Tin khắp nơi – 21/05/2017
Trump kêu gọi Hồi giáo đoàn kết chống khủng bố
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Chủ nhật đã kêu gọi đoàn kết Hồi giáo trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông phát biểu tại Riyadh trước hàng chục nhà lãnh đạo Ả-rập và Hồi giáo tại hội nghị thượng đỉnh khu vực rằng đó là “cuộc chiến giữa thiện và ác”.
Đây không phải là cuộc chiến giữa các tôn giáo khác nhau, các giáo phái khác nhau, hoặc các nền văn minh khác nhau. Đây là cuộc chiến giữa bọn tội phạm man rợ, những kẻ tìm cách hủy diệt đời sống con người, và những người tử tế thuộc tất cả các tôn giáo, những người muốn bảo vệ đời sống con người
Tổng thống Trump
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị tổng thống, ông Trump nói Hoa Kỳ muốn có một liên minh các quốc gia “cùng chia sẻ mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa cực đoan”.
Ông Trump phát biểu: “Đây không phải là cuộc chiến giữa các tôn giáo khác nhau, các giáo phái khác nhau, hoặc các nền văn minh khác nhau. Đây là cuộc chiến giữa bọn tội phạm man rợ, những kẻ tìm cách hủy diệt đời sống con người, và những người tử tế thuộc tất cả các tôn giáo, những người muốn bảo vệ đời sống con người”.
Ông Trump, người đang tìm cách cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với người Hồi giáo từ 6 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, nơi các cuộc tấn công khủng bố đã xảy ra, đã không sử dụng cụm từ gây tranh cãi “chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan”, như ông đã thường xuyên dùng trong các bài diễn văn ở Hoa Kỳ. Thay vào đó, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo Hồi giáo đối mặt một cách trung thực với “cuộc khủng hoảng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và các nhóm khủng bố Hồi giáo mà chủ nghĩa cực đoan đã truyền cảm hứng”.
Ông đặt câu hỏi: “Liệu chúng ta có vô cảm trước cái ác hay không?”
Ông Trump nói rằng chống lại chủ nghĩa khủng bố “có nghĩa là sát cánh với nhau chống lại việc giết người Hồi giáo vô tội, đàn áp phụ nữ, bức hại của người Do Thái, và tàn sát các Kitô hữu. Các lãnh tụ tôn giáo cần phải nêu thật rõ điều này: Sự dã man sẽ không mang lại vinh quang, hết mình vì cái ác sẽ không mang lại phẩm giá”.
Ông nói: “Mỹ là quốc gia có chủ quyền và ưu tiên hàng đầu của chúng tôi luôn là sự an toàn và an ninh của công dân chúng tôi. Chúng tôi không có mặt ở đây để rao giảng – chúng tôi không ở đây để bảo người khác sống ra sao, phải làm gì, hay thờ phượng như thế nào. Thay vào đó, chúng tôi đang ở đây để mời hợp tác dựa trên các mối quan tâm và lợi ích chung để mưu cầu một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả chúng ta. Mỗi khi một kẻ khủng bố giết người vô tội, và nhân danh Thượng Đế một cách sai trái, điều đó hẳn là một sự xúc phạm đối với tất cả những ai có đức tin”.
Chủ nghĩa khủng bố đã lan khắp thế giới. Nhưng con đường đi đến hòa bình bắt đầu ngay tại đây, trên vùng đất cổ này, trong vùng đất thiêng này … Nước Mỹ sẵn sàng sát cánh với quý vị trong việc mưu cầu những lợi ích và an ninh chung … Đoàn kết lại, chúng ta không thể thất bại
Tổng thống Trump
Ông Trump nói: “Chủ nghĩa khủng bố đã lan khắp thế giới. Nhưng con đường đi đến hòa bình bắt đầu ngay tại đây, trên vùng đất cổ này, trong vùng đất thiêng này”. Ông nhấn mạnh rằng “Nước Mỹ sẵn sàng sát cánh với quý vị trong việc mưu cầu những lợi ích và an ninh chung”.
Ông khẳng định: “Đoàn kết lại, chúng ta không thể thất bại”.
Trước khi đọc diễn văn, Tổng thống Hoa Kỳ đã gặp gỡ với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh gồm sáu nước thành viên để thảo luận về những sự khác biệt với Iran và cách đối phó với Tehran, cũng như cách trấn áp các thành phần chủ chiến Hồi giáo.
Bài diễn văn của ông Trump là một bước ngoặt đáng ngạc nhiên của vị tổng thống sau những lời lẽ to tát của ông về “nước Mỹ trên hết” cũng như lời kêu gọi của ông khi tranh cử là cấm du hành hoàn toàn đối với người Hồi giáo, về sau ông ta đã giảm bớt bằng cách kêu gọi một lệnh cấm du hành có tính chất hạn chế đối với người từ 6 nước có dân theo Hồi giáo chiếm đa số. Nỗ lực của ông đã bị các tòa án Hoa Kỳ chặn lại, mặc dù vậy, ông Trump đang khiếu nại các phán quyết định của tòa.
