự anh làm ra được, ví dụ như tiền chẳng hạn.
Trường Sa vùng biển nhớ – Trịnh Hoài Phương
Để nhớ về Hạm trưởng, Hạm phó, quý chiến hữu thủy thủ đoàn Tuần dương hạm Trần Nhật Duật HQ 3 (WHEC).
Mỗi lần đi tầu du lịch (Cruise), tôi có cái thú buổi sáng ngồi uống cà phê, ngắm trời nước mênh mông. Nhìn những bọt nước trắng xóa để lại sau con tầu. Tôi chợt nhớ về những chiến hữu với bao kỷ niệm vui buồn, những nhọc nhằn của đời lính biển, những ngày xa gia đình. Bù lại, chúng tôi được chúng tôi tìm được niềm vui đơn sơ qua những chuyến hải hành quần đảo Trường Sa.
Sau biến cố Hoàng Sa rơi vào tay Trung cộng tháng 01 – 1974, vùng biển Trường Sa trở nên sôi động. Trước nguy cơ xâm lăng của kẻ thù, Việt Nam Cộng Hòa điều động thêm quân đội trấn giữ các đảo. Nhiều chiến hạm như Hải vận hạm (LSM), Dương vận hạm (LST), Tuần dương hạm (WHEC)… chở Địa phưong quân Phước Tuy (Bà Rịa), đặc biệt Tiểu đoàn Trinh sát Mãnh Sư 371, ra bảo vệ đảo và dựng bia chủ quyền quốc gia. Chiến hạm chúng tôi –Trần Nhật Duật HQ3- thuộc loại tầu chiến, không chở tiếp liệu và binh sĩ nhiều như như các tầu Hải và Dương vận hạm. Tuy nhiên, sự hiện diện của các chiến hạm có hỏa lực mạnh như Khu trục hạm, Tuần dương hạm chứng tỏ quyết tâm bảo vệ biển đảo của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa.
Ngoài những nguy hiểm bão tố hàng năm, hải hành trong vùng biển Trường Sa đòi hỏi sự thận trọng, vì có nhiều bãi đá ngầm, san hô. Rải rác trong vùng, đôi khi chúng tôi còn bắt gặp những xác tầu chìm.
Chiến hạm chúng tôi thường công tác đến các đảo: Song Tử Tây, Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, An Bang, Sinh Tồn (Gạc Ma)… Đảo Nam Yết nằm giữa các đảo nhỏ, nên ở đây đặt hậu cứ gồm Trung tâm truyền tin và trạm y tế. Riêng Bộ chỉ huy tiền phương đặt ở Song Tử Tây. Từ đảo này, bằng mắt thường có thể nhìn thấy đảo Song Tử Đông của Phi Luật Tân và đảo Itu-Aba (Ba Bình), do Đài Loan chiếm giữ. Đảo Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa và có nước ngọt (fresh-water).
Song Tử Tây có gì lạ?
Theo khảo cứu địa chất, đảo này giầu tài nguyên khoáng sản. Đảo trơ trọi, chỉ có cây dừa không đủ bóng mát che cái lều lớn binh sĩ đồn trú tại đây. Anh em trông khỏe mạnh, đa số để tóc dài, nước da đen sậm vì nắng cháy. Nếu không nghe họ nói tiếng Việt, bạn có thể tưởng họ là thổ dân trên đảo. Vì tầu lớn mà đảo không có cầu tầu nên anh em lái ca nô ra nhận tiếp liệu hay thay thế binh sĩ mãn hạn công tác. Câu hỏi quen thuộc của anh em là có mang thuốc lá, cà phê? Đặc biệt rượu “Ông già chống gậy” để chúng tôi nhậu lai rai các món hải sản anh em trên đảo tự nấu.
Chim biển
Đảo có hàng ngàn chim biển về làm tổ, đẻ trứng. Bạn có bao giờ ăn thịt chim biển? Mùi vị hơi tanh khi chưa quen. Nếu có thêm gia vị thì không đến nỗi nào! Anh em trên đảo bắt chim, rùa biển phơi khô. Mùa giông bão, tầu tiếp liệu không đến kịp, anh em có thức ăn dự trữ.
Trứng chim
Trên đảo có vô số trứng. Tha hồ nhặt. Đàn chim la hét, bay vần vũ trên đầu mình tỏ vẻ “phẫn nộ” với kẻ ăn cắp trứng. Có con nhào xuống mổ đầu mình. Không đau. Nhưng nhớ đội mũ, đeo kính cho an toàn. Đi biển lâu ngày, thiếu đồ ăn tươi. Buổi sáng uống ly sữa đặc Ông thọ, bỏ thêm vài trứng chim (thay cho trứng gà). Cơ thể như thêm sức.
Quà của lính biển mang về cho người thân hoặc người yêu, không huyền thoại như mang “hoa biển” về tặng em. Thực tế chỉ có hải sản: Thịt chim biển phơi khô ư? Tanh quá nuốt hổng vô! Thịt rùa biển ư? Ăn vô ngứa thấy bà tổ! Tóm lại chỉ có trứng chim được ưa chuộng nhất.
Ốc tai tượng
Tôi có vài lần theo các chiến sĩ người nhái lặn bắt tôm hùm, ghẹ, ốc ở các đảo Cam Ranh, Bình Ba, Nha Trang. Tôi chưa bao giờ thấy ốc tai tượng to đến hai ba gang tay như ở đây. Có lần đi bơi ở Song Tử Tây, khi đứng dưới nước, tôi cảm thấy có vật gì động đậy dưới chân. Theo phản xạ, tôi giật chân lên và lặn xem con gì? Quá đỗi ngạc nhiên, tôi thấy vô số ốc tai tượng. Tôi định bắt vài con về xào hay nấu cháo. Tôi nhặt nhánh cây khô đặt vào miệng ốc, chờ khép lại và kéo ra khỏi cát. Trái như tôi nghĩ, thân ốc nằm trong đá san hô. Dùng hết sức, tôi không thể nào rút cành cây ra khỏi miệng ốc, đừng nói đến đem ốc lên bờ. Chợt nghĩ nếu chẳng may, tay hoặc chân bị ốc kẹp, thì chỉ có nước đi chầu Long vương Hải thần. Lạnh cẳng, tôi bỏ lên bờ, không dám nghĩ đến… nồi cháo ốc.
