Tin khắp nơi – 01/11/2017
Tham vọng quân sự Trung Quốc
khiến láng giềng bắt đầu lo ngại
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mới đây đã nhấn mạnh ước mơ biến quân đội Trung Quốc thành một đạo quân « đẳng cấp thế giới » từ nay đến năm 2050. Theo nhận định của giới phân tích được hãng tin Pháp AFP ngày 01/11/2017 trích dẫn, tham vọng quân sự nói trên bắt đầu gây quan ngại cho các nước láng giềng của Trung Quốc, cho dù chưa phải là mối đe dọa trước mắt.
Nhân Đại Hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc diễn ra từ ngày 18-24/10/2017, hai dấu mốc thời gian mà ông Tập Cận Bình đặt ra cho quân đội Trung Quốc là hoàn thành việc hiện đại hóa vào năm 2035 để đến năm 2050 trở thành một « quân đội đẳng cấp thế giới ».
Đối với ông James Char, chuyên gia phân tích quân sự thuộc Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, tuyên bố của ông Tập Cận Bình vừa là thông điệp trấn an các thành phần dân tộc chủ nghĩa vốn rất ủng hộ ông, vừa là « thông điệp gửi đến các nước để biểu thị mong muốn của Bắc Kinh có được một đội quân hùng mạnh tương tự như nền kinh tế của họ », ngày nay đã đứng hàng thứ hai thế giới.
Nghê Nhạc Hùng (Ni Lexiong), giáo sư tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Phòng ở Thượng Hải, dĩ nhiên là bênh vực cho tham vọng của Trung Quốc, cho rằng việc nước ông muốn có một quân đội hùng mạnh, « không phải là để bắt nạt các quốc gia khác, mà chỉ để tự bảo vệ mình », tránh rơi vào trường hợp như Irak hay Libya.
Thế nhưng, theo AFP, việc ông Tập Cận Bình mong muốn xây dựng một đạo quân có thể « đánh và thắng », đã gióng lên hồi chuông báo động ở các nước láng giềng, trong đó có nhiều nước đang vướng vào các tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Trung Quốc.
Với Ấn Độ, Trung Quốc vẫn đòi chủ quyền trên một số vùng lãnh thổ, và mùa hè vừa qua, hai bên đã có hai tháng trực diện căng thẳng trên dãy Himalaya.
Còn Nhật Bản thì ngày càng bực tức trước việc Trung Quốc thường xuyên cho tàu vào tuần tra trong khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, bất chấp việc đảo đó do Tokyo nắm quyền kiểm soát. Đối với Nhật Bản, sự gia tăng quân sự của Trung Quốc là một « mối quan ngại cho an ninh trong khu vực ».
Cuối cùng, Bắc Kinh tuyên bố họ là chủ của hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia… Kể từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2012, Tập Cận Bình cho bồi đắp và củng cố các rạn san hô mà Trung Quốc kiểm soát, cho xây trên đó các cơ sở, trong đó có các cơ sở quân sự.
Bà Juliette Genevaz, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Chiến Lược của Trường Võ Bị Pháp ghi nhận : « Không thể chối cãi rằng sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á… Nhật Bản bắt đầu nói đến việc tái võ trang, Hàn Quốc đang cho triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa, ngân sách quốc phòng của Việt Nam và Philippine đang tăng nhanh. »
Đối với giới phân tích, nếu trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Tập Cận Bình đã rất hung hăng, thì ngày nay, khi quyền lực đã thâu tóm xong, có thể ông sẽ hòa dịu trở lại. Chuyên gia James Char, Đại Học Công Nghệ Nanyang ở Singapore, thẩm định « Chúng ta có thể kỳ vọng là Bắc Kinh trước mắt và trong trung hạn sẽ ít viện đến kiểu ngoại giao cưỡng chế hơn ».
Theo chuyên gia này, Quân Đội Trung Quốc sẽ tiếp tục hoạt động xa hơn và tại những vùng cách xa bờ biển Trung Quốc, và có lẽ cũng sẽ thiết lập thêm nhiều căn cứ ở nước ngoài. Họ sẽ hoạt động thận trọng ở ngoài nước.
Trong bối cảnh đó, điều được chuyên gia này nêu lên là Bắc Kinh sẽ vẫn sẽ tiếp tục hung hăng bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171101-tham-vong-quan-su-trung-quoc-pt
Ông Abe tái nhiệm chức thủ tướng Nhật Bản
Vào ngày 1 tháng 11, Quốc Hội Nhật Bản bỏ phiếu tái nhiệm ông Shinzo Abe trong vai trò thủ tướng.
Năm nay 63 tuổi, ông Abe tiếp tục lãnh đạo quốc gia trong giai đoạn chính ông nói là có nhiều thử thách, từ phải bào vệ an ninh quốc phòng và đối phó với những hành động gây hấn của Bắc Hàn, cho tới chuyện thúc đẩy kinh tế giữa lúc Nhật Bản đang gặp hiểm họa lão hóa dân số, tức số người lớn tuổi nghỉ hưu ngày một nhiều, khiến chi phí chăm sóc y tế cho người cao niên chiếm tới 1 phần 3 ngân sách an sinh xã hội của quốc gia.
Một điểm khác cũng sẽ được ông Abe thực hiện là yêu cầu Quốc Hội thảo luận sửa đổi hiến pháp, cho phép quân đội được quyền tham chiến để bảo vệ các quốc gia đồng minh, thay vì chỉ giữ vai trò tự vệ như quy định ghi trong bản hiến pháp hiện hành.
Xe tải tông chết nhiều người ở New York
Ít nhất 8 người thiệt mạng tại New York sau khi một xe tải thuê đã lao vào một làn đường xe đạp gần khu tưởng niệm Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 31/10.
Nghi phạm 29 tuổi nhảy ra khỏi xe tải, nhưng bị một cảnh sát bắn, và sau đó bị bắt giữ.
Truyền thông Mỹ nêu tên người này là Sayfullo Saipov, 29 tuổi, được cho là di dân Uzbekistan, tới Mỹ năm 2010, và dường như sống ở Florida.
Thị trưởng thành phố Bill de Blasio gọi đây là “một hành động khủng bố hèn nhát nhắm vào người vô tội”.
Tổng thống Donald Trump đã viết trên Twitter: “Suy nghĩ, lời chia buồn và cầu nguyện của tôi cho các nạn nhân và gia đình của vụ khủng bố thành phố New York.”
Thông tin ban đầu từ cảnh sát nói có 11 người bị thương.
Pháp bắn nghi phạm tấn công cảnh sát ở Paris
Xe tải lao vào chợ ở Berlin, nhiều người chết
Thị trưởng thành phố Bill de Blasio gọi đây là “một hành động khủng bố hèn nhát nhắm vào người vô tội”.
Vụ việc xảy ra khoảng sau 1500 giờ địa phương ngày 31/10.
Một xe tải thuê đã đâm vào người đi xe đạp và người đi bộ trên một làn đường xe đạp.
Chiếc xe sau đó đâm vào một xe buýt nhỏ, làm bị thương hai trẻ em và hai người lớn.
Tài xế bước ra khỏi xe, dường như cầm súng. Người này bị một cảnh sát bắn và bị bắt.