Đây là lần đầu tiên Ả-rập Xê-út là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bất kỳ một vị Tổng thống Mỹ nào. Quốc gia nhiều dầu mỏ có quan hệ lâu năm về năng lượng và quốc phòng với Hoa Kỳ không nằm trong lệnh cấm du hành của ông Trump.
http://www.voatiengviet.com/a/trump-keu-goi-hoi-giao-doan-ket-chong-khung-bo/3864002.html
Seoul nói Bắc Hàn phóng tên lửa đạn đạo
Quân đội Hàn Quốc nói dường như Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo.
Tham mưu trưởng Liên quân ở Seoul nói tên lửa phóng đi vào chiều Chủ nhật từ tỉnh Nam Pyeongan, và bay khoảng 500 km trước khi rơi xuống biển.
Một tuyên bố chung của Tham mưu trưởng Liên quân cho hay “Quân đội chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu về hành động khiêu khích thêm nữa của quân đội Bắc Triều Tiên và chúng tôi đang duy trì sự sẵn sàng quân sự toàn diện”.
Một quan chức Tòa Bạch Ốc nói: “Chúng tôi biết rằng Bắc Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung. Hệ thống này, được thử nghiệm lần gần nhất hồi tháng 2, có tầm bay ngắn hơn các tên lửa được phóng trong ba cuộc thử gần đây nhất của Bắc Triều Tiên”.
Phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ David Benham nói bộ tư lệnh này đã “phát hiện và theo dõi vật thể mà chúng tôi đánh giá là một tên lửa của Bắc Triều Tiên và nó đã rơi xuống biển Nhật Bản”. Ông nói bộ tư lệnh sẽ “tiếp tục theo dõi chặt chẽ hành động của Bắc Triều Tiên” và “hậu thuẫn cam kết mạnh mẽ của chúng tôi đối với an ninh của các đồng minh của chúng tôi ở Hàn Quốc và Nhật Bản”.
Hãng tin AP đưa tin Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã họp Hội đồng An ninh Quốc gia tại dinh tổng thống, còn gọi là Nhà Xanh, để thảo luận vụ phóng tên lửa.
Bắc Triều Tiên đã tiến hành một loạt các cuộc thử tên lửa từ đầu năm ngoái với nhịp độ chưa từng có.
Một tuần trước, Bắc Triều Tiên nói họ đã tiến hành thành công cuộc thử loại tên lửa tầm xa mới được phát triển, dưới sự giám sát của lãnh đạo Kim Jong Un và nhằm xác minh khả năng mang một “đầu đạn hạt nhân hạng nặng cỡ lớn”.
http://www.voatiengviet.com/a/seoul-noi-bac-han-phong-ten-lua-dan-dao/3863960.html
Các nước cố giữ TPP không có Mỹ
Nhật Bản và các thành viên khác của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đồng ý hôm Chủ nhật tiếp tục theo đuổi hiệp định thương mại này mà không có Hoa Kỳ tham gia. Cùng lúc, chính sách “nước Mỹ trước hết” của ông Trump đã tạo ra căng thẳng tại hội nghị của các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Những xáo trộn trong các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu đã thể hiện hết ra tại một hội nghị của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), hội nghị đã không thể nhất trí về tuyên bố chung sau khi Hoa Kỳ phản đối lời văn nói về tự do thương mại và chống chủ nghĩa bảo hộ.
Hội nghị ở Hà Nội, Việt Nam, là hội nghị thương mại toàn cầu lớn nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phê phán trật tự cũ, lập luận rằng các hiệp định thương mại tự do đa phương làm mất nhiều việc làm của Mỹ và ông muốn đạt được các hiệp định mới.
Bên lề hội nghị APEC, 11 quốc gia còn lại của TPP đã đồng ý tìm cách để họ có thể tiếp tục thực hiện hiệp định mà không có đất nước nắm vai trò lãnh đạo là Hoa Kỳ, họ phần nào hy vọng Washington sẽ xem xét lại việc rời khỏi hiệp định.
Tôi tin rằng sau này sẽ có một loạt thỏa thuận song phương với các đối tác trong khu vực này. Đàm phán song phương tốt hơn cho Hoa Kỳ
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Lighthizer
Đại diện Thương mại mới của Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói không có chuyện quay trở lại.
Ông Lighthizer, 69 tuổi, từng là nhà đàm phán thương mại thời Tổng thống Reagan, nói trong một cuộc họp báo: “Tôi tin rằng sau này sẽ có một loạt thỏa thuận song phương với các đối tác trong khu vực này. Đàm phán song phương tốt hơn cho Hoa Kỳ”.
