Từ Việt Nam, Lithuania, Ba Lan, đến Ukraine: Hoà Bình Thế Giới Trong Thời Putin

Cac Bai Khac

No sub-categories

Từ Việt Nam, Lithuania, Ba Lan, đến Ukraine: Hoà Bình Thế Giới Trong Thời Putin

21/03/2023
Trangđài Glassey-Trầnguyễn

image.png

Tác giả điều hợp phần hội thảo sau khi phát biểu.

Hình: Ross Patterson, Fulbright Association, 2022.https://vietbao.com/a315243/tu-viet-nam-lithuania-ba-lan-den-ukraine-hoa-binh-the-gioi-trong-thoi-p

LGT: Nhân một năm đánh dấu ngày Liên Xô xâm chiếm Ukraine, xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Trangđài Glassey-Trầnguyễn (trangdai.net).

Bài phát biểu được chọn làm General Session, có hội thảo, kéo dài một giờ đồng hồ, tại Đại Hội Fulbright thường niên 2022 tại Bethesda, Maryland, Hoa Kỳ.

Trang đài nhận học bổng Fulbright toàn phần, bậc tối ưu, năm 2004-2005 để nghiên cứu về người Việt tại Thụy Điển. Cô là người Mỹ gốc Việt đầu tiên và duy nhất được chọn đến Thuỵ Điển trong lịch sử của chương trình Fulbright. Trong thời gian đó, cô đã nhận được thêm nhiều học bổng ngoại lệ (exceptional basis) từ Uỷ Ban Fulbright của Thuỵ Điển để đến nghiên cứu về người Việt ở Phần Lan, và cho các chuyến thuyết trình tại Klaipeda, Berlin, và Stockholm. Sau khi hoàn tất chương trình nghiên cứu dưới sự bảo trợ của chương trình Fulbright Hoa Kỳ, Trangđài đã tự túc đến tìm hiểu đời sống người Việt tại nhiều nước Châu Âu khác trong mùa hè 2005.

Bài phát biểu này dựa trên những cuộc gặp gỡ và trao đổi tôi có được ở Lithuania và Ba Lan mùa hè năm 2005 trong thời gian tôi đến Thụy Điển nghiên cứu dưới sự bảo trợ của chương trình Fulbright Hoa Kỳ. Tôi nhìn về hoà bình thế giới và quá trình một quốc gia chống chọi với sự tấn công, đàn áp của ngoại bang và những hậu quả lâu dài của nó. Trong khi cuộc xâm lăng của Putin vào nước Ukraine đang diễn ra khốc liệt từ tháng Hai 2022, chúng ta cần đặt câu hỏi, “Làm cách nào để một dân tộc không chỉ đối diện với những hoang tàn, đổ nát từ chiến tranh mà còn phải mặc cả với những hình thức đô hộ khác vốn còn kéo dài nhiều năm nữa?” Là một học giả Fulbright người Mỹ gốc Việt đầu tiên đến Thuỵ Điển năm 2004-05, tôi có sự quan tâm sâu sắc khi Thuỵ Điển và Phần Lan xin gia nhập Khối Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương vào tháng Năm, năm 2022, khi họ cảm thấy an ninh quốc gia bị đe doạ. Tám tháng sau khi Putin xâm lược và tàn phá thảm khốc đất nước Ukraine, vấn đề an ninh quốc gia của các đất nước có diện tích nhỏ như Thuỵ Điển và Đài Loan trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể tìm ra những giải pháp và hy vọng nào từ lịch sử của Lithuania và Ba Lan cho Ukraine hôm nay?

Xin kính chào quý vị. Chủ đề cho buổi hội thảo hôm nay là viễn ảnh của chúng ta về hoà bình thế giới, và tôi xin trân trọng cảm ơn sự hiện diện của quý vị.

Sau phần trình bày của tôi, chúng ta sẽ hội thảo và chia sẻ những suy nghĩ, chiến lược, và hy vọng cho hòa bình thế giới, đặc biệt là cho hoàn cảnh của một nước Ukraine tự do.

Vì năm 2022 đánh dấu 75 năm ngày thành lập chương trình Fulbright và 45 năm Đại hội thường niên, tôi xin mời quý vị cùng nghiền ngẫm về sứ mạng và di sản của chương trình Fulbright trong việc giúp kiến tạo hòa bình thế giới.