Tổng thống Donald Trump đã được báo cáo về vụ tấn công.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41826952
Thẩm vấn nghi phạm vụ tấn công khủng bố New York
Nhà chức trách tại Thành phố New York đã bắt đầu thẩm vấn người lái chiếc xe tải thuê và tông người trên một làn đường xe đạp đông đúc hôm thứ Ba, cố gắng tìm hiểu động cơ của vụ tấn công khủng bố làm nhiều người chết nhất trong thành phố này kể từ vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Nhà chức trách đã liên kết nghi phạm, Sayfullo Saipov, một người nhập cư gốc Uzbekistan 29 tuổi đến Mỹ năm 2010, với các tài khoản mạng xã hội có chứa những tài liệu liên quan đến Nhà nước Hồi giáo. Tin tức cho biết một ghi chú đã được tìm thấy tại hiện trường vụ tấn công, trong đó anh ta tuyên thệ trung thành với nhóm thánh chiến này. IS chưa chính thức nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Saipov bị một viên cảnh sát New York bắn vào bụng tại khu vực hạ Manhattan của thành phố, nhưng sống sót. Nhà chức trách thẩm vấn anh ta trước khi anh ta được phẫu thuật vào tối thứ Ba.
Ít nhất tám người thiệt mạng và 11 người khác bị thương trong vụ tấn công mà thị trưởng thành phố Bill de Blasio mô tả là “một hành động khủng bố đặc biệt hèn nhát nhắm vào thường dân vô tội.”
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói với đài CNN, “Hắn ta là một kẻ hèn hạ suy đồi, và hắn ta có liên hệ với ISIS, hắn ta trở nên cực đoan hóa trong nước.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba đã ra lệnh cho Bộ Anh ninh Nội địa “tăng cường Chương trình Rà soát vốn đã cực kỳ gắt gao của chúng ta” về việc nhập cảnh Mỹ. “Đúng đắn về chính trị thì không sao, nhưng không phải trong trường hợp này!”
Hôm thứ Tư, ông Trump, trong một phát biểu trên Twitter, quy trách lãnh đạo Dân chủ Thượng viện Chuck Schumer đại diện bang New York cho phép “tên khủng bố này” vào Mỹ theo ‘Chương trình Xổ số Visa Đa dạng.’
Ông Schumer cáo buộc ông Trump “chính trị hóa và gây chia rẽ nước Mỹ, điều mà ông ta dường như luôn làm vào lúc có thảm kịch quốc gia.” Ông Schumer nói ông “đã luôn tin tưởng và tiếp tục tin tưởng rằng nhập cư là tốt cho nước Mỹ.”
Xổ số nhập cư là một phần trong luật năm 1990 của Mỹ mà ông Schumer, khi đó là một thành viên của Hạ viện, bảo trợ cùng với 25 nghị sĩ Dân chủ và sáu nghị sĩ Cộng hòa khác.
Trong số những người thiệt mạng có năm người là công dân Argentina đến New York để kỉ niệm 30 năm tốt nghiệp trung học, cũng như một người Bỉ.
Tổng thống Uzbekistan, Shavkat Mirziyoyev, hôm thứ Tư nói vụ tấn công là tàn nhẫn và độc ác, và rằng chính phủ của ông sẵn sàng sử dụng tất cả các phương tiện để hỗ trợ trong cuộc điều tra.
Viện Cato cho VOA biết chỉ có khoảng 40.000 người Uzbekistan nhập cảnh Mỹ với tư cách di dân trong 20 năm qua, và trong số đó chỉ có 2 phần trăm là người tị nạn.
Đàm phán TPP không có Mỹ gần hoàn tất trước APEC
11 quốc gia còn lại trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Hoa Kỳ sắp đi đến ký kết một hiệp định thương mại tự do toàn diện sau khi New Zealand đồng ý sửa các luật không chịu ảnh hưởng của TPP, cho phép nước này cấm người nước ngoài mua nhà.
Hiệp định nhằm mục tiêu loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp trong khối gồm 11 quốc gia mà tổng kim ngạch thương mại đạt 356,3 tỷ đôla năm ngoái.
Sự thỏa hiệp trong tuần này giúp các quốc gia thành viên khỏi phải đàm phán lại hiệp định thương mại đầy tham vọng để đáp ứng việc chính phủ New Zealand yêu cầu phải có biện pháp vững chắc nhằm kiềm chế giá nhà đất.
Điều đó cũng giúp các nước thành viên tiến gần hơn tới thắng lợi quan trọng về ủng hộ tự do thương mại, dự kiến hiệp định sẽ chốt lại chung cuộc tại hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương vào tuần tới tại thành phố miền trung Đà Nẵng.
“Đà tiến tới một hiệp định tại hội nghị ở Đà Nẵng đã tăng lên đáng kể”, ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản cho biết.
“Tác động kinh tế chắc chắn không nhỏ, nhưng thông điệp thậm chí còn lớn hơn là hiệp định này có thể ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế toàn cầu và mang lại hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, ông nói.
Các nhà đàm phán đã tập trung trong ba ngày ở Urayasu, phía đông thủ đô của Nhật Bản, để giới hạn các điều khoản trong hiệp định gồm 12 nước ban đầu sẽ phải đình chỉ, nhằm cứu vãn hiệp định này tại hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam.
Nhật Bản hy vọng hiệp định mới, liên kết 11 quốc gia với tổng GDP là 12,4 nghìn tỷ đôla, có thể cho các quốc gia khác thấy Nhật có khả năng vận động cho tự do thương mại dù không có sự ảnh hưởng của Washington.
Điều đó cũng có thể giúp Nhật Bản chống lại áp lực của Hoa Kỳ về một hiệp định thương mại song phương, một vấn đề có thể được nêu ra khi Tổng thống Donald Trump thăm từ ngày 5 đến 7/11 để hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe.
TPP đã bị hoài nghi khi ông Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hồi tháng 1 để ưu tiên bảo vệ việc làm của Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/dam-phan-tpp-khong-co-my-gan-hoan-tat-truoc-apec/4095238.html
Nhật Bản hy vọng cứu được TPP trước hội nghị APEC
Các nhà thương thuyết của 11 thành viên còn lại trong Hiệp Định Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương nỗ lực đạt đồng thuận qua ba ngày đàm phán kể từ thứ Hai 06/11/2017 tại Nhật Bản.
Theo tuyên bố của trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản Kazuhisa Shibuya với Reuters, 11 nước còn lại trong TPP, sau khi Mỹ rút chân, sẽ họp tại thành phố Urayasu, tỉnh Chiba, vào thứ Hai tới đây để tìm cách duy trì Hiệp Định Thương Mại.
Ông Kazuhisa Shibuya cho biết tất cả mọi thành viên, kể cả New Zealand, hiện còn bất đồng trên hồ sơ mở cửa thị trường địa ốc, đều tỏ ý muốn đạt được tiến bộ và kết quả ngay trong tuần tới, hai ngày trước Thượng đỉnh APEC tại Việt Nam. Vẫn theo nguồn tin trên, bên lề APEC ở Đà Nẵng, một cuộc họp cấp bộ trưởng của TPP sẽ đúc kết thỏa thuận chiến lược này.
Tokyo kỳ vọng sẽ đạt được kết quả để chứng tỏ với các nước khác trong vùng Thái Bình Dương là nước Nhật có thể hành động một cách hiệu quả với tư cách là một quốc gia đứng đầu về tự do mậu dịch, và qua thành tích này, khuyến khích chính quyền Donald Trump xét lại chính sách co cụm.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20171101-nhat-ban-tpp-hoi-nghi-apec
Căng thẳng bán đảo Triều Tiên
và chuyến Á du của TT Trump
Đa số người Mỹ giờ xem Triều Tiên là mối đe dọa tức thời nhất đối với Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump vào ngày 7-8/11 sẽ đi thăm Hàn Quốc, chặng dừng chân thứ nhì trong chuyến công du Châu Á của ông. Làm cách nào để đối phó với chương trình vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng sẽ là chủ đề chính trong nghị trình làm việc của ôngTrump khi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo trong chuyến công du này.