Mặc dù các thành viên TPP vẫn duy trì hiệp định thương mại này, họ thiếu một cam kết hết lòng đối với việc thúc đẩy ngay lập tức một hiệp định mà các thành viên cũng xem nó như là một cách để kiềm chế một Trung Quốc đang ngày càng chiếm ưu thế.
Một trong những thách thức lớn nhất là giữ lại được Việt Nam và Malaysia, hai nước đã đăng ký tham gia TPP và hứa sẽ thực hiện những cải cách lớn để được tiếp cận tốt hơn với Hoa Kỳ.
Lượng thương mại giữa các nước còn lại chỉ bằng một phần tư so với mức của trường hợp giả sử Hoa Kỳ vẫn ở trong TPP.
Các quan chức của các quốc gia TPP sẽ gặp lại nhau tại Nhật Bản vào tháng 7 và đưa ra các đề xuất trong tháng 11, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết.
Chủ nghĩa bảo hộ
Những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ đã tăng lên dưới thời Tổng thống Trump. Thêm vào đó, việc các nước Châu Á-Thái Bình Dương không thể nhất trí về tuyên bố chung đã không giúp ích gì cho việc ngăn chặn những lo ngại đó.
Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi muốn thương mại tự do, chúng tôi muốn thương mại công bằng, chúng tôi muốn có một hệ thống dẫn đến hiệu quả thị trường lớn hơn trên toàn thế giới
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Lighthizer
Hoa Kỳ đã chống lại lời văn đã được 20 quốc gia APEC khác đồng ý. Đó là lời văn ủng hộ tự do thương mại và phản đối chủ nghĩa bảo hộ, các quan chức tại các hội nghị cho biết.
Một tuyên bố của vị chủ tọa Việt Nam tại hội nghị đưa ra “cam kết thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư”.
Tuy nhiên, thông cáo duy nhất từ tất cả các thành viên là một “Tuyên bố Hành động” không có cam kết như vậy. Tuyên bố đề cập đến các chủ đề như tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp nhỏ và hợp tác kỹ thuật.
Sự bất đồng này cũng tương tự như những gì đã xảy ra tại các hội nghị G20 và hội nghị lãnh đạo tài chính của G7, ở đó các tuyên bố đã được điều chỉnh để phù hợp với chương trình nghị sự mới của Hoa Kỳ.
Giải thích về sự phản đối của Hoa Kỳ đối với việc sử dụng thuật ngữ bảo hộ mậu dịch, Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer nói thuật ngữ này đang bị nhầm lẫn với các bước thực sự cần thiết để thúc đẩy thương mại tự do.
Ông nói: “Quan điểm của chúng tôi là chúng tôi muốn thương mại tự do, chúng tôi muốn thương mại công bằng, chúng tôi muốn có một hệ thống dẫn đến hiệu quả thị trường lớn hơn trên toàn thế giới”.
(theo Reuters)
http://www.voatiengviet.com/a/cac-nuoc-co-giu-tpp-khong-co-my/3863943.html
Trung Quốc giết nguồn kín, tổn hại CIA
Khoảng gần 20 mật thám của CIA đã bị giết hoặc bắt giam bởi chính phủ Trung Quốc từ 2010 đến 2012, theo như tờ New York Times, làm tổn hại đến hoạt động tình báo của Hoa Kỳ tại nước này trong nhiều năm.
Hiện không rõ CIA đã bị tấn công hay một gián điệp đã giúp Trung Quốc phát hiện danh tính các mật thám, các quan chức nói với tờ Times.
Họ nói rằng một viên mật thám đã bị bắn chết trong sân của một tòa nhà chính phủ như một lời cảnh cáo.
Bốn cựu nhân viên CIA nói với tờ báo rằng nguồn thông tin bên trong chính phủ Trung Quốc bắt đầu cạn kiện dần trong năm 2010. Các mật thám viên lại bắt đầu mất tích đầu 2011.
CIA và FBI đã bắt tay vào điều tra các sự kiện mà một nguồn nói bí danh là Honey Badger.
Tờ báo này nói cuộc điều tra này tập trung vào một cựu mật thám của CIA nhưng không có đủ bằng chứng để bắt giữ ông ta. Hiện ông ta đang sống ở một quốc gia châu Á khác.
Năm 2012, một quan chức tại bộ quốc phòng Trung Quốc đã bị bắt giữ vì nghi ngờ làm gián điệp cho Mỹ. Ông được cho là bị lừa để gia nhập vào CIA. Không có cuộc điều tra nào khác được công bố với công chúng trong thời điểm đó.
Matt Apuzzo, một phóng viên của tờ New York Times điều tra vụ việc này nói với BBC:
“Một trong những điều thật sự đáng lo ngại là chúng ta vẫn thực sự không biết điều gì đã xảy ra.
“Có một sự chia rẽ trong nội bộ chính phủ Mỹ về việc liệu là do một nội gián hay là vấn đề kĩ năng, rằng các viên mật thám đã sơ hở và bị phát hiện, hay là Trung Quốc đã đột nhập vào hệ thống.”
