Tập San Tân Đại Việt – Số 1 – 2017 – Số Xuân Đinh Dậu
Mục Lục
Đảng Tân Đại Việt Chúc Tết Đồng Bào nhơn dịp XUÂN ĐINH DẬU
Bác Sĩ Mã Xái: Nhận định về sách lược tân TT Donald Trump tái lập vị thế lãnh đạo Trật tự Thế giới Tự do:” Làm cho Nước Mỹ Vĩ đại Trở lại.”
Phạm Đức Duy: Hoàng Đế Quang Trung và Chiến thắng Xuân Kỷ Dậu
Trần Văn Lương: Thơ Thùy Vị Xuân Lai
Mai Thanh Truyết: Nhớ về một Nhân sĩ Miền Nam Cố Tổng thống Trần Văn Hương
Đào Văn Bình: Nhật Ký Biển Đông tháng 01/2017
Nhữ đình Hùng: Tổng thống ‘hiền’ và Tổng thống ‘ác’
Phan Văn Song: Năm Mới, Người Mới, Việc Mới
Đỗ Chiêu Đức: “Năm Gà Nói Chuyện con … KÊ”
Phạm Đình Lân F.A.B.I: Năm dậu nói chuyện gà
Phó nhòm: Phong tục Việt Nam
Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy: Dân Tộc Sinh Tồn «Điều kiện cốt yếu cho sự sinh tồn của người: Luật Tranh Đấu»
Nguyễn Ngọc Chính: Năm mới đọc lại thơ xuân cũ
Mường Giang: Ngày Xuân Nâng Chén Để Quên Đời
Nguyễn thị Cỏ May: Thế tục, môt nét đặc thù của chánh trị Pháp; Đi Hát: Một Nét Hào Hùng Của Giới Giang Hồ Đất Nam Kỳ Lục Tỉnh
Đảng Tân Đại Việt Chúc Tết Đồng Bào nhơn dịp XUÂN ĐINH DẬU
Kính thưa Đồng Bào,
Đón mừng năm mới Xuân Đinh Dậu, Đảng Tân Đại Việt kính chúc toàn thể Đồng bào một năm an vui, an bình, hạnh phúc, mọi mặt hanh thông, tốt đẹp. Đối với bà con sống dưới gông cùm cộng sản, cộng đồng hải ngoại và Đảng Tân Đại Việt xin gởi niềm cảm thông và chia xẻ nỗi uất hận khi nhìn giang sơn bị Trung Cộng gậm nhấm mất lần và tương lai đất nước đang chìm vào bóng tối vô định do bọn cuồng tín, tham tàn cộng sản Việt Nam tôn thờ một chủ nghĩa ngoại lai không tưởng, sau hơn sáu thập niên thống trị cả hai miền Nam Bắc.
Trong niềm hân hoan đón mừng Xuân Đinh Dậu, nhìn lại quê hương, lắng lòng nhớ tới tiền nhơn Tết năm Kỷ Dậu (1798) vua Quang Trung đại thắng quân Thanh, chúng ta cầu mong một thời cơ thuận lợi cho sự “đổi đời” đến với dân tộc Việt Nam, một dân tộc quá nhiều bất hạnh. Ngày nay, thế giới đang sôi sục chuyển mình, khi nền tảng trật tự tự do toàn cầu lung lay khắp từ Âu sang Á do sự trỗi dậy của nhà độc tài Putin, do tham vọng bá quyền bành trướng của Tập Cận Bình, do bọn khủng bố quá khích đạo Hồi.
Sự đắc cử Tổng thống đầy bất ngờ của nhà tỷ phú Donald Trump đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong nền chánh trị Hoa kỳ với chủ trương “Làm cho Nước Mỹ Vĩ đại Trở lại”, và trong buổi tuyên thệ nhậm chức ngày 20-01-2017, tân Tổng thống Trump dõng dạc tuyên bố “Từ hôm nay, viễn kiến mới cai trị đất nước ta. Từ lúc này, chỉ có Hoa Kỳ trên hết” (American First).
Sách lược đối ngoại đối với hai kẻ đối nghịch với nền tảng của trật tự tự do là Nga và Trung Cộng được chánh quyền mới của Trump đặc biệt quan tâm; cái tam giác chiến lược Mỹ -Trung -Nga có khả năng dẫn tới xung đột, đối đầu hay nguy hiểm hơn sẽ là chiến tranh, dù rằng xác xuất rủi ro xảy ra rất nhỏ. Nhưng trái lại, trong bối cảnh hiện nay, tác động của các cường quốc trước hết là Washington và Bắc Kinh trên Việt Nam và Biển Đông chắc không tránh khỏi. Vì sao tổng bí thư Trọng phải vội vã lên đường triều kiến Tập Cân Bình (12-15/01/2017) trong những ngày cận Tết truyền thống dân tộc; phải chăng có liên hệ đến lập trường cứng rắn với Trung Cộng của Trump về Biển Đông, về bảo hộ mậu dịch, về việc thao túng tiền tệ, vấn đề nhạy cảm Đài Loan; hay điều làm ông tổng bí thư ăn ngủ không yên cần cảnh báo là tình trạng “tự diễn biến”“tự suy thoái” ngay trong đảng CSVN đang trên đà tiến công đáng ngại gây nên “hậu quả không lường”. Nhóm tự diễn biến này kết hợp với phe cánh của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thành một lực lượng chánh trị theo tin rò rỉ khá đông mà thời “chân dung quyền lực” có tin Dũng sẽ trở thành một Putin Việt Nam. Sau Đại Hội XII, Dũng có lẽ vì gốc Miền Nam không biết “lý luận” đành để Trong tiếp tục ôm lấy chức tổng bí thư, còn mình thì tạm rút nhưng chưa chịu “làm người tử tế”, kết bè kéo cánh “thành lập chiến khu” không phải ở miền Hậu giang mà nằm ngay trong lòng đảng cộng sản, đối đầu với cánh thân Bắc Kinh của tổng bí thư Trọng. Nghe đâu Trọng đang có kế hoạch ở lại cho hết nhiệm kỳ cho tới Đại Hội XIII, hay trong trường hợp phải ra đi trong hai ba năm tới, thì người kế vị cũng phải là người được Tập Cận Bình đồng ý. Hai nhơn vật được Trung Nam Hải và Trọng chọn là Đinh Thế Huynh đương kim Thường vụ Ban Bí Thư Trung ương, kiêm luôn Chủ tịch Hội Đồng Lý Luận TƯ và Phạm Minh Chính nay là Trưởng Ban Tổ chức Trung Ương để được vào danh sách dự tranh chiếc ghế tổng bí thư. Võ văn Thưởng Trưởng ban Tuyên giáo TƯ lại bị gạt ra khỏi danh sách nói là vì vấn đề sức khoẻ, còn Chủ tich Trần Đại Quang bị phe Trọng phanh phui về tội khai tuổi gian mà còn dính dấp về vụ tham nhũng. Chủ tịch Quang chủ trương Nhà Nước Mạnh có quyền lực cao hơn Đảng, do đó Quang đang dựa vào Hiến Pháp 2013 tăng quyền Chủ Tịch Nước trong việc lãnh đạo quân đội, có chiều ngả về với phe Dũng. Việc tranh chấp quyền lực trong chốn cung đình càng lúc càng gây cấn; tin lề trái còn cho biết phe cánh của 3X âm mưu tách ra khỏi đảng CSVN thành lập đảng cầm quyền, đẩy đảng CSVN cho phe Trọng vào thế đối lập, nguy cơ bể đảng có thể trở nên trầm trọng hơn khiến Nguyễn Phú Trọng đẩy mạnh chiến dịch phòng, chống, đẩy lùi và phá hỏng hiện tượng tự diễn biến. Trọng còn đẩy mạnh sách lược trấn áp những nhà đấu tranh dân chủ, đồng thời mở chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” chống tham nhũng của Tập Cận Bình để tỉa lần vây cánh Nguyễn Tấn Dũng.
Cả hai phe Trọng hay Dũng thật ra dù có nghiêng về Trung Cộng hay giả dạng ngả về Hoa Kỳ cũng nhằm củng cố chế độ cộng sản, cho nên dù có chuyện đổi bình thì vẫn là rượu cũ, con cắc-kè có đổi màu nó vẫn thuộc loài bò sát. Chỉ có ý chí và quyết tâm của nhơn dân tranh đấu bền bỉ thì khi thời cơ đến đẩy cuộc cách mạng nổi dậy từ dưới lên trên sẽ lật đổ bạo quyền; những kịch bản dân chủ hoá ở Đông Âu, Liên Xô hay mùa Xuân Ả Rập có những ưu khuyết điểm nên rút ra học hỏi. Nhơn dân, các tổ chức dân chủ dù bị trù dập như trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi tăng cường hoạt động nhằm thúc đẩy mục tiêu diễn biến hoà bình nhưng không đứng về phía Trọng hay phía Nguyễn Tấn Dũng. Trong khúc quanh quan hệ Mỹ Trung căn thẳng, trong lúc nhiều biến chuyển không ngừng trên thế giới, và tình hình tranh chấp quyền lực trong cung đình Hà Nội vẫn còn sôi nổi, Tập Cận Bình đã “mời” tổng bí thư Trọng sang triều kiến một cách vội vã (12-15/01/2017) trong thời gian mọi người chuẩn bị nghinh đón Tết truyền thống. Mới đây không lâu, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chầu Bắc Kinh (9/2016) để gia hạn thêm “Thời kỳ Bắc Thuộc Mới” mà Hà Nội đã ký tại Hội Nghị Thành Đô (1990). So lại với các tuyên bố chung giữa hai lãnh đạo Việt-Trung trong nhiều năm qua, toàn văn Thông Cáo Chung ngày 14 tháng 01 năm 2017 cho thấy Nguyễn Phú Trọng rõ ràng chánh thức bán đứng Việt Nam nếu chúng ta đọc lại các hiệp định giao thông, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hoá giáo dục. Ông Trọng thoả thuận để Trung Cộng xúc tiến chương trình đào tạo cán bộ lý luận và quản lý cấp cao để giữ chức vụ trong guồng máy lãnh đạo Việt Nam theo mô hình quản trị Trung Cộng theo khuôn khổ tư tưởng Trung Cộng; một chương trình Hội thảo lý luận hàng năm giữa hai đảng nhằm cột buộc hai đảng cùng ý thức hệ Mác-Lê. Qua thông cáo, Tâp cũng không quên nhắc lại quan hệ hai nước là tài sản vô giá do Hồ Chủ Tich và Cố chủ tich Mao Trạch Đông vun đắp, và quy tắc 16 chữ vàng 4 tốt.
Kính thưa Đồng Bào,
Trật tự thế giới đang chuyển mình, thay đổi; đảng CSVN cũng có dấu hiệu lung lay; nhưng sự tranh chấp quyền lực giữa các phe chưa vào hồi kết; cánh chủ trương nghiêng về Hoa Kỳ tạm thời mất chỗ đu dây, dù Tổng thống Donald Trump và nội các của ông rất cứng rắn với Trung Cộng trong hồ sơ Biển Đông nhưng vẫn còn do dự việc xét lại hiệp định TPP; trước tình hình khẩn trương, Trung Cộng và Nguyễn Phú Trọng có nhu cầu gặp nhau; Tập trải thảm đỏ có cả 21 phát đại bác đón chào Trọng, nhưng thực ra thông cáo chung 14-01-2017 là vòng kim cô oan nghiệt siết chặt Hà Nội lệ thuộc Bắc Phương, với một chương trình Hán hoá cán bộ lãnh đạo cấp cao Việt Nam thành những tên thái thú. Còn Trọng cũng vội vã triều kiến Tập để tìm sự che chở, bảo vệ vì ông và phe cánh thân Trung đang bị bủa vây bởi các đồng chí bộ sậu của Ba Dũng.
Phong trào dân chủ và các tổ chức xã hội độc lập càng đối diện với nhiều khó khăn, nhưng vẫn không lùi bước. Nhà nước CSVN đã bắt nhiều tù nhơn lương tâm năm 2016 so với giai đoạn 2013-2015. Liệu Luật Nhơn quyền Magnisky Toàn cầu (Global Magnisky Human Rights accountability Act) đã được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua và do Tổng thống Obama ký ban hành trước khi ông rời Toà Bạch Ốc sẽ cải thiện tình trạng nhơn quyền tại Việt Nam?
Cầu xin Hồn thiêng sông núi soi sáng để dân tộc sớm thoát khỏi cảnh đoạ đày. Chánh nghĩa phải thắng. Ai sẽ là hậu duệ của Quang Trung cùng toàn dân đứng lên dựng cờ cứu nước trong Mùa Xuân Đinh Dậu để gởi về Phương Bắc thông điêp “Nam quốc Sơn Hà Nam đế cư”, cùng nhau đẩy lùi đảng CSVN toàn trị, xây dựng một Việt Nam tự do, dân chủ pháp trị, độc lập, chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.
Trân trọng kính chào Đồng Bào.
Bác sĩ Mã Xái
Giao thừa năm Đinh Dậu
Vui cười
Người da trắng đến khai hoá văn minh cho người da đỏ. Mùa đông đến, người da đỏ hỏi:
– Mùa đông năm nay liệu có lạnh không?
– Thì các anh cứ đi kiếm củi về đi, dự phòng khi trời lạnh.
– Vốn cẩn thận và nhiệt tình, người da trắng liền gọi điện đến trạm thủy văn để hỏi xem mùa đông năm nay có lạnh không. Người ở đài thuỷ văn trả lời “Có lạnh đấy”.
– Ngay lập tức, người da trắng liền bảo người da đỏ đi kiếm thêm củi. Hai tuần sau, người da trắng lại gọi điện cho nhà thuỷ văn và nhận được câu trả lời: “Lạnh lắm đấy”.
– Nguời da trắng liền đó giục người da đỏ kiếm thêm củi. Hai tuần sau nữa, họ lại gọi điện và nhà thuỷ văn trả lời: “Cực kỳ lạnh đấy.”
– Thế làm sao ông biết?
– Nhìn thực tế thì thấy. Người da đỏ đang đi kiếm đầy củi về nhà đấy thôi.
Sherlock Holmes và bác sĩ Watson đi cắm trại. Hai người nằm ngủ cạnh nhau. Gần sáng, Holmes lay bạn dậy và hỏi: – Watson, nhìn xem, anh thấy cái gì?
– Tôi thấy rất nhiều sao.
– Vậy theo anh, điều này có nghĩa là gì?
– Nghĩa là chúng ta sẽ có một ngày đẹp trời. Còn anh?
– Theo tôi, điều này có nghĩa là ai đó đã đánh cắp cái lều của chúng ta.
Một cậu bé 6 tuổi khoe với mẹ rằng:
– Mẹ biết không? Buổi sáng đi xe bus cùng bố con đã nhường chỗ cho một phụ nữ!
Mẹ cậu khen: – Con giỏi lắm, con đã ra dáng một chàng trai rồi đấy! Mẹ rất tự hào về con! Người mẹ mặt tươi rói, rạng ngời hạnh phúc trước đứa con ngoan.
Một lát sau chợt nhớ ra điều gì, người mẹ hỏi:
– À… con 6 tuổi không phải mua vé mà cũng có ghế ngồi ư?
– Dạ không, không phải ghế. Trước đó con ngồi trên đùi bố!
Thẩm phán bước vào phòng xử án, gõ búa và nói: “Trước khi tôi bắt đầu tuyên án, tôi muốn thông báo rằng, luật sư của bị cáo đã đưa cho tôi 15.000 đôla để tôi lái vụ án theo cách của ông ấy”
– Ôi, thật thế sao? – hàng chục người trong phòng xét xử xôn xao.
Vị thẩm phán tiếp lời:
– Còn luật sư của bên nguyên đơn lại đưa cho tôi 10.000 đôla để lái theo cách của cô ta.
Phòng xử im lặng lắng nghe.
– Vì vậy, để tránh trường hợp đưa ra những phán quyết không đúng và đảm bảo sự công bằng trong việc xét xử, tôi xin phép được trả lại 5.000 đôla cho bên bị cáo. Ai có ý kiến gì nữa không?
Nhận định về sách lược tân TT Donald Trump tái lập vị thế lãnh đạo Trật tự Thế giới Tự do: ”Làm cho Nước Mỹ Vĩ đại Trở lại.”
Bác sĩ Mã Xái
Trật tự thế giới đang chứng kiến nhiều đổi thay. Thế quân bình quyền lực toàn cầu thành lập sau Thế chiến II đang bị đe doạ hơn bao giờ hết. Vị thế lãnh đạo thế giới tự do của Hoa Kỳ đang bị thử thách. Chánh sách ngoại giao Obama quá mềm yếu, đặt Hoa Kỳ trong thế co cụm trước sự lấn áp, tấn công khắp nơi từ phía Nga, từ các lực lượng khủng bố ISIS, từ phía Trung Cộng ở Biển Đông. Trong nước, một bộ phận lớn lao dân chúng Hoa Kỳ bất mãn nếu không nói là oán giận các giới lãnh đạo tinh hoa cầm quyền đã dứng lên đòi ”thay đổi“.
Ý dân là ý trời! Nhà tỷ phú Donal Trump lại được nhơn dân bầu chọn, dựa trên phương châm ”Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” nhưng cho “Nước Mỹ trước hết”.
Hãy bỏ qua những ngôn từ đàm tiếu hay ý nghĩa của “American First” theo dòng lịch sử đối ngoại của Hoa Kỳ từ sau các đại chiến thế giới mà nên nhìn và nghe những gì ông Trump tuyên bố, những gì các cộng sự, cố vấn, thành viên chánh phủ của ông phát biểu về đường hướng ngoại giao, cũng như vấn đề nội bộ của nước Mỹ.
Chiến lược đi vào Nhà Trắng của Donald Trump quả thật đánh dấu một bước ngoặt bất thường trong truyền thống bầu cử Mỹ, và ít ai nắm chắc được việc Trump sẽ làm, trước khi ông thực sự nắm quyền lãnh đạo nước Mỹ (20-01-2017).
Con đường đấu tranh: “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, nhưng “Nước MỸ trước hết.”
Trump đắc cử Tổng thống đã gây ngạc nhiên không ít cho giai cấp tinh hoa lãnh đạo của cả hai đảng Dân chủ và đảng Cộng Hoà, ông thắng khá dễ dàng các ứng viên tổng thống cùng đảng với ông trước khi đánh bại ứng viên đảng dân chủ Hilary Clinton. Cung cách vận động tranh cử của ông không giống ai, nó đi ngoài thông lệ của nền chánh trị truyền thống Mỹ. Suốt quá trình vận động, Trump lập đi lập lại phương châm thời thượng đánh trúng vào tim đen của từng lớp cử tri lớn lao bị chánh quyền quên lảng trên mấy thập niên, với nhiều nổi bất bình ít ra từ thời Clinton cho đến lúc Obama đưa “trật tự thế giới tự do” đi vào hồi kết; phương châm của Trump có vẻ giản dị “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, “Nước Mỹ trước hết”. Trump chỉ trích toàn cầu hoá, di dân, biên giới mở, xã hội mở, ông hứa xây tường cao dọc theo biên giới Mễ Tây Cơ, ông chủ trương bảo hộ mậu dịch, tăng thuế nhập khẩu, có thể lên 45% đối với Trung Cộng mà ông cho là kẻ thao túng tiền tệ; ông cố tình khiêu khích Bắc Kinh, nhận điện đàm với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, lại còn đe doạ đảo ngược chánh sách “Một nước Trung Hoa”, Nhưng ông không úp mở viêc thân thiện với tổng thống độc tài Putin (mà theo báo cáo tình báo Hoa Kỳ, Putin đã tìm cách giúp cho Trump đắc cử); ông quyết tâm khoá sổ TPP và xét lại hiệp ước mậu dich tự do NAFTA, ông khuyến khích các doanh nghiệp Mỹ đang đầu tư hải ngoại trở về phục vụ nền kinh tế bản xứ, tạo thêm công ăn việc làm cho tầng lớp lao động; Trump phản đối quyết liệt việc Obama cho nhập cư người tị nạn Hồi giáo và ngay sau khi đắc cử, Trump đã mời tướng Micheal Flynn giữ vai trò cố vấn an ninh quốc gia. Vị tướng này đã từng tuyên bố nước Mỹ đang trong tình trạng ”chiến tranh toàn cầu” với ISIS và chủ trương hợp tác với mọi đồng minh nào muốn tham gia cuộc chiến kể cả với tổng thống độc tài Putin, ý kiến này quả phù hợp với khẩu vị của Trump chống triệt để bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan. Ông chủ trương tháo gở Obamacare, giảm thuế, tăng chi phí quốc phòng, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng cơ sở. Phần lớn Trump miệt thị di sản của vị tổng thống tiền nhiệm.
Ông ủng hộ Brexit; chủ nghĩa dân tuý (populism) không chỉ hồi sinh ở Mỹ với Trump mà đã xẩy ra bên kia bờ Bắc Đại Tây Dương. Anh quốc đã biểu quyết rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU); Trump cũng từng tuyên bố mình là thân hữu của Nigel Farage, một chánh khách Anh, chủ trương Brexit; Farage là cựu chủ tich Đảng Độc Lập Vương quốc Anh (UKIP), tuyên bố sẽ đến Washington dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống. Trên những tweets mở đầu cuộc vận động, Trump kỳ quặc tự gọi mình là “Mr Brexit”, (nguồn: tờ the guardian ngày 18/08/2016).Tại Pháp bà Marine Le Pen, khuynh hướng dân tuý, chủ tịch đảng Quốc Gia (NF = National Front) cực hữu của Pháp tuyên bố sự thắng cử của Trump sẽ tăng cơ may cho NF giành chiếc ghế tổng thống Pháp năm tới, vì nó cho thấy những gì người dân muốn, họ sẽ được; đó là dấu hiệu của hy vọng cho những người không thể chịu được hậu quả của toàn cầu hoá hoang dã. Họ không thể chịu được cuộc sống chánh trị do giới thượng lưu dẫn dắt như bấy lâu nay. Ứng viên tổng thống Marine Le Pen tin tưởng ảnh hưởng dân tuý sẽ gia tăng trong các cuộc bầu cử ở Pháp, và thực ra nó đã lan dần sang Ý, Ba Lan, Hungary… Hiện tượng Donald Trump lại đang tác động làm thay đổi môi trường chánh trị Âu Châu.
Trump và phương châm “Nước Mỹ trước hết“ trong tình trạng Trật tự thế giới tự do đang lung lay?
Tân Bộ trưởng Quốc phòng, tướng về hưu 4 sao James Mattis, do Trump đề cử, phát biểu trước phiên điều trần trước Uỷ Ban Quân vụ Thượng viện (ngày 01/12/2016) rằng thế quân bình quyền lực toàn cầu thành lập sau Thế chiến II đang bị đe doạ hơn bao giờ hết, rằng Hoa Kỳ đang bị tấn công lớn lao từ phía Nga, từ các nhóm khủng bố, từ các động thái mà Trung Cộng đang thực hiện ở Biển Đông; ông còn thêm các lực lượng vũ trang Mỹ hiện không đủ manh để đối phó, trong khi cần tăng cường sách lược” răn đe”.
Phải chăng vị thế lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ đang thu mình co cụm, mất lần ảnh hưởng từ mấy thập niên qua và tệ hại hơn nũa từ thời Obama, khiến nền tảng của trật tự thế giới tự do dưới sự lãnh đạo của siêu cường Hoa Kỳ đang bị lung lay, nguy cơ đưa đến sụp đổ? Liệu sách lược với phương châm “Nước Mỹ trước hết (American First) Trump tuyên bố làm nền tảng trị quốc đủ làm “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make American Great Again) trong khi trật tự thế giới dang lung lay?
Thật vậy, trật tự thế giới đang chứng kiến nhiều đổi thay. Giám đốc Tình báo Quốc Gia Hoa Kỳ James Clapper (dưới thời TT Obama) đã phát biểu với các chuyên gia về chánh sách và tình báo khi ông mô tả môi trường an ninh thế giới hiện nay là một mảng phức tạp và đa dạng của các mối de doạ mà ông đã phải đối mặt qua 53 năm trong nghiệp vụ của mình. Chiến thắng của Mỹ dường như hiếm hoi, đau đớn trong giành chiến thắng và thường thoáng qua. Ngược lại những cường quốc đang lên Nga, Trung Cộng liên tiếp tấn công Hoa Kỳ trên các lãnh vực không gian ảo, cả trên thượng tầng ngoài không gian; và Bắc Kinh không hề bị trừng phạt khi tự cho mình quyền làm chủ “con đường chín đoạn”, không tuân thủ phán quyết Toà án Trọng tài Quốc tế; còn Nga quay thì trở lại chế độ độc tài đang mưu tìm làm một trật tư mới tại Âu châu. Hai cựu tướng Clapper và Mattis gặp nhau trên nhận thức Trung Cộng là nguy hiểm cho Hoa Kỳ và thế giới.
Cũng xin nhắc lại “trật tự thế giới” sau Thế chiến Hai được các chuyên gia chánh sách Hoa kỳ và Tây phương thiết kế, hy vọng và tin tưởng tạo nên nền móng cho thị trường tự do, tôn trọng quyền của con người, cổ võ pháp trị (rule of law), nhà nước do dân bầu, ngành tư pháp đôc lập, tự do báo chí, xã hội dân sự cũng bùng lên. Các định chế Bretton Woods gồm Ngân hàng Thế Giới (WB), Quỷ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) thành hình nhằm xây dựng lại nền kinh tế đổ nát thời hậu chiến, khuyến khích hợp tác kinh tế, thương mãi quốc tế; IMF, WB, Ngân hàng phát triển Á Châu đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế thế giới và giúp các quốc gia đang phát triển. Bretton Woods cũng đã gợi ý thành lập tổ chức thương mãi quốc tế, nhưng mãi đến 1990s WTO mới thành lập. Lúc bấy giờ, các nhà thiết kế chánh sách Tây phương tin tưởng thị trường mở chắc chắn sẽ dẫn đến dân chủ và nhiều trường hợp đã xẩy ra, dân chủ tự do đã lần lần lan rộng trên châu Âu, sang châu Á, Mỹ-Latinh, Phi châu Nam-Sahara; theo Freedom House số các quốc gia theo thể chế dân chủ đã tăng từ 44 năm 1997 lên gắp đôi (86) trong năm 2015. Lý tưởng tự do đưa tới việc hình thành Toà Án Hình Sự Quốc tế (ICC) năm 1998. Năm 2005, trât tự thế giới bước thêm một bước cao hơn: Đại Hội đồng LHQ chuẩn thuận “trách nhiệm bảo vệ” (responsibility to protect, viết tắt R2P) là một cam kết chính trị toàn cầu đã được tất cả thành viên LHQ xác nhận để ngăn chăn tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh lọc sắc tộc (ethnic cleansing), và tội ác chống nhơn loại.
Trật tự thế giới dưới sự lãnh đạo của siêu cường Hoa Kỳ đã tạo nên sự ổn định và thạnh vượng trong nhiều thập niên thì bắt đầu lung lay; theo nhà khoa hoc chánh trị Larry Diamond thì dân chủ bắt đầu sựng lại nếu không phải là suy thoái kể từ năm 2006, với cuộc khủng hoảng tài chánh với các chương trình cứu trợ tài chánh của ngân hàng (bank bailout) từ năm 2008, những cuộc bạo động mang tính dân tuý, sự hồi sinh của chủ nghĩa độc tài. Nền kinh tế tư bản mở, toàn cầu hoá ,tự do mậu dich, đầu tư, di dân từ đó cũng bắt đầu bị chỉ trich là chỉ mang lại thạnh vượng quốc gia mà sự thật là cho giới tinh hoa lãnh đạo, giới thượng lưu giàu có, nó không đến với đại đa số bộ phận trong xã hội nạn nhơn của sự bất bình đẳng và giảm sút phúc lợi xã hội. Toàn cầu hoá cũng bị kết án liên hệ đến sự thay đổi khí hậu, ô nhiễm môi sinh và sự lan tràn đại dịch (Ebola, Zika) vượt quá khả năng kiểm soát của một chánh phủ duy nhứt để kiểm soát.
Nhiều thập niên qua, dưới cây dù an ninh của Mỹ, Hoa Kỳ và đồng minh dân chủ đã đánh bại chủ nghĩa phát xít rồi sau đó là vứt bỏ cái nôi của chủ nghĩa cộng sản, nhưng lạc quan của những thập niên 1990s đã héo dần cho những bi quan càng ngày càng lớn về trật tự tự do hiện tại khi tư tưởng truyền thống biệt lập nhen nhúm trong trong giới lãnh đạo Hoa Kỳ. Cụ thể, cuộc chiến tiêu hao ở Afghanistan và Iraq mà tới nay Hoa Kỳ vẫn chưa ra khỏi vũng lầy, tiếp theo tình hình hổn loạn sau sự can thiệp vào việc lật đổ chế độ Gaddafi ở Lybia, Obama đã lượng định lại vai trò của Mỹ trên chánh trường quốc tế, ông đã đưa ra chủ trương “co cụm“, từ biệt vai trò “cảnh sát quốc tế”; ông khuyến khích đồng minh gánh vác trách nhiệm nhiều hơn ở Âu châu cũng như tại Trung Đông, Obama chủ trương ”lãnh đạo từ phía sau” trong cuộc chiến chống ISIS, né tránh vai trò lãnh đạo truyền thống của Mỹ; trong hồ sơ Syria, Obama đã thu mình ”lùi lại phía sau lằn ranh đỏ,” nhượng bộ trước thế lấn lướt của nhà độc tài Putin hết lòng bảo vệ Bashar al-Assad, kẻ đang giết hại đồng bào mình.
Như tướng Mattis đã nhận định, Trung Cộng và Nga là hai cường quốc xung kích trên đà tiến lên, tạo những thách thức vào thành trì trật tự quốc tế tự do, trước một Obama quá mềm yếu trong các vấn đề quốc tế, trong tám năm ông cầm quyền.
Liệu Trump sẽ tái lập nổi tư thế lãnh đạo thế giới khi nó sắp vuột khỏi tằm tay?
Từ lập trường dân tuý để thắng cử đến chánh sách đối ngoại thực tiển của tân Tổng thống Donald Trump khi bước vào Nhà Trắng.
Bản thân là nhà tỷ phú doanh thương, khi bước vào Toà Bạch Ốc, Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt trước nghìn trùng vấn đề thế giới, quốc nội và hàng loạt vấn đề khác hơn là những điều mà ông đã đề cập trong chiến dịch tranh cử. Với một quốc gia có nề nếp dân chủ truyền thống, Quốc Hội Hoa Kỳ dù là phe Cộng hoà thống trị, không phải Trump có thể thực hiện được hết những gì ông muốn; và thế giới kể cả thế lực đang tấn công vào thành trì dân chủ (Trung Cộng, Nga, IS…) cũng không nhứt thiết dễ dàng cho Tổng thống Trump thực hiện những gì mà ông dự tính.
Ngay đối với cộng sự viên của mình bao gồm những cố vấn, thành viên chánh phủ, Trump cũng đã phải thoả hiệp quan điểm vì lợi ich quốc gia, dù mọi người đều biết ông là một nhân vật có bản lãnh cứng rắn, nhưng phản ứng nhiều lúc bất thường, cho nên không nên mong chờ sự nhứt quán nơi vị lãnh tụ khá độc đáo này trong lịch sử các đời Tổng thống Mỹ.
Điều quan trọng của nền móng dân chủ tự do truyền thống như nền dân chủ Hoa Kỳ vẫn là năng lực và ý chí của nhơn dân Mỹ đễ lãnh đạo. Nhơn dân Mỹ đã chọn Trump, chấp nhận đường lối xây dựng đất nước của Trump. Vì lý do đó mà các đồng minh của Mỹ ở châu Âu châu Á, của cả thế giới tự do theo dõi cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 của Mỹ với tâm trạng đầy lo âu về quan điểm của ông đối với các chương trình nội chính và sách lược đối ngoại đặc biệt trên hồ sơ quan hệ với Nga, quan hệ Washington-Bắc Kinh, về những cam kết dở dang “xoay trục“ về châu Á của tổng thống tiền nhiệm.
Nhìn qua cách Trump tuyển chọn ê-kíp cố vấn, thành phần nội các và chuyên chú theo dõi các buổi điều trần trước các uỷ ban Thượng Viện Hoa Kỳ của nhóm gạo cội trong tân chánh phủ cho ta thấy rõ những điều chỉnh hay cả những mâu thuẩn đối với đường lối ngoại giao mà Trump đã tuyên bố trong giai đoạn tranh cử. Nhìn chung, ê-kíp quanh ông đều cho Nga và Trung Cộng là hai cường quốc đang làm xoi mòn nền tảng trật tự tự do dân chủ Tây phương mà tân chánh phủ phải đặc biệt quan tâm, bên cạnh là các lực lượng khủng bố, quá khích Hồi giáo.
Tổng thống Nga Putin đã chỉ đạo tin tặc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, nhưng Trump làm mọi người bất mãn khi chủ trương hoà giải với nhà độc tài Putin, ông còn tuyên bố nên trả lại Crimea cho Nga; ông từng tuyên bố NATO đã lỗi thời và Hoa Kỳ sẽ không bảo vệ thành viên nào không đóng góp tài chánh. Trump nói sẽ “tái khởi động” (Reset) mối bang giao hửu hảo với Kremlin; trong thế chẳng đặng đừng ông đồng ý biện pháp Obama trừng phạt Nga về tội đã dùng tin tặc tấn công nền dân chủ Hoa Kỳ, nhưng nói không nên kéo dài quá lâu, và Hoa Kỳ nên dỡ bỏ lịnh trừng phạt, cấm vận nếu Nga thực tâm hổ trợ Hoa Kỳ cuộc chiến chống khủng bố và giúp Hoa Kỳ đạt được các mục tiêu quan trọng khác; Trump muốn áp dụng sách lược thời Chiến Tranh lạnh, khi cập bài trùng Nixon-Kissinger dùng lá bài Trung Cộng (1972) chống lại Liên Xô thì ngày nay, ông muốn dùng lại lá bài Putin, kéo Nga về với mình để chọi lại Trung Cộng, một địch thủ nguy hiểm đáng quan tâm. Trump đã có lần phát ngôn “chỉ có kẻ đần độn, ngu ngốc mới cho rằng quan hệ với Nga là xấu”.
Trái với quan niệm thân Nga của Trump, tân Bộ trưởng Ngoại Giao Rex Tillerson, trong buổi điều trần tại Uỷ ban Ngoại Giao Thượng Viện Hoa Kỳ để được chuẩn nhận, trình bày rằng cần phải báo động với NATO về sự trổi dậy nguy hiểm của Nga và rằng đối thoại cởi mở, thẳng thắn với Nga về tham vọng của Nga là cần thiết để Hoa Kỳ có thể lên kế hoạch đối phó, rằng Hoa Kỳ có nhiệm vụ cam kết bảo vệ đồng minh Bắc Đại Tây Dương của mình; ông Tillerson cũng cho biết ông không ủng hộ việc Crimea sáp nhập Nga. Càng ngạc nhiên hơn, ông Rex Tillerson tuyên bố rằng ông không chống Hiệp ước TPP.
Các quan điểm xích lại với Nga trong lúc vận động tranh cử đã có phần điều chỉnh, nếu không nói là mâu thuẫn; không chắc ông tân Ngoại trưởng Rex Tillerson đã hội ý trước với tổng thống Trump. Lập trường của Ngoại trưởng Tillerson trong quan hệ quan hệ với Nga, với NATO, với Âu châu có vẻ phù hợp với quan điểm truyền thống bảo thủ của đảng Cộng Hoà.
Đối với Trung Cộng, ngược lại, chánh sách cứng rắn của Trump đối với Trung Cộng được khai triển đúng mức do tài lãnh đạo của Tillerson tại buổi điều trần trước Uỷ Ban Ngoại Giao Thượng Viện Mỹ. Chưa từng thấy nội các nào tập trung được nhiều nhà triệu phú đầy mưu lược, với nhiều tướng lãnh tài ba cở “Mad Dog” J. Mattis và chuyên gia kinh tế thượng thặng Peter Navarro đã từng cảnh báo thế giới về viễn ảnh “Death by China” mà tân Tổng thống Trump bổ nhiệm chủ tịch Hội đồng Thương Mại quốc gia tại toà Bạch Ốc.
Trump đã từng tuyên bố sẽ đạt cho bằng được một quan hệ mậu dịch công bằng và cân bằng, giải quyết vấn đề Bắc Kinh thao túng tiền tệ qua đó TC đẩy mạnh xuất cảng hàng hoá kém phẩm chất sang Mỹ, ông Trump doạ tăng thuế nhập khẩu đến 45%, ông chỉ trích mạnh mẽ về chánh sách công nghệ chèn ép các công ty ngoại quốc đầu tư tại Trung Quốc, về chuyện ăn cắp quyền sở hửu trí tuệ, công ăn việc làm của lao động Hoa Kỳ. Thêm vào đó, hai Bộ trưởng Tài Chánh (Steven Mnuchin, cựu lãnh đạo tập đoàn tài chánh Goldman Sachs) và Bộ trưởng Thương Mại (Wilbur Ross, nhà tỷ phú đầu tư) được Trump bổ nhiệm tăng cường ban tham mưu chánh sách kinh tế tài chánh trong đó có sự xét lại chủ trương bảo hộ mậu dịch và các thoả thuận thương mãi đa phương (như TPP và NAFTA). Trump nhiều lần tuyên bố giao dịch mậu dịch thông qua đàm phán song phương sẽ đem lại lợi ích cho Hoa Kỳ, điều này sẽ giúp Trump chỉnh lại mức thâm thủng mậu dịch hữu hiệu hơn, đặc biệt là đối với Trung Cộng.
Trong hồ sơ Biển Đông, tân Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng như tân Bộ trưởng Quốc phòng Mattis ủng hộ lập trường cứng rắn của tân Tổng thống. Rex Tillerson nói với Uỷ Ban ngoại giao Thượng Viện Mỹ việc Trung Cộng xây đảo nhơn tạo ở Biển Đông là “phi pháp” cũng như việc Nga chiếm Crimée, và Washington cần gởi một tín hiệu cho Bắc Kinh phải ngưng ngay việc xây đảo nhơn tạo, và không được tiếp cận các đảo đó, ông Tillerson nói lập trường cứng rắn hơn là cần thiết để răn đe Trung Cộng đi quá đà sau này. Nhưng ông không nói rõ là sẽ thực hiên như thế nào. Theo John Glaser thuộc Viện Nghiên cứu Cato, đề nghị của Tillerson quả khó thực hiện. Ông Obama quá thụ động, phản ứng luôn chậm trể, để Tập Cận Bình lấn chiếm gần trọn Biển Đông; ông Trumps có thể tái thực hiện chiến dịch tuần tra tự do lưu thông hàng hải (FONOPs) nhưng FONOP không có nghĩa là có thể đảo ngược được những gì Tập Cận Bình đã thực hiện ở Biển Đông. Ông Trump có hứa xây dựng lại lực lượng võ trang, đề nghị tăng ngân sách Quốc phòng, đăc biệt cho Hải quân và Không lực trong bối cảnh bất ổn trong khu vực Á châu-Thái Bình Dương. Trong khi Tập Cận Bình nhiều lần nhắc Biển Đông là sân sau của Trung Cộng, các đảo trong “Đường chín đoạn” thuộc về Trung Cộng, Tập cũng bất chấp phán quyết của Toà Trong Tài quốc tế (PCA) đã từng bác bỏ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh. Ông Tướng Mad Dog J. Mattis cũng cho thấy mối quan tâm về đường lối hung hăng của Trung Cộng. Trump cũng tiếp tục khiêu khích Bắc Kinh với lá bài địa chánh trị Đài Loan. Ông Bill Gaston thuôc viện nghiên cứu Brookings cho thấy TC sẽ trả đủa nếu Hoa Kỳ áp đặt các điều kiện mới. Động tác chận bắt tàu ngầm không người lái của Mỹ ở Biển Đông và chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh tâp trận trên con đường huyết mạch quốc tế và cũng đã vượt ra khỏi Chuổi Đảo Thứ Nhứt, là những tín hiệu mà Tâp muốn chuyển tới tân Tổng thống.
Một hồ sơ quan trọng nữa là hồ sơ TPP một cột mốc của sách lược “xoay trục“ về châu Á mà Obama ôm ấp suốt hai nhiệm kỳ lại bị ứng viên Tổng thống Trump và Hilary Clinton đều đòi khoá sổ. Nhưng điều làm mọi người suy nghĩ khi Ngoại trưởng Rex Tillerson do Trump đề cử, nhà cựu CEO Exxon Mobil, nói trước Uỷ Ban Ngoại Giao Thượng viện (12-01-2017) là ông không chống lại Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, phải chăng ông Tillerson định mở con đường cho việc chánh phủ Trump tái xét lại hay chỉnh lại TPP? Trái với Trump hai đồng minh cật ruột là Nhựt Bổn và Úc nhứt định xúc tiến công việc để thưc hiện TPP; sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Malcolm Turbull và Thủ tướng Shinzo Abe công bố một tuyên bố chung nhấn mạnh rằng việc thực hiên TPP vẫn là một ưu tiên không thể vì những lợi ich chiến lược quan trong do nó cung cấp. Trong tám năm qua Obama nhân nhượng để Bắc Kinh lấn lướt trên sân chơi kinh tế, nay Trump nếu lại rút lui ra khỏi TPP thì điều đó sẽ là cơ hội ngàn năm một thuở để Tập Cận Bình điền vào chỗ trống, TC sẵn sàng hướng tới xây dựng khu vực thương mại tự do Châu Á Thái Bình Dương. Hiệp hội Đối Tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP do Trung Cộng kéo đầu tàu gồm 16 quốc gia thành viên, một mạng lưới mậu dịch tự do qui mô, tuy chưa hội đủ chuẩn mực của hiệp ước thương mại cao của thế kỷ 21 so với TPP, nhưng nhìn lại nó bao gồm hết 10 nước ASEAN và thêm vào đó là những đồng minh hoặc đối tác thân hửu của Hoa Kỳ (Úc, Nhựt, Ấn độ, Nam Hàn, New Zealand); chúng ta không tin Trump lại quay về chánh sách bảo hộ lạc hậu của những năm 1930s với chánh sách biệt lập (isolationism) để mở rộng đường cho Trung Cộng thực hiện tham vọng bành trướng ảnh hưởng, thủ vai thuyền trưởng trong khu vực Châu Á Thái Binh Dương, cộng hưởng với sáng kiến “Một Vòng Đai Một Con Đường” một kế hoạch cả ngàn tỉ Mỹ Kim nối liền châu Á với châu Âu, và một định chế tài chính lớn lao AIIB Ngân hàng Đầu tư Cơ Sở Hạ Tầng Á châu nhằm tài trợ các chương trình phát triển cho khu vực Á Châu Thái Bình Dương, độc lập với các định chế tài chánh Bretton Woods lãnh đạo bởi Tây Phương (IMF, World Bank); hai đại cường kinh tế Mỹ và Nhựt đã từ chối gia nhập.
Chiến lược xoay trục qua Châu Á không thể bỏ dỡ, Obama đã thất bại vì chánh sách quá mềm yếu với Trung Cộng ở Biển Đông, không tạo được lòng tin chiến lược khiến khối ASEAN tan nát, một số phải tìm đường sống, một đồng minh lâu năm Phi Lippine đi với Băc Kinh, theo sau là Malaysia, Thái lan, cũng như Cam-bốt, Lào luôn là đối tác tin cậy của Trung Cộng; còn CSVN thì đã tự nguyện với “vòng kim cô 16 chữ vàng bốn tốt”. Lời phát biểu cứng rắn của vị tân Ngoại trưởng Rex Tillerson về Biển Đông, biết rõ sự cần thiết phải dằn mặt Trung Cộng, chống lại việc TC quân sự hoá và bành trướng tại Biển Đông của Bộ trưởng Mad Dod J. Maittis, một vị tướng 4 sao nổi tiếng chỉ biết tiến không bao giờ lui; và Đô đốc Harry Harris Thuộc Bộ tư lênh Thái Binh Dương luôn gắn bó với tình hình an ninh ASEAN, Peter Narrawo, chủ tịch Hội Đồng Thương Mãi Quốc gia, tất cả sẽ hỗ trợ chánh sách xoay trục về Châu Á. Rex Tillerson không phản đối TPP, hiệp hội thương mãi tự do đa phương có cơ điều chỉnh; một ngân sách tăng cường như Trump đề nghị cho quốc phòng sẽ giúp hoàn tất kế hoạch tái cân bằng/xoay trục của chánh phủ Obama.
Thay lời Kết
Quản trị một siêu cường như nước Mỹ có một truyền thống dân chủ ổn định lâu đời sẽ phải khác với những điều ông Trump đề cập tới trong chiến dịch tranh cử; tân Tổng thống Trump có một bộ tham mưu kinh tế và quân sự hùng hậu, cấp tiến sẽ cố vấn ông đẩy mạnh chánh sách ngoại giao khôn khéo phối hợp với cải cách trong nước nhằm ổn định tình trạng chia rẽ trong xã hội, sẽ làm sống lại tư thế lãnh đạo trật tự thế giới tự do; với dàn lãnh đạo mưu lược, tài ba Trump và nội các mới sẽ có thể tạo lại thế cân bằng quyền lực toàn cầu; Trump ở vị thế thuận lợi để thương lượng với Nga, hoà giải trong thế mạnh đưa tới sự ổn định cho Âu châu, và dồn nỗ lực ngăn chặn tham vọng trổi dậy không hài hoà của Trung Cộng.
Niềm tin Tổng thống Trump sẽ phải tranh đấu và bảo vệ một thế giới trong trật tự, hoà bình, tiến bộ dựa trên nền tảng của một thế giới mở tôn trọng pháp luật và quyền con người.
17-01-2016
Tài liệu tham khảo:
-“Trump and American Populism” by Micheal Kazin /FOREIGN AFFAIRS-November/December 2016.
-“ Trump’s declaration he’ll be ‘MR Brexit’ open speculation floodgates on Tweeter” theguardian -August 18 2016
-“Will the Liberal Order Survive”? by Joseph S.Nye, Jr/FOREIGN AFFAIRS-January-February 2017.-
“Is the Foundation of the US-led Order Scrumbling” by Michel J. Green( in collection of essays “ 2017 Global Forecast”/ CSIS-December 15, 2016
-”World order 2.0 “ by Richard Hass: Traditional principles of international order need to be adapted to deal with an increasingly interconnected wordl./ Foreign Affairs Juanary/February 2017
-“Rex Tillerson”s South China Sea Proposal Won’t Work” by John Glaser / THE DIPLOMAT Jan 14,2017.
_ “The Fault Lines in Vietnam’s Next Political Struggle” by Zachary Abuza /THE DIPLOMAT –December 23,2016.
-“Trung quốc dựa vào Kissinger để tìm hiểu Trump” do Ngô Việt Nguyên Biên dịch đăng trên Nghiên Cứu Quốc tế ngày 16-01-2017; Nguồn: “ China, Grappling with Trump, turns to ’Old Friend’Kissinger.
-DEATH by CHINA-Confronting the Dragon-A Global Call to Action by Peter Navarro and Greg Autry; Published May 15-2011
Hoàng Đế Quang Trung và Chiến thắng Xuân Kỷ Dậu
Phạm Đức Duy
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó ngựa xe tan tác
Đánh cho nó mảnh giáp không còn
Đánh cho nó biết rằng nước Nam anh hùng là có chủ” (1)
Đó là những lời trong chiếu dụ xuất quân của Hoàng Đế Quang Trung tại Phú Xuân (Huế) trước lúc xuất quân ra Bắc vào những ngày cuối năm Mậu Thân (1788) để đánh đuổi hơn mấy chục vạn quân Thanh xâm lược do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị, Thái thú Điền Châu Sầm Nghi Đống, Đề đốc Quảng Tây Hứa Thế Hanh cùng thừa lệnh vua Càn Long đang chiếm đóng Thăng Long (Hà Nội) với danh nghĩa “phù Lê Chiêu Thống”.
Tục truyền ngay trong ngày lễ đăng quang tế trời đất, vua Quang Trung sai lập đàn, bày hương án, khói hương nghi ngút, mang đến một cái mâm phủ vải điều, trên để 200 đồng tiền, rồi truyền với tướng sĩ ba quân hãy cùng Ngài chứng kiến khi hất tung xuống đất nếu tất cả đồng tiền đều sấp thì đó là điềm Trời cho biết quân Đại Việt ta sẽ đại thắng, nếu chỉ cần một đồng ngửa thì đại sự có điều trắc trở. Sau đó, Đức Vua chắp tay cung kính khấn vái, rồi hất tung mâm tiền xuống sân… tất cả các đồng tiền đều nằm sấp. Tướng sĩ trên dưới mừng rỡ hò reo vang rền, đồng lòng tin tưởng vào chiến thắng quân xâm lược. Thực ra, “điềm trời” đó là “mưu kế” của vua Quang Trung đã bí mật sai đúc riêng những đồng tiền này đều có hai mặt sấp để động viên tinh thần, tạo niềm tin tất thắng cho ba quân.(2)
Cuối tháng 11 năm Mậu Thân (cuối tháng 12, 1788), Hoàng Đế Quang Trung xuất quân bắc tiến. Khoảng 4 ngày sau, đoàn quân Đại Việt đến Nghệ An và nghỉ ngơi khoảng 10 ngày để tuyển mộ thêm quân sĩ lên tới khoảng 10 vạn, Vua chia quân thành 5 đạo và đội tượng binh với 200 voi thiện chiến. Sau lễ duyệt binh phô trương thanh thế và để khích lệ ý chí quyết chiến của tướng sĩ, vua Quang Trung tiếp tục dẫn quân lên đường.
Khoảng 10 ngày sau, 20 tháng Chạp năm Mậu Thân (15.01.1789), đại quân của vua Quang Trung đã ra đến Tam Điệp, phía nam của Ninh Bình, gần vùng Hoa Lư, chỉ cách Thăng Long trên 100 km. Sau khi dò xét tình hình, Vua hẹn cùng ba quân ngày mồng 7 Tết sẽ quét sạch quân xâm lược và ăn Tết ở Thăng Long, rồi ra lệnh 5 đạo quân lên đường tấn công các đồn địch lân cận và thành Thăng Long. Một đạo do Đô đốc Nguyễn Tăng Long chỉ huy tập kích đồn Khương Thượng và phía tây Thăng Long. Đạo quân của Đô đốc Đặng Xuân Bảo tiến đánh các đồn phía nam thành Thăng Long. Trung quân do đích thân Hoàng Đế chỉ huy, phối hợp với Đô đốc Bảo đánh diệt các đồn phía nam Thăng Long. Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết và Đô đốc Nguyễn Văn Lộc lãnh hai đạo quân theo đường thủy hướng Bắc, chặn đường lui của quân Mãn Thanh ở phía bắc sông Hồng.(3)
Đêm trừ tịch, quân Đại Việt diệt đồn Gián Khẩu của quân Lê Chiêu Thống trên đường từ Vân Sàng -thuộc Ninh Bình bây giờ- về kinh thành. Vua Quang Trung sau đó lần lượt hạ đồn Nguyệt Quyết ở vùng Thanh Liêm Hà Nam, rồi đồn Nhật Tảo thuộc vùng Duy Tiên Hà Nam. Quân địch tại đồn Hạ Hồi, chỉ cách kinh thành Thăng Long 20 km về phía nam, bị vua Quang Trung vây chặt, ra lệnh quân lính reo hò vang trời. Quân Thanh lầm tưởng quân Đại Việt rất lớn nên mất nhuệ khí và xin đầu hàng. Vua Quang Trung chiếm được Hạ Hồi với toàn bộ lương thực, khí giới của quân Thanh vào ngày mùng 3 Tết Kỷ Dậu (28.01.1789).
Hôm sau, mùng 4 Tết (29.01), vua Quang Trung tiến đến trước trại quân lớn nhất của Mãn Thanh tại Ngọc Hồi do Hứa Thế Hanh, Thượng Duy Thăng, Trương Triều Long chỉ huy, và được tăng cường lên đến trên 30 chục vạn quân tinh nhuệ, hỏa lực mạnh, ngoài lũy đất còn có hàng rào chông sắt, địa lôi. Ngọc Hồi là tiền đồn kiên cố, then chốt của giặc để phòng thủ bảo vệ kinh thành Thăng Long về phía nam.
Vua liền chia quân thành hai cánh: cánh chính do chính Ngài chỉ huy, tập trung ở cánh đồng Cung, cánh phối hợp do đô đốc Bảo chỉ huy ở Đại Áng, bố trí mai phục tại cánh đồng gần Đầm Mực (vùng Thanh Trì, Hà Nội).
Vua Quang Trung ban đầu chỉ hư trương thanh thế, dùng các đội quân nhỏ đánh khiêu khích bên ngoài đồn Ngọc Hồi uy hiếp tinh thần, gây căng thẳng và rối trí cho quân Thanh với chủ ý tạo bất ngờ cho cánh quân của đô đốc Long đánh đồn Khương Thượng. Tôn Sĩ Nghị và các tướng quân Thanh chú tâm vào diễn biến tại Ngọc Hồi mà không nhận ra nguy cơ từ cánh quân của đô đốc Long.
Trong khi đó, Đô đốc Long âm thầm đem quân tiến về phía Sơn Tây, nơi có đạo quân của Đề đốc Mãn Thanh Ô Đại Kinh, thì bất thần rẽ sang phía Nhân Chính và nửa đêm bất ngờ công kích đồn Khương Thượng của Thái thú Sầm Nghi Đống. Các đội tượng binh của Đại Việt dùng súng lớn trên lưng voi bắn vào đồn giặc. Quân Thanh bị tấn công bất ngờ trong đêm tối, chết vô số và đạp lên nhau bỏ thành trốn chạy. Sầm Nghi Đống [6] thấy không thể giữ được đồn, tự sát trên đài chỉ huy ở Loa Sơn (vùng phố chùa Bộc ở Hà Nội ngày nay)
Quân Thanh chết quá nhiều ở quanh đồn Khương Thượng, sau xác chất thành mười mấy gò cao, sử gọi là Gò Đống Đa. Trận diệt giặc đồn Khương Thượng cũng còn được gọi là chiến thắng Đống Đa.