Bài phát biểu này dựa trên những cuộc gặp gỡ và trao đổi tôi có được ở Lithuania và Ba Lan mùa hè năm 2005 trong thời gian tôi nhận học bổng Fulbright toàn phần, bậc tối ưu. Tôi nhìn về hoà bình thế giới và quá trình một quốc gia chống chọi với sự tấn công, đàn áp của ngoại bang và những dư âm của nó. Với cuộc xâm lăng của Putin vào nước Ukraine đang diễn ra khốc liệt từ tháng Hai 2022, chúng ta phải hỏi làm cách nào để một dân tộc không chỉ đối diện với những hoang tàn, đổ nát từ chiến tranh mà còn phải mặc cả với những hình thức đô hộ khác vốn còn kéo dài nhiều năm nữa. Là một học giả Fulbright người Mỹ gốc Việt đầu tiên đến Thuỵ Điển năm 2004-05, tôi có sự quan tâm sâu sắc khi Thuỵ Điển và Phần Lan xin gia nhập Khối Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương vào tháng Năm, năm 2022, khi họ cảm thấy an ninh quốc gia bị đe doạ. Tám tháng (ở thời điểm của Đại hội Fulbright vào tháng 10, 2022) sau khi Putin xâm lược và tàn phá thảm khốc đất nước Ukraine, vấn đề an ninh quốc gia của các đất nước có diện tích nhỏ như Thuỵ Điển và Đài Loan trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể tìm ra những giải pháp và hy vọng nào từ lịch sử của Lithuania và Ba Lan cho Ukraine hôm nay?

Tháng Năm, năm 2005. Tôi đi xe buýt về thành phố cảng Klaipeda, nước Lithuania, sau chuyến bay từ Stockholm. Tôi có bài phát biểu với nhan đề “Immigrant Placenta-Fellows across the Baltic Lands” trong Đại hội liên ngành do The Institute of Baltic Sea Region History and Archaeology, University of Klaipeda, Lithuania, tổ chức. Các tham dự viên đến từ khắp các nơi ở Châu Âu. Ban tổ chức đón chúng tôi ở phi trường và đưa chúng tôi về trường bằng xe buýt. Tôi thật sự xúc động khi xe lướt trên những con đường dài với đồng không ở hai bên. Tôi cảm thấy như mình đang về quê. Sau này, tôi gọi Lithuania là Việt Nam thứ hai của tôi, quê hương hậu chiến mà tôi đã sống và đã biết trong mười chín năm  trước khi tôi đến Mỹ tỵ nạn. Khung cảnh này thật quá giống quê tôi ngày xưa! Đồng không. Nhà cửa hoang tàn. Cơ sở hạ tầng bị bỏ phế. Một sự thinh lặng buồn tênh rót vào không gian. Tôi nhận thấy một sự quen thuộc khôn tả ở nơi đây dù tôi chỉ mới lần đầu đặt chân đến và dù tôi không gặp ai cùng màu da với mình. Tôi vừa dán mắt vào cửa kính xe để uống lấy khung cảnh bên đường, vừa liên tục bấm máy chụp hình kỹ thuật số. Một người trong Ban Tổ Chức của Đại hội đã tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Ông nói, “Ở đây đâu có gì mà cô chụp hình! Cứ chờ đến khi cô thấy Klaipeda. Ở đó cảnh đẹp hơn nhiều!” Nhưng làm sao tôi có thể  giải thích cho bất cứ ai khác biết rằng tôi đã cảm thấy như mình đã về đến quê nhà trong cái đốn mạt và vụn vỡ này, ngay cả khi tôi không hề cố ý đi tìm một hình bóng quê nhà trong chuyến đi này?

Trong những ngày đại hội, tôi lại tiếp tục cảm nhận một sự gần gũi rất mực sâu sắc, như thể mình đang được về lại quê hương yêu dấu. Có những bài thuyết trình xoay quanh kinh nghiệm của người Lithuania khi họ phải đối diện với việc mất đất đai một sớm một chiều dưới chế độ cải cách ruộng đất, khi nhà nước độc tài chiếm đoạt quyền sở hữu đất đai của người dân mà không cần một sự bồi thường hay một lý do nào cả.  Nông dân buộc phải canh tác cho chính quyền và thường thì họ bị tước đoạt hết thành quả lao động của mình. Nhiều người phải chịu đói. Những bài thuyết trình này nói về Lithuania, nhưng chúng phản ánh chính xác thực tế mà tôi đã chứng kiến tại Việt Nam suốt 19 năm tôi sinh trưởng ở quê nhà. Những câu chuyện này làm tim tôi chao đảo.