Một vài năm sau, vào 2015, CIA triệu hồi các nhân viên khỏi đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, sau khi có một vụ tấn công mạng được cho là do Trung Quốc đứng đằng sau đã làm tiết lộ hàng triệu nhân viên chính phủ Mỹ.
Sự biến mất của nhiều gián điệp đã làm tổn hại đến một hệ thống phải mất nhiều năm để xây dựng và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tình báo nhiều năm tới, khiến ngay cả trong nội bộ chính phủ Obama cũng đặt câu hỏi tại sao hoạt động tình báo đã bị chậm lại.
Các quan chức nói đây là một trong những lỗ hổng an ninh tồi tệ nhất trong những năm gần đây.
Năm 2013, chính phủ Trung Quốc lại mất khả năng định dạng các mật thám Hoa Kỳ, và CIA tiếp tục tái thiết lập hệ thống tình báo.
Ông Apuzzo nói thêm: “Trong nhiều năm Trung Quốc và Hoa Kỳ luôn giáp công trong trận chiến tình báo sau hậu trường. Khi điều tra về vụ việc này, chúng tôi cũng phát hiện ra tình báo Trung Quốc đã thâm nhập vào tiền đồn của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ tại Đài Loan.
Chính phủ Trump đã bổ nhiệm Terry Branstad, thống đốc bang Iowa, làm đại sứ Trung Quốc nhưng ông vẫn chưa chuyển đến Bắc Kinh.
Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, không đưa ra lời bình luận nào, nhưng trong một thông cáo báo chí gần đây, ông đề cập đến “đà phát triển tích cực mà cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ đều đang tận hưởng.”
http://www.bbc.com/vietnamese/world-39989866
Trump ở Ả Rập Xê-út:
Vua trao huân chương, ký hợp đồng 100 tỉ
Quốc vương Ả Rập Xê-út Salman bin Abdulaziz và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký một hợp đồng trị giá gần 110 tỉ đôla hôm thứ Bảy 20/5, để tăng cường khả năng quân sự của Ả Rập Xê-út.
Hợp đồng quốc phòng này có hiệu lực tức thời, và chỉ là một trong hàng loạt thỏa thuận mà hai nước đã ký để củng cố các quan hệ đối tác quân sự và kinh tế, kể cả có một hợp đồng quốc phòng thứ nhì với các dự án có trị giá lên tới 350 tỉ đôla trong 10 năm tới.
“Đây là một ngày hết sức tuyệt vời”, Tổng thống Trump nói trong cuộc hội kiến với Thái từ Ả Rập Xê-út Muhammad bin Nayef tại một khách sạn ở Riyadh.
Ông Trump nói thêm “Việc làm, việc làm và việc làm!”, ám chỉ các cơ hội nhân dụng mà các thỏa thuận này cung cấp.
Trong một thông báo, Toà Bạch Ốc nói các thỏa thuận về quốc phòng sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty Mỹ ở Trung Đông, và hỗ trợ “hàng chục ngàn” việc làm mới trong lĩnh vực quốc phòng tại Hoa Kỳ.
Thông cáo của Toà Bạch Ốc còn nói các hợp đồng này sẽ giúp hai nước giải quyết các mối đe dọa chung hữu hiệu hơn.
Bao gồm trong các thỏa thuận quốc phòng, 6 tỉ đôla được cam kết cho một dự án lắp ráp máy bay trực thăng Blackhawk của tập đoàn Lockheed Martin ở Ả Rập Xê-út. Dự kiến dự án này có khả năng tạo 450 việc làm ở Ả Rập Xê-út.
Gói thỏa thuận quốc phòng còn bao gồm nhiều tàu chiến, xe tăng, hệ thống phòng thủ phi đạn, và công nghệ an ninh mạng.
Bên cạnh đó, tập đoàn General Electric của Mỹ hôm thứ Bảy cho biết đã ký nhiều hợp đồng trị giá 15 tỉ đôla với các tổ chức Ả Rập Xê-út.
Saudi Aramco dự kiến công ty này sẽ ký các hợp đồng trị giá 50 triệu đôla với các công ty Mỹ trong một nỗ lực nhằm đa dạng hóa nền kinh tế của vương quốc, ra ngoài lĩnh vực xuất khẩu dầu hỏa.
Trước đó trong ngày, Vua Salman đã trao huân chương dân sự cao quý nhất của vương quốc Ả Rập Xê-út cho Tổng thống Trump trong một cuộc gặp gỡ tại Cung điện Hoàng gia ở Riyadh.
Hiện diện trong buổi lễ có Đệ nhất Phu nhân Melania, ái nữ Tổng thống Ivanka, Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Chánh Văn phòng Tổng thống Reince Priebus, Cố vấn Chiến lược Steve Bannon và cố vấn Tổng thống Jared Kushner, cũng là con rể của ông Trump.