Rùa biển
Có nhiều loại như: ba ba, đồi mồi… trên đảo mọi người gọi là vít. Họ đi bắt về ban đêm, nhất là mùa đẻ trứng. Tha hồ đào cát lượm trứng. Trứng có vỏ mềm, luộc ăn rất ngon. Thịt vít có người ăn không bị phản ứng. Có người ăn bị ngứa, không ngủ được. Dù sao món hải sản này cũng góp phần thực phẩm cho binh sĩ trấn đảo.
Cá chuồn
Trên biển, thỉnh thoảng thấy vài con cá chuồn bay trên mặt nước như “thủy phi cơ”. Trông rất ngoạn mục. Đôi lúc từng đàn cá mập, nhiều nhất là cá heo, bơi đuổi theo tầu. Một niềm vui bất chợt, vì giữa đại dương bao la không phải chỉ mình ta dong ruổi…
Có lần chiến hạm neo tại đảo Nam Yết, gặp mùa cá chuồn. Ban đêm, xung quanh chiến hạm thường thắp điện sáng trưng. Cá chuồn theo ánh sáng bay lên boong, đụng thành tầu sắt, nằm lăn dẫy đành đạch. Chúng tôi lâu lâu đi quanh tầu, lượm cá vô nấu cháo khuya. Cháo cá chuồn vào mùa có trứng thật tuyệt vời. Ăn tô cháo cá, cam đoan tối ngủ không… mộng mị.
Đối diện với cá mập
Chiến hạm neo tại đảo Sơn Ca, gần một vùng vịnh hình tròn, xung quanh nhấp nhô san hô, chính giữa là một vùng nước trong xanh. Trông thật thanh bình. Sau cơn mưa tối hôm qua, sáng nay bầu trời trong vắt, nắng đẹp. Tầu đi công tác lâu ngày, thiếu đồ ăn tươi. Anh em đề nghị hạm trưởng Nguyễn Kim Triệu cho thả ca nô đi bắt cá. Hạm trưởng thông cảm, vui vẻ chấp thuận. Xuồng nhỏ hạ xuống, từ từ chạy vào vùng vịnh trong xanh phẳng lặng như gương. Hai quả lựu đạn chống người nhái (MK.3) ném xuống biển. Sau tiếng nổ, vài con cá chết từ từ nổi lên mặt nước. Anh em nhanh nhẹn lặn xuống bắt những con cá còn chìm phía dưới. Đột nhiên từ dưới nước anh em bắn mình lên hốt hoảng la to: cá mập! cá mập! Thì ra mấy con cá mập đánh hơi máu cá chết, phóng vào tranh ăn. Cá mập vùng này da rằn ri, trông rất dữ tợn. Muốn vớt vài con cá nổi trên mặt nước nhưng không có vợt lưới. Định dùng tay vớt cá nhưng thấy vài vi cá mập nổi lên mặt nước, lượn vòng vòng ung dung đớp cá của mình. Chúng tôi hậm hực trở về tay không.
Tắm mưa
Những chuyến công tác xa bờ lâu ngày, việc sử dụng nước ngọt rất giới hạn. Đi biển không nói đến tắm mưa thật là thiếu. Cấu trúc của tầu tuần dương hạm, cho chúng tôi hứng được nhiều nước mưa trên các sàn tầu đổ xuống. Những cơn mưa ngoài đại dương thật thú vị. Mưa đem đến sự tươi mát, tắm rửa, giặt quần áo dơ bẩn theo những chuyến hải hành. Nước ngọt chứa trong hầm tầu vào những ngày sắp cạn, mà vẫn còn phải “vượt bao hải lý, chưa nghe vừa ý, lắc lư con tầu đi”… Làm cho nước có màu vẩn đục vì chất sét thân tàu, chúng tôi vẫn phải dùng và gọi đùa là vitamin iron. Giữ một thùng nước mưa để sau khi tắm nước biển, tưới khắp thân thể bằng hai, ba cốc nước mưa cho sạch chất mặn, hạnh phúc không gì bằng! Lạy trời mưa xuống, có nước tôi uống, có nước nấu mì (gói)… Quần đảo Trường Sa ngày nay trở thành pháo đài, phi trường quân sự của các quốc gia chiếm đóng. Đặc biệt Trung cộng. Sự nạo vét đất cát, san hô để xây dựng đảo nhân tạo đã phá hủy nguồn hải sản, tài nguyên Biển Đông. Vẻ đẹp thiên nhiên của Trường Sa, thú vui bình dị của người Lính Biển ngày xưa có lẽ bây giờ chỉ là những kỷ niệm…
Một thời cà phê Sài Gòn – Lương Thái Sỹ – An Dân
Bạn đã uống cà phê nhiều, bạn biết muốn pha một ly cà phê tuyệt vời đâu có khó. Cà phê loãng nước nhưng đậm mùi thơm, cà phê mít đặc quánh mà vô vị, hãy chọn một tỷ lệ pha trộn thích hợp là đã đi được 70% đoạn đường rồi; muốn kẹo thêm nữa hả? Muốn hưởng cái cảm giác chát chát, tê tê đầu lưỡi phải không? Dễ mà, thêm vào chút xác cau khô là xong ngay. Bạn muốn có vị rhum, thì rhum; bạn thích cái béo béo, thơm thơm của bơ, cứ bỏ chút bretel vào. Bạn hỏi tôi nước mắm nhĩ để làm gì à? Chà, khó quá đi, nói làm sao cho chính xác đây! Thì để cho nó đậm đà. Đậm làm sao? Giống như uống coca thì phải có thêm chút muối cho mặn mà đầu lưỡi ấy mà. Uống chanh đường pha thêm chút rhum cho nó ra dáng tay chơi. Như kẻ hảo ngọt nhưng vẫn cắn răng uống cà phê đen không đường cho lập dị.