Hạ xong đồn Khương Thượng, ngay trong đêm mùng 4 Tết, Đô đốc Long tức tốc kéo quân tấn công đồn Nam Đồng phía tây kinh thành Thăng Long. Khi Tôn Sĩ Nghị nhận được tin Khương Thượng thất thủ thì quân ta đã diệt xong đồn Nam Đồng và đang tiến vào bản doanh của Nghị ở Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị quá hoảng sợ, vội vàng bỏ mặc tướng sĩ cùng vài võ quan, chui ống đồng tháo chạy sang Gia Lâm. Quân giặc tại kinh thành hoàn toàn hỗn loạn. “Tôn Sĩ Nghị đóng trên bãi cát, được tin bại trận vội vàng cưỡi ngựa một mình chạy về bắc. Tướng sĩ thấy vậy tranh nhau qua cầu mà chạy, cầu đứt, lăn cả xuống sông, chết đến vài vạn người, làm cho nước sông không chảy được.” [4]
Biết Đô đốc Long đã tiến vào Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị đã trốn chạy, lúc này vua Quang Trung mới hạ lệnh công đồn Ngọc Hồi. Mờ sáng mùng 5 Tết (30.01.1789), quân Đại Việt bắt đầu tấn công từ phía nam. Mở đầu, đội tượng binh với trên 100 voi thiện chiến đánh tan hàng phòng thủ của kỵ binh giặc. Tiếp theo, 20 đội bộ binh, mỗi đội 30 cảm tử quân, quấn rơm ướt che mình, ván chắn bằng gỗ, cầm đoản đao, tiến hàng ngang áp sát chiến lũy giặc, để tạo điều kiện cho đại quân tiến lên giáp chiến. Vua Quang Trung dẫn quân tiến vào đồn hỗn chiến. Quân Thanh chống không nổi, chạy tản ra tứ phía, lại giẫm phải địa lôi do chính chúng đặt từ trước nên chết và bị thương quá nửa. Đồn Ngọc Hồi bị quân Tây Sơn thiêu cháy [5]. Đề đốc Hứa Thế Hanh [6], Tả dực Thượng Duy Thăng [6], và Tổng binh Trương Triều Long [6] đều bị giết.
Tàn quân Thanh từ đồn Ngọc Hồi trốn chạy đều gặp quân ta phục dọc đường, và đánh tới từ Đại Áng, rồi tiêu diệt toàn bộ ở đầm Mực. Đạo quân giặc của Đề đốc Ô Đại Kinh đóng tại Sơn Tây, nghe tin chiến trận, chưa giao chiến trận nào, đã mất hồn, gấp rút lui quân.
Phần Tôn Sĩ Nghị [6] cùng Lê Chiêu Thống trên đường đào tẩu cũng bị hai đạo quân của Đô đốc Tuyết và Đô đốc Lộc chặn đánh tơi tả nhiều lần, bỏ lại cả ấn tướng, kỳ bài, sắc thư, đói khát 7 ngày đêm, trước khi thoát khỏi biên giới với vỏn vẹn khoảng 50 quân sĩ. Quân Đại Việt đuổi theo và rao rằng sẽ đuổi qua biên giới đến khi bắt được Tôn Sĩ Nghị và Chiêu Thống mới thôi. Dân chúng nhà Mãn Thanh ở biên giới nghe vậy dắt nhau chạy, suốt vài chục dặm không một bóng người.
Chiều ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30.01.1789), đô đốc Long ra đón, Hoàng đế Quang Trung -áo bào sạm màu khói súng- tiến vào kinh thành Thăng Long cùng đô đốc Bảo và đại quân trong sự chào đón mừng vui vô hạn của thần dân.
Nhà thơ Ngô Ngọc Du thời đó đã mô tả không khí ở kinh thành Thăng Long bấy giờ:
“… Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai thích cánh cùng nhau nói:
Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta” [7]
Từ lúc hạ đồn đầu tiên ở Giản Khẩu vào đêm Trừ tịch đến khi ca khúc khải hoàn tại Thăng Long hôm mùng 5 Tết chỉ trọn 6 ngày! Chiến thắng Xuân Kỷ Dậu 1789 với những trận đánh thần tốc, Hoàng Đế Quang Trung đã phá tan giấc mộng thôn tính Đại Việt của quân xâm lược nhà Thanh từ phương bắc, duy trì sự sinh tồn của dân tộc và nền tự chủ của nước nhà, mở ra một triều đại Tây Sơn hưng thịnh.
Ngày nay, những kẻ chóp bu đương thời của ĐCSVN còn tệ hơn Lê Chiêu Thống, đã, đang, và tiếp tục cam tâm là một nô bọc cho Trung Nam Hải để độc quyền cai trị đất nước. Nguyễn Phú Trọng vừa sang Trung Cộng khấu đầu ký 15 bản văn kiện tiếp tục thần phục ngoại bang nhiều hơn nữa khiến Việt Nam càng bị vướng sâu vào vòng kiềm tỏa của phương Bắc. Chính trường nội bộ Đảng chia rẽ quyền lực, lợi ích trầm trọng hơn thời Hậu Lê với Trịnh – Nguyễn phân tranh. Nền tự chủ và sự sinh tồn của Việt Nam đang càng lúc càng bị đe dọa.
Năm 2017, đón Xuân Ðinh Dậu, cầu mong các lực lượng phản tỉnh, đấu tranh dân chủ, xã hội dân sự trong nước, những tổ chức, cộng đồng người Việt tại hải ngoại, con dân giòng giống Đại Việt khắp nơi, hãy noi gương bậc tiền nhân Anh Hùng Áo Vải Tây Sơn, tạo được sức mạnh tranh đấu cho cá nhân, đoàn thể mình, biến cải để thích ứng và gây dựng được ưu thế trong công cuộc đấu tranh, và biết cách đoàn kết để tạo nên sức mạnh chung của dân tộc, phá bỏ hệ thống độc đảng độc tài toàn trị, ngõ hầu xây dựng một chế độ đa đảng dân chủ pháp trị, đem lại tự do bình đẳng cho dân chúng và đưa đất nước thoát khỏi họa Hán hóa.
Hãy cùng nhau vận dụng chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn!
Nguyên bản: cuối tháng 1, 2015, đăng trên Tập San Tân Ðại Việt số 2/ 2015, Số Đặc Biệt Xuân Ất Mùi
Cập nhật: giữa tháng 1, 2017.
Ghi chú:
[1]: Nguyên văn:
“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng
Đánh cho nó chích luân bất phản (một cái bánh xe cũng không thể trở về)
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn (một mảnh giáp cũng không toàn vẹn)
Đánh cho sử trí Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”
[2]: Theo “Kỳ mưu của Quang Trung” http://www.baobinhdinh.com.vn/datnuoc-connguoi/2006/7/29625/
[3]: Tây Sơn Thất Hổ tướng là danh hiệu của bảy tướng lĩnh, thủ lĩnh quân sự của nhà Tây Sơn ở thời kỳ đầu, gồm có Võ Văn Dũng, Võ Ðình Tú, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu và Nguyễn Văn Lộc.
[4]: Theo Đại Nam chính biên liệt truyện.
An Nam Nhất Thống Chí (Hoàng Lê nhất thống chí) viết: “Nghị lên ngựa không kịp đóng yên, quân sĩ các doanh nghe tin đều hoảng hốt tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu sang sông, xô nhau rơi xuống nước mà chết… Lát sau cầu lại đứt, quân lính bị rơi xuống nước, sông Nhị Hà bị tắc không chảy được…”.
Thánh vũ ký của Ngụy Nguyên nhà Thanh cũng viết: “Sĩ Nghị chạy trốn qua được bờ bắc sông Phú Lương (Tức sông Hồng) liền cắt đứt cầu phao khiến các đạo quân của Hứa Thế Hanh và Trương Triều Long bị bỏ lại ở bờ nam. Do đó hơn một vạn người vừa tướng vừa quân xô nhau nhảy xuống sông để bơi sang bờ bắc và đều bị chết đuối cả”
[5]: Theo Đại Nam chính biên liệt truyện
[6]: Đoàn quân xâm lược của Tôn Sĩ Nghị gồm các danh thần, công tướng của Mãn Thanh đều đại bại dưới tài điều binh khiển tướng của Hoàng đế Quang Trung. Trích theo wikipedia:
Tôn Sĩ Nghị (1720-1796), tự Trí Dã, tự khác là Bổ Sơn, người tỉnh Chiết Giang, là một đại thần của Mãn Thanh. Nguyên là quan văn, đỗ tiến sĩ đời Càn Long. Trải qua các chức vụ như nội các trung thư, thị độc, biên tu, thái thường thiếu khanh. Sau đó tới Sơn Đông làm bố chính sứ rồi đổi sang làm tuần phủ Quảng Tây. Hai lần làm tổng đốc Lưỡng Quảng. Năm 1787, chỉ huy việc phòng ngự tại Triều Châu đề phòng quân khởi nghĩa của Lâm Sảng Văn tại Đài Loan tiến vào Quảng Đông. Chiến dịch đem quân sang Đại Việt của Tôn Sĩ Nghị là một trong mười chiến dịch hành quân lớn (thập toàn võ công) trong đời hoàng đế Càn Long, được ghi lại trong Thập toàn ký (1792) của vị hoàng đế này. Cũng vì thế mà Càn Long tự xưng là Thập toàn lão nhân. Mặc dù thất bại dưới tay quân Tây Sơn, nhưng sau đó Nghị vẫn được phong là nhất đẳng mưu dũng công, là quân cơ đại thần và đảm nhận chức vụ Binh bộ thượng thư. Năm 1791, đổi sang làm tổng đốc Tứ Xuyên, cung ứng quân nhu cho đội quân của Phúc Khang An trong chiến dịch trừng phạt quân đội của người Gurkha tại khu vực ngày nay là Gorkha thuộc Nepal (sử sách Trung Hoa gọi là Khuếch Nhĩ Khách chi loạn). Thời gian sau đó còn dẫn quân trấn áp việc khởi nghĩa của người Miêu và Bạch Liên giáo. Năm Gia Khánh thứ nhất (1796) chết tại trung quân.
Sầm Nghi Đống, người ở Điền châu, là một tướng giỏi của Mãn Thanh. Trước khi sang Việt Nam, làm thái thú Điền Châu ở Vân Nam, hàm ngũ phẩm. Mùa Đông năm 1788, Sầm Nghi Đống dẫn quân Điền Châu của mình tạo thành một mũi quân qua ngã Cao Bằng tiến vào Việt Nam. Vua Quang Trung sau này đã cho mang xác Sầm Nghi Đống trả cho nhà Thanh chôn cất và còn cho phép xây đền thờ ở khu vực phố Đào Duy Từ.
Hứa Thế Hanh là người dân tộc Hồi ở Tân Đô (Thành Đô, Tứ Xuyên), từng thi đỗ cử nhân võ, và giành nhiều công trạng với nhà Thanh trong chiến đấu ở Tây Tạng và Đài Loan. Năm 1776, được triều đình phong làm tổng binh trấn Đằng Việt, tỉnh Vân Nam. Năm 1784, làm tổng binh trấn Uy Ninh, tỉnh Quý Châu. Trong chiến tranh tại Đài Loan năm 1787, có công đánh và bắt được thủ lĩnh lực lượng nổi dậy tại đây là Lâm Sảng Văn, bắt và giết một số chỉ huy khác của quân nổi dậy. Được phong danh hiệu Kiên Dũng Ba Đồ Lỗ, được vẽ tranh treo tại Tử Quang Các. Năm 1788, được phong làm Đề đốc Chiết Giang rồi Đề đốc Quảng Tây. Sau khi tử trận tại Ngọc Hồi, vua Càn Long nhà Thanh truy phong tam đẳng Tráng Liệt Bá, đưa vào thờ trong Chiêu Trung Từ.
Thượng Duy Thăng, người Tương Lam kỳ Hán quân, nguyên quán Hồng Động, Sơn Tây, là tướng nhà Thanh. Thăng là cháu 4 đời của Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ, từ Quan học sanh được thụ Loan nghi vệ Chỉnh nghi úy, trải qua 5 lần thăng tiến, làm đến Quảng Tây Hữu Giang trấn Tổng binh.
Trương Triều Long là người Đại Đồng, Sơn Tây, xuất thân là một kỵ binh trong quân đội Mãn Thanh. Từng chinh chiến tại Miến Điện, Tây Tạng và Đài Loan, anh dũng chiến đấu, lập nhiều công trạng, và từng ba lần bị thương tại các chiến trường nói trên. Long là công thần thứ 31 trong các tướng nhà Thanh lập công tại Đài Loan và được vẽ tranh treo tại Tử Quang Các. Nhờ công trạng tại Đài Loan, được nhà Thanh phong làm Tổng binh tại trấn Nam Áo (Phúc Kiến).
[7]: Nguyên văn toàn bài:
“Giặc đâu tàn bạo sang điên cuồng
Quân vua một giận oai bốn phương
Thần tốc ruỗi dài xông thẳng tới,
Như trên trời xuống dám ai đương
Một trận rồng lửa giặc tan tành,
Bỏ thành cướp đó trốn cho nhanh
Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến,
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh
Mây tạnh mù tan trời lại sáng
Đầy thành già trẻ mặt như hoa,
Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:
“Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta”
*Những chi tiết lịch sử của các trận đánh được tổng hợp theo các nguồn trên internet
Trần Văn Lương
Dạo:
Mịt mù oán khí trời quê,
Năm canh khóc hỏi Xuân về chốn nao?
Thùy Vị Xuân Lai
Nhất niên hựu nhất niên,
Hối dạ hận miên miên.
Bích hỏa huyền cô trủng,
Cuồng nha lộng phế điền.
Tặc kim tiền mãn trạch,
Dân khổ ách thao thiên.
Hạo hạo hàn đông tịch,
Hà phương mịch cố viên.
Phỏng dịch thơ:
Ai Bảo Rằng Xuân Tới
Thấp thoáng một năm nữa lại qua,
Canh dài, hận cũ chẳng phôi pha.
Líu lo đồng cạn, đàn chim quỷ,
Leo lét mồ hoang, đốm lửa ma.
Cổ thấp, dân đen hoài khốn khổ,
Toà cao, giặc đỏ mãi xa hoa.
Bao năm đằng đẵng mùa đông lạnh,
Quạnh quẽ đường đêm bặt dấu nhà.
Cali, 02/2013
Lời than của Phi Dã Thiền Sư:
Nước mất vào tay giặc Tàu,
dân lành triền miên đói khổ,
gái quê phải bán thân làm nô lệ ở nước ngoài,
kẻ yêu nước bị tù đày bắt bớ!
Xuân đó ư? Tết đó ư?
Nhớ về một Nhân sĩ Miền Nam Cố Tổng thống Trần Văn Hương
Mai Thanh Truyết
– “…Tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn Ông Đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết Cộng Sản vào được Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước…” – Cố Tổng thống Trần Văn Hương.
Cụ Trần Văn Hương sinh năm 1902 tại làng Long Châu, quận Châu Thành (nay là thành phố Vĩnh Long), tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nghèo. Nhờ học giỏi và được sự hy sinh của gia đình, cậu học sinh Trần Văn Hương được ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư phạm… Sau khi tốt nghiệp, ông giáo Trần Văn Hương được bổ về dạy tại trường Collège Le Myre De Villers tại Mỹ Tho, cũng là ngôi trường cũ mà ông đã theo học mấy năm trước. Thời gian 1943-1945, Cụ Hương là giáo sư dạy môn văn chương và luận lý tại trường này. Cụ là một thầy giáo đã từng đào tạo nhiều học trò nổi tiếng (tướng Dương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, cũng tự nhận là một học trò của ông) và từng giữ chức vụ Đốc học Tây Ninh.
Cụ Trần Văn Hương mất ngày 27 tháng 1 năm 1982 tại Sài Gòn, nhằm ngày mùng 3 Tết. Cụ mất đi để lại cho chúng ta nhiều tiếc nuối. Hôm nay nhân ngày lễ tưởng niệm Cụ, tôi xin chia sẻ vài suy nghĩ về Cụ.
Khi “Cách mạng tháng Tám 1945” nổ ra, Cụ tham gia chính quyền Việt Minh với tư cách nhân sĩ tự do. Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, Cụ được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, năm 1946, do Cụ biết lực lượng Việt Minh là Cộng sản quy chụp cho nhiều trí thức là Việt gian rồi đem thủ tiêu nên Cụ bỏ về quê sống ẩn dật và tuyên bố bất hợp tác với cả chính quyền Việt Minh lẫn Pháp và Cộng hòa tự trị Nam Kỳ, sau này là Quốc gia Việt Nam.
Xét về sự nghiệp chính trị, Cụ Trần văn Hương đã hai lần được mời và bổ nhiệm đảm trách chức vụ Ðô Trưởng Sài Gòn, chức vụ đứng đầu quán xuyến điều hành bộ máy hành chính thủ đô Việt Nam Cộng Hòa, bảo tồn bộ mặt của thể chế Cộng hòa ở miền Nam đang trong giai đoạn củng cố xây dựng và phát triển với những khó khăn chồng chất về mọi mặt.
– Lần đầu vào năm 1955 sau khi Hiệp định Genève chia hai đất nước Việt Nam được ký kết, do cố Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm;
– Lần thứ hai, sau khi chính quyền Ngô Ðình Diệm bị lật đổ vào năm 1963, Cụ Trần Văn Hương lại được bổ nhiệm làm Ðô Trưởng Sài Gòn.
Và hai lần được mời làm Thủ tướng và một lần Phó Tổng Thống:
– Lần đầu vào Tháng 11 năm 1964, cụ được Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu bổ nhiệm làm Thủ Tướng Chánh Phủ (1964-1065) và lập nội các, giữa lúc tình hình chính trị vô cùng căng thẳng.
– Lần thứ hai vào năm 1968, trước tình hình chính trị, quân sự, kinh tế suy sụp trầm trọng cụ nhận lời Tổng thống Thiệu ra làm Thủ tướng lần thứ hai (1968 -1969).
Lần chấp chính thứ ba của Cụ là Phó Thổng Thống Việt Nam Cộng Hòa (1971-1975).
Trong bối cảnh chính trị miền Nam, Cụ đã lần lượt dấn thân vào sinh hoạt chính trị đại chúng với danh nghĩa là một nhân sĩ miền Nam do nhu cầu của đất nước; và lần nào Cụ cũng giúp cho tình thế vượt qua những khó khăn. Ðến phút cuối, khi bị áp lực phải chuyển giao quyền hành cho những kẻ mà cụ biết là “chẳng làm được gì”, Cụ cũng thực hiện nó trong tinh thần Hiến định, tức chuyển giao theo “ý dân”, qua các Dân Biểu và Nghị sĩ, trong phiên họp lưỡng viện Quốc Hội.
Với tôi, Cụ là mẫu người có phong cách của một nhân sĩ miền Nam xem thường mọi thiếu thốn và ràng buộc vật chất trong khi dấn thân phục vụ đất nước. Lúc nào Cụ cũng giữ vững tinh thần, ngay cả trong lao tù, Cụ coi mọi chuyện đều “vô thường”, qua câu thơ bất hủ để đời ghi trong tập thơ “Lao trung lãnh vận” khiến ai đọc lên cũng cảm phục “ông già” trong cảnh tù đày.
Ðó là: “Ngồi buồn gải háng, dái lăn tăn”. Những người yêu thơ lãng mạn có thể không thích câu thơ nặng tính nhân sinh này, nhưng những người từng trải qua cảnh tù đày đều thấy ở đó cái khí khái xem thường nghịch cảnh lao tù của tác giả.
Tính can trường về nhân cách của con người miền Nam của Cụ Trần Văn Hương còn được biểu lộ qua sự kiên quyết dấn thân, không bỏ cuộc, mà trái lại, vẫn chấp nhận trách vụ được giao phó do nhu cầu của tình hình đất nước và thường hoàn thành trách vụ. Còn nhớ, trong cuộc hành quân Hạ Lào Lam Sơn 719, Cụ đã bất chấp thế lực của quân đội Mỹ, và sự hiểm nguy của bản thân, mở cuộc họp báo quốc tế, tố cáo thái độ bội ước và bỏ rơi chiến hữu Việt Nam Cộng Hòa của quân đội Mỹ, khiến Chính phủ Mỹ lúc đó phải lập tức ra lịnh cho các đơn vị Mỹ hành quân phải tiếp tục kế hoạch, và xin lỗi về việc này. Dịp này Cụ đã hãnh diện nhận lãnh tước vị ‘Hạ sĩ danh dự’ của binh chủng ‘Nhảy Dù,’ ghi đậm lời tri ơn sâu xa của binh chủng này dành cho Cụ.
Trong tư cách là một nhà giáo, vào năm 1974, cụ có ước nguyện là cố gắng xây dựng Ðại học Long Hồ tại Vĩnh Long. Nhiều giáo sư gốc gác địa phương được mời phụ trách chức vị Viện trưởng như GS Nguyễn Văn Trường, GS Trần Kim Nở nhưng việc không thành vì những biến động thời cuộc dồn dập trong giai đoạn nầy.
Một biến cố sau cùng của con đường “hoạn lộ” của Cụ theo lời kể của một cựu quân nhân thân cận với chức vụ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa kể từ ngày 21-4-1975:
“Là một quân nhân, vào những ngày cuối cùng của miền Nam, tôi được cái may mắn gần gũi với cụ Hương, nhất là những lúc dầu sôi lửa bỏng khi thủ đô Sài Gòn đang bị cộng quân vây hãm. Tình hình thật là cấp bách sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức vào ngày 21-4-75, bàn giao chức vụ Tổng Thống cho cụ Trần Văn Hương theo hiến pháp. Ông đã nhận lấy chức vụ đứng đầu một đất nước trong hoàn cảnh thật là khó khăn. Một mặt, dưới sức ép thật nặng nề từ người bạn đồng minh Hoa Kỳ muốn sớm rút chân ra khỏi Việt Nam, mặt khác, về phía địch, cộng sản Bắc Việt biết rõ sự suy yếu hoàn toàn của chính quyền miền Nam dưới sự bỏ rơi của Mỹ nên càng gia tăng áp lực, đưa quân uy hiếp thủ đô Sài Gòn. Thêm vào đó, thành phần thân cộng có mặt trong guồng máy miền Nam, cũng luôn tạo áp lực để đòi hỏi lật đổ chính quyền miền Nam bằng sự thay thế một chính quyền do cộng sản kiểm soát.”
Trong thời gian bảy ngày sau khi bàn giao với tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cuối cùng Cụ Trần Văn Hương phải chấp nhận việc bàn giao cho tướng Dương Văn Minh theo diễn tiến như sau:
– Ngày 21-4-75 tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Cụ Trần Văn Hương nhận lãnh chức vụ Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
– Ngày 26-4-75 đại sứ Martin yết kiến và thông báo cho Cụ Hương về áp lực cộng sản Bắc Việt và khả năng của cộng quân tấn công vào Sài Gòn.
– Ngày 27-4-75 quốc hội VNCH họp và biểu quyết việc trao quyền lại cho tướng Dương Văn Minh.
– Ngày 28-4-75 vào lúc 5:00 chiều, Cụ Trần Văn Hương trao quyền lại cho tướng Dương Văn Minh theo quyết định của quốc hội.
Trong bài diễn văn, Tổng thống Trần Văn Hương đọc trước quốc hội ngày 26-4-75, chúng ta thấy rõ ràng Cụ Trần Văn Hương không thoát khỏi áp lực quá mạnh, một của người bạn đồng minh Hoa Kỳ, và một áp lực về phía cộng sản Bắc Việt mà tướng Dương Văn Minh được sắp xếp như là một con cờ chính trị để làm nhiệm vụ xóa chính quyền Việt Nam Cộng Hòa.
Chúng ta hãy nhớ lại những gì Cụ Hương đã phát biểu có tính cách lịch sử trong bài diễn văn tại quốc hội dưới sự hiện diện của đầy đủ dân biểu và thượng nghị sĩ. Cụ Hương đã cho biết rằng Cụ chỉ muốn chỉ định Đại tướng Dương Văn Minh trong vai trò thủ tướng, nhưng tướng Dương Văn Minh vẫn khăng khăng đòi Cụ Hương phải trao quyền để cho tướng Dương Văn Minh nói chuyện với “phía bên kia”.
Ba Nhân cách LỚN của Cụ Trần Văn Hương
1 – Ngày 29 tháng 4 năm 1975, Đại sứ Hoa Kỳ, ông Martin đến tư dinh đường Công Lý với một tham vụ sứ quán nói tiếng Pháp. Đại khái Đại sứ Martin nói:
– Thưa Tổng Thống, tình trạng hiện nay rất nguy hiểm. Nhân danh chính phủ Hoa Kỳ, chúng tôi đến mời Tổng Thống rời khỏi nước, đi đến bất cứ xứ nào, ngày giờ nào với phương tiện nào mà Tổng Thống muốn. Chính phủ chúng tôi cam kết bảo đảm cho Ngài một đời sống xứng đáng với cương vị Tổng Thống cho đến ngày TT “trăm tuổi già”.
Tổng Thống Trần Văn Hương mỉm cười trả lời:
– Thưa Ngài Đại sứ, tôi biết tình trạng hiện nay rất là nguy hiểm. Đã đến đỗi như vậy, Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó. Nay ông đại sứ đến mời tôi ly hương, tôi rất cám ơn Ông Đại sứ. Nhưng tôi đã suy nghĩ và quyết định dứt khoát ở lại nước tôi. Tôi cũng dư biết Cộng Sản vào được Sài Gòn, bao nhiêu đau khổ nhục nhã sẽ trút xuống đầu dân chúng miền Nam. Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu của họ, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với họ một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nổi thống khổ của người dân mất nước. Cám ơn ông Đại sứ đã đến viếng tôi.
Khi nghe câu “Les États-Unis ont aussi leur part de responsabilités (Hoa Kỳ cũng có phần trách nhiệm trong đó), đại sứ Martin giật mình nhìn trân trân Cụ Trần Văn Hương. Năm 1980, Cụ Hương thuật lại: Dứt câu chuyện, “on se sépare sans même se serrer la main” (GS Nguyễn Ngọc An. Cụ Trần Văn Hương, đăng trên Thời Luận không rõ ngày).
2 – Vào năm 1978, khi Việt cộng trả lại “quyền công dân” cho ông Dương Văn Minh, các anh em đang bị tù “học tập cải tạo” đều bị đi xem hình ảnh và phim chiếu lại cảnh cựu “Tổng Thống” Dương Văn Minh đang “hồ hỡi phấn khởi” đi bầu quốc hội “đảng cử dân bầu” của cộng sản.
Cụ Trần Văn Hương cũng được cộng sản trả lại “quyền công dân” nhưng Cụ đã từ chối. Cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Trần Văn Hương đã gửi bức thư sau đây đến các cấp lãnh đạo chính quyền cộng sản: “…hiện nay vẫn còn có mấy trăm ngàn nhân viên chế độ cũ, cả văn lẫn võ, từ Phó Thủ Tướng, Tổng Bộ Trưởng, các Tướng Lãnh, Quân Nhân Công Chức các cấp các Chính Trị Gia, các vị Lãnh Đạo Tôn Giáo, Đảng Phái đang bị tập trung cải tạo, rĩ tai thì ngắn hạn mà cho đến nay vẫn chưa thấy được được về. Tôi là người đứng đầu hàng lãnh đạo Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa, xin lãnh hết trách nhiệm một mình. Tôi xin chính phủ mới thả họ về hết vì họ là những người chỉ biết thừa hành mệnh lệnh cấp trên, họ không có tội gì cả. Tôi xin chính phủ mới tha họ về sum họp với vợ con, còn lo làm ăn xây dựng đất nước. Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi.”
3 – Sau cùng, trong hoàn cảnh cơ cực của thời đất nước bị đô hộ bởi Miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa, các Ðại sứ của các nước Pháp, Úc cho người đến thăm Cụ và cho biết họ có thể can thiệp với Cộng sản cho Cụ ra khỏi nước với lý do đi trị bệnh, nhưng cụ tiếp tục từ chối, cương quyết ở lại chia sẻ cùng dân quân Miền Nam sự tủi nhục và nghèo đói dưới gông cùm Cộng sản.
Xin nghiêng mình trước tiết tháo của một nhân sĩ miền Nam Việt Nam!
Khi Cụ qua đời, đám tang được tổ chức tại nhà do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cấp trong hẻm 210 đường Phan Thanh Giản, bên cạnh trường Marie Curie. Có một sự kiện thú vị cũng cần nên kể ra nơi đây là anh con trai trưởng của Cụ là Trần Văn Dõi đi ra phường để xin phép mua một cái hòm quốc doanh, nhưng bị người tài xế trung thành của Cụ chận ngang, và anh này chạy vào Chợ Lớn mua một cổ quan tài gỗ với giá 10.000 Ðồng (tiền Việt cộng bấy giờ). Anh Tàu nghe nói là mua cho Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa nên bớt xuống còn 5.000 Đồng mà thôi.
Một trong những ước nguyện của Cụ là khi chết được chôn ở Nghĩa trang Quân Ðội với lễ nghi quân cách của một binh nhì; nhưng việc nầy cũng không thành. Tuy nhiên một an ủi cho Cụ là được hỏa táng tại Lò thiêu Thủ Ðức, xéo bên cạnh bức tượng Tiếc Thương, trước sự hiện diện đông đủ của học trò cùng hầu hết thân hào nhân sĩ miền Nam không quản ngại mạng lưới công an chằng chịt chung quanh lò thiêu.
Hôm nay, nhân ngày giỗ Cụ Trần Văn Hương, cúi xin đốt nén hương lòng tưởng niệm một người con Việt chân chính miền Nam với niềm tin chắc chắn rằng Tuổi trẻ Việt Nam sẽ tiếp nối bước đường Cụ đi và chắc chắn sẽ thành công trong công cuộc dành lại quê hương từ tay bạo quyền Cộng sản.
Thành kính xin Cụ phò hộ cho Tuổi Trẻ Việt Nam trong công cuộc giành lại Quê Hương.
Tết Đinh Dậu – 2017
Người con Việt miền Nam
Nhật Ký Biển Đông: Liên Hiệp Quốc Gặp Vận Xui
Đào Văn Bình
Giữa lúc tình hình thế giới diễn biến quá nhanh và vô cùng phức tạp, những tranh chấp vể cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tạm lắng yên nhưng những đợt sóng ngầm vẫn còn đó. Đảng Dân Chủ đang chấn chỉnh lại nội bộ để chờ phục hận và phục hận bằng cách cấm vận Nga vì đã mò vào các máy điện tử của Đảng Dân Chủ rồi lấy các tin tức có thật, phổ biến ra khiến cử tri chán Bà Clinton cho nên Ô. Trump đắc cử, Liên Hiệp Quốc gặp “năm xung tháng hạn”, Nhật Ký Biển Đông hai tuần cuối Tháng Mười Hai ghi nhận sự những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:
-Reuters ngày 15/12/2016: “Thủ Tướng Shinzo Abe và Tổng Thống Putin gặp nhau tại một khu nghỉ mát suối nước nóng Yamaguchi vào ngày hôm nay để tìm kiếm sự tiến triển của cuộc tranh chấp lãnh thổ đã ngăn cản hai nước ký kết hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Đệ II Thế Chiến. Cả hai chắc chắn sẽ kết thúc một vài thỏa hiệp về hợp tác kinh tế nhưng vẫn phải tìm cách để vượt qua sự thù địch vì những hòn đảo lộng gió tại tây Thái Bình Dương mà Sô-viết đã chiếm giữ sau chiến tranh. Theo Newsweek, đây là cuộc gặp gỡ thứ 15 giữa hai nhà lãnh đạo kể từ năm 2006. Cả hai đều mỉm cười và bầu không khí ấm cúng chung quanh biểu tỏ sự thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo.” Tuy nhiên theo AP, “Nhật và Nga đồng ý vấn đề kinh tế nhưng vấn đề lãnh thổ vẫn còn bế tắc” (Japan, Russia Agree on Economic Ties; Stalemate on Territory)
-Washington Post ngày 16/12/2016: Trong một cuốn sách sắp xuất bản, cựu nhân viên CIA- người thẩm vấn Saddam Hussein khi nhà độc tài này bị bắt, Saddam Hussein đã nói rằng, “Các anh sẽ thất bại. Các anh sẽ thấy cai trị Iraq không phải dễ dàng. Khi tôi hỏi ông ta là tôi rất ngạc nhiên khi nghe ông ta nói vậy, ông ta đáp: Các anh sẽ thất bại tại Iraq bởi vì các anh không hiểu ngôn ngữ, lịch sử và các anh không hiểu đầu óc của người Ả Rập.” (When I interrogated Saddam, he told me: “You are going to fail. You are going to find that it is not so easy to govern Iraq.” When I told him I was curious why he felt that way, he replied: “You are going to fail in Iraq because you do not know the language, the history, and you do not understand the Arab mind.)
-Không biết lời của Saddam Hussein nói có đúng không nhưng Mỹ đã tiêu tốn 2000 tỉ đô-la, 4,497 lính Mỹ chết, 32,753 bị thương mà sau 13 năm (2003-2016) hai đời tổng thống vẫn chưa tìm được một lối thóat danh dự cho cuộc chiến. Hiện nay Mỹ vẫn duy trì 5000 quân tại Iraq, vừa bảo vệ an ninh cho chính quyền Bagdad, vừa chống lại Nhà Nước Hồi Giáo và lực lượng Sunnis. Không biết Ô. Trump có giải pháp gì không?
-AFP ngày 17/12/2016: “Ba Tư đã chính thức khiếu nại với ủy hội đã từng giám sát thỏa hiệp hạt nhân ký kết với 6 cường quốc vì Hoa Kỳ vừa ban hành đạo luật tái cấm vận Ba Tư. Thư khiếu nại do Ngoại Trưởng Mohammad Javad Zarif gửi cho Ô. Federica Mogherini – chủ tịch ủy ban ngoại giao của Liên Hiệp Âu Châu yêu cầu triệu tập một buổi họp liên-ủy-hội như đã phác họa trong thỏa hiệp…liên quan đến hành động mới đây của Hoa Kỳ.” Theo AP ngày 23/12/2016, “Trong một hành động khác thường, Ba Tư và sáu cường quốc vào ngày hôm nay đã cho phổ biến những tại liệu bị hạn chế trước đây về thỏa hiệp hạt nhân để tăng cường quan điểm của họ là Tehran không lừa dối trong việc giới hạn việc tinh chế chất uranium khiến có thể chế tạo vũ khí nguyên tử.”
-Đạo luật tái cấm vận Ba Tư sau khi được thượng viện Hoa Kỳ thông qua đã được chuyển tới tổng thống nhưng Ô. Obama không phủ quyết và cũng không ký ban hành, do đó theo hiến pháp, đạo luật đương nhiên có hiệu lực. Tuy nhiên, dù được đa số thành viên quốc hội ủng hộ, đạo luật cũng không có tác dụng một khi thỏa hiệp hạt nhân vẫn còn đó. Theo Reuters ngày 18/12/2016, “Sau khi có sự khiếu nại của Ba Tư, người đứng đầu cơ quan theo dõi các chương trình nguyên tử của Liên Hiệp Quốc nói rằng Ba Tư chứng tỏ đã tuân thủ thỏa hiệp ký kết với các cường quốc.” Điều đáng lo ngại ở đây là Ô. Trump có lập trường bảo vệ Do Thái vô điều kiện có thể sẽ hủy bỏ thỏa hiệp hạt nhân này.
-AP &AFP ngày 19/12/2016: “Một tay súng mặc bộ đồ lớn (com-lê) thắt cà-vạt hô vang khẩu hiệu về chiến tranh Syria, “ Aleppo! Thượng Đế Vĩ Đại!” sau khi nổ súng giết vị đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ trước sự bàng hoàng của khách tham dự một buổi triển lãm nhiếp ảnh tại thủ đô Ankara. Theo phóng viên nhiếp ảnh của AP là người chứng kiến vụ ám sát, hung thủ đã bị giết sau đó. Hung thủ là một nhân viên cảnh sát của Thổ. Moscow coi đây là một hành động khủng bố.” Theo Business Insider, đồng lia (lira) đã sụt giá mạnh sau vụ ám sát này vì tình hình bất ổn của Thổ Nhĩ Kỳ.
-CNN ngày 21/12/2016: “Các giới chức Hoa Kỳ tin rằng Nga đã triển khai, có thể là vệ tinh cảm tử (kamikaze satellites) có tên gọi Komos 2499 được dùng để theo đuôi các vệ tinh của Hoa Kỳ và nếu có lệnh sẽ hủy diệt các vệ tinh này. Tướng John Hyten – tư lệnh chỉ huy chiến lược nói với CNN rằng chúng ta có khả năng giám sát và tình báo tốt cho nên chúng ta có thể thấy đe dọa đang hình thành. Do đó, chúng ta đang phát triển khả năng phòng vệ. Nga không phải là quốc gia duy nhất phát triển loại vũ khí này. Trung Quốc cũng đã tiến hành thử nghiệm vũ khí tương tự và đã phá hủy được một vệ tinh thời tiết năm 2007- một bước tiến mà các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu gia tăng sức mạnh quân sự của họ.”
-Washington Post (Belgrade) ngày 22/12/2016: “Thủ tướng Serbia cho biết Nga sẽ trang bị cho Serbia phi cơ chiến đấu để tăng cường khả năng phòng thủ giữa lúc có những xung đột với Croatia là thành viên của NATO. Sau chuyến thăm Moscow, Thủ Tướng Aleksandar Vucic nói rằng Nga sẽ cung cấp cho Serbia 6 MIG-29, 30 xe tăng T-27 và 30 thiết vận xa trị giá khoảng 180-230 triệu euros và sẽ được giao vào Tháng Ba. Ô. Aleksandar Vucic cho biết Serbia vẫn theo đuổi chính sách trung lập cho dù có nhận vũ khí từ Nga.
-AFP ngày 23/12/2016: “Tổng Thống Tân Cử Donald Trump đã công bố bức thư mang tính hòa giải nhân ngày lễ của Tổng Thống Putin và nói rằng hai quốc gia cần tiến tới việc xây dựng một mối quan hệ mới hay đi vào con đường khác. Ô. Trump đã cho phổ biến bức thư đề ngày 15/12/2016 sau khi nghe nói là đã phớt lờ những lo lắng là ông sẽ tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang. Trong bức thư, Ô. Putin nói rằng những thách đố khu vực và toàn cầu mà hai quốc gia chúng ta phải đối đầu cho thấy mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Nga vẫn là yếu tố quan trọng bảo đảm an ninh và ổn định cho một thế giới hiện đại. Tôi hy vọng rằng sau khi ngài đảm nhận chức vụ tổng thống, chúng ta có thể hành động trong một tư thế xây dựng và thực tiễn, tiến hành từng bước phục hồi lại khuôn khổ quy định hợp tác song phương trên những lãnh vực khác biệt, cũng như đưa sự hợp tác hai bên trong bối cảnh quốc tế lên tầm mức hiệu quả mới.” Theo AP ngày 23/12/2016: “Trong cuộc họp báo cuối năm, Tổng Thống Putin nói rằng ông sẵn sàng thăm Hoa Kỳ nếu có lời mời của Ô. Donald Trump. Đây là dấu hiệu hòa dịu của Ô. Putin.
-Về phần Ô. Trump, rõ ràng ông đã theo sách lược “Đông hòa Tôn Quyền (Nga), bắc cự Tào Tháo (Tàu)”. Việc bổ nhiệm Ô. Tillerson có mối liên hệ tốt đẹp với Ô. Putin làm bộ trưởng ngoại giao và Ô. Peter Navarro là tác giả cuốn sách “Chết Bởi Trung Hoa” (Death by China) đứng đầu Hội Đồng Ngoại Thương Quốc Gia (National Trade Council) cho thấy rõ chiến lược này.
-Theo tôi, sớm muộn gì Ô. Trump cũng sẽ gặp Ô. Putin. Sau khi đã gặp Ô. Putin rồi, Ô. Trump sẽ ở vào thế thượng phong để “nói chuyện” với Hoa Lục. Để củng cố sách lược “Xoay Trục” một cách mạnh mẽ chứ không xìu xìu ển ển như Ô. Obama. Có thể Ô. Trump sẽ thăm viếng Nhật Bản và sau đó sẽ là Việt Nam và Phi Luật Tân. Ô. Trump có thể bỏ TPP để tiến hành các thỏa hiệp song phương với từng quốc gia, nhưng không thể bỏ Đông Nam Á. Để Đông Nam Á lọt vào tay Trung Quốc là tự sát.
-VOA News (Islamabad) ngày 26/12/2016: “Các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Nga và Pakistan sẽ nhóm họp tại Moscow vào ngày 27/12/2016 để duyệt xét điểu mà họ nhận thấy về mối đe dọa của Nhà Nước Hồi Giáo tại A Phú Hãn mỗi ngày mỗi gia tăng ở biên giới của họ. Bộ trưởng ngoại giao Pakistan cho biết đây là một diễn đàn đã có, thảo luận dù không chính thức về những vấn đề hòa bình, ổn định của khu vực, kể cả vấn đề A Phú Hãn. Diễn đàn trong tương lai dự trù có thêm Ba Tư và có thể là nhịp cầu để đưa Taliban vào bàn hội nghị với chính phủ ở Kabul. Tổng Thống A Phú Hãn Ashraf Ghani bày tỏ tức giận vì A Phú Hãn không được mời tham gia diễn đàn này. Sở dĩ các quốc gia nói trên lo ngại là vì sau khi bị kiệt quệ tại Iraq và Syria, Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) sẽ tìm căn cứ địa tại A Phú Hãn.“
-Đây là dấu hiệu cho thấy Nga và Trung Quốc đang hợp tác để giải quyết những vần đề toàn cầu. Thực tế chứng tỏ Hoa Kỳ dù là siêu cường, nhưng một mình không thể giải quyết mọi vấn đề của nhân loại. Ô. Obama và Bà Clinton coi vấn đề nhân quyền, tự do, dân chủ quan trọng hơn Khủng Bố Hồi Giáo và Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS). Nhưng thực tế lại cho thấy Khủng Bố Hồi Giáo và Nhà Nước Hồi Giáo nguy hiểm gấp bội so với một nhà nước độc tài. Một nhà nước độc tài nào trên thế giới ngày nay cũng không thể đụng tới “sợi lông chân” của Mỹ. Nhưng Khủng Bố Hồi Giáo và Nhà Nước Hồi Giáo có thể đánh ngay vào đầu não của nước Mỹ.
Tình hình Syria:
-Los Angeles Times ngày 18/12/2016 đi bài phóng sự và đoạn thu hình ngắn với tựa đề “Người dân trở lại Cổ Thành đông Aleppo vừa tái chiếm nhưng thành phố của họ không còn nữa” (Residents return to recaptured Old City of east Aleppo. Except the city they knew is gone) cho thấy khu vực đã im tiếng súng, cuộc chiến chấm dứt và một Cổ Thành xây dựng năm 717 đổ nát. Như vậy phe phiến quân coi như bị xóa sổ. Cuộc chiến ủy nhiệm do Mỹ tiến hành để lật đổ Tổng Thống Assad thất bại. Giờ đây chính quyền Syria có thể tập trung nỗ lực để đối đầu với Nhà Nước Hồi Giáo.
-Business Insider ngày 22/12/2016: “Hoa Kỳ không được mời tham gia cuộc họp tổ chức vào ngày 20/12/2016 giữa Nga,Thổ và Ba Tư để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria và đây không phải lần đầu tiên Hoa Kỳ bị loại ra ngoài nhưng cuộc thương thảo như vậy.” Theo Reuters ngày 23/12/2016, “Tổng Thống Putin cho biết Nga, Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý lấy thủ đô Astana của Kazakhstan làm địa điểm để thương thảo về một nền hòa bình cho Syria.”.
-Diễn biến cho thấy Hoa Kỳ tuy siêu cường “binh hùng tướng mạnh” nhưng không thể giải quyết vấn đề Syria vì cuộc chiến ở đây vô cùng phức tạp. Thôi thì để cho Nga, Thổ và Ba Tư làm chuyện đó. Một nhà nước độc tài ở Syria cũng chẳng can chi tới quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ. Nếu lấy cớ vi phạm nhân quyền” hoặc bảo vệ thường dân để đưa vài trăm ngàn quân vào đây để lật đổ chế độ của Ô. Assad thì đi vào vết xe đổ Iraq và nội bộ Hoa Kỳ lại chia rẽ vì chuyện không đâu. Chính vì thế mà Ô. Trump nói sẽ giã từ chính sách “lật đổ” gần như trở thành “truyền thống” của Hoa Kỳ. Ô. Trump nói rằng Hoa Kỳ đã đổ 6000 tỉ đô-la vào đây mà Trung Đông đang trở thành một mớ xà-bần (a mess) và thành quả đem về Mỹ chỉ là các cỗ quan tài và thương binh và cựu chiến binh còn bị đối xử tệ hại hơn cả di dân bất hợp pháp khiến đem tới sự mất chức của ông bộ trưởng. Hiện nay Thổ Nhĩ Kỳ đang khốn đốn vì thảm họa khủng bố và cuộc chiến đòi độc lập của sắc tộc Kurd. Nếu không hợp tác với Nga và Ba Tư để sớm giải quyết vấn đề Syria thì Thổ lần hồi cũng sẽ biến thành một Syria hay Iraq mà thôi. Ô. Erdogan và Ô. Duterte là hai “con ngựa chứng” ở Trung Đông và Á Châu với chính sách ngoại giao vô cùng bất định làm Hoa Kỳ nhức đầu. Sở dĩ “hai con ngựa” này dở chứng chỉ vì tình hình vô cùng phức tạp của đất nước, chứ chẳng ai muốn “dở chứng” cả.
-AFP ngày 28/12/2016, “Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói rằng Tây Phương (Hoa Kỳ và NATO) đã bội hứa tại Syria, lên án những quốc gia hợp tác (đồng minh) với Ankara đã hỗ trợ cho các nhóm khủng bố kể cả Nhà Nước Hồi Giáo.”
-Nếu nói Hoa Kỳ và Tây Phương hỗ trợ cho nhóm khủng bố là quá đáng. Nhưng sự thực là trong số 41 nhóm chống lại chính quyền Syria, có rất nhiều nhóm “thánh chiến”, Hồi Giáo cực đoan, Al-qaeda và kể cả Nhà Nước Hồi Giáo “giả vờ” theo Mỹ để nhận viện trợ và vũ khí. Nói tóm lại Hoa Kỳ đã “vơ bèo vạt tép” tập họp đủ thứ “đầu trộm đuôi cướp” để mong lật đổ chế độ của Ô. Assad cho nên tình hình mới nát bét như ngày hôm nay. Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã cực lực bác bỏ và gọi cáo giác này là lố bịch (ludicrous).
-ABC News ngày 29/12/2016: “Vào 12 giờ đêm ngày hôm nay Tổng Thống Nga Putin cho biết một thỏa hiệp chấm dứt thù hận do cuộc chiến kéo dài 5 năm gây ra đã được ký kết giữa chính phủ và lực lương ly khai. Thỏa hiệp gồm ba bước. Bước một ngưng bắn, bước hai kiểm soát và duy trì ngưng bắn, bước ba thương thảo để giải quyết vấn đề Syria. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bảo đảm cho việc thi hành thỏa hiệp này.”
Tình hình Biển Đông:
-Seattle Times ngày 16/12/2016: “Vào ngày 15/12/2016, Trung Quốc báo hiệu cho thấy họ đã lắp đặt vũ khí trên những hòn đào còn tranh chấp để dùng nó như chiếc “súng cao-su” (slingshot) để đối phó với những de dọa, khiến gia tăng thêm căng thẳng cho bộ tham mưu của Ô. Trump sắp tới. Tín hiệu của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đã không còn giữ nguyên cam kết của Ô.Tập Cận Bình là không quân sự hóa Biển Đông.” Theo ABC News, ngoại trưởng Phi Luật Tân nói rằng đất nước ông sẽ không hành động để chống lại báo cáo cho rằng Hoa Lục đã hiển nhiên bố trí hỏa tiễn phòng không và diệt hạm trên những hòn đảo mà Hoa Lục đã biến cải ở Biển Đông.”
-Tuyên bố này sẽ vô cùng bất lợi cho Hoa Kỳ và Việt Nam. Thế chân vạc Việt-Mỹ-Phi để đối đầu với Hoa Lục tại Biển Đông nay gẫy một chân, chỉ còn hai.
-Reuters (Manila) ngày 17/12/2016: “Vào ngày 17/12/2016, Tổng Thống Phi Luật Tân Duterte trong buổi họp báo sau khi đặt chân tới Căm Bốt và Tân Gia Ba trong chuyến công du, đã yêu cầu Hoa Kỳ chuẩn bị cho việc hủy bỏ thỏa hiệp quân sự cho phép Hoa Kỳ triển khai binh sĩ và thiết bị quân sự để diễn tập tại Phi Luật Tân. Ô. Duterte nói rằng Phi Luật Tân vẫn có thể sống còn khi không có tiền của Hoa Kỳ sau khi cơ quan viện trợ Mỹ quyết định ngưng tài trợ ngân khoản cho chương trình chống nạn nghèo đói của Phi. Ô. Duterte nói thêm: Chúng tôi không cần quý vị và yêu cầu quý vị chuẩn bị cho việc hủy bỏ thỏa hiệp VFA (Visiting Forces Agreement). Theo VOV ngày 20/12/2016, “Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa mới đưa ra lời đề nghị trong cuộc gặp với Tổng thống Duterte tối 19/12/2016. Bộ Trưởng Quốc Phòng Lorenzana cho biết, phía Trung Quốc cũng đề nghị cho Philippines vay 500 triệu USD trong dài hạn với lãi suất thấp để sắm sửa các trang thiết bị quân sự khác. Đi kèm lời đề nghị hấp dẫn này là một danh sách các thiết bị quân sự do nước này chế tạo để Philippines có thể tham khảo. Bộ Trưởng Quốc Phòng Lorenzana cho biết, bước đầu Philippines sẽ tiếp nhận một số vũ khí loại nhỏ, thuyền cao tốc và kính nhìn xuyên đêm/kính hồng ngoại tuyến. Theo ông Lorenzana, toàn bộ số thiết bị này trị giá 14,4 triệu USD này là không nhiều.”
-International Business Times ngày 24/12/2016: “Giới chức quân sự Trung Quốc xác nhận rằng chiếc HKMH (Liêu Ninh) đầu tiên của họ đã sẵn sàng tác chiến, cùng với các phi cơ chiến đấu đã tiến hành một cuộc thực tập tác chiến trên không ở Hoàng Hải (Yellows Sea). Cuộc diễn tập dường như cũng tiến hành ở vùng biển xa hơn, đó là Biển Đông.” Tin mới nhất của Reuters ngày 26/12/2016 cho biết, HKMH Liêu Ninh được 5 tàu chiến hộ tống đã lướt qua phía đông nam của Pratas Island do Đài Loan kiểm soát để tiến về phía tây nam.
-Như tôi đã nói trước đây, nhiều người đã coi HKMH Liêu Ninh của Hoa Lục chỉ là thứ “hàng mã” đối với Mỹ. Thế nhưng nếu nó tiến vào Biển Đông thì các nước nhỏ như Phi Luật Tân và Việt Nam sẽ “ớn da gà” vì hỏa lực hùng hậu của nó. Bất cứ HKMH nào cũng không đi một mình. Sẽ có khoảng ba khu trục hạm, tuần dương hạm và một đội tàu ngầm đi theo để bảo vệ. Với khoảng 40 phi cơ chiến đấu J-15 (tương đương với F-18) trên sàn tàu, nếu nó xuất kích, cùng với dàn hỏa tiễn đạn đạo phóng đi từ các khu trục hạm, tuần dương hạm, có thể tàn phá một vài thành phố ven biển như chơi. Thương-ghét là một chuyện, nhưng sức mạnh của một HKMH lại là chuyện không thể coi thường. Nhìn những tiêm kích J-15 cất cánh và hạ cánh nhịp nhàng trên HKMH Liêu Ninh chúng ta thấy hải quân Trung Quốc đã tiến một bước nhảy vọt để tranh giành ảnh hưởng trên đại dương với Mỹ. Hình ảnh tử vệ tinh mới nhất cho thấy Hoa Lục đang đóng một HKMH thứ hai.
Nhận Định:
Liên Hiệp Quốc trong lịch sử đã thông qua rất nhiều nghị quyết lên án cũng như cấm vận một số quốc gia, nhưng vào những ngày cuối năm 2016, Liên Hiệp Quốc đã “xui tận mạng” với hai biến cố:
Thứ nhất: International Business Times ngày 23/12/2016: “Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte đã tỏ ra khinh bỉ Ô. Zeid Ra’ad al Hussein – người đứng đầu ủy hội nhân quyền LHQ vừa kêu gọi mở cuộc điều tra ông về hành vi giết người khi nói rằng, “Anh chỉ là nhân viên của một tổ chức mà tiền bạc lương bổng từ túi tiền của hội viên. Anh mở miệng nói ra như thể anh là kẻ ngu xuẩn có thẩm quyền. Hãy về đi học lại đi! Anh không biết cách cư xử thế nào là một nhân viên của Liên Hiệp Quốc. Đồ chó đẻ! Anh không thể nói với tôi như thế.”
Đây là gáo nước lạnh dội vào mặt Ô. Zeid Ra’ad al Hussein – người đứng đầu ủy hội nhân quyền mà ai ai cũng trọng vọng và nể sợ nhưng nay lại bị ông tồng thống “Trương Phi” phang cho một trận tơi bời. Mặc dù Ô. Duterte ăn nói quá lỗ mãng nhưng nhiều khi “thuốc đắng dã tật”. Trong thực tế, Liên Hiệp Quốc nhiều khi chỉ là “con rối” hành động theo mệnh lệnh của các thế lực siêu cường. Với lời tuyên bố này, Ô. Duterte nổi bật trên sân khấu chính trị thế giới nhưng chưa biết số phận ra sao. Nếu các siêu cường như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Hoa Lục nín thinh thì LHQ cũng “giả bộ” nín theo.