Lãnh đạo NATO chờ ông Trump tới thăm với nhiều âu lo
Trong chuyến công du đầu tiên ra nước ngoài, Tổng thống Donald Trump sẽ gặp lãnh đạo các nước thành viên NATO khác ở Bruxelles. Một số nhà lãnh đạo rất lo ngại về cam kết Tổng Thống Mỹ đối với liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO), một liên minh trong đó Hoa Kỳ đã đóng vai trò chủ lực từ khi thành lập vào lúc khởi đầu Chiến tranh lạnh.
Tổng thống Trump cho biết ông đã thay đổi ý kiến sau khi gặp gỡ Tổng Thư Ký NATO vào tháng trước. Ông nói:
“Trước đây tôi nói NATO đã lỗi thời, NATO không còn lỗi thời nữa.”
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã gây lo ngại cho các thành viên NATO khi ông cam kết sẽ đưa ra một lập trường về thế giới có tính cách dân tộc chủ nghĩa và có khuynh hướng cô lập hóa. Nhưng sau rốt, lập trường đó được coi là không thực tế, theo lời một số nhà phân tích.
Giáo sư James Goldgeier thuộc đại học American phát biểu:
“Trước đây, ông Trump nhận những thông tin khá sai lạc. Bây giờ vẫn không rõ ông ấy được thông tin tốt hơn thế nào, nhưng rất khó có thể vứt bỏ một liên minh đã được Hoa Kỳ đặt ở hạng ưu tiên đầu trong chính sách an ninh quốc gia từ năm 1949 cho tới bây giờ.”
Các cố vấn hàng đầu nói ông Trump sẽ mang theo thông điệp đó tới Bruxelles. Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster:
“Tổng thống Trump hiểu rằng chính sách Nước Mỹ Trên Hết không có nghĩa là Nước Mỹ đơn độc. Ngược lại, đặt các lợi ích của nước Mỹ lên hàng ưu tiên cao hơn có nghĩa là phải củng cố các quan hệ liên minh và đối tác khả dĩ có thể giúp chúng ta nới rộng ảnh hưởng và cải thiện an ninh của nhân dân Mỹ.”
Tuy nhiên ông Trump vẫn duy trì lập trường cứng rắn về một vấn đề, ông nhấn mạnh tất cả các nước hội viên NATO phải chia sẻ gánh nặng một cách công bằng bằng cách thực thi cam kết sẽ đóng góp 2% GDP cho ngân sách quân sự của mình.
Ông Stephen Blank thuộc Hội đồng Chính sách Đối ngoại Hoa Kỳ, nhận định:
“Vấn đề đặt ra ở đây là, những khoản đầu tư đó sẽ mang lại kết quả nào? Họ phải làm rất nhiều điều trước khi có thể đuổi kịp. Họ chỉ mới bắt đầu đổ ra những khoản đầu tư cần thiết. Và lẽ dĩ nhiên, là phải thành lập một lực lượng đa quốc, rồi hội nhập lực lượng đó thành một đơn vị chiến đấu có quy củ.”
Những người ủng hộ NATO nói rằng trong bối cảnh nước Nga đang trở nên ngày càng trở nên hung hăng hơn, vùng Trung Đông đang tan rã và chiến dịch chống khủng bố vẫn kéo dài tại Afghanistan và nhiều nơi khác, thì sự hiện diện của liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương, tức NATO, vẫn cần thiết hơn bao giờ hết. Những người này hy vọng các nguyên thủ quốc gia khác tham dự hội nghị thượng đỉnh Bruxelles, có thể thuyết phục Tổng thống Trump về thực tế đó.
http://www.voatiengviet.com/a/lanh-dao-nato-cho-ong-trump-toi-tham-voi-nhieu-au-lo/3863210.html
Tillerson: Mỹ choáng về bạo lực tại ĐSQ Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoại trưởng Rex Tillerson nói Hoa Kỳ đã bày tỏ với các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ rằng Hoa Kỳ “choáng váng” về vụ bạo lực hồi tuần trước, trong đó nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã tấn công người biểu tình ở Washington.
Ông Tillerson nói với Fox News rằng đại sứ của Thổ Nhĩ Kỳ tại Hoa Kỳ đã được thông báo rằng vụ bạo lực hôm thứ Ba tuần trước “đơn thuần là không thể chấp nhận được”.
Ông nói: “Đang có một cuộc điều tra”, và nói thêm ông sẽ chờ kết quả điều tra trước khi quyết định có thêm động thái chính thức.
Vụ xô xát xảy ra giữa nhân viên an ninh Thổ Nhĩ Kỳ và người biểu tình bên ngoài tư dinh đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến thăm Washington của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Những người biểu tình nói họ đã bị lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ tấn công khi họ biểu tình ôn hòa. Thổ Nhĩ Kỳ đổ lỗi cho người biểu tình về vụ xô xát, khẳng định là họ đã kích động những người tụ tập để nhìn thấy ông Erdogan.