Cuối ngày đầu tiên của Đại hội, khi chúng tôi tản bộ quanh phố cảng Klaipeda, tôi cảm nhận gánh nặng của một quá khứ bị đô hộ trên khuôn mặt và đôi vai của những người bộ hành. Tôi chứng kiến sự phẫn uất trỗi lên từ một đời sống bị đàn áp của người dân tại đây.

Các bạn người Lithuania tham dự Đại hội kể lại chuyện phải sống qua mùa đông với hệ thống sưởi “trung tâm” của thành phố, về sự đô hộ khốc liệt của Liên Xô, và về việc tái hoạt văn hoá của họ sau khi giành được độc lập hồi thập niên 1990. Họ suy ngẫm về quyền lực tối thượng của chế độ cầm quyền Nga Xô, và sự thất bại của chế độ này trong việc sưởi ấm cho người dân trong những tháng mùa đông buốt giá. Những nụ cười buồn tênh. Một hệ thống sưởi ấm từ trung tâm cho cả thành phố – thật là một trò đùa chua chát. Những ngôi nhà đổ nát, những cơ sở hạ tầng nửa vời, những kiến trúc dở dang lồi lõm, vân vân, là sự nhắc nhở rõ rệt về những lời hứa bất thành, hão huyền của chế độ Cộng Sản. Chắc chắn sự bệ rạc của năm 2005 là một trong những hệ quả đau đớn của sự đô hộ từ ngoại bang. Trong thiên niên kỷ thứ ba này, khi nói đến những cố gắng của nhân loại để phục hồi từ một lịch sử đô hộ, chúng ta cần phải tiếp tục làm nhân chứng cho những thiệt hại lâu dài từ những đế chế và chế độ đô hộ trong các thế kỷ trước.

Nhưng giữa những tàn phá thảm khốc đó vẫn có một mạch sống nuôi dưỡng người dân Lithuania. Trong đại hội, chúng tôi tham gia một dạ tiệc có dân nhạc và vũ điệu của người Lithuania. Đất nước này tuyên bố độc lập từ ngày 18 tháng Năm năm 1989, nhưng mãi đến ngày 11 tháng Ba năm 1990 thì xứ sở Ban-tích này mới hoàn toàn độc lập từ Liên Bang Xô Viết. Cô bạn người bản xứ Lithuania cùng phòng trọ kể với tôi, khi đất nước cô được độc lập từ Nga Xô năm 1990, thì mọi người trên cả nước chung tay làm sống lại văn hoá của mình. Đêm Văn Hoá Lithuania của Đại hội năm 2005 lóng lánh sức sống và niềm tự hào. Tôi có thể cảm nhận được những hạt mầm của tự do và tự quyết cho Lithuania đang nẩy nở trong từng bài hát và vũ điệu. Tôi rất trân trọng cơ hội được có mặt trong không gian ấy.

image.png

Đêm Văn Hoá Lithuanian. Hình văn khố, 2005.

Tôi có thể liên tưởng một cách trực tiếp và tinh tường về hoàn cảnh đất nước Lithuania bởi vì Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nặng nề của Nga Xô trong thời gian tôi lớn lên tại quê nhà. Tôi muốn nhấn mạnh rằng tuy Việt Nam chưa bao giờ bị Liên Xô chính thức đô hộ, nhưng ảnh hưởng của Liên Xô hiện rõ mồn một trong mọi chiều kích cuộc sống tại Việt Nam trong thập niên 1980 và 1990. Những đảng viên Cộng Sản cao cấp ở Việt Nam thời đó học tiếng Nga, đi du học ở các lãnh thổ Liên Xô, và tuyên truyền rập khuôn ý thức hệ chính trị của Nga. Liên Xô là một thực thể bao trùm Việt Nam một cách hoàn toàn thời ấy. Khi tôi lớn lên, trẻ con đến trường phải học thuộc lòng những bài thơ ca ngợi các lãnh tụ Xô Viết. Ví dụ:

Ông Lê-nin ở nước Nga

Mà em lại thấy rất là Việt Nam

Tư tưởng Nga nhận chìm đời sống và chính quyền Việt Nam thời đó. Học sinh như tôi lúc ấy không biết ông Lênin là ai, ông ta đã làm gì cho chúng tôi, và tại sao chúng tôi phải ca ngợi ông ta trên hết mọi sự. Nhưng dù muốn dù không, chúng tôi vẫn phải ca tụng ông ta. Tất cả mọi thứ liên quan đến Liên Xô đều được nâng cao và hô hào là tuyệt hảo. Trong cái bần cùng của một tỉnh nhỏ của Việt Nam thời hậu chiến, tôi được thấy những tấm bưu thiếp phô trương sự vĩ đại và hiện đại của Liên Xô. Nói tiếng Liên Xô là thời thượng. Đi du học ở Nga là một cơ hội rất nhiều người thèm muốn. Liên Xô là tiêu chuẩn tối thượng và một giấc mơ. Chính vì đời sống ở Việt Nam thời ấy bị nhận chìm trong chính thể Nga đã khiến tôi nhận ra những điểm tương đồng trong đời sống của người dân Việt và người dân Lithuania mà tôi tận mắt chứng kiến trong các bài nghiên cứu được trình bày tại Đại hội Klaipeda và trong mười chín năm tôi sống ở Việt Nam.

