Những mối đe dọa rình rập Bắc Kinh – Phạm Đức Duy
Suốt hơn thập niên qua, sự phát triển kinh tế của Trung Cộng (TC) được xem là một trong bốn phép lạ kinh tế trong vòng nửa thế kỷ vừa qua. So với ba phép lạ trước đây – Tây Đức sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản trong hai thập niên 70 và 80, Nam Hàn từ thập niên 70 đến giữa thập niên 90 – trường hợp của TC có lẽ được thế giới quan tâm đến nhiều nhất vì đây là lần đầu tiên có sự thành công vượt bực về kinh tế tại một quốc gia vẫn duy trì chế độ độc tài đảng trị và vì TC là quốc gia đông dân nhất thế giới nên sự phát triển kinh tế của nó đã tạo nhiều ảnh hưởng lớn toàn cầu.
Chỉ vài năm sau khi được chính thức gia nhập WTO, kinh tế TC tăng trưởng trung bình hơn 8.5%(1), vượt xa sự phát triển 5%(1) của Nhật ngày trước. Với GDP tăng gấp 4 lần và lượng xuất cảng tăng 5 lần trong suốt thập niên qua, mặc dù mức thu nhập đầu người còn rất thấp so với nhiều quốc gia tân tiến khác nhưng nhờ vào dân số trên 1.3 tỷ, TC đã trở thành một cường quốc kinh tế thứ 2 sau Hoa Kỳ với GDP tăng trên dưới 9% vào cuối năm 2011 trong khi Úc, Canada, Đức, Pháp, Anh chỉ đạt được từ trên 2% đến dưới 1%, riêng Nhật có GDP giảm 0.6% và Hoa Kỳ chỉ tăng 1.6%(1) . Cứ theo đà này, các chuyên gia kinh tế tiên đoán nền kinh tế TC sẽ qua mặt Hoa Kỳ và trở thành lớn nhất thế giới trong vòng 35, 40 năm nữa.
Nếu đúng như vậy có lẽ chúng ta nên hỏi tại sao trong một thể chế độc tài đảng trị, không có dân chủ, thiếu nhân quyền, đầy rẫy những bất công như ở TC lại có thể nảy sinh một nền kinh tế hàng đầu thế giới như vậy? So sánh với Ấn Độ, với dân số hơn 1.2 tỷ – sấp xỉ với TC – lại không bị cai trị bởi một đảng cộng sản, mặc dù vừa vượt qua Nhật Bản để xếp hạng 3 vào năm 2011 về GDP (PPP) với hơn $4,450 tỷ(1), vẫn thua xa $11,300 tỷ(1) GDP của TC. Có phải đây là lợi điểm của chế độ độc tài đã giúp đưa đến những quyết định và thay đổi, tuy không hài hòa cân xứng giữa kinh tế và chính trị, nhưng đã giúp TC trở thành một nước mạnh về kinh tế trong khi đại đa số người dân vẫn chưa thoát khỏi nghèo đói?
Nhiều năm qua đã có những công trình nghiên cứu không những chỉ riêng về kinh tế mà còn bao gồm cả những khía cạnh về chính trị, xã hội, con người cũng như những liên hệ giữa TC và các nước trên trường quốc tế để đánh giá khả năng của TC trong tương lai. Phần lớn những nỗ lực trên đều đi đến những kết luận có một điểm giống nhau: đó là TC đang và sẽ phải đối diện với những trở ngại lớn đe dọa đến sự phát triển kinh tế và có tiềm năng đảo ngược xu hướng đi lên.
Những trở ngại có ảnh hưởng rộng có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế hàng năm của TC trước hết là sự nghèo đói, bất ổn xã hội và nạn thất nghiệp. Khác xa với những con số Bắc Kinh công bố, tổng số thất nghiệp thực sự có khi lên tới gần 20% lực lượng lao động, hoặc khoảng 170 triệu người. Điều này phần lớn là do sự tăng dân số trong những năm 80, việc tư nhân hóa và giảm thiểu các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả và ảnh hưởng của những nỗ lực mà TC đã thực hiện theo cam kết của WTO. Cảnh nghèo đói ở vùng nông thôn đi kèm với gia tăng bất bình đẳng về thu nhập giữa các khu vực nông thôn và thành thị, làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị, tỷ lệ thất nghiệp ở các đô thị lên cao tạo nhiều bất ổn xã hội. Những điều này có thể làm giảm từ 0.3 tới 0.8%(2) mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của TC trong tương lai.
