Nhơn ngày giỗ thứ 24 Cố GS Nguyễn Ngọc Huy: Nhắc lại biến cố trọng đại 1964 – Gs. Steve B. Young
Thường thường người Việt nam nói về các “biến cố” trong chiến tranh Quốc – Cộng, họ nghĩ đến Tết Mậu Thân, Mùa Hè Đỏ Lửa, và 30 Tháng Tư 1975.
Nhưng đối với tôi, cái biến cố nguy hại nhứt cho dân tộc Việt nam chính là biến cố đã xảy ra ở năm 1964, trước đây 50 năm.
Tôi muốn nói đến thời gian mấy tháng mà Tướng Nguyễn Khánh làm Thủ tướng sau khi cho phe nhóm Tướng Dương văn Minh tạm “nghỉ hưu”.
Đại Việt tham chánh
Cái Chánh phủ lập ra sau cuộc chỉnh lý ngày 30 tháng giêng 1964 có thể được cho là Chánh phủ hay nhứt của hai chế độ Việt nam Cộng hòa. Nội các có nhiều người giỏi, có uy tín, có lòng giúp đất nước, giúp dân chúng, bao gồm đại diện Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Phật Giáo Thống nhứt, Công Giáo, Đại Việt, Việt Quốc. Tức muốn nói đó thật sự là một Chánh phủ liên minh quốc gia, hay một Chánh phủ Đại đoàn kết quốc gia chỉ bao gồm những lực lượng quần chúng yêu nước, có thành tích lâu dài chống thực dân và chống cộng sản.
Hơn nữa Chánh phủ qua Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn làm Phó Thủ tướng, đặc trách 5 Bộ quan trọng, ban hành chánh sách Bình định nông thôn, thành lập hệ thống “Ấp Đời mới” nhằm cải thiện đời sống nông thôn, vừa ngăn chận cộng sản xâm nhập và quấy nhiễu dân chúng. Đồng thời, ông cũng cho thành lập Bộ Phát triển Sắc tộc để đưa đồng bào thượng thật sự hội nhập vào đời sống quốc gia như môt bộ phận dân tộc trọn vẹn hầu tránh bị cộng sản kích động bạo loạn cho mục tiêu chia rẽ cộng đồng dân tộc.
Mấy năm sau, lúc ông Nguyễn văn Thiệu làm Tổng Thống, thì chánh sách Bình định nông thôn được nâng lên hàng Quốc sách. Nhờ đó, hạ tầng cơ sở của Việt cộng phần lớn bị phá vỡ. Cộng sản bắc việt xâm nhập phải qua ngã Lèo nhưng khi tới Miền nam phải gặp khó khăn do chương trình Bình định nông thôn của Chánh phủ ổn định được đời sống ở nông thôn.
Hầu hết dân chúng Miền Nam chống cộng sản quyết liệt. Chính nhờ thực tế chánh trị này mà Hà nội đã phải chịu công nhận Chánh phủ Miền nam trong Hội nghị Hòa đàm Paris 1973 là một Quốc gia độc lập hoàn toàn. Khác hơn Chánh phủ Lâm thời Cộng hòa Miền nam, tức chánh phủ Việt cộng, thật sự chỉ là công cụ của Hà nội nên qua ngày 1/5/1975, trên thực tế, đã không còn.
Như vậy, tôi tự hỏi tại sao chương trình Bình định Xây dựng nông thôn đó lại không được thực hiện liên tục từ lúc mới đưa ra hồi đầu năm 1964? Nếu đã có, tôi nghĩ rằng đã không có sự suy yếu của Chánh quyền Sài gòn trong hai năm 1964 và 1965 và nhờ đó chắc chắn Chánh phủ Hoa kỳ đã không cần phải đưa quân đội qua tác chiến yểm trợ Quân đội Vìệt nam Cộng hòa chống Hà nội.