Từ Lithuania, lịch sử Liên Xô đô hộ trong khu vực theo tôi đến Ba Lan. Tưởng cũng cần nhắc lại cái lịch sử đô hộ lâu dài của Liên Xô cũng như sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết năm 1990, khi những quốc gia bị Liên Xô sáp nhập đã đứng lên giành lại chủ quyền. Lithuania và Ukraine là hai trong số các quốc gia tuyên bố độc lập từ Liên Xô năm đó.Vào tháng Tám năm 2005, tôi đến thăm thủ đô Warsaw của Ba Lan và phỏng vấn những người Việt phi quốc gia tại chợ trời ở Sân Vận Động Mười Năm. Tại một buổi hòa nhạc Chopin bên cạnh bức tượng của vị nhạc sĩ tài danh tại Công Viên Royal Łazienki ở Warsaw, tôi gặp những đứa bé bán những bông hoa hướng dương tươi đầy hạt để người ta mua ăn vặt. Nét buồn vương trong những đôi mắt ngây thơ ấy đã ám ảnh tôi.

Những người bạn Ba Lan chia sẻ với tôi niềm phẫn uất của họ về Tòa nhà Văn Hóa và Khoa Học, được thành lập năm 1955 theo chỉ thị của tên độc tài Joseph Stalin như là “món quà của dân tộc Nga cho dân tộc Ba Lan.” Món quà từ kẻ thống trị tiếp tục là một cái gai nhức nhối trong con mắt của người dân Ba Lan tự do và trên một nước Ba Lan độc lập, vì như một người hoạt động dân chủ ở Warsaw nói, “Tòa nhà đó là một phần của lịch sử đất nước chúng tôi, nhưng nó cũng nhắc đến thời kỳ Ba Lan bị Liên Xô đô hộ. Chúng tôi biết làm gì với nó bây giờ?”

Trong thời gian thăm Ba Lan, tôi cũng được hân hạnh tham dự Đại hội kỷ niệm 25 năm thành lập Công đoàn Đoàn Kết Ba Lan tại phố cảng Gdansk. Đây là một đại hội quốc tế để ăn mừng tự do và tình liên đới, sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính, với tham dự viên đến từ khắp thế giới. Những vị khách mời đã kể lại lịch sử và những thăng trầm của Phong trào và đối chiếu với những biến cố thời sự trên thế giới lúc ấy.

Một điểm nổi bật làm tôi cảm động sâu xa là thời điểm xoay chuyển trong Phong trào, khi vị Giáo hoàng quá cố Gioan Phaolô đệ nhị đến hành hương Ba Lan lần đầu tiên vào ngày 2 tháng Sáu, năm 1979. Thông điệp của Ngài cho dân tộc Ba Lan rất đơn giản, “Hãy yêu thương nhau.” Chuyến công du của Ngài bắt đầu từ Warsaw, rồi đến quê quán của Ngài ở Crawcow, và sáu thành phố khác. Thông điệp của chuyến đi đến từ lời mở đầu trong bài thánh ca về Thánh Stanislaus of Szczepanów – ‘Gaude Mater Polonia’ (Hãy mừng vui lên, Mẹ Ba Lan). Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị được gọi là “vị Giáo Hoàng đã thay đổi Ba Lan” bởi vì chuyến viếng thăm của Ngài đã khơi dậy trong lòng người Ba Lan niềm khao khát cho độc lập quốc gia. Chính niềm khao khát giành độc lập của cả một dân tộc đã làm đòn bẩy, đưa Công đoàn Đoàn Kết đi tới và góp phần kiến tạo độc lập cho đất nước Ba Lan và lật đổ chế độ Cộng Sản ở Đông Âu.