Ban Thổ Nhĩ Kỳ của VOA đã ghi lại hình ảnh tại hiện trường cho thấy các vệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đột nhiên tấn công người biểu tình, đánh ngã họ và đá họ cho đến khi cảnh sát Hoa Kỳ tách những người Thổ ra khỏi nhau. Video này cho thấy ông Erdogan đứng bên cạnh chiếc limousine, xem vụ xô xát.
Một số nhà lập pháp Mỹ đã yêu cầu Hoa Kỳ hành động mạnh mẽ hơn, trong đó có Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, ông đã kêu gọi trục xuất đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ.
http://www.voatiengviet.com/a/tillerson-my-choang-ve-bao-luc-tai-dsq-tho-nhi-ky/3864109.html
Tòa án binh Ai Cập xử 48 kẻ đánh bom
Nhà chức trách Ai Cập đã chuyển 48 người cho tòa án binh xét xử việc những người này bị cáo buộc dính líu vào 3 vụ đánh bom nhà thờ gây chết chóc.
Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố trách nhiệm về các vụ đánh bom tự sát nhắm mục tiêu là các nhà thờ hồi tháng 12 và tháng 4.
Công tố viên Ai Cập nói một số nghi phạm bị cáo buộc đã hình thành các ổ nhóm khủng bố ở Cairo và tỉnh miền nam Qena, để thực hiện các vụ tấn công.
Một vụ đánh bom vào tháng 12 đã nhắm mục tiêu là Cairo, trong khi các nhà thờ Coptic đã bị tấn công hồi tháng 4 ở Tanta và Alexandria. Hơn 70 người đã thiệt mạng.
Sau cuộc tấn công tháng 4, Ai Cập đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài ba tháng.
http://www.voatiengviet.com/a/toa-an-binh-ai-cap-xu-48-ke-danh-bom/3864097.html
Vì sao Pháp điều tra vụ bán tàu ngầm cho Brazil?
Các công tố viên tài chính Pháp đã mở một cuộc điều tra vụ mua bán trị giá khoảng 7,5 tỷ đôla năm 2008 giữa nhà cung cấp khí tài hải quân DCNS và Brazil, trong đó có vụ bán 5 tàu ngầm.
Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết như vậy hôm 21/5, xác nhận thông tin do tờ Le Parisien đăng tải trước đó.
Nguồn tin này nói với hãng tin của Anh rằng cuộc điều tra bắt đầu tháng 10 năm ngoái về khả năng “tham nhũng của các quan chức nước ngoài”.
Động thái trên có liên quan tới một cuộc điều tra trên diện rộng của Brazil từ năm 2014 về khả năng hối lộ dính tới hàng trăm chính trị gia và quan chức.
Reuters đưa tin rằng DCNS bác bỏ đã gây ra bất kỳ hành động sai trái nào, nhấn mạnh công ty “hoàn toàn tôn trọng luật lệ trên thế giới”.
Các công tố viên Pháp viết trên Twitter hôm 12/5 rằng họ đã trao đổi với người đứng đầu Tòa án Tối cao Brazil và thăm văn phòng chống tham nhũng của nước này, nhưng không đề cập tới cuộc điều tra mà Le Parisien đưa tin.
Tờ Folha de S. Paulo đăng tin hồi năm 2015 rằng cảnh sát liên bang Brazil đã điều tra những bất thường trong chương trình quân sự nhằm sản xuất một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mà nước này hợp tác với Pháp vào năm 2023.
Tờ báo không đề cập liệu DCNS, mà nhà nước Pháp sở hữu 62% cổ phần, có bị điều tra hay không.
http://www.voatiengviet.com/a/phap-dieu-tra-vu-ban-nam-tau-ngam-cho-brazil/3864087.html
Cúm gà bùng phát, Trung Quốc đóng chợ gia cầm
Trung Quốc sẽ đóng cửa chợ gia cầm tại một số quận, huyện ở hai thành phố sau khi phát hiện cúm gia cầm H7N9.
Reuters dẫn lại tin mà truyền thông của quốc gia đông dân nhất thế giới đăng hôm 21/5. Đây là vụ mới nhất trong đợt bùng phát dịch nghiêm trọng hơn trong năm nay.
Một người đàn ông 44 tuổi bán gia cầm tại một khu chợ nông sản ở thành phố Tự Cống thuộc tỉnh Tứ Xuyên đã được chẩn đoán nhiễm H7N9.
Sau đó, chính quyền địa phương đã thông cáo đóng cửa chợ gia cầm trong vòng một tháng tại quận Tự Lưu Tỉnh kể từ nửa đêm ngày 22/5.
