Tin Việt Nam – 05/1/2017
Đức bãi bỏ hiệp định miễn thị thực ngoại giao
với Việt Nam trước Apec 2017
Từ ngày 6 tháng 11 năm 2017, người mang sổ thông hành ngoại giao Việt Nam sẽ không còn được tự do tới Đức nếu chưa xin visa nhập cảnh.
Ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh APEC sắp diễn ra tại Đà Nẵng, Bộ Ngoại Giao Đức chính thức công bố quyết định bãi bỏ Hiệp định miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam mang sổ thông hành ngoại giao, một hiệp định có từ năm 2013. Theo tờ Thờibáo.de hôm Thứ Bảy 4 tháng 11, đây là một đòn trừng phạt tiếp theo sau sự kiện nhà cầm quyền CSVN đưa mật vụ tới Đức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi cuối tháng 7. Theo đó, hàng trăm cơ quan ngoại giao của CSVN ở các nước trên thế giới lập tức bị hạn chế giao tiếp với Đức, khi không thể cử nhân viên sang Berlin nếu chưa có sự cho phép của chính phủ Đức.
Vẫn theo tờ báo mạng của người Việt tại Đức, các công tố viên liên bang Đức vẫn tiếp tục điều tra các mối đe dọa từ mật vụ CSVN đối với các kiều dân đang định cư tại Đức. Các nước Châu Âu khác cũng được thông báo để đề phòng những trường hợp bắt cóc hoặc khủng bố tiếp theo, vì CSVN vẫn chưa đưa ra cam kết sẽ không có hành động tương tự trong tương lai.
Trong một diễn biến khác, bà Petra Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh tại Đức, cho biết vừa yêu cầu viện công tố Đức điều tra về những lời lẽ lăng mạ bà trên các trang mạng xã hội của những phần tử người Việt thân cộng ở Đức.
Huy Lam / SBTN
http://www.sbtn.tv/duc-bai-bo-hiep-dinh-mien-thi-thuc-ngoai-giao-voi-viet-nam-truoc-apec-2017/
VN: Bão Damrey làm ít nhất 27 người chết
Một cơn bão đã tàn phá miền nam trung bộ Việt Nam, làm ít nhất 27 người chết và hơn 20 người mất tích.
Bão Damrey đổ bộ vào đất liền hôm thứ Bảy 05/11/2017, với sức gió lên đến 90 km/h.
Hơn 40.000 ngôi nhà đã bị hư hại, nhiều người dân đã được di tản và điện bị cắt trên diện rộng.
VN tăng cứu trợ sau mưa lụt chết 54 người
Lũ lụt: Thủ tướng VN thăm Ninh Bình
Bão Doksuri đổ bộ vào Việt Nam
Các khu vực bị ảnh hưởng tồi tệ nhất là thành phố Nha Trang – khoảng 500km về phía nam thành phố biển Đà Nẵng, nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ tham dự một hội nghị thượng đỉnh APEC vào cuối tuần này.
Quốc gia Đông Nam Châu Á thường trải qua những trận bão nghiêm trọng và hàng năm có nhiều người chết vì lũ lụt.
Hơn 30.000 người, kể cả khách du lịch nước ngoài, đã được di tản khỏi các khu vực bị ảnh hưởng nằm trên đường đi của cơn bão.
Các chuyên gia về thời tiết nói rằng đây là cơn bão tàn phá nhất trong nhiều thập niên tràn vào khu vực duyên hải miền nam – là khu vực mà thông thường ít bị những cơn bão tương tự tấn công so với các khu vực ở phía bắc.
Gần đây, mưa lụt và lũ lớn ở miền Bắc Việt Nam vào giữa tháng 10/2017 đã làm chết ít nhất hàng chục người, có nguồn nói hơn một trăm người, và phá hủy nhiều khu vực dân cư, trường học, trạm y tế, chợ búa, cơ sở sản xuất, trồng trọt, kinh doanh nông, ngư và công nghiệp, cũng như giao thông của người dân.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 9/2017, một cơn bão có tên gọi Doksuri, được cho là một trong những cơn bão lớn nhất thập kỷ, đã đổ bộ vào vùng biển từ Nghệ An tới Quảng Trị của Việt Nam và cũng gây ra nhiều thiệt hại nặng nề về người và của.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41871796
‘Phải mất thêm một thời gian mới bỏ hộ khẩu trên thực tế’
Một luật sư ở Sài Gòn nói với BBC rằng “bản chất của Nghị quyết 112 không phải là bỏ hộ khẩu mà chỉ thay thế hình thức hộ khẩu giấy sang “hộ khẩu điện tử”.
