Tin Việt Nam – 13/09/2017

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 13/09/2017

VN: mở mại dâm ở đặc khu ‘táo bạo nhưng khó làm’?

Một nhà quan sát ở Hà Nội bình luận với BBC rằng đề xuất cho lập khu đèn đỏ trong các đặc khu kinh tế ở Việt Nam “rất táo bạo, nhưng khó khả thi.”

Ba đặc khu kinh tế dự kiến được triển khai là Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa và Phú Quốc tại tỉnh Kiên Giang.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển được truyền thông Việt Nam hôm 12/9 dẫn lời: “Ở ba đặc khu kinh tế đang xây dựng phải đồng ý cho kinh doanh một số ngành nghề mà nơi khác không thể có, ví dụ kinh doanh sòng bạc, thậm chí phải có khu phố vui chơi “đèn xanh, đèn đỏ”. Cuộc sống có những đòi hỏi thực tế như thế, phải “thuận” theo và tính hướng quản lý phù hợp.”

Bên trong phố đèn đỏ ở Đức

Đời mại dâm qua mạng xã hội

Phim về phụ nữ TQ làm mại dâm ở London

Hôm 13/9, Luật gia Nguyễn Đình Hà nói với BBC:

“Tôi nghĩ rằng, đề xuất lập khu đèn đỏ trong các đặc khu kinh tế là rất táo bạo, nhưng khó khả thi.”

“Bởi pháp luật Việt Nam chưa hợp pháp hóa mại dâm và nhiều người còn lấy vấn đề truyền thống văn hóa, đạo đức ra để ngăn cản.”

“Tuy dù là đặc khu kinh tế thì có nhiều đặc cách về thủ tục hành chính, chính sách thuế quan, tín dụng…, nhưng không có nghĩa là trong lĩnh vực pháp luật hình sự (ở đây là chế định liên quan đến mại dâm trong luật hình sự) có điểm khác biệt so với toàn quốc.”

‘Có nhiều thay đổi’

Ông Hà cũng cho biết thêm: “Trên thực tế, cách tiếp cận của chính quyền Việt Nam trong vấn đề mại dâm đã có nhiều thay đổi trong nhiều năm qua, mặc dù chưa công nhận mại dâm.”

“Trước đây, người mua dâm ngoài việc bị xử phạt, sẽ bị thông báo về địa phương cư trú, nơi làm việc, nhưng hiện nay họ không còn bị như vậy.”

“Đối với người bán dâm, trước đây họ bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, không qua bất cứ trình tự tố tụng nào, còn nay thì chỉ bị xử phạt hành chính.”

“Nhìn chung, vấn đề mại dâm khó có thể cấm hay ngăn chặn. Tôi nghĩ nên công nhận để tạo cơ chế quản lý hữu hiệu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, và bảo vệ quyền lợi cho người bán dâm.”

Ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang được báo Tuổi Trẻ dẫn lời là “chưa nghe ai kiến nghị việc sắp tới khi thành đặc khu Phú Quốc, nơi này nên có “phố đèn đỏ”.

“Đây là vấn đề nhạy cảm ở xã hội Việt Nam. Chỉ riêng việc cho phép dịch vụ giải trí có casino ở Phú Quốc thôi cũng phải bàn đi bàn lại rất nhiều lần, còn ở đây là hợp pháp hóa hoạt động mại dâm nên tôi nghĩ không hề đơn giản,” báo này ghi nhận lời ông Dũng.

Hợp pháp hóa mại dâm là vấn đề gây tranh cãi tại Việt Nam trong những năm qua nhưng chưa ngã ngũ.

Hồi năm 2013, ông Nguyễn Xuân Anh, thời điểm đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Đà Nẵng, gây nhiều tranh cãi khi ông nói rằng “hình như phải có dịch vụ mại dâm thì khách du lịch mới tới” và thừa nhận: “Nói đến mại dâm là nó xuất hiện không chừa hang cùng, ngỏ hẻm nào cả.”

Hồi tháng 7/2017, báo Tuổi Trẻ cho hay, toàn TP Hồ Chí Minh chỉ có 180 đối tượng mại dâm có hồ sơ quản lý, trong có người có độ tuổi 48 – 64 chiếm hơn 12%. Tuy vậy, truyền thông Việt Nam thường xuyên đưa tin về việc phá đường dây môi giới mại dâm ngàn đô do các hoa khôi cầm đầu.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41251834

 

Ông Trịnh Xuân Thanh ‘không mắc sai phạm gì’?

Ông Trịnh Xuân Thanh đã từng được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận không mắc sai phạm gì, hãng tin Reuters viết trong bài tường thuật độc quyền ra hôm 13/9.

Đức nói ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Berlin hồi cuối tháng Bảy nhưng Việt Nam nói ông ‘tự nguyện ra đầu thú’ tại Hà Nội sau một thời gian trốn tránh.

Ông Thanh hiện đang đối diện các cáo buộc có sai phạm trong quản lý kinh tế liên quan tới hoạt động của Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), một thành viên thuộc tập đoàn dầu khí quốc gia PetroVietnam.

Xe ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ có vết máu?

Đức thải nhân viên, trả xe ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’

Vụ Trịnh Xuân Thanh: Đức điều tra thêm hai người Việt

Trưởng văn phòng phụ trách hoạt động của Reuters tại Việt Nam, ông Matthew Tostevin nói rằng theo nội dung các tài liệu mà Reuters được xem thì chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận “không thấy có dấu hiệu tiêu cực nào” liên quan tới các hành động của ông Trịnh Xuân Thanh trong việc PVC thua lỗ 150 triệu đô la.

Nội dung lá thư đề ngày 18/5/2015 do Bộ trưởng Công Thương khi đó, ông Vũ Huy Hoàng ký trình Thủ tướng Dũng viết rằng “do vậy, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đã đồng ý không tiến hành kỷ luật” ông Thanh.

