Tin Thế Giới – Thứ Năm 2/1/2014
Tin Thế Giới – Thứ Năm 2/1/2014
1. Nhật cứu người TQ bay ra đảo tranh chấp
2. Tổng thống Miến Điện ủng hộ sửa đổi Hiến pháp
3. Đối lập Cam Bốt xuống đường rầm rộ tại Phnom Penh
4. Cam Bốt: Cảnh sát đàn áp biểu tình của công nhân dệt may
5. Thủ đô Thái Lan có nguy cơ bị đối lập phong tỏa
6. Hơn 500 đại biểu lập pháp Hồ Nam từ chức
1. Nhật cứu người TQ bay ra đảo tranh chấp
Một người đàn ông Trung Quốc bay bằng khinh khí cầu ra nhóm đảo có tranh chấp với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông đã được cứu sau khi khinh khí cầu bị nổ, lực lượng tuần duyên Nhật cho biết.
Người đàn ông này nói mình là đầu bếp. Ông đang trực chỉ chuỗi đảo mà Nhật hiện đang quản lý Senkaku/Điếu Ngư.
Hôm nay 2/1, lực lượng tuần duyên Nhật cho biết họ đã tìm thấy ông Từ Soái Quân tại một nơi cách quần đảo Senkaku khoảng 20 kilomét về hướng nam. Họ nói rằng ông Từ không bị thương và đã được chuyển giao cho một chiếc tàu tuần tra của Trung Quốc.
Tuần duyên Nhật nói họ nhận được yêu cầu tìm kiếm một người mất tích vào trưa thứ Tư ngày 1/1.
Người đàn ông 35 tuổi này đã rời tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc hôm thứ tư, nhưng các giới chức nói rằng chỉ vài giờ sau đó ông đã đánh đi tín hiệu cầu cứu, rõ ràng là vì khí cầu của ông gặp phải luồng không khí nhiễu loạn.
Họ nói ông này đang ở trong lãnh hải của Nhật Bản khi bị bắt, nhưng cũng nói họ quyết định không truy tố ông ta do họ không thể xác định chính xác địa điểm ông ta đổ bộ, hãng tin Kyodo của Nhật đưa tin. – BBC & VOA
2. Tổng thống Miến Điện ủng hộ sửa đổi Hiến pháp
Hôm nay 2/1/2014, Tổng thống Miến Điện Thein Sein tuyên bố ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sửa đổi điều khoản cản trở nhà đối lập Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thống.
Trong một bài diễn văn được đăng trên tờ nhật báo chính thức New Light of Myanmar, ông Thein Sein tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng một Hiến pháp lành mạnh thỉnh thoảng cần phải được sửa đổi để đáp ứng những nhu cầu của đất nước”.
Hiến pháp Miến Điện năm 2008, do chính quyền quân sự cũ soạn thảo, đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý đúng một tuần sau cơn bão Nargis khiến 138 ngàn người chết và mất tích. Hiến pháp này trao rất nhiều quyền cho phe quân đội, đặc biệt là cho họ nắm 25% số ghế của Quốc hội không cần qua bầu cử.
Đặc biệt, Hiến pháp hiện hành cấm một công dân Miến Điện có chồng hoặc con mang quốc tịch nước ngoài trở thành Tổng thống. Điều khoản này nhằm cản trở nhà đối lập Aung San Suu Kyi, lấy chồng (nay đã chết) và có con mang quốc tịch Anh, lên làm nguyên thủ quốc gia Miến Điện.
Bà Aung San Suu Kyi đã cho biết sẽ ra tranh chức Tổng thống Miến Điện. Đảng đối lập Liên đoàn quốc gia vì dân chủ được dự báo là sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử 2015.