Trong một diễn biến khác, một người đàn ông 74 tuổi cũng bị nhiễm H7N9 sau khi tới một chợ gia cầm ở thành phố Tân Châu thuộc tỉnh Sơn Đông.
Vụ nhiễm bệnh đã khiến chính quyền đóng cửa chợ gia cầm tại ba quận huyện của thành phố này.
H7N9 có thể gây nhiễm ở người. Các trường hợp cúm gia cầm đã tăng cao bất thường ở Trung Quốc kể từ năm ngoái.
Các ca tử vong trong những tháng đầu năm nay cao gấp 3 lần so với cả năm ngoái. Nhưng số người chết trong tháng Tư giảm tháng thứ ba liên tiếp, theo Reuters.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-dong-cua-cho-gia-cam-vi-cum-ga-bung-phat/3863999.html
Bắc Hàn ‘dập tắt hy vọng hòa bình liên Triều’
Hàn Quốc nói rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Bắc Hàn dập tắt hy vọng của tân chính quyền Seoul về hòa bình giữa hai quốc gia láng giềng.
Đây là vụ phóng thứ hai của quốc gia cộng sản trên bán đảo Triều Tiên trong vòng một tuần, mà một quan chức Hàn Quốc được Reuters trích lời nhận định rằng “đã được nâng cấp”.
Theo hãng tin của Anh, hai vụ phóng tên lửa trong vòng một tuần làm phức tạp các kế hoạch tìm cách làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Ông Moon nhận nhiệm sở 11 ngày trước, sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử với cương lĩnh trong đó nêu ra một cách tiếp cận ôn hòa hơn đối với Bắc Hàn.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nói rằng các vụ phóng thử là “những hành động liều lĩnh và vô trách nhiệm, dội gáo nước lạnh lên hy vọng và mong muốn của tân chính phủ và của cộng đồng quốc tế về hòa bình và môt bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng vụ phóng mới nhất là một “thách thức đối với nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm tìm gia một giải pháp hòa bình”.
Lâu nay, chính quyền Bình Nhưỡng phớt lờ mọi lời kêu gọi ngưng chương trình tên lửa và hạt nhân, kể cả từ Trung Quốc, đồng minh lớn duy nhất của Bắc Hàn, với tuyên bố rằng nước này cần vũ khí để phòng vệ một cách chính đáng.
Bình Nhưỡng hôm 20/5 tuyên bố rằng nước này đã phát triển được loại tên lửa có khả năng đánh trúng Hoa Kỳ, nhưng các chuyên gia phương Tây cho rằng tuyên bố này đã bị thổi phồng.
http://www.voatiengviet.com/a/bac-han-dap-tat-hy-vong-hoa-binh-lien-trieu/3863977.html
Đại diện thương mại Mỹ đưa chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’
tới hội nghị APEC
Đại diện thương mại mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức những cuộc họp đầu tiên với một số đối tác quan trọng hôm thứ Bảy trong khi Mỹ theo đuổi chính sách “Nước Mỹ Trên hết” vốn đã làm đảo lộn trật tự toàn cầu cũ và làm dấy lên nỗi lo sợ về chủ nghĩa bảo hộ.
Ông Robert Lighthizer đã gặp gỡ các bộ trưởng từ Canada và Nhật Bản bên lề một cuộc họp của các nước thuộc tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Hà Nội của Việt Nam, là cuộc họp thương mại lớn nhất kể từ khi ông Trump nhậm chức.
Các thành viên APEC chiếm hơn 40 phần trăm khối lượng thương mại của thế giới.
Ông Lighthizer và bộ trưởng kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, Hiroshige Seko, đồng ý củng cố thương mại song phương và loại bỏ những rào cản, một thông cáo từ đại diện thương mại Mỹ cho biết.
“Cụ thể, hai bên nhất trí củng cố hợp tác để giải quyết những lo ngại chung liên quan tới những tập tục thương mại không công bằng mà các nước thứ ba sử dụng,” thông cáo nói.
Ông Lighthizer trước đây đã chỉ trích Trung Quốc về điều mà ông mô tả là những tập tục thương mại không công bằng, mặc dù ông Trump đã từ bỏ luận điệu chống Trung Quốc của chiến dịch vận động tranh cử.
Từ “công bằng” ngày càng đi vào kho từ vựng thương mại của Mỹ cùng với từ “tự do” mà Mỹ thường lặp đi lặp lại trong khi ông Trump nỗ lực làm nhiều hơn nữa để thực thi hoặc đàm phán lại những hiệp định thương mại với danh nghĩa bảo vệ công ăn việc làm của Mỹ – đặc biệt là trong ngành sản xuất.
Một bản dự thảo thông cáo của hội nghị APEC sẽ được công bố vào Chủ Nhật mà Reuters đã xem qua nhấn mạnh tự do thương mại và cảnh báo về những mối nguy hiểm của chủ nghĩa bảo hộ.