Thèm đá muốn chết nhưng cứ chốn bạn nhậu thì nằng nặc đòi uống chay không đá cho giống khác người, cho đẳng cấp. Tôi không biết, không tả được, mời bạn hãy thử và tự cảm nhận lấy. Bạn đòi phải có tách sứ, thìa bạc; bạn nói phải nghe nhạc tiền chiến, phải hút Capstan (dộng vài phát hết gần nửa điếu và rít đỏ đầu), Ruby hay Basto xanh mới đã đời, thú vị phải không? Bạn đã có đủ những gì bạn cần, sao lại cứ thích đi uống cà phê tiệm? Tôi không trách bạn đâu. Cà phê ngon chỉ mới được một nửa, nhưng chúng ta đâu chỉ cần uống cà phê, chúng ta còn ghiền “uống” con người tại quán cà phê; “uống” không khí và cảnh sắc cà phê; “uống” câu chuyện quanh bàn cà phê và nhiều thứ nữa. Vậy thì mời bạn cùng tôi trở lại không khí cà phê Sài Gòn những năm cuối 1960 và đầu 1970.
Sài Gòn những năm giữa thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970 tuổi trẻ lớn lên và tự già đi trong chiến tranh. Những “lưu bút ngày xanh” đành gấp lại; những mơ mộng hoa bướm tự nó thành lỗi nhịp, vô duyên. Tiếng cười dường như ít đi, kém trong trẻo hồn nhiên; khuôn mặt, dáng vẻ tư lự, trầm lắng hơn và đầu óc không thể vô tư nhởn nhơ được nữa. Những điếu thuốc đầu tiên trong đời được đốt lên; những ly cà phê đắng được nhấp vào và quán cà phê trở thành nơi chốn hẹn hò để dàn trải tâm tư, để trầm lắng suy gẫm. Có một chút bức thiết, thật lòng; có một chút làm dáng, thời thượng. Đối với một thanh niên tỉnh lẻ mới mẻ và bỡ ngỡ, Sài Gòn lớn lắm, phồn vinh và náo nhiệt lắm. Phan Thanh Giản đi xuống, Phan Đình Phùng đi lên; hai con đường một chiều và ngược nhau như cái xương sống xuyên dọc trung tâm thành phố giúp định hướng, tạo dễ dàng cho việc di chuyển. Cứ như thế, cái xe cọc cạch, trung thành như một người bạn thân thiết lê la khắp Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định.
Những ngày này, tôi là khách thường trực của quán Cà phê Thu Hương đường Hai Bà Trưng. Quán nằm ở một vị trí đẹp, chiếm ba lô đất ngó chéo qua phía trại hòm Tobia; nơi đây có một căn phòng hẹp vừa đặt quầy thu tiền, vừa là chỗ ngồi cho những ai thích nghe nhạc với âm thanh lớn, phần còn lại là một sân gạch rộng, có mái che nhưng không ngăn vách, từ trong có thể nhìn rõ ra đường qua những song sắt nhỏ sơn xanh với một giàn hoa giấy phủ rợp. Ngồi đây có thể nghe được văng vẳng tiếng nhạc vọng ra từ bên trong; cảm được chút riêng tư cách biệt, nhưng đồng thời cũng có thể nhận ra được sức sống bừng lên mỗi sáng, dáng vẻ mệt mỏi, u ám mỗi chiều đang lặng lờ chảy qua trên đường phía ngoài.
Chủ quán ở đây là một người đặc biệt: Khó chịu một cách dễ thương. Hình như với ông, bán cà phê chỉ như một cách tiêu khiển và pha cà phê là một nghệ thuật kỳ thú. Ông hãnh diện với tên tuổi của Thu Hương và muốn bảo vệ nó. Bạn là khách uống cà phê phải không? Xin cứ ngồi yên đó. Cà phê được bưng tới, ông chủ sẽ ngồi đâu đó quan sát và sẽ xuất hiện đúng lúc cạn phin, sẽ bỏ đường, khuấy đều cho bạn và sẽ lịch sự “xin mời” khi mọi việc hoàn tất. Ly cà phê như vậy mới là cà phê Thu Hương, đó là cung cách của Thu Hương, đặc điểm của Thu Hương. Trong lãnh vực kinh doanh quán cà phê, có người dùng âm thanh; có người dùng ánh sáng và cảnh trí; có người nhờ sự duyên dáng của tiếp viên; có người dùng phẩm chất của cà phê để hấp dẫn khách. Ông chủ Thu Hương đã chọn cách cuối cùng, cách khó nhất và ông đã thành công. Khách đến với Thu Hương là ai? Nhiều lắm, nhưng dù từ đâu họ đều có điểm giống nhau là tất cả đều trẻ và đều có vẻ “chữ nghĩa” lắm; “ông”, “bà” nào cũng tha tập cours quằn tay, cộng thêm các tập san Sử địa, Bách khoa, Văn và vân vân…
Bạn thường ăn phở gà Hiền Vương, phở Pasteur; bạn thường đi qua đi lại liếc liếc mấy bộ đồ cưới đẹp ở nhà may áo dài Thiết Lập, vậy bạn có biết cà phê Hồng ở đâu không? Thì đó chứ đâu, gần nhà may Thiết Lập, cách vài căn về phía đường Nguyễn Đình Chiểu, ngó xéo qua mấy cây cổ thụ ở bờ rào Trung tâm Thực nghiệm Y khoa (Viện Pasteur). Tôi phải hỏi vì tôi biết có thể bạn không để ý. Quán nhỏ xíu hà, với lại cái tên Hồng và tiền diện của nó trông ủ ê cũ kỹ lắm, chứ không sơn phết hoa hòe, đèn treo hoa kết gì cả. Từ ngoài nhìn vào, quán như mọi ngôi nhà bình thường khác, với một cái cửa sổ lúc nào cũng đóng và một cánh cửa ra vào nhỏ, loại sắt cuộn kéo qua kéo lại. Quán hẹp và sâu, với một cái quầy cong cong, đánh verni màu vàng sậm, trên mặt có để một ngọn đèn ngủ chân thấp, với cái chụp to có vẽ hình hai thiếu nữ đội nón lá; một bình hoa tươi; một con thỏ nhồi bông và một cái cắm viết bằng thủy tinh màu tím than. Phía sau, lúc nào cũng thấp thoáng một mái tóc dài, đen tuyền, óng ả, vừa như lãng mạng phô bày vừa như thẹn thùng, che dấu.