Từ cách đây vài tháng, một Ủy ban Quốc hội, gồm đại diện của các chính đảng và của quân đội, đã bắt đầu họp bàn về cải tổ Hiến pháp Miến Điện. Ủy ban này sẽ báo cáo kết luận từ đây cho đến cuối tháng Giêng. Theo quy định hiện hành, mọi sửa đổi Hiến pháp cần phải được thông qua với hơn 75% số phiếu ở Quốc hội. – RFI
3. Đối lập Cam Bốt xuống đường rầm rộ tại Phnom Penh
Hôm 29/12 phe đối lập Cam Bốt tổ chức cuộc biểu tình được loan báo là quy mô nhất từ 5 tháng qua. Từ hai tuần nay, phe này chiếm đóng một quảng trường ở Phnom Penh, các cuộc xuống đường diễn ra hàng ngày. Phong trào phản kháng không hề yếu đi mà đang trở nên cực đoan hơn, và ngày càng lôi kéo thêm được nhiều người tham gia.
Phong trào đã được lan rộng. Cho đến nay, những yêu sách của đảng này liên quan đến việc xem xét lại một cách độc lập kết quả bầu cử Quốc hội, và gần đây nhất là yêu cầu tổ chức lại cuộc bỏ phiếu.
Nay thì mỗi người một kiểu. Người thì đòi giảm giá xăng bán lẻ, hay tăng gấp đôi lương công nhân nhà máy. Người khác đòi hỏi cải cách hệ thống giáo dục bị cho là yếu kém, hay tỏ thái độ bực tức trước những vụ cưỡng chế đất đai. Và có những người khiếu nại về tình trạng bất bình đẳng trong thông tin – các kênh truyền hình trong nước đều thân chính phủ.
Ngay từ sáng 29/12, đã có những nhóm biểu tình trước trụ sở nhiều Bộ. Giờ đây, thế trận đã khác. Người ta quan tâm đến tất cả những gì không ổn trên đất nước, với khẩu hiệu tập hợp là lời kêu gọi Thủ tướng Hun Sen từ chức. Tình hình này là chưa từng có từ trước đến nay. Và nếu đảng cầm quyền trông chờ phong trào phản kháng yếu đi thì ngược lại, Sam Rainsy lại tỏ ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết. – RFI
4. Cam Bốt: Cảnh sát đàn áp biểu tình của công nhân dệt may
Theo AFP, hôm nay 2/1, một cuộc biểu tình của công nhân dệt may Cam Bốt bị cảnh sát vũ trang thuộc đơn vị 911 đàn áp, nhiều nhà hoạt động công đoàn bị bắt giữ, trong đó có một số sư tăng. Thông tin kể trên do một số hiệp hội phi chính phủ địa phương cung cấp.
Theo Licadho, một tổ chức bảo vệ nhân quyền có uy tín tại Cam Bốt, “việc chính quyền Cam Bốt sử dụng đơn vị đặc biệt 911 để giải tán cuộc biểu tình gần nhà máy Yak Jin, Phnom Penh, là điều chưa có tiền lệ”. Vợ của một trong những người lãnh đạo cuộc biểu tình bị bắt giữ cho biết cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, nhưng chính quyền đã dùng bạo lực để đàn áp.
Yêu sách của người biểu tình là tăng lương tối thiểu của ngành dệt hiện tại 80 đô la lên 160 đô la/tháng trong năm 2014. Nhà máy Yak Jin sản xuất nhiều mặt hàng mang các nhãn mác nổi tiếng như Gap.
Theo người phát ngôn của cảnh sát vũ trang Cam Bốt Kheng Tito, tất cả những người bị bắt giữ hiện được giam tại căn cứ của Đơn vị 911.
Phe đối lập Cam Bốt, đảng Cứu nguy dân tộc, do ông Sam Rainsy lãnh đạo lên án các cuộc bắt bớ này.
Căng thẳng dâng lên một nấc vào sáng nay, khi các công nhân bãi công ngành dệt may tập hợp kêu gọi những người lao động khác tham gia vào một cuộc tổng bãi công.
Dệt may là một ngành kinh tế trụ cột của Cam Bốt, sử dụng khoảng 650.000 công nhân, trong đó 400.000 người làm việc cho các doanh nghiệp xuất khẩu. – RFI
5. Thủ đô Thái Lan có nguy cơ bị đối lập phong tỏa
Tại Thái Lan, hôm nay 2/1, Ủy ban bầu cử phải quyết định sẽ tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội ngày 2/2 tới hay không. Trong khi đó lãnh tụ phe đối lập thông báo sẽ huy động xuống đường phong tỏa thủ đô Bangkok từ ngày 13/1/2014.