Nếu quân đội Mỹ không qua đánh giặc thì Chánh phủ Hoa kỳ có thể tiếp tục giúp dân Miền nam cho đến bây giờ, như đã nhiều năm giúp Do thái, Âu châu,… Mỹ can thiệp với lính thì Hà nội có cơ sở tuyên truyền Mỹ xâm lược để xách động dân chúng hai miền làm chiến tranh giải phóng, chống Mỹ Ngụy cứu nước, nhưng thật ra là cho mục đích cộng sản cai trị cả nước. Cái cớ “Mỹ xâm lược” còn giúp Hà nội khơi dậy và phát động phong trào phản chiến ngay tại Mỹ và khắp các nơi, từ Âu châu qua Á châu, làm cho dân chúng Mỹ và Quốc hội Mỹ đã bỏ rơi Chánh phủ Sài gòn.
Cái biến cố năm 1964, theo tôi, là sự phá hoại chương trình đoàn kết dân Miền nam và còn ngăn cản sự áp dụng mọi chương trình có ích lợi cho đời sống ở nông thôn dưới thời Chánh phủ Nguyễn Khánh.
Chánh phủ sau cuộc chỉnh lý do một số anh em Đại Việt tham gia. Các chương trình chánh phủ có tính cách chiến lược được lấy ý từ lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn của Đại Việt. Nhơn viên Chánh phủ thi hành Chương trình, một số nồng cốt, là cán bộ Đại việt dưới sự lãnh đạo của Bs Nguyễn Tôn Hoàn và Gs Nguyễn Ngọc Huy.
Nguyễn Khánh và những sai lầm nghiêm trọng
Tiếc rằng anh em Đại Việt đưa Nguyễn Khánh lên làm Thủ tướng. Vì chuyện cá nhân giữa Dương văn Minh và nhóm chỉnh lý, Ông Dưong văn Minh không được làm Quốc trưởng với Bs Nguyễn Tôn Hoàn làm Thủ tướng. Nhưng anh em quân nhơn trong nhóm chỉnh lý đã mời Nguyễn Khánh làm Thủ tướng nên Ông Nguyễn Tôn Hoàn phải làm Phó Thủ tướng Đặc trách Bình định Nông thôn và Anh Ba Huy nhận làm Đổng lý Văn phòng cho Ông Nguyễn Tôn Hoàn.
Một điều đáng tiếc nữa là người Mỹ không hiểu gì về Đại Việt. Họ chỉ biết lo sợ tình hình chánh trị miền nam sẽ bất ổn. Nên, tháng 3 năm 1964, Bô trưởng Quốc phòng Mỹ, Ông Robert McNamara, qua Việt Nam ủng hộ cá nhơn Nguyễn Khánh. Có hình Ông Mac Namara đi với Ông Nguyễn Khánh và kéo tay Ông Nguyễn Khánh lên như hoan nghênh một người võ sĩ đã thắng trận đấu và còn nói “He’s our boy!”
Sau đó, Ông Nguyễn Khánh có lẽ nghĩ rằng nếu ông đã có người Mỹ ủng hộ rồi thì không còn thấy cần Đại Việt nữa chăng? Ông bắt đầu phá kế hoạch đoàn kết toàn dân qua Chương trình Phát triển nông thôn của hai Ông Nguyễn Tôn Hoàn và Nguyễn Ngọc Huy, và các anh chị em cán bộ nồng cốt của Đại Việt.
Ông Nguyễn Khánh giao trường huấn luyện cán bộ xây dựng nông thôn ở Vủng tàu cho bà con trong đảng Duy Dân. Vẫn biết Duy Dân là đảng quốc gia chống thực dân và chống cộng sản. Họ có một cơ sở lý thuyết đồ sộ rất hay. Cả về văn hóa lẫn chánh trị cầm quyền. Nhưng trong tình hình khẩn trương của Miền nam lúc đó, sự thay đổi quá đột ngột thiếu chuẩn bị đều bất lợi và gây trở ngại trước mắt vô cùng nghiêm trọng. Hơn nữa, cán bộ Duy Dân, trên thực tế, chưa được chuẩn bị để đảm nhiệm vai trò xây dựng và phát triển hậu phương nông thôn lại được đưa về nắm lấy chánh quyền địa phương. Tinh thần phe cánh và nghi ngờ lẫn nhau cũng là một yếu tố tạo thêm những khó khăn bất lợi cho Miền nam sau này.