Trong thời gian dẫn đến chuyến đi của Tổng thống Trump, các thành viên trong nội các của ông đã có mặt ở Châu Á để dọn đường cho các cuộc thảo luận cấp cao về những bước cần làm liên quan tới Triều Tiên.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis phát biểu:
“Mục đích của chúng tôi không phải là chiến tranh, mà là tình trạng phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể được kiểm chứng, và không thể lật ngược, của bán đảo Triều Tiên.”
Ngày càng có nhiều lo ngại ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương về những gì cần làm để thực hiện mục tiêu đó.
Ông Jae Ku, Giám Đốc Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên nhận định:
“Tôi nghĩ rồi sẽ phải tới thời điểm quyết định –mà tôi có thể mang ra so sánh với cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba – sẽ tới thời điểm nhất định khi mà chúng ta phải làm quyết định, dù là quyết định chính trị hay quân sự, sẽ thay đổi khung cảnh chính trị của bán đảo Triều Tiên.”
Cho tới bây giờ, Tổng thống Mỹ và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, đã trao đổi những lời phát biểu nảy lửa chưa từng được nghe trước đây.
Ông Thomas Countryman, cựu Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế của Mỹ nhận định:
“Những lời nguyền rủa qua lại giữa hai bên phương hại tới tính chính đáng của Hoa Kỳ và giảm uy tín của Tổng thống Mỹ. Tôi thực sự cảm thấy bất an khi chứng kiến một Tổng thống nước Mỹ hạ mình xuống mức ngang hàng với những lời nguyền rủa và đe dọa mà chúng ta đã từng được nghe từ những người Triều Tiên trong nhiều năm qua.”
Một số người ở Hàn Quốc, kể cả đảng đối lập chủ yếu có khuynh hướng bảo thủ, đang hối thúc không những việc mang vũ khí hạt nhân chiến lược trở lại Hàn quốc, mà còn muốn được Hoa Kỳ ủng hộ và cho phép Seoul sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Ông Hong Joon Pyo, Chủ tịch đảng Triều Tiên Tự Do:
“Nếu hai nước tiến hành kế hoạch tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược, tôi chắc chắn rằng làm như vậy không những chứng minh cho nhân dân hai nước thấy tình đoàn kết của liên minh Mỹ-Hàn, mà còn chặn lại ý định của Kim Jong Un muốn khiêu khích.”
Giám Đốc Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên nói:
“Chúng ta có thể cảm nhận nỗi lo lắng, nỗi sợ hãi, ta có thể cảm thấy có một điều gì đó khác mà người Triều Tiên đang phải đối mặt. Do đó, tôi nghĩ họ đã bám víu lấy ý tưởng theo đó vũ khí hạt nhân chiến lược có thể cung cấp an ninh cho họ, và họ chưa cân nhắc kỹ lưỡng các vấn đề rất phức tạp đi kèm.”
Theo lịch trình, Tổng thống Trump sẽ từ Hàn Quốc bay sang Bắc Kinh. Tại đây, ông sẽ thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình về tình hình căng thẳng đang tăng trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc là đồng minh đáng kể duy nhất còn lại của Triều Tiên, và đã bày tỏ bực dọc với nước láng gièng nhỏ hơn, nhưng ngày càng có thái độ khiêu khích. Dự kiến ông Trump sẽ yêu cầu Trung Quốc tăng áp lực hơn nữa đối với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
https://www.voatiengviet.com/a/cang-thang-trieu-tien-va-chuyen-a-du-cua-tt-trump/4095211.html
Reuters: Mỹ tiếp xúc ngoại giao bí mật với Triều Tiên
Hãng thông tấn Reuters nói Hoa Kỳ đang theo đuổi hoạt động ngoại giao trực tiếp trong hậu trường với Triều Tiên, bất chấp cuộc khẩu chiến đang diễn ra giữa Tổng thống Donald Trump và Bình Nhưỡng.
Trong một bài báo độc quyền được đăng hôm 1/11, Reuters nói họ có thông tin từ một quan chức không nêu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay ông Joseph Yun, đặc sứ Hoa Kỳ về Triều Tiên, đã và đang đối thoại với các nhà ngoại giao của Triều Tiên thuộc phái bộ của họ ở Liên Hiệp Quốc, sử dụng “kênh New York”, một thuật ngữ trong nghề ngoại giao.
Tổng thống Trump đã thề sẽ hủy diệt Triều Tiên nếu chế độ nước này tiếp tục phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng nước ông sẽ không bao giờ chấp nhận một nước Triều Tiên có vũ khí hạt nhân.
Trong bài phát biểu trước quốc hội hôm 1/11, Tổng thống Moon cũng bác bỏ ý tưởng về việc hoặc Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân của chính mình, hoặc có sở hữu vũ khí hạt nhân, và tuyên bố rằng cả hai quốc gia đều phải tuân thủ tuyên bố chung đạt được năm 1992 về phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố của Tổng thống Moon phản bác các yêu cầu của các nhà lập pháp đối lập đòi tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ lên đất Hàn Quốc để chống lại mối đe doạ ngày càng tăng từ đối thủ cộng sản ở miền bắc. Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và cũng là vụ lớn nhất hồi tháng 9.
Về việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đe doạ có hành động quân sự đối với Triều Tiên, Tổng thống Moon nhắc lại cam kết trước đây là sẽ không có hành động quân sự nào được tiến hành trên bán đảo mà không có sự đồng ý của Seoul, và nói rằng Hàn Quốc nắm quyền quyết định số phận của mình.
https://www.voatiengviet.com/a/reuters-my-tiep-xuc-ngoai-giao-bi-mat-voi-trieu-tien/4095187.html
Các nhà lập pháp chất vấn
các công ty công nghệ về can thiệp bầu cử
Các thượng nghị sĩ Mỹ hôm thứ Ba cho biết họ muốn làm việc với Thung lũng Silicon để tìm ra các câu trả lời liên quan đến chuyện can thiệp bầu cử khi họ bắt đầu hai ngày điều trần của Quốc hội về cách thức mà Nga bị cho là đã thao túng các mạng truyền thông xã hội nhằm cố gắng gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Các luật sư từ công ty Facebook, Twitter và Alphabet, công ty mẹ của Google, ra khai chứng trước các phiên điều trần trong tuần này. Đây là lần đầu tiên các giám đốc điều hành của các công ty công nghệ xuất hiện công khai trước các nhà lập pháp Mỹ về vụ việc liên quan đến Nga.
Điều đáng lo đối với các công ty này hình ảnh của họ trước công chúng và mối đe dọa bị quản lý chặt hơn về quảng cáo ở Mỹ, nơi mà ngành công nghệ vốn đã quen được chính phủ nương tay.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham, chủ tịch tiểu ban tội phạm của Thượng viện, nói vào đầu buổi điều trần hôm thứ Ba rằng ông tập trung vào việc tìm ra những giải pháp liên quan đến việc can thiệp bầu cử, chứ không phải bêu xấu các công ty công nghệ.
“Mục đích của buổi điều trần này là tìm hiểu xem chúng tôi có thể giúp quý vị ra sao,” ông Graham nói với các luật sư.
Nhân vật Đảng Dân chủ hàng đầu của tiểu ban, Thượng nghị sĩ Sheldon Whitehouse, cho biết ông cũng đang tìm cách làm việc với các công ty công nghệ. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng các nền tảng quảng cáo trực tuyến như Facebook nên tiết lộ ai mua các quảng cáo bầu cử trên đó.