Thứ hai là nạn tham nhũng. Nạn tham nhũng trong giới cầm quyền đã đạt tới mức độ chưa từng thấy trong những năm vừa qua, đặc biệt trong các lãnh vực nhà nước độc quyền. Tham nhũng lan tràn có thể làm nguy hại đến sự phân bố tài nguyên. Nếu tham nhũng càng ngày càng nhiều, mức tăng trưởng hàng năm dự kiến sẽ giảm 0.5%.(2)
Thứ ba, TC gặp khó khăn trong các vấn đề nguồn nước, phân phối nước và sự ô nhiễm. Phía bắc, với hơn 33% dân số, chỉ có 7,5% nguồn cung cấp nước tự nhiên. Phía nam, thông thường có nhiều nguồn nước dồi dào, nhưng nhiều khi lại bị lũ lụt nghiêm trọng. Thải ô nhiễm từ các nguồn công nghiệp càng làm người dân và ngành công nghiệp ở phía bắc thiếu nước nhiều hơn. Chuyển nước từ miền nam ra bắc, tái chế hiệu quả hơn, bảo tồn nguồn nước ở phía bắc đều là những điều cần thiết và rất tốn kém. Nếu không có những chính sách đứng đắn, tăng trưởng GDP hàng năm của TC sẽ bị giảm từ 1.5 đến 1.9%(2) trong tương lai.
Thứ tư, năng lượng tiêu thụ và giá cả. Từ xuất cảng dầu trong những năm đầu thập niên 90, TC đã phải nhập cảng khoảng một nửa lượng dầu và 1/4 khí đốt tự nhiên cần dùng từ 10 năm nay. Sự tăng trưởng bền vững trong lĩnh vực năng lượng phụ thuộc vào giá xăng dầu. Giá tăng nhiều và kéo dài sẽ ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung.
Thứ năm, hệ thống tài chính và doanh nghiệp nhà nước yếu kém. Các tổ chức tài chính nhà nước của TC đang ở trong tình trạng tồi tệ với các khoản nợ xấu to lớn của bốn ngân hàng chính, ước lượng có thể lên đến hơn 60% GDP. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ vỡ nợ, giảm sút đáng kể trong quỹ tiết kiệm và vốn đầu tư. Một cuộc khủng hoảng tài chính và thắt chặt mức tín dụng như vậy có thể khiến mức tăng trưởng GDP hàng năm giảm sút ít nhất từ 0.5 đến 1%.(2)
Thứ sáu, đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể giảm sút. Trong hai thập niên qua, sự đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) mỗi năm càng nhiều và góp phần rất lớn trong sự phát triển kinh tế của TC. Từ $50 tỷ vào năm 2002 lên tới $105 tỷ năm 2010 và $116 tỷ năm ngoái. Những bất lợi nội bộ bao gồm những căng thẳng chính trị trong thời gian thay đổi lãnh đạo, nguy cơ khủng hoảng tài chính và giá trị của đồng yuan, cùng những trở ngại bên ngoài có thể khiến vốn đầu tư nước ngoài chuyển hướng sang vùng Đông Âu, Nga, Indonesia, Ấn Độ và các nước khác. Vốn đầu tư giảm $10 tỷ một năm có thể làm ảnh hưởng 0.6 đến 1.6%(2) GDP.
Ngoài ra, dịch bệnh cũng là một trở ngại. Người ta ước tính khoảng từ 600 ngàn đến 1.3 triệu người bị nhiễm HIV/AIDS, SARS và các dịch bệnh khác tại TC, với độ tăng từ 20 đến 30% hàng năm và số tử vong cao trong thập niên này. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của TC từ 1.7 đến 2%,(2) qua các chi phí điều trị và giảm năng suất.
Kế đến là xung đột với Đài Loan. Mặc dù trong những năm gần đây Hồ Cẩm Đào đã đạt được những thành quả đáng kể trong quan hệ eo biển Đài Loan, nhưng trong tương lai sự căng thẳng có thể leo thang thành xung đột vì những khó khăn trong phân phối nguồn lực, tỷ giá hối đoái và thị trường chứng khoán. Hậu quả có thể là sự suy giảm trong tăng trưởng hàng năm khoảng từ 1 đến 1.3%.(2)
Ngoài những trở ngại kể trên, Bắc Kinh hiện nay phải đối đầu với ba mối đe dọa lớn hoàn toàn từ bên ngoài lãnh thổ mà nếu không theo dõi thì khó nhận ra: một – nạn khủng bố, kế đến – mối quan hệ với các chế độ suy yếu, chính trị bất ổn hoặc bị cô lập, và ba – sự chống đối công khai của nhiều quốc gia.