Hôm 30/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết 112 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Theo đó, Chính phủ thông qua phương án của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Chế độ hộ khẩu ‘tạo bất bình đẳng’
APEC 2017, Đội Cờ đỏ, nhân quyền VN và Tuần Tin Tức
‘Tước quốc tịch chưa có tiền lệ ở Việt Nam’
Bạn có thể mua được quốc tịch những nước nào?
Giải mã ‘Chính phủ kiến tạo’ của ông Phúc
‘Hộ khẩu điện tử’
Trả lời BBC hôm 5/11, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, nói: “Đúng là Chính phủ không có quyền sửa đổi luật, làm trái luật. Tuy nhiên, nếu chúng ta nghiên cứu kỹ Nghị quyết 112 thì sẽ thấy rằng bản chất của nghị quyết này không phải là bỏ hộ khẩu mà chỉ thay thế hình thức hộ khẩu giấy sang “hộ khẩu điện tử.”
“Thay vì trước đây chúng ta làm thủ tục đăng ký thường trú và được cơ quan công an cấp một quyển sổ hộ khẩu. Công an quản lý nhân khẩu dựa vào quyển hộ khẩu này. Nay nhu cầu quản lý nhân hộ khẩu của nhà nước vẫn còn đó nhưng hình thức quản lý khác đi. Cụ thể là công an vẫn quản lý nhân hộ khẩu thông qua mã định danh cá nhân và thủ tục đăng ký cập nhật nơi cư trú trên hệ thống dữ liệu quốc gia.”
“Số định danh cá nhân cho ta biết rõ nơi sinh, ngày tháng năm sinh, giới tính, tỉnh thành cư trú … Do đó, xét về câu chữ thì rõ ràng Nghị quyết 112 của Chính phủ trái Luật Cư trú nhưng xét về bản chất nó vẫn phù hợp với Luật Cư trú.”
Ông Sơn nói thêm: “Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị quyết của Chính phủ không phải là một loại văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Nghị quyết 112 chỉ có hiệu lực đối với các thành viên chính phủ, tức các Bộ và các cơ quan ngang bộ.”
“Trên cơ sở Nghị quyết của Chính phủ, các bộ ngành sẽ đề xuất sửa đổi luật, nghị định và ban hành thông tư hướng dẫn… nhằm đáp ứng các yêu cầu, mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Để Nghị quyết 112 này được thực thi trên thực tế, tôi nghĩ phải mất thêm một thời gian nữa.”
Nghệ sĩ Kim Chi làm phim về nhân quyền
VN: Kêu gọi mới đổi tên Đảng và cải tổ chính trị
Cùng ngày, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam nói với BBC: “Lâu nay, việc kiểm tra tạm trú, tạm vắng, hộ khẩu là một trong những điều mà những nhà hoạt động thường bị sách nhiễu, gây khó khăn nhiều nhất. Dù đang ở khách sạn, nhà người thân hay nhà bạn bè thì công an lấy lý do “kiểm tra tạm trú, tạm vắng, sổ hộ khẩu rồi họ vào gây khó khăn nhiều thứ như: Đưa người hoạt động về trụ sở, đuổi đi hay phạt hành chính… Mà việc “kiểm tra” này họ “sử dụng” bất cứ lúc nào, dù là đêm hôm khuya khoắt. Và tất nhiên là cái mục đích kiểm tra thì khác với lý do họ nêu ra.”
Ông Lâm nói thêm: “Việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ loại bỏ sự bất đình đẳng, phân biệt đối xử về quyền lợi giữa người có hộ khẩu thường trú và không có như: Vay vốn, xác lập quyền tài sản, lắp đặt Internet, công tơ điện, nước… Việc này sẽ tạo tiền đề cho sự cống hiến, đóng góp, phát triển của địa phương cũng như của quốc gia.”