Trong hai năm qua, tới 126 triệu người Mỹ có thể đã nhìn thấy những nội dung gây chia rẽ về chính trị bắt nguồn từ Nga dưới những cái tên giả, Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, nói với Quốc hội trong lời khai chứng bằng văn bản hôm thứ Hai.
Google và Twitter cũng đã nói rằng người Nga đã sử dụng các dịch vụ của họ để lan truyền các thông điệp trong thời gian trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm ngoái.
Chính phủ Nga phủ nhận họ có ý định gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử, trong đó ứng cử viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đánh bại ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Ba công ty công nghệ nói với các nhà lập pháp Mỹ hôm thứ Ba rằng họ đồng tình với đánh giá của các cơ quan tình báo Mỹ kết luận rằng Nga đã sử dụng mạng truyền thông xã hội như một phần trong chiến dịch phát tán thông tin sai lạc nhắm vào cử tri Mỹ.
Luật sư Colin Stretch của Facebook nói trong lời khai chứng rằng hoạt động can thiệp bầu cử trên Facebook là “đáng lên án” và đi ngược lại những giá trị của mạng này.
Ông Graham hỏi ông Stretch liệu Iran và Triều Tiên có thể làm điều mà Nga đã làm ở Mỹ hay không.
“Chắc chắn là có khả năng. Internet không có biên giới,” ông Stretch nói.
Sau những đe dọa thắt chặt quản lý từ Mỹ, Facebook, Google và Twitter gần đây đã thực hiện các bước hướng tới việc tự quản lý những quảng cáo chính trị, nói rằng họ sẽ lập ra các kho dữ liệu công khai của mình về các quảng cáo có liên quan đến bầu cử.
Mỹ chống lại kêu gọi bỏ cấm vận kinh tế cho Cuba
Mỹ ngày 31/10 sẽ biểu quyết chống lại một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ đối với Cuba kéo dài hàng chục năm nay.
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc, Nikki Haley, sẽ bỏ phiếu chống lại nghị quyết mà Havana đưa ra thường niên suốt 26 năm qua để khẳng định chính sách mới của Tổng thống Donald Trump về Cuba đặt trọng tâm vào thăng tiến nhân quyền và dân chủ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho biết.
Mỹ vẫn biểu quyết chống lại nghị quyết này trong suốt 24 năm qua nhưng lần đầu tiên vào năm 2016 bỏ phiếu trắng giữa bối cảnh Washington và Havana tiến tới mối quan hệ gần gũi hơn và mở lại đại sứ quán tại cả hai nước vào năm 2015.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai cựu thù thời Chiến tranh lạnh gần đây lại bùng phát.
Trước đây trong tháng, Tổng thống Trump tuyên bố ông tin là Havana chịu trách nhiệm thực hiện một loạt các cuộc tấn công gây hại cho sức khỏe của 24 nhà ngoại giao Mỹ.
Đáp lại, giới chức Cuba nói cáo giác này của Mỹ là ‘khoa học viễn tưởng.’
Nghị quyết ngày 1/11 không mang tính ràng buộc nhưng có giá trị về mặt chính trị. Chỉ có Quốc hội Mỹ mới có quyền dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận cho Cuba vốn đã ban hành cách đây hơn 50 năm.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/my-chong-lai-keu-goi-bo-cam-van-kinh-te-cho-cuba-/4094457.html
Iran: Phi đạn đủ tầm trúng mục tiêu Mỹ
Iran không cần phải tăng cường tầm bắn của các phi đạn đạn đạo vì khả năng hiện nay đã có thể bắn trúng các lực lượng Mỹ đóng trong khu vực, người đứng đầu lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran tuyên bố ngày 31/10.
Trong lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách áp đặt các biện pháp chế tài mới chống lại chương trình phi đạn của Iran, Thiếu tướng Mohammad Ali Jafari khẳng định ‘trừng phạt chỉ làm tăng thêm số phi đạn cảu Iran và độ chính xác của chúng mà thôi.’
Tổng thống Trump trong tháng này từ chối xác nhận rằng Tehran tuân thủ thỏa thuận với 6 cường quốc thế giới để đổi lại được dỡ bỏ hầu hết các chế tài quốc tế.
Tuần rồi, Hạ viện Mỹ biểu quyết các biện pháp trừng phạt mới đối với chương trình phi đạn của Iran và ông Trump thúc giục các đồng minh cùng với Mỹ có hành động mạnh tay kiềm chế ‘thái độ nguy hiểm và gây bất ổn của Iran’ kể cả các chế tài nhắm vào công tác phát triển phi đạn của Iran.
‘Phi đạn của chúng tôi có tầm bắn 2 ngàn cây số và có thể được tăng cường, nhưng chúng tôi tin là tầm hoạt động này là đủ với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vì đa số lực lượng Mỹ và hầu hết các lợi ích của họ trong khu vực đều nằm trong tầm bắn này,’ ông Jafari được hãng thông tấn Tasnim dẫn lời.
Chương trình phi đạn của Iran là một trong những chương trình lớn nhất tại Trung Đông và một số phi đạn của Iran có tầm bắn trúng Israel.
Mỹ nói chương trình phi đạn của Iran vi phạm luật quốc tế vì các phi đạn này có thể mang đầu đạn hạt nhân trong tương lai.
Iran khẳng định không theo đuổi võ khí hạt nhân mà chỉ dùng cho mục đích dân sự.
Theo Reuters
https://www.voatiengviet.com/a/iran-noi-phi-dan-du-tam-trung-muc-tieu-my-/4094449.html
Trung Quốc muốn hợp tác với Mỹ về biến đổi khí hậu
Một giới chức Trung Quốc ngày 31/10 tuyên bố Bắc Kinh vẫn muốn hợp tác với Mỹ trong vấn đề biến đổi khí hậu và hy vọng cuộc họp sắp tới tại Đức sẽ đưa tới một dự thảo thỏa thuận trong việc thực thi hiệp định khí hậu Paris.
Đặc sứ Trung Quốc phụ trách biến đổi khí hậu, Xie Zhenhua, cho biết Bắc Kinh muốn thúc đẩy nỗ lực chung trong lĩnh vực năng lượng sạch.
“Trung Quốc sẵn lòng tăng cường hợp tác với Mỹ trong các cuộc thương lượng về biến đổi khí hậu sau khi Hoa Kỳ cho biết sẽ lưu lại với các cuộc đàm phán dù đã rút chân ra khỏi hiệp ước [Paris],” ông Xie nhấn mạnh.
Sau khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris hồi tháng 6, Trung Quốc tăng cường cam kết với thỏa thuận không mang tính ràng buộc này.
Dù tuyên bố rút ra, nhưng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tham gia các cuộc họp và thảo luận quốc tế về các thỏa thuận biến đổi khí hậu hiện hành lẫn trong tương lai. Cuộc họp sắp tới sẽ diễn ra vào tháng sau tại Bonn, Đức.
Trung Quốc hiện là nước sử dụng than đá lớn nhất thế giới và cũng là nước thải khí nhà kính làm biến đổi khí hậu nhiều nhất trên toàn cầu.
Thỏa thuận Paris nhằm giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 2 độ C kể từ khi bắt đầu thời kỳ công nghiệp. Mức hiện giờ là 1,1 độ C.
Mỹ sẽ chính thức đứng ngoài thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris sớm nhất vào tháng 11 năm 2020.
Theo AP
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-muon-hop-tac-voi-my-ve-bien-doi-khi-hau-/4094447.html
Những khó khăn trong vụ Mỹ điều tra thương mại TQ
Khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thăm Trung Quốc, chủ đề nằm cao trong chương trình nghị sự là cuộc điều tra thương mại sâu rộng về thương mại Trung Quốc mà ông Trump đã lệnh tiến hành vào tháng Tám.
