Tin Trong Nước – Thứ Năm 2/1/2014
1. Biểu tình tại Saigon trong ngày đầu năm 2014
2. Việt Nam ‘phải ưu việt hơn về dân chủ’
3. Nhân sinh nhật 100 năm, nói về binh thư của Tướng Nguyễn Chí Thanh
4. Con trai Bí thư Lê Thanh Hải lên chức
1. Biểu tình tại Saigon trong ngày đầu năm 2014
Một cuộc biểu tình phản đối nạn tham nhũng và chính sách tịch thu đất đai diễn ra tại trung tâm Sài Gòn trong ngày Tết dương lịch 2014.
Thông tin trên các trang mạng xã hội nói cuộc biểu tình từ 8 giờ đến 11 giờ sáng ngày 1/1 quy tụ hàng trăm dân oan bị mất đất từ nhiều tỉnh phía Nam bao gồm Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bình Dương và cả Saigon.
Những nguồn tin này cho biết đoàn biểu tình đã tuần hành từ trụ sở tiếp dân ở số 210 Võ Thị Sáu đi qua các con đường chính ở trung tâm thành phố kể cả khu vực Nhà thờ Đức Bà, trước khi bị lực lượng an ninh trấn dẹp.
Âm thanh từ cuộc biểu tình: “Chúng tôi là dân oan, hôm nay ngày 1/1, chúng tôi từ [trụ sở tiếp dân] Võ Thị Sáu kéo ra Nhà thờ Đức Bà biểu tình để chống tham nhũng. Đả đảo tham nhũng lạm quyền.”
Một video phổ biến trên Youtube cho thấy đoàn người biểu tình cầm biểu ngữ tố cáo các quan chức nhà nước tham nhũng, cướp đất của dân nghèo. Trong số các băng rôn tại cuộc biểu tình có dòng chữ ‘Vô cùng thương tiếc cố nhạc sĩ Việt Dzũng’.
Đoạn video khác trên trang Facebook Dân Oan chiếu cảnh các dân oan biểu tình, đa số là phụ nữ, bị đông đảo lực lượng an ninh dùng võ lực cưỡng chế, khiêng kéo lên xe buýt chở về các địa phương.
Âm thanh từ cuộc biểu tình: “Họ đối xử với người dân như thế này có đau lòng không mà lúc nào họ cũng nói là đảng do dân vì dân. Thật sự không phải vậy. Họ đang bảo kê cho quốc nạn tham nhũng, đàn áp, đánh đập người dân chống tham nhũng. Đả đảo! Đây là tiếng kêu than cho nỗi đau nhân thế.”
Tin cho hay trong số những người bị công an hành hung gây thương tích trầm trọng có bà Trần Ngọc Anh từ Bà Rịa Vũng Tàu phải nhập viện cấp cứu. – VOA
2. Việt Nam ‘phải ưu việt hơn về dân chủ’
Thủ tướng CSVN nhấn mạnh vai trò của đổi mới thể chế trong thông điệp đầu năm, đồng thời cho rằng xã hội chủ nghĩa là chế độ “phải ưu việt hơn về dân chủ”.
Trong bài viết được các báo trong nước đăng toàn văn hôm 1/1, ông Nguyễn Tấn Dũng thừa nhân năng lực cạnh tranh, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang “chậm lại” trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, “xã hội cũng có không ít vấn đề bức xúc,” ông nhận định.
Theo ông Dũng, nguyên nhân xảy ra những vấn đề nêu trên là do “động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển” và vì vậy, “cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững”.
“Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”, trích bài viết.
Trong bài viết của mình, ông Dũng nói “dân chủ và nhà nước pháp quyền là cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại” và dân chủ là “xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người”.
Mặc dù thừa nhận từ chế độ phong kiến lên chế độ tư bản là “những bước tiến dài về dân chủ”, Thủ tướng CSVN vẫn cho rằng chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ “ưu việt hơn”.
“Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ,” bài viết có đoạn.
“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân”.
Bài viết của ông Dũng khẳng định “Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm … Cơ quan nhà nước … chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép”.
Tuy nhiên, ông cũng biện minh rằng “mọi hạn chế quyền tự do của công dân” hiện nay là “nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc.”
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 2/1, Giáo sư Tương Lai nói ông “mừng” và “thú vị” trước thông điệp của thủ tướng mà ông cho là đại diện cho một tư tưởng “tiến bộ”.
“Đã lâu lắm rồi mới được nghe một người lãnh đạo có trọng trách nói lên một sự thật lớn lao, một khát vọng của nhân dân,” ông nói.
