Diễn văn của cựu Chủ Tịch UBCHTƯ LMDCVN Nguyễn văn Thiện tại Lễ Tưởng Niệm Cố GS. Nguyễn Ngọc Huy (1/8/2014)

Cac Bai Khac

No sub-categories

Diễn văn của cựu Chủ Tịch UBCHTƯ LMDCVN Nguyễn văn Thiện tại Lễ Tưởng Niệm Cố GS. Nguyễn Ngọc Huy (1/8/2014)

Diễn văn của cựu Chủ Tịch UBCHTƯ LMDCVN Nguyễn văn Thiện (nhiệm kỳ 2002-2008, 2008-2014) tại Lễ Tưởng Niệm Cố GS. Nguyễn Ngọc Huy ngày 1/8/2014, Vancouver, BC, Canada

Kính thưa quý vị quan khách, quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo,

quý vị đại diện các hội đoàn, quý vị đại diện các cơ quan truyền thông,

Thưa các chiến hữu các cấp,

          Trước bàn thờ và di ảnh của cố GS Chủ Tịch, chúng ta không khỏi nén được sự bùi ngùi tưởng nhớ đến một nhà chí sĩ bất khuất đã sống cho Đất Nước và đã chết cho Đất Nước.  Người đã sống một đời đáng sống, sống cho lý tưởng Quốc Gia, Dân Tộc, Tự Do, Dân Chủ đến độ quên mình, quên mình đến độ như cô đơn, thiếu thốn, và cuối cùng đã trút hơi thở sau cùng trên đường công tác vạn dặm, bên những người đồng chí, những chiến hữu vào ngày 28/7/1990 tại Paris.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy sanh ngày 2/11/1924 tại Chợ Lớn, nhưng nguyên quán là Biên Hòa. Thuở nhỏ học tại trường làng Mỹ Lộc, rồi trường quận Tân Uyên, và trường Trung Học Petrus Ký tại Sàigòn. Năm 1951, ông tự học để thi Tú Tài.  Năm 1955, ông sang Pháp công tác đoàn thể rồi ghi danh theo học tại Trường Khoa Học Chính Trị Paris, Trường Đại Học Luật Khoa và Kinh Tế Paris. Tốt nghiệp Cử nhân Luật Khoa năm 1959, Cao Học Chính Trị năm 1960, và Tiến sĩ Chính Trị tại Đại Học Sorbonne năm 1963. Năm 1965, ông làm Giáo sư dạy về Chính Trị Học và Luật Hiến Pháp tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, đồng thời là Giáo sư tại các Trường Đại Học Đà Lạt, Huế, Cần Thơ, Vạn Hạnh, Minh Đức, Sư Phạm; giảng viên tại các Trường quân sự: Cao Đẳng Quốc Phòng, Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp, Chiến Tranh Chính Trị. Năm 1967, ông làm Khoa Trưởng Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội Cần Thơ.

Từ năm 1946, ông làm việc tại Thư Viện Quốc Gia ở Sài gòn, và đến năm 1949 ông bỏ sở làm để dùng toàn thời gian hoạt động cho đoàn thể.

Về hoạt động chính trị, đầu năm 1945, ông gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng, đặc trách viết bài cho hai tờ báo ngoại vi của Xứ Bộ là tờ Thanh Niên và tờ Đuốc Việt. Năm 1964, vì không đồng ý với Đại Việt Quốc Dân Đảng xứ bộ Miền Bắc và Miền Trung, nên ông cùng một số đồng chí thành lập Đảng Tân Đại Việt.  Năm 1969, ông cùng GS. Nguyễn Văn Bông thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến, và ông làm Tổng Thư Ký. Năm 1968 và 1973, ông là đại biểu của Phái đoàn VNCH tham dự Hòa đàm Ba Lê.

Đến Hoa Kỳ năm 1975, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy làm việc khảo cứu tại Trường Đại Học Luật Khoa Harvard, dịch Bộ Luật Hồng Đức sang tiếng Anh cùng với các ông Trần Văn Liêm và Tạ Văn Tài.  Bản dịch này đã được Ohio University Press ấn hành năm 1987 dưới tên ”The Lê Code”. Năm 1981, Giáo sư cùng với một số cán bộ trong Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến trước kia thành lập một Tổ chức mới có tên là Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, và ông được bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương.

Trong lãnh vực văn chương và biên khảo, ông đã bắt đầu từ năm 1943. Giáo sư đã có những sáng tác đầu tiên là những bài thơ hùng tráng như Dòng Nước Sông Hồng, Chiến sĩ Triều Trần, Anh Hùng Vô Danh,… Các bút hiệu đã dùng là Hùng Nguyên, Đằng Phương, Cuồng Nhân, Việt Tâm, Ba Xạo.  Tập thơ Hồn Việt là tác phẩm đầu tiên, ra đời năm 1953 tại Sài gòn, và tái bản tại Hoa Kỳ năm 1985.