Thứ hai: Theo AFP ngày 23/12/2916, Liên Hiệp Quốc đã “mó dái ngựa” khi Hội Đồng Bảo An thông qua nghị quyết buộc Do Thái ngưng xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ của Palestines sau khi Hoa Kỳ đã tự chế không phủ quyết nghị quyết lên án nước đồng minh thân cận nhất tại Trung Đông. Trong một bước đi khá hiếm hoi và tạo động lực, Hoa Kỳ đã không bỏ phiếu, đưa đến việc chấp thuận một nghị quyết đầu tiên kể từ năm 1979 lên án chính sách định cư lấn đất của Do Thái. Cả hội trường đã đứng lên hoan hô khi nghị quyết được thông qua bởi tất cả 15 hội viên. Nghị quyết nói các khu định cư của Do Thái đã vi phạm một cách trắng trợn luật pháp quốc tế và là trở ngại lớn cho giải pháp hai nhà nước và cho hoà bình dài lâu, toàn diện, công bằng. Nghị quyết lịch sử này đã hình thành cho dù nỗ lực ngăn chặn của Do Thái được Tổng Thống Tân Cử Donald Trump hậu thuẫn. Đây là lời cảnh báo về chính sách cực đoan của Do Thái đưa ra những đòi hỏi quá đáng về sự hình thành một nhà nước Palestines và cũng là thách đố cho chính sách hậu thuẫn Do Thái vô điều kiện của Ô. Trump và Đảng Cộng Hòa. Vào ngày 28/12/2016, Ô. John Kerry đã tổ chức cuộc họp báo nói rằng, “Chỉ có giải pháp hai nhà nước (chứ không phải Palestines là vùng chiếm đóng của Do Thái) mới là giải pháp hòa bình lâu dài, bền vững. Cuộc bỏ phiếu lần này của Hoa Kỳ là nhằm hỗ trợ cho giải pháp đó. Liên minh đang cai trị Do Thái bây giờ là thành phần quốc gia cực đoan nhất trong lịch sử. Một số khu định cư mới xây đã gần biên giới Jordan (Jordanie) hơn là gần Do Thái. Nếu các khu định cư cứ tiếp tục được dựng lên vào đất của Palestines thì một giải pháp hòa bình càng khó khăn hơn. Cuộc bỏ phiếu vừa rồi của LHQ là nhằm bảo tồn giải pháp hai nhà nước.”
Quyết định của thế giới là như thế. Nếu Ô. Trump hết lòng bênh vực Do Thái, coi thường phản ứng của quốc tế thì Hoa Kỳ sẽ bị cô lập. Theo Reuters, Thủ Tướng Netanyahu vừa ra lệnh cho bộ trưởng ngoại giao xét lại mối liên hệ với Liên Hiệp Quốc bao gồm tiền Do Thái đóng góp cho LHQ và sự hiện diện của các đại biểu LHQ tại đất nước này. Bộ trưởng quốc phòng Do Thái loan báo cắt đứt liên hệ vể mặt dân sự với Palestines. Thủ tướng Do Thái đã triệu tập 15 đại sứ kể cả các quốc gia hội viên thường trực của Hội Đống Bảo An như Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Hoa để tra vấn về quyết định của họ vừa rồi và cam kết sẽ có biện pháp trả thù. Do Thái đã lên án Ô. Obama đã đạo diễn quyết định “tủi nhục” này.
Để tránh sự thù hận của thế giới Ả Rập, bốn đời tổng thống Hoa Kỳ đã đứng ra làm trung gian hòa giải hầu đạt một nền hòa bình vĩnh viễn Do Thái-Palestines nhưng đều thất bại do lập trường cực đoan của Tel Aviv. Ô. Obama cũng đã cố gắng nhưng rồi cũng chỉ nhận được sự chửi rủa từ Do Thái và từ các chính trị gia Hoa Kỳ đặt quyền lợi của Do Thái trên quyền lợi của Tổ Quốc. Bất cứ ai, dù là tổng thống Mỹ, chống lại Do Thái đều thân bại danh liệt.
Theo Lão Tử thì đừng khôn quá. Mình khôn quá thì không ai sống nổi cho nên người ta ghét. Do Thái vì khôn quá cho nên có thể sẽ là thảm họa. Nếu Do Thái tiếp tục xây dựng các khu định cư thì Liên Hiệp Quốc có thể ban hành lệnh cấm vận Do Thái. Được sự hỗ trợ hết mình từ Hoa Kỳ, Do Thái biến thành “ông Trời con” của thế giới. Ai đụng tới Do Thái sẽ chết, kể cả Liên Hiệp Quốc. Chúng ta chờ xem “ông Trời con” hành động ra sao. Tin mới nhất cho biết Do Thái đã đe dọa Tân Tây Lan, Senegal, Mã Lai, Venezuela khi nói rằng việc bỏ phiếu là “hành vi tuyên chiến”, phong tỏa ngân khoản trợ giúp Angola và sẽ giảm liên hệ ngoại giao với 12 quốc gia đã bỏ phiếu kỳ rồi. Với sự trợ giúp hết mình từ Hoa Kỳ, Do Thái không sợ ai, không cần chơi với ai, chỉ cần chơi với Mỹ là đủ. Do Thái có một quan niệm rất thông minh là, “Mình không cần là siêu cường, nhưng nắm đầu được siêu cường thì mình sẽ trở thành siêu cường.”
Còn ở Mỹ, một trong những thượng nghị sĩ “siêu diều hâu” Lindsey Graham (Cộng Hòa, North Carolina) vừa lên tiếng đe dọa cắt đứt tiển đóng góp cho Liên Hiệp Quốc để tổ chức này chết luôn. Thôi thì để Liên Hiệp Quốc chết và thế giới quay lại “luật rừng” cá lớn nuốt cá bé cũng được, nhưng cuối cùng chưa biết ai thắng ai. Trên đời này “cá ăn kiến rồi kiến ăn cá” cũng là lẽ thường. Biết bao nhiêu đế quốc hùng mạnh cũng đã xụp đổ. Cường hào ác bá cưỡi lên đầu lên cổ dân, dân nhẫn nại chịu đựng. Tới một ngày nào đó, chịu không nổi nữa, dân đứng lên “làm cách mạng” đem cường hào ác bá ra chặt đầu, treo cổ, tịch thu hết tài sản…chuyện đó đã có cả ngàn năm rồi. Nếu Ô. Trump nhất quyết ủng hộ Do Thái vô điều kiện thì Palestines và thế giới Ả Rập sẽ ngả theo Nga và Hoa Lục để tìm chỗ dựa. Lãnh đạo nước Mỹ không dễ như người ta tưởng. Chưa biết Ô. Trump có ý định “cải tổ” Liên Hiệp Quốc hay rút chân ra khỏi tổ chức này để được tự do hành động? Theo AP ngày 26/12/2016, Ô. Trump nói rằng, “Liên Hiệp Quốc chỉ là một thứ câu lạc bộ/nơi tụ họp để mọi người vui vẻ với nhau” (Trump says UN just a club for people to have a good time). Ô. Trump nói câu này rất kẹt, vì sau này nếu ông dùng Đại Hội Đồng LHQ để công bố một quyết định quan trọng nào đó, thì phải chăng đây là trò vui chơi?
Nước Mỹ có thể đánh bại Nga hay Tàu, nhưng nước Mỹ không thể đánh bại cả thế giới. Một mình chống lại 14 quốc gia bỏ phiếu chống lại Do Thái không phải chuyện dễ. Do đó Ô. Trump phải thận trọng về cả lời ăn tiếng nói lẫn hành động.
Khi bài viết này tới tay quý độc giả, do vòng quay của trái đất, thế giới có những nơi đã “chào mừng năm mới” và có những nơi đang “chuẩn bị chào mừng năm mới”. Ai cũng háo hức chờ đón “năm mới” với niềm hy vọng nhưng cuối cùng hầu như “năm mới” nào cũng chỉ đem tới những buồn phiền, lo âu, căng thẳng. Đời sống mỗi lúc mỗi khó khăn hơn, cực đoan cuồng tín phát triển mạnh hơn, hận thù lan tỏa, tự do phóng túng cá nhân được bảo vệ tới mức tối đa, tham nhũng hoành hành trên toàn thế giới, Anh Quốc rút chân khỏi Liên Hiệp Âu Châu, Hoa Kỳ thì “America First”, Do Thái một mình chống lại cả nhân loại và coi Liên Hiệp Quốc như “củ khoai”. Ai cũng thủ thế, cũng từ từ “đóng cửa rút cầu” lo cho mình trước. Liên minh (ally), liên hiệp (union), hợp tác (partner) như đám mây, hết tụ rồi tán. Thế giới quá nhiều tỷ phú nhưng nạn đói nghèo, vô gia cư vẫn còn nguyên đó. Thế giới quá nhiều “hàng xịn”, “hàng hiệu”, hàng “thông minh” nhưng tình thương giữa con người và con người cứ teo dần. Nhà vật lý Stephen Hawking báo động rằng với nền văn minh do máy móc và “software”, con người sẽ trở nên hung hăng, hiếu chiến, dần dần mất hết nhân tính, có thể bấm nút giết cả triệu người ở xa vạn dặm như trò chơi của con nít (games). Thật kinh hoàng! Nghiệp lực của thế giới đang chuyển dịch mà không một sức nào ngăn cản được. Chính sự thông minh của con người sẽ hủy diệt con người. Ít ra hơn 6000 năm qua, bộ mặt thế giới này thay đổi từng giờ từng phút nhưng căn gốc của con người là “Tham-Sân-Si” vẫn còn nguyên đó và mỗi lúc mỗi phát triển mạnh hơn và biến thành “bàn thờ” của mỗi cá nhân. Cho nên lời chúc đầu năm của tôi không phải là “Một Năm Mới Hạnh Phúc” (Happy New Year) mà là “Một Năm Mới An Bình Cho Người Khác” (Peace New Year For Other). Thân ái,
https://vietbao.com/author/post/719/1/dao-van-binh
Khi Tình Báo Trở Thành Công Cụ Chính Trị
Nhật Ký Biển Đông hai tuần đầu Tháng Giêng ghi nhận sự những biến chuyển quan trọng như sau:
Tình hình thế giới:
-The Daily Beast ngày 4/1/2017: “Tờ Washington Post cho biết Dân Biểu Dana Rohrabacher (Cộng Hòa, California) là một trong những thành viên của Quốc Hội có chủ trương thân Nga sẽ thăm viếng Moscow trong nỗ lực tìm hiểu xem có thể làm việc với Quốc Hội Nga (Duma) hay không. Thông báo được phổ biến ngay sau khi các giới chức Hoa Kỳ áp đặt cấm vận lên chính quyền của Tổng Thống Putin vì cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống khiến nghiêng thắng lợi về phía Ô. Trump. Đây là cuộc thăm viếng chính thức của Tiểu Ban Âu Châu, Âu-Á và Mối Đe Dọa Đang Nổi Lên (House Subcommittee on Europe, Eurasia and Emerging Threats) mà ông làm chủ tịch. Trên CNN ngày 14/1/2017, Ô. Dana Rohrabacher qua cuộc phỏng vấn phát thanh đã nói rằng các phần tử hiếu chiến ở Quốc Hội đã lạc điệu (wrong tone) khi gọi Ô. Putin là tội phạm chiến tranh, ám chỉ TNS Marco Rubio.
Hiện nay Ô. Trump đang gặp khó khăn ở ngay chính nội bộ Đảng Cộng Hòa khi hai con diều hâu ở Thượng Viện là John McCain và TNS Lindsey Graham có lập trường bài Nga kịch liệt, đe dọa ngăn chặn kế hoạch hòa dịu với Nga của Ô.Trump. Thế nhưng dù bị chống đối bởi hai ông này và sau khi gặp gỡ các giới chức cao cấp nhất về an ninh, tình báo, Ô. Trump vẫn cương quyết giữ vững lập trường hòa dịu với Nga. Theo AP ngày 7/1/2017, Ô. Trump đã nói trên Twitter như sau, “Chỉ những người ngu xuẩn hay điên khùng mới nghĩ rằng sẽ là điều xấu nếu có mối liên hệ tốt với Nga và ông gợi ý phương hướng của ông là cho phép các thế lực đối kháng của Mỹ cùng làm việc với nhau để giải quyết một số những vấn đề lớn thúc bách của thế giới…”
Chưa chắc kế sách hòa dịu với Nga của Ô. Trump là xấu. Hợp tác với Nga để giải quyết một số vấn đề thúc bách của thế giới như: Chống khủng bố, sự sa lầy của Mỹ trong các cuộc chiến ờ Iraq, A Phú Hãn và Syria và căng thẳng leo thang, nguy cơ nổ ra thế chiến với Nga…trong khi Trung Quốc đang là một thảm họa cho Mỹ…đâu phải Ô. Trump không có đầu óc, không có chiến lược? Nếu Ô. McCain là một nhà lãnh đạo tài ba thì ông đã thắng Ô. Obama trong cuộc chạy đua năm 2004 rồi. Đằng này ông thua đau đớn và cả Ô. Lindsey Graham nữa, hai lần ứng cử cũng không qua nổi vòng sơ bộ. Hãy để cho Ô. Trump làm việc rồi phê bình sau. Đừng làm “kỳ đà cản mũi”. Stephen Cohen -giáo sư nghiên cứu về Nga của Đại Học New York trong một cuộc phỏng vấn trên Đài Truyền Hình Fox News ngày 13/1/2017 cho biết Hoa Kỳ đang phải đối đầu với những nguy hiểm nghiêm trọng do đó cần phải hợp tác với Nga. Các học giả nghiên cứu chính trị Mỹ đã nhìn thấy, nhưng các chính trị gia hiếu chiến Mỹ không nhìn thấy một cuộc đối đầu Nga-Mỹ sẽ gây thảm họa cho thế giới. Nga có thể chịu đựng được những tổn thất nặng nề nhưng Mỹ thì không thể và khi đó nội bộ nước Mỹ sẽ xâu xé nhau và suy yếu – cơ hội bằng vàng để Hoa Lục ngoi lên bá chủ thế giới.
-AP (Bắc Kinh) ngày 5/1/2017: “Đài Loan phản đối Việt Nam sau khi quốc gia này trục xuất về Hoa Lục bốn công dân Đài Loan bị cáo buộc dùng điện thoại để lường đảo người ở Trung Quốc và cho rằng Việt Nam đã hành động dưới áp lực của Bắc Kinh. Một số công dân Đài Loan ở khắp thế giới trong năm qua đã dính líu vào việc sử dụng hệ thống điện thoại để lường đảo. Các quốc gia như Mã Lai, Kampuchia và Kenya đã trục xuất những công dân này về Hoa Lục vì tôn trọng nguyên tắc “một nước Trung Hoa”. Đài Loan chỉ là một hòn đảo tự trị thuộc chủ quyền của Trung Quốc.” Theo AFP ngày 14/1/2017, “Đài Loan phản đối Nigeria đã vô lý khi yêu cầu họ rút văn phòng đại diện tại thủ đô nước này sau khi Hoa Lục tuyên bố đầu tư thêm 40 tỉ đô-la vào Nigeria.”
Hoa Lục đã dùng biện pháp “lấy thịt đô-la để đè người” hầu cô lập Đài Loan trên quy mô toàn thế giới mà Đài Loan khó chống đỡ. Thế mới hay trên cõi đời này sức mạnh ghê gớm không phải lý tưởng mà là tiền bạc. Đài Loan đang trong tình trạng “sống dở, chết dở”.
-ABC News ngày 5/1/2016: “Phát ngôn viên của chính phủ Jordanie cảnh cáo rằng nếu Tổng Thống Tân Cử Donald Trump giữ đúng lời hứa trong lúc tranh cử là sẽ di chuyển Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Do Thái tới Jerusalem là lãnh thổ còn đang tranh chấp, sẽ tạo nên một thảm họa. Hành động như vậy sẽ ảnh hưởng tới quan hệ ngoại giao với Jordanie và các đồng minh trong vùng.” Tổng Thống Mahmoud Abbas của Palestines cũng vừa lên tiếng yêu cầu Ô. Trump đừng di chuyển tòa đại sứ Mỹ tới Jerusalem. Một hành động như thế sẽ chôn vùi giải pháp hai nhà nước và đổ thêm dầu vào các phong trào cực đoan, quá khích. Ô. Abbas cũng có cuộc họp riêng với GH. Francis tại Vatican. Vào ngày 11/1/2017, ABC News đưa tin, “72 quốc gia sẽ tham dự cuộc họp về Hòa Bình Cho Trung Đông tổ chức tại Pari vào ngày 15/1/2017 nhưng vắng mặt Tổng Thống Abbas của Palestines và Thủ Tướng Netanyahu của Do Thái đã coi hội nghị này như một lường đảo để chống lại Do Thái.” Theo AP ngày 15/1/2017, bản công bố của hội nghị quốc tế là tín hiệu mạnh mẽ gửi tới Ô. Trump và Do Thái là – thế giới muốn hòa bình và hai quốc gia là giải pháp duy nhất để đạt mục tiêu đó và yêu cầu Ô. Donald Trump hỗ trợ cho giải pháp này. Khoảng vài trăm người thân Do Thái đã biểu tình bên ngoài tòa đại sứ Do Thái ở Paris để lên án hội nghị thượng đỉnh này.
Để tìm kiếm sự ủng hộ về tài chánh của Do Thái, Ô. Trump trong lúc tranh cử, đã “hứa liều” mà không cần nghĩ tới hậu quả. Jordanie là đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ tại Trung Đông mà lên tiếng thì vấn đề không dễ dàng như Ô. Trump tưởng. Sau ngày 20/1/2017 Ô. Trump sẽ phải thực hiện nhiều lời hứa vô cùng khó khăn như: Xây bức “Vạn Lý Trường Thành” tại biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ, hủy bỏ hai hiệp ước kinh tế TPP và NAFTA, hủy bỏ thỏa hiệp hạt nhân với Ba Tư, hủy bỏ chương trình ObamaCare, trục xuất di dân bất hợp pháp, tạm thời ngăn cấm người Hồi Giáo tại những khu vực có khủng bố vào Hoa Kỳ, gia tăng thuế nhập cảnh để giữ không cho các công ty Hoa Kỳ bỏ chạy qua Mễ Tây Cơ, gia tăng thuế xuất 35% để cân bằng mậu dịch với Trung Quốc, tạo 100 triệu công ăn việc làm cho Hoa Kỳ, ủng hộ tối đa lực lượng cảnh sát đang bị giết hại vì phong trào bắn cảnh sát, chăm sóc và tận tình giúp đỡ cựu chiến binh…trong khi đó phải thực hiện lời hứa “diệt nhanh, diệt gọn” Nhà Nước Hồi Giáo và giải quyết ba cuộc chiến Iraq. Syria và A Phú Hãn và sự căng thẳng mỗi ngày mỗi leo thang ở Biển Đông và nguy cơ nổ ra Đệ III Thế Chiến với Nga.
Thú thực, nếu tôi là Ô. Trump, khi nghĩ tới những lời hứa trong lúc tranh cử thì mồ hôi trong người tôi tháo ra, ăn không ngon, ngủ không yên.
-CNN ngày 6/1/2017: “Hải Quân Hoa Kỳ sẽ gửi máy bay trang bị hệ thống cảnh báo/radar tân tiến tới Nhật Bản để phát hiện phi cơ chiến đấu tàng hình giữa lúc Hoa Lục đã tiến bộ trong việc chế tạo máy bay có thể lẩn tránh được hệ thống dò tìm/radar.”
-The Washington Post ngày 6/1/2017: “Vào ngày 6/1/2017, hàng trăm thiết vận xa, xe tăng và đại bác tự động của Mỹ từ tàu đã được chuyển lên bờ tại Cảng Bremerhaven của Đức để di chuyển tới Đông Âu hầu tăng cường khả năng ngăn chặn một cuộc xâm lăng có thể xảy ra từ Nga. Khoảng 3,500 binh sĩ thuộc sư đoàn bộ binh tại Fort Carson, Colorado sẽ đến với những chiến cụ này bao gồm 87 xe tăng, 144 chiến xa vào hai tuần tới. Việc triển khai này là khởi đầu của đợt mới của Chiến Dịch Quyết Tâm Đại Tây Dương (Operation Atlantic Resolve), báo trước sự liên tục hiện diện của một trung đoàn thiết giáp Mỹ tại Âu Châu, chín tháng luân phiên. Sứ mạng này để giúp giảm bớt mối lo của Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan và một vài đồng minh NATO khác trước thái độ hiếu chiến và bất định của Nga.”
-ABC News ngày 6/1/2017: “Do Thái đã cắt 6 triệu đô-la đóng góp hằng năm cho Liên Hiệp Quốc để trả đũa vụ Hội Đồng Bảo An LHQ đã biểu quyết một nghị quyết lên án việc xây dựng các khu định cư đã vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.” Trong khi đó Hạ Viện Hoa Kỳ đã đồng thanh biểu quyết lên án Liên Hiệp Quốc đã ban hành một quyết định kết án Do Thái xây dựng khu định cư để lấn đất của người Palestines. Để xem LHQ thắng hay Do Thái và Hoa Kỳ thắng. Trong khi đó đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ khuyên Ô. Trump không nên cắt số tiền đóng góp cho LHQ.
Tình hinh Syria:
-Reuters ngày 4/1/2017: “Các viên chức LHQ cho biết hằng ngàn dân đã bắt đầu trở lại khu vực đông
Aleppo trước đây do phiến quân chiếm đóng trong băng giá và đổ nát ngoài sức tưởng tượng. Theo Ô. Sajjad Malik – đại diện của LHQ tại Syria, trong hai ngày vừa qua, khoảng 2,200 gia đình đã trở lại khu Hanono.”
-ABC News ngày 9/1/2017, “Ô. Assad nói rằng ông sẵn sàng thương thảo với phe phiến quân tất cả mọi thứ tại những phiên họp dự trù vào cuối tháng này tại Kazakhstan. Hiện nay Ô. Assad đang thương thảo trên thế mạnh sau khi chiếm toàn bộ Aleppo.”
Tình hình Biển Đông:
-Reuters ngày 3/1/2017: “Với ý muốn thực tập trên biển với Phi Luật Tân để giúp nước này chống khủng bố và cướp biển, Nga đã gửi hai tàu chiến tới Manila trong một cuộc tiếp xúc đầu tiên về hải quân giữa hai nước trong trong khi Mỹ là đồng minh trụ cột của Phi và là kẻ thủ truyền thống của Nga. Tàu Đô Đốc Tributs săn tàu ngầm và tàu chở dầu Bons Butoma đã ghé Phi vào chiều tối Thứ Ba trong bốn ngày thăm viếng và thủy thủ đoàn sẽ biểu diễn khả năng chống khủng bố và thảo luận với các giới chức hải quân Phi Luật Tân.” Trong chuyến viếng thăm hữu nghị năm ngày, Chuẩn Đô Đốc/Đề Đốc Eduard Mikhailov- Phó Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương của Nga nói rằng, “Các bạn có thể chọn hợp tác với Hoa Kỳ hay hợp tác với Nga. Nhưng với chúng tôi, các bạn sẽ nhận được sự trợ giúp những gì bạn muốn.” Theo Business Insider ngày 4/1/2017, “Đại Sứ Nga tại Phi Luật Tân cho biết, Nga sẵn sàng cung cấp cho Phi Luật Tân những vũ khí phức tạp/tinh vi bao gồm cả máy bay và tàu ngầm để trở thành “bạn thân” với quốc gia có liên hệ truyền thống với Hoa Kỳ đang đa phương hóa quan hệ ngoại giao của mình.” Tin tức mới nhất cho biết Tổng Thống Duterte dự trù thăm Nga vào Tháng Tư năm nay.
Đây là bước đi khá táo bạo của Phi. Trong khi Việt Nam là đồng minh truyền thống của Nga nhưng cũng chưa bao giờ tiến hành diễn tập quân sự chung với Nga, nguyên do:
-Dĩ nhiên là Việt Nam sẽ không bao giờ thao diễn quân sự chung với Hoa Lục, ngoại trừ quân đội hai bên thăm viếng xã giao.
-Nếu Việt Nam thao diễn quân sự chung với Mỹ, tức khiêu khích Hoa Lục, một hành động gây căng thẳng vô ích. Xin nhớ cho, thao diễn quân sự “sát nhà người ta” có nghĩa là răn đe, khiêu khích.
-Nếu Việt Nam thao diễn quân sự chung với Nga, tức khiêu khích Mỹ, sẽ làm tổn thương tới quan hệ Việt-Mỹ.
Ngoại giao đa phương có nghĩa là “làm bạn với tất cả”, cân bằng ảnh hưởng giữa các siêu cường và nhất là không bao giờ gây căng thẳng, bất ổn trong khu vực. Ngoại giao đa phương cũng giống như một ông bạn hiền hòa, tự lập, tự trọng nhưng không làm mất lòng ai. Vào ngày 9/1/2017, Business Insider cho biết, “Phi Luật Tân đang chung quyết một thương thảo về an ninh với Nga, cho phép lãnh đạo hai quốc gia thăm viếng lẫn nhau và quan sát những cuộc thao diễn quân sự, nhưng cùng lúc cũng trấn an Hoa Kỳ là những mối liên hệ với Nga không làm ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh lâu đời (Mỹ).”
-VnPlus ngày 10/1/2017: “Theo hãng thông tấn Tokyo, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân sẽ thăm Việt Nam từ ngày 16/1 tới 17/1/2017 trong chuyến công du kéo dài sáu ngày tới Phi Luật Tân, Úc Đại Lợi, Nam Dương, nhằm tăng cường hợp tác với các nước ở vành đai Thái Bình Dương. Đây là chuyến công du Việt Nam lần thứ hai của thủ tướng Nhật và cũng để chuẩn bị cho chuyến thăm của Nhật Hoàng vào Tháng Tư. Chuyển động dồn dập cho thấy Nhật Bản coi Việt Nam là đồng minh chiến lược tại Á Châu dù không nói ra. Theo Daily Mail, trong chuyến viếng thăm Phi Luật Tân ngày 12/1/2017, Ô. Abe bày tỏ sự ủng hộ Ô. Duterte trong cuộc chiến chống ma túy khi hai bên gặp nhau tại Manila. Vào ngày hôm sau, Ô. Abe ăn sáng với Ô. Duterte tại căn nhà khiêm tốn của ông tại Davao và ông đã đặt tên cho con đại bàng Phi Luật Tân là “Anh Đào” (Sakura) một loại hoa nổi tiếng của Nhật Bản để bày tỏ sự trân trọng với Ô. Abe. Cuộc viếng thăm hai ngày của Ô. Abe là chuyến đầu tiên của hai lãnh tụ kể từ khi Ô. Duterte nhậm chức vào năm ngoái, làm nổi bật vai trò quan trọng của Nhật Bản tại Đông Nam Á vốn là các người hợp tác hàng đầu về thương mại và nhận viện trợ. Ô. Abe cố giữ mối liên lạc mạnh mẽ với Phi Luật Tân trong lúc nước này xa dần Hoa Kỳ và ngả về phía Trung Quốc và Nga.” Thế mới hay, làm ăn buôn bán và trợ giúp bạn bè, nhưng khiêm tốn, nhất là không bao giờ can dự vào chuyện nhà người ta là những yếu tố giúp Nhật Bản thành công ở Đông Nam Á. Chưa có một cường quốc nào trên thế giới có một chính sách ngoại giao khôn khéo như Nhật Bản. Chuyện Ô. Obama lên án và đe dọa đưa Ô, Dutete ra Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đã gây ra thảm họa ngoại giao cho Hoa Kỳ. Thế mới hay trên đời này không có cái gì toàn vẹn. Nhân quyền là con dao hai lưỡi. Được tiếng là ta đây nhân đạo nhưng dần dần mất hết bạn bè và chuốc lấy oán hận.
Trong lúc đó Ô. John Kerry tới Việt Nam trong chuyến thăm cuối cùng, chắc chắn là để “mách nước” cho Việt Nam về cách đối phó với chính sách mới của Ô. Trump – đặc biệt là vấn đề hủy bỏ Hiệp Định TPP. Còn Ô. Nguyễn Phú Trọng lại đi Bắc Kinh gặp Ô. Tập Cận Bình “để bàn về những vấn đề hợp tác lớn”. Thế nhưng tờ Hoàn Cầu Thời Báo lại nói rằng Hoa Lục sẽ không chịu khoanh tay nhìn Ấn Độ bán hệ thống hỏa tiễn Akash cho Việt Nam. Theo Business Insider, “Việt Nam biết rằng họ không bao giờ có thể chống lại Trung Quốc (châu chấu đá xe) nhưng họ nghĩ rằng họ có thể gây thiệt hại cho Trung Quốc nếu họ tăng cường vũ khí thêm chút nữa. Và Ấn Độ với mối liên hệ lâu đời với Việt Nam sẽ sẳn lòng là người hợp tác.” (Vietnam knows it can never stand up to China, but it figures it can inflict more damage on China if it bolsters its weapons hardware a bit more. And India, with its long-time strong relations with Vietnam, is a very willing partner).
Nhận Định:
CBS News ngày 7/1/2017 đưa tin, “Tinh thần của cơ quan tình báo Mỹ xuống thấp giữa những chỉ trích của Ô. Donald Trump về báo cáo Nga can dự vào cuộc bầu cử tổng thống ở Hoa Kỳ.”
Tin mới nhất lại cho biết tổng thanh tra Bộ Tư Pháp sẽ tiến hành cuộc điều tra Giám Đốc FBI về việc cơ quan này công bố tái xem xét hồ sơ Bà Clinton vào giờ phút chót của cuộc tranh cử khiến gây thiệt hại cho bà. Đây là màn cười ra nước mắt của FBI. Khi Ô. Comey đưa ra khuyến cáo không truy tố Bà Clinton thì Đảng Cộng Hòa chống đối, còn Dân Chủ thì khen ngợi hết mình. Thế nhưng do tìm thấy một số yếu tố mới, FBI cho biết sẽ mở cuộc điều tra bổ túc thì lập tức Đảng Dân Chủ quay sang tấn công Ô. Comey. Và nay, Bà Clinton thất cử, Ô. Comey và FBI trở thành “con dê tế thần”, “trăm dâu đổ đầu tằm” chi vì ông này mà tôi (Clinton) thất cử đây.
Xin nhớ cho, tình báo là gài người, là dò la, là mua tin, nay là xâm nhập vào hệ thống điện tử, nghe lén điện thoại để ăn cắp dữ kiện của đối phương, kể cả của đồng minh. Tình báo có thể đúng mà cũng có thể sai. Nếu kẻ địch cao tay ấn hơn sẽ cung cấp những tin tức giả hoặc ngụy tạo tin tức rồi “cố tình để hở” để kẻ thù mắc bẫy. Trong cuộc bầu cử vừa qua, hai Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ cạnh tranh quyền lực khốc liệt, an ninh tình báo không đơn thuần chỉ để phục vụ lợi ích quốc gia, và nó đã trở thành công cụ chính trị để triệt hạ nhau. Tào Tháo vì quá tin vào tin tức tình báo của Tử Cang cho nên đã thảm bại ở trận Xích Bích. Riêng bản thân tôi, dù không bỏ phiếu cho Ô. Trump hay Bà Clinton, nhưng tôi không tin Nga có thể uốn nắn được đầu óc của cử tri Mỹ. Uốn nắn đầu óc của cử tri Mỹ là truyền thông Mỹ, là các tập đoàn tư bản kếch xù, các đoàn thể áp lực như: nhà thờ, công đoàn, các tổ chức của người Da Đen…Ô. Putin dù có tài kinh thiên động địa cũng không thể làm được. Ngoài ra nếu ứng cử viên đánh đúng vào khát vọng của quần chúng thì dù Ông Trời có xuống cũng không thể thay đổi được kết quả. Đừng đánh bóng Ô. Putin một cách quá đáng. Trước những cáo buộc dồn dập từ tình báo Mỹ, Nga đã lại lên tiếng bác bỏ và nói rằng, “Nó giống như một thủ đoạn để triệt hạ đối thủ chính trị” (It truly is reminiscent of a witch-hunt). Trước đây muốn triệt hạ một đối thủ chỉ cần nói họ là Cộng Sản. Và ngày nay chỉ cần dùng tình báo để nói rằng “có Nga dính vào”. Dân Biểu Da Đen John Lewis (Dân Chủ) vừa tuyên bố rằng Ô. Trump không phải là “tổng thống hợp pháp” vì Nga đã can dự, giúp Ô. Trump đắc cử. Ô. Obama đã dùng ngón đòn độc hiểm để đánh Ô. Trump trước khi giã từ Tòa Bạch Ốc.
Michael Hayden- Cựu Giám Đốc CIA và An Ninh Quốc Gia trong một cuộc phỏng vấn với CNN ngày 7/1/2017đã nói rằng, “Chúng ta thấy ngay từ đầu, các cơ quan an ninh và tình báo Hoa Kỳ đã bị quăng vào giữa lằn ranh ở giữa lòng đường của bầu không khí cực kỳ chia rẽ của lưỡng đảng tại Hoa Thịnh Đốn. Cộng đồng tình báo không thể sống nổi khi nó bị quăng vào vị thế này. Nó sẽ chết.” Phải, tình báo Hoa Kỳ sẽ chết hoặc sẽ bị tê liệt khi nó bị chính trị hóa. Nó chết là vì người dân sẽ không còn tin vào các phúc trình của cơ quan an ninh, tình báo nữa. Đây không phải là âm mưu của Nga mà do tham vọng bất chính của các chính trị gia Hoa Kỳ. An ninh, tình báo phải trung thực và phi chính trị. Vào năm 2003, vì muốn chiếm Iraq để khống chế kho dầu lửa cho nên theo lệnh của Ô. Bush Con, CIA đã ngụy tạo tin tức Saddam Hussein có một kho vũ khí giết người hàng loạt nếu không đánh Iraq thì thế giới sẽ lâm nguy…khiến gây thảm họa cho Hoa Kỳ. Khủng bố lan tràn ở Mỹ ngày hôm nay cũng là do cuộc chiến Iraq mà ra. Sai một li đi một dặm là như thế đó.
Hiện nay các cơ quan an ninh, tình báo Hoa Kỳ đang nằm trong cơn lốc tranh chấp quyền lực. Nó như cánh chim trong cơn bão. Chưa biết số phận ra sao. Thế mới hay vì tham vọng chính trị, vì muốn bám lấy quyền lực, người ta có thể làm đủ mọi thứ cho quyền lợi của đảng mình mà không cần biết đất nước ra sao.
(California ngày 15/1/2017)
https://vietbao.com/a262866/nhat-ky-bien-dong-khi-tinh-bao-tro-thanh-cong-cu-chinh-tri
Tổng thống ‘hiền’ và tổng thống ‘ác’
Nhữ đình Hùng
Cuộc bàn giao chánh-quyền giữa tổng thống mãn-nhiệm Barack Obama và tổng thống tân nhiệm Donald Trump sẽ được thực-hiện vào ngày 20.01 .2017. Giữa hai vị này, quan-hệ xem chừng gay cấn! Ông Obama sắp về vườn nhưng lại được giới truyền thông ‘dòng chánh’ ủng hộ, ca ngợi đặc-biệt, còn ông Trump, vị tổng thống đắc cử thì trong suốt thời gian tranh cử, đã bị truyền thông dòng chánh ngược đãi, bị chỉ trích hết cỡ trong khi nữ ứng cử viên đối thủ là bà Clinton lại được bốc tận mây xanh. Thế nhưng, vào những ngày cuối cuộc tranh cử, đích thân tổng thống Obama và bà Obama đã phải lâm trận, vận động cho bà Clinton. Nhưng, định mệnh đã an bài, ông Trump vẫn thắng và như thế, không phải chỉ thắng bà Clinton mà còn thắng luôn ông Obama! Điều này khiến ông Obama không vừa ý và quan-hệ giữa ông và ông Trump đã có vẻ căng cứng!
Do việc được giới truyền thông dòng chánh ca tụng, có thể coi ông Obama như ông Thiện, do việc bị giới truyền thông dòng chánh phê bình, đả kích, có thể coi ông Trump là ông Ác. Nhưng có đúng như thế hay không, cái này còn phải xét lại.
Kể ra ông Obama có số đẻ bọc điều. Ông mới làm Thượng nghị sĩ lần đầu, chưa từng quản lý một tiểu bang đã đắc cử làm tổng-thống nước Cờ Hoa vĩ đại. Người ta chờ đợi việc ông có những đóng góp cho hoà bình và tuy ông chưa làm được điều gì, đã tặng luôn cho ông giải Nobel về Hoà Bình! Nhưng, Afghanistan vẫn là bãi lầy đối với quân đội Mỹ. Và ở Irak, Mỹ cũng không giúp cho tình hình khả quan hơn nếu không muốn nói là tình-hình ở đây bị ác-hoá. Gốc ông Obama là luật sư nên ông giỏi về biện luận, những điểm yếu của ông qua miệng lưỡi của ông đều biến thành điểm mạnh. Nhưng không ai nói ông áp dụng chánh-sách dân tuý cả!
Về phần ông Trump ngay khi tranh cử trong nội bộ đảng để được đề cử làm ứng cử viên của đảng, ông đã bị giới truyền thông dòng chánh đánh tơi bời hoa lá. Ngay những người trong đảng cũng bài bác ông. Trong tình hình như thế, nếu không giỏi ông khó có thể đạt tới đích là trở thành ứng cử viên đảng. Mà ông đã trở thành ứng cử viên của đảng Công Hoà ra tranh cử tổng thống.
Trong cuộc chiến giữa bà Clinton với ông Trump, bà Clinton có nhiều lợi thế. Giới truyền thông dòng chính ủng hộ bà, đảng Dân Chủ dốc toàn lực ủng hộ bà, lại thêm ông chồng cựu tổng-thống cũng vận động giúp bà. Ngay cả tổng thống đương nhiệm Obama cũng vận động giúp bà. Ba người đánh một, không chột cũng què nhưng Trump rõ ràng là một miếng xương khó nuốt. Kết quả là ông Trump thắng. Cái phi lý là dư luận chỉ trích thắng lợi của ông Trump, coi là không đúng vì ông thắng đại cử tri đoàn nhưng thua về phiếu bầu. Nhưng đây là qui định lâu đời ở Mỹ, đã có nhiều tổng thống cũng đắc cử trong những trường hợp tương tự, không có ai bị phản đối nhưng với ông Trump đã có những cuộc xuống đường tuyên bố không thừa nhận ông Trump là tổng thống của họ! Điều này liệu có giá trị gì khi mà quốc hội thừa nhận ông Trump đắc cử?
Rồi có cả những tin giật gân là ông này có thể bị ám sát nhưng ở Mỹ đã từng có những vị tổng thống được lòng dân bị ám sát chết như trường hợp Kennedy và ngay cả tổng-thống được coi là vĩ đại của Mỹ Ronald Reagan cũng bị ám sát nhưng không chết! Nhưng tin này cho thấy sự chống đối với ông Trump có mức độ cao! Có cả tin sẽ chống việc nhận chức của ông Trump, cả tin dùng thủ tục impeachement để truất phế ông. Liệu rằng đây là điều có thể? Chưa kể có người nghĩ đến ‘giải pháp tối hảo’ là ông Trump sau khi nhận chức sẽ từ chức để giao quyền cho ông phó, để giữ sự ổn định và đoàn kết trong nước Mỹ. Làm như ông Trump vận động tranh cử miễn phí vậy và tranh cử để chơi!
Có cái gì ngăn không cho ông Trump nhận chức? Ông đắc cử, được quốc-hội thừa nhận. Chuyện ông ta có đời sống bê bối qua vụ ‘sex tape’? Liệu rằng đây không phải là chuyện dựng đứng với những hình ảnh dàn dựng? Và điều xảy ra, giả sử như có thiệt, khi đó ông ta chỉ là một doanh nhân không có ý định hoạt động chánh trị. Vậy thì thu hình ông chơi bời để làm gì?
Và nếu như không có thu hình thì những hình ảnh dùng cáo buộc từ đâu mà có?
Các lực lượng chánh trị và các định chế chánh-trị ở Hoa Kỳ luôn luôn tôn trọng hệ thống tuyển cử. Mà ông Trump đã thắng cử một cách hợp lệ và chánh đáng theo tiến trình bầu cử. Bằng cách nào không cho ông ta nhận chức? Và từ khi nào những cuộc biểu tình phản đối đủ để tiêu hủy kết quả cuộc bầu cử? Cũng cần nói thêm các cáo buộc đối với ông Trump, từ việc ‘sex tape’ cho tới việc Nga tấn-công tin học vào hệ thống bầu cử Mỹ đều không có cơ sở ngoài điều ‘nghĩ rằng’. Việc truất-phế hay ‘impeachment’ là một điều nghiêm-trọng. Nếu có việc này xảy ra, chính Hạ Viện lo việc điều tra và Thượng Viện đưa ra phán quyết sau cùng, nói khác đi chỉ có quốc hội mới có quyền truất phế tổng-thống và chỉ trong ba trường hợp sau:phản bội, tham nhũng, tội ác và lỗi nghiêm trọng. Còn một chỉ trích khác là có sự xung đột quyền lợi giữa các xí nghiệp của Trump và các thế-lực nước ngoài nhưng Trump đã giao quyền-hành quản-trị các xí-nghiệp cho người khác và các xí-nghiệp của Trump không được đưa lên ‘bourse’.
Như thế, việc Trump không nhận chức, không thể ở trọn nhiệm kỳ chỉ là những điều phỏng đoán. Điều chắc chắn là với những chỉ trích của truyền-thông dòng chính, nhiệm-kỳ của ông Trump không hẳn là xuôi dòng mát mái. Chưa kể tình hình thế giới đang có những biến chuyển, tnội vụ Brexit không thôi cũng đã làm giao động Liên Âu kèm theo những biến chuyển chánh trị xảy ra trong năm 2017 như bầu cử tổng thống Pháp.
Chưa kể, trước khi rời toà Bạch Ốc, tổng thống ‘hiền’ Obama đã trong những ngày cuối nhiệm-kỳ, tạo ra các tình hình khó khăn cho tổng thống ‘ác’ Donald Trump như dàn quân ở sát cạnh Nga (Na Uy, Ba-lan..), trục xuất các nhân-viên ngoại-giao Nga, ân xá đối với nhân-viên đã tiết lộ các tin mật cho Wikileaks…
Dân Mỹ đã bầu ông Trump vì các hứa hẹn lo cho nước Mỹ trước ‘American first’ và làm cho nước Mỹ lớn mạnh hơn ‘Make American great again’ trong khi trước đó ông Obama chỉ hứa ‘yes we can’ và kết thúc hai nhiệm kỳ với ‘yes we did’. Có bao nhiều điều đã đi từ ‘can’ đến ‘did’? Hay người ta sẽ hát tiễn ông Obama bằng ‘parole, parole…’
19.01.2017
Vui cười
Một gã trẻ tuổi gặp một ông già. Đang huênh hoang muốn khoe trình độ mình hơn người, gã bèn rủ:
– Tôi với ông so kiến thức bằng cách đố nhau nhé!
Ông già đắn đo, gã bèn đặt thêm điều kiện:
– Nếu thắng ông được 10 đồng, nếu thua ông chỉ mất 1 đồng thôi!
– Nhất trí, anh đố trước đi.
– Thế tay nào lên vũ trụ đầu tiên?
Ông già không trả lời, lẳng lặng rút tờ 1 đồng trả cho gã trẻ tuổi. Được thể, hắn hỏi tiếp:
– Thế ai phát minh ra định luật bảo toàn khối lượng?
Chịu. Lại 1 tờ nữa.
– Thôi, anh đố nhiều rồi. Để tôi đố anh 1 câu được không?
– Đồng ý!
– Con gì lên đồi bằng 2 chân, còn xuống đồi bằng 3 chân?
Sau một hồi lâu suy nghĩ, gã thanh niên quyết định rút tờ 10 đồng ra, đưa cho đối thủ và hỏi lại:
– Không biết! Thế con gì đấy hả ông?
Ông già lẳng lặng rút tiếp tờ 1 đồng đưa cho gã trẻ.
Năm Mới, Người Mới, Việc Mới
Phan Văn Song
Năm 2016 đã qua, một năm đầy tai ương, vấn nạn. Âu châu đặc biệt gặp nạn khủng bố Hồi Giáo, lợi dụng khó khăn với làn sóng tỵ nạn, hết Pháp, đến Bỉ và nay qua đến Đức, không từ một quốc gia nào cả. Nước Đức, một quốc gia, với một bà Thủ Tướng hiền hòa mở đôi tay cứu trợ rước vào gần một triệu người tỵ nạn gốc Hồi giáo, dân khủng bố Hồi quá khích vẫn không tha. Á châu, Việt Nam và Biển Đông ta, với vấn nạn, ngoài biên cương giặc Tàu bành trướng ngoại xâm, chiếm hải đạo, chiếm bờ biển, trong quốc nội, tham nhũng tràn đầy, bán đất bán đai, giao trứng cho ác, nhà máy Tàu thải chất độc giết cá nhiễm độc cả một vùng biển. Nhà máy Formosa, trên đất Hà tỉnh, Việt Nam từ nay sẽ là điển hình nhà máy thải chất độc hóa học ô nhiễm Biển. Như năm nào nhà máy nguyên tử Tchernobyl là điển hình của những sơ suất nguyên tử vậy! Thế nhưng nhà máy nguyên tử Tchernobyl được giải quyết, người dân được di tản, bồi thường, còn ở Việt Nam không thấy Nhà nước ăn nói gì cả!
Năm 2016 cũng là năm của những cuộc bầu cử hay chạy đua bầu cử thay lãnh đạo các quốc gia Âu Mỹ. Và qua những cuộc bầu cử, hay trưng cầu dân ý nầy, một hướng suy nghĩ chánh trị, một hướng đi chánh trị mới, tuy đã có mặt từ nhiều năm nay rồi, nay lại hiện rõ tàng hơn. Phong trào «bế môn tỏa cảng» «trở về lại mái nhà xưa, nhà ai nấy ở, tự lực cánh sinh». Sau một thời gian dài Toàn Cầu Hóa, xuất cảng nhập cảng, trao đổi hàng hóa nhơn công, đây là thời đại của sự «rút về» hầu như bế môn tỏa cảng, tự làm tự ăn «hàng nhà, của nhà». Một phong trào quốc gia, quốc hồn, dân tộc, dân túy đang nổi dậy cành ngày càng rõ rệt. Dân Anh qua một cuộc trưng cầu dân ý, đã đồng một lòng đòi chánh phủ Anh rút khỏi Liên Âu. Cả dân Ý cũng vậy, một lòng không chấp nhận những cải tổ, những đường hướng quản trị của Liên Âu nữa! Các đảng phái cực hữu, của các quốc gia Âu Châu, thoạt tiên Đông Âu, như Hung, như Ba Lan, Tiệp… nay lan dần sang Tây Âu, thiên về Dân tộc, bảo vệ quyền lợi của dân bản xứ càng ngày càng chiếm thượng phong trên những chánh trường Âu châu. Ở Áo gần 50%, ở Đức, ở Hòa Lan, ở Pháp …Và ngay cả trong quốc hội Liên Âu cũng vậy. Và cuối cùng ở Mỹ với ông Donald Trump đắt cử Tổng Thống, là một điển hình cho cái bầu không khí dân túy ấy!
Năm 2017 là năm của những cuộc bầu cử thay người lãnh đạo ở Âu Châu. Và chúng ta cũng sẽ nhìn thấy những luận thuyết chánh trị mới, khác hẳn những lý thuyết chánh tri -cổ hủ hay truyền thống. Không còn cái nhìn dân chủ nhịp hai -alternative, hết anh đến tôi thay nhau lãnh đạo, đối lập và cầm quyền… và… và… không có những ý kiến thứ ba, thứ tư, thiểu số, đều xem như «cực đoan, như tuyệt đối, như quá khích-radical» … Hết rồi cái thời của dân chủ đôi chân bước đều, trái-phải trái-phải ọt-đơ, ọt-đơ, gauche-droite, gauche-droite, nhịp đôi, tả hữu của Âu Châu hay Cộng Hòa-Dân Chủ, hay Tư Bản-Xã hội …nữa!
Dân Túy bị xem như cực hữu, nguy hiểm, vì «bị xem» là đầy « tộc tánh» là ích kỷ, nên đương nhiên, là «kỳ thị người lạ, chủng tộc lạ, mầu da lạ, ngôn ngữ lạ, và tôn giáo lạ, tập tục lạ, văn hóa lạ…» Vì vây không được cầm quyền, vì sẽ độc tài? Tại sao không xem Dân túy là một con đường chánh trị, một lý thuyết chánh trị kinh tế? Là một con đường thứ ba? Dân túy nhứt định là không giống hai con đường Tả Hữu hay Dân Chủ Cộng Hòa truyền thống? Nhưng tại sao không là một lý thuyết «Trung Dung, Không Tả-Không Hữu»? Hay có thể «Vừa Tả-Vừa Hữu», vừa «Xã hội vừa Tư Bản»? Hitler tuy là một tên đồ tể khi cầm quyền, nhưng đối với Công dân Đức lúc bấy giờ là một nhà yêu nước yêu dân vì đã có một lý thuyết khá «ăn khách» là Chủ nghĩa Quốc Gia Xã Hội National-Socialisme! Chủ Nghĩa Quốc Gia Xã Hội, gọi tắt là Quốc Xã-Nazisme! Tuy tàn ác thật, nhưng tàn ác với những người không có quốc tịch Đức, giòng máu, ngôn ngữ Đức. Hãy quên đi những điển hình như Tóc Vàng, Mắt Xanh, Mủi Cao vân vân, phải thuần chủng Aryen, … Hitler đã sai lầm, khi đem những giấc mơ không toại của mình biến thành một giấc mơ thành lập Đế Quốc Người Đức với siêu nhơn Aryen. Có lẽ vì Hitler mặc cảm không thuần chủng người Đức? Vì Hitler sanh ở Áo, tóc Đen, mắt Đen, lùn thấp (Nực cười thay những tên độc tài sử dụng quốc túy quốc tộc đều không thuần giống – Napoléon sanh ở đảo Corse, Staline sanh ở Georgia, Thành Cát Tư Hãn là con rơi của một bộ lạc ngoài đã hảm mẹ y để sanh ra y) Tại sao một nền kinh tế bắt buộc phải ở một trường phái nhứt định? Kinh tế có thể, hoàn toàn Xã Hội với thuyết Keynes, trộn với Tư Bản Chủ Nghĩa Tư Nhơn thương mại như Bastiat chẳng hạn? … Chánh Trị cũng vậy, không bắt buộc phải do các nhà Chánh trị chuyên nghiệp ? Điều hành một đất nước như điều hành quản trị một xí nghiệp? Quản trị công dân như quản trị công nhơn? Với những phần hành bắt buộc, những nghiệp vụ, bổn phận bắt buộc. Với những quyền lợi bắt buộc! Bổn phận, quyền lợi tương đồng, công bằng, lưởng lợi, khế ước …Ngoại giao cũng vậy. Tất cả là khế ước là thương thuyết, lưởng lợi, Win-Win, synallagmatique!
Năm mới, 2017 nầy được mở hàng bởi hai nhơn vật lãnh đạo mới. Hai nhơn vật với hai hướng điều hành mới, vị thứ nhứt, sẽ là nguyên thủ một Quốc gia Siêu cường Số một Thế giới, với một sức mạnh quân sự số một, với một nền kỹ thuật đầy sáng tạo, đệ nhứt hoàn cầu,với một nền kinh tế và tài chánh vẫn còn tạo những cuộc chấn động cho tất cả hoàn vũ…(cả thế giới vẫn dùng đồng dollars, đồng tiền Mỹ để làm chuẩn cho đồng tiền của mình). Vị thứ hai, năm nay, sẽ là người đứng đầu của Cơ quan Trong tài được tất cả các quốc gia thế giới chấp nhận. Phải, ông là người Trọng tài, ông có tiếng nói trọng tài, thổi tu huýt điều khiển cuộc chơi trong sân chơi thế giới! Hai vị nầy là đại diện hai hình ảnh của Thế giới Tự Do, Dân Chủ, Hòa Bình Donald J Trump Tổng Thống Huê kỳ, và Antonio Guterrez Tổng Thơ Ký Liên Hiệp Quốc:
1/ Thế Giới Ngày Mai: Thế Giới Của Donald J Trump:
Chuyện Huê Kỳ và Ông Trump, thiên hạ đã bàn quá nhiều, tốn bao giấy mực, ngay cả từ ngày đầu ông vừa đệ đơn ứng cử đại diện Đảng Cộng Hòa. Rồi ông tuần tự đánh ngã các đối thủ Đảng Cộng Hòa, giấy báo cũng tốn bao thì giờ để bàn tán, kể khen người chê, nhưng phần đồng đều nhìn nhận «ông không giống ai!» Và đúng nhờ ông không giống ai nên ông đại thắng.
Ngựa về ngược, thắng Bà Clinton, «tay ngoại giao chuyên nghiệp» lão luyện chánh trường, làm đủ nghề chánh trị, ra vào Bạch Cung như ra vào nhà riêng mình, từng ở Bạch Cung, ngôi nhà của Tổng Thống Mỹ, vì đã làm Hoàng Hậu, Đệ Nhứt Phu Nhơn, vì đã làm Ngoại Trưởng, chánh sở Ngoại Giao. Đi khắp năm châu, bốn biển, nào đi sứ, đi thăm, nào đi khuyên, đi nhủ, đi hù, đi hăm, đi dọa, ủng hộ, cằn nhằn… hằng chục quốc gia, quen lớn, lắm người sợ nhưng cũng lắm người thương, lắm kẻ ghét, ơn oán giang hồ! Tiểu sử khổng lồ đồ sộ như vậy, Bà lên ngôi là cái chắc! Ai ngờ! Thua một tay bán nhà, «Real State», MC show quảng cáo, chuyên nghề truyền thông thương mại… Nhưng nhờ nghề nầy, Ông Trump nói đúng thị hiếu người dân, không phe không phái, không chia cắt xã hội, da mầu, đàn bà, Tàu, Phi, Mễ, Việt… Ông bán một viễn ảnh một nước Mỹ tương lai, đúng thị hiếu của tất cả người mua tiêu thụ! Và Ông hốt trọn! Và ông thắng cả! Cũng như mọi nhà bán hàng ông hứa, ông hẹn, nói đúng phóc, đúng vào tim đen, đúng vào giấc mơ người dân, đúng vào thị hiếu người mua. That’s it!