Nhà Trắng cho biết họ sẽ điều tra các hoạt động khuyến khích hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Hoa Kỳ – một thực trạng gây căng thẳng từ lâu nay ở Mỹ, Châu Âu và các nước khác.
Mỹ và TQ đàm phán mậu dịch không thành
Mỹ điều tra Trung Quốc về sở hữu trí tuệ
Chính phủ Trung Quốc nói cuộc điều tra là “mối quan ngại nghiêm trọng” và cảnh báo sẽ không nhượng bộ nếu Mỹ có những hành động không công bằng.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với cuộc điều tra của ông Trump lại đến từ chính nước Mỹ.
Kể từ khi Nhà Trắng bắt đầu cuộc điều tra, một loạt các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đã chính thức nộp các góp ý tỏ ý quan ngại.
Tuy nhiên, chỉ có sáu công ty tỏ ra sẵn sàng khiếu nại, theo hồ sơ ghi nhận các nội dung góp ý được công bố. Nhiều công ty trong số đó là những doanh nghiệp nhỏ chỉ mô tả các sự việc đã được biết đến.
Giới phân tích nói rằng các hãng do dự trong việc phải đặt mình vào tình thế rủi ro, dễ dẫn đến việc mất quyền tiếp cận vào một trong những thị trường lớn nhất thế giới khi lên tiếng.
Tuy nhiên, việc im lặng cũng gây ra những hậu quả: nó nhiều khả năng sẽ hạn chế việc chính quyền đưa ra một vụ kiện vững chắc để chống lại Trung Quốc.
Trump ra lệnh rà soát mậu dịch với TQ
Mỹ điều tra thép TQ ‘đội lốt Việt Nam’
Nó cũng có thể bất lợi cho việc tìm biện pháp khắc phục hiệu quả, đồng thời khiến Nhà Trắng sẽ phải tính tới việc phải hành động đơn phương.
Lee Branstetter, giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Carnegie Mellon, nói: “Việc các công ty không muốn cung cấp thông tin cụ thể sẽ là một vấn đề lớn vì như vậy chính phủ Hoa Kỳ sẽ rất khó hành động hiệu quả.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41827586
Nhà Thaksin ‘không thiếu hộ chiếu để dùng’
Một nguồn tin gần với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra bình luận tin anh em ông bị Thái Lan xóa hộ chiếu nói họ “không thiếu nguồn hộ chiếu”.
Bà Yingluck Shinawatra, em gái ông Thaksin và cũng là thủ tướng đã bị phế truất và bỏ nước đi sống lưu vong gần đây, cũng bị xóa cả bốn hộ chiếu Thái Lan.
Bản thân ông Thaksin không về Thái Lan được sau cuộc đảo chính năm 2006 đang có các hộ chiếu nước khác.
Sau khi bị đã mất hộ chiếu Vương quốc Thái Lan, ông Thaksin Shinawatra hiện có hộ chiếu Cộng hòa Montenegro và Nicaragua, theo chính phủ Thái Lan.
Prayuth ‘nổi đóa’ vì Thaksin được yêu thích hơn
Cựu Thủ tướng Thái Lan ‘đã sang Dubai’
Ông Hun Sen ôm khách quá chặt?
Thái Lan hủy bốn hộ chiếu của bà Yingluck
Nguồn tin gần với ông cho BBC Tiếng Thái hay, “có nhiều hộ chiếu và rất dễ dàng xin một cuốn” cho cả bà Yingluck.
Gia đình Thaksin vẫn có khoản tiền 1,74 tỷ USD, theo trang Forbes.
Ông Thaksin vẫn thường xuyên đi lại, mua sắm, và thăm bạn bè ở Paris, London, Dubai, Hong Kong nhưng không thể về Thái Lan.
Không tỵ nạn tại Anh
Bà Yingluck Shinawatra từng bốn hộ chiếu Thái Lan, hai hộ chiếu cá nhân và hai hộ chiếu ngoại giao, các nhà chức trách cho biết.
Hôm cuối tháng 10/2017, chính quyền Thái Lan do quân đội kiểm soát xóa cả bốn tấm.
Tuy có tin đồn bà Yingluck đang xin tỵ nạn ở Anh Quốc, Ngoại trưởng Thái ông Don Pramudwinai nói chính phủ Anh không cho bà cựu thủ tướng tỵ nạn tại thời điểm này, tờ Bangkok Post viết hôm 31/10.
Bà Yingluck làm cả nước Thái Lan bất ngờ vì bà đã bỏ trốn và không có mặt tại phiên toà phán quyết về cáo buộc ‘sao nhãng bổn phận’ của một thủ tướng khi đồng ý cho thực hiện chương trình trợ giá gạo năm 2011.
Sau đó bà bị tuyên án 5 năm tù vì tội không ngăn chặn hối lộ trong chương trình này.
Những người ủng hộ bà nói đây chẳng qua là cách quân đội muốn loại cả gia tộc bà khỏi chính trường.
http://www.bbc.com/vietnamese/world-41832767
Biểu tình phản đối chính quyền địa phương ở Thái Lan
sau lễ tang vua
Các nhà chức trách tỉnh Chonburi, phía đông nam Thái Lan vào ngày thứ Tư 1 tháng 11 tiếp tục phải đối phó với những cuộc biểu tình sau khi hàng trăm người dân nổi giận tụ tập trước đó 1 ngày trong cuộc phản kháng được cho là hiếm hiện nay tại Xứ Chùa Vàng khi chính quyền quân nhân mạnh tay với mọi ý kiến chống đối.
Hãng Reuters loan tin cư dân trong vùng than phiền về nạn quan liêu và khả năng tổ chức kém của cơ quan chức năng địa phương; đặc biệt trong dịp tổ chức lễ tang tại địa phương cho vua Bhumibol Adulyadej, người đã được hỏa táng tại Bangkok vào tuần trước trong một tang lễ trị giá 90 triệu USD.
Những người biểu tình lên tiếng yêu cầu người đứng đầu tỉnh phải từ chức vì những yếu kém vừa qua.
Theo Reuters, cuộc biểu tình tại Chonburi thách thức một lệnh cấm của quốc gia Thái Lan đã được đưa ra kể từ cuộc đảo chính tháng 5 năm 2014, đó là không được tụ tập hơn năm người.
Bên cạnh đó, cuộc biểu tình mang tính chất đặc biệt bởi vì từ rất lâu, bất cứ điều gì liên quan đến chế độ quân chủ là một chủ đề nhạy cảm ở Thái Lan, một đất nước mà hoàng gia được bảo vệ bởi đạo luật cấm phỉ báng Hoàng gia được coi là hà khắc nhất thế giới, gọi là lese- majeste, mọi hình thức lăng mạ đều bị coi là phỉ báng chế độ quân chủ.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha hôm thứ ba kêu gọi người Thái tha thứ cho những người tham gia tổ chức tang lễ và bỏ qua bất kỳ vấn đề nào phát sinh.
Ấn Độ tăng cường sức mạnh quân sự
Ấn Độ sẽ mua hơn 100 máy bay trực thăng có trang bị vũ khí trị giá 3,2 tỷ đô la cho hải quân nước này để thay thế những chiếc máy bay do Pháp thiết kế đã cũ. Người phát ngôn của Hải quân Ấn Độ cho biết tin này trên twitter hôm thứ tư 1/11.
Hội đồng mua bán vũ khí quốc phòng Ấn Độ trước đó đã phê duyệt một khoản tiền để mua 111 chiếc máy bay trực thăng đa năng được dùng cho các mục đích tấn công, tìm kiếm cứu nạn, giám sát và sơ tán y tế.