Ông Nguyễn Khánh chủ tâm tìm các sĩ quan không có nhiều kiến thức chánh trị, thiếu hiểu biết tầm quan trọng của chánh sách xây dựng và phát triển đất nước để đưa họ lên nắm những chức vụ lãnh đạo quan trọng. Sĩ quan Đại Việt có uy tín, có thật lòng với đất nước, có khả năng vừa quân sự vừa chánh trị, không tham nhũng, lại không được Ông Nguyễn Khánh trọng dụng. Như vậy sức mạnh chiến đấu của dân và quân bị ảnh hưởng xấu, dễ bị cộng sản lợi dụng khai thác. Đồng thời, lòng tham tiền bạc bắt đầu thành hình một lớp viên chức Chánh phủ biết tầm giá trị của tham nhũng.
Tệ nhứt đối với tôi, Ông Nguyễn Khánh chủ trương chia rẽ Phật giáo với Công giáo và đồng thời chia phe Đại Việt của Ông Hà Thúc Ký nghịch với phe Đại Việt của Ông Nguyễn Tôn Hoàn và Ông Nguyễn Ngọc Huy.
Ông Nguyễn Khánh không thấy rằng một cộng đồng bị chia rẽ quá nặng nề sẽ không bao giờ có đủ sức mạnh, đủ tinh thần và chung một tấm lòng hợp tác nhau chặt chẽ để nhằm đối phó chống lại một kẻ thù cực kỳ lưu manh và đại ác ôn là cộng sản Hà nội.
Đến tháng 8 năm 1964, tránh Sài gòn, đi ra Vũng Tàu, Ông Nguyễn Khánh đưa ra bản Hiến chương, báo chí gọi là “Hiến chương Vũng Tàu” tự suy tôn ông lên làm một thứ Quân vương xử dụng quân đội và cảnh sát, nắm trọn quyền cai trị Việt nam từ trên xuống dưới. Không cần có thêm sự hợp tác nào khác cả.
Ông Nguyễn Khánh nhờ em út trong quân đội loại phe của Ông Nguyễn Tôn Hoàn ra khỏi chánh quyền. Ông Nguyễn Tôn Hoàn và Ông Nguyễn Ngọc Huy phải bỏ ra nước ngoài.
Chỉ trong thời gian ngắn sau đó, Ông Nguyễn Khánh bị hạ bệ, ông và bà vợ cầm theo nắm đất quê hương lên máy bay đi lưu vong.
Đảng Tân Đại Việt
Ông Nguyễn Ngọc Huy trở về thành lập Đảng Tân Đại Việt để tích cực tham gia vào sanh hoạt chánh trị Miền nam chống cộng sản ngày càng xâm nhập mạnh. Anh em sĩ quan Tân Đại Việt tổ chức mấy cuộc đảo chánh để chấm dứt càng sớm càng tốt ảnh hưởng của Ông Nguyễn Khánh để ổn định nền chánh trị Miền nam, dồn mọi nỗ lực đối phó với hiểm họa cộng sản.
Những binh biến đó làm cho Miền nam rơi vào mấy tháng lộn xộn, bất ổn, dân chúng hoang mang. Tinh thần của quân dân xuống thấp. Người Mỹ lo ngại. Hà nội lại mừng. Cuối năm 1964, Hà nội quyết định gửi quân đội chánh quy vào Miền nam để đánh chiếm cho bằng được phần đất tự do không cộng sản còn lại.
Năm nay, đến ngày giỗ của Cố Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy, tôi còn buồn thêm khi tôi nhớ lại mấy việc xảy ra năm 1964. Mà như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Tôi nghĩ nếu như đường lối xây dựng đất nước có đạo lý, có dân chủ tự do của Anh Ba Huy lấy ra từ chủ thuyết Dân tộc Sanh tồn đã không bị Ông Nguyễn Khánh phá, thì Việt nam Cộng hòa có thể chưa phải mất như vậy.
Nếu Anh Ba Huy đã gặp thời cơ tốt, thi chắc đất nước Việt nam đã khác hơn.
Nhưng theo nhà thơ Nguyễn Du thi mình không nên “trách Trời gần, Trời xa”. Mà mình nên hiểu “Cái thiện căn ở tại lòng ta” để mà xây dựng xã hội, xây dựng đất nước cho hợp Đạo Trời, thuận lòng người mà thôi.
Minnesota, Ngày giỗ Cố Gs Nguyễn Ngọc Huy lần thứ 24
Steve B. Young