Nay ông đắc cử, và mai nầy, món hàng mới ông đã hứa, ông sẽ tạo ra. Và nó sẽ vừa lòng một ít người! Và nó cũng sẽ mất lòng một ít người! Hên được nhờ, rủi ráng chịu, dù sao đã mua rồi đành phải ráng xài vậy! Không bằng lòng ư? Hãy chờ một ông «sơn đông mại võ» khác bốn năm nữa, «lùng tùng xà sẽ hứa sẽ ca, sẽ hẹn sẽ hò » vậy thôi! Và biết đâu? Dù cuộc vui không toàn vẹn nhưng, «mua vui cũng được một vài trống canh»! Vợ mình kia, cực khổ với nàng, công phu với nàng như thế kia. Từ thuở «trồng cây si», hầu bá thở, chờ hết hơi, đến lúc đội mưa đứng nắng, hồi họp được em «cho phép» đưa em đi học, đón em tan trường về, đèo em xe đạp đạp học gạch… Thế nhưng, khi cưới em về, có khi còn vỡ mộng, huống chi bỏ phiếu đưa «người lạ» lên làm Vua!
May quá nền Dân Chủ chỉ cho làm Vua bốn (Mỹ) hay năm (Pháp) năm thôi! Trật keo nầy có cơ bầu keo khác, chọn mặt gởi vàng, đúng trật gì cũng có cơ làm lại! Cũng nhờ nền Dân Chủ, không được làm công dân «thắng», rủi làm «thằng công dân thất vọng», cũng chẳng chết thằng Tây nào! Chớ ở cái xứ Việt Nam Cộng sản, làm thằng dân thất vọng mà nói ra, nói vào, «bàn bàn tán tán» thì «bỏ mạng sa trường nhẹ thì đi «kinh tế mới», hay «đi học tập », nặng thì «đi cải tạo», nói tóm lại «ở tù mút chỉ cà tha». Kẹt lắm, vận hên đến, được dịp, vượt biên, vượt biển, may đến Tây, đến Úc, đến Mỹ, sống lãnh tiền welfare, được sécurité sociale đài thọ; xui thì về xứ Hà Bá ở với Diêm Vương, yên bề gia thế. Thảm cảnh ấy bà con phe ta dân tỵ nạn Cộng Sản đều biết cả, đều đã nếm qua, cả, thế nhưng… biết rồi, khổ lắm nói mãi!
Nhưng nay vẫn có người chưa tởn! Quên thời tù tội, quên thời chen chúc các trại tỵ nạn, quên thời ói mữa trên thuyền chật hẹp, quên thời xà lỏn, maydô nhưng được thở bầu trời Tự Do đầy mơ ước… Ngày nay, lành lặn, ngon lành, le lói, tuy nhà còn ở thuê, xe còn mua chịu, sống nhờ welfare nhiều hơn lao động, nhưng dù sao, dẩu nghề lao động tay chơn đi nữa, lao động xứ tây, xứ mỹ cũng ngon lành hơn cái lao động cải tạo xứ ta. Nên, nay, rổn rảng euros, dollars, đồng ra đồng vào, bèn trở về Việt Nam, du hí, mua vui, le lói!
Từ nay, tự điển việt nam thêm từ ngữ «việt kiều», lắm ý lắm nghĩa, khi chưởi, khi khen, khi khinh, khi trọng, khi thì khúc ruột dư «ngàn dặm thương nhớ», lúc thì cục thịt thừa «mỹ ngụy tàn dư», nhưng tựu chung chỉ là một «con bò sữa» (gần 4 tỷ một năm, chớ ít oải gì? 10% Tổng Sản Lượng của cả xứ chứ giởn sao?) cho cả xứ nhà, quan trên thì «kiều hối», quan duới, côn an thì «kiều tiền» mãi lộ, bao thư, khờ khạo ngu si, nạn nhơn hàng dỏm, tình gian. Nấy nhé, nếu ông bạn là «Việt Kiều đực rựa», tuổi tác cao thấp, no star where-không sao đâu! Đang có dzợ, hay lỡ sống cu ky, thất thời lỡ vận hay không có «hoa tay trị vợ» hay «chọn người trong mộng». Hãy cứ giành dụm, để «có tiền thì mua được tiên, (vì «chữ tiền liền với tiên một vần» kia mà) trở về thăm nhà, hay đi du lịch «tham quan» sẽ được chiếu cố, dẩu không được «chơn dài tuổi thơ lận đận» thì cũng được « lỡ thời, hận thuở hàn vi»!
2/ Thế Giới Ngày Mai Thế Giới Của Liên Hiệp Quốc Cứu Trợ:
Suốt Thế chiến 2, Huê kỳ, Anh quốc và Liên Sô đếu cùng một ý kiến phải làm sao giữ để thế giới không xảy ra chiến tranh nữa. Phải thay thế Hội Liên Quốc thành lập sau Thế Chiến 1, không làm tròn nhiệm vu.
a- Hiến Chương Liên Hiệp Quốc San Francisco 26 tháng 6 năm 1945:
Ngày 14 tháng 8 năm 1941, Hiến chương Đại Tây Dương thoạt tiên được ký trên chiến hạm Potomac, neo giữa Đại Tây Dương ngoài khơi đảo Terre Neuve (Newfouland) thuộc Tỉnh Terre Neuve et Labrador (Newfouland anh Labrador của Canada) giữa Tổng Thống Mỹ Roosevelt và Thủ Tướng Anh Churchill. Cả hai cùng định nghĩa một quan niệm dùng mọi biện pháp hòa bình để giải quyết mọi bất đồng ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới tránh một gây hấn chiến tranh.
«Tổng thống Huê kỳ và Thủ tướng Anh, xác tín rằng tất cả những quốc gia trên thế giới, bởi những lý do thực tiển, cùng những những lý do tín ngưởng, phải từ bỏ mọi tư tưởng bạo động, sử dụng vũ lực, vì chúng ta không thể có một sự Hòa Bình vĩnh cửu nếu chúng ta để vũ lực được tiếp tục sử dụng trên không gian, trên biển cả, và trên đất liền bởi những quốc gia thường dùng hăm dọa và sử dụng hăm dọa để sử dụng vũ lực vượt khỏi biên cương của họ»
Bản văn như một lời kêu gọi viết trên báo chí chứ không phải là một văn kiện hành chánh cần sự phê chuẩn và thỏa thuận của một Quốc hội Huê kỳ hay Anh quốc.
b- Từ Liên Hiệp Chống Phe Trục Của Thuở Ban Đầu:
Ngày 1 tháng Giêng năm 1942, Bản Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc được ký tại Washington bởi 26 quốc gia tham dự, quyết định cùng chung sức chống lại lực lượng của Khối Trục (Đức Nhựt Ý) và khẳng địng lập trường của Hiến Chương Đại Tây Dương. Nước Pháp, nước Pháp Tự Do của Tướng de Gaulle không được Huê kỳ nhìn nhận nên không có tên trong 26 quốc gia nầy. Ngày 30 tháng 10 năm 1943, Tuyên Ngôn Mạc Tư Khoa (MOCKBA – Moskva) ký kết giữa bốn nhà ngoại trưởng, Hull của Huê kỳ, Eden của Anh quốc, Molotov của Liên Sô và Đại sứ Trung Hoa tại Mạc tư Khoa, Foo Pingshen. Tất cả đều chấp nhận sự cần thiết, để có hòa bình và an toàn thế giới, phải thành lập một tổ chức quốc tế mở rộng cho tất cả mọi quốc gia, lớn hay nhỏ, dựa trên sự bình đẳng các quốc gia yêu chuộng hòa bình.
Ngày 1 tháng 12 1943, Téhéran (Iran), Tổng Thống Mỹ Roosevelt, Thủ Tướng Anh Churchill và Thống soái Staline Liên Sô, họp nhau lần đầu xác tín quyết định trên.
Hội Nghị Dumbarton Oaks (một khách sạn lớn tại Washington DC) kéo dài từ ngày 21 tháng 8 đến 7 tháng 10 năm 1944, bốn phái đoàn, bốn cường quốc Huê kỳ, Anh, Liên Sô và Trung Hoa (Dân Quốc) đặt nền móng cho cái Hiệp Hôi tương lai Liên Hiệp Quốc: Hội Đồng Bảo An, Đại Hội Đoàn, Tổng Thư Ký Đoàn, Hội Đồng Cố vấn Kinh tế và Xã hội, Tòa Án Quốc tế.
Hội Nghị Yalta (tháng 2 1945) thuơng thuyết thỏa thuận những bất đồng cuối cùng. Liên Sô lúc nào cũng sợ bị các quốc gia tây âu ăn hiếp nên đòi «cho được» 16 tiểu bang của Liên bang Sô Viết mình được mỗi tiểu bang một ghế thành viên. Cuối cùng Liên sô có thêm hai ghế của hai cộng hòa liên bang nhỏ là Ukraine và Bê La Nga – Biélorussia hay Belarus. Như vậy Liên sô có 3 ghế, trong khi Huê kỳ với 48 tiểu bang (lúc ấy) cũng chỉ có 1 ghế. Pháp có một ghế, được vào Hội Đồng Bảo An với sự đòi hỏi của Thủ Tướng Anh Churchill, mặc dù Tướng de Gaulle của Chánh phủ Lâm thời Kháng chiến của Pháp không có mặt ở Yalta. Năm quốc gia thường trực ở Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết – Veto. Đặc quyền nấy đã làm tê liệt suốt thời gian chiến tranh lạnh, mọi hoạt động của Hội Đồng Bảo An.
Hội Nghị San Francisco, nhóm từ ngày 25 tháng Tư đến ngày 26 tháng 6 năm 1945.
Hiến chương Liên Hiệp Quốc được ký ngày 26 tháng 6 năm 1945 bởi đại diện của 50 quốc gia sáng lập (kề cả Bélarus và Ukraine). Một quốc gia thứ 51 cũng có thể được mời ký, đó là Balan nhưng Balan lúc ấy chưa có chánh phủ nên không có người đại diện. Balan ký ngày15 tháng 10 thôi, nhưng cũng được nhận là một trong những quốc gia «của thuở ban đầu nầy».
Tất cả 51 quốc gia nầy đều phải đấu tranh liên minh trong cuộc chiến chống phe Trục « Phát Xít-NaZi-Thiên Hoàng Nhựt »
Điều 1 của Văn Kiện Sáng Lập Liên Hiệp Quốc nói rõ mục đích của Hiệp Hội:
« 1 / Quyết tâm gìn giữ Hòa Bình và nền An Ninh của thế giới. Muốn vậy, sẽ sử dụng mọi phương pháp tập thể hữu hiệu để đề phòng và xa lánh mọi nguy hiểm đến cho nền Hòa Bình, và trừng phạt mọi hành vi xâm phạm hay phá vỡ nền Hòa Bình chung. Sẽ sử dụng mọi phương cách bất bạo động hợp pháp với nền công pháp quốc tế, sẽ giải quyết công bằng, với các nền công lý bản xứ, những bất đồng có tánh cách quốc tế, có nguy cơ mang lại bất hòa và phá vỡ nền Hòa bình chung.
2 / Cũng cố và phát triển tình hữu nghị giữa các quốc gia dựa trên sự tôn trọng của sự bình đẳng giữa các con người và quyền tự chủ của nhơn dân, và bằng mọi giá giữ vững nền Hòa Bình thế giới.
3 / Tạo sự phối hợp quốc tế để giải quyết những vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa hay cả nhơn đạo, bằng mở mang phát triển, bằng khuyến khích lòng tôn trọng nhơn quyền, và tôn trọng những tự do tối thiểu căn bản của mỗi con người, không phân biệt chủng tộc, giới tánh, văn hóa, hay tôn giáo.
4 Và là trung tâm, là nơi quy tụ, hòa hợp tất cả những sáng kiến, những cố gắng của những Quốc gia, cho dự án cao cả nầy.»
Ngày 10 tháng 10, năm 1946 Liên Hiệp Quốc chấp nhận lời mời của Quốc Hội Huê kỳ, nhứt trí một lòng, mời mở Văn Phòng chánh thường trực tại Huê kỳ trong buổi Họp Hội Nghị Đại Hội Đoàn đầu tiên ở London thủ phủ Vương Quốc Anh
Năm 1952, Liên Hiệp Quốc mở Trụ Sở Chánh tại Manhattan, New York, bên cạnh bờ Đông Giang – East River, nhờ một số tặng kim 8 triệu rưởi dollars của tỷ phú Rockefeller.
c- Vai Trò Chánh Của Liên Hiệp Là Giữ Hòa Bình và An Ninh Thế Giới :
Vai trò chánh của Liên Hiệp Quốc là giữ Hoà Bình và An Ninh của thế giới.
Chương VI của Hiến Chương khuyên nên sử dụng những quyết định ôn hòa để giải quyết những bất hòa, qua sự can thiệp của Hội Đồng Bảo An, bằng thương thuyết, can gián trọng tài và can thiệp bằng công lý và luật lệ.
Hội Đồng Bảo An có thể can thiệp bởi những can gián. Nếu các phe chống đối nhau không đi đến giải quyết được bằng những biện pháp ôn hòa, Hội Đồng có thể giải quyết bằng những lời dặn dò để đi đến hiệu quả.
Nguyên tắc an ninh tập thể, là một nguyên tắc nếu một thành viên của Hiệp Hội bị tấn công, tất cả các thành viên đều xem như bị tấn công, cho phép Hội Đồng Bảo An ở Chương VII, có biện pháp chế tài, trừng trị, từ những biện pháp có tánh cách ngoại giao, kinh tế cho đến quân sự hay cả sử dụng vũ lực quân sự – khi tất cả mọi biện pháp chế tài bất bạo động đều thất bại.
Tuy nhiên, suốt thời gian chiến tranh lạnh, Hội Đồng BảoAn hoàn toàn bị tê liệt bởi những quyền phủ quyết được sử dụng tối đa của Mỹ và của Liên Sô. Do đó những quyết định giữ hòa bình hay an ninh thường là những giải quyết ngoại giao và bất bạo động.
Trừ một lần vào năm 1950: Năm ấy 1950, Liên Sô tẩy chay Liên Hiệp Quốc, không họp với Hội Đồng Bảo An. Vì Liên Sô không có mặt, nên không có quyền phủ quyết của Liên Sô, Huê Kỳ và những quốc gia còn lại bầu quyết định một trừng phạt Bắc Hàn đang tràn ngập xâm chiến Nam Hàn ngày 25 tháng 06 năm 1950. Huê kỳ tham dự cuốc chiến với 88% của tổng số 341 quân nhơn quốc tế của 20 quốc gia giúp quân đội Nam Hàn. Phía bên Bắc Hàn, Liên sô viện trợ quân cụ cho quân Trung Cộng và Bắc Hàn.
Sau thời chiến tranh lạnh, Liên Hiệp Quốc thường tham dự những cuộc giữ gìn Hòa Bình và An Ninh thế giới. Liên Hiệp Quốc đã bao nhiêu lần bị kêu gọi tham gia, can thiệp cho những xâm phạm tạo bất ổn, mất an bình, kể cả những nguy hiểm «không quân sự» như bệnh AIDS hay khủng bố thế giới.
d- Và Đến Liên Hiệp Cứu Trợ và Tỵ Nạn Của Ngày Nay:
Thế nhưng, cơ chế ngày nay của Liên Hiệp Quốc không còn hiệu quả như thuở ban đầu nữa sau 71 năm hoạt động.
Dưới sự điều khiển của Tổng Thư Ký Kofi Annan (1997-2006), ông đã ra lệnh cho nhiều ủy ban bàn thảo để sửa đổi cải tổ cho một Liên Hiệp Quốc hữu hiệu hơn. Thế nhưng suốt thời gian ông làm Tổng Thư Ký, ông không bao giờ nhận được môt sự đồng thuận của các thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An về bất cứ một dự án cải tổ nào. Tất cả những đề nghị thay đổi đều vô hiệu!
Hôi Đồng Bảo An lựa chọn thay đổi nhơn sự, Thay ông Tổng Thư ký. Ông Ban Ki Moon thay ông Kofi Annan vào năm 2006.
Suốt 10 năm, 2006-2016 thời gian làm Tổng Thư Ký, ông Ban Ki Moon chỉ chuyên đi ủy lạo và cứu trợ.
Năm nay 2017 ông sẽ truyền cái nghiệp Tổng Thư Ký cho cựu Thủ Tướng Bồ Đào Nha, Antonio Guterrez. Ông Tân Tổng Thư Ký cũng sẽ là người chuyên nghiệp cứu trợ và giúp người tỵ nạn vì từ 2005 đến 2015 ông là giám đốc Cao ủy Tỵ nạn của Liên Hiệp Quốc.
Cũng như Hội Liên Quốc năm xưa. Liên Hiệp Quốc cũng sẽ không làm tròn được nghiệp vụ chiến sĩ Hòa Bình và An Ninh Thế giới. Thế Chiến Thứ Ba sẽ xảy ra?
Ít ra Liên Hiệp Quốc còn giữ được Vai trò Mới, với một Nhiệm Vụ Mới: Cứu Trợ và lo cho người Tỵ nạn.
Hồi Nhơn Sơn, Cuối Năm Bính Dần
Bắt đầu năm thứ 37 đời Tỵ Nạn.
Sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa …
Lúc bé, nghỉ học là chuyện lạ. Lớn lên mới biết, chuyện lạ là đi học.
Lúc bé, tưởng đến trường là phải học. Lớn lên mới biết, đến trường còn được ngủ.
Lúc bé, tưởng thi xong là hết. Lớn lên mới biết , sau thi còn có thi lại.
Lúc bé , tưởng điểm 10 mới là giỏi. Lớn lên mới biết, chỉ 5 thôi đã quý lắm rồi.
Lúc bé, tưởng càng học càng giỏi….
Lớn lên mới biết, càng học càng ngu
Năm Gà Nói Chuyện con … KÊ
Đỗ Chiêu Đức
KÊ 鷄 là từ Hán Việt chỉ Con Gà, Gà là Kê, Kê là Gà, là … Gà Kê Dê Ngỗng. Bà con ta thường nói thành “Cà Kê Dê Ngỗng”. Năm Gà nói chuyện…con Kê là nói chuyện phiếm, chuyện tào lao, chuyện bao đồng về con gà để nghe chơi khi trà dư tửu hậu.
GÀ được xếp hàng thứ Mười, thuôc chi DẬU trong Thập Nhị Địa Chi. Năm nay Thiên Can nhằm chữ Đinh, nên năm 2017 là năm ĐINH DẬU. Nam phương Bính Đinh thuộc Hỏa là Lửa, hợp với chi Dậu là Con Gà. Nên ĐINH DẬU là Con Gà Lửa… mà con gà bỏ vô lửa thì thành… Con Gà Quay. Vậy là năm 2017 nầy bà con ta tha hồ mà hưởng lộc “Gà Quay” nhé! Không sợ bị đói như năm ẤT DẬU 1945. Vì Đông Phương Giáp Ất thuộc Mộc, nên ẤT DẬU là con gà bằng …Mộc, bằng Cây, mà gà bằng Cây thì làm sao ăn cho được, không đói mới là lạ!
GÀ là KÊ 鷄, KÊ là chữ Tượng Hình trong Lục Thư, là cách đầu tiên trong 6 cách tạo hình của Chữ Nho… dễ học, theo diễn tiến của chữ viết như sau:
Giáp Cốt Văn Đại Triện Tiểu Triện Lệ Thư
Ta thấy:
Giáp Cốt Văn là hình tượng của con gà trống hiên ngang với cái mỏ hướng về bên trái và cái vương miện vươn cao ở trên đầu, hai cánh bên dưới xòe ra như đang đập cánh chuẩn bị cất cao tiếng gáy vào buổi sáng. Nhưng qua Đại Triện và Tiểu Triện do sự biến thiên của chữ viết qua các thời đại, chữ KÊ 鷄 được hình thành bởi Hình Thanh (Cách tạo chữ thứ 4 của Chữ NHO… dễ học) với chữ HỀ 奚 bên trái chỉ Âm và chữ ĐIỂU 鳥 bên phải chỉ Ý, nên chữ KÊ hiện tại được viết như thế nầy 鷄, chữ Điểu bên phải có thể thay bằng bộ CHUY 隹 là Loài chim đuôi ngắn, nên chữ KÊ cũng được viết như sau 雞. Ta có 4 hình thức của chữ KÊ:
Giản thể Phồn thể
鸡 鳮 雞 鷄
7 nét 13 nét 18 nét 21 nét
Vì đến 2 hình thức chữ Phồn Thể, mà chữ phức tạp nhất có đến những 21 nét, nên KÊ thuộc dạng chữ khó nhớ ngày xưa khi học chữ Nho, cho nên mới có câu chuyện vui “Tam Đại của Con Gà” sau đây về ông Thầy Đồ… dốt. Truyện kể:
Xưa, có anh học trò học hành dốt nát, nhưng trò đời “Xấu hay làm tốt, dốt hay … xổ Nho “, đi đâu cũng lên mặt văn hay chữ tốt.
Có người tưởng anh ta hay chữ thật, mới đón về dạy trẻ. Một hôm, đang dạy sách Tam Thiên Tự 三千字, sau chữ ” Tước 雀 ” là chim sẻ, đến chữ ” KÊ 鷄 ” là gà, thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò lại hỏi gấp, thầy quýnh qúa, nói đại nói càn: “Dủ dỉ là con dù dì”. Thầy cũng khôn, sợ lỡ sai người nào biết thì mắc cở, mới bảo học trò đọc nhỏ thôi, tuy vậy, trong lòng thầy vẫn lo âu thấp thỏm.
Nhân trong nhà có bàn thờ Thổ Địa Thần Tài, thầy mới đến khấn thầm xin ba keo âm dương để xem chữ đó có phải thật là ” dù dì ” không. Thổ công cho ba keo đều được cả ba.
Thấy vậy, thầy lấy làm đắc ý lắm, hôm sau bệ vệ ngồi trên giường, bảo trẻ đọc cho to. Trò vâng lời thầy, gân cổ lên gào:
– Dủ dỉ là con dù dì ! Dủ dỉ là con dù dì…
Ông cha của sấp nhỏ đang cuốc đất ngoài vườn, nghe tiếng con học, ngạc nhiên mới bỏ cuốc chạy vào, giở sách ra xem, rồi hỏi thầy :
– Thầy ơi ! Chữ ” KÊ 鷄 ” là gà, sao thầy lại dạy thành “dủ dỉ” là con “dù dì” ?
Bấy giờ thầy mới nghĩ thầm: “Mình đã dốt, Thổ Địa Thần Tài nhà nó còn dốt hơn mình nữa”, nhưng Thầy cũng lanh trí, nên vội nói đỡ là:
– Tôi cũng biết chữ đó là chữ ” kê 鷄 “, mà ” kê ” nghĩa là “gà”, nhưng tôi dạy cháu như thế là dạy cho chúng nó biết tận Tam Đại 三代 của con gà kia!
Chủ nhà càng không hiểu ất giáp gì cả, hỏi:
– Tam Đại 三代 của con gà là nghĩa ra làm sao?
– Là ba đời của con gà đó! Này nhé,”Dủ dỉ là chị con Công, con Công là ông con Gà.” Thế, chả phải Tam Đại của con gà là gì?!
DẬU đứng hàng thứ Mười trong Địa Chi, nhưng lại là Tháng Tám Âm lịch. Ngày Dậu là ngày được xếp sau ngày Thân và trước ngày Tuất. Giờ Dậu là từ 5 đến 7 giờ chiều tối, nên ông bà ta ngày xưa có để lại mấy câu nói sau đây :
Mạc ẩm Mão thời tửu, 莫飲卯時酒,
Hôn hôn túy đáo Dậu. 昏昏醉到酉.
Mạc mạ Dậu thời thê, 莫罵酉時妻,
Nhất dạ thụ cô thê. 一夜受孤凄.
Có nghĩa :
* Đừng uống rượu vào giờ Mão (từ 5 đến 7 giờ sáng). Vì sẽ bị… Say sưa mơ màng cho đến giờ Dậu (từ 5 đến 7 giờ tối). Vậy là suốt ngày sẽ không làm ăn gì được cả!
* Đừng mắng vợ vào giờ Dậu, vì chiều tối mà vợ chồng giận nhau thì suốt đêm sẽ chịu lạnh lẽo cô đơn có một mình, cũng sẽ không “nlàm ănn” gì được cả!
Tâm lý qúa cở “thợ mộc”! Ai bảo là ông bà ngày xưa không biết tâm lý tình cảm và bảo vệ hạnh phúc gia đình đâu!?
DẬU kết hợp với TỴ và SỬU thành Tam Hạp. Trâu Bò hợp với Gà thì còn được, chớ Trăn Rắn làm sao mà hợp với gà cho được, thấy gà là chúng quấn cho nát xương rồi nuốt trửng nguyên con như chơi. Không biết mấy thầy Tử Vi tướng số ngày xưa căn cứ vào cái gì mà xếp cho con Gà và con Rắn hợp nhau? Rắn thì chắc OK rồi, nhưng gà mà gặp rắn là chạy “tét ghèn” luôn, làm sao mà hợp cho được!
DẬU lại cùng với TÝ, NGỌ và MÃO, ta gọi là Tý Ngọ Mẹo Dậu thành một bộ Tứ Hành Xung. Ba lần bốn mười hai, cho nên hễ vợ chồng cách nhau 3, 6 hoặc 9 tuổi là lọt vào Tứ Hành Xung ngay! Nên ngày xưa đi cưới vợ phải coi tuổi là vì thế! Tuyệt đối kỵ 3, 6, 9, nhất là cách nhau 6 tuổi sẽ lọt vào số Chánh Xung, như: Dần và Thân, Tỵ và Hợi, Tý và Ngọ, Mẹo và Dậu, Thìn và Tuất, Sửu và Mùi đều cách nhau 6 tuổi, bảo đãm không xung không lấy tiền!
Trong thần thoại, GÀ là MÃO NHẬT KÊ 昴日雞, là ngôi thứ tư trong Bạch Hổ Thất Tinh, thuộc 7 vì sao nằm ở phương Tây của Nhị Thập Bát Tú 二十八宿, hướng Tây thuộc mùa Thu, cũng là mùa thu hoạch nông phẩm xong, cửa nhà đã đóng. Nên Mão Nhật Tinh thuộc nhóm Hung Tinh (Sao dữ), thường mang đến tai ương bất lợi, hung đa kiết thiểu (cho những người chưa thu hoạch hay bị mất mùa thất thu: Chắc chắn sẽ bị đói !).
Mão Nhật Kê được tạo hình trong phim Tây Du Ký
GÀ là một trong lục súc sống cùng với con người qua mấy ngàn năm lịch sử. Dựa theo các giả định Cổ Khí Hậu Học, có làm một nghiên cứu vào năm 1988 cho rằng gà được thuần hóa ở vùng Hoa Nam vào năm 6000 trước Công nguyên. Nhưng, một nghiên cứu khác vào năm 2007 cho rằng Gà xuất xứ từ Văn minh lưu vực sông Ấn (2500-2100 trước Công nguyên), nơi mà ngày nay thuộc lãnh thổ của Pakistan, có thể là nguồn chính cho sự lan truyền của các giống gà trên toàn thế giới.
Trong Lục Súc Tranh Công, một tác phẩm văn học dân gian của ta, trước đây được xếp trong chương trình Cổ Văn của lớp Đệ Thất, đã cho con Gà nói về mình như sau:
…………………………
Này này! gà ngũ đức thẳm sâu:
Nhân, dũng, tín, võ, văn, gồm đủ.
Trên đầu đội văn quan một mũ;
Dưới chân đeo hai cựa thần thương.
Đã ghe phen đến chốn chiến trường.
Lập công trận vang tai, lói óc,
Thủa Tây Lũng tam canh trống thúc;
Gà gáy đầu ba tiếng đêm khuya,
Một tiếng rằng: thiên nhật tác thì;
Hai tiếng rằng: quốc tộ tác xương,
Ba tiếng rằng: nhân gian tác lạc,
Đã cứu nạn Mạnh Thường đặng thoát;
Lại khuyên người Tấn sĩ năm canh.
Hễ ai toan cải dữ về lành,
Gà cũng biết tỉnh, mê, giấc điệp.
Coi giò gà xét biết thịnh suy.
Dóng canh khuya vui dạ kẻ tiêu y,
Cất tiếng gáy, toại lòng người đãi đán,
Ta thấy bài kể công trên, Gà có nhắc đến “…cứu nạn Mạnh Thường …”. Mạnh Thường đó là Mạnh Thường Quân của nước Tề, một trong Chiến Quốc TỨ CÔNG TỬ 戰國四公子, là bốn Vương Tôn hào hiệp, chiêu hiền đãi sĩ thời Chiến Quốc, đó là:
齐国孟尝君田文 Mạnh Thường Quân ĐIỀN VĂN của nước Tề.
赵国平原君赵胜 Bình Nguyên Quân TRIỆU THẮNG của nước Triệu. 魏国信陵君魏无忌 Tín Lăng Quân NGỤY VÔ KỴ của nước Ngụy.
楚国春申君黄歇 Xuân Thân Quân HOÀNG YẾT của nước Sở.
Tứ Công Tử qua Minh họa và qua Điện ảnh
Không phải đương không mà Tứ Công Tử nầy bỏ tiền của ra để nuôi ba ngàn thực khách trong nhà, mục đích chiêu hiền đãi sĩ của những vị nầy là để chiêu mộ tất cả nhân tài trong thiên hạ để chống lại nước Tần lớn mạnh đang lăm le thôn tính Thất Hùng….
Trở lại với MẠNH THƯỜNG QUÂN, người nổi tiếng nhất trong Tứ Công Tử và … con Gà đã cứu ông ta:
Tần Chiêu Tương Vương nghe nói Mạnh Thường Quân tài giỏi, nên mời đến nước Tần, định phong làm Tể Tướng, nhưng lại lo ông ta là người nước Tề chỉ lo cho quyền lợi của nước Tề. Không dùng, lại định giết đi. Mạnh Thường Quân biết tin lo sợ, mới tìm người sủng thiếp của Tần Vương mà cầu cứu. Người thiếp nầy thấy trước đây Mạnh Thường Quân có tặng cho Tần Vương một chiếc áo hồ cừu rất đẹp nên cũng muốn có một chiếc mới chịu giúp. Bí lối, vì chỉ có một chiếc duy nhất. Cũng may trong đám môn khách đi theo có một người chuyên đào tường khoét vách, đã lẻn vào cung vua Tần trộm chiếc áo hồ cừu đó ra để ông đem tặng cho người sủng thiếp. Nghe lời ỏn ẻn của người thiếp khi đầu gối tay ấp, Tần Vương thả Mạnh Thường Quân về nước. Không kịp đợi trời sáng, cả đoàn người ngựa kéo nhau lên đường. Tần Vương thả người xong thì hối hận, bèn cho binh lính đuổi theo bắt lại. Khi đoàn người của Mạnh Thường Quân chạy đến cửa thành thì trời chưa sáng, cửa thành chưa mở.
Lại một môn khách đi theo có người giỏi nhái tiếng gà gáy, khi ông ta cất tiếng gáy lên thì tất cả gà trong thành đều cất tiếng gáy theo. Lính canh thành tưởng trời đã sáng bèn mở toang cửa thành ra. Thế là cả đoàn người của Mạnh Thường Quân ra thành… chạy tuốt! Khi quân Tần đuổi tới thì đoàn người đã đi xa lắc xa lơ rồi!
Con Gà cứu Mạnh Thường Quân là con Gà…trong ba ngàn thực khách của ông ta, còn bầy Gà chỉ hùa theo tiếng gáy mà thôi! Con Gà trong Lục Súc Tranh Công không biết thấu đáo mà cho là công lao của mình. Nhưng xét cho cùng, không có bầy gà cùng gáy thì chưa chắc lính canh đã chịu mở cửa thành ! Và … cũng vì tích nầy mà ta có được thành ngữ:
KÊ MINH CẨU ĐẠO 雞鳴狗盜 : là Gà gáy Chó trộm. Ý chỉ hai thực khách của Mạnh Thường Quân, một người chui lổ chó vào cung trộm áo; một người giả làm gà gáy sáng. Ý muốn nói những người tầm thường du thủ du thực nhiều khi cũng đắc dụng, cũng làm nên việc có ích hoặc cứu giúp lúc lâm nguy, chớ không phải hoàn toàn vô dụng. Nhưng thành ngữ nầy hiện nay thường dùng để chỉ hạng đầu trộm đuôi cướp, ba que xỏ lá, trộm gà bắt chó… mà đã mất đi ý nghĩa tốt đẹp của lúc ban đầu!
Kê Minh Cẩu Đạo
Con Gà của Lục Súc Tranh Công còn kể lể:
Lại khuyên người Tấn sĩ năm canh.
TẤN SĨ 晉士 : là Kẻ sĩ của nước Tấn; ở đây chỉ TỔ ĐỊCH 祖逖 (266-321) và LƯU CÔN 劉 琨 (271-318) của thời Đông Tấn và Tây Tấn theo tích sau đây:
Tổ Địch tự là Sĩ Nhã, người đất Yên Sơn. Ông là một Đại Tướng đầu đời Đông Tấn, có chí muốn khôi phục Trung Nguyên nên ra sức bắc phạt, từng lập được nhiều chiến công. Ông cùng với người bạn trẻ là Lưu Côn, tự là Việt Thạch, người đất Hà Bắc, là danh tướng đời Tây Tấn, là hậu duệ của Hán Trung Sơn Tịnh Vương. Lúc nhỏ cùng với Tổ Địch kết giao. Hai người thường bàn luận về chính sự, quốc sự đều tỏ ra rất tâm đắc, tuổi trẻ lòng đầy nhiệt huyết đều muốn cống hiến sức lực của mình cho Tổ quốc, nên mỗi đêm về sáng khi nghe được tiếng gà gáy là cùng nhau thức dậy để múa gươm luyện võ, trao dồi thể lực để mong có cơ hội ra giúp nước. Đêm đêm như thế, chẳng hề chểnh mảng đơn sai.
Vì thế mà hình thành được thành ngữ VĂN KÊ KHỞI VŨ 聞雞起舞 : là Nghe tiếng Gà gáy thì dậy mà múa. Múa ở đây là Múa Gươm, vừa rèn luyện thân thể, vừa ôn tập võ nghệ. Thành ngữ nầy còn dùng để chỉ những người có chí muốn phục vụ cho quốc gia dân tộc, sẵn sàng cống hiến sức lực và tài năng của mình kịp thời và đúng lúc để đáp lời sông núi. VĂN KÊ sẽ KHỞI VŨ ngay!
Văn Kê Khởi Vũ
Tiếng gà gáy sáng khi màn trời còn phủ sương đêm, làm ta chợt nhớ đến cô Kiều “Đêm khuya thân gái dặm trường, Phần e đường xá phần thương dãi dầu!” khi trốn khỏi Quan Âm Các của Hoạn Thư một thân một mình với cảnh:
Mịt mù dặm cát đồi cây,
Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương.
“Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương” là lấy ý và thoát dịch một cách tuyệt vời 2 câu thơ trong bài THƯƠNG SƠN TẢO HÀNH 商山早行 của Ôn Đình Quân 溫庭筠 đời Đường là :
Kê thanh mao điếm nguyệt, 雞聲茅店月,
Nhân tích bản kiều sương. 人跡板橋霜.
Có nghĩa:
Tiếng gà xao xác gáy ở quán lá ven đường khi trăng còn chênh chếch bên trời, và…
Trên chiếc cầu ván nhỏ bắt ngang qua lạch nước còn đẫm sương đêm đã có một vài dấu chân người đi qua.
Cảnh vắng vẻ lạnh lùng của buổi sớm mai càng làm tăng thêm nỗi cô đơn thấp thỏm của người đang tìm đường tị nạn!…
Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương.
Con GÀ của Lục Súc Tranh Công còn tự hào về hình dáng của mình:
Trên đầu đội văn quan một mũ;
Dưới chân đeo hai cựa thần thương.
Qủa là Văn Võ Song Toàn với “văn quan một mũ” và “hai cựa thần thương”. Hình dáng của con gà trống thì qủa thật không chê vào đâu được. Mỏ vàng mồng đỏ, lông cánh lông đuôi màu sậm, lông mình sặc sở đỏ vàng xanh, bước đi bệ vệ, vỗ cánh phần phật làm cát bụi tung bay đầy trời trước khi cất cao tiếng gáy: “Ò Ó O Ò O…” đó là Gà Việt Nam; còn Gà Tàu thì gáy: “wu wu ti 喔喔啼 … “.
Hồi xưa khi mới đậu Đệ Thất, tới giờ học Pháp Văn mới lần đầu tiên nghe tiếng gà Tây gáy: “Cocorici, co-co-ri-co …”. Bây giờ định cư ở Mỹ, nghe mấy đứa cháu nội cháu ngoại cho gà gáy bằng tiếng Anh: ” Cock-a-doodle-doo, cock-a-doodle-doo… !”. Thật cảm khái vô cùng!!!
Gà oai phong là thế, đẹp rực rỡ là thế, nhưng khi có một con Hạc lạc vào thì lại trở nên tầm thường nhỏ bé, nên ta lại có thành ngữ: HẠC LẬP KÊ QUẦN 鶴立雞群 có nghĩa là “Hạc đứng giữa bầy gà”. Đương nhiên Hạc trông cao ráo thanh thoát hơn hẵn bầy gà thấp lè tè bên dưới. Tiếng Việt ta còn nâng lên một cấp nữa, ta nói là ” PHỤNG LỘN VỚI GÀ ” Phụng chẳng những cao lớn hơn mà còn đẹp rực rỡ hơn gà nhiều! Câu “Hạc lập Kê Quần” có xuất xứ từ điển tích “Trúc Lâm Thất Hiền luận” của Đái Mục đời Tấn như sau:
KÊ THIỆU làm quan Thị Trung cho Tấn Huệ Đế, người khôi ngô cao lớn thông minh anh tuấn, văn võ song toàn. Lúc bấy giờ hoàng tộc nhà Tấn đang tranh quyền đoạt vị, giết hại lẫn nhau, mạnh ai nấy xưng vương, sử gọi là ” Bát Vương Chi Loạn “. Kê Thiệu vẫn một mực trung thành với Tấn Huệ Đế. Lúc kinh thành có loạn Kê Thiệu đứng chặn trước cửa cung, loạn quân thấy vẻ hiên ngang hùng dũng của Kê Thiệu khiếp đãm đến không dám xạ tiễn. Khi Tấn Huệ Đế thua chạy ở Thang Dương, tướng sĩ chết vô số, Kê Thiệu vẫn theo sát để bảo vệ Huệ Đế đến nỗi thân mình trúng mấy mũi tên, máu nhỏ cả lên long bào của Huệ Đế và ông đã hy sinh trong trận chiến nầy. Sau đó, những người tùy tùng định tẩy giặt những vết máu trên long bào, Huệ Đế đã ngăn lại bảo đó là máu của Thị Trung Kê Thiệu không được giặt đi. Khi Kê Thiệu lần đầu đến Lạc Dương, đi trong đám đông người, thân hình cao lớn, khí vũ hiên ngang, như là con Hạc đứng giữa bầy Gà vậy, từ đó mà hình thành thành ngữ HẠC LẬP KÊ QUẦN 鶴立雞群 để chỉ những người vượt trội hơn người khác chẳng những về sức vóc mà cả về tài năng nữa !
KÊ THIỆU là con của KÊ KHANG, một trong TRÚC LÂM THẤT HIỀN:Gồm có :
Nguyễn Tịch 阮籍、Kê Khang 嵇康、Sơn Đào 山涛, 刘伶 Lưu Linh、阮咸 Nguyễn Hàm、向秀 Hướng Tú、王戎 Vương Nhung;
Họ sống và ở ẩn giữa đời Ngụy và đời Tấn. KÊ KHANG chẳng những là Nhà Tư Tưởng, nhà Văn Học mà còn là Nhà Âm Nhạc nổi tiếng lúc bấy giờ với bản đàn Quảng Lăng Tán 廣陵散, mà cụ Nguyễn Du đã mượn NÓ để khen tài đờn của Thuý Kiều, khi cô đờn cho Kim Trọng nghe lần đầu tiên là:
Kê Khang nầy khúc Quảng Lăng,
Một rằng lưu thủy hai rằng hành vân.
Hạc Lập Kê Quần Trúc Lâm Thất Hiền
YAO MING 姚明 : là Diêu Minh (người mặc áo đỏ trong hình trên), cầu thủ bóng rổ của Trung Quốc được Hội Bóng Rổ nhà nghề Rocket của thành phố Houston ký hợp đồng từ năm 2003 đến 2008 để tranh Giải Bóng Rổ Toàn Quốc Hoa Kỳ NBA. Yao Ming có thân hình cao 7’6″ (226cm)= 2 mét 26, nên khi đứng giữa các cầu thủ khác thì như là HẠC LẬP KÊ QUẦN 鶴立雞群 vậy!
Con GÀ trống oai vệ mạnh mẽ là thế, nên có những con người yếu đuối không thể khống chế nỗi con gà, ngay khi cả con gà đã bị kềm chế … thúc thủ chịu trói rồi mà còn trói không chặc, để đến đỗi mang tiếng là THỦ VÔ PHƯỢC KÊ CHI LỰC 手無縛雞之力 là Tay không đủ sức để trói gà. Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ những chàng thư sinh ngày xưa, tối ngày chỉ biết ôm lấy quyển sách, miệng luôn đọc câu THI VÂN 詩云 …TỬ VIẾT 子曰 … (Kinh Thi nói rằng… Khổng Tử dạy rằng…) mà không chịu rèn luyện thân thể cho khỏe mạnh để đến nỗi không có sức trói nỗi con gà, ta nói là ” Thứ cái đồ thư sinh trói gà không chặc!”.
Nhưng dù “Trói gà không chặc” nhưng các bà các cô ngày xưa cũng vẫn cứ… xáp vào! Và còn biện bạch là:
Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ!
Khéo mà nói xạo! Chẳng là vì “Cái bút cái nghiên” của anh đồ, một khi “ảnh” Kim Bảng Đề Danh thì sẽ có được “Ruộng cả Ao liền” như chơi mà thôi ! Nên khi còn hàn vi thì đành bóp bụng mà GIÁ KÊ TÙY KÊ, GIÁ CẨU TÙY CẨU 嫁雞隨雞,嫁狗隨狗 Là Gả cho Gà thì theo Gà, Gả cho Chó thì theo Chó, mười hai bến nước, trong thì nhờ, đục thì … chịu khó “lóng phèn” mà thôi!
Con Gà rất gần gũi với người nông dân Việt Nam, là gia cầm quen thuộc và gắn bó mật thiết với đời sống hàng ngày của dân nước nông nghiệp, nó còn xuất hiện rất nhiều trong ca dao, tục ngữ để khuyên nhủ, nhắc nhở hay chê trách một điều gì đó trong cuộc sống, đôi khi lại cảm thông tưởng thưởng, như những người góa vợ mà chịu khó “Gà trống nuôi con”; những người biết nhẫn nhịn, không như “Con gà tức nhau vì tiếng gáy» Khi chê trách thì không thiên vị người nào, kể cả các bậc vua chúa như Lê Chiêu Thống cũng bị quở là “Cõng rắn cắn gà nhà”!. Anh em trong nhà thì luôn được nhắc nhở là “Anh em như thể tay chân”, nên:
Khôn ngoan đá đáp người ngoài,
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau!
Khuyên thì khuyên vậy, chớ đôi khi vì quyền lợi, tài sản, thậm chí chỉ vì miếng cơm manh áo vẫn có thể “Gà nhà bôi mặt đá nhau như thường!”. Có được đứa “Con gái rượu” lấy chồng giàu sang quyền quý, thậm chí được làm Thiếp làm Phi của vua, như Dương Qúy Phi ngày xưa, hoặc như cô Giả Nghinh Xuân trong Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần thì cả nhà đều được vinh hoa phú qúy như có được “Con Gà đẻ trứng vàng” vậy ! Trước mắt, các cô lấy chồng ngoại quốc, hay Việt Kiều Mỹ, Úc, Canada … thường xuyên gởi “đồ tiên” (là Tiền Đô) về cho gia đình chi dụng, cũng gọi được là có “Con Gà đẻ trứng vàng “, hay mĩa mai hơn thì nói là “Gia đình đó có được miếng đất xéo ở bên Mỹ đó!”.
Gà trống nuôi con “Đồ Tiên” Gà đẻ trứng vàng
Con GÀ đi liền với con người từ bé đến lớn, từ nhỏ đến già. Hình ảnh đàn gà con tíu tít bên gà mẹ, hay hình ảnh gà mẹ dang rộng đôi cánh ra để che chở cho con mình, luôn là hình ảnh đẹp trong hội họa, trong nhiếp ảnh … Không buồn như cảnh :
MẸ GÀ CON VỊT chít chiu,
Mấy đời mẹ ghẻ thương yêu con chồng !
Nhắc đến ” Mẹ Gà Con Vịt ” lại nhớ đến bốn chữ ” Đầu Gà Đít Vịt ” của dân miệt Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu … để chỉ các cô gái người Hoa lai … Miên. Các cô em nầy có nước da ngâm ngâm… bánh it, với đôi mắt to đen lay láy, đặc biệt là hai hàng lông nheo dài cong vút thường hay chớp chớp như để hớp hồn người đối diện. Nhất là các cô người Tiều Châu. Trong truyện ngắn ” Đầu Gà Đít Vịt ” của nhà văn Bình Nguyên Lộc, ông đã viết như thế nầy :….
… Người đàn bà cha Tàu mẹ Miên vừa có sắc đẹp, lại vừa ngây thơ, chân thật, dễ yêu lắm!
Trứng gà, thịt gà với đủ các món như Ốp la, Ốp lết, Xé phay, Luộc, Nướng, Quay, Chiên, nấu Cà-Ri … luôn hiện diện hằng ngày trong các bửa ăn gia đình. Định cư ở Mỹ rồi thì lại càng “gần gũi” với thịt gà hơn, vì đây là món thịt rẻ nhất nước Mỹ, với 10 pounds (khoảng 4 ký Rưởi) Leg quarters (Phần tư gà có luôn đùi) lắm khi hạ gía chỉ còn có một đồng 99 xu mà thôi. Bửa ăn tiện lợi và nhanh nhất cho những ngày bận rộn là Fry chicken (Gà lăn bột chiên). Bảo đãm rất ngon miệng, rất no nê và sẽ … rất mau lên cân, rất mau lên máu! Và cũng sẽ rất mau … “quáng gà”, “Trông gà hóa cuốc”, đưa đến cảnh “Ông nói gà bà nói vịt”: Đi chưa tới chợ mà mua tương cái nổi gì!
Bà con miền Bắc nói: “Con gà cục tác lá chanh”, tôi không biết là họ đang làm món gì, chắc họ đang ăn gà luộc?! Tôi là dân Nam Kỳ lục Tỉnh chỉ biết ” Rau răm nó hại con gà chết tươi! “Thịt gà” xé phay” thì không thể nào thiếu rau răm cho được. Thịt gà ngoài việc xào gừng, xào xã ớt, còn một món xào thật đặc sắc mà không dân nhậu nào không thích cả, đó chính là “Gà xào bún nấm củ hành!”, nhậu cũng “bắt” mà ăn cơm cũng “hết xẩy” luôn! Rất thực tế chân thật, không mĩa mai như miền ngoài:
Gà tơ xào với mướp già,
Vợ hai mươi mốt chồng đà sáu mươi.
Nói đến đây, lại nhớ đến một câu chuyện dân gian về “ăn chia” thịt gà trong gia đình; để thay đổi không khí, xin được kể theo kiểu phóng tác của ông Ly Cu Tê ở CANADA, vừa có phong thái cổ điển lại vừa có hơi hám thời sự của hiện tình đất nước …. Trích:
Xưa bên nước Vệ có ông nọ làm quan đến chức Tể Tướng. Hơn thập niên nắm quyền sinh sát trong triều đình, của cải ngân lượng ở bá tánh thuộc về ông không biết cơ man nào mà kể. Ngày kia, biết mình đã sắp đến lúc bị cho về vườn giăng câu đặt trúm, chích thuốc dạo, Tể Tướng bèn sai gia nhân làm thịt một con gà mái dầu luộc chín bày lên dĩa, sau đó ông gọi các con lại mà rằng:
– Các con nghe đây, tuổi cha nay đã cao, sức nhai sắp hết mà sức bú cũng chẳng còn, thời khắc giã từ mũ mão áo gấm không còn xa nữa. Hôm nay ta có con gà luộc, các con hãy tới chọn một bộ phận trên mình gà, rồi làm câu thơ ứng với thứ mình chọn. Để ta biết chí hướng của từng đứa mà lo đường công danh sự nghiệp mai sau cho!
Bốn người con đồng thanh dạ ran. Chàng trưởng nam giơ tay xin ứng khẩu trước, anh bước tới đĩa ngắt lấy cái đầu gà bỏ vào chén mình, rồi dõng dạc ngâm:
– Trai thời trung hiếu làm ĐẦU!
Ông quan nghe vậy khoái chí phán:
– Chọn đầu gà chứng tỏ con là người thao lược, lắm mưu nhiều kế. Để ta cho con làm quan ở bộ Xây, mỗi năm xây chừng mười cái tượng đài và tháp tàng hình thì mặc sức mà đếm ngân lượng!
Đến phiên người chị cả bước lại bàn bẻ cặp đùi, hai cánh và chiếc phao câu, rồi thong thả ứng khẩu:
– Gái thời tiết hạnh PHAO CÂU, CÁNH, ĐÙI!
Tể tướng nghe xong vuốt tóc con gái tấm tắc khen:
– Giỏi lắm con gái rượu của ta, chọn đùi cánh là số phải đi xa, chọn phao câu là người đảm đang có hậu. Được, ta cho con qua xứ Cờ Hoa du học, rồi kiếm thằng Vệ kiều liu vong nào bên ấy mà kết tình phu phụ đặng yên bề gia thất nghe chưa!
Người thứ ba là cô con dâu, nàng rón rén bước lại đĩa gà bê nguyên bộ lòng e thẹn ngâm nga:
– Phần con một DẠ một LÒNG!
Thấy con dâu xinh đẹp mặt hoa da phấn chọn bộ lòng gà, Tể tướng gật gù:
– Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình, con đã chứng minh lòng hiếu thảo với gia đình ta, sau này con sẽ là đệ nhất phu nhân xứ Vệ!
Người cuối cùng là chàng út có dung mạo giống cha mình hồi trẻ như đúc, anh nhanh nhảu bước lại đĩa rinh hết cái mình gà, rồi hí hửng đọc:
– Công cha nghĩa mẹ hết MÌNH vì con!
Ông quan vỗ đùi đánh đét một phát, rồi đưa tay vuốt vuốt chiếc cằm nhẵn thín, mặt ngửa lên trời cười ha hả ý chừng vô cùng khoái lạc:
– Kha khá khá. Đúng là hổ phụ sanh hổ tử, chọn mình gà chứng tỏ biết bao quát nhìn xa trông rộng giống ta, nay ta cho con về cai quản vùng đất Trung phần, ở đấy rất thuận lợi cho việc thăng quan tiến chức của con sau này!
Bốn người con cúi đầu vâng mệnh ai về chỗ nấy. Bắt đầu từ hôm đó cô chị cả được ông cho qua xứ Cờ Hoa du học, rồi yên bề gia thất với một chàng Vệ kiều lưu vong. Người con trai thứ được ông cho về bộ Xây, nghe đâu mới được thăng lên quan đầu tỉnh thuộc miền Tây giang thuỷ. Chàng út cùng cô dâu xinh đẹp giờ đang cai quản miền Trung nắng gió đầy sản vật, chuyện đến đây không có gì đáng nói.
Nhiều năm sau, câu chuyện chia gà của ông quan Tể Tướng bị lũ dân đen bần nông vàng vẩu đất Vệ đồn đãi khắp hang cùng ngõ hẻm nên người trong thiên hạ mới có thơ rằng:
Con vua thì cứ làm vua,
Con sãi ở chùa vẫn quét lá đa,
Còn lâu dân mới dám… nổi can qua,
Nên con vua cứ thế mà… làm cha dài dài!
Sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm quyết định xóa số 2 sòng bạc lớn nhất Sài Gòn Chợ Lớn là Kim Chung và Đại Thế Giới, thì đề 36 không còn nữa. Nhưng nhóm quân đội người Nùng giúp Tổng Thống dẹp loạn Bình Xuyên vẫn còn xổ đề ở vùng Cây Da Xà Phú Lâm Chợ Lớn, và họ đã thêm vào 4 con nữa cho đủ 40. Bốn con thêm vào là 37 Thiên Công (Ông Trời), 38 Địa Chủ (Đất Đai), 39 Thần Tài và 40 là Táo Quân (Ông Táo). Theo đề 36, thì CON GÀ tên chữ là NHỰT SƠN, đứng đầu trong nhóm TỨ HÒA THƯỢNG mang số 28, nếu đánh theo Xổ số Kiến Thiết từ 00 đến 99, thì phải thêm một con 68 nữa là Con Gà Lớn, theo như …
Đêm qua mơ thấy con gà,
Sáng ra 28 cứ đà ghi ngay.
Số lớn 68 chẳng sai,
Ai dè nó xổ …con Nai … hết tiền!
Nạn đánh đề càng trầm trọng khi xã hội càng phân biệt giàu nghèo. Dân càng nghèo càng phải chạy theo cuộc sống và càng mê số đề hơn, và… càng thua nhiều hơn nữa, rồi càng phát sinh nhiều tệ nạn xã hội hơn và cuối cùng là xã hội càng băng hoại hơn! Đến nỗi phát sinh thêm một loại gà mới: “Gà Móng Đỏ”! Nghe mà đau lòng, vì đây không phải là Gà thật, mà là tiếng lóng dùng để gọi các cô gái ăn sương, bán trôn nuôi miệng, sống lang thang vất vưởng mà người đời miệt thị là hạng “Mèo mả Gà đồng”, như Hoạn Bà, mẹ của Hoạn Thư đã hạ nhục Thúy Kiều:
Con này chẳng phải thiện nhân,
Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng
Ra tuồng MÈO MẢ GÀ ĐỒNG,
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào!
Buồn thay số đề! Con Gà là NHỰT SƠN 日山, là Trời đã về chiều, Mặt trời sắp lặn xuống núi. Theo số đề hoài thì đời sẽ sớm … về chiều và sẽ … lặn xuống núi luôn! Thua đề hết tiền thì đi vay nguội, vay nóng, vay “xã hội đen” ký giấy nợ với mức lời cắt cổ “Xanh xít đít đui (cinq six dix douze: Mượn 500 thì cuối tháng trả 600; mượn 1000 thì cuối tháng phải trả 1200).”Bút đã lỡ sa, thì Gà cũng chết ngắt!”. Ông bà ta dạy:
Nhất tự nhập công môn, 一字入公門,
Cửu ngưu đà bất xuất. 九牛拖不出。
Có nghĩa :
Một chữ đã “lỡ” vào đến công đường rồi, thì … Sức mạnh của chín con trâu cũng kéo ra không nỗi!