Cà phê Hồng, về ngoại dáng, thực ra không có gì đáng nói ngoài cái vẻ xuề xòa, bình dị, tạo cảm giác ấm cúng, thân tình và gần gũi; tuy nhiên, nếu ngồi lâu ở đó bạn sẽ cảm được, sẽ nhận ra những nét rất riêng, rất đặc biệt khiến bạn sẽ ghiền đến và thích trở lại. Hồi đó nhạc Trịnh Công Sơn đã trở thành một cái “mốt”, một cơn dịch truyền lan khắp nơi, đậu lại trên môi mọi người, đọng lại trong lòng mỗi người. Cà phê Hồng đã tận dụng tối đa, nói rõ ra là chỉ hát loại nhạc này và những người khách đến quán – những thanh niên xốc xếch một chút, “bụi” một chút (làm như không bụi thì không là trí thức)- đã vừa uống cà phê vừa uống cái rã rời trong giọng hát của Khánh Ly. Không hiểu do sáng kiến của các cô chủ, muốn tạo cho quán một không khí văn nghệ, một bộ mặt trí thức hay do tình thân và sự quen biết với các tác giả mà ở Cà phê Hồng lâu lâu lại có giới thiệu và bày bán các sách mới xuất bản, phần lớn là của hai nhà Trình Bày và Thái Độ và của các tác giả được coi là dấn thân, tiến bộ. Lại có cả Time, Newsweek cho những bạn nào khát báo nước ngoài. Quán có ba cô chủ, ba chị em; người lớn nhất trên hai mươi và người nhỏ nhất mười lăm, mười sáu gì đó. Nói thật lòng, cả ba cô đều chung chung, không khuynh quốc khuynh thành gì, nhưng tất cả cùng có những đặc điểm rất dễ làm xốn xang lòng người: Cả ba đều có mái tóc rất dài, bàn tay rất đẹp và ít nói, ít cười, trừ cô chị. Những năm 1980, Cà-phê Hồng không còn, tôi đã thường đứng lại rất lâu, nhìn vào chốn xưa và tự hỏi: Những người đã có thời ngồi đây mơ ước và hy vọng giờ đâu cả rồi? Còn chị em cô Hồng: những nhỏ nhẹ tiểu thư, những thon thả tay ngà, những uyển chuyển “chim di” giờ mờ mịt phương nào?
Viện Đại học Vạn Hạnh mở cửa muộn màng nhưng ngay từ những năm đầu tiên nó đã thừa hưởng được những thuận lợi to lớn về tâm lý, cùng với những tên tuổi đã giúp cho Đại Học Vạn Hạnh được nhìn vừa như một cơ sở giáo dục khả tín, vừa như một tập hợp của những thành phần trẻ tuổi ý thức và dấn thân. Tuy nhiên, dường như cái hồn của Đại Học Vạn Hạnh được đặt tại một tiệm cà phê: Quán Nắng Mới ở dốc cầu, ngó xéo về phía chợ Trương Minh Giảng. Quán Nắng Mới có nhiều ưu thế để trở thành đất nhà của dân Vạn Hạnh, trước nhất vì gần gũi, kế đến là khung cảnh đẹp, nhạc chọn lọc và cuối cùng, có lẽ quan trọng nhất là sự thấp thoáng của những bóng hồng, có vẻ tha thướt, có vẻ chữ nghĩa. Các nhóm làm thơ trẻ đang lên và đang chiếm đều đặn nhiều cột thơ trên báo chí Sài Gòn ngồi đồng từ sáng đến tối để… làm thơ. Nhưng đông hơn cả, ấm áp hơn cả là những nhóm hai người, một tóc dài, một tóc ngắn chờ vào lớp, chờ tan trường và chờ nhau. Nắng Mới đã sống với Vạn Hạnh cho đến ngày cuối cùng. Nắng Mới nay không còn. Những con người cũ tứ tán muôn phương.
Có một quán cà phê thân quen nữa không thể không nhắc đến: Quán chị Chi ở gần đầu đường Nguyễn Phi Khanh, kế khu gia cư xưa cũ, rất yên tĩnh và rất dễ thương, nằm phía sau rạp Casino Đa Kao. Ở đó có những con đường rất nhỏ, những ngôi nhà mái ngói phủ đầy rêu xanh, những hàng bông giấy che kín vỉa hè, trầm lắng cô liêu và im ả tách biệt lắm mà mở cửa ra là có thể nghe người bên trái nói, thấy người bên phải cười và có cảm tưởng như có thể đưa tay ra bắt được với người đối diện bên kia đường. Quán chị Chi độ chín mười thước vuông, chỉ đủ chỗ để đặt ba bốn chiếc bàn nhỏ. Quán không có nhạc, không trưng bày trang trí gì cả ngoại trừ một bức tranh độc nhất treo trên vách, bức tranh đen trắng, cỡ khổ tạp chí, có lẽ được cắt ra từ một tờ báo Pháp. Tranh chụp để thấy một bàn tay giắt một em bé trai kháu khỉnh, vai đeo cặp sách, miệng phụng phịu làm nũng, hai mắt mở to nhưng nước mắt đang chảy dài theo má, phía dưới có hàng chữ nhỏ: “Hôm qua con đã đi học rồi mà”. Khách đến với chị Chi không phải coi bảng hiệu mà vào, cũng không phải nghe quảng cáo, mà hoàn toàn do thân hữu truyền miệng cho nhau để đến, nhiều lần thành quen, từ quen hóa thân và quyến luyến trở lại. Chị Chi có bán cà phê nhưng tuyệt chiêu của chị là trà; loại trà mạn sen, nước xanh, vị chát nhưng có hậu ngọt và mùi thơm nức mũi. Trà được pha chế công phu trong những chiếc ấm gan gà nhỏ nhắn, xinh xinh. Ấm màu vàng đất, thân tròn đều, láng mịn, vòi và quai mảnh mai, cân đối. Mỗi bộ ấm có kèm theo những chiếc tách cùng màu, to bằng ngón tay cái của một người mập, vừa đủ cho hốp nước nhỏ. Ấm có ba loại, được gọi tên ra vẻ “trà đạo” lắm: độc ẩm, song ẩm và quần ẩm, nhưng hồi đó chúng tôi thường “diễn nôm” theo kiểu “tiếng Việt trong sáng” thành ấm chiếc, ấm đôi và ấm bự. Trà được uống kèm với bánh đậu xanh – loại bánh đặc biệt của chị Chi- nhỏ, màu vàng óng và mùi thơm lừng. Nhắp một ngụm trà, khẽ một tí bánh, cà kê đủ chuyện trên trời dưới đất, trông cũng có vẻ phong lưu nhàn tản và thanh cao thoát tục lắm. Quán chị Chi giờ đã biến tướng ít nhiều nhưng dù sao cũng xin cảm ơn chị và xin đại diện cho những anh chị em đã từng ngồi quán chị bày tỏ lòng tiếc nhớ đến chị và đến những ngày khó quên cũ.