Lá thư cũng viết rằng ông Thanh đã được thuyên chuyển sang vị trí khác trong Bộ và đã rất nỗ lực để xử lý các vấn đề tại PVC.

“Việc khắc phục hậu quả và thanh tra PVC sau đó đã được thực hiện hiệu quả, tuân thủ theo các yêu cầu của thủ tướng,” lá thư viết.

BBC chưa có điều kiện tiếp cận tài liệu mà Reuters nhắc đến.

Tháng 9/2016 ông Trịnh Xuân Thanh đã bị khởi tố với tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Điều này cho thấy Đảng Cộng sản đang có quan điểm cứng rắn hơn kể từ sau cuộc tranh giành quyền lực với kết quả là sự thất bại của cựu thủ tướng Dũng hồi năm ngoái, Reuters bình luận.

Đảng nói muốn xử lý tình trạng tham nhũng, nhưng một số người chỉ trích cho rằng giới cầm quyền hiện nay đang muốn triệt hạ đối phương bằng việc tiến hành các cuộc điều tra đối với các quan chức cao cấp.

Đảng CS ‘cần kỷ luật thép’ để không tan rã?

VN còn ‘thẩm quyền’ xét xử ông Thanh?

Đức dọa trả đũa Việt Nam vì ‘bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh

Báo Đức viết: ‘Bắt cóc từ công viên Berlin về VN’

Trả lời câu hỏi của Reuters về lá thư của ông Vũ Huy Hoàng, và về việc liệu có còn ai nữa bị truy tố liên quan tới vụ việc không, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói Đảng và nhà nước cương quyết xử ‎lý tình trạng tham nhũng và vi phạm pháp luật, cho dù đối tượng là bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào.

Trịnh Xuân Thanh chỉ là quan chức cấp thấp trong số những người đang bị điều tra về hồ sơ PetroVietnam và trong ngành ngân hàng.

Nhân vật chính trị cao cấp nhất cho đến nay bị ảnh hưởng là ông Đinh La Thăng, cựu chủ tịch PetroVietnam. Ông Thăng bị mất chức trong Bộ Chính trị trong dịp Hội nghị Trung ương 5, hồi 5/2017.

Ông Thăng bị kỷ luật cảnh cáo, mất ghế Bộ Chính trị

Ông Vũ Huy Hoàng ‘không còn hưởng chế độ bộ trưởng’?

Bà Kim Thoa bị miễn nhiệm chức thứ trưởng

Vụ Trịnh Xuân Thanh: ‘xử lý bảy cán bộ’

Hồi tháng Giêng, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với ông Vũ Huy Hoàng.

Có những đồn đoán rằng sẽ có thêm các thành viên trong chính phủ của ông Dũng sẽ bị truy tố, Reuters nói.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41255683

 

Ông Võ Kim Cự sắp nghỉ hưu

Ông Võ Kim Cự sắp thôi chức Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam từ ngày 1/10 để nghỉ hưu theo chế độ.

Trước đó, ông Cự đã bị Đảng Cộng sản kỷ luật bằng hình thức cách hết các chức vụ đã đảm nhiệm trước đây (trừ chức Chủ tịch liên minh Hợp tác xã Việt Nam).

Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh sẽ bàn giao chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam từ ngày 1/10/2017.

Báo Thanh Niên mô tả điều họ gọi là một nguồn tin từ Văn phòng Trung ương Đảng xác nhận “việc Thủ tướng sẽ cho ông Cự thôi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã từ tháng sau”.

Báo này dẫn lời Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích việc ông Cự nắm vị trí Phó Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã “là chức danh kiêm nhiệm được giao cho Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam”.

“Bất cứ ai giữ chức Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã thì sẽ kiêm nhiệm vai trò Phó ban đó, chứ không có chuyện bị kỷ luật mà vẫn được giao thêm trọng trách,” ông Dũng nói.

Quốc hội sẽ “miễn nhiệm” ông Cự?

Ông Võ Kim Cự bị cách chức nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh

Đến thời điểm này chưa thấy có dấu hiệu nào ông Cự hoặc những quan chức sai phạm vụ Formosa sẽ bị truy tố.

Hồi tháng Hai năm nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Cự “đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo; buông lỏng quản lý, điều hành; thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện dự án; để xảy ra các vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép và quản lý nhà nước đối với dự án Formosa Hà Tĩnh.”

Thông cáo ngày 21/04 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản nói ông “đã trực tiếp ký nhiều văn bản không đúng quy định trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư; giao và cho thuê mặt nước biển; đồng ý chủ trương cho Công ty Formosa tự giải phóng mặt bằng để xây dựng đường ống xả nước thải không đúng quy định, thiếu trách nhiệm chỉ đạo, thanh tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hồi tháng Tư năm nay cho biết: “Các chức vụ trước làm sai đã cách chức hết rồi. Chức vụ hiện tại là làm Chủ tịch liên minh Hợp tác xã của ông Võ Kim Cự chưa sai”.

Tuy nhiên bà Ngân nói ông Cự “vào Quốc hội bằng suất của Chủ tịch liên minh Hợp tác xã” và Quốc hội sẽ làm thủ tục cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và Chính phủ làm thủ tục cho nghỉ hưu đối với ông Võ Kim Cự, vì đã đến tuổi nghỉ hưu.

“Điều đó có nghĩa là nghỉ hưu là hết chức. Chức trong quá khứ là cắt, chức hiện tại là thôi đồng nghĩa không còn gì nữa,” bà Ngân nói

Ngày 15/5/2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã biểu quyết chấm dứt tư cách đại biểu Quốc hội của ông Võ Kim Cự.