“Bút đã lở sa, thì Gà phải chết” mà thôi ! Như nhắc đến câu “cõng rắn cắn gà nhà, Rước voi giày mả Tổ” là bàng dân thiên hạ sẽ nghĩ ngay đến ông vua cuối cùng của triều Hậu Lê: Lê Chiêu Thống!
Bút sa gà chết
Gà chết vì là món ăn khoái khẩu của người đời, nên hễ có dịp là mỗ gà, là giết gà, là làm thịt gà để đãi nhau khi gặp bạn, để ăn nhậu lúc hội hè. Thề thốt nghiêm trang thì vặn cổ gà, Tế thần tế thánh cũng cắt cổ gà, cúng quải ông bà cũng luộc con gà … Hễ có dịp là sẽ mượn cớ để giết gà, giết gà để dọa khỉ, mất đồ mất đạc thì vái cúng con gà … Con gà được dùng để trả lễ cho thần thánh, dùng để trả ơn, như ở Mỹ hiện nay, mỗi năm trong ngày Lễ TẠ ƠN (Thanksgiving) hơn 50 triệu con Gà Tây được đưa lên bàn ăn để làm lễ ” Tạ Ơn “… Lễ Tạ Ơn ở xứ Mỹ nầy được cho là bắt nguồn từ lễ kỷ niệm tại Plymouth, Massachusetts, nơi những người hành hương tị nạn tôn giáo Anh đã mời người da đỏ bản địa đến dự một bữa tiệc thu hoạch sau một vụ mùa bội thu để tỏ lòng biết ơn.
Vụ thu hoạch của năm trước bị thất bát là vào mùa đông năm 1620, một nửa số người hành hương bị chết đói. Những người sống sót may mắn được các thành viên của bộ lạc Wampanoag địa phương dạy cách trồng ngô, đậu, bí đỏ và đánh bắt cá hải sản, săn gà rừng….
Bữa tiệc được tổ chức kéo dài trong 3 ngày, gồm các món như gà Tây, ngỗng, tôm hùm, cá tuyết và nai.
Đặc biệt là mỗi năm, ít nhất có một con gà tây sẽ được Tổng thống Hoa Kỳ “ân xá”. Ân xá cho gà tây chính thức trở thành nghi lễ của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) vào năm 1989 khi ông “ miễn tội ” cho một con gà tây tại Vườn hoa hồng trong Nhà Trắng.
Năm rồi, Tổng thống Obama đã ân xá cho một trong hai con gà tây tại Nhà Trắng vào ngày 23/11.
Năm nay, Tổng thống tân cử Donald Trump sẽ quyết định có tiếp tục nghi lễ này không, hoặc ông sẽ chọn một hình thức khác? Chúng ta hãy chống mắt chờ xem!
Tiệc Gà Tây Tổng Thống Mỹ ân xá Gà Tây
Sang qua Pháp thì con Gà Trống trở thành thần vật, là biểu tượng của nước Pháp với danh xưng “Con Gà Trống Gô-loa”. Thực ra đây chỉ là một cách chơi chữ, rồi lộng giả thành chơn. Vì Tổ Tiên của Pháp là người Gô-loa (Gaulois), tiếng La-tinh viết là Gallus, mà Gallus còn có nghĩa là “gà trống”.
Nhận thấy con Gà Trống có nhiều ưu điểm hơn người, từ hình dáng cho đến đi đứng tính cách đều có điểm ưu việt, như “Nó” sở hữu một ngoại hình đẹp đẽ: oai vệ với mào đỏ rực, đuôi dài màu xám xanh cong lên như những đoản kiếm. Mỗi buổi sáng đều gáy vang báo thức đúng giờ, rồi hiên ngang đi vòng quanh trang trại để bảo vệ bầy đàn. Sự cảnh giác và lòng dũng cảm của những chú gà trống đã trở thành lý do khiến nó trở thành biểu tượng của người Pháp.
Thời trung cổ, gà trống Gô-loa được người Pháp sử dụng như một biểu tượng tôn giáo, thể hiện niềm hy vọng và đức tin. Hình ảnh những con gà trống thường xuất hiện trên các tháp chuông nhà thờ, tháp canh.
Vào thời kỳ Văn Hóa Phục Hưng, hình ảnh những con gà trống được gắn liền với sự hình thành của nước Pháp. Dưới các vương triều ở thời kỳ này, các bản chạm khắc và đồng tiền đều mang hình ảnh gà trống. Nó cũng xuất hiện trên lá cờ trong cuộc Cách mạng Pháp 1789 và tượng trưng cho sự kiên cường, lòng dũng cảm của người dân nước này trong Thế Chiến Thứ Hai. Ngoài ra, phần lớn người Pháp đến bây giờ vẫn coi gà trống Gô-loa là biểu tượng của sự chân thành và tươi sáng.
Khi các đội tuyển Thể Thao của quốc gia Pháp đi giao đấu, mọi người trên thế giới đều gọi họ với biệt danh ” Những chú gà trống Gô-loa ” là vì thế!
Biểu tượng của nước Pháp: Con Gà Trống Gô-Loa. Trở lại với phong trào THƠ MỚI của ta thời Tiền Chiến, ngoài những thơ tình ướt át làm rung động lòng người, như những bài thơ tình của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Đông Hồ, Tương Phố, TTKH…. Ta còn nghe được tiếng Gà Gáy của miền quê thôn dã vang vang cả sáng trưa chiều tối vọng mãi trong tâm hồn người dân Việt, nhất là những người dân Việt sống lưu vong nơi xứ lạ quê người như chúng ta hiện nay. Nào hãy nghe …
Tiếng gà gáy ơi! gà gáy ơi!
Nghe sao ấm áp tựa nghe đời.
Tuổi thơ gà gáy ran đầu bếp,
……………………………………
Gà gáy đầu thôn, gáy giữa thôn,
Mưa tinh sương mát tận tâm hồn.
Đó là tiếng gà gáy trong buổi ban mai vang lên từ đầu bếp đến đầu thôn, giữa thôn của Huy Cận, Ông còn cho gà gáy hòa âm trên biển sóng:
Tiếng gà trên biển hạ cung trầm,
Tiếng sóng hòa theo chẳng tạp âm.
Tiếng sóng làm nền cho tiếng gáy,
Trầm bao nhiêu, lại bấy xa xăm !…
Và tiếng Gà gáy trong mưa khi được mùa:
Gà gáy trong mưa tiếng vẫn trong,
Được mùa giống mới, gà no bữa,
Tiếng gáy tròn như lúa nặng bông.
…. Và không riêng gì Huy Cận, ta còn nghe thấy tiếng gà gáy trong ký ức tuổi thơ của Chế Lan Viên:
Nhớ biển miền Trung tiếng sóng đùa
Nhớ nhà cha mẹ, cảnh trường xưa…
Nhớ chao ôi nhớ ! Trời xanh thế!
Gà lại dồn thêm tiếng gáy trưa!
Nhắc đến gà gáy trưa thì không thể nào thiếu được tiếng gà gáy trong Nắng Mới của Lưu Trọng Lư :
Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng,
Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,
Chập chờn sống lại những ngày không.
Bỏ văn sang võ : Võ Gà, đương nhiên phải là Võ Gà Trống, là HÙNG KÊ QUYỀN 雄雞拳 !…
Vào thời Tây Sơn, tương truyền Nguyễn Lữ là người đã sáng tạo ra môn võ Hùng Kê Quyền (quyền gà chọi) hay Hồng Kê Quyền, là bài quyền mô phỏng các kỹ thuật của gà chọi, một trong 10 bài danh võ được Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam lựa chọn qua các kỳ hội nghị chuyên môn toàn quốc (sau 1975). Đặc trưng của bài quyền là những động tác dũng mãnh của con gà chọi nhỏ bé mà nhanh nhạy trước đối thủ, bài Hùng Kê Quyền sử dụng ngón tay trỏ để đâm mô phỏng hình mỏ gà, và các ngón còn lại co vào như chiếc cựa gà. Thủ pháp độc đáo như vậy lại nhằm vào những mục tiêu hiểm của đối thủ, như các huyệt đạo, ngực, hầu v.v. Bộ pháp của bài quyền hết sức linh hoạt, thần tốc, xoay chuyển một cách biến ảo đã hỗ trợ cho việc thi triển thủ pháp một cách kiến hiệu, khiến đối thủ luôn phải hứng chịu những đòn thế có tính sát thương.
Còn ai mê đọc tiểu thuyết võ hiệp của nhà văn Kim Dung thì không thể nào không biết đến chiêu thức KIM KÊ ĐỘC LẬP 金雞獨立, một chiêu thức võ công độc đáo, đứng thẳng một chân với nhiều tư thế, hai tay cung ra hai bên với nhiều điệu bộ khác nhau. Đây cũng là một chiêu thức của môn Thái Cực Quyền, đồng thời cũng là một phương pháp dưỡng sinh độc đáo có một không hai để phòng ngừa các bệnh như Tiểu đường, Cao huyết áp, Mất trí nhớ …
Các tư thế của chiêu thức Kim Kê Độc Lập
Ta thấy, CON GÀ gần gũi thân thiết với con người là thế, NÓ hiện diện trong sinh hoạt, thực phẩm, giải trí và cả phương pháp dưỡng sinh nữa, lại mang những đức tính tốt đẹp như duy trì kỷ luật, đúng giờ, có tinh thần trách nhiệm, “ga-lăng” với phái yếu và bảo vệ bầy đàn … Nên các Thầy Đồ Nho xưa thường hay khuyên học trò là :
” NINH VI KÊ THỦ, BẤT VI NGƯU HẬU “
寧 為 雞 首, 不 為 牛 後。
Có nghĩa :
Thà làm đầu gà, (chớ) hổng thèm làm đít trâu!
Đầu gà tuy NHỎ nhưng mồng mỏ đẹp đẽ hiên ngang, còn đít trâu tuy LỚN mà là nơi thải ra những thứ … thối không chịu được!
Trở lại với sấm Trạng Trình của 500 năm trước: “Mã đề Dương cước anh hùng tận, Thân Dậu niên lai kiến thái bình!”. Thêm một “anh hùng hay anh khùng” Fidel Castro vừa mới “tận” cuối năm 2016 đây, chú khỉ THÂN thì đã đi qua rồi, liệu con gà DẬU có mang đến Thái Bình được hay không? Dân Chợ Lớn nói “DẬU 有 là CÓ “. Trong khi tổng thống đắc cử của nước Mỹ là tỉ phú ĐỖ NAM TRUNG (Donald Trump: Báo chí trong nước dịch âm là Đỗ Nam Trung!) chỉ muốn rút vào cái vỏ sò MỸ xinh đẹp của mình mà không màng đến thế giới nữa. Điệu nầy chắc phải cầu cứu với CHỊ DẬU người mẫu mặc rất ít đồ là Melania Trump thúc vào hông của ông ta xem sao!?
Mong rằng trong năm ĐINH DẬU 2017 nầy, thế giới sẽ KIẾN THÁI BÌNH trong phép lạ!!!
Thơ Vịnh Năm Gà 2017 :
CHUYỆN GÀ NĂM DẬU
Thứ mười chi Dậu thuộc con Kê,
Gặp phải thiên Đinh trở lộn về.
Đinh Dậu gà nòi đang tạo dáng,
Bính Thân khỉ đột đã về quê.
“Văn kê khởi vũ” tua cần mẫn,
“Độc lập kim kê” thỏa mọi bề.
“Cỏng rắn cắn gà” gương lịch sử,
“Bút sa gà chết” tội vua Lê!
Đỗ Chiêu Đức
Câu đối cho năm Đinh Dậu 2017:
Bính Thân khỉ đã về non,
Thân hữu bốn phương cùng đón Tết.
Đinh Dậu gà đang tạo dáng,
Đồng hương khắp chốn thảy mừng xuân!
Năm dậu nói chuyện gà
Phạm Đình Lân F.A.B.I
Năm 2017 là năm Đinh Dậu tức là năm con Gà. Theo Hán- Việt, Gà là Kê. Người Anh gọi Gà trống là Cock hay Rooster; Gà mái: Hen và Gà ăn thịt được là Chicken. Theo thứ tự trên người Pháp có Coq, Poule va Poulet. Trong bài viết này chúng ta tìm hiểu sơ lược về Kê tộc trong cộng đồng loài người.
Nguồn gốc và thân thế kê tộc
Không thể bay cao và xa như Chim vì thân hình nặng nề. Quê quán của Kê tộc là vùng Nam Á và Đông Nam Á. Tổ tiên của Kê tộc là Gà Rừng lông đỏ, vàng, xanh, trắng; mỏ vàng và nhọn. Tên khoa học của tổ tiên Kê tộc là Gallus gallus. Tên Gà được thuần hóa là Gallus gallus domesticus thuộc gia đình Phasianidae.
Gà trống có lông đẹp hơn Gà mái. Gà thường có các màu lông sau đây: lông đen (Gà Quạ); lông trắng (Gà Ác, Gà Ri); lông màu hỗn hợp đỏ, vàng, đen, xanh, trắng trông đẹp mắt; lông màu đỏ (Gà Điều), lông màu vàng (Gà Phèn); lông có đốm trắng đen, vàng (Gà Nổ).
Tổ tiên Kê tộc trên thế giới có 05 chi tộc lớn:
1. Gallus gallus murghi ở miền bắc và đông bắc Ấn Độ
2. Gallus gallus spadiceus ở Yunnan (Vân Nam), Miến Điện, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia.
3. Gallus gallus jabouillei ở Bắc Bộ Việt Nam, Yunnan, Hainan (đảo Hải Nam)
4. Gallus gallus gallus ở Bắc Bộ Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cambodia
5. Gallus gallus bankiva trên đảo Sumatra, Java, Bali (Indonesia).
Thị giác và thính giác của Kê tộc rất bén nhạy. Nhưng vào buổi tối thị giác của Kê tộc giảm đi rất nhiều. Vì vậy có chứng bịnh quáng gà (night blindness- nyctalopia) do thiếu sinh tố A mà ra.
Kê tộc kiếm ăn vất vả bằng cách bươi móc trùn, dế dưới đất. Thức ăn của Kê tộc rất đa dạng: thóc lúa, các loại hột, cỏ, trùn, dế, kiến, mối, các loại bò sát nhỏ. Gà nuôi ở nhà ăn thóc lúa, bắp xay nhuyễn, cám v.v.
Gà vào 05, 06 tháng tuổi bắt đầu bắt cặp để sinh sản. Trung bình mỗi con Gà mái đẻ từ 08 đến 12 trứng. Trứng ấp trong 21 ngày (03 tuần lễ) thì nở con. Việc ấp trứng có thể không cần đến sự hiện diện của Gà mẹ. Người ta có thể ấp trứng bằng trấu. Ngày nay người ta ấp trứng bằng máy ấp. Gà con được Gà mẹ chăm sóc trong vòng 12 tuần. Sau đó Gà con phải tự túc kiếm ăn và tự vệ lấy mình chống lại các kẻ thù của Kê tộc như Diều, Quạ, Chồn, Chuột v.v.
Xã hội Kê tộc là xã hội đa thê. Một Gà trống có thể làm công tác truyền giống cho 05 đến 10 con Gà mái.
Kê tộc trong xã hội loài người
Kê tộc là loại cầm vũ sớm tiếp xúc với loài người từ 5000 năm trước Tây Lịch ở Trung Hoa và 2000 năm trước Tây Lịch ở Ấn Độ. Trên mộ của Pharaoh Tutukhamen (1350 trước Tây Lịch) có hình con Gà. Gà được thuần hóa ở Hy Lạp vào thế kỷ V hay IV trước Tây Lịch.
Kê tộc cung cấp cho loài người một nguồn thịt to lớn. Loài người không phân biệt tôn giáo, chủng tộc đều ăn thịt Gà. Người theo Ấn Giáo không ăn thịt bò. Người theo Hồi Giáo, Do Thái Giáo không ăn thịt heo. Nhưng toàn thể nhân loại đều ăn thịt Gà. Gà dễ nuôi, chóng lớn. Thịt và trứng là thức ăn bổ dưỡng. Lông dùng để làm chổi lông Gà. Phân Gà dùng để bón vào ớt. Hiện nay thế giới có 50 tỷ con Gà. Trung Hoa là quốc gia sản xuất nhiều Gà nhất thế giới với 4 tỷ con. Kế đó là Hoa Kỳ: 02 tỷ ; Indonesia: 1.8 tỷ; Brazil: 1.8 tỷ; Ấn Độ: 0.680 tỷ; Mexico: 0.540 tỷ v.v.
Người Trung Hoa ăn Gà quay, Gà hấp muối, Gà xối mỡ, Gà hấp cải bẹ xanh; chân Gà hấp, cánh Gà chiên bơ. Người Âu- Mỹ ăn Gà rô- ti, Gà nấu ra gu, trứng Gà chiên nửa sống nửa chín. Ở Hoa Kỳ người ta ăn món Fried Chicken Kentucky. Người Âu- Mỹ làm thịt Gà hộp, súp thịt Gà và nấu xương Gà để có Chicken Broth. Người Ấn Độ ăn cà-ri Gà. Người Việt Nam ăn tất cả các món kể trên của người Trung Hoa, Pháp và Ấn Độ. Người Việt Nam thích ăn Gà luộc xé phay trộn với rau răm hay rau quế, bắp chuối, hành Tây. Họ cũng thích món Gà kho gừng; Gà xào lăn, Gà xào sã ớt, thịt gà nấu canh chua lá dang Agnonerion polymorphum. Người Việt Nam cho rằng thịt Gà nhiệt và thịt Vịt hàn dựa trên quan sát Vịt lội nước, trái lại Gà sợ nước và chỉ tắm cát mà thôi. Trong các tiệc cưới ở Việt Nam người ta thường đãi món Gà rút xương hay Phượng Hoàng Ấp Trứng nấu nướng công phu và trình bày rất nghệ thuật.
Loài người dùng Gà Tre, Gà Nòi để đấu đá nhau đẫm máu để cá độ. Gà Nòi được xem là võ sĩ hạng nặng trong khi Gà Tre là võ sĩ hạng lông, hạng ruồi. Đá Gà là một thú vui và cũng là thứ cờ bạc của các dân tộc Á Châu, Tây Ban Nha, Trung và Nam Mỹ. Đến thế kỷ XIX thú vui nầy tràn sang Anh.
Người Trung Hoa tẩm bổ cho người bịnh bằng thịt Gà Ác hầm với các vị thuốc Bắc. Gà Ác (White Silkies) là Gà nhỏ con, lông trắng như tuyết nhưng thịt đen như than. Nhưng tại sao phải là Gà Ác? Sự suy luận dựa trên lý Âm- Dương Ngũ Hành như sau: Gà Ác lông trắng (Kim) tương ứng với Phế (Phổi); thịt màu đen (Thủy) tương ứng với Thận. Gà được hầm trong cái nồi đất (Thổ) có nước (Thủy), hầm bằng than củi cháy đỏ (Hỏa) với các vị dược thảo (Mộc). Như vậy Gã Ác hầm thuốc Bắc hội đủ Âm- Dương Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) bồi bổ cho Ngũ Tạng (Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận) của người bịnh trong thời kỳ bình phục. Để tăng cường hành Kim trong thức ăn này, sau khi hầm Gà với các Bắc dược người ta để một con dao trên miệng cái nồi đất.
Tiếng Gà trống gáy được xem như tiếng đồng hồ báo thức, tượng trưng cho vầng Thái Dương lúc rạng đông. Nghệ nhân Trung Hoa thường vẽ hình con Gà trống với mặt trời đỏ chói. Các đạo sĩ trù yểm tà ma bằng cách đặt tượng con Gà trên mái nhà. Người Trung Hoa quí Gà Ác vì cho rằng Gà Ác xua đuổi tà ma. Trong nhà họ thường đặt bức tranh Gà Ác trống và Gà Ác mái với 05 Gà Ác con tiêu biểu cho Âm Dương Ngũ Hành (Gà trống < + , Gà mái < – , 05 Gà con: Ngũ Hành): Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ với hy vọng gia đạo được quân bình, êm ấm và hạnh phúc.
Theo huyền thoại Nhật Bản, tiếng Gà trống gáy làm cho Thái Dương Thần Nữ Amaterasu ra khỏi hang động. Gà trống là biểu tượng của sự can đảm đối với người Nhật.
Trong huyền thoại Hy Lạp có Kê Mã Hippalektryon, một quái vật mình Ngựa, đuôi, cánh và chân Gà. Trong huyền thoại Hy Lạp có những mối tình lăn nhăn giữa các vị Thần. Thần Aphrodite, nữ Thần tình yêu và hôn nhân, ăn ở với Thần Hephaestus trên núi Olympia. Thần Hephaestus có tướng mạo kỳ dị nên nữ Thần Aphrodite có quan hệ tình cảm với Thần chiến tranh Ares. Thái Dương Thần Helios báo cho Thần Hephaestus biết mối tình thầm kín giữa nữ Thần Aphrodite va Ares. Thần Hephaestus cảnh cáo cả hai Thần Aphrodite và Ares nhưng họ vẫn tiếp tục yêu nhau đắm đuối. Họ nhờ một cậu bé canh chừng khi nào Thần Thái Dương đến gần thì cho họ hay. Cậu bé buồn ngủ nên ngủ quên. Thần Helios đến mà cậu không hề hay biết để báo cho Thần Aphrodite và Ares. Tức giận về sự tắc trách của cậu bé, Thần Ares biến cậu thành một con Gà trống để thông báo Thái Dương Thần Helios đến đúng giờ.
Trong Tân Ước Kinh sách Matthew 26: 31, Mark 14:27, Luke 22:31-34, John 13: 36- 38 có đề cập đến sự tiên đoán của Chúa Jesus về người đệ tử luôn luôn gắn bó với Chúa là Peter sau bữa tiệc tiễn ly như sau: “ta nói với người rằng, trước khi Gà gáy sáng ngươi sẽ chối ta ba lần.”
Vào thời Trung Cổ người Pháp chọn con Gà trống làm quốc huy gọi là Coq Gaulois (Gallic Rooster). Biểu tượng này được gợi lại trong thời gian 1899- 1914. Hình ảnh con Gà trống được tìm thấy trên đồng tiền vàng 20 Francs (Phật Lăng) và trên tem thơ của Pháp.
Trong ngôn từ của loài người chỉ thấy châm biếm, chế nhạo Kê tộc nhiều hơn là khen ngợi. Người Anh gọi Gà là chicken nhưng chicken cũng có nghĩa là người hèn nhát, người đồng tính luyến ái. Trong tiếng lóng Cock (Gà trống) có nghĩa là bộ phận sinh dục của nam giới. Thực tế Gà trống đâu có bộ phận sinh dục! Người Anh có câu:
As proud as a cock on its own dunghill
tương đương với câu:
Chó cậy nhà, Gà cậy chuồng.
của người Việt Nam. Trong ngôn ngữ của loài người có nhiều cụm từ ngữ dùng hình ảnh của Kê tộc. Người Anh dùng chicken pox để chỉ bịnh trái rạ. Người Việt Nam tin rằng người bị bịnh trái rạ đạp phân Gà thị bịnh trở nên trầm trọng hơn. Người Việt Nam dùng từ kê manh hay quáng Gà (nyctalopia- cécité crépusculaire) để chỉ thị giác yếu thấy lơ mơ khi trời tối vì thiếu sinh tố A.
– Tuổi cập Kê: tuổi lập gia đình.
– Kê bì: da Gà chỉ da nhăn đùn của người già.
– Kê bì Hạc phất: già nua, da nhăn như da Gà; tóc bạc như loài Hạc trắng.
– Kê đầu nhục: núm vú của phụ nữ
– Kê Khuyển bất minh: thời tao loạn Chó không sủa, Gà không gáy.
– Kê lạc công danh: công danh như sườn Gà. Ăn không ngon nhưng không nỡ bỏ.
– Kê minh Khuyển phệ: cảnh thái bình có tiếng Chó sủa và tiếng Gà gáy.
– Kê tranh Nga đấu: sự rầy rà, đấu tranh ầm ĩ giữa Gà và Vịt (hay Ngỗng).
– Kê quần Hạc lập: con Hạc giữa bầy Gà (Hạc tượng trưng cho người cao khiết. Đàn Gà tượng trưng cho người tầm thường)
– Kê gian: hình thức giao hợp không hợp với tự nhiên.
– Kê hồn hương: mùi thơm của một loại nhang thơm làm cho người ngửi mê hồn đến khi Gà gáy sáng mới tỉnh dậy.
– Gà đẻ Gà cục tác: vô tình nói ra điều mình đã làm mặc dù không ai biết.
– Gà trống nuôi con: cảnh người đàn ông góa vợ phải thay vợ nuôi con.
– Mặt Gà mái: người có mặt Gà mái hay thù dai và hiểm độc. – Gà mái gáy: là điểm bất lành. Nơi có Gà mái gáy có chuyện bất lành như hỏa tai hay trộm đạo.
– Gà mái đá Gà Cồ: cảnh vợ ăn hiếp chồng
– Gà mở cửa mả: ám chỉ người khờ khạo, chậm chạp, vụng về. Gà mở cửa mả luôn luôn là Gà mái. Người Việt Nam tin rằng Gà mở cửa mả là Gà đẻ nhiều trứng. Trong ca dao Việt Nam về Gà có câu:
Máu Gà thì tẩm xương Gà.
Máu Gà đem tẩm xương ta sao đành.
Theo cách chữa trị cổ truyền, khi gãy xương, người ta dùng Gà con bó vào nơi xương gãy. Do đó có câu:
Chó liền da,
Gà liền xương.
Trong truyện kể về Cống Quỳnh đem Gà trống thiến (capon) đá với Gà chọi của các họan quan thời vua Lê Chúa Trịnh. Đó là hình thức châm chọc các hoạn quan lộng quyền ở Đàng Ngoài thời bây giờ.
Dưới thời Pháp thuộc có chuyện Ăn- Co On (Encore Un: Thêm Một Cái Nữa) liên quan đến món Gà rô- ti ở các cao lâu Trung Hoa ở Việt Nam. Câu chuyện khôi hài nầy phản ảnh phần nào tính kiêu ngạo của những thị dân Việt Nam hấp thụ Tây học chế nhạo sự dốt nát tiếng Pháp của người nông thôn nên muốn ăn Gà rồ-ti lại gọi mắm hầm vì hai lần!
Trong thực vật học có Kê quan hoa (Hoa Mồng Gà) Celosia cristata; Kê thiết hương tức cây đinh hương Syzygium aromaticum; cỏ Chân Gà Dactylis glomerata; Chickweed (Kê Thảo) Stellaria media; Chicken pea (Đậu Ấn Độ) Cicer arietinum; Chicken of the wood (Nấm Kê Mộc) Laetiporus sulphurus v.v.
Trong Thiên Văn Học có chòm sao Gallus (Kê Tinh) do tu sĩ Giáo Hội Cải Cách Hoà Lan Petrus Plancius khám phá năm 1613. Petrus Plancius là một nhà tinh tú học nghiên cứu hàng hải và vẽ bản đồ. Từ năm 1596 ông đã vẽ bản đồ Đông Nam Á trong đó có Nam Kỳ, Cambodia, Champa (Chiêm Thành) v.v. Sao Gallus được thay thế bằng tên mới: chòm sao Puppis (Puppis: Sân sau của chiếc tàu).
Trong Đề 40 số, con Gà mang số 28 sau con Rùa (27) và trước con Lươn (29).
Con Gà là một trong 12 biểu tượng trong Tử Vi Trung Hoa. Năm Dậu (con Gà) đi sau năm Thân (con Khỉ) và đi trước năm Tuất (con Chó).
Tuổi Dậu hợp với Tỵ (Rắn), Dậu (Gà), Sửu (Trâu), Thìn (Rồng)
Tuổi Dậu kỵ với: Tí (Chuột), Ngọ (Ngựa), Mão (Mèo), Tuất (Chó).
Năm Dậu là năm Âm (-).
Ta có:
Năm Hành Màu Sắc
Ất Dậu:1885, 1945, 2005, 2065 Thủy Đen
Đinh Dậu: 1897, 1957, 2017, 2077 Hỏa Đỏ
Kỷ Dậu: 1909, 1969, 2029, 2089 Thổ Vàng
Tân Dậu: 1921, 1981, 2041, 2101 Mộc Xanh
Quí Dậu: 1933, 1993, 2053, 2113 Kim Trắng
Ất Dậu: 1885, 1945, 2005, 2065 Thủy Đen
Biến cố lịch sử vào năm dậu vào thế kyy XX
* 1909: Colombia công nhận độc lập của Panama; quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Cuba sau chiến tranh với Tây Ban Nha; đô đốc Peary đến Bắc Cực; hiệp ước Pháp- Đức về vấn đề Morocco; Wright thử nghiệm chiếc phi cơ quân sự đầu tiên của Hoa Kỳ; Ito Hirofumi bị một người Triều Tiên ám sát chết ở Mãn Châu; hiệp ước Anh- Xiêm La theo đó Xiêm nhượng các tiểu bang Kelantan, Trenggaru, Perlis và Kedah cho Anh.
* 1921: hội nghị Washington; đảng Cộng Sản thành lập ở Ý, Trung Hoa, Tiệp Khắc, Tây Ban Nha; Cộng Sản Nga xâm lăng Georgia; Ái Nhĩ Lan độc lập; Noite Sargrento (Đêm Đẫm Máu) ở Lisbon (Bồ Đào Nha); 05 triệu người Nga chết đói.
* 1933: Adolf Hitler nắm chánh quyền; tổ chức mật vụ Gestapo (Geheime Staat- spolizei); Francis Perkins, nữ bộ trưởng đầu tiên của Hoa Kỳ (bộ Lao Động); Chương Trình T.V.A (Tennessee Valley Authority); Toà Án Quốc Tế La Hague tuyên bố Greenland thuộc chủ quyền của Đan Mạch; nhà bác học Albert Einstein đến tỵ nạn ở Hoa Kỳ; Chánh Phủ Nhân Dân Fujian (Phúc Kiến).
* 1945: nạn đói ở Bắc Bộ; Nhật đảo chánh Pháp trên bán đảo Đông Dương; chánh phủ Trần Trọng Kim; hội nghị Yalta; tổng thống Roosevelt mất; hội nghị Potsdam; Hiroshima và Nagasaki bị dội bom nguyên tử; Đức và Nhật đầu hàng quân Đồng Minh; Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh ra Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
* 1957: Do Thái rút quân ra khỏi bán đảo Sinai mà họ chiếm năm 1956; tổng thống Phi Luật Tân Magsaysay chết trong tai nạn phi cơ; Mã Lai độc lập; Liên Sô phóng vệ tinh nhân tạo Sputnik I & II; tổng thống Sukarno của Indonesia quốc hữu hoá 246 cơ sở kinh doanh của Hòa Lan và trục xuất 326,000 người Hòa Lan ra khỏi Indonesia; Mao Zedong (Mao Trạch Đông) xác nhận thanh toán 800,000 kẻ thù giai cấp < vô sản từ năm 1949 đến 1954; hiệp ước Rome về việc thành lập Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu (European Economic Community- EEC); cải cách điền địa ở Nam Việt Nam.
* 1969: Hồ Chí Minh chết; Việt Nam hoá chiến tranh; chiến tranh biên giới giữa Trung Quốc và Liên Sô trên đảo Damansky; Hoa Kỳ đưa người lên cung trăng; biểu tình chống Chiến Tranh Việt Nam ở Washington D.C; chánh phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (Mặt Trận).
* 1981: Iran thả 52 con tin Hoa Kỳ; Jiang Qing (Giang Thanh), vợ Mao Zedong, bị tuyên án tử hình (không có hành quyết); Giáo hoàng John Paul II bị ám sát (bị thương); tổng thống Reagan bị ám sát (bị thương); tổng thống Sadat (Ai Cập) bị ám sát chết; hôn lễ giữa thái tử Charles (Anh) và Diana Spencer; Sandra Day O’connor là nữ thẩm phán Tối Cao Pháp Viện đầu tiên của Hoa Kỳ; Mitterand của đảng Xã Hội Pháp đắc cử tổng thống Pháp lần đầu tiên.
* 1993: Tiệp Khắc chia ra làm hai nước: Cộng Hoà Tiệp Khắc (Bohemia) và Slovakia; Jiang Zemin (Giang Trạch Dân) được đề cử làm chủ tịch CHNDTQ; đảo chánh ở Guatemala; PLO (Tổ Chức Giải Phóng Palestine) nhìn nhận nước Do Thái; hiệp ước hòa bình Do Thái- PLO; Sihanouk trở lại ngai vàng Cambodia; hiệp ước Maastricht về Liên Âu; Vatican nhìn nhận Do Thái.
* 2005: Condoleezza Rice là nữ bộ trưởng Ngoại Giao gốc Phi Châu đầu tiên ở Hoa Kỳ; cựu thủ tướng Lebanon, Hariri bị ám sát chết; Hồng Y Joseph Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng niên hiệu Benedict XVI; Tây Ban Nha hợp thức hóa hôn nhân đồng tính; Michaelle Jean là toàn quyền Da Đen đầu tiên ở Canada; Ellen Johnson Sirleaf là nữ tổng thống đầu tiên ở Liberia và trên lục địa Phi Châu; Nguyễn Văn Tường bị hành quyết ở Singapore về tội buôn bán ma túy.
Yếu nhân thế giới sinh vào năm dậu
Barry Goldwater (1909- 1998)
Ông Goldwater là người Hoa Kỳ gốc Do Thái đầu tiên được đảng Cộng Hoà đưa ra tranh cử tổng thống năm 1964. Ông tốt nghiệp trường Võ Bị Stauton tư ở Virginia và đại học Arizona. Ông là một nhà kinh doanh, sĩ quan Không Quân và một nhà chánh trị thuộc đảng Cộng Hoà. Ông là nghị sĩ của tiểu bang sinh quán Arizona 05 nhiệm kỳ: hai nhiệm kỳ từ năm 1953 đến 1965 và 03 nhiệm kỳ từ năm 1969 đến 1987. Năm 1964 ông được đảng Cộng Hoà đưa ra tranh chức tổng thống đương đầu với ứng cử viên đảng Dân Chủ Lyndon B. Johnson. Ông Johnson hành sử chức vụ tổng thống từ năm 1963 đến 1964 sau khi tổng thống Kennedy bị ám sát chết. Ông Goldwater thất cử trước Johnson vì có chủ trương cứng rắn về biện pháp chấm dứt chiến tranh Việt Nam và có đường lối không thuận lợi cho người Da Đen nên bị người Da Đen biểu tình phản đổi dữ dội. Ông là người có uy tín trong đảng Cộng Hoà. Chính ông là người đầu tiên khuyên tổng thống Nixon từ chức vì vụ Watergate.
U Thant (1909- 1974)
U Thant là người Miến Điện, tổng thơ ký thứ ba của Liên Hiệp Quốc và là người Á Châu đầu tiên giữ chức vụ này. Ông là nhà giáo dục tốt nghiệp đại học Rangoon và là bạn thân của thủ tướng U Nu. Khi U Nu làm thủ tướng ông là giám đốc đài phát thanh (1948) rồi tổng trưởng bộ Thông Tin. Từ năm 1951 đến 1957 ông viết diễn văn cho thủ tướng U Nu.
Từ năm 1961 đến 1971 ông giữ chức tổng thơ ký Liên Hiệp Quốc thay thế ông Daj Hammarskjold chết trong một tai nạn phi cơ. Trong thời gian đứng đầu tổ chức quốc tế này ông đối đầu với vấn đề Congo, khủng hoảng Cuba giữa Hoa Kỳ và Liên Sô, chiến tranh Việt Nam, vấn đề Berlin. Ông chỉ trích Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Chịu ảnh hưởng sâu đậm của triết lý Phật Giáo, U Thant là người hiền hòa, ưa chuộng hòa bình. Ông ngưỡng mộ Sir Stafford Cripps, Sun Yatsen (Tôn Dật Tiên) và Mahatma Gandhi. Tướng Ne Win không ưa thích ông vì ông là bạn thân của U Nu mà Ne Win lật đổ. Ông có nhiều danh dự trên thế giới nhưng không có danh dự gì với chế độ quân nhân ở Miến Điện. Ngày ông mất quan tài của ông được chở từ trụ sở LHQ về Miến Điện. Không một viên chức nào của chánh phủ quân nhân được cử ra phi trường chào đón linh cửu của ông. Một thứ trưởng bộ Giáo Dục ra phi trường nghiêng mình trước quan tài của ông bị mất chức sau đó. Sinh viên biểu tình chống chế độ độc tài quân nhân đối xử tệ bạc đối với một nhân vật Miến Điện được cả thế giới vinh danh. Người Miến Điện gọi ông là Pantanaw U Thant tức ông U Thant Pantanaw (Pantanaw: sinh quán của ông).
Aung San Suu Kyi (1945- )
Aung San Suu Kyi là nữ chánh trị gia, ngoại giao, tác giả của nhiều quyển sách chánh trị ở Miến Điện. Bà là con gái của nhà cách mạng và tướng lãnh có công thành lập quân đội Miến Điện trong đệ nhị thế chiến: Aung San. Trong đệ nhị thế chiến ông Aung San được Nhật huấn luyện quân sự trên đảo Hainan (Hải Nam). Ông được huy chương cao quí của Nhật hoàng Hirohito. Năm 1947 ông đại diện Miến Điện sang London thương thuyết với chánh phủ Anh về việc trao trả độc lập cho Miến Điện. Cũng năm này ông bị ám sát chết. Lúc ấy Aung San Suu Kyi mới hai tuổi. Được sự hướng dẫn của mẹ, Aung San Suu Ky học ở Miến Điện, New Delhi rồi Anh Quốc. Bà tốt nghiệp đại học ở Oxford rồi đại học London. Bà nói thông Anh, Pháp và Nhật ngữ.
Chồng bà Ang San Suu Kyi là người Anh. Bà từng làm việc cho Liên Hiệp Quốc khi ông U Thant là tổng thơ ký của tổ chức này. Năm 1988 bà về nước thăm mẹ bị bịnh nặng và ở lại Miến Điện bắt đầu đấu tranh chống chế độ độc tài quân đội. Bà thành lập Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ (NLD: National League for Democracy). Liên Minh của bà chiếm 81% phiếu bầu trong cuộc bầu cứ năm 1990. Các tướng lãnh phủ nhận kết quả cuộc bầu cử và quản thúc bà tại gia ngót 20 năm trường. Năm 2010, do áp lực của LHQ, Anh, Hoa Kỳ và vì tình trạng kinh tế quốc gia bệ rạc cộng thêm tình trạng Miến Điện trên đà bị Hán hoá về chánh trị và kinh tế nặng nề, phe quân nhân có vài nhân nhượng chánh trị. Bà Aung San Suu Kyi được tự do. Trong kỳ bầu cử bổ túc năm 2012 Liên Minh của bà chiếm 43/ 45 ghế trong Quốc Hội. Trong kỳ bầu cử năm 2015 Liên Minh Quốc Gia Dân Chủ chiếm 86% tổng số ghế trong Quốc Hội. Nhưng bà không được làm tổng thống theo hiến định vì bà có chồng và con ngoại quốc. Ông Htin Kyaw làm tổng thống, bà là tổng trưởng bộ Ngoại Giao và tổng trưởng bộ Phủ Tổng Thống.
Bà Aung San Suu Kyi được giải Sakharov, Nobel Hòa Bình, huân chương Nehru v.v. Chồng bà lãnh giải thưởng Nobel thay cho bà vì bà không được rời khỏi Miến Điện và, nếu bà rời Miến Điện, bà không được trở về Miến Điện! Bà Aung San Suu Kyi là một nữ chánh trị gia Á Châu có tầm vóc quốc tế, Bà có can đảm và quyết tâm chống lại chế độ độc tài quân sự thống trị trên quê hương bà. Hai cuộc bầu cử trong sạch năm 2012 và 2015 đánh dấu một bước tiến khá dài của Miến Điện trong việc xây dựng một nền dân chủ ấu trĩ sau trên nửa thế kỷ dưới chế độ độc tài quân sự đưa đất nước vào tình trạng tự cô lập và lạc hậu.
Andrei Sakharov (1921- 1989)
Andrei Sakharov là một nhà vật lý trong chương trình sản xuất bom nguyên tử và khinh khí của Liên Sô. Ông học đại học Moscow và lấy bằng tiến sĩ về vật lý năm 24 tuổi. Năm 27 tuổi ông là thành viên trong chương trình khảo cứu và sản xuất bom nguyên tử. Nhưng Sakharov có linh cảm rằng định mệnh của ông sẽ giống như nhà bác học Oppenheimer ở Hoa Kỳ. Sống trong một nước Cộng Sản nhưng ông can đảm vận động tài giảm binh bị và đấu tranh cho hòa bình và nhân quyền. Năm 1975 ông được giải thưởng Nobel Hòa Bình nhưng ông bị cấm không cho rời khỏi Liên Sô. Vợ ông, Yelena Bonner, lãnh giải thưởng thay ông. Sakharov được mệnh danh là phát ngôn viên của lương tri nhân loại. Năm 1980 ông chống lại sự xâm lăng của Liên Sô vào Afghanistan. Ông bị KGB xem là kẻ nội thù nguy hiểm nên quản thúc ông ở thành phố Gorky bây giờ là Nizhny Novgorod. Năm 1984 ông bị xử 05 năm tù sau vụ tuyệt thực đòi trả tự do cho vợ ông và cho bà sang Hoa Kỳ giải phẫu tim. Một mặt chánh quyền tỏ ra cứng rắn, mặt khác lại cho vợ ông sang Hoa Kỳ giải phẫu tim. Năm 1986 vợ ông trở lại Gorky. Khi Gorbachov cầm quyền ở Liên Sô Sakharov và vợ được phép trở về Moscow. Ông mất năm 1989 như một người anh hùng được dân chúng tôn sùng và cảm mến. Chính Gorbachov cũng tỏ ra quí trọng ông.
Nhật Hoàng Akihito (1933- )
Nhật hoàng Akihito là Nhật hoàng thứ 125 của Nhật Bản. Ông lên ngôi năm 1989 sau khi thân phụ của ông là Nhật hoàng Hirohito băng hà năm 1989.
Thái tử Akihito được giáo dục trong hoàng cung. Trong thời chiến tranh ông tạm thời rời khỏi Tokyo. Sau khi chiến tranh chấm dứt thái tử được bà Elizabeth Gray Vining, một nữ quản thủ thư viện Hoa Kỳ, phụ đạo tiếng Anh. Ông say mê nghiên cứu về hải dương học. Năm 1953 thái tử Akihito thay mặt hoàng gia Nhật tham dự lễ đăng quang của nữ hoàng Elizabeth II ở London. Năm 1959 thái tử kết hôn với một thứ dân, con gái của một chủ tịch Công Ty Bột Mì Nisshin, Michiko Shoda, mà ông quen trên sân quần vợt. Michiko Shoda là một mỹ nữ, thông minh, hấp thụ văn hóa Tây Phương. Năm 1957 bà tốt nghiệp đại học Thiên Chúa Giáo ở Tokyo về văn chương với hàng Summa Cum laude và cử nhân Anh Văn. Cuộc hôn nhân giữa thái tử Akihito va Michiko Shoda là cuộc hôn nhân cách mạng đầu tiên trong hoàng triều Nhật Bản giữa một người hoàng tộc và một thứ dân.
Thái tử Akihito và công nương Michiko Shoda công du 37 quốc gia. Sau khi lên ngôi, Nhật hoàng và hoàng hậu công du 18 quốc gia. Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu Michiko Shoda có hai hoàng tử và một công chúa. Công chúa Sayako tức Nori có chồng là Yoshiki Kuroda, một thứ dân (2005). Vì vậy bà trở thành thứ dân dưới tên Sayako Kuroda. Bà nhận của hồi môn 1.29 triệu Mỹ kim, rời hoàng cung sống trong một căn nhà bình thường, ngừng nghiên cứu điểu cầm học (ornithology) và bắt đầu tập lái xe và đi mua sắm như mọi phụ nữ Nhật khác.
Nhật hoàng Akihito được mô tả như một nhà lãnh đạo hiền hòa, gần dân và yêu chuộng hòa bình. Năm 2011 Nhật Bản bị động đất và sóng thần. Nhật hoàng vội vã đến nơi bị động đất và sóng thần tàn phá để an ủi thần dân. Năm ấy Nhật hoàng bị viêm phổi phải nhập bịnh viện. Trước đó Nhật hoàng trải qua một cuộc giải phẫu ung thư tuyến tiền liệt. Năm 2012 ông trải qua một cuộc giải phẫu để thông tim. Vì lý do sức khỏe Nhật hoàng Akihito như có ý muốn thoái vị. Đó là điều hiếm có trong lịch sử hoàng triều Nhật Bản.
Nhật hoàng Akihito được dân chúng Nhật yêu mến như họ từng yêu mến các Nhật hoàng tiền triều. Năm 1995 Nhật hoàng và hoàng hậu thăm viếng các đài kỷ niệm chiến tranh ở Tokyo, Hiroshima, Nagasaki, Okinawa. Năm 2005 Nhật hoàng thăm viếng đảo Saipan nơi xảy ra trận đánh đẫm máu giữa quân Nhật và Hoa Kỳ năm 1944. Đảo Saipan bây giờ là lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Đệ nhất phu nhân Nancy Reagan (1909- 2016), nữ thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ Ruth Badis Ginsburg (1933-), nữ tổng thống Phi Luật Tân Corazon Aquino (1933- 2009), thủ tướng Do Thái Ehud Olmert (1945-), tổng thống Brazil Luiz Ignacio Lulada Silva (1945-), Caroline Kennedy (1957-), ái nữ cố tổng thống Kennedy và đại sứ Hoa Kỳ ở Nhật, trùm khủng bố Osama Bin Laden (1957- 2011) đều sinh vào năm Dậu.
Tân Niên Đinh Dậu
Vạn Phúc Đáo Lâm Môn.
http://www.art2all.net/tho/phamdinhlan/phamdinhlan_namdaunoichuyenga.html
Vui cười
Có một đôi vợ chồng được giải nhất trong cuộc thi: “Gia đình hòa thuận” sau 60 năm chung sống. Một phóng viên tờ báo đã phỏng vấn về bí quyết giữ hạnh phúc gia đình.
– Người chồng: Đó là kinh nghiệm khi hai chúng tôi đi hưởng tuần trăng mật. Nàng cưỡi trên một con la và đi dạo, khi con la của nàng vấp ngã, nàng nhẹ nhàng: một lần.
Đi một đoạn nữa, con la của nàng lại vấp ngã, lần này nàng vẫn nhẹ nhàng: hai lần. Khi con la của nàng vấp ngã lần thứ ba, nàng liền rút súng ra và bắn chết con la.
Và khi tôi lên tiếng phản đối cách đối xử thô bạo của nàng thì nàng nhìn vào mắt tôi và nhẹ nhàng: một lần
Tèo vừa mua một con vẹt ngoài chợ, hí hửng dạy nó tập nói. Tèo: tôi biết nói. Con vẹt: tôi biết nói tôi biết nói.
Tèo: Tôi biết đi. Con vẹt: tôi biết đi tôi biết đi.
Tèo: tôi biết bay. Con vẹt:… xạo mày
Phong tục Việt Nam
Phó nhòm
Tôi nhớ phần đông gia đình Việt Nam đều sống bằng nghề nông, nhứt là ở miền Tây Nam Phần Việt Nam, cho nên sau vụ lúa chánh xong vào khoảng giữa tháng 11 âm lịch hoặc trễ lắm là rằm tháng chạp, kế đến lo trồng hoa màu phụ như: Khoai, bắp, đậu.v.v… cho nên trong dân gian có câu:
Tháng chạp là tháng trồng khoai,
Tháng giêng trồng đậu,
Tháng hai trồng cà,
Tháng ba cày vỡ ruộng ra,
Tháng tư làm mạ, mưa sa đầy đồng…
Quả đúng vậy, quý bà con nhà nông chúng ta ngày xưa, làm việc tùy theo từng mùa, từng tiết, cho nên thường phân chia một năm có bốn mùa rất giản dị chia đều nhau, mỗi mùa có 3 tháng tính theo âm lịch như sau:
– Mùa Xuân bắt đầu mùng một Tết tháng giêng cho đến cuối tháng ba.
– Mùa Hạ từ đầu tháng tư cho đến cuối tháng sáu.
– Mùa Thu từ đầu tháng bảy cho đến cuối tháng chín.
– Mùa Đông từ đầu tháng mười cho đến cuối tháng chạp.
Trong khi đó, đất nước chúng ta thời tiết ở miền Nam không rõ ràng như miền Bắc, mặc dù vậy, cũng tính từng mùa theo năm dương lịch như sau:
– Mùa Xuân bắt đầu lập Xuân là ngày 5 tháng 2 đến ngày 6 tháng 5, giữa mùa Xuân có ngày 21 tháng 3 thì đêm và ngày bằng nhau. Đó là ngày Xuân phân.
– Mùa Hạ bắt đầu lập lập Hạ là ngày 6 tháng 5 đến ngày 8 tháng 8, giữa mùa Hạ có ngày 22 tháng 6 là ngày dài nhứt trong năm. Đó là ngày Hạ Chí.
– Mùa Thu băt đầu lập Thu là ngày 8 tháng 8 đến ngày 8 tháng 11, giữa mùa Thu có ngày 23 tháng 9 thì đêm và ngày bằng nhau. Đó là ngày Thu Phân.
Đối với mùa Thu, ở các nước Âu Châu những chiếc lá thường đổi màu vàng, rồi từ từ rơi rụng trông rất đẹp, tuy nhiên, nếu chúng ta có dịp đến nước Gia Nã Đại (Canada) vào mùa này, thì sẽ thấy cái màu đỏ thẩm của lá toàn thân cây, tạo thành một vùng tuyệt đẹp hơn hẳn Âu Châu.
– Mùa Đông bắt đầu lập Đông là ngày 8 tháng 11 đến ngày 5 tháng 2, giữa mùa Đông có ngày 22 tháng 12 là ngày ngắn nhứt trong năm. Đó là ngày Đông Chí.
Ở nước Pháp, một năm cũng có bốn mùa như nước Việt Nam chúng ta, được phân chia trong năm 2017 như sau :
– Mùa Xuân bắt đầu ngày thứ sáu 20-03 đến 20-06.
– Mùa Hạ bắt đầu ngày thứ sáu 21-06 đến 22-09.
– Mùa Thu bắt đầu ngày thứ tư 23-09 đến 20-12.
– Mùa Đông bắt đầu thứ hai 21-12 đến 19-03-2016. Trở lại, Phong Tục Lễ Tết Nguyên Đán, chúng ta biết chữ Tết节 là do chữ Tiết mà ra, tức thời tiết, còn Nguyên Đán 元 旦 tức là bắt đầu năm mới. Hằng năm, cứ 4 mùa luân chuyển trong năm, hết Xuân đến Hạ rồi Thu và sang Đông, cho nên cứ hết mùa Đông thì bắt đầu đón mùa Xuân năm mới và có một con vật trong Thập Nhị Địa cầm tinh khác nối tiếp, ví như sau khi năm Bính Thân chấm dứt, thì đến năm Đinh Dậu được bàn giao từ giờ giao thừa bắt đầu giữa đêm thứ sáu, 27-01-2017 để cầm tinh đến 24 giờ đêm 15-02-2018
Khi nói đến Tết, thường quý bà con đồng hương mình lo từ sau vụ lúa mùa, tức khoảng giữa tháng chạp, bắt đầu lo xay lúa, xay nếp để chuẩn bị tráng bánh, bánh tráng thì tráng ban ngày, nào bánh tráng trắng hay ngọt có rắc mè để nướng hay ăn sống, bánh tráng mỏng để gói chả giò, làm bánh cuốn…bánh tráng làm bằng bột gạo, thông thường vào khoảng mùng mười, mười một tháng chạp thì bắt đầu làm. Còn ban đêm, thì quết bánh phồng liên hồi, tạo âm thanh vui nhộn, vì nhà này làm dần công nhà kia, bánh phồng làm bằng nếp. (Nếu muốn tìm hiều thêm xin đọc bài Các Nông Cụ Việt Nam Vang Bóng Một Thời cùng tác giả Tiểu Đệ Nguyễn Phú Thứ).
Ngoài ra, các bà nội trợ cũng bắt đầu chọn ngày để làm dưa cải, dưa kiệu, cà rốt, củ cải…để cho kịp chua ăn Tết, cũng như còn phải mua sắm quần áo mới cho cả nhà từ mấy tháng trước. Nhà nào có trồng những cây mai trước nhà, cũng chuẩn bị lặt lá mai từ hôm rằm tháng chạp, để nó nở đúng vào dịp Tết, gia đình tôi, Ông Bà nội và song thân tôi có trồng những loại huỳnh mai 5 cánh, bạch mai rồi tứ quý… cho nên vào dịp Tết chúng nó đua nhau nở rộ, các màu vàng, đỏ trắng rất đẹp mắt.
Chiều 23 tháng chạp âm lịch hằng năm, mỗi nhà thường tổ chức lễ tiễn đưa 2 ông và 1 bà Táo về chầu trời, để tấu trình mọi việc dưới trần gian cũng như việc trong nhà, 3 vị thần Táo này ở chung nhau một nhà, nên trong dân gian có câu:
Thế gian một vợ một chồng,
Không như nhà Táo hai ông một bà.
được chủ nhà mua sắm quần áo mới, với con cá chép sống (thông thường mua những loại cá làm bằng giấy do người Hoa làm bán, không biết phong tục này đã có tự bao giờ.
Khoảng các ngày 24, 25, 26 Tết, thường các đàn ông con trai làm việc lu bù, nào sơn phết nhà cửa, hàng rào, cửa ngõ, đánh bóng những bộ lư hương bằng đồng, dọn dẹp trang hoàng tủ thờ… Tất cả phải làm thật mới để đón mừng Xuân Tết đến, nhà nào có đất ruộng, thì lo tát đìa bắt cá ăn Tết.