Để tồn tại, Bắc Kinh ngoài mặt tìm cách duy trì một môi trường hòa bình đối với quốc tế và các nước trong khu vực tạo thuận lợi cho việc tiếp tục phát triển kinh tế. Để kinh tế tăng trưởng, TC phải tiếp tục tìm kiếm các nguồn cung cấp nguyên liệu và tài nguyên năng lượng, cũng như những thị trường mới cho những trao đổi thương mại và đầu tư. Đồng thời, dưới chiêu bài bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, TC đã tìm mọi cách ngăn cản sự can thiệp của quốc tế về những vấn đề được Bắc Kinh xem là những công việc nội bộ bao gồm cả Đài Loan, Tây Tạng và những quốc gia nhỏ đối tác ngoại giao và kinh tế. Kết quả là Bắc Kinh đã né tránh các vấn đề quản trị trong các quan hệ đối ngoại, và tìm cách phá bỏ những tiêu chuẩn tự do quốc tế có khả năng giúp nhà cầm quyền bảo vệ quyền tự do chính trị cá nhân vượt ra ngoài biên giới quốc gia.
Một số chế độ trong các quốc gia đang phát triển và có nhu cầu tránh sự can thiệp của nước ngoài, cũng như những người được hưởng lợi nhuận trực tiếp từ những đầu tư tài chánh của TC đồng thuận với cách hành xử này. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh chấp nhận các nguyên tắc thiếu dân chủ và chú trọng duy nhất vào phát triển kinh tế đã nhiều lần trở thành phản tác dụng, mang kết quả ngược lại sự mong đợi của TC.
Vấn nạn khủng bố trở thành mối đe dọa lớn và là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất Bắc Kinh phải đối mặt. Việc TC càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với sự có mặt của các công ty và người Trung Hoa tại các nước ngoài ngày càng tăng và trở thành những mục tiêu cho những thế lực muốn tấn công tài sản và nhân lực của TC. Từ đường ống dẫn dầu ở Kazakhstan qua các nhà máy lọc dầu ở Nigeria đến các cảng ở Sri Lanka đều là những địa điểm điển hình.
Tiềm năng khủng bố nhắm vào những lợi ích của TC có những nguồn gốc khác nhau. Trực tiếp nhất là lực lượng ly khai, trong dân số Hồi giáo Uighur (Duy Ngô Nhĩ, sắc dân chính ở khu tự trị Tân Cương) ở miền tây Trung Quốc, muốn thành lập một quốc gia độc lập Đông Turkestan. Trong thập niên 90, sự thành công của những phong trào dành độc lập ở Trung Á, kết hợp với việc Taliban xâm chiếm Afghanistan, đã cung cấp những hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các thế lực tương tự tại TC. Từ đó, các tổ chức Hồi giáo tại Kyrgyzstan và các nơi khác dọc theo biên giới TC đã cung cấp vũ khí cho các nhóm ủng hộ chủ trương ly khai ở Tân Cương.(3) Nhiều người Trung Hoa đã là nạn nhân của các cuộc tấn công trên lãnh thổ TC và cả ở các nước láng giềng Trung Á. Trong một báo cáo hồi năm 2002, văn phòng Thông tin của Hội đồng Nhà nước TC ước tính rằng đã có hơn 200 vụ khủng bố ở Tân Cương khiến 162 người thiệt mạng.(4)
Chính sách đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương đã làm nhiều tổ chức cực đoan giận dữ. Các nhóm khủng bố ở Trung Á đã công khai tuyên bố mục tiêu của họ là lật đổ các chính phủ hiện hành và thay thế bằng một vương quốc Hồi giáo bao gồm cả nhiều vùng hiện nay thuộc miền Tây TC.(3) Ayman al-Zawahiri, lãnh tụ số 2 của al Qaeda, đã đề cập đến hoàn cảnh của người Duy Ngô Nhĩ khi kêu gọi cuộc thánh chiến toàn cầu. Trong cuộc bạo loạn hồi tháng 7 năm 2009 ở Urumqi, al Qaeda ở vùng Hồi giáo Maghreb -bao gồm Morocco, Algeria, Tunisia, Libya và Mauritania- đã tuyên bố cam kết trả thù bằng cách tấn công công nhân và các cơ sở doanh nghiệp TC trong vùng tây bắc châu Phi. Khi lên án TC đàn áp tự do tôn giáo, Abu Yahya al-Libi, một yếu nhân của al Qaeda, đã bài bác Bắc Kinh và dự đoán TC sẽ có một kết cuộc thất bại tương tự như của Liên Xô: “nhà nước của chủ nghĩa vô thần đang đi đến sụp đổ. Nó sẽ phải đối mặt với những gì đã xảy ra với con gấu Nga.”(5)