Ngày 16/8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định thi hành kỷ luật bốn người liên quan tới Formosa, ông Cự bị xóa tư cách nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2005 – 2010 và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2010 – 2015.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41251030

 

Người Thượng ở Campuchia ‘cầu cứu, không muốn về VN’

29 người Thượng đang cầu cứu kêu gọi giúp đỡ họ trước việc chính phủ Campuchia dự tính trục xuất họ về Việt Nam.

Trong số hơn 200 người Thượng đã trốn sang Campuchia trong nhiều năm qua, 29 người này, gồm bảy trẻ nhỏ là nhóm người Thượng tỵ nạn cuối cùng còn sót lại ở Campuchia.

Ông Y Rin Kpa, một người Thượng, đại diện của nhóm 29 người cuối cùng ở Campuchia cho biết BBC biết ông sang Campuchia từ tháng 6/2015.

Ông đã đi tù gần 10 năm ở Việt Nam, sau khi tham gia vào cuộc biểu tình đòi quyền tự do tôn giáo năm 2001 tại Daklak.

Ông cáo buộc: “Với người Thượng theo đạo Tin Lành, họ rất phân biệt đối xử, về tôn giáo, đất đai, việc làm.

“Con cái chúng tôi học hết 12 cũng không thể xin học trường nghề, học hết đại học cũng không kiếm được việc làm vì họ xét lý lịch là có đạo Tin Lành. Nên năm 2001, chúng tôi mới đi biểu tình đòi tự do tôn giáo, tự do dân chủ.

“Tôi dẫn đầu làng tôi, cùng với anh em đi biểu tình nên tôi mới bị đi tù 10 năm. Họ đến nhà bắt tôi đi mà không có lệnh bắt, đánh đập tôi. Sau khi ra tù, công an vẫn đến nhà chụp hình, mời tôi lên đồn, mà tôi chỉ đi làm cà phê, không làm gì cả.

“Họ nói nếu họ phát hiện tôi hoạt động, hoặc trốn đi, họ sẽ bắt giam tôi 10-20 năm, nên tôi sợ bị bắt lại nên tôi vượt biên qua Campuchia.

“Bây giờ tôi rất sợ. Tôi không tin họ sẽ tha thứ. Tôi chỉ cầu xin các tổ chức quốc tế gây áp lực lên chính quyền Campuchia để họ không bắt chúng tôi về. Chúng tôi không tin chính quyền Việt Nam sẽ đối xử tốt với chúng tôi.”

Ông Y Rin cũng cho biết trong nhóm 29 người thì có 4 người trong đó cũng đã từng đi biểu tình năm 2001 giống ông. Họ đều lo sợ viễn cảnh trở về Việt Nam.

Về những nhóm người Thượng đã trở về Việt Nam, bà Grace Bùi, nhà hoạt động vì người tỵ nạn miền núi cho BBC biết hôm 12/9:

“Tôi không thể liên lạc được với tất cả. Nhưng có biết, mới đầu về thì chính phủ Việt Nam cho họ về nhà, nhưng sau đó bắt họ lên đồn công an tra hỏi rất nhiều lần. Một số bị canh chừng 24/24.

Người Thượng Việt ‘vô tổ quốc ở Thái Lan’

Người Thượng VN sang Campuchia tỵ nạn

“Có những người thì không biết họ đi đâu. Có người thì đi tù. Có một vài người thì không bị gì hết, chắc quá khứ họ chắc không có gì.”

Cũng trong ngày 12/9, Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (HRW) ra thông cáo kêu gọi chính quyền Campuchia không nên trục xuất nhóm người Thượng gốc Việt về Việt Nam.

Thông cáo của HRW dẫn lời Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người Tỵ nạn (UNHCR) nói, những người tỵ nạn với những mối lo sợ có cơ sở về việc bị trừng phạt nếu quay trở lại Việt Nam.

Điều 275, Bộ luật hình sự Việt Nam:

Tội tổ chức, trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, bị phạt tù từ hai 5 đến 7 năm, nếu “phạm tội nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng” thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm, còn nếu “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thì tù từ 12 năm đến 20 năm.

“Bộ Nội Vụ Campuchia đã sai lầm khi từ chối đơn tỵ nạn của 29 người Thượng và đã không hợp tác với UNHCR để giúp họ tái định cư. Chính phủ Campuchia cũng không tiến hành quá trình xem xét đơn tỵ nạn với LHQ, khi LHQ đáng lẽ phải xem xét quyết định từ chối đơn xin tỵ nạn của chính phủ Campuchia.”

Campuchia cũng từ chối đề nghị của LHQ đưa họ sang một đất nước thứ ba, thông cáo này cho hay.

Theo tờ Phnom Penh Post, UNHCR vẫn hi vọng họ có thể đưa 29 người này sang một đất nước thứ ba.

“Chúng tôi đã gửi thư đến Ngoại trưởng [Campuchia] ghi rằng dù luật Campuchia yêu cầu họ rời Campuchia nhưng không yêu cầu phải đưa họ về đất nước ban đầu của họ, và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ họ di chuyển sang một đất nước khác mà họ muốn đi và sẵn sàng đón nhận họ,” tờ Phnom Penh dẫn lời Alistair Boulton, phát ngôn viên của UNHCR.

Tuy nhiên, Tan Sovichae, Giám đốc Cục Tỵ nạn Campuchia nói quyết định phụ thuộc vào Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng, không phải Liên Hiệp Quốc.

Ông Sovichae nói ông không thể trả lời cho Bộ trưởng Kheng, nhưng ông tin ông Kheng sẽ không thay đổi quan điểm về vấn đề này.

Nhiều người Thượng trốn chạy sang Campuchia là những người đã tham gia vào cuộc biểu tình năm 2001 và 2004 yêu cầu tự do tôn giáo.