Những năm cuối thập niên 60 Sài Gòn có mở thêm nhiều quán cà phê mới, và thường được trang hoàng công phu hơn, có hệ thống âm thanh tối tân hơn và nhất là quán nào cũng chọn một cái tên rất đẹp, phần lớn là dựa theo tên những bản nhạc nổi tiếng: Cà phê Hạ Trắng, Lệ Đá, Diễm Xưa, Hương Xưa, Hoàng Thị, Biển Nhớ, Hoài Cảm, Da Vàng…
Tuy nhiên, ở một con đường nhỏ – Hình như là Đào Duy Từ – gần sân vận động Thống Nhất bây giờ, có một quán cà phê không theo khuôn mẫu này, nó mang một cái tên rất lạ: Quán Đa La. Đa La là Đà Lạt, quán của chị em cô sinh viên Chính Trị Kinh Doanh, có lẽ vừa từ giã thác Cam Ly, hồ Than Thở để về Sài Gòn học năm cuối tại nhà sách Xuân Thu hay sao đó, mở ra. Trường kinh doanh quả là khéo đào tạo ra những môn sinh giỏi kinh doanh: Tin mấy cô sinh viên mở quán thật tình là không được chính thức loan báo ở đâu cả; tuy nhiên, cứ úp úp mở mở như vậy mà tốt, nó được phóng lớn, lan xa, tạo ấn tượng mạnh và quán được chờ đón với những trân trọng đặc biệt, những náo nức đặc biệt. Những cô chủ chắc có máu văn nghệ, đã cố gắng mang cái hơi hướm của núi rừng Đà Lạt về Sài Gòn: Những giò lan, nhưng giỏ gùi sơn nữ, những cung tên chiến sĩ đã tạo cho quán một dáng vẻ ngồ ngộ, dễ thương; rồi những đôn ghế, những thớt bàn được cưa từ những gốc cây cổ thụ u nần, mang vẻ rừng núi, cổ sơ đã giúp cho Đa La mang sắc thái rất … Đa La. Ngày khai trương, Đa La chuẩn bị một chương trình văn nghệ hết sức rôm rả, với những bản nhạc “nhức nhối” của Lê Uyên Phương, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà… Đa La đông vui, chứng kiến sự nở hoa và tàn úa của nhiều mối tình. Nhưng Đa La vắng dần những người khách cũ và đóng cửa lúc nào tôi không nhớ.
Cà phê Hân ở Đinh Tiên Hoàng, Đa Kao là quán thuộc loại sang trọng, khách phần lớn ở lớp trung niên và đa số thuộc thành phần trung lưu, trí thức. Bàn ghế ở đây đều cao, tạo cho khách một tư thế ngồi ngay ngắn, nghiêm chỉnh và bàn nào cũng có đặt sẵn những tạp chí Pháp ngữ số phát hành mới nhất. Câu chuyện ở Hân chắc là quan trọng lắm, lớn lắm; nhìn cái cách người ta ăn mặc; trông cái vẻ người ta thể hiện là biết ngay chứ gì; có lẽ cả thời sự, kinh tế tài chánh, văn chương, triết học đều có cả ở đây. Một chỗ như vậy là xa lạ với dân ngoại đạo cà phê. Nhưng Hân là một nơi hết sức đáng yêu, đáng nhớ của nhiều người, dù ngồi quầy là một ông già đeo kính như bước ra từ một câu chuyện của văn hào Nga Anton Chekov. Về sau, đối diện với Hân có thêm quán cà phê Duyên Anh của hai chị em cô Hà, cô Thanh; cô em xinh hơn cô chị và được nhiều chàng trồng cây si. Hai tiệm cà phê, một sang trọng chững chạc, một trẻ trung sinh động, đã trở thành một điểm hẹn, một đích tới mà khi nhắc đến chắc nhiều anh chị em ở trường Văn Khoa, trường Dược, trường Nông Lâm Súc ngay góc Hồng Thập Tự – Cường Để còn nhớ, cũng như nhớ món bánh cuốn ở đình Tây Hồ bên trong chợ Đa Kao thờ cụ Phan, nhớ quán cơm “lúc lắc” trong một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Bỉnh Khiêm mà nữ sinh viên vừa đi lên căn gác gỗ vừa run khi được mấy chàng mời cơm.
Bạn nào muốn gặp các nhà văn nhà thơ, muốn nhìn họ ngậm ống vố, đeo kính cận nói chuyện văn chương thì mời đến quán Cái Chùa, anh em nào muốn có không khí trẻ trung đầm ấm mời đến Hầm Gió; anh em nào muốn có chỗ riêng tư tâm sự thì cứ theo đường Nguyễn Văn Học chạy tuốt lên Gò Vấp, vào quán Hương Xưa, ở đó có vườn cây đẹp, các cô chủ đẹp và cái cách người ta đối đãi với nhau cũng rất đẹp. Cũng đừng quên nhắc đến quán Chiêu, hẻm Cao Thắng. Rồi còn cà phê hàng me Nguyễn Du, cũng Beatles, cũng Elvis Presley như ai ; và cả pha chút Adamo quyến rũ. Giá ở đây thật bình dân nhưng thường xuyên chứng kiến những pha so găng giữa học sinh hai trường nghề Cao Thắng và Nguyễn Trường Tộ.