Nhưng điều rõ ràng là có những cách thức tiếp cận khác nhau tại Hà Nội.
Ông Lighthizer theo lịch trình sẽ gặp gỡ khoảng 12 đối tác ở đó, kể cả đại diện của Trung Quốc, một quan chức Mỹ cho biết. Ông Lightthizer, một luật sư kỳ cựu và là nhà đàm phán thương mại thời Tổng thống Reagan, chỉ mới được chuẩn thuận trong vai trò mới hồi đầu tháng này.
Trung Quốc, tự nhận là nước ủng hộ tự do thương mại toàn cầu sau khi Mỹ thay đổi chính sách, đang thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do để bao gồm phần lớn các nền kinh tế Châu Á. Hiệp định thương mại Châu Á mà nước này ủng hộ được gọi là Hiệp định Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.
Trong khi đó, Nhật Bản đang dẫn đầu các nước muốn duy trì hiệp định thương mại Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump đã từ bỏ, một trong những hành động đầu tiên của ông khi vừa nhậm chức. TPP không bao gồm Trung Quốc và bao gồm một phạm vi rộng hơn lớn so với hiệp định thương mại mà Bắc Kinh ủng hộ.
Những nhà đàm phán từ nhóm gọi là TPP-11 đã hội họp để thảo luận cách thức có thể xúc tiến thỏa thuận này. Các bộ trưởng từ nhóm này sẽ đưa ra quyết định đầu vào sáng Chủ nhật.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani tái đắc cử
Người dân Iran đã bỏ phiếu cho Tổng thống Hassan Rouhani thêm một nhiệm kỳ nữa. Truyền hình nhà nước hôm thứ Bảy tuyên bố ông Rouhani là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở nước cộng hòa Hồi giáo này, dễ dàng đánh bại đối thủ gần nhất của ông là giáo sĩ Ebrahim Raisi có chủ trương bảo thủ.
Ông Rouhani giành 57 phần trăm số phiếu trong số bốn ứng cử viên, trong khi ông Raisi về nhì với 38 phần trăm.
Số lượng cử tri bỏ phiếu đông đảo vào ngày thứ Sáu khiến nhà chức trách bầu cử phải gia hạn giờ bỏ phiếu đến nửa đêm. Một số cử tri đứng xếp hàng hàng tiếng đồng hồ để chờ bỏ phiếu.
Hơn 60.000 điểm bỏ phiếu hoạt động trên khắp cả nước để phục vụ 56 triệu cử tri có đăng ký của Iran.
Ông Rouhani đặt cược tương lai chính trị của mình vào thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt của Iran với Mỹ và các cường quốc khác, dẫn đến việc nới lỏng những chế tài kinh tế đối với Tehran. Ông Raisi chỉ trích thỏa thuận này vì nó vẫn giữ nguyên những chế tài nhắm vào ngành ngân hàng và tài chính của Iran.
Các nhà phân tích chính trị dự đoán ông Rouhani là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua này. Lịch sử cũng nghiêng về phía ông vì tất cả tổng thống đương nhiệm đều tái đắc cử kể từ năm 1981.
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-iran-hassan-rouhani-tai-dac-cu/3863437.html
Bắc Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo
Chủ Nhật 21/05/2017, Bình Nhưỡng lại thử tên lửa đạn đạo, vụ thứ 10 trong năm nay, bất chấp các phản ứng lên án và đe dọa gia tăng trừng phạt.
Theo quân đội Hàn Quốc, hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên phóng đi từ Puckchang, bay ra biển Nhật Bản khoảng 500 km. Seoul chưa biết là tên lửa loại nào nhưng cho biết quân đội đề phòng mọi động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi triệu tập Hội Đồng Bảo An.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ dường như xem nhẹ vụ thử tên lửa lần thứ 10 của Bắc Triều Tiên trong 5 tháng đầu năm nay. Theo AFP, một viên chức Mỹ tháp tùng chuyến công du của tổng thống Donald Trump tại Ả Rập Xê Út cho biết đó là một « tên lửa đạn đạo tầm trung » đã được thử lần đầu vào tháng hai, có tầm bay yếu hơn các tên lửa thử nghiệm ba lần gần đây nhất.
Sau vụ thử tên lửa Hwasong-12 cách nay một tuần mà theo Bình Nhưỡng có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, một cuộc họp kín của Hội Đồng Bảo An được triệu tập hôm 16/05. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley cho biết Mỹ và Trung Quốc đang chuẩn bị một dự thảo nghị quyết để trừng phạt thêm Bắc Triều Tiên.
Bất chấp nguy cơ bị gia tăng trừng phạt, chính quyền Bắc Triều Tiên, qua tờ báo chính thức Minju Joson, đe dọa sẽ phóng thêm tên lửa « để xóa sổ nước Mỹ nếu Washington ngoan cố đối đầu ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170521-bac-trieu-tien-lai-phong-ten-lua-dan-dao