Về chính trị, viết dưới tên Nguyễn Ngọc Huy có các cuốn A New Strategy to Defense the Free World Against Communist Expansion, Các Ẩn số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp Kim Dung, và một số tác phẩm biên khảo giá trị khác như Quốc Triều Hình Luật, Lịch sử các Học Thuyết Chính Trị, Dân Tộc Sinh Tồn, Các Họ của người Việt Nam,…

Ngày 28/7/1990, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã từ trần trên đường công tác.  Ông đã bay từ Hoa Kỳ đến Paris để cùng các chiến hữu chuẩn bị cho Đại Hội Thế Giới lần thứ nhứt của Liên Minh Dân Chủ Việt Nam nhóm họp tại Hoà Lan.  Giáo sư mất vì bệnh ung thư.  Giáo sư đã ngã xuống như một chiến sĩ kiệt sức trên đường tranh đấu, giữa lúc các đồng chí của ông đang chuẩn bị phất cờ phản công mà ông đã góp công tận tuỵ từ nhiều thập niên qua.

Nhìn suốt cuộc đời của GS Nguyễn Ngọc Huy, chúng ta thấy ông rất xứng đáng để được tôn vinh là một nhà Chí sĩ Việt Nam vì đức độ và tài năng siêu việt của ông.

1.-Thuở còn đi học, giáo sư là một sinh viên ưu tú làm rạng danh cho người Việt, khi tại Đại học nổi tiếng nhất của nước Pháp là Sorbonne, giáo sư đã trình luận án tiến sĩ với đề tài ”Người Ưu tú trong Chính Trị Trung Quốc Cổ thời”.  Giáo sư đã được chấm đậu với hạng tối ưu, và vị giám khảo đã khen giáo sư là có ”bộ óc siêu việt và tài năng xuất chúng”.

2.-Khi làm nhà giáo, giáo sư là một bậc lương sư. Không phải giáo sư chỉ truyền cho học trò những kiến thức viễn bác, mà giáo sư còn truyền cho học trò tấm lòng nữa cùng với phong cách bình dị, khiến ai cũng cảm phục và yêu mến giáo sư.

3.- Giáo sư là một nhà ái quốc chân chính. Đối với giáo sư, không có gì quý hơn là Tổ Quốc Việt Nam và Đồng bào Việt Nam. Tư tưởng ái quốc của giáo sư bàng bạc trong các văn thơ, trong các biên khảo, cũng như trong các bài nhận định tình hình chính trị hoặc trong các bài diễn thuyết.

4.- Giáo sư là một nhà cách mạng bình dân. Giáo sư đã đi khắp năm châu, bốn biển để xoay lại cơ trời cho đất nước. Việc to lớn đè trên đôi vai nhỏ bé, trên mảnh hình hài bình dị, với một túi hành trang và một chiếc áo choàng cũ.  ”Đi xe buýt, ngủ nhà người quen” (lời của ca sĩ Ngọc Minh), đó gần như là nếp sống thường nhật của giáo sư.  Nơi nào cần giáo sư thì giáo sư đến ngay, chẳng quản ngại sương tuyết giá băng hay nắng hè thiêu đốt, bất kể là xa xôi cách trở như thế nào.

5.- Giáo sư là một chánh khách lỗi lạc. Trước năm 1975, giáo sư đã vận động được nhiều nhà trí thức, nhiều nhân sĩ tham gia Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến.  Tại hải ngoại, sau 1975, giáo sư lại một lần nữa vận động đồng bào các giới thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam mà cơ sở được thành lập ở khắp các quốc gia có đồng bào Việt Nam tỵ nạn cư ngụ. Đặc sắc nhất là một mình lặn lội khắp năm châu, giáo sư đã vận động được các chánh khách quốc tế, các nhà trí thức, giáo sư đại học, nhà văn, nhà báo, tướng lãnh, nghị sĩ, dân biểu, v.v… của các nước Tây Phương để thành lập Uỷ Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tự Do (tổ chức ICFV). Trên mặt trận quốc tế vận, giáo sư là một chánh khách xuất chúng, không ai có thể bì kịp.

6.- Đối với gia đình, giáo sư là một người chồng chung thuỷ. Với giọng thổn thức và đẫm lệ, có lần giáo sư đã nói trong đời ông, chỉ có một tình yêu cho người đàn bà, đó là người vợ (bà Dương Thị Thu, đã qua đời năm 1974 trong một tai nạn tại bãi biển Vũng Tàu), và một tình yêu nữa là cho Tổ Quốc Việt Nam.