Việc đăng ký ứng cử đã bị những người biểu tình chống chính phủ ở miền nam ngăn chận.
Tại tám tỉnh của miền nam theo đạo Phật, một vùng mà đảng Dân chủ đối lập rất mạnh, những người biểu tình chống chính phủ đã ngăn trở hơn 120 ứng cử viên đăng ký tranh cử. Do hạn chót nộp hồ sơ là hôm qua, thứ Tư, trên lý thuyết thì như vậy cuộc tuyển cử đã bị hỏng.
Cho dù Ủy ban vẫn duy trì cuộc bầu cử ngày 2/2 tới, rất nhiều mây mù đã chồng chất trên bầu trời. Lãnh tụ phong trào chống chính phủ Suthep Thaugsuban đã loan báo việc phong tỏa thủ đô Bangkok kể từ ngày 13/1/2014.
Tình hình có vẻ rối ren đến nỗi lần đầu tiên Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã yêu cầu quân đội hỗ trợ cho cảnh sát nếu cần. Nhưng phía quân đội hết sức ngần ngại, vì trong lần can thiệp để tái lập trật tự gần đây nhất vào ba năm trước, đã có mấy chục xác chết nằm đầy trên đường phố, và một số quân nhân đã phải ra toà.
Hôm qua, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã từ miền bắc quay về thủ đô Bangkok, cùng với tướng Prayuth và các tướng lãnh cao cấp khác của quân đội để chúc mừng tướng về hưu Prem Tinsulanonda, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của Quốc vương Bhumipol Adulyadej. Trong thông điệp đầu năm Dương lịch tối Chủ nhật, nhà Vua đã kêu gọi hòa bình, thịnh vượng và đoàn kết. – RFI
6. Hơn 500 đại biểu lập pháp Hồ Nam từ chức
Hơn 500 đại biểu hội đồng nhân dân địa phương ở một tỉnh của Trung Quốc đã phải từ chức sau một vụ bê bối bầu cử. Những người này từ chức sau khi nhận hối lộ của 56 vị trong Hội đồng nhân dân tỉnh để bầu cho họ. Các đại biểu đã đút tiền để được bầu cũng đã bị cách chức.
Vụ việc xảy ra ở tỉnh Hồ Nam thuộc miền trung Trung Quốc.
Các đại biểu lập pháp ở các quận, huyện, thành thị có quyền bầu ra đại diện của họ tại Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cơ quan lập pháp vốn có trách nhiệm thông qua chiếu lệ các quyết định của chính quyền.
Chính quyền Hồ Nam đã cách chức 56 vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh trong số 763 thành viên của cơ quan này vì họ đã dùng tiền để mua phiếu.
Cuộc điều tra ban đầu cho thấy số tiền hối lộ là 110 triệu quan tệ, tức hơn 18 triệu Mỹ kim. Số tiền này đã được đút lót cho các đại biểu lập pháp ở Hành Dương, thành phố lớn thứ hai ở tỉnh Hồ Nam.
Thông cáo của chính quyền nêu đích danh Đồng Danh Khiêm, cựu bí thư Thành Ủy Hành Dương, là phải ‘chịu trách nhiệm trực tiếp’ về vụ bê bối này.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch chống tham nhũng với cam kết sẽ nhắm vào ‘cả ruồi và hổ’.
Hôm thứ Bảy ngày 28/12, trong một hành động hiếm hoi, Tập đã đến ăn ở một cửa hàng tự phục vụ ở thủ đô Bắc Kinh. Ông cũng xếp hàng như những người khác.
Các hình ảnh được đưa lên Weibo, mạng xã hội của Trung Quốc, cho thấy Tập ở một cửa hàng bánh bao vào giờ ăn trưa. Ông đã tự gọi món và tự trả tiền. – BBC