Thông cáo HRW cáo buộc Việt Nam vốn đã có “lịch sử lâu dài trong việc bức hại người Thượng. Rất nhiều những người là nhóm người thiểu số dân tộc, ủng hộ Pháp và Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, và rất nhiều người theo đạo Công Giáo.

“Kể từ khi chính phủ Cộng Sản lên nắm quyền, những nhóm người này luôn bị bức hại, ép buộc phải từ bỏ tôn giáo, đóng cửa nhà thờ và luôn bị cảnh sát, binh lính và quan chức Việt Nam theo dõi giám sát.”

Trước đó, báo Nhân Dân tường thuật rằng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) tại Thái Lan phối hợp chính quyền Campuchia và Công an Việt Nam hoàn tất thủ tục trao trả, tiếp nhận những người vượt biên trái phép tự nguyện hồi hương.

“Họ là những nạn nhân bị kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục vượt biên sang Campuchia trái phép bằng nhiều con đường khác nhau, để được qua một nước thứ ba, nuôi ảo vọng về một cuộc sống giàu có, sung túc, không phải lao động,” theo báo Nhân Dân.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-41239553

 

Lịch sử nào, mà tha thứ cho ngày hôm nay? (*)

Tuấn Khanh

Thật khó tưởng tượng được rằng, khi chứng kiến đồng loại với những dấu vết bị trói và đánh đập đến chết nhưng ông Nguyễn Tiến Hải, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận lại nhanh chóng đưa ra một kết luận đơn giản rằng “đã xảy ra một vụ đánh nhau” tại nhà tạm giữ công an của TP Phan Rang.

Ông Hải nói rằng “trích xuất” qua camera an ninh của  nhà giam (chứ không là nguyên bản), cho thấy. Nhưng nghe sao mà khó tin đến vậy. Một nghi phạm bị đưa đi vào nhà giam của công an, sau đó lại bất ngờ xảy ra một “vụ đánh nhau” không xác định – lời của ông Hải mô tả – khiến người ta rùng mình. Vì bởi nếu có một vụ đánh nhau như vậy, nạn nhân Võ Tấn Minh, 25 tuổi, chắc chắn đã bị không ít người tổ chức cùng đánh đến chết. Các dấu vết để lại cho thấy có từ phía sau đầu, đánh vào chân, ngực, tay đầy chủ đích… Đồn công an của nhà nước Việt Nam sao lại có sẳn một lực lượng “đánh nhau” sẳn sàng và chuyên nghiệp để kết liễu con người đến vậy?

Còn nếu trại giam không có “đánh nhau”, anh Võ Tấn Minh chỉ có thể bị trói và đánh đập đến chết. Vì qua video gia đình của anh quay lại vào ngày 10/9/2017, rất chi tiết, cho thấy hai cổ tay anh Minh bị xiết chặt và hằn đầy máu bầm của dây trói. Ông Nguyễn Tiến Hải nhân danh sự nghiệp của mình, hay bằng “lương tâm” loại gì để tuyên bố thật nhanh cho một nghi án mà bất kỳ người dân thường ít học, xem qua vẫn có được các suy đoán khác?

Mà bất luận là lý do gì đi nữa, cái chết của một công dân chưa bị kết án trong sự quản thúc của công an, là trách nhiệm và danh dự của ngành này. Giải thích như thế nào đi nữa, một khi đồn công an đưa người sống vào, trả xác chết ra là một dấu hiệu suy đồi và đen tối của ngành, mà cụ thể lúc này, trách nhiệm của công an tỉnh Ninh Thuận phải chia đủ cho từng người.

Tính từ đầu năm đến nay, ở Việt Nam, trung bình mỗi tháng có một vụ chết người đầy ẩn ức trong trại tạm giam. Nhưng riêng nhà tạm giam tạm giữ ở Phan Rang, Ninh Thuận gần đây đã tỏa sáng bất thường trên đất nước, trong việc góp 2 nạn nhân trong vòng 2 tháng. Nhắc lại cho rõ, đó là cái chết của anh Nguyễn Hồng Đê, 25 tuổi, vào tháng 7 vừa rồi. Và nay là đến anh Võ Tấn Minh, 25 tuổi, mà công an nói miệng là nghi can có chứa heroin trong người.

Cũng chưa có ai quên nổi chuyện cái chết rùng rợn đau thương của anh Nguyễn Hữu Tấn vào ngày 3/5/2017. Khi công an trả xác về, gia đình anh Tấn nhìn thấy trên cổ của anh chi chít những vết cắt bất thường không thuận tay. Dĩ nhiên, một kịch bản được dựng nên để diễn giải cho sự vô can, nhưng không ai tin nổi lời giải thích của các điều tra viên ở Vĩnh Long là anh Tấn chết do tự cắt cổ, từ dao rọc giấy của họ.

Tôi chỉ là dân thường. Thậm chí rất tầm thường. Nên tôi không bao giờ có thể đi qua nổi cảm giác đau đớn và tức giận khi nhìn thấy đồng loại của mình chết nghẹn ngào và oan khuất. Đặc biệt là nghẹn ngào và oan khuất từ chốn công quyền.

Lâu nay, những vụ chết người, khổ nạn như vậy nếu như không có tin tức từ cộng đồng mạng dấy lên, thì thường báo chí nhà nước cũng chỉ đưa tin qua loa lấy lệ. Các quan chức liên đới, đại biểu quốc hội… thì chỉ dám mở miệng bàn chuyện gái mại dâm hay quần bò, bất chấp những chuyện như bị thương nặng, chết người trong đồn công an diễn ra đều đặn, quặn căm lòng xã hội.