Chán cà phê thì đi ăn nghêu sò, bò bía, ăn kem trên đường Nguyễn Tri Phương, góc Minh Mạng hoặc bên hông chợ Tân Định. Phá lấu đã có góc Pasteur-Lê Lợi, nhưng chỉ dành cho các bạn có tiền. Rủng rỉnh tí xu dạy kèm cuối tháng có Mai Hương (nay là Bạch Đằng Lê Lợi). Quán Mù U, hẻm Võ Tánh, chỗ thương binh chiếm đất ở gần Ngã tư Bảy Hiền dành cho những bạn muốn mờ mờ ảo ảo. Muốn thưởng thức túp lều tranh mời đến cà phê dựa tường Nguyễn Trung Ngạn gần dòng Kín, đường Cường Để. Rồi quán cà phê Cháo Lú ở chợ Thị Nghè của một tay hoạ sĩ tên Vị Ý. Cao cấp hơn có La Pagode (đổi thành Hương Lan trước khi giải thể), Brodard, Givral. Thích xem phim Pháp xưa, phim Mỹ xưa và ngồi… cả ngày xin mời vào rạp Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi để chung vai với đám đồng tính nam. Vào Casino Sài Gòn có thể vào luôn hẻm bên cạnh ăn cơm trưa rất ngon tại một quầy tôi đã quên tên. Nhưng rạp Rex vẫn là nơi chọn lựa nhiều nhất của SV, cả nghèo lẫn giàu. Cuộc sống SV cứ thế mà trôi đi trong nhịp sống Sài Gòn. Nghèo nhưng vui và mơ mộng. Tống Biệt hành, Đôi mắt người Sơn Tây sống chung với Cô hái Mơ. Đại bác ru đêm sánh vai với Thu vàng. Ảo vọng và thực tế lẫn vào nhau. Thi thoảng lại pha thêm chút Tội ác Hình phạt, Zara đã nói như thế! Che Guervara, Garcia Lorca. Tất cả những gì tôi nhắc tới là một chút ngày cũ, một chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của Sài Gòn trong trí nhớ. Xin tặng anh, tặng chị, tặng em, đặc biệt là tặng tất cả những ai tha hương có lúc bỗng bàng hoàng nhận thấy, dường như một nửa trái tim mình còn đang bay lơ lửng ở cà phê Hồng, Thu Hương, hay đâu đó ở quê nhà.
https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/Mot-thoi-ca-phe-Sai-Gon-4129/
Con chú sãi chùa lại quét lá đa – Mặc Ngôn
Sãi là một từ thuần Việt nên không hiện diện trong các từ điển Hán-Việt, kể cả từ điển của Đào Duy Anh. Dùng Khai Trí Tiến Đức và Đại Nam Quấc Âm Tự Vị để tra từ sãi thì lại đưa ta đến một khó khăn. Theo KTTĐ thì sãi là từ để chỉ “người dàn ông ở giữ chùa”, nghĩa là có thể không phải là thầy tu; nhưng ĐNQATV thì lại bảo sãi là “thầy chùa, thầy tu đạo Phật”. Đã là thầy tu thì làm sao mà có con nối nghiệp quét lá … đa?! Có ba chấm trước chữ đa vì người viết không thể không liên tưởng đến cái “lá đa” khác trong ca dao Việt [1].
Thôi thì đi hỏi từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes xem sao. Theo A. Rhodes sãi là thầy chùa (bonzo, Bồ), hay người thờ phụng (sacrifuculus, Latin). Nhưng nghĩa của sãi vãi mới là đặt biệt:
sãi vãi:
homens e molheres que se ajuntao perao culto dos idolos, ou tambien iuntame uto pera outras obrai, como pera fazer pontes ergendos, cazas pera os passageiros &c. (Bồ.)
cultores & cultrices idoloru qui simul co-ueniunt ad idolou cultum, uel etiam ad alia opera simul facieda ut ad pontes erigendos, uel domos aedificandas ad peregrinorum hospitium. (Latin.)
Cả hai dịnh nghĩa Bồ và Latin có cho ta “đàn ông và đàn bà tụ họp để thờ thần vật, hay để làm việc khác như xây cầu, dựng nhà đón khách. Ta có thể thấy ngay rằng A. Rhodes không nói sãi và vãi thờ Phật – các từ phật và bụt có trong từ diển với nghĩa chùa (pagode, P.) hay thần vật (idolum, L.) – và khó mà nói rằng nhà truyền giáo này đã khách quan trong việc chuyển ngữ ở một quốc gia ông ta đến khai hóa và truyền đạo Chúa! Dù sao chăng nữa, định nghĩa của A. Rhodes cho ta ý niệm rằng chú sãi có thể có con nên ta có thể bàn tiếp và so sánh con vua với con chú sãi
Con vua thì lại làm vua; con chú sãi chùa lại quét lá đa (Ca dao Việt Nam)
Từ thời còn bé tí tẹo, tôi đã cám cảnh câu ca dao này, vì cho dù không lời truyền ngôn nào của tiền nhân có thể đúng cho mọi trường hợp, và hiếm khi có vua nào mà trọn bầy con đều được lên làm vua; và cho dù con chú sãi chùa không được làm vua, nó có thể được làm dân ngu khu đen buôn thúng bán mẹt, không cần phải ở mãi trong chùa để chỉ quét lá đa.
(Con vua chưa chắc đã sẽ được ngồi ngai vàng vì trong triều đình chỉ có một ngai vàng nhưng vua thì con đàn cháu đống. Và sử liệu hình như cũng đã có trường hợp ngoại lệ cho sãi chùa. Ta không có sử kiện dứt khoát nào về gốc gác của Lý Công Uẩn nhưng một nguồn tin bảo rằng mẹ ông không có chồng phải nương tựa chùa Ứng Thiên để sống lúc 20 tuổi, có nghĩa rằng ta có thể xem cô là một loại vãi theo định nghĩa của A. de Rhodes; và nếu các sư ở Ứng Thiên tuân thủ Phật pháp thì có thể rằng cha của Lý Công Uẩn là một … sãi. Và cậu con của sãi-vãi đó sau này là người sáng lập nhà Lý.)
Ý tưởng viết bài tản mạn này đến vì một thân hữu dùng từ power struggle—tranh dành quyền lực khi đang bàn luận về thời cuộc. Ta có thể thấy hình tượng của sự tranh dành quyền lực trong bối cảnh cuộc đối thoại giữa Khổng Tử và Tử Lộ về sự chấp chính. Khổng Tử không nhận chấp chính cho nước Vệ vì vua Vệ Xuất Công bất hiếu, tranh dành quyền lực với cha và để cha sống kiếp lưu đày (Khánh Hội phải sống lưu đày sau khi âm mưu giết mẹ vì nghe đồn mẹ ngoại tình bị bại lộ!). Xuất Công làm vua lần đầu được 12 năm (493-480 BCE) thì bị cha-Khánh Hội lẽn về nước đánh đuổi phải chạy trốn sang Tề. Khánh Hội làm vua (Vệ Trang Công) được hai năm thì bị dân ghét đuổi đi rồi giết. Vì những tranh dành quyền lực giữa các đại phu nước Vệ, Xuất Công lại được về nước làm vua (477-?). Dấu hỏi ở cuối câu trước là vì sử sách bận ghi chép chuyện tranh dành quyền lực trong triều đình thay vì số phận của vua! Triều đình thối nát như thế thì Khổng Tử không nghĩ có ai xứng danh quân tử để cho ngài đến phò tá là phải.
