Đọc báo Pháp – 09/01/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 09/01/2018

Macron « đối mặt với rồng Trung Quốc »

Minh Anh

Các nhật báo lớn của Pháp ngày 09/01/2018 tiếp tục theo dõi chuyến công du Trung Quốc của ông Emmanuel Macron. Le Figaro trên trang nhất đề tít lớn « Macron muốn tái lập cân bằng quan hệ Pháp – Trung ».

« Tại Trung Quốc, ‘đồng ý nhưng mà’ của Macron với con đường tơ lụa mới » là tựa một bài viết trên Les Echos. « Tại Trung Quốc, chiến dịch cám dỗ của Macron », bài của Le Figaro. « Macron đến Trung Quốc : Con đường tơ lụa mới không thể chỉ có một chiều », bài nhận định của Libération. Hay như « Macron bảo vệ một liên minh Pháp-Châu Âu-Trung Quốc » là bài viết của La Croix.

Le Figaro trong bài xã luận nhan đề « Đối mặt với rồng Trung Quốc » cho rằng con đường chinh phục rồng Trung Quốc của Emmanuel « Mã Khắc Long » – tên nguyên thủ Pháp theo phiên âm, còn xa vời. Tuy nhiên, ông Macron hiểu được điều đó cho dù đây là công việc có nhiều rủi ro : đó là một bối cảnh mới, thuận lợi một cách không ngờ, cho phép khai thác những lá bài tại một đế chế đang hồi sinh.

Đằng sau bức tường đỏ của Tử Cấm Thành, giới lãnh đạo Trung Quốc đang xoa tay hoan hỉ về việc nước Mỹ của Donald Trump rút ra khỏi châu Á một cách phi lý. Tại Đức, vốn là đối tác châu Âu ưu tiên của Bắc Kinh, thủ tướng Angela Merkel đang bị suy yếu, tỏ ra kém tự chủ hơn. Do vậy, một con đường thông thoáng đang mở ra trước mặt tổng thống Macron.

Tại Tây An, (Xi’an), nguyên thủ Pháp đã khéo léo đề cao nghìn năm lịch sử Trung Hoa, bằng cách bày tỏ mong muốn là « Con đường tơ lụa mới » cần rộng mở, có lợi cho cả hai bên, Trung Quốc và các nước tham gia dự án. Để mở rộng ảnh hưởng trên thế giới, Trung Quốc dự tính một khoản đầu tư nhiều gấp 7 lần kế hoạch Marshall (kế hoạch tái thiết hỗ trợ châu Âu của Hoa Kỳ sau Đệ Nhị Thế Chiến).

Tại Bắc Kinh, tổng thống Pháp tìm cách thuyết phục chủ tịch Tập Cận Bình tái lập cân bằng trong trao đổi mậu dịch song phương, qua việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho các doanh nghiệp Pháp. Thế nhưng, Le Figaro cảnh báo, Emmanuel Macron cần phải tránh những mối nguy hiểm mà các chế độ toàn trị thường xuyên cài bẫy đối với các nền dân chủ tự do.

Đối mặt với lãnh đạo Trung Quốc đầy quyền lực, nguyên thủ Pháp vẫn có thể nhắc lại rằng tự do tư tưởng, động lực cơ bản giúp phát minh, sáng tạo, cũng đã góp phần tạo dựng vinh quang cho cố đô Trường An (Chang’an – ngày nay gọi là Tây An). Đây là chủ đề rất nhậy cảm tại Trung Quốc và ông Macron phải tìm cách nói sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, cũng không nên nhầm lẫn : xu hướng tránh né, từ chối dấn thân vì tự do tư tưởng là có thật hiện nay trên thế giới. Và đối với Tập Cận Bình, thì « Con đường tơ lụa mới » là công cụ để Trung Quốc thống trị thế giới.

Ám ảnh bởi việc duy trì sự tồn tại của đảng Cộng Sản, lãnh đạo Trung Quốc coi dự án này là phương tiện để thúc đẩy mô hình đối trọng với các nền dân chủ phương Tây. Tại châu Âu, đầu tư của Trung Quốc tập trung đổ vào những quốc gia « mong manh » nhất, những nước mà một ngày nào đó sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế.

Quan hệ « cân bằng » và không mang « tính thống trị »

Lời cảnh báo này của Le Figaro được đưa ra ngay sau khi tổng thống Pháp có bài diễn văn dài 1g30’ tại điện Đại Minh, đời Đường, kêu gọi một sự hợp tác rộng lớn giữa Pháp và Trung Quốc, nhấn mạnh đến vai trò chung mà cả hai nước có thể cùng nhau đối mặt trước các thách thức lớn của toàn cầu (chống biến đổi khí hậu, khủng bố, xử lý các cuộc khủng hoảng khu vực…).