Ông cũng cho rằng “người ta biết rõ điều này từ lâu lắm rồi”, nhưng “sợ nếu làm thì sẽ lung lay mất chế độ toàn trị mà người ta đang cố duy trì” và nhận định “đó là nguồn gốc sâu xa đẩy tới sự khủng hoảng toàn diện của xã hội Việt Nam trong thời gian qua”.
Trả lời câu hỏi của BBC về việc liệu có nên đặt dân chủ chung với Chủ nghĩa xã hội như trong thông điệp của Thủ tướng Dũng hay không, Giáo sư Tương Lai nói:
“Bây giờ đòi hỏi thông điệp của ông ấy phải bỏ luôn xã hội chủ nghĩa thì tôi chắc rằng ông ấy không thể tồn tại trên ghế thủ tướng được.”
“Nhưng khi ông ấy nói rằng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng phải là xã hội gắn với dân chủ và Đảng phải nắm lấy ngọn cờ dân chủ thì tôi thấy nói như vậy, trong bối cảnh hiện nay, thì có thể chấp nhận được.”
“… Đó là nội dung mà chúng ta mong muốn, còn đặt tên cho nó là gì thì có thể tính sau. Cái tôi cần, là nội dung cốt lõi của nó, chứ đừng mượn ngôn từ bịp bợm để lừa dối nhân dân.”
Bình luận về lý do vì sao ông Dũng lại chọn thời điểm này để nhấn mạnh về vấn đề dân chủ, giáo sư Tương Lai cho rằng “muốn được lòng dân, muốn nhân dân tán thành với mình, không có gì hơn là bây giờ phải nói lên sự thật.”
“Tôi thấy đã đến lúc đem vấn đề dân chủ gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Đó là nội dung bức xúc nhất mà người dân Việt nam mong muốn. Ai nói được điều này, là đáp ứng được lòng mong mỏi của dân,” ông nói.
“Cho nên việc nêu vấn đề dân chủ lúc này là rất đúng lúc và kịp thời.”
“Người nào làm được điều đó, sẽ nhận được sự ủng hộ của dân, dù là x,y,z hay a,b,c cũng không quan trọng.” – BBC
3. Nhân sinh nhật 100 năm, nói về binh thư của Tướng Nguyễn Chí Thanh
Việt Nam tổ chức nhiều lễ kỷ niệm nhân 100 năm ngày sinh Đại tướng CS Nguyễn Chí Thanh, nhân vật chính trị-quân sự cao cấp của miền Bắc thời chiến tranh Việt Nam.
Ngoài việc đăng các bài báo trong tháng 12 đánh giá Nguyễn Chí Thanh, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng vừa làm lễ nhận tượng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở trường học mang tên ông tại huyện Quảng Điền.
Buổi lễ hôm 30/12/2012 tại đây đã có mặt con trai ông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Thượng tướng đã hồi hưu, ông Lê Khả Phiêu.
Vài hôm trước, một phái đoàn các tướng lĩnh thuộc Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, đã dự lễ kỷ niệm Nguyễn Chí Thanh tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Sinh ngày 1/1/1914, ông được cho là một trong các ‘kiến trúc sư’ của cuộc chiến tranh từ phía miền Bắc nhằm tiêu diệt Việt Nam Cộng hòa và đẩy quân đội Hoa Kỳ khỏi Nam Việt Nam.
Theo cựu Đại tá Bùi Tín, nguyên Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, Nguyễn Chí Thanh có tiếng là đã lập ra ‘Binh thư đánh Mỹ’ cho quân đội miền Bắc.
Nguyễn Chí Thanh mất năm 1967 trước khi xảy ra các trận đánh quyết định, nhưng được coi là đã hoạch định ra chiến lược quân sự cho Hà nội.
Ông Bùi Tín nói vốn là một cán bộ chính trị, Nguyễn Chí Thanh đã “lao vào nghiên cứu quân sự” và trở thành chiến lược gia của Hà Nội: “Ông đã lao vào tổng kết chiến lược, đúc kế́t từ các trận chiến,”
Đối với quân đội Bắc Việt Nam, “công của Nguyễn Chí Thanh lớn lắm. Binh thư chống Mỹ là do Nguyễn Chí Thanh tổng kết”.
Điều quan trọng hơn cả, theo ông Bùi Tín trả lời BBC trong một dịp đến London tháng 10/2013 là các kết luận của Tướng Nguyễn Chí Thanh đem lại sự tự tin cho quân đội miền Bắc rằng họ “có khả năng đối chọi, đối đầu và còn có thể thắng Mỹ”.