Riêng các đàn bà, con gái thì trổ tài làm bánh mứt đủ loại như: Bánh chưng, bánh tét, bánh ít, bánh kẹp, báng gan, bánh bông lan, bánh in… Mứt thì cũng có đủ loại mứt như: Khóm, hạt Sen, Me, Mãng cầu… thật đủ màu đẹp mắt. Đặc biệt các ông bà cụ già thường đi rảo chợ bông để mua nào là: Vạn Thọ, Mai, Cúc, Thược Dược, Huệ, một vài chậu Thủy Tiên, cành Đào… để đem về tỉa, gọt xén để trồng cho kịp nở hoa đúng vào mùng một Tết.
Ngoài ra, còn đến mấy chỗ ông thầy đồ, để chọn lựa mua những đôi liễn nào ưng ý đem về dán trước nhà hoặc hai bên bàn thờ hay bàn thông thiên trước sân nhà hoặc là nơi đền miếu cũng được trang hoàng một cách trang trọng, bởi các câu liễn đơn cử ví như sau: Phước dư Đông Hải – Tứ hải giai huynh đệ – Xuân đáo hoan hỷ – Phúc thọ khang ninh – Công thành danh toại.
Hơn nữa, các ông bà cụ già còn mua thêm chữ liễn như : Phước, Lộc, Thọ… để về dán vào các trái Dưa Hấu, Bưởi, Dừa… Viết đến đây, tôi nhớ lại người Hoa cũng có phong tục như thế, nhưng lại dán ngược chữ Phước, có ý nghĩa là Phước Đáo.
Kế đến, sang hàng Trà, để lựa mua các loại trà ngon có danh tiếng như : Trà Sen, Trà Cúc, Trà Lài… để trước cúng ông bà, mừng giao thừa, sau biếu bạn bè hoặc mời khách thưởng xuân.
Sau khi chuẩn bị xong trong nhà, đã có đầy đủ các thứ trái cây như:
Dưa Hấu, Vú Sữa, Mẵng Cầu, Đu Đủ, Dừa Xiêm, Xoài, Cam, Quýt, Bưởi, Khóm, Chùm Sung…
thì các bà nội trợ bắt đầu chuẩn bị gói bánh Chưng, bánh Tét, bánh Ít…
Theo phong tục Tết, nhà nào không có nồi thịt kho với : trứng Vịt, cá Lóc và nước Dừa tươi, kế đến bánh Chưng, bánh Tét, bánh Ít, cây Nêu trước nhà (ngõ), các đôi Liễn viết bằng mực tàu trên giấy đỏ (hồng điều), mấy phong Pháo để chuẩn bị đốt đón giao thừa và chờ Lân đến múa trước nhà, thì xem như nhà đó không có ăn Tết, cho nên việc gói bánh Chưng, bánh Tét, bánh Ít là món ăn chánh cổ truyền phong tục Việt nam, các loại bánh này được gói bằng lá Vông cho bánh Chưng và bằng lá Chuối Hột cho bánh Tét hay bánh Ít.
(Nhân nhắc đến bánh ít có dạng hình tháp, tôi nhớ ở Việt Nam mình có các loại bánh ít, xin kể như sau:
– Bánh ít nhưn chuối, bánh ít nhưn đậu, thường gói trong dịp Tết hay đám giỗ chạp để cúng kiến.
– Bánh ít nước tro (bởi vì, nếp ngâm với nước tro trước khi một đêm rồi mới đem xay thành bột, cho nên bánh nó trong vắt, loại bánh này thường thấy trong dịp lễ Thanh Minh).
– Bánh ít lá tre (bởi vì, bánh ít gói bằng lá tre).
– Bánh ít lá gai ở Bình Định có danh tiếng, (bởi vì, phải tìm hái lá gai đem về rửa sạch, phơi cho ráo rồi bỏ vào cối quết chung với bột nếp cho nhuyễn để gói bánh bằng lá Chuối, nhưn bánh mặn thì có đậu xanh, đen, dừa… Đôi khi thêm tôm xào với thịt hoặc bánh ngọt thì có đậu xanh, đen, dừa và đường tùy địa phương).
Vì thế, trong dân gian có câu:
Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi.
Ngoài các loại bánh ít phải gói bằng lá Chuối hay lá Tre, còn thấy bánh không có gói bằng lá, mà để trần, cho nên có tên là bánh ít trần).
Hơn nữa, khi nhắc đến bánh Tét, bánh Ít thường được gói ở Miền Nam và sau này có bánh Chưng ở Miền Bắc vào, tôi lại nhớ thân mẫu mỗi lần Tết đến hay ngày giỗ chạp, (quải) bà thường chuẩn bị làm bánh để cúng, trước hết phải đi mua nếp, đậu xanh, thịt ba chỉ … còn lá chuối thì ra sau vườn dùng lưỡi hái hay dao để rọc những tàu lá chuối không già hay non quá đem vô xài, kế đến phải lau lá chuối cho sạch trước khi gói bánh.
Sau khi lo đầy đủ vật liệu để gói bánh, thường thì trong gia-đình hay thân-tộc tựu-hợp nhau để gói bánh. Còn bánh Chưng thì vật liệu để thực-hiện giống như bánh Tét và bánh Ít, nhưng hình dång bánh Chưng hình vuông, khác với bánh Tét và bánh Ít.
Riêng thân mẫu tôi đã quá cửu tuần, nhưng bà vẫn khỏe mạnh, mỗi lần gói bánh bà không bao giờ ở không, bởi vì, bà muốn bánh Tét vuông góc, cột dây đều, còn bánh Ít thì gói có hình tam giác thẳng đứng và nhưn phải ngon, lột lá không bị dính.
Ảnh mẹ tôi lần chuổi hạt niệm Phật
Do vậy, bà rất cực mỗi khi gói bánh, nhưng sau khi nồi bánh chín, bà ăn thử thấy đúng ý bà, thì bà rất hài lòng với nụ cười trên môi. (Tết Tân Mão 2011 vừa qua, bà trên đường đi đến 100 tuổi thọ, nên sức yếu không còn gói bánh nữa).
Trở lại việc gói Bánh Chưng và bánh Tét nhân (nhưn) mặn, thì được làm bằng thịt heo ba rọi (ba chỉ), đậu xanh bóc vỏ, bao bởi lớp nếp ở ngoài, còn bánh Tét nhân ngọt, thường làm bằng đậu xanh bóc vỏ trộn với đường, ngoài ra còn có bánh Tét nhân chuối xiêm nữa, một đặc điểm đáng lưu ý, nếu chúng ta gói bánh Tét làm bằng nếp sống, khi cột bánh không được cột chặt, vì để nếp sống nó nở ra à vừa, trái lại nếu cột chặt như gói bánh Tét làm bằng nếp chín thì nó sẽ bị nín làm cho bánh Tét bị sống. Khi bánh chín quyện lẫn mùi lá thật quyến rủ. Miếng bánh ngon nhứt là miếng bánh ăn ngay khi vừa nấu chín. Tùy gia đình, thường nấu bánh vào đêm 27 hoặc 29 Tết, canh nấu suốt đêm đến sáng mới chín, thời gian phải mất khoảng trên 5 giờ đồng hồ. Bánh chín vớt ra cho ráo nước, rồi mới vội vàng đem biếu cho bà con, họ hàng thân tộc trong gia đình, trong khi bánh còn nóng hổi.
Việc chuẩn bị mừng xuân đón Tết hàng năm không những lo dọn dẹp, sơn phết trong nhà ngoài cửa mà còn phải lo làm cỏ mề mả ông bà tổ tiên cho thật đẹp để trong dịp Tết cúng kiến và rước ông bà về cùng ăn Tết. Bởi người xưa quan niệm: Sự tử như sự sanh, sự vong như sự tồn 事 死 如 事 生,事 亡 如 事 存(thờ người lúc chết cũng như lúc còn sống)
Về lễ rước ông bà, cúng thần đất đai, thì tùy theo nơi rước ông bà sớm là chiều ngày 28 thay vì chiều ngày 30 Tết, phần đông những gia đình theo đạo Phật Giáo Hòa Hảo ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hậu Giang như: Ô môn, Cao My, Ba Rích… (Cần Thơ) Thốt Nốt (Long Xuyên), Hòa Hảo (Châu Đốc), Cái Vồn (Vĩnh Long)… thường làm lễ rước ông bà chiều 27 hay 28 Tết (tùy theo tháng thiếu hay đủ) và đến mùng 1 Tết cúng chay và đến mùng 2 cúng mặn lại. Bữa cơm cúng rước ông bà là một trong những bữa cơm cuối năm ăn ngon nhứt của mọi gia đình sau những ngày chuẩn bị Tết mệt nhọc. Trên bàn thờ ông bà, được đặt chánh giữa nhà, thông thường có bộ lư hương bằng đồng được lau chùi sáng choang, hai bên có chân đèn để cắm cặp đèn cầy số 1 màu đỏ, một cặp dưa hấu hạng nhứt và kèm theo đủ loại trái cây, bánh mứt, hoa quả như: Mãng Cầu, Chùm Sung, Dừa tươi, Đu Đủ, trái Xoài… nếu thiếu một trong mâm ngũ quả, thì có thể thay thế bằng trái Thơm (Khóm) hay một nải Chuối Cau. Nhưng ít khi nào tìm không đủ ngũ quả này tương trưng: Cầu Sung Vừa (Dừa) Đủ Xài (Xoài).
Ngoài ra, một bàn thờ cũng được thiết lập lộ thiên đặt cạnh bàn thông thiên và cây tre làm cây nêu dựng sẵn trước cửa nhà, trên bàn thờ này cũng chuẩn bị nhang đèn hoa quả, mặt quay về hướng chánh Nam, để phù hợp với phong tục xưa là: “Thánh Nhân Nam Diện Nhi Thính Thiên Hạ” để đón giao thừa.
Riêng bàn thông thiên thường đặt chính giữa trước sân nhà, nếu ai có dịp đến miền Tây Nam phần Việt Nam sẽ thấy, cái bàn thờ lộ thiên này thành lập trên trụ cột cao, ngay vừa tầm mắt, thường có đặt bình bông, chung nước, lọ cắm nhang và chân đèn cầy để hằng ngày cúng kiến tất cả các vị Phật, Pháp, Tăng ở cõi mười phương thế giới và tất cả chư vị hiện đang hảnh sự tại cõi ta bà và tây phương nữa, cho nên chữ thông thiên mọi người sẽ nghĩ ngay là thấu trời. Bởi vì, những gia đình có bàn thông thiên, thường theo đạo Phật Giáo Hoà Hảo hay đạo thờ ông bà, hằng ngày sáng chiều sau khi đốt nhang niệm Phật trên bàn thờ Phật hay ông bà tổ tiên trong nhà xong, thì mới quay mặt để đi thẳng đến bàn thông thiên để khấn nguyện với câu niệm như sau: “Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, Nam Mô Phật Tổ, Nam Mô Thập Phương Phật, Nam Mô Thập Phương Pháp, Nam Mô Thập Phương Tăng, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Trăm Quan Cựu Thần, Chư Vị Sơn Thần, Chư Vị Năm Non Bảy Núi… cảm ứng chứng minh nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, qui y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo.” (tuy nhiên có nhiều người thêm bớt câu niệm này tùy theo căn duyên hay sức khỏe), rồi mới lạy 4 lạy.
Sau khi làm lễ đón rước ông bà và ăn uống xong, người lớn, nhứt là quý bà nội trợ, phải lo nấu nồi chè, nồi nước, hoa quả, cắt bánh Chưng, bánh Tét… để chuẩn bị đón giao thừa đúng 12 giờ đêm 30 hoặc 29 (nếu tháng thiếu) rạng mùng 1 Tết. Boong boong… còn hai phút, rồi còn một phút, giờ giao thừa đến, thì đài phát thanh (radio), đài truyền hình, Chùa, Đình… thi nhau đánh hồi trống hay chuông, để báo hiệu giờ tống cựu nghinh tân để tiễn đưa năm cũ rước năm mới vào. Thật lạ lùng thay! Tất cả cảnh vật trở nên nghiêm trang, rất là thiêng liêng, nhà nhà đều cúng lễ gia tiên giao thừa, treo bùa nêu lên đọt cây tre, rồi đốt pháo. Tiếng pháo đì đùng vang rền khắp mọi nơi, có người đốt cả phong hoặc lẻ tẻ trước nhà hay kế cận bàn thông thiên hoặc xung quanh nhà để đuổi trừ những cái xui xẻo năm cũ và đón mừng năm mới, với ước mơ hy vọng bước sang năm mới sẽ làm ăn phát đạt hơn, may mắn hơn và nhiều tốt đẹp hơn năm cũ. Sau khi nhang tàn, thì hạ mâm cỗ xuống để cả nhà cùng quây quần ăn chè, bánh mứt, hoa quả… cùng mừng bước sang năm mới.
Còn trẻ con sau khi đốt pháo và ăn uống no nê thì đi ngủ, chỉ còn người lớn tuổi ngồi nhâm nhi bên tách trà xanh để thưởng thức cái yên lặng, cái linh thiêng huyền diệu của đêm trừ tịch với mùi trầm hương quyện lẫn mùi pháo, rồi tưởng nhớ những người thân đã khuất hay nhắc nhở đến một vài đứa con, đứa cháu trong gia đình vì đi làm ăn xa hay vì công việc không thể về chung vui mừng xuân đón Tết bên tổ ấm gia đình.
Có nhiều người hay gia đình, sau khi cúng giao thừa xong vì tin tưởng vào số tuổi để chọn giờ xuất hành đầu năm cho hạp và làm ăn phát tài năm mới, rồi còn chọn hướng đi nơi nào trước, để cúng chùa, cúng đình…hoặc đi hái lộc hay xin xâm đầu năm, để cho biết thời vận trong năm đó. Việc hái lộc thường chọn một cành cây xanh tươi tốt, có nhiều mầm non, tượng trưng cho năm mới được tài lộc sung túc….
Để tạm kết thúc bài này, tôi xin kính chúc tất cả quý bà con đồng hương bước sang năm mới Đinh Dậu 2017 được: An Khang Thịnh Đạt – Công Thành Danh Toại – Tâm Thân Thường Lạc và Phúc Thọ Khương Ninh.
Mừng Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017
http://daovang.free.fr/PhongTucTetVN20017.pdf
Dân tộc sinh tồn
GS Nguyễn Ngọc Huy
III.- Điều kiện cốt yếu cho sự sinh tồn của người: Luật Tranh Đấu
Ta đã nhận thấy rằng vì kết-cấu của cơ-thể và tâm-hồn mình, vì bản-tánh mình, người luôn luôn hoạt-động để sinh-tồn. Sự sinh-tồn là cái động-lực duy-nhứt, cái mục-đích hồn-nhiên đại-đồng và vĩnh- viễn của loài người, dầu họ có ý-thức hay không cũng vậy. Giờ ta hãy xem người phải làm gì và phải tuân theo những điều-kiện gì trong sự hoạt-động để đạt mục-đích ấy. Sự quan-sát đời sống quanh ta giúp ta thấy ngay cái định-luật thiên-nhiên chi-phối sự hoạt-động của người : luật tranh-đấu.
A.- Lý do tranh đấu và đối thủ của người
Vật-chất vốn tự nó không bao giờ bất-động. Trên thế-giới, ta không bao giờ tìm được một thế quân-bình ổn-định. Mọi sự vật đều gồm có những lực khác nhau hướng theo nhiều lối khác nhau và tác-động lẫn nhau.
So với các vật-chất thường, sanh-vật lại càng hoạt-động nhiều hơn, vì sự sống cốt là một hoạt-động định hướng nhắm vào mục-đích tự phát-triển. Trong một đám rừng, các loài thảo mộc cầm thú đều có tự-động để bành-trướng. Người tự-nhiên không thoát khỏi công-lệ hoạt-động này.
Đời sống sanh-lý của người chung-qui chỉ là một chuỗi dài giao-hoán hóa-hợp. Nó bị sự chi-phối của những cuộc xung-đột giữa các lực khác nhau. Nền tảng đời sống tâm-lý của người là những bản-năng tạo ra nhiều nhu-cầu dục-vọng, nhiều ý-lực cạnh-tranh nhau để chiếm địa-vị ưu-thế. Đứng về phía trí-tuệ mà nói, người chỉ có ý-thức được nhờ sự hiện-diện của hai yếu-tố khác nhau. Một cảm-giác đồng đều mãi thì người không thể nhận-thức được. Muốn cho ý-thức người chổi dậy, phải có sự thay đổi, phải có sự đụng chạm giữa trạng-thái đương-hữu, và một trạng-thái mới. Xét về mặt đạo-đức, lưong-tâm người thường phải chứng-kiến sự xung-đột giữa những nhiệm-vụ khác nhau, những tư-tưởng đối chọi nhau. Sau hết, muốn tự duy-trì, cá-tánh người cũng phải đương đầu với những yếu-tố ngoại lai và những nguyên-nhơn nội-bộ làm cho nó biến-đổi. Những điều-kiện trên này chỉ rằng con người đã tự mình gồm nhiều lực khác xung-đột lẫn nhau.
Trong sự hoạt-động của người để sinh-tồn, sự xung-đột lại càng rõ rệt hơn nữa. Muốn sống, trước hết, người phải bảo-vệ thân mình và nuôi dưỡng nó. Người muốn chống chọi lại các mối nguy có thể làm hại mạng mình và tìm những món ăn uống cho no đủ.
Những lực-lượng có thể làm hại đến người, cũng như những vật-liệu cần-thiết cho sự bảo-dưỡng thân người đều ở trong thiên-nhiên, trong loài cầm thú, với những vật-chất hữu-hình và những lực-lượng vô-hình của nó, vừa có thể hại đến mạng người, vừa có thể cung-ứng những vật-liệu cần-thiết cho người. Người một mặt phải tìm cách chống lại những vận-động của thiên-nhiên có hại đến mình, một mặt phải ra công tìm kiếm trong thiên-nhiên những món cần cho sự sống của mình và bắt buộc nó phải cung-nạp cho mình.
Đối với những loài động-vật khác, cũng như đối với thiên-nhiên, người vừa phải giữ cho nó không hại đến mình, vừa phải tìm cách giết nó hay chế-ngự nó để lấy xác thịt nó mà dùng, hay bắt nó phụng-sự mình.
Những vật-liệu cần-thiết cho người không phải luôn luôn phong-phú, có đủ cho tất cả mọi người. Muốn giành lấy phần cần-thiết cho mình, người phải tranh nhau với người khác.
Nhưng sự cần dùng của người không phải chỉ thâu vào trong phạm-vi vật-chất. Ngay trong sự tìm lấy những vật-liệu hữu-ích cho mình, người bao giờ cũng có xu-hướng muốn được cái ngon nhứt, đẹp nhứt.
Trong lãnh-vực tinh-thần, người có những ý-tưởng, những tình-cảm. Những ý-tưởng, những tình-cảm của người này không phải luôn luôn giống những ý-tưởng, tình-cảm của người khác. Người không những muốn được tự-do phát-biều những ý-tưởng, những tình-cảm của mình, mà còn lại muốn rằng những ý-tưởng ấy được người khác noi theo, những tình-cảm ấy được người khác kính nể. Điều này cũng bắt buộc người tranh nhau với người khác.
Nói tóm lại, muốn sống người phải tranh nhau, mà muốn cho sức sống mình tràn ra ngoài bản-thân mình, người cũng phải tranh nhau.
Như thế, trong sự hoạt-động để sinh-tồn, người luôn luôn gặp những phản-động-lực. Dầu cho người hoạt-động một mình hay hoạt-động chung với nhiều người khác, bao giờ người cũng gặp những trở-lực hay những địch-thủ chống lại mình. Điều này đúng cho đến nỗi người ta có thể lấy sự tranh-đấu làm đặc-điểm cho sự sinh-tồn. « Sống, tức là tranh-đấu ». Đó là một sự thật có một giá-trị tuyệt-đối muôn đời.
Từ khi xuất-hiện trên thế-giới đến giờ, người phải luôn luôn tranh-đấu chưa lúc nào ngừng. Người phải tranh đầu với thiên-nhiên, với loài cầm thú, với người đồng-loại. Ba sự tranh-đấu này có một lượt với nhau chớ không phải chia ra thành thời-kỳ, trong mỗi thời-kỳ người phải tranh-đấu với một lực-lượng như Tôn Văn đã nói trong chủ-nghĩa Dân-quyền. Một người dã-man thuở trước cũng như một người văn-minh hiện giờ vừa phải tìm cách tránh mưa nắng, bịnh tật, vừa phải ăn thịt những loài cầm thú và giữ cho nó khỏi ăn thịt mình, vừa phải cạnh-tranh với đồng-loại để tìm đủ những nhu-cầu thiết-yếu cho mình, để khỏi phải tùng-phục họ và bắt họ tùng-phục mình. Người từ trước đến nay đã phải tranh-đấu với ba lực-lượng ấy, người hiện đương phải tranh-đấu và sau này sẽ tranh-đấu mãi mãi với nó để sinh-tồn.
Ngoài ra, lại còn hình-thức tranh-đấu nữa dành cho những người có một trình-độ khá cao rồi : mình tranh-đấu với mình để chế-ngự những khuynh-hướng thấp kém của mình, để tự bắt buộc mình theo một qui-phạm mình nêu ra. Tánh-cách tranh-đấu của sự tự tu đã hiện ra rõ rệt trong những kinh sách của các tôn-giáo. Người ta đã dùng nhiều từ ngữ chiến-tranh để dạy người theo đạo. Người ta đã nói đến việc dùng gươm trí-tuệ cắt đứt trần-duyên, việc diệt-trừ lục-tặc, việc đấu-tranh với ác-quỉ để giữ thiên-lương.
B.- Những hình thức tranh đấu
1.- Những cuộc tranh đấu bạo tợn
Đời sống của người từ ngàn xưa đến giờ, chỉ duy-trì được bằng cái chết của bao nhiêu cầm thú, cây cỏ, bằng sự hủy-diệt không biết bao nhiêu vật-liệu. Người phá-hoại để tự-vệ, để tự dinh-dưỡng, tự điều-trị, để trang-phục, để xây dựng và trang-hoàng nhà cửa, để học hỏi và để quảng-bá tư-tưởng mình. Người lại còn phá-hoại để vui chơi : những cuộc săn bắn câu kéo bao giờ cũng có người mê thích.
Đối với đồng-loại, người cũng có bao nhiêu lý lẽ để tấn công: người đã công kích đồng-loại để ăn thịt họ, để bắt họ làm nô-lệ cho mình, để cướp bóc họ, để thỏa-mãn lòng căm hận, để có quyền được yêu, để giành lấy chánh-quyền và hưởng những mối lợi to tác mà chánh-quyền đem đến. Người đã nhơn danh-nghĩa của những ý-tưởng tôn quí, những tín-ngưỡng cao-siêu mà giết nhau. Người đã xung-đột nhau vì tôn-giáo, vì lý-tưởng, vì đạo-đức. Người đã từng đánh nhau vì tánh hiếu-chiến, người đã đánh nhau để xây dựng hòa-bình.
Những cuộc chiến-tranh đẫm máu giữa các dân-tộc, các quốc-gia thật là không kể xiết : nó là yếu-tố chánh của lịch-sử loài người từ đời thái-cổ cho đến ngày nay. Sự chiến-tranh có tánh-cách cần-thiết đối với người cho đến người xem nó là một định-luật thiên-nhiên. Trong hầu hết các tôn-giáo ngày xưa, những vị thần oai-quyền nhứt là những vị chủ về việc chiến-tranh.
Những cuộc chiến-đấu giữa người trong một nước để giành chánh-quyền, để có một địa-vị ưu-thắng, để giải-phóng những kẻ bị áp-bức, để chinh-phục tự-do, để bành-trướng tôn-giáo cũng tàn ác và thường xảy ra như những cuộc chiến-tranh giữa các chủng-tộc.
2.- Những cuộc tranh đấu ôn hòa
Kế bên những cuộc chiến-tranh có tánh-cách bạo tợn trên này, lại còn những cuộc tranh-đấu ôn-hòa hơn.
Việc xây dựng nhà cửa để tránh mưa tránh nắng cũng như việc canh-tác để có nông-sản làm lương-thực hay làm vật-liệu kỹ-nghệ, đều bắt buộc người phải cố-gắng đối chọi lại thiên-nhiên. Đối với cầm thú, người không phải chỉ sát-phạt mà thôi, người còn biết chăn nuôi nó để nhờ nó giúp mình trong nhiều công việc.
Giữa người với người, sự hoạt-động không phải luôn luôn đưa đến chỗ giết hại nhau. Các dân-tộc có thể cạnh-tranh nhau về mặt kinh-tế ; họ cố tranh thị-trường, cố tạo những hàng-hóa rẻ và đẹp để bán chạy hơn nước khác.
Bên trong một dân-tộc, người cũng có thể tranh-đấu nhau một cách hòa-bình. Những chánh-khách ở càc nước dân-chủ cạnh-tranh nhau trong những cuộc vận-động tuyển-cử, những đoàn người khác nhau đều cố-gắng để đưa đại-biểu vào nghị-viện hay đưa nhơn-viên vào chánh-phủ hầu bảo-vệ quyền-lợi mình. Ngay trong các tu-viện, những tu-sĩ cũng cố để hơn nhau, mặc dầu họ đã từ khước cuộc đời và hướng về Thượng-Đế.
Ta có thể nói tóm lại, rằng trong bất cứ sự giao-thiệp nào giữa người với người cũng có sự tranh-đấu. Ngay đến vợ chồng, cha con trong nhà cũng phải có sự tranh-đấu với nhau để binh vực cá-tánh mình.
C.- Hiệu quả của sự tranh đấu và sự quan trọng của nó
Tất cả những cuộc tranh-đấu của người, tranh-đấu bạo tợn cũng như tranh-đấu ôn-hòa, đều gồm có hai yếu-tố sau đây: sự hiện-hữu của hai hay nhiều lực khác nhau, về một ý-tưởng về một hay nhiều mối lợi làm phần thưởng cho sự tranh-đấu. Dầu dùng phương-tiện gì, những đối thủ tranh-đấu nhau cũng nhờ sự tranh-đấu quyết-định xem kẻ nào được quyền hưởng những mối lợi họ thèm muốn như nhau. Và kết-quả, ngay trong những cuộc tranh-đấu có tánh-cách ôn-hòa, hay là sự suy-vi của người thất-bại.
Thật-sự, thì người bị dồn vào một tình-thế quyết-liệt không thể tránh được ; chiến-thắng hay chết nếu không thể sống nhục. Người không thắng được thiên-nhiên thì thiên-nhiên hại mạng người, người không săn ác thú thì ác thú ăn thịt người, người không chế-ngự được sự hoạt-động của đồng-loại thì sự sinh-tồn của người phải bị uy-hiếp. Vì lẽ sự sinh-tồn của người bắt buộc người phải triệt-hạ đối-thủ, nó có tánh-cách xâm lấn và thường đưa đến sự sát-phạt.
Trong một cuộc tranh-đấu quyết-liệt có quan-hệ đến sự sống còn của người, thường người ta thấy có thể xuất-hiện một thời-kỳ gọi là thời-kỳ khủng-hoảng. Trong thời-kỳ này, sanh-vật thấy nguy-hiểm đến mình hay cảm thấy mất tất cả sự cần dùng thủ thắng. Bản-năng sinh-tồn của nó bị kích-thích mãnh-liệt. Tất cả sanh-lực của nó tập-trung lại và giúp nó đánh một phát cuối cùng để thủ thắng hay tháo thân.
Nhờ sự tập-trung sanh-lực này, sanh-vật có thể làm được những việc khó khăn mà bình-thường nó không làm được. Một bài thơ ngụ-ngôn Pháp kể chuyện con chiên gặp mưa, nghe tiếng sấm sét ì ầm thì hoảng-hốt chui vào bụi gai, không sợ đau đớn. Đến khi mưa tạnh, nó sợ gai móc không dám chun ra.
Trong chuyện tiếu-lâm của ta cũng có chuyện anh học nghề ăn trộm bị chủ nhà rượt, phải chun vào bụi gai, rồi không ra được. Đến sáng, anh ta gặp thầy đi kiếm, mới năn nỉ ông này phác sạch gai cho mình ra. Nhưng ông này chỉ cần la to lên: «Bớ người ta, thằng ăn trộm đây rồi!” để khiến cho anh ta vọt ra khỏi bụi gai mà chạy về nhà.
Những câu chuyện trên đây không phải chỉ là chuyện bịa, nó miêu-tả một trạng-thái có thật của cuộc chiến-đấu. Trong khi người say mê tranh-đấu và bị kích-thích, những khả-năng tiềm-thế của người có thể bộc-phát và làm người tự vượt lên trên giá-trị bình-thường của mình. Những kẻ nhảy xuống sông hay xông vào lửa để cứu người, những chiến-sĩ xông xáo trên bãi chiến-trường mặc dầu đã bị thương, đều ở vào tình-trạng trên đây.
Như vậy, sự tranh-đấu có thể đem nguy-hiểm đến cho người, nếu có khiến cho người sát-phạt sanh-vật khác, cũng mang đến cho người ngoài cái lợi mà sự chiến-thắng đưa đến cho người : đó là sự tiến-hóa của người. Nó làm phát-triển những khả-năng tiềm-thế, và khiến cho người giỏi hơn, tự-tin nơi mình hơn.
Sự xung-đột giữa các khuynh-hướng cao và thấp của người có ý-thức, có thể kiện-toàn tinh-thần đạo-đức của người. Sự xung-đột giữa các ý-tưởng khác nhau trong trí óc người cũng làm cho trí-tuệ người mở mang thêm. Về phương-diện xã-hội, ta có thể bảo rằng, chính sự cần dùng tranh-đấu đã bắt con người hợp-quần nhau lại. Các bộ-lạc, tiểu-bang, quốc-gia, dân-tộc, chỉ thành-lập được nhờ sự cần dùng phải tự vệ đối với các đoàn-thể người khác, hay để tấn-công các đoàn-thể ấy.
Trong lịch-sử, quá-khứ, những chủng-tộc đã đóng một vai tuồng trong sự tiến-hóa của nhơn-loại đều là những chủng-tộc tổ-chức theo lối quân-sự. Sự vận-dụng hết nhơn-lực và tài-lực của đoàn-thể để đối-phó với địch-thủ đã làm cho cả xã-hội tiến lên về phương-diện tổ-chức, cũng như về phương-diện kết-quả vật-chất và tinh-thần thâu-hoạch được. Như thế, ta có thể quả-quyết rằng sự tranh-đấu không những là điều-kiện căn-bản của sự sinh-tồn, mà còn là điều-kiện cốt-yếu của sự tiến-hóa nữa.
Sự tranh-đấu tất-yếu cho sự sinh-tồn đến nỗi nó tạo cho người một bản-năng đặc-biệt là bản-năng tranh-đấu. Nó gây cho người ý muốn chiến-thắng trong mọi hoạt-động, ngay trong những trò chơi, ngay trong những hành-động có vẻ không vụ-lợi. Thật ra, đối với một số đông người, không có gì thích- thú mê say cho bằng sự tranh-đấu. Ta chỉ cần nhìn một người cờ bạc, tay run run khi dở mấy quân bài thì thấy rõ sự quan-trọng của tinh-thần tranh-đấu ngay trong sự vui chơi. Lòng ganh tị, sự thèm muốn bằng hay hơn kẻ khác, tánh hay châm-biếm để hạ kẻ khác đều dính dáng đến bản-năng tranh-đấu này và thấm nhuần tất cả hoạt-động của người.
Nói tóm lại, sự tranh-đấu sinh-tồn là một định-luật cốt-yều của đới sống con người. Đó là một hiện-tượng đại-đồng, tuy có thể mang nhiều tên khác nhau: xung-đột, cạnh-tranh, chiến-đấu, tranh-đấu. Thật ra, nó có hiện-tượng duy-nhứt có tánh-cách đại-đồng trong lịch-sử. Nó là định-luật bao quát được tất cả các thời-đại. Nó là cái động-lực đã hướng-dẫn tất cả những hành-vi của loài người, nó là cái chìa khóa giải-thích tất cả những biến-cố lịch-sử.
Giai-cấp tranh-đấu chỉ là một phần của cuộc sinh-tồn tranh-đấu mà thôi. Nó chỉ là sự tranh-đấu giữa người với người bên trong xã-hội. Nó sở-dĩ phát-sanh là vì sự sinh-tồn của một số đông người bên trong xã-hội bị uy-hiếp thái quá. Vậy, nó chỉ là một cái bịnh của sự sinh-tồn, chớ không phải là một nguyên-động-lực làm trung-tâm-điểm cho sự hoạt-động của con người. Vì thế, nó không giải-thích được những cuộc tranh-đấu đã xảy ra trong lịch-sử loài người, giữa những dân-tộc, những tư-tưởng, những tôn-giáo khác nhau. Chỉ có sự sinh-tồn tranh-đấu mới giải thích đủ được hết các cuộc xung-đột giữa loài người ; nó bao gồm cả giai-cấp tranh-đấu, dân-tộc tranh-đấu, tư-tưởng tranh-đấu, tôn-giáo tranh-đấu v.v…
IV.- Điều kiện thắng lợi trong cuộc tranh đấu : sức mạnh và quan năng biến cải
A.- Luật sức mạnh
Muốn sinh-tồn, người phải tranh-đấu. Sự thất-bại trong cuộc tranh-đấu, dầu là cuộc tranh-đấu ôn-hòa, nhứt-định đưa người đến chỗ suy-vi. Vì thế, người không phải chỉ cần tranh-đấu mà thôi, người còn phải thắng-lợi trong sự tranh-đấu nữa. Sự tranh-đấu vốn hàm ý xung-đột giữa hai hoặc nhiều lực, và trong sự xung-đột này, tất-nhiên lực nào mạnh hơn phải thắng-thế. Vậy, khi đã chấp-nhận rằng tranh-đấu là cần-thiết, ta cũng phải chấp-nhận luật thắng-lợi của kẻ mạnh. Vấn-đề sức mạnh thật ra chỉ có thể là một vấn-đề tương-đối : kẻ thắng là kẻ mạnh hơn người bại « mạnh được, yếu thua », đó là một công-lệ xưa nay, không ai phủ-nhận được.
1.- Đại lược về sức mạnh
a)- Lực vật chất
Nói đến sức mạnh, người ta nói đến sức mạnh vật-chất trước hết, vì trên đời, chỉ có những tác-động vật-chất mới đưa đến những hậu-quả rõ ràng. Lẽ cố nhiên là sức mạnh này ở ngay trong vật-chất. Cứ như lời các nhà vật-lý thì thế-giới vật-chất hoàn-toàn bị sự chi-phối của các lực.
Ý-niệm về lực thật ra chỉ là một quan-niệm siêu hình. Theo định nghĩa của các nhà khoa-học, lực là cái nguyên-nhơn có thể làm cho các vật-chất hoạt-động. Như thế nó không phải là một vật cụ thể.
Tuy nhiên, ta vẫn có thể chấp-nhận ý-niệm về lực, vì ta có thể qui các lực về những biểu-lộ vật-chất mà ta kiểm-soát, đo lường được. Về phương-diện khoa-học, người ta nhận-định ra các lực nhờ sự gia- tốc, sự thay đổi tốc-độ, và đo lường các lực ấy bằng số công cung-cấp.
Như thế, thật ra, người chỉ nhận-thức và đo lường những hiện-tượng do lực gây ra, nhưng điều này đủ cho ta thấy rõ rằng lực vốn có.
Sự quan-sát chỉ tỏ rằng các hiện-tượng biểu-hiệu của lực kể ra trên này đều có trong nền tảng của mọi thực-tại. Một đồ vật có thể xem như là một tổng-số của những đặc-tánh vật-lý, tức là những khả-năng tác-động và phản-động của nó đối với ngoại-giới. Thêm nữa, tất cả các đơn chất đều có thể qui-định được nhờ một đặc-tánh chung: trọng-lượng nguyên-tử, vốn cũng là một lực. Sau hết, người ta cũng đã phân-tích đến nguyên-tử và tìm thấy rằng nó là một hệ-thống điện-lực.
Vậy, lực là một yếu-tố làm cơ-sở cho cả vật-chất. Mọi vật tác-động được đều do lực, mà các vật ta thấy bất-động, thật ra cũng do lực chi-phối, vì sự bất-động chỉ là một trạng-thái quân-bình tạm-thời giữa các lực đồng sức nhau và chế-ngự nhau. Một số nhà bác-học cho rằng những phản-ứng hóa-hợp cũng chỉ là sự cảI-tổ những nhóm lực đặc-biệt. Như thế trong giới vật-chất, tất cả đều qui về lực vật-chất. Đối với những nhà khoa-học, nó là thực-tại nguyên-thủy vậy.
b)-Sức mạnh thể chất vè tinh thần của người
Người vốn có một cơ-thể, tức là một khối vật-chất có thể tác-động trên các vật-chất khác. Ta đã thấy rằng, lực là cái nguyên-nhơn làm cho các vật hoạt-động. Với tay, chơn, thân-thể mình, người có thể làm cho những vật quanh mình di-động hay biến-tánh đi. Vậy, cơ-thể người có một cái lực, lực đó là sức mạnh thể-chất của người. Nó tùy theo kết-cấu của bắp thịt, của bộ xương, của các khí-quan, tùy theo sự di-truyền, sự phát-dục và sự tập-luyện của người mà to nhỏ khác nhau cho từng người một.
Nhìn người đang cử-động, ta thấy sức mạnh thể-chất trước hết. Do đó, khi nói đến sức mạnh của người, người ta thường nghĩ đến sức mạnh thể-chất ấy. Nhưng người vốn là một sanh-vật cao-đẳng và những khả-năng đặc-biệt của người còn giúp cho người một sức mạnh khác nữa mà ta gọi là sức mạnh tinh-thần.
Ta đã biết rằng, về phương-diện tâm-lý, hành-động của người bị các bản-năng và khuynh-hướng chi-phối. Bản-năng là nguyên-lý hoạt-động của người, chính nó điều-khiển và sử-dụng được sức mạnh thể-chất của người trong các hành-động vô ý-thức cũng như các hành-động ý-thức.
Những khả-năng của tâm-hồn người vốn cũng tùy-thuộc các bản-năng, và cũng có đóng một vai tuồng trong sự thúc đẩy người hoạt-động. Lý-trí người không phải chỉ phân-biện, phán-đoán mà thôi, nó còn biết chọn lựa tức là hướng người về một đối-tượng sau khi phán-đoán. Tình-cảm người thường giữ nhiệm-vụ của một yếu-tố điều tiết để kích-thích hay kềm chế các năng-lực của người và thúc giục người hành-động. Ý-chí của người, một mặt, giúp lý-trí trong sự quyết-định việc chọn lựa đối-tượng, một mặt, giúp tình-cảm trong sự vận-dụng các năng-lực của người, và duy-trì sự tác-động của người đến một mực nào đó.
Nếu ta dựa vào định-nghĩa đã nêu ra trên đây, theo đó, lực là cái nguyên-nhơn làm cho các vật hoạt-động, ta có thể bảo rằng, bản-năng của người cùng với lý-trí, tình-cảm và ý-chí của người có thể đều được xem là những lực, vì nó khiến cho người hoạt-động. Một số những lực này có tánh-cách đặc-biệt mà vật-chất ngay đến các loài động-vật khác đều không có. Như thế, người ta rất hữu-lý mà nhận rằng người có một sức mạnh đặc-biệt gọi là sức mạnh tinh-thần.
Sức mạnh tinh-thần của người tự-nhiên có liên-quan với sức mạnh thể-chất một cách chặt chẽ. Nó phải dựa vào cơ-thể người mới biểu-lộ ra được, và muốn ảnh-hưởng đến ngoại-giới, nó phải nhờ đến sức mạnh thể-chất của người. Vì đó, sự phân-biệt phần sức mạnh thể-chất với phần sức mạnh tinh-thần trong một cử-động của người hết sức khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ta có thể qui sức mạnh tinh-thần của người về sức mạnh thể-chất.
Trước hết, nếu sức mạnh thể-chất là cái lực tác-động ra ngoại-giới, sức mạnh tinh-thần lại có thể xem như là cái lực tác-động trên con người, để người sử-dụng sức mạnh thể-chất của mình.
Một mặt khác, vì cơ-thể người có những tánh-cách đặc-biệt làm cho nó phân-biệt với vật-chất thường, sức mạnh tinh-thần của người cũng có những tánh-cách đặc-biệt làm cho nó phân-biệt với các lực vật-chất.
Các lực vật-chất vốn diễn-tiến một cách máy móc, không cứu-cánh, không ý-thức, và thúc đẩy các khối vật-chất với một hiệu-quả luôn luôn đồng đều, làm cho người ta có thể dự đoán những kết-quả một cách dễ dàng. Trong khi đó, sức mạnh tinh-thần của người chẳng những nhắm vào một cứu-cánh mà lại có thể nhờ ý-thức mà thay đổi các mục-tiêu cần đạt, để sau cùng tiến đến cứu-cánh trên đây. Nó lại có thể huy-động hết sức mạnh thể-chất hiện có của người, và làm phát-khởi những khả-năng tiềm- tàng trong cơ-thể để tăng-gia sức mạnh thể-chất của người. Ta có thể bảo rằng, sức mạnh tinh-thần của người gán thêm cho sức mạnh thể-chất một chỉ-số đặc-biệt tùy người, khiến cho hiệu-quả của sức mạnh thể-chất không cân-phân với sức mạnh cân-lực mà ta phỏng-đoán nơi mỗi người.
Xét về bản-chất, sức mạnh thể-chất của người có thể so sánh với lực vật-chất được, vì người ta có thể đo lường nó như người ta đã đo lường các lực vật-chất. Sức mạnh tinh-thần của người vì tánh-cách đặc-biệt của nó nên không thể đo lường được. Nó biến sức mạnh thể-chất thành một sức mạnh đặc-biệt khác với lực vật-chất ở chỗ hiệu-quả nó thay đổi tùy lúc một cách bất ngờ. Trong sự tác-động trên thế-giới vật-chất, sức mạnh tinh-thần của người giúp người nhận-thức các lực thiên-nhiên, và dùng sức mạnh thể-chất của mình mà vận-dụng những lực thiên-nhiên ấy trong sự đối-phó với những lực thiên-nhiên khác để đem phần thắng-lợi về mình.
2.- Vai tuồng của sức mạnh trong sự tranh đấu
Thế-giới vật-chất có thể qui về các lực vật-chất, còn người thì có sức mạnh thể-chất và sức mạnh tinh-thần. Như thế, cả thực-tại đều lấy lực hay sức mạnh làm gốc, và sức mạnh tự-nhiên trở thành một yếu-tố quan hệ trong sự tranh-đấu.
Trong những cuộc tranh-đấu bạo tợn giữa loài thú, ta phải công-nhận sức mạnh thể-chất là yếu-tố đáng kể hơn hết. Giữa hai con thú tranh-đấu nhau, con nào có một thể-xác to hơn, có một sức mạnh cơ-thể dồi dào hơn thường nắm phần thắng-lợi. Tuy nhiên, ta đã có thể nhận thấy, trong đó có một vài yếu-tố khác phụ thêm vào như sự hướng về một chủ-đích, trí khôn, và lòng can-đảm. Những yếu-tố này là mầm mống của sức mạnh tinh-thần. Nhưng ở loài thú, nó chưa phát-triển đến mức cải-biến sức mạnh thể-chất và đóng một vai tuồng trọng-yếu như ở con người.
Trong sự tranh-đấu của người, sức mạnh thể-chất vẫn còn quan-trọng. Những người có một cơ-thể cường-tráng thì chống chọi lại thiên-nhiên với nhiều hy-vọng thắng-lợi hơn những người ươn yếu. Họ đương đầu với sự thay đổi thời-tiết, với mưa nắng, với bịnh tật, và thực-hiện những dự định của họ trong sự chế-ngự thiên-nhiên, bắt buộc thiên-nhiên cung-ứng cho mình những món mình cần dùng một cách dễ dàng hơn.
Tuy thế, với người, vai tuồng của trí óc đã mở mang đến một mức hết sức rộng rãi. Những tri-thức, kỹ-thuật, sự khéo léo, óc sáng-kiến là những yếu-tố giúp người rất nhiều trong sự thắng-lợi. Những đức-tánh tốt như lòng can-đảm, óc nhiệt-tín, tánh kiên-nhẫn, sự phục-tùng kỹ- luật cũng vô-cùng hữu-ích cho người. Như vậy, sức mạnh tinh-thần của người đã tham-dự một phần lớn vào sự tranh-thắng của người. Nó làm cho những người yếu đuối có thể thâu-hoạch một kết-quả tốt hơn những người mạnh khỏe. Một người nhỏ bé khôn ngoan và kiên-nhẫn thường tạo được nhiều công-trình hữu-ích hơn một người to lớn, nhưng đần độn hoặc không trì chí.
Người ta có thể bảo rằng trong phần lớn những cuộc tranh-đấu giữa người với thiên-nhiên, thật-sự chỉ có những lực-lượng vật-chất chống lại lực-lượng vật-chất: chính những dụng-cụ, mày móc và những năng-lực vật-chất mà dụng-cụ và máy móc ấy cung-cấp cho người đã chế-ngự được những lực-lượng thiên-nhiên đối thủ của người.
Nhưng thật-sự, việc chế-tạo và sử-dụng những dụng-cụ, máy móc, việc nhận-thức được những lực-lượng thiên-nhiên và phương-pháp ích-dụng những lực-lượng ấy một cách có lợi cho người, không thể xem là một tác-động của sức mạnh thể-chất được.
Một mặt khác, cùng với những dụng-cụ máy móc như nhau, những người có một sức mạnh thể-chất ngang nhau có thể đi đến những kết-quả khác nhau, vì trí tuệ và đức-tánh họ không bằng nhau.
Sau hết, có những trường-hợp trong đó sức mạnh tinh-thần đóng một vai tuồng quyết-định: nhiều người bịnh nặng hoặc tàn-tật chỉ nhờ một nghị-lực cương-cường mà thoát chết, hay cử-động một cách gần như bình-thường được.
Như vậy, ta không phủ-nhận được vai tuồng cốt-yếu của sức mạnh tinh-thần trong sự tranh-đấu giữa người với thiên-nhiên.
Vai tuồng cốt-yếu càng hiện ra rõ rệt trong sự tranh-đấu giữa người và loài cầm thú. Sức mạnh thể-chất của người vốn kém cỏi hơn sức mạnh thể-chất nhiều loài khác. Lúc hãy còn thấp kém như các thú ấy, người phải chật vật vô-cùng mới khỏi phải chết vì chúng. Nhưng nhờ sự mở mang của trí khôn, nhờ những đức-tánh tinh-thần quí báu, người đã lần lần tiến lên địa-vị ưu-thắng. Hiện nay, người có thể tiêu-diệt các loài thú dữ một cách dễ dàng và bắt được nhiều loài thú khác phục-dịch mình.
Trong những cuộc tranh-đấu giữa người với người, giá-trị của sức mạnh tinh-thần lại càng gia-tăng vạn-bội. Ta có thể bảo rằng, không có cuộc tranh-đấu nào giữa người với người mà không có sự tham-dự của sức mạnh tinh-thần. Theo lý đương-nhiên thì hai người đánh nhau, người to lớn hơn, nắm phần ưu-thế hơn, và trong hai khối người tranh-chiến nhau, khối đông hơn có nhiều hy-vọng thắng-lợi hơn. Nhưng với lòng can-đảm, với chí quyết-thắng, với kỹ-thuật tranh-đấu cao hơn, một người yếu đuối có thể hạ được một người to lớn hơn. Với một kỹ-luật chặt chẽ hơn, một tinh-thần tác-chiến cao hơn hoặc những khí-giới tinh-xảo hơn, một đạo quân nhỏ có thể thắng một đạo quân lớn hơn mình. Tài những người chỉ-huy quân-sự ngày xưa đến nay vẫn làm cho binh-sĩ phấn-khởi lên, mang hết năng-lực mình ra bỏ vào cuộc chiến-đấu, và tập-trung các năng-lực này ghép lại vào sức tàn-phá do khí-giới cung-cấp cho mình, rồi điều động khối lực-lượng trong tay mình như thế nào cho nó có hiệu-lực tối-đa, tràn ngập cả lực-lượng của địch.
Nếu trong những cuộc tranh-đấu bằng bạo-lực, sức mạnh tinh-thần đã có đóng một vai tuồng quan-trọng và nhiều khi chuyển bại thành thắng được, thì trong những cuộc tranh-đấu ôn-hòa, sức mạnh tinh-thần càng trở thành chủ-yếu.
Sự học hỏi, tìm tòi, sự khảo-cứu phát-minh, phần lớn dựa vào trí-tuệ và những đức-tánh của người. Những hoạt-động kinh-tế có mục-đích vận-dụng vật-chất, những sự cạnh-tranh kinh-tế càng ngày càng có tánh-cách kỹ-thuật và kêu gọi đến sức mạnh tinh-thần nhiều hơn thể-chất của người.
Trong những cuộc hoạt-động chánh-trị ở các nước dân-chủ, sự thắng-lợi nghiêng về số đông. Nhưng muốn cho số đông theo mình, một chánh-đảng cần phải có tổ-chức, có kỷ-luật, có một chương-trình hoạt-động thích-hợp với tình-thế, một hệ-thống lý-luận chặt chẽ và hấp-dẫn. Xã-hội càng tiến-bộ thì sự tổ-chức và lý-thuyết chánh-trị càng cần-thiết để nắm được số đông, hầu thắng-lợi trong trường chánh-trị.
Sau hết, trong xã-hội loài người, lại còn một sức mạnh minh mông là sức mạnh của dư-luận. Lòng tin tưởng chung có thể thúc đẩy hàng triệu người đương đầu với sự nguy-hiểm để tranh-chiến nhau, hay để đeo đuổi những công việc vĩ-đại, lắm khi điên rồ. Bầu không khí hăng hái hay thất-vọng, làn sóng căm hận hay cảm kích tràn lan trên một dân-tộc có thể đưa đến những biến-cải khổng-lồ. Những cuộc thánh-chiến thời xưa là kết-quả lòng cảm-kích của những dân-tộc cuồng-tín muốn mở rộng mối đạo của mình. Phong-trào duy-tân mấy thế-kỷ gần đây đã làm thay đổi hẳn xã-hội nhiều nước vùng Trung-Đông và Viễn-Đông.
Dư-luận còn tạo ra phong-tục tập-quán, uốn nắn con người theo khuôn khổ mình. Nó đã đóng một vai tuồng quan-trọng trong sự chế-ngự và điều-khiển sự phát-hiện các bản-năng của người. Mặc dầu đều có bản-năng tình-dục như nhau, người dân-tộc này có thể hoàn-toàn khác người dân-tộc kia trong sự phát-biểu lòng yêu đương và trong sự thiết-lập gia-đình. Chính dư-luận trong nhiều xã-hội đã bắt người con gái phải giũ tiết-trinh, người đàn bà trung-thành với chồng, và người quả-phụ thủ-tiết với chồng quá-vãng. Ở Ấn-Độ ngày xưa, dư-luận cho rằng người quả-phụ xứng đáng phải tự thiêu theo chồng, và mặc dầu luật-pháp không hề bắt buộc, rất nhiều quả-phụ đã noi theo tục-lệ ấy. Đối với những quả-phụ ấy, thà chết thảm-khốc như thế còn hơn là sống mà bị dư-luận khinh bỉ chê bai.
Người bị dư-luận bài-xích thật là khốn-nạn vô-cùng. Những lời chế giễu, những cử-chỉ khinh-thị của thiên-hạ gây cho họ một bầu không khí khó thở, và luật-pháp hoàn-toàn bất-lực trong sự binh vực họ. Trái lại, người được dư-luận tán-thành có một thế-lực rất mạnh. Những chỗ dở, chỗ xấu của họ được thiên-hạ bỏ qua và một ý-kiến của họ nhiều khi có một hiệu-quả rất to.
Dư-luận có thể hiếp-chế được người, những tánh-cách tinh-thần của nó hết sức là rõ rệt. Nó là một khí giới vô-cùng lợi hại để giúp người chiến-thắng. Bởi đó, người sống trong xã-hội đều phải cố-gắng để chinh-phục dư-luận về mình.
3.- Thái độ của xã hội đối với sức mạnh
Trong lịch-sử tranh-đấu của loài người từ ngàn xưa đến giờ, sức mạnh bao giờ cũng là yếu-tố chánh, mang sự thắng-lợi đến cho người. Do đó, mặc dầu trên thế-giới, có rất nhiều người lên tiếng phản-đối cường-quyền và bạo-lực – tức là phản-đối sức mạnh – thật-sự, xã-hội không phản-đối sức mạnh. Ngay đến những người chủ-trương đả-đảo cường-quyền và bạo-lực cũng chỉ phản-kháng sức mạnh nói một cách trừu-tượng mà thôi. Về phương-diện thực-hành, người ta đã vô-tình hay cố ý, hưởng-ứng theo sức mạnh.
Tất cả mọi người đều thán-phục sức mạnh một cách ý-thức hay vô ý-thức, và lấy nó làm tiêu-chuẩn cho mọi phán-đoán của mình. Những kẻ yếu luôn luôn sẵn sàng chạy theo người mạnh, người mà họ cho là đủ sức bảo-vệ họ, mang đến cho họ những mối lợi họ mong ước, hay đủ sức trừng-trị họ. Trong giới nào cũng vậy, người ta thường hay tuân-lịnh những kẻ nhảy ra gánh vác lấy việc khó khăn thế cho mình.
Một bằng cớ chắc chắn chỉ tỏ rằng người công-nhận sức mạnh là lòng tín-phục những kẻ thành-công. Ở bất cứ xã-hội nào, người ta cũng đều theo chủ-trương «được là vua, thua là giặc». Quần-chúng thường tự-nhiên kính-trọng những kẻ chiến thắng, dầu họ là quân-nhơn, là bác-học, là nghệ-sĩ, là nhà thể-thao hay là nhà chánh-khách cũng vậy.
Phần lớn dân-chúng đều kính nể những nhà chức-trách thi-hành được trọn vẹn quyền-hành khiển- chế xã-hội. Người ta chỉ phản-đối chánh-phủ khi chánh-phủ tỏ ra bất-lực. Và những kẻ phản-đối chánh-phủ cũng chỉ phản-đối với lòng tin rằng mình sẽ gây được một sức mạnh khả-dĩ đánh đổ chánh-phủ sau này.