Từ tháng Hai năm 2022, thế giới đã chứng kiến cảnh người dân Ukraine chiến đấu chống ngoại xâm Liên Xô bằng mọi giá, với niềm hy vọng thiết tha và lòng dũng cảm phi thường. Cái giá phải trả thật quá cao. Mất mát cũng rất lớn. Nhưng tinh thần của người Ukraine vẫn kiên cường hơn bao giờ hết. Tôi xin kết thúc phần phát biểu của mình với một bài thơ ngắn – như một lời nguyện khiêm cung của tôi cho hòa bình và cho một Ukraine tự do HÔM NAY – và một cử chỉ nhỏ bé của tôi để hướng đến sự liên đới cho hòa bình thế giới.

Chim hạc tượng trưng cho lòng chính trực, sức mạnh, sự duyên dáng, sự kiên cường, và lòng dũng cảm. Chim hạc cũng là biểu tượng của sự trường thọ, và với ý nghĩa này mà chúng ta mong rằng đất nước Ukraine sẽ mãi trường tồn!

 Một ngàn cánh hạc cho Ukraine

by Trangđài Glassey-Trầnguyễn

một ngàn cánh hạc cho Ukraine

cho Hasan Alkhalaf mười một tuổi

lìa Mẹ từ Zaporizhzhya

lìa bóng tối rợn rùng đã lẻn vào quê hương em

một mình, vượt 750 dặm đến Slovakia

chỉ với tấm hộ chiếu và một số điện thoại được viết trên bàn tay

“niềm hy vọng đã đưa tôi đi,” em nói

một ngàn cánh hạc cho Ukraine

cho sự dũng cảm của một dân tộc

tính kiên trì, tinh thần bất khuất, và sự chịu đựng,

vẫn tươi nở trong hai màu vàng và xanh dương,

như bầu trời và hoa hướng dương

đã nẩy sinh một nền hòa bình và miền phục sinh viên mãn

tuổi trẻ sẽ đẩy lùi mọi tàn phá, đổ nát

image.png

Giới trẻ Ukraine chống lại Liên Xô xâm lược. Nguồn: Atlantic Council.

một ngàn cánh hạc cho Ukraine

ở Mariupol, Melitopol, Luhansk, Donestk,

lực lượng chống giặc đang tiến lên,

bao cánh hạc sẽ ôm ấp những vết thương của miền đất này,

Ukraine sẽ tự do!

công lý sẽ đứng vững!

một ngàn cánh hạc cho Ukraine

hỡi hòa bình, xin hãy đến

ôi, niềm vui, xin hãy đến

và tình yêu, xin ở mãi đây

chim phượng hoàng sẽ mạnh mẽ cất cánh từ đống tro tàn

của tất cả những độc ác vô lý này

cả thế giới đồng một lòng với sự thật của các bạn

Chúng ta vùng đứng với Ukraine!

Ukraine không còn là một miền địa lý xa xăm nữa đối với gia đình tôi khi năm nay, các con tôi đã kể sau khi dự trại hè tại the Ocean Institute ở Dana Point, California, “Tụi con gặp một anh trai và một em gái ở trại hè. Hai bạn không biết nói tiếng Anh. Các bạn đến từ Ukraine.”

Tôi thấy cảm mến ngay hai trẻ em tỵ nạn, đã bị ép buộc phải bỏ nhà bỏ xứ mà đi. Tôi cũng là một người tỵ nạn ba thập niên trước. Cũng cùng kinh nghiệm như các em, tôi đã phải lìa xa quê hương và gia đình mà không mang theo gì cả.

Vì cùng cảnh ngộ nên nhiều người Mỹ gốc Việt đã hết lòng hỗ trợ cho những người tỵ nạn Ukraine. Khi người Ukraine bắt đầu di tản từ vùng chiến ở quê hương họ, thì những người Mỹ có lòng quan tâm đã dang tay giúp đỡ, như bao thế hệ người Mỹ đã rộng lòng giúp người tỵ nạn chiến tranh trước nay. Riêng một số người Mỹ gốc Việt đã tìm cách giúp đỡ và bảo trợ những người tỵ nạn mới, như chúng ta đã từng được giúp khi đến tỵ nạn tại Mỹ từ tháng Tư năm 1975 và sau đó. Việc Ukraine bị xâm lược đã chạm đến trái tim của nhiều người khắp nơi trên thế giới một cách rất riêng tư, bởi vì có rất nhiều người trong chúng ta đã từng mất tất cả, mất nhà cửa, mất người thân yêu tử trận, mất quê hương đất nước, và phải bỏ xứ đi tìm tự do và an toàn ở xứ người.

Bây giờ chúng ta sẽ thảo luận về các phương cách để dấn thân cho hòa bình thế giới, nhất là từ cái nhìn và cách sống của các thành viên trong chương trình Fulbright.

– Trangđài Glassey-Trầnguyễn, Ph.D.