Tiếng khóc từ video của gia đình anh Võ Tấn Minh vang vọng, gào thét “anh thức dậy đi anh ơi” khiến tim tôi thắt lại. Không có loại âm nhạc nào mô tả được nỗi đau, kinh hoàng bằng tiếng khóc của mẹ, của vợ, của chị… Tiếng kêu gào của người dân tuyệt vọng tận đáy xã hội cứ nhắc tôi về những hình ảnh đẹp đẽ của các nhà lãnh đạo, quan chức cao cấp của Việt Nam, kể cả trong ngành công an, vẫn cung kính thắp nhang cúng chùa, xây đền, góp tiền cho tượng tháp…  Mọi thứ đó trong thoáng chốc đã bật ra sự lố bịch, rẻ rúng. Đồng loại thì khốn khổ, trò mua hình bán dạng ấy, liệu có ích gì?

Tôi không tin rằng chuyện cái chết của anh Võ Tấn Minh, anh Nguyễn Hữu Tấn… hay còn nhiều người khác nữa sẽ sớm được minh bạch, oan hồn của người đã khuất khó mà sớm được thảnh thơi. Vì những lời nói dối vẫn luôn chực chờ đâu đó. Thậm chí, những hàng hàng dùi cui và khiên chắn vẫn luôn được chuẩn bị để bảo vệ cho những lời nói dối như thế.

Nhưng dù sao đi nữa, xin mọi người đừng quên ghi lại. Mọi sự kiện vẫn cần được ghi lại về ngày đen đúa, tuyệt vọng của đất nước. Xin đừng để mọi thứ bị lãng quên. Những học trò ở Hàm Dương truớc khi bị chôn sống, vẫn ghi lại mọi thứ, để triều đại cao ngất của Tần Thủy Hoàng mãi mãi không bao giờ thoát khỏi lời nguyền rủa của nhân loại về sau. Nỗi đau và oan khiên cũng cần được trở thành lịch sử. Kẻ ác có thể dựng nên những loại lịch sử để ca tụng và lừa dối. Nhưng nhân dân cũng có những phiên bản lịch sử của sự thật được ghi xuống và lưu truyền. Lịch sử truyền đời từ hôm nay, nhắc rằng nền văn minh nhân loại không bao giờ lãng quên, không bao giờ dung thứ cho kẻ ác.

(*)mượn lời bài hát “Im lặng là đồng lõa” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang

* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do

http://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/history-cant-forgive-09122017144502.html

 

80% lao động nữ trên 35 tuổi bị buộc nghỉ việc

Kết quả khảo sát tại một số doanh nghiệp cho thấy có tới 80% phụ nữ trên 35 tuổi bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc do cơ cấu lại sản xuất hoặc không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Bộ trưởng Bộ Lao Động- Thương Binh & Xã Hội Việt Nam, ông Đào Ngọc Dung, cho biết như vậy tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng 13 tháng 9 về bình đẳng giới.

Ông Dung cho biết tính đến tháng 7 năm 2017, số lao động nam trên 15 tuổi chiếm 52%, cao hơn số lao động nữ. Tuy nhiên đa số lao động nữ lại làm việc trong các ngành có chuyên môn thấp, tính ổn định không cao. Ngoài ra thu nhập của họ cũng thấp hơn so với nam giới.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội, Quốc hội Khóa 14, bà Nguyễn Thúy Anh, cũng cho rằng đây là vấn đề nhức nhối, đáng báo động và cần có giải pháp kịp thời.

Trưởng ban Dân nguyện Quốc Hội Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Hải, nhận định rằng một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này là do nhiều chủ lao động chỉ sử dụng công nhân trẻ, ít thâm niên để không phải trả lương cao. Ngoài ra bà Hải cũng cho rằng pháp luật Việt Nam chưa đủ mạnh và rõ ràng trong việc đảm bảo quyền lợi cho lao động nữ.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/copy3_of_eighty-percent-of-female-workers-older-than-thirty-five-forced-to-quit-their-job-09132017102653.html

 

Mỹ lại áp thuế chống bán phá giá lên cá tra Việt Nam

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) hôm 13 tháng 9 ra thông cáo báo chí phản đối Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) áp thuế chống bán phá giá lên các sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh từ Việt Nam.

Quyết định áp thuế mới của Bộ Thương mại Mỹ được đưa ra sau đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 13 giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016 của Mỹ đối với mặt hàng này của Việt Nam.

Quyết định mới được đưa ra hôm 13 tháng 9 cho thấy mức thuế mới áp lên mặt hàng cá tra của Việt Nam laf2,39 đô la một kg, cao gấp ba lần mức thuế trước đó.

VASEP cho rằng Bộ Thương mại Mỹ đã không công bằng khi áp mức thuế này. Bộ Thương mại Mỹ cho rằng Công ty GODACO của  Việt Nam đã không hợp tác trong quá trình xem xét và không cung cấp đầy đủ các dữ liệu cần thiết cho phía Hoa Kỳ. VASEP phản bác lập luận này, và cho rằng công ty GODACO đã có sự chuẩn bị tốt nhất trong việc cung cấp đầy dữ liệu yêu cầu và trả lời đầy đủ, đúng hạn các câu hỏi từ phía Mỹ.

VASEP thay mặt các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra Việt Nam phản đối quyết định thiếu công bằng của Bộ Thương mại Mỹ và đề nghị bộ này phải xem xét một cách kỹ lưỡng hơn các hồ sơ của công ty GODACO, không áp dụng các yếu tố bất lợi có sẵn để áp thuế không công bằng cho các công ty. VASEP gọi quyết định mới của Bộ Thương mại Mỹ là đi ngược lại tiến trình tự do thương mại đồng thời ảnh hưởng đến quan hệ thương mại hai nước.

Trong khi đó, nhân chuyến thăm Mỹ từ ngày 10 đến 13 tháng 9, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Hoàng Bình Quân đã kêu gọi Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, mở cửa hơn nữa cho hàng hóa nông nghiệp của Việt Nam, giảm thiểu các rào cản thương mại.