Sau khi Võ Nguyên Giáp qua đời, bắt đầu có thêm các ý kiến ở Việt Nam, trong giới sử gia và giới quân sự, nêu ra vai trò quan trọng của Nguyễn Chí Thanh trong cuộc chiến.
Các tài liệu Phương Tây cũng cho rằng giữa hai người có sự cạnh tranh quyền lực với ý kiến nói Nguyễn Chí Thanh “thiên về phía Đảng” và có thể “thân Trung Quốc hơn”.
Những điện tín Hoa Kỳ được giải mật sau cuộc chiến nhấn mạnh đến vai trò trọng yếu trong công tác chỉ huy và tổ chức các lực lượng cộng sản tại miền Nam Việt Nam của Tướng Thanh. Phía Mỹ tin rằng sự vắng mặt nhiều tháng của ông Thanh tại miền Bắc chỉ có thể được giải thích bởi “các hoạt động của Tướng Thanh ở miền Nam”.
Trong một điện tín gửi ngày 10/7/1967 về cái chết của ông, phía Mỹ coi đó là “sự tổn thất lớn cho Bắc Việt” và đánh giá “vai trò của Tướng Thanh với Việt Cộng có thể so sánh như vai trò của Đại tướng Westmoreland với quân lực Việt Nam Cộng Hoà”. Họ cũng cho rằng ông “trên thực tế đã chỉ huy toàn bộ các hoạt động của lực lượng cộng sản ở Nam Việt Nam”.
Hôm 26/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Chí Thanh. – BBC
4. Con trai Bí thư Lê Thanh Hải lên chức
Lê Trương Hải Hiếu, con trai lớn của Lê Thanh Hải, bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, vừa lên chức phó chủ tịch một quận trung tâm thành phố mà cha ông đang là lãnh đạo cao nhất.
Chiều thứ Năm 26/12, Ủy ban nhân dân thành phố này đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Hiếu làm phó chủ tịch Quận 1. Ông Hiếu được giao phụ trách mảng kinh tế. Hiếu được thăng chức lên làm phó chủ tịch Quận 1 từ vị trí bí thư phường Bến Thành.
Sinh năm 1981, hiện nay Hiếu chỉ mới 32 tuổi và xuất thân trong một gia đình quan chức cấp cao của Đảng CSVN. Cha là một trong 16 ủy viên Bộ Chính trị trong khi mẹ, bà Trương Thị Hiền, là hiệu trưởng Trường Cán bộ Thành phố. Dì ruột là bà Trương Mỹ Hoa, cựu phó chủ tịch nước.
Việc ông này trở thành phó bí thư Quận 1, một quận quan trọng hàng đầu của Thành phố Hồ Chí Minh, ở độ tuổi còn khá trẻ như thế có thể là bước chuẩn bị để cho ông thăng tiến về sau.
Người em trai kế tiếp của ông Hiếu là Lê Trương Hiền Hòa hiện là giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản, trong khi người em út Lê Tấn Hùng hiện là chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong.
Ngoài Lê Trương Hải Hiếu ra, con trai của một số đương kim và cựu ủy viên Bộ Chính trị khác đều có vị trí khá vững vàng trong bộ máy chính quyền khi tuổi đời còn rất trẻ. Hồi năm 2011, Nguyễn Xuân Anh, con trai cả của Nguyễn Văn Chi, cựu trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, trở thành phó chủ tịch Đà Nẵng khi chỉ mới 35 tuổi. Trong khi đó, Nguyễn Thanh Nghị, con trai đầu của đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng khi mới 35 tuổi. Ngoài ra, người em út của Nghị là Nguyễn Minh Triết hiện đang là cán bộ Đoàn thanh niên. Tuy nhiên, trong khi Nghị và Anh đều đã là ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng từ năm 2011 thì Hải Hiếu vẫn còn là Quận ủy viên.
Một điểm giống nhau giữa các ông Hải Hiếu, Thanh Nghị, Xuân Anh và Minh Triết là đều từng đi du học ở các nước phương Tây về. Hiếu từng được Thành phố Hồ Chí Minh tuyển chọn để cử đi học cao học Quản trị kinh doanh ở Mỹ theo chương trình đào tạo 300 thạc sỹ, tiến sỹ của Thành ủy bằng ngân sách Nhà nước. Trước đó, Hiếu là sinh viên Trường Luật với chuyên môn là Luật Thương mại.
Ông đã có quá trình thăng tiến nhanh chóng kể từ khi đi học ở Mỹ về. Từ công tác đoàn, trở thành bí thư phường Bến Thành, một phường trung tâm của Quận 1, rồi bây giờ là phó bí thư quận. – BBC