Trong bối cảnh Hoa Kỳ có chủ trương biệt lập và bảo hộ mậu dịch, tổng thống Pháp ủng hộ thiết lập các mối quan hệ đa phương Pháp – Châu Âu – Trung Quốc và tự do mậu dịch mà đồng nhiệm Trung Quốc đã từng nêu lên tại diễn đàn Davos. Tuy nhiên, ông Emmanuel Macron lưu ý rằng các mối quan hệ đa phương đó phải được thiết lập trên nền tảng các nguyên tắc cân bằng và không mang tính ưu thế trá hình.

Bởi vì cho đến lúc này, các doanh nghiệp châu Âu đều phàn nàn về những khó khăn trong việc gia nhập thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, dự án con đường tơ lụa mới của Trung Quốc lại gây chia rẽ châu Âu. Tuy dự án có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế tại mỗi nước hay mỗi khu vực có liên quan, nhưng đó còn là con đường để Trung Quốc phát huy ảnh hưởng địa chính trị và gia tăng áp lực nhiều hơn trong việc xử lý các vấn đề thế giới.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc vươn vòi vào doanh nghiệp nước ngoài

Trong số vô vàn các mối lo, Les Echos ghi nhận nỗi lo âu của các doanh nghiệp Pháp hoạt động tại Trung Quốc về hiện tượng đảng cộng sản nước này tìm cách len lỏi và áp đặt quan điểm của họ trên một số quyết định chiến lược của doanh nghiệp nước ngoài.

Tờ báo đặt câu hỏi, liệu rằng tổng thống Macron có sẽ đề cập đến vấn đề này hay không với ông Tập Cận Bình trong buổi gặp hôm nay ? Dưới sự điều hành của tổng bí thư Tập Cận Bình, đảng cộng sản Trung Quốc tìm mọi cách chi phối giới doanh nghiệp qua việc lấy lại quyền điều hành các tập đoàn Nhà nước lớn và kiểm soát các đại tập đoàn tư nhân. Đáng chú ý là cả doanh nghiệp nước ngoài cũng bị nhắm đến.

Theo các số liệu thống kê chính thức, trong số 106.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 74.000 doanh nghiệp đã thành lập các chi bộ đảng tính đến cuối năm 2016, tăng 63,5% so với năm 2011 (chỉ có 47.000 trường hợp).

Nhân quyền chỉ « nói khẽ »

Trong lĩnh vực nhân quyền, tổng thống Pháp nói đến vấn đề này như thế nào với đồng nhiệm Trung Quốc ? Theo tường thuật của Le Figaro, nguyên thủ Pháp đã tránh bày tỏ công khai các vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận do « lo lắng cho tính hiệu quả », như thông báo của điện Elysée.

 

Cử chỉ này trái hẳn với lúc tiếp các đồng nhiệm Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại Paris. Tổng thống Pháp đã không ngần ngại thúc bách hai nguyên thủ Vladimir Putin và Recep Tayyip Erdogan trên các vấn đề này.

Dân Trung Quốc mê « Mã Khắc Long » lẫn « Macaron »

Chưa biết những lời kêu gọi của mình có được đối tác Trung Quốc lắng nghe hay không, nhưng có một điều chắc chắn nguyên thủ Pháp đã có được một sự hâm mộ « không thể nào phủ nhận được » từ người dân Trung Quốc. Một tình cảm cho đến giờ chưa có một nguyên thủ Pháp nào có được.

Le Figaro đưa ra nhiều lý do giải thích vì sao tổng thống Pháp lại trở nên nổi tiếng tại Trung Quốc. Tại một đất nước mà ở đó đàn ông thường chỉ thích kết hôn với những phụ nữ trẻ tuổi hơn, chuyện hôn nhân của tổng thống Pháp chẳng khác gì với câu chuyện tình lãng mạn Dương Quá – Cô Long trong Thần Điêu Đại Hiệp của Kim Dung.

Rồi nét trẻ trung, cách gọi tên của tổng thống bằng tiếng Hoa mang ý nghĩa « Mã Khắc Long », hay gần với cách gọi chiếc bánh « macaron » dịu ngọt của Pháp khiến bao cô gái Trung Quốc phải chạnh lòng.