Lòng tôn thờ sức mạnh cũng hiển-hiện trong óc thích được làm quan của hầu hết mọi người. Những sắc-phục, cấp-hiệu của sĩ-quan, những lễ-phục của những công-chức, có một sức hấp-dẫn rất lớn đối với đám đông. Tiền-tài vốn là một phương-tiện để được gần những người có oai thế nên lần lần cũng được người trọng-vọng. Những người giàu có, nếu không được người ta ưa thích, cũng được họ kiêng nể hay sợ hãi.
Trong những hội-nghị quốc-tế, những dân-tộc hùng-cường bao giờ cũng có thế-lực hơn và được kính nể hơn những dân-tộc nhược-tiểu. Ảnh-hưởng của một dân-tộc đối với các dân-tộc khác do nơi sức mạnh của dân-tộc ấy rất nhiều. Thuở xưa, dân-tộc Trung-Hoa hùng-cường nhứt Á-Châu và dân-tộc Việt-nam cũng như các dân-tộc Viễn-Đông khác, hết sức tôn-trọng nền văn-hóa Trung-Hoa. Nhưng đến thế-kỷ thứ 20, khi các cường-quốc Âu Mỹ tràn vào Á-Châu và tỏ ra hùng-cường hơn Trung-Hoa rất nhiều, nền văn-hóa Trung Hoa đã bị xem thường và tiếng « ba tàu » trong ngôn-ngữ Việt-nam lại hàm ý-nghĩa chế giễu và khinh bỉ.
Vậy, xã-hội thường tôn-trọng những kẻ thành-công. Mà như ta đã thấy, sự thành-công do nơi sức mạnh mà ra. Và hoan-hô kẻ chiến thắng, tức là chấp-nhận tôn thờ sức mạnh.
Điều mà người ta phản-đối, chính là việc dùng sức mạnh thể-chất một cách cục mịch và không phương-pháp, không theo một đường lối, một kỷ-luật nào. Trái lại, một sức mạnh khôn ngoan, áp-dụng một cách đồng đều và có qui-củ, luôn luôn được người tán-thành. Bởi đó, thật-sự, xã-hội không phải chọi lại sức mạnh, mà chỉ muốn qui-định cách dùng sức mạnh như thế nào cho nó có một hiệu-lực tối-đa.
Những người dùng mưu mẹo gian-hùng, sở-dĩ bị người ta thóa-mạ là vì họ không dựa vào sức mạnh thể-chất hay tinh-thần thật-sự của họ, họ chỉ lợi-dụng trong một thời-gian những sức mạnh ở bên ngoài họ. Thêm nữa, việc họ bị thóa-mạ chỉ tỏ rằng họ đã bị thất-bại một phần nào trong sự hoạt-động của họ, hoặc vì mưu mẹo họ không đủ khéo léo để che giấu dụng-ý sâu sắc của họ, hoặc vì những lực-lượng họ huy-động chưa đủ sức để chế-ngự hẳn những lực-lượng đối-lập.
Một số nhơn-vật lịch-sử đã từng thành-công rực rỡ, nhưng về sau, lại bị hậu-thế nhiệt-liệt bài-xích. Tần Thủy-hoàng, Thành-cát-tư-hãn, Hitler đã bị nhơn-loại thán-oán vô-cùng. Điều này có vẻ nghịch lại luật thắng-thế của sức mạnh. Kỳ thật, nó chỉ đặt vấn-đề thành-công trong một phạm-vi rộng lớn hơn mà thôi. Những nhơn-vật kể trên này quả thật có thành-công lúc sanh-thời, nhưng sự thành-công của họ chỉ thâu vào một thời-gian ngắn. Sự thắng-lợi do sức mạnh đem đến cho họ chưa hủy-diệt được hết các đối-thủ của họ, và không uốn nắn được quần-chúng theo khuôn khổ tư-tưởng của họ.
Những sĩ-phu Trung-Hoa sống sót sau những cuộc «phần thơ khanh nho» đã huy-động được quần-chúng Trung-Hoa lật đổ nhà Tần. Thành-cát-tư-hãn và hậu-duệ ông chỉ xây dựng một triều-đại ngắn ngủi ở Trung-Hoa, và dân-chúng ông về sau lại bị người Trung Hoa chinh-phục về mặt văn-hóa và tinh-thần, Hitler đã bị thóa-mạ vì nước Đức đã thảm-bại trong trận thế-giới đại-chiến vừa qua.
Trong lịch-sử của nhơn-loại, những người đã hoàn-toàn thắng đối-phương, dầu có tàn-nhẫn, cũng không hề bị chỉ-trích. Các lãnh-tụ Hán-tộc đã tiêu-diệt Miêu-tộc vẫn được tôn-kính: Huỳnh-đế được xem là một vị thánh-nhơn trong khi Xuy-vưu bị cho là tướng giặc. Nếu trong lịch-sử Việt-nam Ngô Quyền không thành-công trong việc giải-phóng dân-tộc và những triều-đại tiếp theo ông không giữ được nền độc-lập, dân-tộc ta hẳn đã bị Hán-tộc đồng-hóa và người ta đã chấp-nhận quan-niệm của Lê Tắc theo đó, Mã Viện và các tướng Trung-Hoa sang chinh-phục nước ta là những bực anh-hùng, trong lúc bà Trưng, bà Triệu và những người hiện được chúng ta sùng-bái vì công-nghiệp cứu-quốc của họ bị xem như là tội-nhơn.
Giả-sử, ngày mai, các lãnh-tụ cộng-sản chinh-phục được thế-giới, chế-ngự được cả hoàn-cầu, đào-luyện được mọi người theo khuôn khổ họ, và bộ máy cai-trị họ dựng lên không đến nỗi tan vỡ vì sự cạnh-tranh của họ, nhơn loại sau này sẽ nâng những con người tàn-nhẫn vô-nhơn-đạo của thế-giới đỏ ấy lên mực thánh-thần y như dân-chúng Nga đang làm hiện giờ, cho đến khi nào chế-độ cộng-sản bị đánh đổ.
4.- Luật pháp và sức mạnh
Sức mạnh là điều-kiện thắng-lợi trong sự tranh-đấu sinh-tồn của người. Mặc dầu nhiều người đã nhơn-danh đạo-đức mà phản-kháng cường-quyền, hầu hết mọi người đã vô-tình hay cố-ý thán-phục kẻ mạnh, tức là kẻ thắng-lợi. Do đó, sức mạnh đóng một vai tuồng rất quan-trọng trong đời sống xã-hội của người; hơn nữa, ta có thể bảo rằng nó là nền tảng của xã-hội.
Xét lịch-sử thế-giới và quan-sát đới sống của các xã-hội loài người hiện-tại, ta có thể nhận thấy rằng các quốc-gia chỉ thực-hiện và duy-trì được nhờ võ-lực. Hai yếu-tố quan-trọng tất-yếu để định-nghĩa một quốc-gia là chánh-quyền và chủ-quyền. Cả hai đều hàm-ý rằng quốc-gia có những khả-năng rất lớn, một mặt để chế-ngự nhơn-dân, một mặt để đối-phó với các quốc-gia khác. Quốc-gia nhỏ nào không đủ sức mạnh thì có thể bị ngoại-quốc uy-hiếp và mất cả chủ-quyền, tức là bị diệt. Không như thế, dân-chúng có thể lật đổ chánh-quyền để tạo nên một chánh-quyền khác, và quốc-gia phải bị biến-cải đi. Vậy, chánh-quyền và chủ-quyền của quốc-gia vẫn lấy sức mạnh làm nền tảng, và những chế-độ xã-hội đều phải dựa vào sức mạnh của quốc-gia.
Ngay đến những ý-niệm luật-pháp và công-lý mà người ta nêu ra để đối chọi lại nguyên-tắc sức mạnh, thật ra, cũng phải nhờ sức mạnh mới có hiệu-quả. Người Pháp đã có câu nói «Không có những người hiến binh, những vị thẩm-phán chỉ là những anh chàng mơ mộng mà thôi».
Xét nguồn gốc luật-pháp, ta lại càng thấy rõ yếu-tố sức mạnh bên trong. Thời-kỳ tiền xã-hội, con người sống hoàn-toàn theo ý mình và giải-quyết mọi xung-đột với kẻ khác theo sức mạnh riêng của mình. Sự giết hại nhau là một việc tự-nhiên, và cuộc tranh-đấu sinh-tồn hết sức là rùng rợn. Điều này có hại nhiều, không những cho cá-nhơn, mà còn cho chủng-loại nữa. Cá-nhơn có thể bị giết hại bất cứ lúc nào, và chủng-loại bị suy yếu nhiều vì cuộc tương-tàn giữa người đồng-loại.
Khi người họp nhau lại sống chung nhau, những bản-năng xã-hội lần lần nảy nở. Một mặt khác, những nhóm người còn giữ những tập-quán của đời sống cô-độc ngày xưa, và giết hại nhau hằng ngày bên trong đoàn-thể, tất-nhiên phải yếu sức, và bị các nhóm người có một tổ-chức nội-bộ vững chắc hơn tiêu-diệt đi. Do sự đào-thải đó, bản-năng xã-hội của những người sống sót càng ngày càng mạnh lên. Sau cùng, những bản-năng xã-hội này hợp với bản-năng tự-vệ của cá-nhơn để đưa đến ý-niệm công-lý và luật-pháp.
Công-lý và luật-pháp theo nguyên-lý thì ngược lại xu-hướng của người muốn tự mình dùng sức mạnh đối-phó với đồng-loại khi có sự xích mích. Tuy thế, nó không phải bỏ ý-niệm sức mạnh. Nó chỉ hợp-thức-hóa sự dùng sức mạnh. Nó lấy quyền sử-dụng sức mạnh của cá-nhơn giao cho đoàn-thể. Mà người cầm đầu đoàn-thể trong thời-kỳ mù mịt của buổi xã-hội mới lập thành là con người mạnh, đủ sức chế-ngự những con người khác để giữ oai-quyền mình.
Xã-hội về sau mở mang tiến-bộ thêm; cách tuyển chọn người cầm đầu các đoàn-thể loài người có thay đổi. Nhưng chung-qui, nguyên tắc oai-quyền tuyệt-đối của quốc-gia vẫn giữ mãi cho đến bây giờ. Công việc làm luật-pháp và xử kiện có thể giao cho một cơ-quan đặc-biệt khác với cơ-quan hành-pháp, nhưng dầu sao, người ta cũng phải nhờ có cơ-quan hành-pháp mới thi-hành được luật-pháp. Vậy, chỉ có thủ-tục là thay đổi, còn nộI-dung vấn-đề vẫn còn nguyên vẹn, không biến-chuyển chút nào.
Với ý-niệm công-lý và luât pháp, việc dùng sức mạnh để giải-quyết mọi xung-đột giữa cá-nhơn được dành cho xã-hội. Ta đã thấy rằng, sự thật, thì cũng chỉ có những kẻ mạnh mới nắm được quyền-chánh mà điển-chế và thi-hành luật-pháp. Trong những vụ kiện-tụng, những kẻ mạnh này nhờ sự trung-gian của các nhơn-viên tư-pháp mà quyết-định phần thắng-lợi cho những người tranh-chấp nhau. Do đó, sức mạnh được dùng của những kẻ đưa nhau ra trước tụng-đình có một tánh-cách xã-hội rõ rệt hơn. Nó không phải dựa vào thể-chất, trí khôn ngoan hay đức-tánh của họ mà dựa vào qui-chế do quốc-gia tạo ra. Tuy nhiên, thế-lực của tiền-tài, danh-vọng và sự khôn ngoan trong việc theo thủ-tục pháp-lý cùng việc trả lời cho những câu hỏi của tòa-án cũng có đóng một vai tuồng khá quan-trọng.
Thêm nữa, thật-sự thì luật-pháp đặt ra để hợp-thức-hóa những oai-quyền của kẻ mạnh. Những người nắm được quyền-chánh – tức là những kẻ mạnh nhứt trong xã-hội – tất-nhiên phải điển-chế những luật-lệ trong xã-hội như thế nào cho quyền-lợi của chính họ, của gia-đình thân-thuộc họ, và của hạng người ủng-hộ họ được bảo-vệ một cách đắc-lực nhứt. Ngay đến những nhóm người chủ-trương xây dựng một xã-hội cộng-sản không giai-cấp cũng không thoát khỏi công-lệ trên này.
Quyền-lợi những hạng người cầm-quyền-chánh có thể thay đổi. Do đó, luật-pháp có thể thay đổi theo dân-tộc, theo thời-đại.
Sau những sự thay đổi luật-pháp, nhiều khi sự thay đổi những mối tương-quan lực-lượng giữa các hạng người trong nước hiện ra một cách rõ ràng. Trước kia, sự lập hội và đình-công phá sở của thợ thuyền là một trọng-tội, bị trừng-phạt năng nề. Đến khi hàng-ngũ thợ thuyền đông đảo, họ họp nhau thành những chánh-đảng cách-mạng tranh-đấu đẻ đòi quyền lập hội, các chánh-phủ dân-chủ lần lần công-nhận cho người vô-sản có quyền lập nghiệp-đoàn và đình-công để bảo-vệ quyền-lợi họ. Ở nhiều nước dân chủ tự-do, thợ thuyền đã đi quá mức ấy, và những cuộc đình-công của họ nhiều khi có tánh-cách vận-động chánh-trị hơn là tánh-cách binh vực quyền-lợi nghề-nghiệp. Nhưng sau đó, ở nước Đức Quốc-xã, nước Ý Phát-xít cũng như ở những nước mà đảng Cộng-sản Đệ Tam nắm được chánh-quyền, thợ thuyền lại bị khép vào một kỷ-luật khắc-nghiệt. Các nghiệp-đoàn vẫn tồn-tại, nhưng quyền đình- công lại bị hủy-diệt đi và chung-qui, những tổ-chức thợ thuyền chỉ được dùng để phụng-sự chánh-phủ.
Về phương-diện quốc-tế, các luật-pháp cũng đặt nền tảng trên sức mạnh quốc-gia. Những hiệp-ước ký-kết chỉ dựa vào sự tương-quan lực-lượng giữa các nước, và những tổ-chức quốc-tế lấy làm lý-tưởng việc phụng-sự nhơn-loại, phụng-sự hòa-bình trong công-lý, cũng vẫn long-trọng nhìn nhận các hiệp- ước bất-bình-đẳng do các nước đế-quốc dùng võ-lực mà bắt các dân-tộc nhược-tiểu ký-kết với mình. Hội Quốc-liên trước kia, và Liên-hiệp-quốc hiện thời đều ở vào tình-trạng đó. Vì thế, các dân-tộc nhược-tiểu, nếu có đem vấn-đề nước mình ra trước hội-nghị quốc-tế, cũng chỉ để lợi-dụng sự xung-đột quyền-lợi giữa các cường-quốc mà đem sự thắng-lợi về cho mình. Chớ không thể tin tưởng nơi tinh-thần công-lý của các tổ-chức quốc-tế.
Năm mới đọc lại thơ xuân cũ
Nguyễn Ngọc Chính
Nói đến thơ ngày Tết là phải nhắc đến Tú Xương. Cuộc sống của Ông Tú Vị Xuyên về vật chất rất thiếu thốn, ông luôn ở trong cảnh túng bấn, vất vả khiến cho lời thơ của ông lúc nào cũng mang chút gì đó cay cú, phẫn nộ, buồn phiền…
Tết đến với Trần Tế Xương vẫn đầy đủ như mọi nhà nhưng chỉ hiện hữu qua những vần thơ trào phúng, chẳng hạn như bài Cảm Tết. Xem ra nhà ông có đủ các thứ ăn chơi trong ba ngày Tết nhưng rốt cuộc… lại chẳng có gì:
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo,
Tiền của trong kho chửa lĩnh tiêu,
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh đường sắp gói, e nồm chảy;
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu.
Thôi thế thì thôi, đành Tết khác.
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.
Trần Tế Xương đã lớn tiếng nhạo báng cả một xã hội đương thời với những lời Chúc Tết sáo mòn như “sống lâu trăm tuổi”, “giàu sang phú quý”… Nhà thơ mỉa mai gọi những người xung quanh là “nó”, một loại từ ngữ mang đầy tính cách miệt thị. Tú Xương lại còn lớn lối xưng “ông” một cách ngạo mạn để nói lên tâm sự ngao ngán của kẻ “bất đắc chí”:
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:
Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu?
Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc
Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:
Đứa thì mua tước; đứa mua quan.
Phen này ông quyết đi buôn lọng,
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Nó lại mừng nhau sự lắm con,
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
Phố phường chật hẹp người đông đúc,
Bồng bế nhau lên nó ở non.
Đối với Ông Tú Vị Xuyên, năm mới hay năm cũ chỉ là hình thức ước lệ, hay nói khác đi là điều mà thiên hạ bày đặt để phô trương giàu sang phú quý, khăn áo lụa là… thậm chí đến nỗi Sư đi có lọng che và chú Mán vắt vẻo ngồi trên xe! Thế cho nên mới có bài thơ Năm Mới:
Khéo bảo nhau rằng: mới với me
Bảo nhau rằng cũ chẳng ai nghe
Khăn là bác nọ to tày rế
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.
Công đức tu hành Sư có lọng
Xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe
Phong lưu rất mực ba ngày tết
Kiết cú như ta cũng rượu chè.
Khác hẳn với Tú Xương với giọng điệu trào phúng chua chát, thơ Hàn Mặc Tử được Hoài Thanh mệnh danh là “…Một nguồn thơ rào rạt và lạ lùng…” và “Vườn thơ Hàn rộng không bờ không bến càng đi xa càng ớn lạnh…”. Trong bài Xuân Đầu Tiên nhà thơ đưa người đọc đến một cảnh sắc xuân mới lạ với những tứ thơ bay bổng thoát trần:
Mai sáng mai, trời cao rộng quá
Gió căng hơi và nhạc lên mây
Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm
Chỉ có ao xuân trắng trẻo thay.
Bài thơ Mùa Xuân Chín là cả một bức tranh quê mộc mạc với mái tranh “lấm tấm vàng” và trên giàn thiên lý có “bóng xuân sang”. Hàn Mạc Tử đưa người thưởng thức thơ của ông trở về thực tế qua hai câu cuối thật bất ngờ:
Trong làn nắng ửng: khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng.
Sột soạt gió trêu tà áo biếc,
Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.
Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời.
Bao cô thôn nữ hát trên đồi.
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi.
Theo tôi, Nguyễn Bính có những bài thơ xuân, thơ Tết tuyệt vời nhất. Thơ Nguyễn Bính đến với người đọc thật bình dị nhưng đằm thắm. Ngôn ngữ bình dân trong thơ ông đi thẳng vào trong tim óc người đọc một cách tự nhiên, không màu mè, bí hiểm như nhiều nhà thơ khác. Chẳng hạn như bài Xuân tha hương, ông sử dụng ngôn ngữ nói chuyện nhưng vẫn thành thơ:
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Ôi, chị một em, em một chị
Trời làm xa cách mấy con sông
…
Cột nhà hàng xóm lên câu đối
Em đọc tương tư giữa giấy hồng
Gạo nếp nơi đây sao trắng quá
Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông
Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết
Một mình em vẫn cứ tay không
Vườn nhà Tết đến hoa còn nở
Chị gửi cho em một cánh hồng
…
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Tết này, ô thế mà vui chán
Nhưng một mình em uống rượu nồng.
…
Chị ơi, Tết đến em mua rượu
Em uống cho say đến não lòng
Uống say cười vỡ ba gian gác
Ném cái chung tình xuống đáy sông.
Tình chị em máu mủ ruột thịt khiến người đọc rung cảm và Xuân tha hương kết thúc bằng những lời chúc Tết mộc mạc nhưng thắm đượm tình cảm của người em ở xa gửi hết thương yêu cho người chị ở nhà…
Tết này chưa chắc em về được
Em gửi về đây một tấm lòng
Cầu mong cho chị vui như Tết
Tóc chị bền xanh, má chị hồng
Trong mùa nắng mới sầu không đến
Giữa hội hoa tươi ấm lại lòng
Chắc chị đời nào quên nhắc nhở:
– Xa nhà, rượu uống có say không?
… Nguyễn Bính đã vẽ cảnh Tết “nhà quê” bằng những lời thơ mộc mạc nhưng chứa chan hạnh phúc của người mẹ bên đàn con với những món quà Tết như “pháo chuột”, “tranh gà”:
Nay là hăm tám Tết rồi đây
(Tháng thiếu cho nên hụt một ngày)
Sắm sửa đồ lề về việc Tết
Mẹ tôi đi chợ buổi hôm nay.
Không như mọi bận người mua quà
Chỉ mua pháo chuột và tranh gà
Cho các em tôi đứa mỗi chiếc
Dán lên khắp cột, đốt inh nhà.
Đến sáng mồng một Tết các con mỗi đứa được mừng tuổi “năm xu rưỡi”. Nhưng tại sao lại “năm xu rưỡi” mà không phải là 5 xu hay 6 xu? Ý của mẹ là “cái rưỡi” nói lên sự thừa thãi, dồi dào sẽ đem lại may mắn cho các con. Nguyễn Bính quả thật là ý nhị:
Sáng nay mồng một sớm tinh sương
Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường
Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi
Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương
Về tình yêu, những dòng lục bát của Nguyễn Bính có sức lan tỏa mãnh liệt trong lòng người đọc qua bài Rượu xuân, vừa vui lại vừa buồn. Thơ lục bát vốn là thế mạnh của Nguyễn Bính với lối gieo vần chân phương, kỹ thuật láy chữ tuyệt vời nhưng vẫn không phá cách:
Cao tay nâng chén rượu hồng,
Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay.
Uống đi! Em uống cho say!
Để trong mơ, sống những ngày xuân qua.
Thấy tình duyên của đôi ta,
Đến đây là… đến đây là… là thôi!
Em đi dệt mộng cùng người,
Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh.
Không như Nguyễn Bính “chân quê” từ lời đến ý, Xuân Diệu lại khác hẳn: lời thơ của ông “màu mè” và có đôi chút “làm dáng”, ý thơ của ông cũng mang nhiều bất ngờ, khó đoán trước. Chẳng hạn như bài Xuân Không Mùa:
Xuân không chỉ ở mùa xuân ba tháng;
Xuân là khi nắng rạng đến tình cờ,
Chim trên cành há mỏ hót ra thơ;
Xuân là lúc gió về không định trước.
… Nói về thơ xuân không thể nào bỏ qua bài Ông Đồ của Nguyễn Đình Liên. Bài thơ Ông Đồ được giới phê bình văn học xem là một trong mười bài thơ tiêu biểu cho phong trào Thơ Mới nhưng Nguyễn Đình Liên lại chưa hề xuất bản một tập thơ nào.
Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh khi đang viết cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên viết “Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa”. Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên đã hạ mình quá đáng.
Vũ Đình Liên là một trường hợp hiếm hoi trong làng thơ khiến nhiều người gọi ông là “nhà thơ một bài” dù con ông còn giữ được khoảng 4.000 bài thơ ông viết. Chỉ cần một bài Ông Đồ cũng khiến người ta nhớ mãi:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.
Nhưng mỗi năm mỗi vắng.
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy:
Ngoài trời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở,
Không thấy ông đồ xưa.
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Trong dịp khai bút đầu xuân Nhâm Tuất 1982, Vũ Đình Liên có viết bàiBóng Ông Đồ, như là muốn họa lại bài thơ cũ Ông Đồ:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bút nghiên và giấy đỏ
Ngồi đúng chỗ ngồi xưa.
Ôi ! Cái nghiệp nghiên bút
Tô điểm cho cuộc đời
Người chết nghiệp không chết
Nợ tiền kiếp luân hồi.
Trải trăm ngàn dâu bể
Giấy mực màu không thay
Chữ Nhân và chữ Nghĩa
Vẫn những nét thẳng ngay.
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Khăn áo bạc màu dưa
Nhắc cho người qua thấy
Lẽ Nhân đạo, Thiên cơ.
Cách Mạng là nhân nghĩa
Ông Đồ là thi thư
Chữ tuôn dòng Thiện Mỹ
Từ ngón tay ông Đồ.
Bài thơ Ông Đồ vẫn có sức lan tỏa đến tận thời đại ngày nay. Một “thi sĩ bất đắc dĩ” nào đó cũng mượn ý của Nguyễn Đình Liên để nói lên tính thời sự của xã hội hiện tại khi vật giá leo thang chẳng khác nào thời “kiệm ước” trước năm 1975:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông chủ nhà
Miệng tươi cười hớn hở
“Tăng giá rồi đó nha!”
Nói đến ông đồ khiến tôi liên tưởng đến một phong tục đẹp trong văn hóa Việt Nam với những câu đối Tết chẳng hạn như:
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ.
Cây Nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Một ký giả người Pháp đã viết trên Tuần báo Đông Dương năm 1942 về truyền thống văn hóa này: “… Những ông đồ nghèo đã thuê mướn từ 10 ngày trước tết, một dãy vỉa hè hay mặt tiền của một căn nhà, một góc phố – viết trên những tờ giấy màu đỏ những nét chữ vàng hay bạc… để nhận lấy một số tiền nhỏ nhoi…
Cái tác dụng thần bí ấy đã thúc đẩy người ta phải chi phí một số tiền để mua sắm, trang hoàng ở cửa, ở cột, ở sàn nhà… hoặc trên tường, trên vách… những loại xuân liễn, những câu đối. Mặc dù nền nho học đã cáo chung, nhưng những thầy đồ vẫn xuất hiện trong lớp áo xơ bông, ngồi run lập cập trên manh chiếu để nắn nót những con chữ Nho cuối cùng và câm lặng ấy”.
Nguyễn Công Trứ có câu đối Tết:
“Tối ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc vào nhà”
Trong số hàng trăm câu đối Tết, tôi thích nhất câu này:
“Không có nhưng giàu, giàu nghĩa, giàu tình, giàu trí tuệ
Không giàu nhưng có, có làng, có xóm, có anh em“.
Ông đồ ngồi viết câu đối Tết
Thơ xuân ngày Tết còn nhiều, rất nhiều. Đề tài này gợi hứng cho giới làm thơ, từ các thi sĩ thời tiền chiến như Hồ Dzếnh (Xuân Ở Quê Em, Xuân Đôi Ta, Xuân Ý…), Huy Cận (Sang Xuân…) cho đến các nhà thơ Sài Gòn xưa như Đinh Hùng (Thanh Sắc), Nguyên Sa (Mùa Xuân Buồn Lắm Em Ơi), Kim Tuấn (Anh Cho Em Mùa Xuân), Nguyễn Tất Nhiên (Mùa Xuân Chim Núi), Bùi Chí Vinh (Bài Thơ Lì Xì)…
(Hồi ức một đời người)
Ngày Xuân Nâng Chén Để Quên Đời
Mường Giang
Bình Định trước đây là đất vua, nơi có thành Đồ Bàn từng là đế kinh của vương quốc Chiêm Thành, kéo dài từ thế kỷ thứ X-XV (sau tây lich) mới chấm dứt. Thành này lại được Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc vào năm 1776 cho mở rộng để xây hoàng cung. Đặc biệt ở ngoại ô có một chợ rượu rất vui vẽ tấp nập, nhờ nằm trên một địa thế thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông, nên mọi người có thể tới đây bằng ngựa xe hay ghe thuyền. Theo các tài liệu còn lưu trữ cho biết chợ rượu thời đó thuộc tổng Háo Đức Thượng, nay là xã Nhơn An, huyện An Nhơn, được xem như là chốn phồ hoa đô hội vào thời đó.
Ngoài kinh thành Đồ Bàn, đây cũng là nơi tụ tập ăn chơi hưởng thụ của giới quan quyền và thượng lưu sang giàu khắp vùng. Vì vậy đã tập trung gần như tất cả các giai nhân tài tử tứ phương cùng với nhiều loại danh tửu trong thiên ha, từ rượu nếp hương, nếp lưu niên, cơm nếp Phú Đa, Háo Lễ tới rượu gạo tăm Cảnh Hàng, An Tây, Chánh Mẫn, rượu nho tươi Kim Châu và đệ nhất đế Bàu Đá tới nay tiếng tăm vẫn còn nguyên vẹn. Sỡ dĩ đế Bàu Đá ngon và nổi tiếng khắp Bình Định, vì xóm Bàu Đá xưa có một cái bàu nước ngọt trong và xanh vắt được đem về nấu rượu bằng nồi đất và ống dẫn được làm bằng tre. Rượu chẳng những dùng để uống mà còn được ngâm với thuốc bắc để các nam nữ vỏ sĩ thoa bóp hay uống trong lúc luyện võ. Ai đã từng uống được thứ rượu ngon này mới cảm nhận hết cái mùi vị vừa thơm vừa nhẹ, nên chỉ vài chén đã thấy tâm hồn sảng khoái, nồng nàn thú vị, nên dẫu có say cũng không lâu hay bị nhức đầu.
Ngoài rượu của miền xuôi, tại đây còn bày bán các thứ rượu cần của người Chàm và Bahnar ở vùng Tây Sơn thượng đạo (Bình Khê, An Túc ngày nay), được chở tới với trầu nguồn, măng le… bằng các thuyền buôn xuôi ngược trên sông Côn. Rượu bày bán khắp các hàng quán có dâng đèn kết hoa rực rỡ và được chứa trong các chai lọ, bình ché độc đáo. Tất cả đều là loại đồ cổ quý giá lâu đời, làm bằng sứ men xanh hay đồng, thau, bạc, thủy tinh, đất nung cho tới da lươn, vỏ bầu nậm, bong bóng lợn. Bên cạnh còn có những cốc, chén, ly hay tô lớn đủ màu đủ kiểu có chân hay không, được đặt trên những đài, kỷ và khay làm bằng gỗ được chạm trổ, để các người hầu rượu hay đào nương kỷ nữ dâng rượu ngang mày cho khách.
Thường chợ rượu họp năm ngày một tuần nhưng đông vui nhất vẫn là phiên cuối tháng với khách kinh thành đổ về mua vui trong các quán rượu do người đẹp làm chủ. Nhưng rồi thành cũ lâu đài bóng tịch dương, tất cả cũng tan biến theo thời cuộc và nổi thăng trầm khi Nguyễn Nhạc chết năm 1793 mang theo sự sụp đổ của Hoàng đế thành.
Quê người những ngày xa xứ, ngồi trong quán lẽ bên đường lặng lẽ nhìn cuộc đổi thay nhanh chóng của thời gian, để rồi ngậm ngùi trước cảnh đổi đời phế hưng với người xưa cảnh cũ đâu còn. Thuở còn làm lính trận, những ngày sắp xuân có dịp dừng quân trên các thôn làng sông nước Hậu Giang, là dịp thưởng thức mùi hương lúa mới, các món ngon vật lạ của ruộng đồng, trong đó có đờn ca và nhắm nháp một thứ mỹ tữu: “Rượu đế nổi tiếng Gò Đen”, những thứ ở Phan Thiết quê tôi không có. Rượu đế ở đây trong veo và cháy nồng như một ngọn lửa bốc cao, hòa điệu cùng với lời ca tay đờn ngẩu hứng lồng lộng khi hơi men chếch choáng, cứ thế cổ bàn rộn theo những bản vọng cổ, xàng xê, nam xuân, văn thiên tường, phượng cầu, bản lớn bản nhỏ xen lẫn những bản tân cổ giao duyên, mượn ý nhạc của Trịnh Lâm Ngân như Xuân này con không về, thư xuân trên rừng cao, mùa xuân của mẹ… khiến cho lính trận cũng phải khóc ngất theo những cung bậc nĩ non hờn oán của tiếng lục huyền cầm, vì đêm xuân xa nhà, nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ em.
Nay thì vèo xa tất cả, ở một chốn rầt là buồn, trong giờ khắc giao thừa, giữa lúc nhà nhà cài then khóa cổng để xum vầy năm mới, thì người lữ khách tị nạn cũng “ rũ áo phong sương “ lặng nhìn thiên hạ rồi hướng về cố quốc, để thấy mình lạc lỏng trơ trọi. Rốt cục cũng chỉ mình ta nâng chén để mừng ta thêm một tết buồn. Hởi ôi:
“Trăm năm sông núi cũng mòn,
nghìn năm bia rượu, vẫn còn như xưa.”
1 – Đi tìm dáng rượu trong dòng lịch sử nhân loại
Mổi khi xuân về, người ta thường làm thơ viết đối với những lời chúc tụng tốt đẹp và nồng nàn nhất để dành cho nhau trước những ngày đầu năm mới. Ngoài ra chuyện ăn uống ngày tết cũng là một biến chuyển quan trọng, so với cuộc sống thường nhật vì nhà nhà đều ăn nhiều, ăn ngon như là một ước nguyện mong mõi được sung túc quanh năm. Cái vui của ngày tết, là trong lúc phụ nữ bận rộn lo chuyện ăn mặc, gạo cơm thì các chàng hầu như chỉ biết tới bia rượu để cùng bạn bè vui vầy say xỉn.
Ngày xưa rượu tượng trưng cho quyền lực, do đó chỉ có vua chúa mới tha hồ thưởng thức các loại mỹ tửu và theo sử liệu, thì đây là nguyên cớ chính khiến cho các hoàng đế Trung Hoa cũng như các nước trên thế giới bị giảm thọ. Người quân tử dùng rượu trong việc lễ “vô tửu bất thành lễ”, cho nên rượu trước hết là một phạm trù văn hóa trong sinh hoạt của mọi dân tộc, nhất là VN. Ngày tết mà thiếu rượu là thiếu đi một phần đáng kể trong ngẩu hứng của con người, cho nên ngay cả các bà vợ khó tánh, ghét nhậu.. cũng ráng sửa lại cái dáng “ mặt lớn, mặt nhỏ” chỉ làm xui cho cả năm, để sẳn đầy ắp rượu ngon mồi quý, cho chồng và bạn vui xuân.
Tới nay các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc thời điểm xuất hiện đầu tiên của rượu. Căn cứ vào sử liệu Trung Hoa, thì ngay thời huyền sử Tam Hoàng, Ngủ Đế đã xuất hiện ruợu, trong đó có nói tới chuyện Đổ Khương tình cờ đem nếp ngâm làm mạ để gieo trồng nhưng sơ ý khiến nếp hỏng nhưng tiếc của không bỏ lại lấy số nếp hư đem nấu và phát hiện được một thứ nước màu hồng sậm, nồng mà ngon ngọt, về sau gọi là rượu.
Tuy nhiên đó cũng là huyền thoại, còn thực chất thì theo Chiến Quốc Sách ghi rõ, Nghi Địch là người đầu tiên sản xuất rượu, đồng thời với các vật dụng bằng sành như chum vại ly chén, dùng để đựng và uống rượu. Tại lưu vực sông Nil thuộc Ai Cập, qua các công trình khảo cổ cho thấy cách đây hơn 6000 năm, người xưa đã biết cách làm bia rượu. Tại Cố cung Bắc Kinh, có một viện bảo tàng, tập hợp hầu hết những tác phẩm văn hóa nghệ thuật trân quý của nhiều triều đại, trong đó có các thứ ly cốc chén dùng để uống rượu, làm bằng vàng, bạc, đồng, ngọc, thủy tinh, sừng tê giác, phần lớn là của các bậc đế vương, quan quyền, thượng lưu trí thức, có cái thực dụng, có cái làm chỉ để ngắm chơi.
Nhưng trong tất cả, chỉ có chiếc ly Kim âu vĩnh cố làm bằng vàng, khảm ngọc, chạm khắc hoa mỹ, được coi là độc đáo nhất về phương diện nghệ thuật và giá trị kim tiền. Theo sử liệu, chiếc ly này do Phủ nội vụ thực hiện theo lệnh vua Càn Long (1736-1796). Ly làm toàn bằng vàng y, cao 12,5 cm, đường kính miệng ly là 8cm chung quanh khảm toàn là trân châu, tay cầm là hai con rồng đứng, trên đầu đính ngọc quý, thân ly chạm hoa với 11 trân châu, 9 viên bảo thạch đỏ, 12 đá quý màu lam, vành miệng ly khắc hoa văn với chữ triện “ Kim âu vĩnh cố, mặt sau ghi chữ “ Càn Long niên chế”. Về ý nghĩa, chữ kim âu chỉ lãnh thổ toàn vẹn, còn ly kim âu thì đựng ngự tửu, song song với bút vạn niên thanh của nhà vua. Tất cả đều là dụng ý thầm kín của các hoàng đế, mong ước nhà Đại Thanh nhất thống Trung Hoa muôn nam. Ý trên còn để lộ ra một cách rõ ràng, khi thân ly được thiết kế trên hình ba con voi đứng và mỗi vòi voi cuốn lên làm thành một chân ly.
Tóm lại toàn bộ chiếc ly toát lên cái tính chất quý phái, sang trọng và vững chải theo thế chân vac, nên được nhà Đại Thanh coi là vật trấn quốc chi bảo. Theo sử liệu thì hằng năm vào ngày Nguyên Đán, giờ tý tức là khoảng 11 giờ tới 1 giờ khuya, vua cử hành nghi thức khai bút năm mới, tại Đông viên các trong Dưỡng tâm điện. Trên án thư đã bày ly “kim âu”, đuốc ngọc và bút vạn niên thanh. Vào thời điểm thiêng thiêng đó, ngự thị rót đồ tô tửu, thứ rượu ngừa bệnh dịch ôn, vào ly kim âu, rồi đốt nến và vua khai bút bằng mực đỏ hai chữ Cát Tường, cùng các câu Thiên hạ thái bình, Phúc Thọ trường xuân… ban cho hoàng gia, quần thân và thần dân.
Tại cao nguyên Trung Phần VN, trước năm 1975 ai có dịp sống tại đây, chắc cũng đôi lần thường thức món rượu Ché (rượu cần) của đồng bào Thượng dùng đãi bạn bè, khách quý và khi trong làng có cuộc vui. Theo từ điển Français-Jarai-Vietnamien của học giả PE.Lafont do E.F.E.O xuất bản năm 1968 tại Paris đã có kê khai 30 chiếc ché cực quý đựng rượu của người Thượng cao nguyên. Theo tác giả, đây không phải là loại ché tầm thường bày bán tại chợ, mà là những tác phẩm nghệ thuật, chẳng những có giá trị vật chất mà còn mang đầy tính huyền thoại. Theo đó ta thấy ché RAN DING DÔNG của Will ở làng Kon Robang, KonTun, theo huyền thoại do công chúa Bok Glai làm tặng hai anh hùng đã có công chống giặc ngoại xâm. Ché có giá trị bằng 10 con trâu, tuổi thọ 100 năm, cao 0,60m đựng rượu quý. CHÉ HOTOK HDANG của Kliu làng PleiBrell Pleiku, trị giá 20 con trâu, do người Sedang làm trên 1 thế kỷ.CHÉ HOTÔK RANGPIA vừa giữ nhà, khi có người lạ tới thì rượu báo động, ngoài ra trong ché tự chế biến đặc biệt chất rượu khi uống dù chỉ đựng một chất rượu. Tóm lại mỗi chiếc ché quý được đánh giá theo lý lịch, tên tuổi, các nhà giàu thời đó tranh nhau lấy tài sản để đổi cho được làm của gia bảo. Ngày nay qua cuộc đổi đời, ché chỉ còn coi như món đồ tầm thường, dù thực sự giá trị của nó có thể bằng cả thớt voi hay chiếc xe đò.
Xưa nay rượu với người như hình với bóng vì ngoài chức năng tiêu khiển, giải phá thành sầu, rượu còn được dùng trong công nghiệp, y học, các nghi thức tôn giáo, giao tế xã hội. Sau hết rượu là nguồn bất tận, gây cảm hứng cho văn nghệ sỹ, giúp họ sáng tác những tác phẩm bất hủ để đời, có thể kể như Lý Bạch, Đổ Phủ, Bạch Cư Dị, Cao bá Quát, Nguyễn công Trứ, Nguyễn Khuyến. Theo Chung Dung, Tôn văn Kỳ, Chu Quảng Ba… trong sách những toa thuốc cổ truyền danh tiếng của Trung Hoa, rượu chữa được bách bệnh, nên chữ Y (thuốc) trong Hán tự có chữ Tửu (rượu) đứng trước. Rượu giúp hành huyết, khai uất. Chính Hải Thượng Lãn Ông, đại danh y của VN cũng viết: ”rượu có chất ôn dùng để tải thuốc, uống có điều độ sẽ thông khí huyết. Uống rượu là một nghệ thuật sống mà không phải ai cũng đạt được, vì thế người Tàu đã phấn phối rành rẽ năm cách uống rượu: Độc ẩm, đối ẩm, cộng ẩm, quần ẩm và loạn ẩm. Sẵn tiền là sẵn rượu nhưng tìm được tri kỷ để đối ẩm không phải là chuyện dễ dàng.
“…Tửu vô kiềm tỏa năng lưu khách“ nên Nguyễn Khuyến đã viết: ”Rượu ngon không có bạn hiền, không mua không phải không tiền không mua”, còn Lý Bạch thì: ”Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch, duy hửu ẩm giả lưu kỳ danh” nhưng nồng nàn và đầy đủ ý nghĩa hơn hết vẫn là lời phán của văn hào Anh Fergus Hamilton Allen: ”Whisky là mặt trời chiếu sáng tình bạn, là mặt trăng soi sáng tình yêu..”
Cổ nhân cứ theo rượu mà trêu chọc người đời khắp nơi trên sách vở, làm cho thế nhân cứ ao ước được một lần, để nhắp thử loại rượu do Đổ Khang chế, đã làm cho Lưu Linh là người nổi tiếng uống rượu không bao giờ biết say vào thời đó, phải nằm yên dưới lòng đất để ngủ một giấc ba năm mới tỉnh lại.
Mãnh hổ nhất bôi sơn trung tuý
Giao long lưỡng trán hải đồ miên
Không say ba năm chẳng lấy tiền
2 – Các loại rượu:
Rượu có nhiều loại, nhiều hạng, thứ nào uống nhiều cũng say dù đó ngự tửu của vua chúa, hay Mai quế lộ, ngủ gia bì hoặc đế, nếp, rượu cần. Nói chung rượu phát từ hai nhóm chính là RƯỢU LÊN MEN cất từ nước ép của hoa quả như rượu vang, rượu cần… và RƯỢU CHƯNG CẤT (spirits) làm từ đường mía, tinh bột, ngủ cốc, củ cải… ngoài ra còn có thứ rượu mùi đặc biệt, được pha chế từ thứ rượu cồn Etalic với đường, acid Citricque, và các hợp chất màu.
+ Rượu ta:
Việt Nam có nhiều vùng cất rượu ngon nổi tiếng như là làng Vân (Bắc Ninh), Nguyên Xá (Thái Bình), Trương Xá (Hưng Yên), Nga Mi (Hà Tây), Quảng Xá (Thanh Hóa), Bắc Hà (Lào Kai), Kẻ Diên (Quảng Trị), Bàu Đá (Bình Định), Phụng Hiệp (Cần Thơ), Gò Đen, Long Thành, Củ Chi. Các dân tộc thiểu số vùng núi có rượu cần độc đáo.
Tất cả các loại trên đều được chưng cất theo phương pháp gia truyền, chứ không theo đúng các qui trình khoa học Âu Mỹ. Nhiều loại rượu đặc chế bằng gạo, dừa, nếp, đậu nành, đào, táo, lê, Rượu đế còn gọi là nước mắt quê hương, nấu bằng nếp, phát xuất từ thời Pháp thuộc, có nồng độ cao. Rượu quế chỉ dùng làm thuốc trị tì vị vì quế có nồng độ rất gắt và bán rất đắt giá. Rượu dừa chế bằng cách cấy men vào gốc dừa khi buồng dừa mới trổ và phải mất từ 6-8 tháng mới thành rượu dừa, sủi bọt nhưng ngon hơn bia. Theo khách sành điệu trong làng ve chén hiện nay, thì VN hiện có bốn loại rượu ngon nổi tiếng là rượu làng Văn xứ Bắc, Kim Long ở Quảng Trị, Bàu Đá Bình Định và đế Gò Đen Nam Phần.
Trong Đại Nam Nhất Thống Chí viết rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn hết. Thời Pháp thuộc, thực dân chiếm hết các lò nấu rượu trong tỉnh và lập công ty rượu Xi-Ca. Khi rượu ra lò đóng vào chai, thì được đem ngâm trong hồ nước lạnh một thời gian ấn định, rồi dùng thuyền nhỏ chở rượu theo sông Vĩnh Định về Huế, lên tàu lớn chở về Pháp và từ đó xuất cảng khắp thế giới.
Rượu rắn Phụng Hiệp được chế tạo tại thị trấn Phụng Hiệp còn gọi là Ngã Bảy, về phía nam tỉnh Phong Dinh, cách thành phố Cần Thơ chừng 30 km, từ xưa đã nổi tiếng về các đặc sản đồng ruộng như cá, tôm, ốc, ếch, cua, bìm bịp và nhiều nhất là rắn bày bán dọc theo quốc lộ 4 và các ngôi chợ nổi trên sông rạch. Rượu rắn Phụng Hiệp là thổ sản địa phương, phát triển từ năm 1960 tới nay vẫn còn hưng vượng. Hiện có 5 lò sản xuất nhưng qui mô hơn hết vẫn là lò Năm Rô. Rắn dùng để làm rượu, phải là rắn sống, đem về mổ bụng từ ức tới hạ môn, bỏ hết chỉ giữ lại mở và mật vì đây là hai vị thuốc. Làm theo ba cách như ngâm rắn tươi, rắn khô và bột rắn. Hiện Phụng Hiệp sản xuất ba loại rượu rắn là Tam xà (hổ mang, hổ lửa hay rắn ráo,m ai gầm hay cạp nong), Ngũ xà (gồm ba loại trên thêm hổ hành và hổ hèo), Thập Xà (gồm 5 loại rắn trên cộng thêm rắn lục, bông, ri voi, ri cá và bông súng). Rượu rắn có công dụng trị các chứng tê liệt, đau nhức, phong thấp, bồi bổ sức khoẻ, ăn uống chậm tiêu.
Vùng thượng du Bắc Việt có rượu cần tây bắc của người Thái, Mèo như rượu Lầu Xá tại Sơn La chế bằng nếp, trấu và men, uống say như bia, lại có mùi thơm nếp, làm mát ruột và tiêu hoá nhanh. Tại Lai Châu có rượu Lầu Sơ, loại rượu trắng nấu bằng khoai mì, theo phương pháp cất khô như rượu bắp của người Mèo ở Bắc Hà (Lào Kai). Ngoài ra còn có rượu Lầu Vang của người Nùng ở Mường Tế nấu bằng nếp và dùng chén để uống chứ không hút bằng cần.
Người Mèo Hoa ở Bản Phốợ trồng nhiều bắp (300 ha) hơn lúa (chỉ có 82 ha) vì bắp dùng để nấu rượu ngô vừa để uống và mang ra chợ Bắc Hà, cách bản chừng 3 km, bán cho mọi người kinh cũng như thượng. Nhờ vậy mà dân trong bản, nhiều gia đình đã sắm được xe ngựa chở rượu ra chợ bán. Rượu ngô của người Mèo chế đặc biệt hơn, khác với vị đằm của rượu San Lùng người Mán, vị ngọt của rượu Cần Thái, vì nó nồng nên khó uống. Cách làm rượu cũng dể, cứ đem bắp về (loại bắp vàng) luộc nhưng đừng để lửa to quá làm rượu không ngon. Còn men thì làm từ hạt Hồng Mị (giống như hạt kê), đem trộn với bắp đã luộc, bỏ vào thùng gang ủ một tuần. Thời gian này phải đốt lửa để hơi rươu bốc hơi qua một cái chọt gổ, chảy ra ngoài. Cứ 10 ký bắp làm được 3 lít rươu, để nguyên uống nếu pha thêm nước lạnh thì rượu sẽ không mùi vị nữa. Ngoài ra rượu ngon cũng còn tùy thuốc vào nguồn nước để nấu. Nên người kinh tại vùng xuôi dù đã học đúng cách nấu rượu của người Mèo Hoa, rượu cũng không ngon vì tại đây đâu có nước suối Háng Dế để mà chưng cất rượu ?
Xứ Thái ở vùng tây bắc giáp Lào (Lai Châu) có loại rượu đặc biệt làm từ các loại côn trùng như sâu chít, nhộng dùng làm rượu bổ, được bày bán tại chợ Điện Biên. Chít là con sâu non sống trong ngọn cây chít, một loại cây giống như lau sậy ở miền Nam nhưng sâu chít chỉ có ở vùng tây bắc mà thôi. Vào mùa xuân, đồng bào cao nguyên Trung phần uống rượu cần được nấu bằng lúa, nếp, bo bo, khoai mì, bắp, đậu. Với các người Teu, Vân Kiều, Pacoh tại Quảng Trị, Thừa Thiên có các loại rượu nứa, mây, đoắc… chế từ nước trong thân của các loại cây trên cộng với men, uống có vị chua cũng say nhưng phẩm chất kém xa các loại nấu bằng ngủ cốc. Riêng người Rhade nấu rượu bằng cơm, trộn với thứ men đặc biệt gọi là Kuach Eya. Người Lào có rượu nếp còn rượu Miên thì lạt hơn rượu Lào nhưng rượu nào cũng say.
+ Rượu tàu:
Từ thời thượng cổ, người Trung Hoa đã có nhiều loại rượu nổi tiếng như Thiệu Hưng Trạng Nguyên Hồng, Thiệu Hưng Nữ Nhi Hồng, Trúc Diệp Thanh, Mai Quế Lộ, Bách Thảo Mỹ Tửu, Hầu Nhi Tửu, Bồ Đào Tửu, Cao Lương, Ngũ Tiên, Phục Đức Gia Tửu, Mao Đài, Thấu Bình Hương. Theo sử liệu, vào thời nhà Tống (960-1297), nền công nghiệp chưng cất rượu của người Tàu đã đạt tới mức tinh vi. Huyện Dương Cốc thuộc tỉnh Sơn Đông, một địa danh gắn liền với truyền thuyết Võ Tòng đã hổ trong Thủy Hử truyện của Thị Nại Am tiên sinh, thuở đó đã có tới 77 nhà sản xuát rượu, trong số này có Thấu Bình Hương của Trấn Trương Thu là nổi tiếng nhất.
Đây chính là loại rượu “Tam Uyển Bất Quá Cương“, mà Võ Tòng đã uống tới 18 chén mới say, rồi bất chấp lời khuyên can của mọi người, vượt đồi Cảnh Dương đả hổ được truyền tụng muôn đời. Thấu Bình Hương từng được chọn làm cống tửu và chính vua Tống Thần Tôn đã viết lời khen tặng: ”Quí Nhân Giai Tửu“. Đại Đế Khang Hy đời Thanh, khi tuần du phương nam cũng không tiếc lời ca tụng khi nhắm nháp. Năm 1983, trong Đại Hội toàn quốc Võ Tòng đã hổ lần thứ III tại Bắc Kinh, rượu Thấu Bình Hương đã chính thức chinh phục cử tọa và được mệnh danh là Anh Hùng Tửu. Ngày nay, công ty rượu Cảnh Dương Cương ở huyện Dương Cốc, cách Sư Tử tửu lầu không xa, sản xuất Thấu Bình Dương để xuất cảng với biệt danh Cảnh Dương Trấn Nhưởng
+ Rượu tây:
– Champagne: là vua trong các loại vang sủi bọt, có nồng độ từ 10-12, dịu nhưng cũng đủ say, được mọi người dùng nhiều nhất trong các dịp lễ tết, tiệc tùng kỹ niệm. Chữ Champagne còn mang ý nghĩa vui vẽ, hạnh phúc, phấn khởi. Được chế tạo bằng loại nho đặc biệt (Chardonnay 24% và Pinot Noir 76%) tại các vùng trồng nho nổi tiếng của nước Pháp thuộc miền Champagne như bình nguyên Montagne de Reims Epernay nằm về phía đông bắc Ba Lê. Riêng các thùng gổ đựng rượu nho có một hệ thống nắp đặc biệt, mở ra đóng vào phù hợp với thời gian đủ cho khí CO2 thoát ra mà không cho các loại khí khác xâm nhập.Khi nho lên men, người ta trộn thêm đường, sau đó đóng nút chai, đặt ngược đầu và ủ vào hầm kín, từ 5 đến 6 năm mới đem ra thị trường tiêu thụ. Riêng các kỷ thuật xoay chai và tách nấm men ở cổ chai đều là bí thuật không phổ biến.
Tóm lại mỗi chai Champagne đều có một lượng nhỏ đường và acid, còn lại là chất Phenol nhưng yếu tố quyết định ngon dở vẫn do mùi vị bí truyền, thuộc nhiều yếu tố như giống nho, men, thời gian lên men, kỹ thuật biến chế.Hiện thị trường có ba loại Champagne: Loại không ngọt (bruit), hơi ngọt (demi-sec) và ngọt (sec). Ngày nay các hãng sản xuất Champagne bắt chước các công ty Brandy vẽ sao làm ký hiệu trên các nhản chai như 1 sao là rượu 3 năm, 2 sao là 4 năm, và 3 sao là 5 năm. Còn VO là rượu trên 12 năm, VSO từ 12-20 năm và VOVS từ 20-30 năm và XO trên 30 năm. Được biết người chế ra rượu Champagne đầu tiên là một giáo sĩ người Pháp tên Pierre Pérignon. Hiện rượu Champagne đã vượt biên giới Pháp, lan tràn khắp nơi trên thế giới và được sản xuất tại các nước trồng nho.
– Bia: là loại thức uống có Gaz, nồng độ từ 3-10, dược chế bằng các loại ngủ cốc mà chủ yếu là luá đại mạch, ngoài ra còn độn thêm bắp, gạo, cao lương, tiểu mạch hoặc vài loại trái cây. Bia lon hay bia chai là bia đã lọc, thanh trùng, còn loại không lọc hay thanh trùng thì gọi là bia tượi, bia bock, bia Draft. Bia chế tạo tại VN sau 1975 không thanh trùng, lại còn thêm vào khí CO2 cho sủi bọt.
Người Đức gọi Beer là Bier, một đại gia không bao giờ vắng mặt tại nước này. Theo truyền thuyết bia xuất phát đầu tiên tại vùng Lưỡng Hà và là món giải sầu cho những người nô lệ khi họ bị bắt tới Ai Cập vác đá xây kim tự tháp cho các Pharaoh. Còn Đức lại là quốc gia sản xuất nhiều bia nhất hiện nay với 1270 lò sản xuất 5000 loại và mỗi người Đúc hằng năm tiêu thụ tới 114 lít. Bia Đức thường có độ alcool trung bình là 5% nhưng cũng có loại không chứa, gồm ba thứ chính là bia vàng, nâu và đen.