Chuyện tranh dành quyền lực như thế đầy rẫy trong lịch sử thời Xuân Thu, và vẫn còn tái diễn trong lịch sử cận đại (như những bí mật loại Thanh Cung bí sử của triều đình Anh quốc gợi ý trong đợt phim The Crown về vua Edward VIII của Anh quốc) nhưng chuyện 25 thế kỷ trước thì dính dáng gì tới thời cuộc ngày nay? Thời nay không còn có lắm vua nhưng nếu ta nhìn kỷ thì cũng có thể thấy hiện tượng tranh dành quyền lực ở xứ Ả Rập bây giờ. Tuy nhiên, tôi dùng từ Anh ngữ power struggle trong một bài tiếng Việt là vì đại đa số mọi người không hiểu nó là gì, kể cả người Mỹ! Bách khoa từ diển Wikipedia Anh ngữ được xem như có giá trị tương đương với Encyclopedia Britanica nhưng nếu ta vào đó tìm mục từ power struggle thì sẽ chưng hửng vì được – hay bị — chuyển sang trang nói về power vaccum của chính trị. Nghĩa thông dụng của power struggle—tranh dành quyền lực là hiện tượng hai hay nhiều người cạnh tranh để được chỉ huy, kiềm chế mọi người khác. Định nghĩa đặt trọng tâm trên khái niệm quyền lực. Nhưng đây là một lối nhìn phiếm diện hay thông manh, và là lý do chính làm ta không thể hiểu lối hành xử của nhân loại. Có một cách định nghĩa khác thực tiển hơn mà ta có thể suy diễn ra từ lời tuyên bố của Jesse Carr (một lãnh tụ lao động) với báo Newsweek năm 1976 (xin chia buồn với quý vị nào nghĩ rằng câu nói này là của Margaret Thatcher):
“Being powerful is like being a lady. If you have to tell people you are, you aren’t.” Dịch: Có uy quyền cũng giống như làm công nương. Nếu quý vị phải bảo người khác rằng quý vị (là thế), quý vị không (là thế).
Thế có nghĩa rằng những người cạnh tranh quyền lực là những người yếu đuối, bất an trong nội tâm, cho dù họ biết hay không, và thường thì là không, vì không biết mới làm … bậy! Con người, và mọi sinh vật ra đời với bản năng sinh tồn. Bản năng sinh tồn giúp con người nhận thức được những tình trạng hay hoàn cảnh hiểm nghèo để mà tránh hay tìm cách đối phó. Và sớm muộn gì con người sẽ biết – trong thâm tâm – rằng đời quá bất an, khôn lường vì đầy hiễm nghèo (thiên tạo và nhân tạo), và ta quá yếu đuối, không thể đương đầu với mọi hoàn cảnh. Người nào may mắn thì không để cái kiến thức tiềm ẩn đó chi phối cuộc sống. Vì kiến thức hạn hẹp, ta thường nghĩ rằng điều tương phản với sự yếu kém là quyền lực, và những người xui xẻo bị hoàn cảnh nhắc nhở sự yếu kém của mình có thể phản ứng bằng cách tập luyện thành lực sĩ hay tranh dành quyền lực để mong được an toàn … hơn người.
Kinh nghiệm cá nhân, hay nhận xét ngoài xã hội, cho một số người thấy rằng của cải hay uy quyền từ cha ông có thể giúp họ ăn trên ngồi trốc, sung sướng và có hy vọng sống an toàn hơn người khác. Và nhận xét đó được thể hiện qua câu “con vua thì lại làm vua.” Con của giai cấp “dại gia” thời nay ở Việt Nam, hay của the top 1% ở Mỹ sẽ có nhiều cơ hội nối gót cha mẹ hơn con chú sãi chùa ở quê hương, hay con người gốc nô lệ da đen, gốc thổ dân da đỏ, v.v ở Mỹ.
Các người phái “cực hữu”, da trắng, theo Thiên chúa giáo nghĩ rằng họ là những người entitled, tạm dịch là ưu tiên, vì di truyền, chủng tộc, hay tôn giáo. Tùy theo các nền văn minh trên địa cầu và tùy theo cách tính toán dựa trên sử kiện – hay đúng hơn huyền sử, tuổi của nhân loại được ước đoán từ ~240.000 (huyền thoại Sumerian) qua từ ~10.000 đến hơn 6.000 năm tùy theo cách đọc và tính các dữ kiện thánh kinh). Dùng số nào đi nữa thì người da trắng cũng là người sinh sau đẻ muộn. Các dữ kiện khoa học đưa đến kết luận là loài người “tân thời” phát xuất từ Vùng có tên là Ethiopia bây giờ và loài người bắt đầu phân tán ra khỏi Phi Châu trong hai đợt, đợt đầu ~200.000 trước và để lại ít vết tích. Đợt thứ nhì ~120.000 ngàn năm trước, đến Trung Đông. Nghiên cứu về các gene tạo màu da cho biết những người có da nhạt (light skin), cũng còn gọi là da trắng phát xuất quanh 30.000 năm trước trong nhóm tiền Ấn-Âu (pre-Eurasian) ở Trung Đông. Tổ tiên của những người da trắng Âu châu bây giờ chỉ mới xuất hiện quanh 12.000 năm trước. Thế có nghĩa là không thể dùng màu da trắng để bảo rằng ta có ưu tiên từ đấng sáng tạo vì người nguyên gốc ở Ethiopia là người da màu.
Nếu có một đấng sáng tạo à la chrétien thì làm sao giải thích chuyện sinh sau đẻ muộn của người da trắng, cũng như chuyện người Do Thái được ân sủng của thượng đế?
“For you are a holy people to YHWH your God, and God has chosen you to be his treasured people from all the nations that are on the face of the earth.” (Deuteronomy 14:2) [Tạm dịch: Vì các người là một dân tộc thánh thiện đối với YHWH, Thượng Đế của các người, và Thượng Đế đã chọn các người làm dân tộc trân quý từ tất cả các quốc gia trên quả đất.]