Hồi tháng 6/2016, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho rằng hệ thống quản lý hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng về cơ hội ở Việt Nam. Nghiên cứu nói “hệ thống hộ khẩu tạo ra bất bình đẳng cơ hội cho người dân Việt Nam”, theo lời ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
“Cần có các cải cách hơn nữa để đảm bảo là người nhập cư có được khả năng tiếp cận trường học, chăm sóc y tế và việc làm ở khu vực công như những người khác. Điều này sẽ khuyến khích người dân di cư tới các thành phố và sẽ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế cũng như chuyển đổi cơ cấu của Việt Nam.”
Khuyến nghị của ông Fock được đưa ra sau khi Ngân hàng Thế giới kết hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam làm khảo sát về dịch vụ công và chế độ hộ khẩu đã có trên cả nước Việt Nam “từ 50 năm qua”.
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41868441
Tân đại sứ Mỹ đến Hà Nội ngay trước hội nghị APEC
Tân đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đến Hà Nội lúc nửa đêm hôm thứ Bảy, 4/11, và cho báo giới biết ông sẽ trình quốc thư lên chủ tịch nước Việt Nam trong ngày thứ Hai, 6/11.
Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của ông Kritenbrink trên cương vị đại sứ là tháp tùng Tổng thống Trump từ 10-12/11 tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Đà Nẵng và khi ông Trump thăm chính thức ở Hà Nội.
“Chuyến thăm của Tổng thống là cơ hội lớn để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương của chúng ta, cùng lúc tăng cường các mối quan hệ của chúng tôi trong khắp khu vực năng động này”, Đại sứ Kritenbrink cho biết qua bài phát biểu được gửi đến một số phóng viên Việt Nam sau khi ông đến sân bay ở Hà Nội.
Tân đại sứ Mỹ nói nước ông và Việt Nam “có nhiều lợi ích chung, bao gồm an ninh, thương mại và đầu tư và giao lưu nhân dân” và cho rằng đối với ông “hiện nay là một thời điểm tuyệt vời để làm việc tại Việt Nam”.
Ông Kritenbrink, được Thượng viện chuẩn thuận làm đại sứ hôm 26/10, là nhà ngoại giao chuyên nghiệp cấp cao có nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm việc ở châu Á, trải dài từ 1994 đến nay.
Trước khi trở thành người đứng đầu phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam, chức vụ gần đây nhất của ông là Cố vấn Cao cấp về Chính sách đối với Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nhiều nhà quan sát chỉ ra có sự liên quan giữa chức vụ cũ của ông Kritenbrink, cương vị đại sứ sắp tới của ông ở Việt Nam, và những động thái cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Triều Tiên.
Nhận định về điều này, ông David Shear, từng giữ chức đại sứ Mỹ ở Việt Nam từ 2011-2014, nói với VOA hồi tháng 7 rằng ông tin chắc chắn rằng “Mỹ đã thảo luận với Việt Nam về tầm quan trọng của việc thực thi các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an đối với Triều Tiên”, và ông trông đợi tân đại sứ Kritenbrink “sẽ tiếp tục theo đuổi lợi ích sống còn đó của Mỹ”.
Trong cùng ngày 4/11, vài giờ trước khi đón ông Kritenbrink, Đại sứ quán Mỹ đã tiễn ông Ted Osius rời nhiệm sở sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào ngày hôm trước.
Cựu đại sứ Osius cho hay ông sẽ trở lại Việt Nam đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam từ tháng 1/2018.
https://www.voatiengviet.com/a/tan-dai-su-my-den-hanoi-ngay-truoc-hoi-nghi-apec/4101054.html
Quan chức Mỹ: ‘Việt Nam là đối tác xuất sắc’
Một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đưa ra nhận xét trên ít ngày trước khi nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đặt chân tới Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) trong chuyến công du tới nhiều quốc gia châu Á.
“Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam là một đối tác xuất sắc trong khu vực, và rằng còn có nhiều cơ hội để chúng tôi trao đổi, tìm ra cách thức cùng nhau làm việc cả song phương và cả khu vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng khắp khu vực”, quan chức cấp cao nói trong buổi cung cấp thông tin về chuyến đi của ông Trump hôm 31/10 tại Nhà Trắng.
Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam là một đối tác xuất sắc trong khu vực, và rằng còn có nhiều cơ hội để chúng tôi trao đổi, tìm ra cách thức cùng nhau làm việc cả song phương và cả khu vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng khắp khu vực.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói.