Chính sách chống người theo Hồi giáo tại TC và việc Bắc Kinh hỗ trợ cho các chế độ áp bức trong thế giới Hồi giáo tạo thêm động lực cho các nhóm khủng bố chống TC nhiều hơn nữa. Bắc Kinh luôn dòm ngó nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào ở Trung Đông. Có lẽ đáng kể nhất là mối quan hệ với Riyadh trong nhiều năm qua. Bắt đầu từ những đầu tư thăm dò dầu khí tự nhiên và mỏ khoáng sản, ngày nay mối quan hệ đã trở thành rộng lớn bao gồm thương mại, tài chính và các hiệp định kỹ thuật. Vì thế TC đang trở thành một trong những kẻ thù “xa” của nhóm Osama bin Laden và những người bất đồng chính kiến với Saudi Arabia. Bắc Kinh cũng nuôi dưỡng mối liên kết kinh tế và chiến lược tương tự với chế độ Hosni Mubarak vừa sụp đổ tại Ai Cập.
Khủng bố cũng có thể đến từ bên ngoài thế giới Ả Rập, nơi TC khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên đôi khi được coi như là một sỉ nhục quốc gia, bất kể những lợi ích kinh tế dành cho nước chủ nhà. Ngay sau khi Hồ Cẩm Đào ký một loạt các giao dịch dầu với Nigeria, Olusegun Obasanjo thuộc phía chống đối đã cảnh cáo “Người Trung Hoa được tìm thấy trong các công xưởng dầu sẽ bị đối xử như những kẻ trộm. Qua việc đầu tư vào những nơi dầu thô bị đánh cắp, TC đã đặt công dân của họ trước lằn đạn của chúng tôi”.(6) Newsweek từng tường thuật là những vụ bắt cóc, hăm dọa và giết người đã khiến người Trung Hoa không dám đến làm việc tại vùng đồng bằng sông Niger cho tới phía đông của Ethiopia.
Ngoài mối đe dọa khủng bố, quyền lợi của TC trên trường quốc tế cũng bị đe dọa do những bất ổn chính trị có thể xảy ra, sự thất bại của các nhà cầm quyền, và những can thiệp quốc tế tại một số nước đối tác quan trọng nhất. Vì nhu cầu lớn của một nền kinh tế tham ăn, Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với các chế độ bất hợp pháp hoặc không có bối cảnh chính trị ổn định, nhất là ở những nơi có các nguồn tài nguyên năng lượng và khoáng sản. Điển hình là TC nhập cảng dầu từ Angola, bô xít từ Guinea, và khí tự nhiên từ Turkmenistan. Đầu tư tại các quốc gia với tổ chức chính trị yếu kém, hệ thống pháp lý không đáng tin cậy, và tương lai kinh tế không chắc chắn, các công ty TC đến nay đã có các khoản nợ quá hạn đáng kể.
Bắc Kinh buộc phải ra sức góp phần bảo vệ các chế độ này vì lo ngại các cuộc nội chiến, cách mạng, hay những bất ổn xã hội có thể làm gián đoạn nguồn cung ứng năng lượng và làm thiệt hại đến lợi ích kinh tế và đầu tư của TC. Bắc Kinh đã cung cấp vũ khí cho bốn trong số năm quốc gia bị tạp chí Foreign Policy xếp hàng đầu trong Failed States Index năm 2010 là Chad, Sudan, Zimbabwe, và Congo.(7) Lợi ích của TC rất dễ bị tổn thương tại các nơi này vì đây là những khu vực bất ổn định trên thế giới. Lúc ban đầu đầu tư thì có vẻ dễ dàng và tương đối ít tốn kém, nhưng chi phí về lâu về dài sẽ rất cao vì Bắc Kinh sẽ phải tốn kém rất nhiều tiền của để giúp đỡ và duy trì những chính phủ tại đây.