Trong chuyến thăm này, ông Hoàng Bình Quân đã gặp lãnh đạo Bộ Ngoại giao Mỹ, Hồi đồng An ninh quốc gia, Chủ tịch tiểu ban Châu Á Thái Bìn Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.

Ngoài vấn đề thương mại, các vấn đề khác được bàn thảo giữa hai bên nhân chuyến thăm này bao gồm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Việt Nam dự APEC vào tháng 11 tới, thúc đẩy hợp tác về an ninh quốc phòng, ưu tiên khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác sâu rộng trong các diễn đàn khu vực và đa phương như APEC, ASEAN…

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 11 tháng 9 đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Hoàng Bình Quân và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan khẳng định tương lai tốt đẹp trong quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước. Hai bên cam kết tiếp tục hợp tác để đảm bảo hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Từ năm 2000, Việt Nam đã tích cực đàm phán với các nước để được công nhận có nền kinh tế thị trường. Hiện đã có 57 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nhưng Hoa Kỳ và EU là hai thị trường lớn nhất lại chưa công nhận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Việt Nam thường gặp khó khăn trong các vụ tranh chấp, kiện tụng về thương mại và bị áp thuế chống phá giá.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-association-of-seafood-products-protests-us-s-tax-on-tra-fish-from-vn-09132017092811.html

 

Quan chức an ninh tiếp tục làm Trưởng Ban Tôn Giáo

Việt Nam vừa bổ nhiệm một giới chức cấp cao của công an làm trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động và tổ chức tôn giáo ở Việt Nam.

Trưởng ban mới là ông Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng An ninh Tây Bắc, tổng cục An ninh, Bộ Công An. Ông Thắng được chính thức trao nhiệm vụ mới vào ngày 11 tháng 9.

Ông Thắng trước kia đã từng giữ chức Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị. Trước đó nữa là Phó giám đốc Công an Nghệ An.

Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam cử một người chuyên về an ninh nắm giữ chức Trưởng ban Tôn giáo. Người nắm chức Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ trước ông Thắng là ông Phạm Dũng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục An Ninh kiêm Thứ trưởng Bộ Nội Vụ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cũng từng nắm giữ chức Trưởng ban này.

Ban Tôn giáo Chính phủ là cơ quan trực thuộc Bộ Nội Vụ với khoảng hơn 120 cán bộ, viên chức.

Việt Nam đã nhiều lần bị các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích vì chính sách đàn áp tự do tôn giáo tín ngưỡng qua hoạt động quản lý giám sát của ban Tôn giáo và an ninh sử dụng luật về tôn giáo và tín ngưỡng vốn bị quốc tế chỉ trích là quá khắt khe.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/senior-police-officer-appointed-as-new-chief-of-religion-committee-09132017092131.html

 

Bệnh nhân và VN Pharma: Số phận tùy thuộc bác sĩ

Hơn 300 người VN tử vong mỗi ngày vì ung thư. Liên quan đến vấn đề này, sự kiện lãnh đạo công ty VN Pharma, ông Nguyễn Minh Hùng – em chồng của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phải hầu tòa trong vụ án liên quan đến việc nhập thuốc ung thư giả vào thị trường Việt Nam lại làm dậy sóng dư luận trong và ngoài nước.

Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới cuối năm 2016, Việt Nam đang nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư thế giới với hơn 300 người tử vong mỗi ngày vì ung thư.

Bệnh nhân lo sợ

Và nay số phận của những người mắc bệnh ung thư đang chết đứng vì thuốc giả. Hãy cùng phóng viên chúng tôi tìm hiểu về suy nghĩ của những bệnh nhân ung thư và thân nhân xung quanh vụ việc này.

Phóng sự được thực hiện tại bệnh viện Ung Bướu, TPHCM.

Theo phản ánh từ những bệnh nhân mà chúng tôi được dịp tiếp xúc, tâm lý chung của họ là lo sợ.

Mình thấy thì sợ cho bà con nông dân, uống tin tưởng, đâu tưởng hết bệnh ai dè uống bệnh càng bệnh thêm nữa.

-Ông Năm

Bà Lê Thị Mỹ Nga, bị ung thư bao tử cho biết:

“Nó di căn tùm lum hết á. Cũng nghe thuốc này kia rồi cũng ớn. (Cũng nghe nói là thuốc giả nhưng mà trị thì trị chứ giờ biết sao giờ). Nhưng mà giờ mình trị mình phải trị thôi chứ đâu có biết được. Chứ mình cũng không có biết là thuốc giả. Thí dụ mình biết là thuốc giả thì hẵng thì mình đã không vô rồi. Vô thí dụ có cái gì nữa thì sao? Vô thí dụ có cái gì nữa thì sao, mình ngừa được. Còn này mình là người bệnh, mình là người dân, mình bình thường mình đâu có biết được.”

Ông Năm, bệnh nhân chờ tái khám nói:

“Mình thấy thì sợ cho bà con nông dân, uống tin tưởng, đâu tưởng hết bệnh ai dè uống bệnh càng bệnh thêm nữa.”

Bà Phan Thị Út, bị bệnh ung thư vú di căn chia sẻ:

“Hông, giờ á hả, cô cũng già rồi còn gì nữa mà sợ, mà cũng hết tiền rồi còn gì nữa mà sợ? Có chết nữa cũng đâu còn tiền đâu mà sợ gì? Thì con còn tuổi còn trẻ con sợ, chứ cô giờ đâu còn gì nữa đâu. Giờ hả, trâu bò cũng bán hết trơn rồi đi trị bệnh mà. Cô đâu có hộ nghèo. Năm nay cô mới được hộ nghèo nà. Có bảo hiểm nghèo nhưng mà không có sổ hộ nghèo nên cũng hổng có được gì.”