“Như chúng ta biết, APEC là diễn đàn kinh tế hàng đầu của khu vực. Nó đã rất tích cực thúc đẩy một khu vực châu Á – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tổng thống [Trump] ủng hộ nghị trình đó”.
Quan chức cấp cao không nêu tên nói thêm: “Đó là một cơ hội để nói về các ưu tiên của ông, trong đó có việc các nước cần phải thông qua [chính sách] thương mại bình đẳng và công bằng; tầm quan trọng của việc bảo đảm rằng thương mại số vẫn là một động lực chính thúc đẩy kinh tế ở khu vực; thảo luận về các cải cách cơ cấu nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, trong đó có việc gia tăng sự minh bạch và giảm bớt tham nhũng; và cải thiện sự cạnh tranh của các ngành dịch vụ, vốn là một ưu tiên của nền kinh tế Mỹ, đóng góp hơn 70% GDP của chúng tôi”.
Nhà Trắng thông báo rằng ông Trump sẽ tới Đà Nẵng vào ngày 10/11 để dự hội nghị thượng đỉnh APEC và sẽ có bài phát biểu, trong đó ông sẽ “trình bày tầm nhìn của Hoa Kỳ về một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của khu vực trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng cũng như an ninh của Mỹ”.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói: “Sự tham dự APEC của Tổng thống [Trump] sẽ củng cố cam kết của Hoa Kỳ về một hệ thống kinh tế quốc tế dựa trên luật lệ, bền vững và công bằng trên các nguyên tắc thị trường”.
Ngày 11/11, ông Trump sẽ tới Hà Nội, thăm chính thức Việt Nam và sẽ có các cuộc trao đổi với Chủ tịch Trần Đại Quang cũng như các quan chức cấp cao khác của Việt Nam khác.
“Đây sẽ là cuộc gặp thứ hai của Tổng thống [Trump] với giới lãnh đạo Việt Nam tiếp sau chuyến công du của Thủ tướng Phúc tới Nhà Trắng vào tháng Năm vừa qua, cho thấy tầm quan trọng mà Hoa Kỳ đặt vào mối quan hệ đối tác với Việt Nam”, quan chức cấp cao của Mỹ nói.
Ngoài Việt Nam, ông Trump còn tới Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và Philippines trong chuyến công du châu Á dài hơi nhất trong vòng 25 năm qua.
https://www.voatiengviet.com/a/quan-chuc-cap-cao-my-noi-viet-nam-la-doi-tac-xuat-sac/4101617.html
Người Việt và Châu Á nghĩ gì về Tổng thống Trump?
Đối với một số người, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là “người đàn ông đầy quyền lực”, nhưng đối với người khác, ông lại là nhân vật hay khiêu khích.
Trong khi ông Trump thăm châu Á, hiện có nhiều ý kiến khác nhau về nhà lãnh đạo Mỹ và ý nghĩa của chuyến đi đối với các nước ông tới thăm.
Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên của ông Trump tới một khu vực sống động của thế giới kể từ khi lên nhậm chức. Chuyến công cán dự kiến sẽ bao trùm bởi vấn đề Bắc Hàn này sẽ đưa ông tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Theo phỏng vấn của Reuters đối với những người dân Trung Quốc tại Vạn lý Trường thành, nhiều người cho biết họ chờ đón chuyến thăm của ông Trump tới đất nước đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng của mình.
Trong khi đó, một số người khác cũng bày tỏ hy vọng rằng ông sẽ sử dụng vị thế của mình trên thế giới để duy trì hòa bình.
Luo Min, giáo viên 32 tuổi, nói: “Tôi nghĩ rằng ông Trump sẽ thấy Trung Quốc hiện nay ra sao, con người cũng như các cảnh đẹp của Trung Quốc. Ông ấy có thể nghĩ rằng ông ấy có thể làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, nhưng Trung Quốc sẽ trở nên vĩ đại hơn Mỹ trong tương lai. Là một người Trung Quốc, tôi rất tự tin và tự hào về đất nước tôi. Tôi nghĩ rằng ông ấy có thể sẽ hiểu hơn về Trung Quốc hiện nay”.
Còn tại Hàn Quốc, theo Reuters, người dân không tin rằng chiến tranh sẽ bùng ra vì chuyến thăm của ông Trump, nhưng lại có cảm xúc trái ngược về khả năng ngoại giao của ông.