Đệ Nhị Luật của Do Thái Giáo được sáng tác quanh 7 thế kỷ trước khi Christ ra đời. Tôi đã đọc nhiều lời bào chữa từ các tín đồ và rabbi Da Thái về câu này nhưng có bào chữa cách nào đi nữa thì cũng vẫn có những tín đồ của nhóm tôn giáo abrahamique lo ngay ngáy rằng nếu thượng để đã nói thể thì chúng ta, những kẻ “ngoại đạo” còn xơ múi gì trong ngày tận thế?! Biết tin ai bây giờ? YHWH, Christ, người viết kinh, người diễn dịch? Người/sắc dân nào sẽ được tiếp tục làm vua, lên thiên đường, và người/sắc dân nào sẽ mãi là kẻ chân lấm tay bùn, sống để quét sân chùa và chết để đày đọa xuống địa ngục?
Trong một bài tọa đàm tựa dề “Tư cách của trí thức Việt Nam” trước một cử tọa nào đó ở Đức năm 2000, nhà văn Nguyễn Thị Hoài nói đến sự sóng đôi của trí thức và quyền lực và dùng khái niệm sự bất an để giải thích thái độ hay lối hành xử của giới trí thức Việt:
Bởi vì ngoài cái nghèo và lạc hậu, thì đến đầu thế kỷ 21 này xã hội Việt Nam còn là chỗ hội tụ của những dịch bệnh dường như vô phương cứu chữa khác mà bao trùm lên tất cả là một khái niệm, tôi đặt tên khái niệm đó là sự bất an. Với một nhà văn thì đương nhiên sự bất an trong tinh thần và tâm hồn là mối quan tâm chính. Theo cách nhìn của tôi, thì sức mạnh của một xã hội là khả năng đem lại cho các thành viên của nó cảm giác an toàn và yên tâm nhất định… [2]
Rất tiếc rằng NTHoài không đi thêm một bước nữa và triển khai cái khái niệm sự bất an. Có ấn tượng, cảm nghĩ bất an tức nhiên là phải có nhận thức ta không tin đời sẽ mãi an vui, no đủ, không tai ương loạn lạc. Thế có nghĩa rằng thâm tâm ta luôn ngay ngáy lo chuyện tự (bảo) vệ. Một cách tự vệ là dùng sức mạnh hay quyền lực. Làm nhà văn, hay nhà Nho trói gà không chặt, thì chỉ có cách là tựa vào sức mạnh của kẻ cầm quyền, của vua chúa. Người ra đời với thân phận con chú sãi hay thị mẹt thì có mơ tưởng cũng không được, cho dù đang là công dân của America the Great, the Land of Opportuinity. 26 thế kỷ trước, Thích Ca cũng ý thức được đời đầy bất an nên đi tầm đạo. Nhưng giác ngộ xong rồi thì ngài lại chỉ nói đến những yếu tố tâm lý làm con người bất an: đến thất tình lục dục. Tại sao không có từ nào trong đó để nói về sự sợ hãi, đến nỗi bất an hiện sinh?! Tại sao phải tách riêng hiện tượng tâm lý này vào một cuốn kinh riêng trong Trung Bộ Kinh? Đọc qua cuốn kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm thì ta thấy Thích Ca nói về … thất tình! Phải chăng vì 26 thể kỷ trước, chưa có khái niệm về tâm lý học? Cũng có thể rằng vì Thích Ca đi từ những sự thực gần gũi “sanh, lão, bệnh, tử”, những nguyên nhân thực tế của bất an hiện sinh qua những khái niệm trừu tượng thất tình lục dục nên Phật tử về sau đi … lạc đường!
NT Hoài cũng đã viết nhiều lần về vai trò thảm thương của phụ nữ trong xã hội Việt ngày xưa. Cho dù trên nguyên tắc cụm từ trí thức không có giống và có thể áp dụng cho cả hai phái nam nữ, ai ai cũng nhận thấy rằng phái nữ hầu như không được nhắc đển trong các bình luận về vai trò của giới trí thức Việt. Dĩ nhiên đa số mọi người lại thấy yếu tố tranh dành quyền lực trong hiện tượng bất bình đẳng nam-nữ. Nhưng có thật vậy không? Đàn ông ức hiếp, chèn ép đàn bà vì muốn có quyền lực hay vì yếu tố tính dục, vì phải sống theo một nhu cầu bẩm sinh chung cho mọi loài vật? Không có đàn bà thì không có hậu duệ, không còn nòi giống, không tương lai cho chính ta. Có nỗi bất an hiện sinh trong đời nào lớn hơn sự nhận thức thực tiễn đó? Phải chăng đó là lý do mà đại đa số các nền văn hóa-văn minh, và tôn giáo “lớn” đều dựa trên căn bản trọng nam khinh nữ? Có mấy người dám chỉ trích Khổng Tử vì khía cạnh bất bình đẳng nam nữ này như NT Hoài? Một trong những hiện tượng xã hôi đáng để ý nhất trong thế kỷ 21 này là phong trào #MeToo trên Twitter. Mấy ngàn năm lịch sử qua rồi nhân loại mới đi đến được bước đó. Cần bao nhiêu thế kỷ nữa nhân loại mới chấp nhận được rằng vai trò của “phái yếu” phải được thay đổi để mong cứu vãn văn minh nhân loại?
Có lẽ ta nên bắt đầu bằng một sự “chỉnh (dấu hỏi) danh”cho cái lá đa và thôi xem hay gọi phụ nữ là phái yếu hay phái đẹp. Chưa thấy nhà trí thức Việt nào bàn đến chuyện đó!
[1] Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để cái sự đời em ra.
Sự đời như cái lá đa,
Đen như mõm chó, chém cha sự đời!
[2] Tư cách của trí thức Việt Nam – E-CaDao.com
Vui cười
Nhìn thấy một chiếc Rolls-Royce lộng lẫy, chồng quay sang vợ tấm tắc:
– Em xem kìa! Xe thế mới gọi là xe chứ!
– Nhưng xe này không đi picnic, không ra rừng ngoại ô được.
– Ôi dào, nếu em đã có tiền mua chiếc xe như vậy, thì người ta sẽ mang cả rừng đến tận nhà cho em.