Hằng năm tại Munich (Đức) có lễ hội bia Oktoberfest, có xuất xứ từ một lễ cưới của Hoàng gia Phổ năm 1810, đã thu hút hàng triệu du khách quốc tế. Hiện Đức chọn ngày 23 tháng 4 Dương Lịch mỗi năm là Ngày Bia với những luật lệ được ban hành từ năm 1516, qui định việc sản xuất bia bằng nước thiên nhiên, hoa bia và mạch nha.
Pháp có bia 33 và con cọp (tiger) nổi tiếng lâu năm tại VN nhưng không phải là nước uống nhiều bia mà lại nổi tiếng về rượu vang và cognac. Nhưng Pháp lại có một trung tâm bia (Culture Bière) trên đại lộ Champs Élysées. Đặc biệt ở đây chỉ có bia, từ loại nổi tiếng đắt tiền được các dòng tu sĩ Thên Chúa Giáo sản xuất, tới loại bia Heineken dựng trong các chai với nhiều kiểu kỳ lạ làm bằng nhôm. Trung tâm này không phải là một lò sản xuất bia của Pháp, mà là nơi trưng bày tất cả những gì có liên quan tới việc nấu bia như hoa bia, hạt lúa mạch, các loại men. Ngoài ra còn có các kiểu ly dùng để uống từng loại bia cho tới những dụng cụ mở chai được thiết kế rất cầu kỳ.
– Các Loại Rượu Mạnh: chiếm phần lớn thị trường rượu, bao gồm WHISKY được nhiều quốc gia sản xuất nhưng nổi tiếng nhất của Mỹ, Tô Cách Lan, Anh, Ái Nhĩ Lan, Gia Nã Đại. VODKA chế biến tại Nga, Ba Lan, Đông Âu. RUM tại Tây Ban Nha, Đức, Ý. COGNAC nổi tiếng nhất của Pháp. Rượu mận Slivovitz phổ biến ở Hung Gia Lợi, Lỗ và Nam Tư. Ngoài ra còn có Brandy Anh Đào gọi là rượu Kirsch ở Pháp, Đức, Thụy Sĩ. Người Mễ Tây Cơ có loại rượu Tequila và Pulque. Ở Hawaii có rượu Okelahao hay Oke, còn người Nhật có rượu Saké. Được coi là rượu mạnh (spirit), nồng độ tối thiểu phải đạt trên 30 độ. Whisky cất từ lúa đại mạch đen và bắp.
Trước kia các loại Whisky đều nấu bằng mầm lúa đại mạch nên gọi là Whisky đại mạch. Sau năm 1830 người ta trộn thêm bắp nên Whisky có mùi dịu hơn và sự cấm kỵ trong lúc chế biến là không được dùng khoai tây, trái cây. Hiện có bốn loại Whisky nổi tiếng trên thế giới: Whisky Scotch (Tô Cách Lan), Irish (Ái nhĩ Lan), HoaKỳ và Gia Nã Đại. Trong các loại, Whisky Tô cách Lan nổi tiếng hơn 1100 năm, với hai nhản hiệu Ông Già Chống Gậy (Johnnie Walker) nhãn đỏ ũ trên 3 năm, còn nhãn đen trên 12 năm trước khi xuất xưởng. Ngoài ra còn có Chivas Regal nổi tiếng và mỗi năm bán trên 42 triệu chai. Whisky Aí Nhĩ Lan dùng nguyên liệu tương tự rượu Scotch nhưng chưng cất bằng nồi có cột (patien still), còn rượu Scotch thì nấu trong nồi cổ cong hay nồi củ hành. Whisky Mỹ nấu bằng bắp (51%), nên nồng độ không quá 80 độ, còn gọi là whisky Bourbon, nổi tiếng trong loại này có Four Roses và Danniel s Jack Bourbon. Rượu whisky Gia Nã Đại có màu sậm vì chế bằng lúa mạch đen và bắp mà nhãn hiệu Crown Royal được ưa chuộng nhất, bên cạnh còn có Seagram mang ký hiệu VO cũng được nổi tiếng. Brandy chưng cất từ nho hay các loại trái cây đã lên men theo kỹ thuật cổ truyền, đạt nồng dộ từ 70-80, sau khi rượu phải qua hai lần chưng cất rồi đem ủ vào các thùng gổ sồi để oxy hoá.
Cuối cùng thêm vào rượu nước cốt Caramel để hạ nồng độ xuống còn 40 cố định, hiện nay có hai loại Cognac và Armagnac. Cognac chế bằng loại nho đặc biệt được trồng tại những miền lựa chọn, nho tươi ép lấy nước cốt để lên men trước khi cho vào nồi chưng. Nhiều loại cognac nổi tiếng hiện nay như Hennessy, Martell, Remy Martell, Courvoisier, Napoleon, Roi des Rois. Riêng Armagnac được chế tạo bằng các loại nho St.Emillion, Folle Blanche và Colombard trồng ở vùng Gascony phía nam tỉnh Bordeaux,Pháp, cách chưng cất hai loại rượu giống nhau nhưng rượu này dùng nồi cất có cột và rượu được ủ trong thùng gổ sồi, rượu uống gắt nhưng hương vị đậm đà. Tại Ý có cognac gọi là Marc và Grappa, chưng cất từ vỏ và hạt nho, có màu xanh nhạt, gắt hơn rượu Pháp nhưng được nhiều nước Âu Châu thích, nhất là loại Grappa Italy, chế tạo tại vùng Pied Monte và Barbara.
Về loại Rum. Ron (Tây Ban Nha) và Rhum (Pháp) đều chế bằng mía, theo truyền thuyết được quân viễn chinh Mông Cổ và Hung Nô từ Trung Á mang vào trồng tại Âu Châu đầu tiên, sau đó Kha Luân Bố mang đến trồng tại Châu Mỹ La Tinh và Cu Ba. Ngày nay Rum được chế tại hầu hết các quốc gia trồng mía, dùng để pha cocktail nhưng nhiều người vẫn thích uống nguyên chất vì nồng độ rất cao, so với các loại brandy khác. Tại Jalisco, Mễ Tây Cơ có loại rượu nổi tiếng Tequilla, chưng cất từ nước cốt lên men của một loại cây cùng họ với cây xương rồng gọi là Tequilla Weber, nồng độ chừng 40, có vị thảo mộc, khi uống pha với nước chanh. Vodka là loại rượu mạnh không màu, gần giống như đế của VN hay Phục Đặc Gia Tửu của Tàu, chế biến từ các loại lương thực ngâm nước nóng. Riêng Vodka Ba Lan và Nga, nấu bằng khoai tây, có nồng độ ban đầu tới 95, sau đó giảm dần chỉ còn 45-50, đặc biệt loại này không cần ủ mà chỉ cần lọc hết màu và mùi vị để trở thành trong suốt.Trừ các tay cao thủ trong Lưu Linh phái uống nguyên chất, còn hầu hết phải uống qua sự pha chế với các loại nước trái cây cho rượu hạ bớt nồng độ. Cuối cùng là rượu GIN của Hòa Lan do tiến sĩ Sylvius sáng chế năm 1650, từ sự chưng cất các loại hạt (bắp, lúa), trộn với các hương liệu như quế, hạnh nh6an, côca, gừng, vỏ chanh, vỏ cam… có nồng độ từ 34-47.
3 – Chuyện lạ về rượu:
+ Cuộc chiến rượu:
Mỗi chai rượu Tequila theo thời giá hiện nay bán trên 100 đô la vì vậy nhiều người làm rượu giả. Năm 1999 đã có 1307 vụ xô xát về rượu Tequila tại Mễ Tây Cơ, làm 42 người chết và hằng ngàn người khác bi thương. Theo tin từ tờ NewsWeek và USA Today ngày 8-9-2000, có tường thuật cuộc chiến rượu giả Weber Blue nấu bằng cây thùa và đậu Hà Lan, mới vừa phát minh từ tiền bán thế kỷ XX và loại nổi tiếng hơn 1000 năm qua là Tequila, cũng được nấu bằng hat cây thùa. Vì giá cả và phẩm chất khiến rượu giả Weber Blue nhiều lần đánh bật rượu thật Tequila, và cuộc chiến giữa hai thứ rượu đã bùng nổ ngay trên quê hương của Tequila. Cuộc tranh chấp thật dã man, người ta dùng đủ mọi thủ đoạn để hại nhau, từ đâm chém, bắn giết, phá hoại ruộng vuờn trồng trọt và cả cách làm rượu giả để hạ uy tín lẫn nhau. Vì cách thức cất rượu qúa dễ và kiếm lời nhiều, nên nhiều Bang khác của Mễ cũng bắt chước trồng đậu Hà Lan và thùa để chế rượu Tequilq và Weber Blue. Để chế biến rượu cho mới lạ, thành một thứ hổn hợp, không giống ai vì nhái theo mùi vị và kiểu chai cognac hay champagne, rượu Whisky của Mỹ, Tô Cách Lan…… bằng cách trộn thêm đủ thứ như mía, bắp, củ cải, trái cây… bán khắp nước và xuất cảng. Từ thập niên 1950-1994, các bang Oxaca, Guadalajara, Monterrey, Juarez… bùng nổ kỹ nghệ sản xuất rượu, chỉ riêng Tequila đã có hơn 600 loại, thượng vàng hạ cám. Còn một điều lạ khác là các nước Âu Mỹ cũng bắt chước người Mễ làm rượu giã và Mễ Tây Cơ hiện nay là quốc gia sản xuất rượu nhiều nhất thế giới.
+ Bônenkai, truyền thống uống cạn ly của người Nhật:
Bônenkai, từ nguyên Hán-Việt có nghĩa là vọng niên hội, một biểu hiện cao nhất của tính cách hai mặt, trong đời sống Nhật Bản, nghiêm trang đứng đắn lúc ban ngày và trở thành kẻ rất xa lạ về đêm trong các tửu quán, nơi bộc lộ một cách trần trụi nhất tính bạo lực tiềm ẩn trong xã hội công nghệp đang phát triển tợt bực.
Tóm lại trong các cuộc vui mọi người phải hoà mình và quên hết thân phận nhưng trên hết phải biết uống rượu và hát. Theo nhà xã hội học Nobutake Kanzaki, thì tập tục uống cạn ly trong bàn tiệc, bắt nguồn từ các nước Đông Nam Á và Nhật Bản, về muà hè nóng và ẳm ướt, nên việc bảo quản rượu lên men thời xưa rất khó khăn. Vì thế trong mùa hội hè, người ta có thói quen uống sạch rượu dự trữ từ 1 tới 3 ngày. Trái lại ở Âu Châu, mùa hè khô ráo, rượu tha hồ để lâu, nên người ta nhấm nháp tuỳ theo ý muốn và gọi đó là kiểu Địa Trung Hải, còn uống cạn ly như Nhật là kiểu gió mùa. Cho nên điều cốt yếu trong một bàn tiệc là rượu phải chảy như suối, tất cả mọi người phải say để đạt tới một sự cộng thông về tinh thần, đây cũng là thói quen từ xưa của người Nhật, uống rượu liên tục và khi họ say thì hát và chơi các trò vui nho nhỏ.
Tại vùng Á Đông, người Nhật có phong tục thờ cúng tổ tiên đặc biệt. Ngày Tết, cúng rượu Saké cho thần thánh và tổ tiên xong, số ruợu còn lại ho uống để chúc tụng. Người Anh có lối chúc rượu nhau gọi là Toast bắt nguồn từ một phong tục cổ truyền hồi thế kỷ XVI. Thời ấy người Anh mỗi khi uống rượu thường bẽ một mẫu bánh mì nướng bỏ vào ly rượu cho thêm hương vị. Ngày nay Toast có nghĩa là cạn ly. Ngoài ra họ còn một phong tục rất giống người Việt, đó là luân phiên nhau uống rượu trong cùng một cái ly bằng bạc, có hai tay cầm.
Những ngày đầu năm tết lễ, người Mỹ dùng rượu để chúc mừng lẫn nhau. Trong một bửa tiệc có Mục sư Martin Luther King tham dự, một nhà báo đã nâng ly chúc mừng:” cầu xin Thượng Đế hãy cho nước Mỹ có những con người không vì danh lợi mà hại dân, không vì vinh thân mà bán nước.” Tóm lại kẻ sĩ uống rượu là để thực hành cái nhân sinh quan bất biến: ”Thề, Chết, Trốn, Uống” nghĩa là Thề vì Tổ Quốc, Chết cho Chính Nghĩa, Trốn khỏi bọn gian ác bất lương và Uống với Bạn Hiền.
Ai cũng biết rượu là nguyên nhân gây ra phiền phức cho con người. Nhưng tự cổ tới kim, thế nhân vẫn lao đầu vào rượu đến độ như Lý Bạch trong cơn say thấy bóng trăng phản chiếu trên mặt sông Thái Thạch, đưa tay vói bắt đến nổi té xuống nước chết đuối. Người xưa dùng rượu để quên ta, quên đời, quên sầu, quên tất cả như Nguyễn Công Trứ: ”rượu với sầu như gió mã ngưu, trong lai láng biết tránh đâu cho khỏi.”, Còn Cao Bá Quát thì: ”thôi công đâu chuốc lấy sự đời. Tiêu khiển một vài chung lếu láo. Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu.” hoặc: ”lắc bầu rượu, dốc nghiêng non nước lại. Chén tiếu đàm, mời mọc trích tiên.”
Người đời nay cũng đâu khác đời xưa, trước tâm sự ngổn ngang tận tuyệt, chỉ còn biết mượn rượu để tống biệt sầu buồn:
“Ai người tri kỷ
Hãy cùng ta cạn một hồ trường”
(Nguyễn Bá Trạc)
hay:
“Đất trời nghiêng ngửa
Thành sầu không sụp đổ em ơi.”
(Vũ Hoàng Chương).
Vương Hàn đời Đường có làm bài Lương Châu Từ rất nổi tiếng nên được hầu hết mọi thế hệ ưa chuộng Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi, tuý ngọa sa trường quân mạc vấn, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi? Đặc biệt bài thơ này đã được một thi nhân VN cách đây hằng trăm năm dịch ra tiềng Nôm và được lưu giữ tại một thư viện của Pháp tại Ba Lê. Sau đó bản dịch tiếng Nôm trên lại được giáo sư Nhan Bảo tại đại học Bắc Kinh chuyển ra tiếng Việt Rượu đào vơi chén pha lê, ngập ngừng hầu uống đàn kề bên tai, sa trường say ngã chớ cười, xưa nay chiến địa mấy ai đặng về? Bài thơ còn được các giáo sư Trần Trọng Kim, Trần Trọng San… dịch ra Việt Ngữ chú giải và giảng dạy trong chương trinh ban văn chương Việt-Hán tại Đại Học Văn Khoa Miền Nam trước tháng 4- 1975.
Thật ra con người coi rượu là tri kỷ cũng đáng vì rượu là niềm vui cũng như nổi buồn, khi trùng phùng cũng như hồi ly biệt, bâng khuâng thương nhớ khi nhắp ly rượu đào. Hóa ra hạnh phúc nhiều khi không phải là tưng bừng cao lương mỹ vị, mà chỉ cần có những mặn mòi nồng ấm quê hương, một nơi cho nổi nhớ biết chốn đi về, ở đó hình như những ngày xuân củ có bạn, có ta, có người em gái… cười vui chếch choáng xuân thì.
Viết từ Xóm Côn Hạ Uy Di Đầu Giêng 2017
https://vietbao.com/a262412/ngay-xuan-nang-chen-de-quen-doi
Thế tục, một nét đặc thù của chánh trị Pháp
Nguyễn thị Cỏ May
Tối hôm qua, thứ hai 19-12, một chiếc xe cam-nhông lớn chở sắt chạy lao vào đám đông dân chúng đang tham dự Chợ Noel tại Berlin làm cho 18 người chết và 42 người bị thương có cả người lớn tuổi và trẻ con. Chuyện xảy ra giống như hôm Quốc Khánh hồi tháng 7 rối tại Nice ở Pháp. Thủ phạm vẫn là người hồi giáo. Mục đích vẫn là khủng bố. Mục tiêu vẫn là dân chúng Tây phương sanh ra và lớn lên trong nền văn minh thiên chúa giáo, nền văn hóa dân chủ tự do. Cơ hội vẫn là lễ lớn, lễ kỷ niệm lịch sử chánh trị dân chủ nhơn quyền và lễ tôn giáo.
Không thể nói gì khác hơn là hồi giáo chống Tây phương để hồi giáo hóa nơi này.
Trong lúc đó, Pháp từ năm 1981, chánh phủ xã hội chủ nghĩa vì sự hấp dẩn của lá phiếu, quyền lợi của phe cánh, đã ban hành những bìện pháp nhằm mua chuộc cử tri hồi giáo mà không nghĩ quyền lợi của đất nước bị tổn thương.
Pháp chủ trương thế tục (laïcité), cấm những biểu hiện tôn giáo mà Pháp là nước thiên chúa giáo từ xưa. Lễ Noel nay phải gọi là lễ cuối năm. Trên đường phố, hoa đăng không được kết “vui Noel”, mà phải “vui lễ”. Trước đây, nơi công cộng chưng bày máng có thì nay không được phép tuy máng cỏ mang ý nghĩa một nét sanh hoạt truyền thống nhiều hơn là tôn giáo.
Trong ngôn ngữ không được nói “những giá trị của Pháp”, mà nên nới “những giá trị cộng hòa”. Nói nước Pháp là của người Pháp bị lên án “kỳ thị”
Trong lúc đó, ngày Ramadan của Hồi giáo làm công khai, tràn ra đường phố, xe cộ bị cầm lưu thông. Đông người tham dự Ramadan không phải chỉ có người tại chổ, mà người từ nhiều nơi khác kéo về. Trong nhà trường, sở làm, hồi giáo yêu câu không được có món thịt heo sẽ làm ô nhiểm những món khác vì để chung. Hồ tắm phải tổ chức riêng cho phụ nữ hồi giáo, nhà thương, phải nữ bác sĩ khám nữ bịnh nhơn hồi giáo, có chồng đi theo,… Chánh phủ Pháp đã nổ lực đáp ứng đòi hỏi của hồi giáo ở Pháp.
Thế mà, ông Samuel Mayol, Giám đốc Đại Học Kỷ thuật (IUT = Institut Universitaire de Technologie) ở thành phố Saint Denis (Tỉnh Seine Saint Denis 93) nhiều lần bị sinh viên của mình hành hung và còn hăm dọa giết ông chỉ vì ông áp dụng đường lối “thế tục” (Laïcité) của chánh phủ ban hành. Ông không cho sinh viên (?) hồi giáo chiếm một căn phòng trong Đại Học, trải thảm ra, làm nơi cầu nguyện. Và cũng nên biết thêm thành phố Saint Denis và vài thành phố của 93 gần như được chánh phủ giao cho cư dân hồi giáo tự do sanh sống. Với nếp sống của họ. Đặc tính của phe tả gốc mác-xít không có tín ngưởng khác hơn chủ nghĩa mác-xít. Nhưng chánh sách thế tục trở thành cái bẩy chụp xuống dân Pháp.
Trước tinh hình những giá trị truyền thống và cả tín ngưởng ngày càng bị xâm phạm, một bộ phận giáo dân khá lớn của Pháp gần đây tập họp lại, đứng lên tranh đấu bảo vệ những giá trị truyền thống dân tộc. Họ hoạt động như phong trào giáo dân tranh đấu thật sự.
Một thế kỷ vì thế tục
Phải nói đây chính là đặc thù của Pháp bởi ở Âu châu, cùng là nước thiên chúa giáo mà không nơi nào có chánh sách ” thế tục “. Do lịch sử của Pháp tạo nên.
Tưởng nên nhắc lại những biến cố quan trọng khai sanh ra chủ trương ” thế tục”. Năm 1793-1794 là năm cao điểm của chánh sách cởi bỏ thiên chúa giáo khỏi cách mạng pháp. Qua năm 1801, Bonaparte ký với giáo hoàng Pie VII Thỏa Hiệp Le Concordat để giải quyết khủng hoảng với Giáo hôi la mã, để có thể tiếp tục tại vị, thừa nhận thiên chúa giáo là tôn giáo của đại đa số dân Pháp. Sau này, do thái giáo và tin lành được thừa nhận.
Năm 1881-1882, luật Ferry thành lập trường công, thế tục, miển phí, cưởng bách trẻ con đi học, tức không đặt dưới sự điều hành của tu sĩ, không nặng phần giáo lý.
Năm 1905, ban hành luật tách Giáo hội ra khỏi Nhà nước. Đìều 2 qui định Nhà nước Cộng hòa không nhìn nhận, không trả lương, không trợ cấp bất kỳ sanh hoạt tôn giáo nào.
Năm 2004, luật cấm y phục mang dấu hiệu tôn giáo tới trường học.
Tới nay mọi biểu hiện thiên chúa giáo ở Pháp bị chánh phủ ngăn cấm nghiêm ngặt. Hồi giáo lợi dụng cái thế ưu đải của mình để trói tay giáo dân thêm chặt mà bành trướng hồi giáo.
Trước đà bành trường hồi giáo, gia tăng xây cất giáo đường hoặc gây hấn và khủng bố, dân chúng pháp phản ứng với hai thái độ : cánh thế tục tranh đấu, cứng rắn và ngăn cấm, còn cánh cởi mở thì xoa dịu và hòa giải.
Trong việc bảo vệ tính thế tục, có người đặt vấn đề «Tại sao ta không làm điều đã làm đối với thiên chúa giáo cách nay một trăm năm?».
Năm 1790, chánh quyền cách mạng đã bắt buộc tu sĩ, linh mục, tuyên thệ trước hiến pháp dân sự dành cho tăng lử. Thế là chiến tranh bùng nổ giửa nhà cầm quyền chủ trương xóa bỏ thiên chúa giáo và dân Miền Tây (Vendée) và người Pháp da trắng cương quyết thà chết cho đức tin và vua của mình.
Để hòa giải, Bonaparte nhìn nhận thiên chúa giáo. Tăng lử lấy lại địa vị ưu thế của mình trong xã hội. Thánh giá xuất hiện khắp nơi. Người ta làm lễ cả những buổi khai mạc Quốc hội. Giáo dục giao trọn cho các vị tu sĩ.
Giáo hội thế kỷ XIX rất phản động, hành sử như vua chúa, chống lại chế độ dân chủ và nhơn quyền vì muốn dùng đường lối này để ngăn chặn mọi diển tiến của xã hội dưới tên gọi « Chánh sách tăng lử trị» (Le cléricalisme) mà những người cộng hòa chủ trưong phải dẹp khi lên nắm quyền vào những năm cuối 1870. Họ thu hồi chủ quyền từng phần. Như lấy lại ở các Cha Sở việc Hộ tịch giao cho viên chức Hộ tịch dân sự, tổ chức nghĩa địa theo thế tục, tổ chức lại nhà thương và trường học. Làm những việc này không phải không gặp chống đối của công giáo.
Những người Jésuites nắm giáo dục, khi bị mất trường học khỏi tay, họ phản ứng mạnh nên bị trục xuất khỏi nước Pháp.
Đến đầu thế kỷ XX, luật năm 1901 về Hội (Assocìation) chi phối giáo hội mạnh mẻ. Một lần nữa bị phản ứng, người thiên chúa giáo tố cáo chánh phủ bạo hành. Nhưng luật 1905 ban hành xoa dịu phần nào giáo dân vì tính cách cởi mở của nó. Chỉ có giáo hoàng Pie X tỏ thái độ phản động hơn hết. Ông cho rằng chánh sách của chánh phủ cách mạng đúng là thứ của quỉ Satan, ra lịnh cho giáo dân không tham gia sanh hoạt quốc gia và không tuân hành luật pháp.
Suốt cả thế kỷ, người Pháp xây dựng một nền chánh trị thế tục để thoát ra khỏi sự kìm chế của giáo hội la-mã.
Nhưng thật sự hiểu thế tục là gì?
Thế tục “ laïcité” do gốc hi lạp “laos” chỉ sự thống nhứt của một dân tộc, được xem như là «một» bất khả phân.
Người thế tục là người của nhơn dân, không có đặc quyền nào phân biệt hay nâng lên cao hơn những người khác.
«Laos» hay «thế tục» vừa là nguyên tắc của tự do và của bình đẳng. Bình đẳng thiết lập trên sự tự do suy nghĩ, được nhin nhận là sơ khởi và đồng đều ở mọi người.
Nhưng ngày nay, có kẻ hiểu, như phe cộng sản, thế tục là dứt khoát với quá khứ thực dân do Giáo hội thiên chúa giáo hướng dẩn đánh chiếm thế giới để mở đạo.
Giáo dân vùng dậy
Thử nhìn qua hiện tình giáo dân và tu sĩ ở Pháp. Năm 2015, ở Pháp có 58% dân chúng là thiên chúa giáo trong đó có 48% không thường đi lễ, chỉ có 8% là thuần thành, đi lễ đều đặng. Năm 1990, có 472 130 người nhận lễ rửa tội. Qua năm 2012, chỉ còn 290 282 người nhận lễ rửa tội mà thôi. Về đám cưới, năm 1990, có 147 146 đám cưới làm lễ ở nhà thờ. Qua năm 2012, chỉ còn 70 369 đám.
Linh mục cũng chịu số phận xuống cấp. Năm 1990, có 32 267 vị, năm 2012, chỉ còn 16 830 Linh mục.
Nhưng nay thì giáo dân đã bắt đầu thức tỉnh. Một nhóm nhỏ tích cực hoạt động và có ảnh hưởng, đứng lên bênh vực xã hội của mình. Giám mục Georges Pontier viết thư cho TT Hollande can thiệp để dự luật về tự do phá thai đừng ban hành. Phong trào giáo dân tranh đấu cho rằng việc Giám mục Georges Pontier can thiệp với TT Hollande là một hành động quan trọng vì tính khẩn trương của dự luật, vượt khỏi những cuộc tranh đấu trước giờ của phong trào như biểu tình. Đó là biểu hiện sự thức tỉnh của giáo dân. Từ nay, người công giáo không muốn sống trong im lặng của Giáo hội nữa.
Có Linh mục phản đối chánh quyền «Nếu quí ông ký dự luật ngăn cấm «sites internet Pro-Vie» (Bảo vệ đời sống) là chính quí ông ký tên đưa quí ông xuống địa ngục vỉnh viển». Nhiều giáo dân đồng loạt lên tiếng «Chúng tôi không để bị khớp miệng nữa bởi sự kiểm duyệt hoặc sự hăm dọa, vì người phụ nữ có quyền biết sự thật».
Quả thật dự luật ngăn cấm sự chống phá thai đã không còn xuất hiện nhiều nữa.
Ngày nay, giáo dân thuần thành, đi đạo chuyên cần, tuy ít, chỉ từ 5% tới 8% dân Pháp, nhưng họ là những người năng nổ hoạt động, có nguồn gốc thiên chúa giáo lâu đời. Người ta vội quên đi trọng lượng của một nước Pháp thìên chúa giáo truyền thống vẫn còn đủ sức mạnh để động viên chống lại những biện pháp phương hại quyền lợi của họ. Năm 2012-2013, giáo dân đã tập họp hằng triệu người xuống đường chống lại luật cho phép những người đồng tính kết hôn.Từ đó, phong trào tiếp tục được củng cố và phát triển rộng ra trong dân chúng.
Họ biết là họ thiểu số nhưng họ tin tưởng lấy sự nhiệt tình thay thế cho những con số.
Nhưng thực tế xã hội cho thấy, theo kết quả thăm dò dư luận của hảng BVA (Nhựt báo Le Parisien 2/2014), có 90% dân chúng đồng ý cho phép phá thai và 54% đồng ý cho những người đồng tính kết hôn. Nhưng lại không đồng ý cho những người này «có con nhơn tạo».
Theo Giám mục Georges Pontier, có một sự phân hóa giửa người công giáo thuần thành và người công giáo không đi đạo. Họ nhận định nguồn gốc nước Pháp cũng khác. Người công giáo không đi đạo không đồng ý nguồn gốc văn minh nước Pháp là thiên chúa gìáo. Nhưng bản sắc công giáo đang xuất hiện, một sự văn hóa hóa công giáo đang định hình, ngay cả ở những người công giáo không đi đạo. Sự thức tỉnh này thể hiện rỏ ở sự trổi dậy của tôn giáo khá rộng rải. Gilles Kepel, Giáo sư Đại Học ở Paris, chuyên về thế giới á-rập, gọi hiện tượng đó là «Sự phục hận của Thượng Đế»!
Đi Hát: Một Nét Hào Hùng Của Giới Giang Hồ Đất Nam Kỳ Lục Tỉnh
Mở cửa mau. Không tao bắn chết cha bây giờ!
Chủ tiệm chết điếng, nhìn họng súng trân trân. Mười Nhỏ giục:
– Mở cửa mau. Ông cố nội mầy đây chớ ai mà ngó châm bẩm vậy?
Bườm!
Tất cả rút ra bờ sông.
Trên đường về, Mưòi Nhỏ gật gù khoái chí. Nhưng Bảy Rô lặng thinh. Qua những phút sôi nổi, lòng anh thấy ray rứt vô cùng. Tự nhiên mình nhảy vô đánh người ta chết giấc, vơ vét hết tiền bạc của người ta. Suốt đường về, anh chỉ lo cho tên Ba Tàu tỉnh lại, thấy sự nghiệp mồ hôi, nước mắt của mình bị vơ vét sạch, sẽ uất ức mà chết luôn.
Đánh cướp vụ thứ nhì, ghe hột vịt. Vừa thấy Bảy Rô nhảy lên ghe, ông già chủ ghe đớ lưởi:
– Ông …Ăn cướp! Chưa kịp tra hỏi, ông già chủ ghe đem dâng trọn cọc tiền vừa bán ghe hột vịt cho chủ vựa. Bảy Rô cướp tiền, nhảy qua ghe tam bản. Đi chưa được mấy sào thì nghe ông già chủ ghe kêu gào thảm thiêt.
Mười Nhỏ hét:
– Đm. Trở lại, tao giết thằng già này mới được. Nó dám chửi mắng ông cố nội thì nó phải chết.
Bảy Rô bước nhanh tới mủi tam bản:
– Để tao trị thằng già này cho. Anh chống sào nhảy trở lên ghe, ngắt đôi cọc tiền vừa cướp được, dúi một nửa vào ngực ông già, đống thời, dậm chơn lên ván ghe đánh rầm một cái, hét to:
– Giỏi la hả? Đánh cho mầy chết để mày hết la!
Trên đường về, anh thấy vui vui trong lòng. Đâu đó, trong sâu thẩm hồi ức, anh nghe văng vẳng lời dạy của ông già anh lúc còn sống: “Nhơn phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thủ”.
Anh tính sẽ không nhận tiền chia phần trong hai vụ ăn hàng này và sẽ nói thật khéo để Mười Nhỏ vui lòng cho anh giải nghệ (Nguyên Hùng, Người Bình Xuyên, 1968, Sài gòn).
Một nét độc đáo của đất Nam kỳ
Giang Hồ, ở đâu và thời nào cũng có, nhưng mỗi nơi và mỗi thời đều mỗi khác. Nếu nói giang hồ là băng đảng ăn cướp thì giang hồ Nam kỳ sẽ khác hơn nhiều băng đảng ăn cướp khác rất nhiều. Chỉ cần so sánh với cái đảng cộng sản thì sẽ thấy giang hồ Nam Kỳ Lục Tỉnh hào hùng chớ không hèn hạ như đảng cộng sản, anh em giử điệu nghệ với nhau, lấy thủy chung kết tình huynh đệ, chết sống với nhau, chớ không như đồng chí ám hại nhau chỉ vì chút quyền lợi, hoặc đạp lên lưng nhau để tiến thân. Họ đi giang hồ là để tranh thủ cho riêng họ, cho phe cánh họ một địa vị trong cái xã hội mà họ bị loại ra vì không chịu nép mình theo, một khu vực hay môt giang sơn riêng biệc của họ để họ được sống hoàn toàn tự do, theo luật pháp riêng của họ mà làng xã, Tây Tà không chi phối được. Tiếng Giang Hồ ở đây không mang ý nghĩa xấu. Còn đảng cộng sản là nơi tập hợp những người không nghề nghiệp, phạm pháp, nhơn danh cách mạng, cướp chánh quyền rồi hành xử chánh quyền cướp của cải nhơn dân, cướp tài nguyên đất nước làm giàu. Cờn ăn cướp của cộng sản là hoàn toàn thuộc về bản chất lê-nitstalinít và mao-it để làm giàu và hưởng thụ riêng.
Giang Hồ nổi tiếng trong Nam là Phong trào Bình Xuyên với Bảy Viễn Thủ lãnh. Những chuyện đánh cướp nhà giàu, đánh cò bót, biện chà, bênh dân nghèo bị hiếp đáp, trở thành những giai thoại hào hùng mà Cỏ May tôi lúc nhỏ, sống ở quê nhà, Quận Cần Giuộc, nghe say mê như chuyện thần tiên.
Sơn Vương, một tay Giang Hồ văn nghệ và Chúa Đảo
Năm Đường lái chiếc Clément Bayard mới toanh chở Sơn Vương tới khu Chơ Cũ, ngừng lại ở ngã tư Lefèbre và Chaigneau, bóp kèn” tin …tin, t…i…n n…n.”. Từ trên lấu tiệm may Nam Chấn Hưng, một thanh niên đi ra, leo lên xe ngồi cạnh Năm Đường. Lần đầu tiên, anh ngồi xe mới thấy đả quá. Đó là Nguyễn Phương Thảo, sau này là Trung tướng Nguyễn Bình của Hồ Chí Minh, từ Hải Phòng vào Nam tìm cách sanh sống, vừa nhập bọn với nhóm Sơn Vương.
Thấy hãy còn sớm, Sơn Vương bảo Năm Đường chạy thẳng tới Nghi Xuân lầu ở Đại lộ La Somme ăn sáng. Xong, Năm Đường lái xe chạy về hướng Thủ Đức. Xe ra khỏi Sài gòn,vừa tới cầu sắt hẹp, Năm Đường cho xe ngừng lại, mở nắp thùng xe dựng lên, làm như xe bị hư máy.
Nguyễn Phương Thảo nôn nóng muốn tận mắt chứng kiến cách đánh cướp kỳ lạ của dân Sài gòn. Đi đánh cướp bằng xe hơi mới cáo cạnh, súng giả làm vũ khí.
Thảo vẫn thắc mắc nên hỏi lại Sơn Vương một lần nữa “Có chắc ăn hay không mà anh Hai dám bỏ súng thiệt ở nhà?”.
– Này, coi đi, súng thiệt hay giả. Súng giả mà mình đánh thắng súng thiệt mới đã.
Thảo mới biết Sơn Vương còn là nhà văn, nhà thơ nữa. Sáng ra, anh ngồi bán sách báo ở Chợ củ chỉ để dò xét, theo dõi con mồi. Biết tên Giám đốc Đồn điền cao-su Mimot (Quân Mimot, Tỉnh Kampong Cham, Cao Miên) sáng thứ bảy nào cũng tới nhà băng rút tiền mặt đem lên Sở phát lương thầy thợ. Đi xe gì, theo con đường nào.
Thảo mong thì giờ trôi qua mau lẹ để chứng kiến cảnh đấu nhau. Sơn Vương hút vừa tàn điếu thuốc thì từ xa, bụi đỏ tung bay. Một chiếc Peugeot xuất hiện. Thấy đường bị kẹt, có xe chết máy nằm giửa đường. Người lái xe Peugeot là người Pháp, cho xe chậm lại, quát lớn “Nép vô lề cho người ta qua cầu”.
Năm Đường làm bộ lăng xăng sửa xe. Sơn Vương bước lại xe người Pháp, nói “Xe ăng panh. Chúng tôi đang sửa. Nếu ông muốn qua cầu gắp thì xuống xe phụ đẩy với chúng tôi.
Người Pháp trợn mắt “Đẩy xe cho mấy người à?”.
Ông ta xuống xe, đi tới đi lui, với vẻ bực bội.
Bất ngờ Sơn Vương chỉa súng vô ngực, hô lớn “Haut les mains!”. Ông Tây hoảng, dơ hai tay lên cao. Nhanh như chớp, Sơn Vương đoạt khẩu súng lục trong túi ông ta, đồng thời, xách va-li bạc trong xe ông Tây ném cho Nguyễn Phương Thảo giữ
Năm Đường chờ Sơn Vương và Nguyễn Phương Thảo lên xe là nhấn ga vọt. Sơn Vương không quên ném khẩu súng giả vào xe của ông Giám đốc Đồn điền, vừa nói: “Cho mượn tháng lương thầy thợ, nghe Mong-sừ Gaillard. Tặng luôn ông cây súng làm kỷ niệm”.
Xe chạy thẳng tời Bà Quẹo, Sơn Vương và Nguyễn Phương Thảo xuống, bao xe thổ mộ (xe ngựa) vê Chợ Cũ. Năm Đường đem xe về hãng nơi Nam Đường làm việc, chùi rửa, gắng lại bảng số thiệt, trả xe. Mọi việc êm xuôi.
Nhưng hơn một tháng sau, cảnh sát điều tra, khám phá ra nội vụ. Người Pháp chủ hảng đi về Pháp nghỉ hằng năm nên Năm Đường lấy xe chở Sơn Vương đi hát. Vì lúc bấy giờ, Sài gòn không có mấy chiếc Clément Bayard. Năm Đường đành khai ra hết. Cả ba người đều bị bắt.
Cò Bazin của bót Catinat điện thoại báo tin ông Gaillard đã bắt được tên cướp và đòi 5000$ tiền thưởng. Ông Gaillard tới Catinat, ông Bazin giao Sơn Vương cho Gaillard trọn quyền xử lý.
Giận lắm, Gaillard rút ngay roi gân bò trên tường, đánh vút lên một cái “Mầy lấy của tao 50 000$, nay tao chỉ xử mầy 50 roi thôi. Mầy sẳn sàng chưa?
– Mời ông!
Gaillard dồn hét sức mạnh ra cánh tay, quất lên lưng Sơn Vương nghe một tiếng ”trót” rợn người. Ngọn roi đưa lên đánh tiếp cho thấy vết roi bầm tím, rướm máu thắm qua sơ-mi lụa trắng của Sơn Vương. Đánh tới roi thứ ba, Gaillard thấy thắm mệt, bàn tay ê ẩm, ngọn roi muốn rớt khỏi tay trong lúc đó Sơn Vương, thân người cao gầy, lại đứng sừng sửng, tỏ vẻ không hề hấn gì hết.
Gaillard nhìn Sơn Vương, ngạc nhiên, bảo “Tao cho mầy thiếu số roi còn lại”.
Sơn Vương lắc đầu “Ông cứ đánh cho đủ. Tánh tôi ưa sòng phẳng“. Thấy gặp phải tay anh chị đúng mức, Gaillard bảo “Mầy ngon. Tao bỏ luôn”.
Bước ra ngoài, Gaillard bảo Cò Bazin hãy thả Sơn Vương ra. Thanh toán nhau như vậy đủ rồi. Nếu Bazin có đưa ra Tòa, ông ta sẽ không tới Tòa.
Cò Bazin kinh ngạc nhưng rồi cũng phải thả Sơn Vương ra về.
Sau đó, Bazin cho sưu tra thì mới biết hai anh em Gaillard là dân Corse, từng bị nhiều tiền án, cướp xe chở tiền cho ngân hàng huê kỳ, từng vượt ngục Cayenne.
Giang Hồ có cách xử sự với nhau đúng theo điệu nghệ giang hồ! (Sơn Vương, Giang Hồ Lục tỉnh, Nguyên Hùng, xb Mủi Cà Mau, 1998)
Năm Bé, anh chị bến cảng Hải phòng, mê hào khí Nam kỳ
Năm Bé không phải tên thiệt của anh. Vô Nam vào cuối thập niên 20, anh được anh em gắng cho thêm cái tên “Năm Bé” cho giống dân Nam Kỳ thứ thiệt. Mà thiệt tình, anh chỉ còn cái giọng nói Bắc kỳ chưa thay đổi được mà thôi. Ngoài ra, cách suy nghĩ, ứng xử, anh đều là Nam kỳ còn hơn Nam kỳ sanh đẻ tại chổ nữa. Quả thiệt, anh là thứ Nam kỳ đặc sệt 72 phần dầu. Một cái đặc biệt khác ở anh mà anh thường nói ra là anh không bao giờ chơi với tụi cộng sản hết cả, nhứt là thứ cộng sản bắc kỳ.
Khi còn ở Hải phòng, anh nghe chuyện kể về Công tử Bạc liệu, đốt tờ giấy bạc 5$ con công để rọi kiếm tờ 1$ của nghệ sĩ Phùng Há làm rớt, anh đã mê từ đó và tìm cơ hội thoát vào Nam để được sống đòi sống thoải mái,hào hùng cho thoả lòng dân bến cảng. Dao búa, ngon lành thiệt, nhưng vẫn chưa đủ. Cốt cách dân giang hồ phải có thêm một cái gì hào hùng nữa chớ!
Anh nhập băng đảng với Bảy Viễn để sau này cùng đi đày Côn Đảo và cùng vượt biển về đất liền.
Bảy Viễn nói với anh ngày anh nhập bọn “Tụi này thiệt tình không ưa Bắc kỳ. Anh là Bắc kỳ mà thấy anh chơi được, đúng điệu nghệ, nên sẵn lòng kết bạn với anh”.
Một hôm đi dạo trên đường Catinat (sau này là Tự Do, Sài gòn 1), thấy tiệm Tây chưng trong tủ kiếng mấy cái nón hiệu Borsalino* của Ý, thứ vành hơi lớn, là thứ anh mê từ lâu mà chưa có dịp mua. Anh bước vào tiệm, bảo người Pháp bán hàng lấy nón cho anh xem, đội thử để mua. Người bán hàng nhìn anh với ánh mắt ngờ vực vì anh mặc quần lãnh đen, áo bành-tô (paletot)** ka-ki xanh giống thợ thuyền nên chưa vội lấy nón, mà chỉ anh xem tấm bảng giá:
– Coi giá đây. 25$ một cái, có tiền mua không?
Đây là giá lương tháng của thầy ký làm trong Tòa Bố (Tòa Tỉnh trưởng).
– Đưa coi đội có vừa không đả.
Thấy nét mặt anh hầm hầm, người bán hàng vội mở tủ lấy ra một cái Borsalino đưa anh coi. Đội lên đầu vừa vặn. Anh hài lòng, giữ luôn trên đầu, bảo người bán lấy gói luôn cho anh 4 cái còn lại. Móc bóp rút ra 1 tờ bộ lư, 1 tờ 20$ và 1 tờ con công, tất cả là 125$ đưa trả tiền nón, làm cho người bán hàng há miệng, trố mắt nhìn anh Năm Bé.
Cầm nón đem về không biết làm gì cho hết, bèn kêu bạn tới cho bớt.
Thỏa mản vì mua được nón vừa ý thì ít, mà thỏa mản vì dằn mặt được thằng Tây bán nón làm phách thì nhiều.
“Trích nước tiểu” ăn thề, kết nghĩa huynh đệ trên biển
Sau trận bảo, lương khô trôi mất. Đói thì chịu tạm được nhưng khát thì vô phương. Ở trên biển, trời nắng, nước biển mặn càng làm cho cơn khát thêm mãnh liệt hơn. Anh em phải đái ra uống giải cơn khát. Ở trong tù nghe nói tù thường phải uống nước tiểu. Nay anh em tự do trên biển cả mà cũng uông nước tiểu như tù!
Nhớ lại trận bảo vừa qua, ai cũng hải hùng. Một áng mây lớn đen ngòm phủ xuống mặt biển, Tư Nhị nói rồng xuống hút nước, sẽ hút chiếc bè của mình lên rồi phun ra xa hằng cây số. Chắc số mạng của tụi mình tới dây là chấm dứt.
Mọi người chỉ nhắm mắt lại chờ rồng hút đi. Mà có mở mắt ra cũng không thấy gì. Khoảnh khắc trôi qua, sao ai cũng thấy êm ru. Mọi người mở mắt ra thì thấy vẫn còn ngồi yên trên bè và biển trở lại hiền hòa.
Tư Nhị reo lên “Cá Ông đở”. Anh bèn chấp tay “Nam mô A Di Đà Phật, Nam Hải Tưóng quân đã cứu mạng anh em chúng tôi”. Anh nói lớn như khấn vái. Đúng là Đức Phật thấy anh em tụi mình ăn hiền, ở lành, nên cho Nam Hải Tướng quân tới cứu mạng. Chuyến này về tới đất liền bình yên, tụi tui sẽ vật heo tạ ơn ngài Nam Hải Tướng quân!
Bốn ngưòi cùng đồng sanh, đồng tử trên chiếc bè vượt ngục. Cơn nguy biến đã qua, Tư Nhị có ý nghĩ khi nhớ lại chuyện xưa “Lưu, Quan, Trương trích huyết ăn thề kết nghĩa trong vườn Đào” nên đề nghị bốn anh em hôm nay cùng chia nhau uống chung nước tiểu của nhau thay thế “trích huyết” để kêt nghĩa huynh đệ. Nghe qua, ai cũng hưởng ứng.
Mười Trí, sau này làm Sư Thúc Hòa Hảo cánh Năm Lửa, xâm nhập lực lượng Hòa Hảo hoạt động để lôi kéo Hòa Hảo về với Việt Minh nhưng không được, vội lên tiếng:
-Nói kết nghĩa, phải biết nhau từ chơn tơ, kẻ tóc. Mình mới biết Năm Bé có mấy ngày. Năm Bé buồn, cho là phải, bảo ba anh hảy kết nghĩa với nhau đi. Trừ tôi ra. Bảy Viễn không đồng ý cho rằng cùng chung chết sống với nhau, ai làm kỳ vậy cho được.
Mười Trí thấy Bảy Viễn nói có lý nên đồng ý. Tư Nhị tìm cái gáo dừa tát nước, đưa lên trang nghiêm nói lớn “Hôm nay, ngày tốt, giờ hoàng đạo, mời đại ca tiểu vô đây. Rồi lần lược tới anh Bảy, anh Năm Bé và tôi là em út, sau cùng. Chúng ta làm lễ trích huyết ăn thề theo kiểu tù vượt ngục, thay máu đào bằng nước tiểu”.
Anh Mười tuổi quí mão (1903) là anh Hai, anh Bảy, tuổi giáp thìn (1904) là anh Ba, anh Năm Bé lá anh Tư, tui làm em Út. Vậy anh Hai khấn vái ít lời cho cuộc lễ hôm nay.
Năm 1952, Bảy Viễn bị Nguyễn Bình theo lệnh Hà nội, đưa phong trào kháng chiến trong Nam vào khuôn khổ lãnh đạo của Việt Minh cộng sản, phải bỏ về thành. Mười Trí hết lòng thuyết phục Bảy Viễn ở lại nhưng không được. Bảy Viễn không chơi với cộng sản “Anh em đánh Tây từ hồi tụi nó chưa vô đây. Nay, tự nhiên vô đây, muốn ngồi trên đầu trên cổ người ta. Chơi kìểu Bắc kỳ, ai chịu được?”. Sau cùng, Mười Trí đưa Bảy Vìễn đi gần tới ranh giới an toàn. Trước khi quay trở lại, Mười Trí cầm tay Bảy Viễn nói lời cuối cùng cho hủy bỏ lời thề sống chết có nhau vì mai này, mỗi người đi một ngã.
Mười Trí biết giữ nghĩa, trọng lời thề nhờ thời gian dài sống với anh em giang hồ, những người tuy chơi dao búa, đánh cướp, nhưng biết lấy đạo nghĩa làm gốc, lấy thủy chung kết bạn.
Như đã nói Sơn Vương vừa là tay giang hồ, vừa là nhà văn đa tình, vừa chúa đảo. Tên thiệt là Trương văn Thoại, quê Gò Công. Lần đầu tiên Sơn Vương bị đày ra Côn nôn là năm 1933. Lần thứ nhì, năm 1942. Anh ở tù trên đảo trước sau, tất cả là 35 năm. Quả thật, anh là chúa đảo vì anh là một người tù ở đảo lâu năm nhứt từ ngày Tây chiếm Côn sơn làm thành Quận hành chánh của Nam kỳ năm 1882. Nhưng trên thực tế, anh cũng làm chúa đảo. Năm 1945, sau khi Nhựt đảo chánh Pháp, giao đảo cho tù thường phạm cai quản cho tới khi Tây trở lại năm 1946.
Trong thời gian Sơn Vương trở ra đảo lần thứ hai, anh yêu cô Võ thị Kim Hoa, con gái của Vệ Liển, viên chức của thời Pháp. Năm ấy, Kim Hoa đã trở thành một cô gái 18 tuổi, đẹp lộng lẩy. Anh hơn em 13 tuổi. Sơn Vương gởi cho Kim Hoa thư tỏ tình, trong đó có 2 câu thơ:
“Ước gì kéo được thời gian
Cho tôi trẻ lại, cho nàng già hơn”.
Ghi thêm:
Đi hát là đi đánh cướp, tiếng lóng của giới giang hồ Nam kỳ Lục tỉnh.
Bườm là khẩu hiệu rút lui.
Muốn biết thêm nhiều tay giang hồ khét tiếng khác, mời tìm đọc “Giang Hồ Lục tỉnh” của Nguyên Hùng, do Mũi Cà Mau xuất bản năm 1998.
Áo bành-tô là một thứ áo “vết -veste” (paletot):
“Áo bà- ba tay vắn, tay dài. Em may cả chục cái, sao anh không bận, mà bận chi hoài cái áo bành-tô?”.
“Anh bận hoài cái áo bành-tô?
Vì áo bành-tô cò nhiều túi, anh bận hoài để có chổ bỏ cục tình của em.” (câu hát nhà quê Nam kỳ)
.* Nón Borsalino nổi tiếng của Ý, ngày nay, bán ở một vài cửa hàng lớn Paris, giá lối 250 € / cái. Trời mưa không ướt. Có thể xếp bỏ túi được, không gảy. Ngày xưa ở Sài gòn, còn có thêm nón Fléchet, nón Mossant được dân có tiền ưa thích. Nay, giá 1 cái Fléchet ở Paris lối 150€. Không thấy có hiệu Mossant bày bán. Nhưng trên internet có, giá lối 130€ / cái.
Vui cười
Cảnh sát hỏi một nghi can:
– Đêm khuya, anh mò vào nhà người khác làm gì?
– Chung cư mới xây, toàn là nhà giống nhau, tôi say quá nên vào nhầm nhà.
– Thế tại sao anh lại bỏ chạy khi trông thấy bà này bước ra? – À, tôi tưởng đấy là bà vợ tôi.
Hai người bạn ngồi trong một quán bar đang kể cho nhau nghe về những giấc mơ của họ.
-Một người nói: Tôi mơ thấy mình đang đi nghỉ mát. Chỉ có tôi, cái cần câu và một cái hồ lớn tuyệt đẹp. Thật thơ mộng làm sao.
– Người kia kể: Tối qua, tôi cũng có một giấc mơ đẹp, Tôi mơ thấy mình đang trong vòng tay của hai cô gái xinh đẹp và cả ba đã có một đêm thật tuyệt!
Người đầu tiên mở to mắt nói:
– Cái gì, anh ở với hai cô gái xinh đẹp mà lại không gọi cho tôi à? Anh thật là đồ….
– Ồ có chứ, Người kia trả lời:
– Tôi đã gọi nhưng vợ anh nói anh đi câu cá rồi!!!
Một phụ nữ đang nằm trên giường cùng người tình thì nghe thấy tiếng đập cửa của ông chồng.
Cô vội vã lôi anh chàng vào góc nhà, bôi dầu trẻ em và rắc phấn rôm lên người anh ta.
– Đứng yên ở đây nhé! – Cô nàng thì thầm – Hãy giả vờ anh là một pho tượng.
Ông chồng bước vào nhà và nhìn thấy”pho tượng”.
– Gì thế, cưng?
– À, một pho tượng thôi mà – Người đàn bà trả lời không chút bối rối – Em thấy gia đình hàng xóm mua về một bức tượng bày phòng ngủ rất đẹp. Em thích lắm bèn mua một bức tương tự cho chúng mình.
Cả hai vợ chồng không đả động gì đến pho tượng nữa và lên giường đi ngủ. Khoảng 2 giờ sáng, người chồng ra khỏi giường, xuống bếp và một lát sau quay lại với một ổ bánh mì và một ly sữa. Anh ta nói với “pho tượng”:
– Ăn chút gì đó đi. Cậu may mắn lắm đấy vì tớ đã đứng như một thằng đần ở nhà hàng xóm suốt 3 ngày đêm mà chẳng được ai mời lấy một ngụm nước.
Có hai vợ chồng nọ sống ở sâu dưới những ngọn đồi và rất hiếm khi thấy người qua lại. Một hôm, có người bán hàng rong đi qua, anh ta nhìn thấy ông chồng ngoài cửa nên vồn vã chào mời:
– Ông hay bà nhà có muốn mua thứ gì không?
– Vợ tôi không có ở nhà, nhưng mà anh có gì vậy?
Người bán hàng rong liền đưa ra các vật dụng gia đình, nào là chảo, xoong, nồi… Tuy nhiên, ông chồng chẳng chú ý lắm mà chỉ nhìn vào một cái gương. Ông chồng hỏi: Cái gì thế?
Đoạn ông ta cầm nó lên nhìn rồi nói tiếp: Ôi lạy Chúa hình của bố tôi đây mà, nó đẹp thật! Bán cho tôi cái này.
Sau khi mua chiếc gương, ông ta rất lo lắng vì sợ bà vợ keo kiệt biết mình đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua một đồ vật vô bổ, ông ta liền giấu nó vào trong kho sau những thùng đồ.
Sau đó, ngày nào ông chồng cũng đến kho và nhìn vào tấm hình trong cái gương hai ba lần khiến bà vợ sinh nghi.
Thế là một ngày nọ bà chờ chồng đi ngủ rồi đi vào nhà kho và tìm thấy cái gương, bà ta cầm nó lên nhìn rồi nói thầm: Thì ra đây chính là mụ đàn bà xấu xí mà mấy hôm nay ông ta đang tán tỉnh!!!