Một số hy vọng rằng ông Trump sẽ không đưa ra các phát biểu khiêu khích về Bắc Hàn trong chuyến thăm, trong khi số khác ủng hộ các chính sách cứng rắn của ông và nói thêm rằng Hàn Quốc cần một hệ thống vũ khí mạnh để đương đầu với Bắc Hàn.
Shin Eui-Sup, 63 tuổi, nói với Reuters: “Chúng ta phải dùng vũ khí hạt nhân để đương đầu với vũ khí hạt nhân và điều này không đồng nghĩa với việc chỉ có chính phủ của chúng tôi hành động mạnh mẽ hơn. Thế nên, tôi hoan nghênh chuyến thăm của ông Trump và hy vọng Hàn Quốc và Mỹ sẽ gần gũi hơn nữa để đất nước chúng tôi sẽ có thể đối đầu với hạt nhân bằng hạt nhân và đáp trả sức mạnh với sức mạnh trong tình thế nghiêm trọng này, khi chúng tôi đang bị đe dọa về hạt nhân”.
Còn tại Nhật Bản, một số cư dân Tokyo bày tỏ mong muốn đối thoại về Bắc Hàn, trong khi số khác lại tỏ ra quan ngại về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Okinawa.
Fumihiko Nakamura, một cư dân Tokyo, nói: “Tôi nghĩ tình hình rất khó khăn. Nếu xảy ra chiến tranh, vì Nhật Bản là một quốc gia láng giềng của Bắc Hàn, sẽ có thiệt hại nghiêm trọng. Những dân thường của chúng tôi không cần phải biết các chi tiết, nhưng tôi muốn Tổng thống Trump trao đổi thẳng thắn với Thủ tướng Nhật và cho biết suy nghĩ thật sự của ông về tình hình, để tìm ra cách xử lý đúng đắn”.
Một người dân Tokyo khác, Hirotaka Shibata, nói: “Tôi muốn Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump trao đổi về chuyện duy trì hòa bình. Tôi muốn họ nghĩ về các cách thức ngăn chặn chiến tranh”.
Tại Manila, người dân Philippines tin rằng đồng minh thực sự của Tổng thống Rodrigo Duterte là Trung Quốc, dù ông tỏ ra nồng ấm với Tổng thống Trump, theo Reuters.
Doanh nhân William Ferrer nói: “Ông ấy thích chính sách của Trung Quốc vì Trung Quốc không can thiệp vào Philippines. Trung Quốc cũng ủng hộ hệ thống tư pháp của chúng tôi và những gì đang xảy ra với cuộc chiến chống ma túy”.
Một người dân Philippines khác là Benhur Balasbas nói: “Duterte thích Trung Quốc hơn. Mỹ thậm chí còn không hậu thuẫn chiến dịch ở Marawi, nhưng có tin là Trung Quốc đã thể hiện sự ủng hộ”.
Ông Duterte tỏ ra thân thiết với Bắc Kinh kể từ khi lên làm tổng thống năm 2016, trái ngược hẳn với những lời chỉ trích mạnh mẽ đối với đồng minh lâu năm là Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama vì đã lên án chiến dịch chống ma túy ở Philippines.
Tuy nhiên, ông Duterte tỏ ra đánh giá cao ông Trump và gọi ông là “bạn” cũng như chưa từng công khai chỉ trích đương kim tổng thống Mỹ.
Theo Reuters, những người dân ở nước cựu thù Việt Nam bày tỏ đánh giá tích cực về ông Trump cũng như tán dương ông vì đã dám nói lên suy nghĩ của mình.
Sinh viên ngành y Vũ Thị Hồng Hạnh, 18 tuổi, nói: “Em nghĩ ông ấy là người quyền lực, có tham vọng phát triển nước Mỹ thành cường quốc lớn trên thế giới”.
Còn ông Đoàn Đức Long, từng chụp ảnh thời chiến, nói “thích tính cách của ông ấy vì ông ấy dám nói và nói cũng rất thật”.
Cùng với đệ nhất phu nhân Melania, ông Trump sẽ tới khu vực từ ngày 5 tới 14/11. Điểm nhấn của ông trong chuyến công du này là việc tham dự hai hội nghị thượng đỉnh lớn là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương ở Việt Nam và của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á ở Philippines.