7.- Đối với đoàn thể, giáo sư là một nhà lãnh đạo hùng tâm đại lược. Điểm nổi bật của giáo sư là được mọi cộng sự viên kính nể và thương yêu thật sự; thực là một hiện tượng hiếm có trong thời đại đầy nhiễu nhương và đổ vỡ này.  Tiền bạc, danh vọng, ông chả còn gì trong tay để lôi cuốn dẫn dụ người khác cả.  Nhưng rất nhiều người đã hết lòng, hết dạ hy sinh thời giờ, tiền bạc, hạnh phúc gia đình để đi theo ông. Có nhiều chủ quan khác nhau, nhưng chắc chắn một điều là họ đặt niềm tin thật sự vào Con Người Nguyễn Ngọc Huy. Một con người chân thành, không hề chủ trương bá đạo, đặt tình yêu Tổ Quốc lên trên hết, và luôn luôn có tình nghĩa thâm sâu với các cộng sự viên. Cộng sự viên tiếp xúc gần gủi với giáo sư, cảm thấy mình được cao thượng thêm, vì cái hùng tâm đại lược của giáo sư như một thứ ánh sáng kỳ diệu soi sáng vào tâm hồn người chung quanh.

8.- Đối với các đoàn thể bạn, nhờ đức độ, tài năng, và sự thành tâm mà giáo sư đã được nhiều đoàn thể bạn tín nhiệm. Ông Cao Thế Dung bày tỏ lòng cảm phục vô cùng và vinh danh giáo sư Huy là một hào kiệt Việt Nam. Giáo sư Stephen Young là một người Mỹ, từng quen biết giáo sư Huy ở Việt Nam, lúc nào cũng kính trọng, lễ độ tôn xưng là Thầy Huy. Dân biểu David Kilgour ở Canada thẳng thắn ca ngợi trong bài diễn văn tại buổi Lễ Ra Mắt Phong Trào Tham gia Ủy Ban Quốc Tế Việt Nam Tự Do, so sánh giáo sư Huy hiến trọn cuộc đời cho đất nước như một Thánh Gandhi của Việt Nam. Tướng Vang Pao của Kháng chiến Lào coi giáo sư Huy như một người bạn tri kỷ khả tín nhất. Tại Paris, vợ chồng ông Ha Krong, một lãnh tụ sắc tộc thiểu số thuộc Lực lượng Fulbro, đã khóc nức nở bên quan tài giáo sư Huy.

Nhiều đối thủ, nhẹ thì mỉa mai, nặng thì chửi bới, chụp mũ, nhưng giáo sư vẫn trầm tĩnh, đàng hoàng cư xử đến nỗi họ phải tự thấy xấu hổ.  Cái hùng tâm đại lược đó đã làm cho ông được mọi người cảm mến và càng ngày càng vị nể ông. Chúng ta hãy nghe Luật sư Phạm Nam Sách, người đã từng có những bài báo mỉa mai giáo sư, đã tự thán trong bài ”Suối tuôn giòng lệ” như sau: ”…Tiếc thương dào dạt, pha niềm ân hận chẳng phai, mong anh mỉm cười dưới suối vàng, hỗ trợ những kẻ còn lại đang đi nốt con đường lận đận mà anh đã đi ngày còn ở cõi dương trần.”

Kính thưa quý vị,

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã lớn lên trong thời tao loạn của quê hương, năm 21 tuổi ông đã dứt khoát gia nhập đảng cách mạng để tranh đấu giành độc lập, tự do cho đất nước. Từ đó cho đến hơi thở cuối cùng, con người Nguyễn Ngọc Huy đã hiến dâng trọn vẹn cho dân tộc Việt Nam.  Những vần thơ Hồn Việt đầy rung động đã được ông gửi gấm vào đó tâm tình nồng nàn ấy. Vì tình yêu Tổ Quốc, con người tài hoa lỗi lạc đó chọn một cuộc sống đạm bạc, đơn giản và đầy gian nan thử thách. Ông đã đi không ngừng, đi rất nhiều nơi, xuất hiện biết bao nhiêu lần trên diễn đàn và hội nghị quốc tế để bênh vực chính nghĩa của người Việt tự do. Tấm lòng thành của ông thật trong sáng đối với Tổ Quốc. Vì vậy, mọi đoàn thể quốc gia đều tỏ lòng thương tiếc khi ông nằm xuống. Các cộng đồng người Việt tại hải ngoại và đồng bào quốc nội bàng hoàng xúc động khi nghe tin giáo sư từ trần.  Quả thực, ông đã trở thành con người của lịch sử Việt Nam, xứng danh là một nhà Chí Sĩ của thời đại.

Trân trọng kính chào quý vị.