Trong việc bảo vệ và phát triển quyền lợi của mình ở nước ngoài, Bắc Kinh từng theo đuổi một chiến lược “cơ hội chủ nghĩa” để có thể lạm dụng và đạt nhiều lợi nhuận hơn bằng cách thực hiện những giao dịch kinh tế với các chế độ độc tài vào những lúc họ bị khó khăn và cộng đồng quốc tế lên án xa lánh. Miến Điện, Iran, Bắc Han và Sri Lanka là những ví dụ điển hình. Bắc Kinh thường xuyên trợ giúp vật chất và sử dụng vị trí của mình tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để cản trở những điều tra và lên án của quốc tế về các vi phạm nhân quyền hoặc phổ biến vũ khí.
Trong quá khứ, các giao dịch kinh tế của TC với các chế độ xấu bị cô lập đã nhiều lần làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa những áp lực và thảo luận đa phương của các quốc gia trong khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Nigeria đã có lần lên án Bắc Kinh phá hỏng các nỗ lực quốc tế để gây áp lực với các chế độ độc tài Guinea và Niger ở châu Phi.
Những quan hệ đối tác với các chế độ gian dối, lừa đảo bị cô lập cũng đã đem lại những hậu quả rất xấu cho TC. Việc rước đuốc Olympic 2008 đã bị tẩy chay ở nhiều nơi và có lúc bị gọi là “Thế vận hội diệt chủng” để phản đối mối quan hệ của TC với Sudan. Các quốc gia dân chủ tây phương thường bất mãn với những can thiệp và dung túng của Bắc Kinh về các quyết định trừng phạt những kẻ cầm quyền như Iran. Nếu TC tiếp tục lựa chọn giao dịch với những chế độ độc tài vi phạm nhân quyền và dân chủ thì chắc là họ sẽ khó có thể bảo vệ được những đầu tư kinh tế và chính trị của họ lâu dài.
Ngoài những thiệt hại về ngoại giao và tài chính do kết quả của tình trạng bất ổn tại bất kỳ các quốc gia này, Bắc Kinh cũng có thể phải đối mặt với sự chống đối công khai rõ ràng của nhiều chính phủ. Để bảo vệ các khoản đầu tư khổng lồ của mình, TC sẵn sàng hỗ trợ những chế độ thiếu dân chủ trong việc tiêu diệt khả năng đối đầu của những phong trào đối lập tại những khu vực đó. Khi các tiến trình dân chủ hay các cuộc cách mạng tại đây thành công, Bắc Kinh chắc chắn sẽ gặp phải sự đối đầu của các chính quyền mới dựa trên những liên hệ với những kẻ cầm quyền áp bức lúc trước.
TC đã công khai tránh né các vấn đề nhân quyền, tự ý hỗ trợ mạnh mẽ các chế độ chuyên quyền và tự đặt mình vào vị thế chính trị nan giải. Nhiều kẻ cũng từng công khai tuyên bố nhận hỗ trợ của TC để đàn áp những người đối lập như Robert Mugabe của Zimbabwe chẳng hạn. Henning Melber, một nhà hoạt động trước đây ở châu Phi hiện đang đứng đầu Dag Hammarskjold Foundation ở Thụy Điển, đã mô tả khuynh hướng chống TC ngày càng gia tăng đơn giản như sau: “TC được xem là kẻ hỗ trợ cho các chế độ chuyên chế trong việc đàn áp người dân của họ”. (8)
Kinh doanh với Bắc Kinh nhiều khi dẫn đến những bất công bao gồm lương bổng thấp, tham nhũng địa phương, tiêu chuẩn an toàn kém và sự tràn ngập của hàng hóa rẻ mạt từ TC tiêu diệt các sản phẩm địa phương. Ví dụ như ở Angola, trong khi các công ty Âu Mỹ khác như Chevron có gần 90% nhân công là người dân địa phương thì các công ty dầu TC chỉ mướn ít hơn 15%.(9) Đây chính là một hình thức mới của kinh tế chủ nghĩa thực dân từ Bắc Kinh. Ngoại trưởng Libya phản ánh quan điểm này hồi tháng 12 năm 2009: “Khi nhìn vào thực tế xảy ra trên đất nước, chúng ta thấy rằng có cái gì đó giống như một cuộc xâm lược của TC tại lục địa châu Phi.” (10)