Ấn Độ hiện là nước nhập khẩu trang thiết bị quốc phòng lớn nhất thế giới, với 90% trang thiết bị quốc phòng là nhập khẩu.
Ấn Độ cũng đầu tư hàng chục tỷ đô la để nâng cấp các vũ khí có từ thời Xô Viết để đối phó với những tranh chấp dai dẳng về lãnh thổ với hai nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan.
Hiện nước này đang muốn xây dựng thêm các cơ sở chế tạo vũ khí ở trong nước và mong muốn các công ty nước ngoài đưa công nghệ tiên tiến vào Ấn Độ.
Tổng thống Nam Hàn
không muốn dùng giải pháp quân sự với Bắc Hàn
Nam Hàn sẽ không có võ khí hạt nhân, cũng không bao giờ chấp nhận để Bắc Hàn có võ khí hạt nhân. Đó là điểm đáng chú ý nhất trong bản thông điệp Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in mới đọc trước quốc hội hồi sáng ngày 1 tháng 11.
Tổng Thống Nam Hàn cũng nhắc lại mục tiêu ông theo đuổi là xây dựng hòa bình, không để chiến tranh xảy ra tại bán đảo Triều Tiên. Ông nhấn mạnh mọi quyết định sử dụng giải pháp quân sự để giải quyết vấn đề Bắc Hàn bắt buộc phải có sự đồng ý của chính phủ miền Nam.
Tuyên bố này được hiểu là muốn nói tới Hoa Kỳ và những phát biểu mang tính cứng rắn mà Tổng Thống Mỹ Donald Trump từng đưa ra hồi tháng trước khi nói về Bắc Hàn.
Trong những phát biểu đã đưa ra, Tổng Thống Trump cho biết mọi biện pháp đối phó với Bắc Hàn đều được bàn tới, và vẫn theo lời ông, chỉ có một cách duy nhất để giải quyết những căng thẳng do Bình Nhưỡng gây nên.
Cách duy nhất đó được hiểu là nếu thấy cần thiết, Tổng Thống Hoa Kỳ chẳng ngần ngại sử dụng giải pháp quân sự đối với Bắc Hàn.
Mặc dù Tổng Thống Trump đưa ra những lời tuyến bố cứng rắn đối với Bắc Hàn, nhưng theo hãng thông tấn Reuters, Washington và Bình Nhưỡng vẫn liên lạc với nhau để tìm cách giải quyết vấn đề bằng giải pháp ngoại giao ôn hòa.
Trong bản tin gửi từ Washington, hãng thông tấn Reuters cho hay đặc sứ Hoa Kỳ Joseph Yun và những nhà ngoại giao Bắc Hàn đang làm việc tại Liên Hiệp Quốc liên lạc, trình bày thẳng thắn với nhau về những điểm cần nói.
Một trong những điều ông Đặc Sứ Yun nói với đại diện Bắc Hàn là chính phủ Bình Nhưỡng phải ngưng ngay những vụ nổ thử nghiệm hạt nhân và bắn thử tên lửa đạn đạo.
Reuters cho biết nghe được tin này tử một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Mỹ.
http://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/north-korea-update-11012017083624.html
Trung Quốc, Hàn Quốc hàn gắn bất đồng
Trung Quốc và Nam Hàn đã quyết định bình thường hóa quan hệ sau những căng thẳng liên quan đến việc Seoul cho lắp đặt Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD.
Việc Nam Hàn triển khai hệ thống THAAD của Mỹ bấy lâu nay gây ra phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh vì lo ngại hệ thống này sẽ thâm nhập vào lãnh thổ Hoa Lục. Mâu thuẫn này đã gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Hàn Quốc phụ thuộc vào khách hàng Trung Quốc.
Trong một thông cáo công bố ngày 31/10, Bộ Ngoại giao Nam Hàn nói rằng cả hai bên đều nhìn nhận thấy việc tăng cường trao đổi và hợp tác giữa hai quốc gia phục vụ cho lợi ích chung cho cả hai phía. Vì vậy hai bên đã nhất trí bình thường hóa mối quan hệ trao đổi và hợp tác như trước đây.
Phó Giáo sư Uông Đông, thuộc khoa nghiên cứu quốc tế, đại học Bắc Kinh nhận định rằng tại thời điểm này các nước nên cùng hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn thay vì gây chuyện với nhau.
Việc Bắc Kinh và Seoul bình thường hóa quan hệ diễn ra chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bắt đầu chuyến thăm châu Á vào ngày 4/11 tới đây.
Nga, Ukraine hối thúc Mỹ
điều tra liên hệ Manafort- Yanukovych
Ukraine và Nga hối thúc Hoa Kỳ nên điều tra các hoạt động vận động hành lang ở Ukraine của Paul Manafort, cựu trưởng ban vận động tranh cử của ông Trump. Ông Manafort bị truy tố về tội rửa tiền và những vi phạm khác liên quan đến các cuộc vận động hành lang cho một đảng chính trị thân Nga ở Ukraine do cựu Tổng thống Viktor Yanukovych lãnh đạo. Ông Yanukovych chạy trốn sang Nga vào năm 2014 tiếp theo sau cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chính phủ ở Kiev. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 31/10 nói Mỹ nên lần theo “đường mòn Ukraine của ông Manafort”, thay vì đổ lỗi cho Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Một quan chức Ukraina nói với VOA rằng Hoa Kỳ nên yêu cầu Nga tạo điều kiện để Mỹ thẩm vấn ông Yanukovych và tìm hiểu thêm về các hoạt động của ông Manafort ở Ukraine. Thông tín viên Zlatica Hoke có bài tường trình chi tiết sau đây:
Ông Yanukovich trốn khỏi thủ đô Kiev của Ukraina ngay trước khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3 năm 2014. Chính phủ Ukraina đang truy lùng ông về nhiều tội danh, từ ăn cắp của công, biển thủ công quỹ cho tới tội bội phản và giết người hàng loạt.
Công chúng Mỹ hôm thứ Hai bị sốc về quy mô của các hoạt động kinh doanh của Manafort với một nhà lãnh đạo nước ngoài, dù các hoạt động này đã chấm dứt trước chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Ngoại trưởng Nga hôm Thứ Ba nói rằng những cáo buộc của Hoa Kỳ về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ là “sản phẩm của óc tưởng tượng”.
Ông Lavrov nói:
“Những tố cáo vô căn cứ không cải thiện hình ảnh của những kẻ đã bắt đầu vụ rắc rối này, và bây giờ họ không biết làm sao để thoát ra khỏi cái mớ bòng bong đó. Giờ họ đã tìm ra sợi dây liên kết ông Manafort và một số trợ lý của ông này với Ukraina. Nhưng có lẽ họ nên điều tra kỹ hơn về mối liên kết đó qua trung gian Ukraina. Có thể họ sẽ có điều gì để nói về vị thế của chính họ trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ “.
Một phụ tá thân cận của Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko nói với VOA rằng, nếu muốn, Hoa Kỳ có thể thẩm vấn ông Yanukovich.
Ông Dmitry Shymkov, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine dưới quyền Tổng thống Poroshenko nói:
“Ông Yanukovych lúc bấy giờ lãnh đạo một chế độ quyền lực tập trung và là người cầm đầu một hệ thống tham nhũng từ trên xuống dưới đã được xây dựng ở Ukraine từ khi ông ta lên nắm quyền hồi năm 2012, và cho tới năm 2013, khi xảy ra cuộc ‘Cách mạng Nhân phẩm’. Thời đó đã có nhiều hành vi hung hãn đối với giới làm ăn và các vụ tống tiền nhắm vào các công nghiệp khác nhau.”