Ông Lê Ngọc Giao,bệnh nhân bướu cổ tâm sự:

“Mới phát sinh hồi tết tới giờ. Bị bướu á. Giờ cũng chưa biết suy nghĩ làm sao. Cứ hồi hộp hồi hộp hoài, chưa biết làm sao đây. Mình sợ chứ. Hồi hộp hồi hộp, không có theo đủ. Mình không có đủ khả năng mình lo á. Coi như mình không có tiền để điều trị, sợ vậy đó. Sợ mình uống thuốc giả, hổng có tiền còn uống thuốc giả. Tiền mất rồi tật mang nữa. Mình mua thuốc hết tiền rồi mình uống cái đó nó không hết bệnh nữa mới khổ á. Tại vì mình nghèo mà. Đâu có tiền.

Sợ chứ, sợ chứ. Rủi mình uống thuốc giả vậy rồi sao hết bệnh. Trong khi mình không có tiền, tiền vay tiền hỏi mình đi khám bệnh đi điều trị, mà lỡ mà mình bị cái thuốc giả đó thì sao mà mình hết bệnh, rồi mình đâu có tiền điều trị tiếp. Mình cứ vay cứ hỏi nữa thì nợ mình cứ chồng nợ.”

Trông chờ vào lương y bác sĩ

Lo sợ là vậy, tuy nhiên họ không còn giải pháp nào khác ngoài vô thuốc và trông chờ vào lương y bác sĩ. Bà Nguyễn Thị Tuyết, mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 2 nói:

“Thì bác sĩ cho đâu thì mình mua ở đó. Giờ chắc cũng không biết làm sao. Giống như cái mạng mình giờ giao gởi bác sĩ ở đây rồi. Bác sĩ làm sao mình hay vậy con ơi.”

Ông Trần Quốc Tế, người nhà bệnh nhân cho biết:

“Vẫn vô thôi, chứ cũng không không không có vô được, chứ rồi mình đâu có phải bác sĩ đâu mà biết thuốc giả thuốc không. Tại bệnh mà mình sợ chết mình phải vô thôi. Chứ không phải là không sợ. Sợ lắm nhưng mà tại vì các cái chứng bệnh của mình phải điều trị cho nó hết vậy thôi. Nhưng mà bệnh phát ra nhiều quá là mình phải vô thôi, bắt buộc mình phải vô thôi.

Thực sự mà nói thì cũng có lo lắng. Nhưng mà mình thì đi vào bệnh viện thì phải tin tưởng bệnh viện. Vì vào bệnh viện rồi thì sinh mạng mình thì là tùy thuộc vào các bác sĩ ở trong bệnh viện và tùy thuộc cách điều trị của bệnh viện. Nhất là các bệnh viện chuyên ngành giống như bệnh viện ung bướu thì người ta phải rành hơn và mình phải tin tưởng thì chữa trị nó mới hiệu quả.”

Tin tưởng bệnh viện, bác sĩ, tin tưởng thuốc trị bệnh nhưng rốt cuộc bệnh nhân bị một vố đau do VN Pharma gây ra. Theo ghi nhận của phóng viên, đa số họ không nắm thông tin về vụ việc, hoặc nếu có cũng rất ít:

“Thì cô cũng nghe chứ cô cũng hổng có biết chữ, nghe người ta đọc báo người ta nói á.”

“Thì cũng nghe đài nghe thuốc nhập vô này kia qua trong Bộ y tế, trong Việt Nam mình á của Canada hay gì á. Đài với đồng chí anh em người ta bàn tán với nhau, người ta cũng nghe đài truyền hình. Cũng dập cũng không nghe rõ là nước nào. Nghe mại mại là Canada gì ấy.”

Thì bác sĩ cho đâu thì mình mua ở đó. Giờ chắc cũng không biết làm sao. Giống như cái mạng mình giờ giao gởi bác sĩ ở đây rồi. Bác sĩ làm sao mình hay vậy con ơi.

-Nguyễn Thị Tuyết

“Tôi có nghe về vấn đề mà báo chí cũng như đài cũng nói về vấn đề thuốc ung thư giả, thì cái đó thì tôi cũng có nghe.”

“Đặc trị ung thư đó. Cô vô hóa chất nè. Vô được 4 toa lớn, 3 toa nhỏ rồi. Bữa nay là toa thứ 4, còn 8 toa nữa đó. Giờ bác sĩ chỉ định sao thì mình vô vậy đó, chứ mình đâu có biết gì đâu. Tại vì nữa á, cô đâu có bắt đài thời sự gì đâu. Đâu có biết.”

Ông Trần Quốc Tế, có vợ điều trị ung thư buồng trứng tại bệnh viện Ung Bướu cho chúng tôi biết:

“Những thuốc ung thư ở đây là trực tiếp các khoa điều trị thì các khoa chích thuốc hoặc là cho uống thuốc chứ còn mình là mình không biết rõ cái vấn đề như thế nào. Trừ trường hợp mà thí dụ như đang giải phẫu, hoặc là có sự cố gì thì người ta kêu mình mua thuốc, thì lúc đó mình mới đi mua. Mua là mua để tăng cường về cho người ta chữa trị.

Thật sự mà nói thì nếu mà ai mà dính líu vào cái việc đó thì quá là nhẫn tâm. Tại vì, người ta đã đau rồi, đã ung thư là một cái bệnh rất là nan y, mà lại sử dụng cái thuốc ung thư giả thì nó không có hiệu nghiệm trên vấn đề chữa trị. Mà từ đó nó có thể là làm cho cái người bệnh tử vong một cách oan uổng. Và cái đó thì phải đưa ra vấn đề là ai sẽ là người chịu trách nhiệm cuối cùng về cái vấn đề đó. Và tại sao thuốc ung thư giả lan tràn như vậy.”