Le Figaro trích dẫn nhận xét của nhiều chuyên gia nhận định chính sự trẻ trung, năng động, có nhiều ý tưởng, có tài diễn thuyết và hình ảnh một tổng thống mạnh mẽ, dám trực diện với Putin, Trump và nhiều lãnh đạo khác… đã để lại nhiều cảm tình tốt ở công luận Trung Quốc.

Sức khỏe thần kinh của Donald Trump : Chủ đề gây tranh cãi

Tại Hoa Kỳ, năng lực, vấn đề thần kinh của tổng thống Donald Trump đang làm dấy lên nhiều câu hỏi và tranh luận về đạo đức nghề nghiệp giữa các chuyên gia tâm thần. Báo La Croix có bài : « Có nên nói đến sức khỏe thần kinh của Donald Trump hay không ? »

Tại Mỹ hiện nay, một số chuyên gia tâm thần học công khai nêu ra những nghi vấn về vấn đề thần kinh của ông Trump. Hồi tháng Giêng 2017, một bản kiến nghị do chuyên gia John Gartner khởi xướng và tính đến nay đã có 68 ngàn người ký, cho rằng Donald Trump có những vấn đề nghiêm trọng về tâm thần, ngăn cản ông thực thi các nhiệm vụ của một vị tổng thống.

Chuyên gia Gartner cũng lập ra một hiệp hội mang tên « Trách nhiệm báo động – Duty to Warn », đòi phế truất tổng thống do không có năng lực tâm thần. Tháng 10 vừa qua, 27 bác sĩ và chuyên gia tâm thần học Mỹ đã đăng một cuốn sách « Donald Trump, một trường hợp nguy hiểm », phân tích những nét đặc trưng nổi bật của nguyên thủ Hoa Kỳ hiện nay : tính khí bốc đồng, thiếu cẩn tắc hoặc mắc bệnh hoang tưởng làm cho ông thấy các mối đe dọa ở những nơi không có, hoặc tâm lý chối bỏ được thể hiện trong việc ông tự cho mình là người giỏi nhất trên mọi lĩnh vực…

Chuyên gia tâm thần học Brandy Lee, thuộc đại học Yale, giải thích, khi nhu cầu được ca tụng không được thỏa mãn, thì bạo lực là phương tiện nhanh nhất để tạo nên sự sợ hãi, hoặc sự tôn trọng.

Thế nhưng, theo La Croix, không phải tất cả các bác sĩ có đồng quan điểm này. Bác sĩ tâm thần Patrick Landman, ở Paris, nói với La Croix : « Không thể tiến hành chẩn đoán từ xa mà không gặp trực tiếp người đến khám bệnh. Việc nêu ra bệnh thần kinh trong tranh luận luôn luôn rất nguy hiểm. Người ta còn nhớ là tại Liên Xô, những người đối lập bị chẩn đoán một cách chủ ý là bị tâm thần phân lập và bị tống giam ».

Tại Hoa Kỳ, một số người còn nêu ra « quy định Goldwater ». Ông Barry Goldwater là ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa năm 1964. Vào thời đó, một số chuyên gia đã tỏ ý nghi ngờ về năng lực tâm thần của ứng viên này. Do vậy, « quy định Goldwater » cho rằng bác sĩ sẽ vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi cho ý kiến về sức khỏe thần kinh của một người mà lại không gặp trực tiếp người đó để khám hoặc không có sự đồng ý của người đó về việc nêu công khai tình trạng tâm thần của họ.

Các thành viên hiệp hội « Trách nhiệm báo động » phản bác, cho rằng « quy định Goldwater » không phải là tuyệt đối vì họ cho rằng phải có trách nhiệm thông báo cho công chúng về mối đe dọa mà Donald Trump có thể gây cho quốc gia và toàn bộ hành tinh này.

Các tít khác trên báo Pháp

La Croix : Lĩnh vực an toàn giao thông là chủ đề chính. Tờ báo khẳng định « Chậm mà an toàn ». Chính phủ Pháp hôm nay sẽ phải thông báo giảm tốc độ tối đa trên các quốc lộ xuống còn 80 km/giờ nhằm giảm bớt các vụ tai nạn giao thông. Thủ tướng chính phủ Edouard Philippe trả lời phỏng vấn tờ Journal Du Dimanche tuyên bố chính phủ chấp nhận « không được lòng dân » để « cứu sống nhiều người ».

Le Monde : « Hơn 100.000 đơn xin tị nạn tại Pháp năm 2017 », đây là lần đầu tiên nước Pháp vượt ngưỡng biểu tượng này. Người gốc Albani vẫn chiếm đa số. Nhưng năm 2017 số người tị nạn gốc Phi cũng tăng vọt mạnh. Chính phủ Pháp đang tìm cách làm nản lòng những người tị nạn bằng cách buộc hồi hương những người đã từng đến một quốc gia châu Âu.