Giới chức Ukraina bày tỏ hy vọng rằng các cuộc điều tra sâu rộng hơn của các giới chức liên bang Mỹ có thể giúp nước của ông tìm hiểu thêm về các hoạt động bất hợp pháp của ông Yanukovich và đảng chính trị của ông.
Ông Shymkov nói:
“Qua cuộc thẩm vấn ông Paul Manafort do các cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ thực hiện, chúng ta có thể có được thêm thông tin về các cách hành xử tham nhũng hoặc các hoạt động khác diễn ra ở Ukraine trong thời gian này – dưới chế độ Yanukovych, điều đó có thể giúp các cơ quan thực thi pháp luật Ucraina xây dựng những hồ sơ chi tiết để hậu thuẫn các vụ án dẫn tới việc kết tội một số cá nhân.”
Ông Shymkov nói điều tra các hoạt động kinh doanh ở Ukraine của ông Manafort có thể phơi bày mức độ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái nó sâu rộng tới đâu. Nhưng ông nói ngay cả bây giờ, thì rõ ràng Moscow đã sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội và các cơ sở truyền thông tiếng Anh của họ để ảnh hưởng cử tri Mỹ theo một cách có lợi cho ông Trump
Hàn Quốc đón đuốc Olympic mùa đông 2018
Máy bay mang ngọn lửa Olympic có tính biểu tượng đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Incheon vào sáng sớm cùng ngày sau chuyến bay từ Athens, Hy Lạp, nơi ra đời Thế vận hội. Ít phút sau khi hạ cánh, nhà vô địch trượt băng nghệ thuật Olympic Kim Yu-na và Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon đã lấy ngọn lửa đó châm cho một chiếc vạc nhỏ có tính nghi lễ và một cây đuốc được thiết kế đặc biệt.
Sau đó, trong ngày 1/11, ngọn đuốc sẽ bắt đầu được rước chuyền tay nhau qua 2.018 km trong 100 ngày tới Pyeongchang, vừa đúng thời gian cho lễ khai mạc vào ngày 9/2/2018. Ngôi sao trượt băng nghệ thuật tuổi thanh niên You Young sẽ là người đầu tiên trong số 7.500 người rước đuốc sẽ mang ngọn lửa Olympic đi qua 9 tỉnh, 8 thành phố lớn và hơn 150 quận và huyện trước khi đến đích cuối cùng.
Ngọn lửa Olympic lần cuối được thắp ở Hàn Quốc là hồi Thế vận hội mùa hè 1988 tại Seoul.
Các công việc chuẩn bị cuối cùng cho Thế vận hội Pyeongchang dài 16 ngày diễn ra trong bối cảnh đang có căng thẳng gia tăng giữa Hàn Quốc và đối thủ Triều Tiên vì chương trình vũ khí hạt nhân và các cuộc thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Chỉ mới có 340.000 vé được bán ra.
https://www.voatiengviet.com/a/han-quoc-don-duoc-olympic-mua-dong-2018/4095495.html
Putin đến Iran bàn về Syria, thỏa thuận hạt nhân
Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến thăm Iran hôm 1/11 nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai quốc gia đối đầu với Hoa Kỳ cùng lúc Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran.
Ông Putin và các quan chức chủ nhà Iran dự kiến sẽ thảo luận về thỏa thuận hạt nhân và các cuộc khủng hoảng khu vực như cuộc xung đột Syria, trong đó Moscow và Tehran là các bên chủ chốt ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad, trong khi Washington, Thổ Nhĩ Kỳ và hầu hết các quốc gia Ả-rập ủng hộ các nhóm đối lập muốn lật đổ ông ta.
“Chúng tôi rất hài lòng thấy rằng, bên cạnh mối quan hệ song phương, hai nước chúng ta còn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực”, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói với ông Putin trong lời phát biểu chào mừng.
Một quan chức Iran không muốn nêu tên nói với Reuters: “Đây là một chuyến thăm rất quan trọng của ông Putin … Nó cho thấy quyết tâm của Tehran và Moscow nhằm tăng cường liên minh chiến lược … sẽ định hình tương lai của Trung Đông”.
“Cả Nga và Iran đang chịu áp lực của Mỹ … Tehran không còn cách nào khác ngoài việc phải dựa vào Moscow để giảm bớt áp lực của Mỹ”, quan chức này nói.
Một quan chức khác của Iran cho biết chính sách về Iran của ông Trump đã làm cho ban lãnh đạo vốn bị chia rẽ theo phe phái của Iran trở nên đoàn kết trong việc liên minh với Nga.
https://www.voatiengviet.com/a/putin-den-iran-ban-ve-syria-thoa-thuan-hat-nhan/4095408.html
Nga nói bị Mỹ bôi bác vô lý
Điện Kremlin ngày 31/10 tuyên bố các cáo buộc của Mỹ đối với cựu quản lý chiến dịch tranh cử cho Tổng thống Donald Trump, ông Paul Manafort, và một phụ tá khác cho thấy Moscow đã bị bôi nhọ bất công về chuyện can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Giới hữu trách liên bang đang điều tra sự can dự của Nga vào bầu cử Mỹ đầu tuần này cáo buộc ông Manafort và ông Gates phạm tội rửa tiền. Moscow phủ nhận nhúng tay vào bầu cử Mỹ.
Dù được phanh phui trong phạm vi cuộc điều tra 5 tháng về những nỗ lực của Nga nhằm nghiêng cuộc bầu cử về hướng có lợi cho ông Trump và về sự thông đồng khả dĩ của các trợ lý của ông Trump, nhưng các cáo buộc đưa ra tuần này lại tập trung vào việc làm của ông Manafort cho chính quyền cũ của Ukraine, không phải cho chính quyền Nga. Một số cáo trạng đề cập đến những chuyện cách đây hơn một thập niên.
Điều này được hoan nghênh ở Nga, nơi mà các quan chức đang theo dõi sát cuộc điều tra ở Mỹ, Reuters cho biết. Những bằng chứng công khai về sự can thiệp của Nga, tới giờ vẫn chưa được trưng ra, có phần chắc sẽ đưa tới những chế tài nghiêm khắc hơn của Washington nhắm vào Moscow.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov lưu ý rằng trong cáo trạng nhắm vào ông Manafort và phụ tá Rick Gates không có cáo buộc nào liên hệ tới Nga. Ông nói hôm thứ Ba rằng Moscow luôn luôn khẳng định chưa bao giờ can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Khẳng định đó bị các cơ quan tình báo Mỹ bác bỏ và họ đã xác quyết rằng Moscow có can thiệp vào cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2016.
“… Nga không bị nhắc tới trong các cáo buộc dưới bất kỳ hình thức nào. Những nước khác và những người khác bị nêu danh,” ông Peskov nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với truyền thông.
Cuộc điều tra của Mỹ là vấn đề nội bộ của Mỹ, ông Peskov nói, nhưng Moscow đang quan tâm theo dõi.
Ông cũng bình luận về những chi tiết của vụ việc liên quan tới một cựu cố vấn thứ ba của ông Trump, George Papadopoulos, người đã nhận tội nói dối FBI vào đầu tháng 10.
Ông Papadopoulos nói với các nhà điều tra rằng đã tìm cách dàn xếp một cuộc gặp giữa ban vận động của Trump với giới lãnh đạo Nga mà qua đó ông cho biết đã gặp một giáo sư làm việc tại London tự xưng có các mối liên lạc với các quan chức Nga và một phụ nữ Nga không được nêu tên.
Hồ sơ tòa án về Papadopoulos cũng đề cập đến các cuộc tiếp xúc với một người có liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga.