Người nhà ông Giao, bệnh nhân bướu cho biết, bà không giận, nhưng bà lo lắng khi điều trị cho chồng mình:

“Không giận, mà điều mình suy nghĩ nếu vậy thì mình bị người ta gạt, mình không có tiền để điều trị tiếp vậy thôi. Chỉ sợ, lo sợ vậy thôi, chứ còn giận thì không có giận. Có điều mình bị gạt thì mình chịu thôi.”

Còn ông Năm, đang điều trị ngoại trú tâm sự:

“Bình thường chứ mình phản đối thì phản đối ai giờ đây? Thì anh em tụi tui ngoại trú thì nằm ngoài hành lang ngoài này ở. Tới giờ thì đi khám bệnh, đặng chờ khám bệnh, tái khám á. Rồi nói ngay cũng nhờ anh em thành phố tốt, rồi các nơi tốt cho cơm cho quà, rất là nhiều. Có khi ở 3, 4 ngày mình về hà, (có khi 10 bữa, có khi nửa tháng rồi á). Hổm rày nửa tháng rồi.”

Bệnh tật, nghèo khổ, nhiều bệnh nhân ngoại trú phải nằm dọc các hành lang, ăn cơm từ thiện chờ tái khám. Trước vụ việc thuốc giả, họ cũng chỉ còn cách phó mặc số phận cho bác sĩ, bệnh viện. Vì có phản đối, họ cũng không biết phản đối như thế nào, phản đối với ai. Bất lực trước bệnh tật, người dân Việt còn bất lực trước cả một hệ thống y tế, chính trị còn nhiều bất cập.

http://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/vn-pharma-0911-09112017131946.html

 

Bão lớn có thể ảnh hưởng mạnh nhất Nghệ An, Hà Tĩnh

Cơn bão Doksuri, mà Việt Nam gọi là bão số 10, có thể ảnh hưởng mạnh nhất đến hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vào chiều tối ngày 15/9, theo thông tin đăng trên trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam hồi trưa ngày 13/9.

Trang Facebook “Thông tin Chính phủ” nói thêm rằng liên quan đến cơn bão này, lần đầu tiên Việt Nam “đưa ra mức cảnh báo nguy hiểm cấp độ 4”, trong khi cấp 5 là mức thảm họa.

Các báo lớn Việt Nam hôm 13/9 dẫn lời ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay tính đến gần trưa cùng ngày, cơn bão còn cách khá xa bờ biển Việt Nam và cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 530km về hướng Đông Đông Nam.

Ở thời điểm đó, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, tương đương khoảng từ 75 đến 90 km/giờ, có những lúc gió giật cấp 12.

Bản tin đầu giờ chiều ngày 13/9 của Thanh Niên dẫn lời ông Cường nói khi đi vào vịnh Bắc Bộ, bão số 10 có sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15.

Theo Thông tin Chính phủ, do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc và giữa Biển Đông, kể cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa, có mưa rào và dông mạnh, biển động dữ dội.

Trước diễn biến của bão, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu cấm biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa từ ngày 14/9. Yêu cầu của vị bộ trưởng, người kiêm chức Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, được đưa ra tại cuộc họp của ban hôm 13/9.

Vị giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo khoảng chiều tối 15/9, rạng sáng 16/9, bão sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam, ảnh hưởng một loạt các tỉnh từ Nam Định đến Quảng Bình.

Ông Hoàng Đức Cường lưu ý rằng trọng tâm đổ bộ của cơn bão có thể là Nghệ An và Hà Tĩnh.

Có dự báo đến sáng 15/9, mức gió mạnh nhất gần tâm bão có thể lên đến 135-150 kilomet/h.

Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, thiên tai trong đó có bão lụt đã làm 116 người chết và mất tích, gây thiệt hại hơn 5.600 tỷ đồng, tương đương với 250 triệu đôla, theo Tổng cục Phòng chống Thiên tai Việt Nam.

Năm ngoái, bão lụt đã làm 264 người chết và gây ra thiệt hại gần 40 nghìn tỉ đồng, tương đương 1,75 tỉ đôla. Con số này cao gấp 5 lần so với năm 2015.

(theo Facebook ‘Thông tin Chính phủ’, VNExpress, Thanh Niên)

https://www.voatiengviet.com/a/bao-lon-co-the-anh-huong-manh-nhat-nghe-an-ha-tinh/4026780.html

 

Việt Nam viện trợ Cuba khắc phục hậu quả bão Irma

Các lãnh đạo Việt Nam đã gửi điện thăm hỏi người dân và chính phủ Cuba sau bão Irma.

Hãng thông tấn Cuba Prensa Latina cho biết Việt Nam đang lên kế hoạch gửi cho Cuba một lô hàng viện trợ sau những thiệt hại do cơn bão Irma cấp 5 gây ra trên vùng biển Caribe.

Hãng thông tấn Prensa Latina dẫn lời ông Đôn Tuấn Phong, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO), bày tỏ tình đoàn kết và động viên Cuba, nêu bật mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế, chính trị và văn hoá giữa hai quốc gia. Ông Phong nhắc lại việc Cuba đã từng ủng hộ Việt Nam trong những thời điểm khó khăn nhất.

Thông tấn xã Việt Nam tường thuật rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hôm 11-9 đã “gửi điện thăm hỏi tới đồng chí Raúl Castro Ruz, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cuba.”

Ông Phong cho biết một phái đoàn Việt Nam sẽ đi Cuba vào tháng 10 sắp tới để dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Che Guevara bị ám sát.

Nguồn: Telesur và TTXVN

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-gui-vien-tro-cho-cuba-de-khac-phuc-hau-qua-bao-irma/4026738.html