Nhật báo còn dành hẳn 1/3 trang báo để vinh danh sự nghiệp ca hát của nữ ca sĩ « France Gall. Một cuộc đời qua lời ca tiếng hát ». Nữ ca sĩ qua đời hôm Chủ Nhật 07/01, thọ 70 tuổi. Từ những năm 1960, France Gall đã là một trong những ca sĩ nổi tiếng với nhiều tình khúc Pháp khác nhau.

Libération : Với hàng tựa « Thuyết âm mưu. Góc khó hiểu của nước Pháp », tờ báo trích dẫn một nghiên cứu cho biết người dân Pháp ngày càng tin vào thuyết âm mưu trong nhiều lĩnh vực, đứng đầu là chính trị. Ví dụ cụ thể trong vụ ám sát tổng thống Mỹ Kennedy, 54% người dân Pháp tin rằng có sự can dự của CIA.

Hay như 35% số người được hỏi không tin rằng các hoạt động của con người là nguyên nhân của hiện tượng khí hậu ấm dần… Nghiên cứu của viện thống kê Ifop công bố mới đây còn cho thấy là những người tin vào thuyết âm mưu đa phần là giới trẻ và là những người bỏ phiếu cho các đảng cực hữu hay cực tả.

http://m.vi.rfi.fr/chau-a/20180109-macron-%C2%AB-doi-mat-voi-rong-trung-quoc-%C2%BB

 

Tin đọc nhanh

(Kyodo) – Tàu Trung Quốc lại thâm nhập lãnh hải Nhật Bản

Theo Tuần Duyên Nhật Bản, vụ việc xẩy ra sáng 07/01/2018 : 4 tàu Hải Cảnh Trung Quốc, trong đó có một tàu dường như được trang bị súng máy, đã tiến vào vùng biển Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông. Các chiếc tàu này đã ở trong khu vực khoảng 90 phút và đã rút đi sau khi bị Tuần Duyên Nhật cảnh báo.

(Phnom Penh Post) – Cam Bốt và Việt Nam đàm phán mở lại các điểm qua lại biên giới không chính thức

Ngày 08/01/2018, phát ngôn viên của cảnh sát Cam Bốt, Kirth Chantharith, cho biết chính quyền tỉnh Ratankkiri đang cố gắng giải quyết các bất đồng về biên giới, mong muốn Việt Nam mở lại bốn cửa khẩu gần đây bị đóng. Do Cam Bốt phản đối đề nghị của Việt Nam muốn dựng mới 4 trạm kiểm soát biên giới chính thức và chỉ chấp nhận 1 điểm, phía Việt Nam đã cho đóng cửa bốn điểm qua lại biên giới không chính thức nhưng rất đông người dân hai bên sử dụng để buôn bán làm ăn.

(AFP) – Tại nạn tàu dàu Iran : Trung Quốc lo ngại thảm họa tràn dầu

Con tàu Sanchi mang cờ hiệu Panama dài 274 mét, chở 136 nghìn tấn dầu đã bị bốc cháy tối hôm mồng 06/01 sau khi va chạm với một tàu vận tải Trung Quốc cách bờ biển Thượng Hải khoảng 300 km. Toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 30 người Iran và 2 người Bangladesh  mất tích. Tàu vận tải Trung Quốc mang cờ hiệu Hồng Kông, chở 64 nghìn tấn ngũ cốc từ Mỹ về Trung Quốc. Trên tàu có 21 thành viên thủy thủ đoàn người Trung Quốc, tất cả đều đã được cứu sống. Nếu toàn bộ lượng dầu từ tàu Iran bị đổ ra biển thì sẽ là một trong những thảm họa môi sinh lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua.

(AFP) – Singapore bắt 17 người tình nghi trộm dầu của hãng Shell.

Tư pháp Singapore ngày 09/01/2017  truy tố 11 người trong số bị câu lưu, trong đó có hai người Việt là thuyền viên và thuyền trưởng của chiếc tàu chở dầu nhỏ bị tình nghi được dùng để tàng trữ số dầu trộm được. Cảnh sát Singapore còn tịch thu được 2,29 triệu đô la tiền mặt, cùng và một tàu chở dầu nhỏ trọng tải 12.000 tấn. Tài khoản ngân hàng của nhóm nghi phạm cũng bị phong tỏa.

http://m.vi.rfi.fr/quoc-te/20180109-tin-doc-nhanh