Thái độ thành kiến và phân biệt chủng tộc giữa người dân địa phương và công dân Trung Hoa ở nước ngoài góp phần tạo nên một kết hợp độc hại có thể làm trầm trọng thêm những tác động xấu ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế của TC. Ví dụ rõ nhất là ở Zambia, nơi TC đã đầu tư rất nhiều trong ngành công nghiệp đồng. Hồi năm 2008, sau một loạt các tai nạn chết người tại nhà máy của TC, lãnh tụ đối lập Michael Sata của Mặt Trận Yêu Nước (Patriotic Front Party) đặt ra một thách thức lớn trong cuộc tranh cử tổng thống Zambia bằng lập trường công khai chống TC. Sata nhấn mạnh các tiêu đề dân tộc trong cuộc vận động của mình: “Chúng ta đã gỡ bỏ một thế lực nước ngoài và chúng ta không muốn chịu một thế lực nước ngoài khác ở đây, nhất là đây không phải là thế lực từ một nền dân chủ”. (8) Mặc dù đã không thắng cử lần đó, Sata đã hoàn toàn chiếm ưu thế tại thủ đô Lusaka và Copperbelt, hai khu vực tập trung các thương gia và các nhà đầu tư Trung Hoa nhiều nhất. Nhưng có lẽ việc các chủ quản lý của một khu mỏ TC ở tỉnh Sinazongwe miền nam nổ súng vào các công nhân Zambia biểu tình phản đối mức lương thấp và điều kiện làm việc khắc nghiệt vào tháng 10 năm 2010 khiến it nhất 11 người phải nhập viện, cộng với lời lên án nhà cầm quyền “Chúng ta biết chúng ta không được chính phủ này bảo vệ bởi vì họ đã hoàn toàn bị TC khống chế”(11) của Sata trong cuộc bầu cử năm ngoái đã giúp Ông trở thành Tổng Thống của Zambia vào tháng 11 vừa qua.
Cuối cùng, TC có thể phải gây thù chuốc oán về mặt chính trị với nhiều quốc gia khi bị ép buộc phải có một lập trường và những hành động minh bạch về các vấn đề gây tranh cãi quốc tế. Chiêu bài phi liên kết nói thì dễ, nhưng ngày càng khó thực hiện khi TC là một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và có nhu cầu phát triển các lợi ích kinh tế và an ninh. Ngay cả việc hợp tác kinh tế phi chính trị với Cuba, Bắc Hàn, hoặc Venezuela cũng có thể mang tính chính trị và gây tranh cãi nội bộ. Tương tự, những đối đầu và xung đột căng thẳng tại Trung Đông là một thách thức lớn đối với Bắc Kinh để duy trì những mối quan hệ tích cực tốt đẹp cùng một lúc với Ai Cập, Iran, Iraq, Israel, Saudi Arabia và Syria vì trên nhiều khía cạnh, hỗ trợ một chế độ này có thể đồng nghĩa là đối lập với một chế độ khác.
Trung Nam Hải đang càng lúc bị ràng buộc phải đối mặt với những mối đe dọa rất phức tạp trong tương lai.
Đông bắc Hoa Kỳ, cuối tháng 3, 2012
(1) những thống kê của World Bank, IMF và Trading Economics.
(2) những dự đoán của Charles Wolf, Jr., giáo sư tại Pardee RAND Graduate School.
(3) Ramakant Dwivedi, China’s Central Asia Policy in Recent Times, China and Eurasia Forum Quarterly 4, no. 4, p.142, Nov 2006.
(4) East Turkistan Terrorist Forces Cannot Get Away with Impunity, Xinhuanet, January 21, 2002.
(5) Edward Wong, Chinese Separatists Tied to Norway Bomb Plot, The New York Times, July 9, 2010.
(6) Craig Timberg, Militants Warn China Over Oil in Niger Delta, Washington Post, May 1, 2006.
(7) http://www.foreignpolicy.com/articles/2010/06/21/2010_failed_states_index_interactive_map_and_rankings .
(8) Yaroslav Trofimov, In Africa, China’s expansion begins to stir resentment, The Wall Street Journal, February 2, 2007.
(9) Loro Horta, Africa’s poor don’t see China as a great power, Asia Sentinel, November 20, 2009.
(10) Yitzhak Shichor, Libya Cautions China: Economics Is No Substitute to Politics, China Brief 9, no. 24, December 3, 2009.
(11) Aislinn Laing, Zambian miners shot by Chinese managers, October 19, 2010.