Khi được hỏi Điện Kremlin nghĩ gì về nhân vật có liên hệ tới Bộ Ngoại giao Nga được cho là tìm cách dàn xếp một cuộc gặp gỡ giữa hai ông Putin và Trump, người phát ngôn Peskov nói cáo buộc này vô căn cứ.
“Đó là một cáo buộc hoàn toàn nực cười,” ông nói.
Tin nói nhân vật liên quan đến Bộ Ngoại giao Nga là Ivan Timofeev, làm việc cho một viện nghiên cứu chính sách tại Moscow có tên Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga (RIAC).
Reuters cho hay ông Timofeev đã không hồi đáp yêu cầu bình luận, nhưng từng nói với cổng thông tin trực tuyến gazeta.ru hồi tháng 8 rằng ông Papadopoulos đã gửi email cho ông vào mùa xuân năm 2016 và bàn về khả năng tổ chức một chuyến đi cho ông Trump tới Nga.
Ông Timofeev nói ông Papadopoulos chưa bao giờ đưa ra yêu cầu chính thức cho RIAC hoặc Bộ Ngoại giao Nga về chuyến thăm đó và ông có cảm tưởng ông Papadopoulos đã “hành động theo chủ ý của riêng mình.”
https://www.voatiengviet.com/a/nga-noi-bi-my-boi-bac-vo-ly/4094466.html
Pháp : Tình trạng khẩn cấp kết thúc sau hai năm ban hành
Thứ Ba 31/10/2017 là ngày đạo luật mới chống khủng bố bắt đầu có hiệu lực tại Pháp. Đạo luật do tổng thống Emmanuel Macron ký ban hành tiếp nối « Tình trạng khẩn cấp » áp dụng từ gần hai năm nay, sau vụ thảm sát ở nhà hát Bataclan đêm 13/11/2015 giết chết hơn 300 nạn nhân.
Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, lần đầu tiên nước Pháp trải qua 23 tháng dài trong tình trạng khẩn cấp, một kỷ lục nhưng kết quả không như mong muốn. Sau sáu lần triển hạn, tình trạng khẩn cấp tại Pháp đã hết hạn vào ngày 31/10/2017 với kết quả nửa vời.
Một trong những biện pháp trói buộc được sử dụng tổng cộng 4 600 lần là kiểm soát gia cư mà không có đèn xanh của một thẩm phán. Vấn đề là chỉ có 1 000 vụ lục soát đưa đến bước kế tiếp là điều tra tư pháp nhưng cuối cùng chỉ có 23 trường hợp đúng là có liên can đến khủng bố.
Cho dù được thực hiện thường xuyên, mỗi ngày có 7 vụ khám xét, an ninh Pháp không ngăn chận được khủng bố ra tay. Điển hình là vụ thảm sát bằng xe tải ở Nice ngày Quốc Khánh 14/07/2016 giết chết 86 người, vụ ám sát linh mục Hamel ở Saint Etienne du Rouvray và hai sĩ quan cảnh sát ở magnaville.
Tuy nhiên, theo các kết quả thăm dò ý kiến, ba phần tư dân Pháp ủng hộ tình trạng khẩn cấp, mong muốn duy trì thậm chí tăng cường. Trong luật mới có nhiều biện pháp gây tranh cãi.
Cụ thể là cho phép cơ quan an ninh tỉnh quyền quản thúc một người tình nghi, không phải tại gia, mà ở trong giới hạn của lãnh thổ địa phương mà không cần lệnh của tư pháp. Cảnh sát cũng có toàn quyền lục soát, đóng cửa các đền thờ và kiểm tra lý lịch ở những vùng biên giới.
http://vi.rfi.fr/phap/20171101-phap-tinh-trang-khan-cap-an
Ukraina: Con trai bộ trưởng Nội Vụ bị bắt vì tham nhũng
Đội chống tham nhũng Ukraina ngày 31/10/2017 đã bắt giữ một thanh niên tên Alexandre Avakov liên quan đến một vụ tai tiếng tham nhũng. Vụ bắt giữ này đã gây chấn động, vì lẽ thanh niên bị bắt không ai khác hơn là con trai đương kim bộ trưởng Nội Vụ Ukraina.
Thông tín viên RFI tại Kiev, Stéphane Siohan tường thuật vụ việc :
Vụ tai tiếng mới nhất mà cơ quan chống tham nhũng Ukraina tiết lộ sẽ không làm cho những người lính Ukraina đang chiến đấu ở phía Đông hài lòng chút nào. Hôm qua, chính con trai của bộ trưởng Nội Vụ, Alexandre Avakov, bị bắt và thẩm vấn.
Vụ việc liên quan đến một hồ sơ trong hai năm 2014 -2015, tức là vào lúc chiến tranh ở vùng Donbass ác liệt nhất.
Bộ trưởng Nội Vụ lúc ấy đã kêu gọi đấu thầu để cung cấp túi đeo lưng quân sự cho đội Vệ Binh Quốc Gia, và một cách ngẫu nhiên, công ty được chọn lại do một người thân cận với gia đình Avakov điều hành.
3 người đã bị bắt, bị tố cáo biển thủ nửa triệu đô la. Sự vụ sẽ gây tai tiếng lớn vì lẽ hai cánh Avakov (bộ trưởng Nội Vụ) và Porochenko (tổng thống) đang đối đầu nhau, dù âm thầm nhưng rất dữ dội, trước cuộc bầu cử năm 2019.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171101-ukraina-con-trai-bo-truong-noi-vu-tham-nhung
Catalunya :
Carles Puigdemont bị tư pháp Tây Ban Nha triệu mời
Chủ tịch vùng tự trị Catalunya bị truất phế cùng với 13 thành viên chính quyền địa phương cũ được lệnh trình diện tòa vào ngày thứ Năm 02/11/2017. Carles Puigdemont có thể bị truy tố về tội « phản loạn » sau tuyên bố « Catalunya độc lập » ngày 27/10 vừa qua.
Câu hỏi then chốt hiện nay là liệu lãnh đạo bị truất phế sẽ hồi hương theo lệnh của tòa án hay không ? Trong cuộc họp báo tại Bruxelles, nơi tạm ẩn thân, vào trưa thứ Ba 31/10/2017, Carles Puigdemont tuyên bố ông vẫn là « chủ tịch của Catalunya », không trốn pháp luật nhưng đặt điều kiện phải được bảo đảm nhất là được xét xử công bình.
Trong khi đó, hai trong số các « bộ trưởng » ly khai đã về lại Barcelona, hôm qua để trình diện tư pháp. Tại phi trường, hai nhân vật này được đón tiếp trong tiếng hoan hô của phe ly khai và lời lên án phản bội của những người chống độc lập.
Theo nhật báo Tây Ban Nha El Confidential, lập trường và những điều kiện của Carles Puigdemont có thể làm cho các « bộ trưởng » cũ của ông gặp khó khăn nhiều hơn. Theo các nguồn tin tư pháp, viện công tố dự tính sẽ yêu cầu tạm giam và tăng thêm hình phạt đối với 20 thành viên chính quyền và đại biểu nghị viện Catalunya trình diện tòa án tối cao vào ngày thứ Năm 02/11/2017.
Chủ tịch hai hiệp hội Catalunya ly khai bị cáo buộc « nổi loạn » đã bị tạm giam từ giữa tháng 10. Theo giới phân tích, trừ diễn biến bất ngờ, tương lai vùng lãnh thổ phồn thịnh nhất Tây Ban Nha sẽ được tư pháp và cuộc bầu cử ngày 21/12/2017 định đoạt.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20171101-catalunya-carles-puigdemont-tu-phap-tnb