Tin Tổng Hợp – 14/03/23: Reaper Mỹ va chạm tiêm kích Su-27 Nga trên Biển Đen; Tuần tới Tập thăm Nga; Người Việt ở Mỹ lên tiếng về Biển Đông trước đại sứ quán TC, VC

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Tổng Hợp – 14/03/23: Reaper Mỹ va chạm tiêm kích Su-27 Nga trên Biển Đen; Tuần tới Tập thăm Nga; Người Việt ở Mỹ lên tiếng về Biển Đông trước đại sứ quán TC, VC

Máy bay không người lái của Mỹ bị Nga nghênh cản, rơi xuống Biển Đen

14/03/2023 – Reuters – Một máy bay giám sát không người lái MQ-9 của quân đội Hoa Kỳ rơi xuống Biển Đen hôm 14/3 sau khi bị máy bay chiến đấu của Nga nghênh cản. Đây là sự cố đầu tiên kiểu này kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hơn một năm trước.

Ngũ Giác Đài cho biết một trong
những máy bay phản lực Su-27 của Nga va vào cánh quạt của máy bay không
người lái Mỹ khiến máy bay không thể hoạt động.

Bộ Quốc phòng Nga nói tai nạn là do máy bay không người lái ‘thao tác gắt’ và rằng các máy bay phản lực của Nga không va đụng.

Mặc dù không có thiệt hại về
người, nhưng đây là sự nhắc nhở về nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa Hoa Kỳ
và Nga về vấn đề Ukraine, quốc gia mà Moscow xâm lược từ hơn một năm
trước và đang được các đồng minh phương Tây hỗ trợ về tình báo và vũ
khí.

Tư lệnh Tối cao lực lượng đồng
minh NATO ở Châu Âu, Tướng lục quân Christopher Cavoli, đã thông báo cho
các đồng minh NATO về vụ việc.

Sự cố này bị Tòa Bạch Ốc và Ngũ
Giác Đài lên án gay gắt và các quan chức cảnh báo về nguy cơ leo thang.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu tập đại sứ Nga.

Hai máy bay phản lực Su-27 của
Nga đã thực hiện điều mà quân đội Mỹ mô tả là nghênh cản liều lĩnh máy
bay do thám không người lái của Mỹ. Quân đội Mỹ nói các máy bay chiến
đấu của Nga đã đổ nhiên liệu lên MQ-9, có thể là tìm cách che tầm nhìn
hoặc làm hỏng máy bay, và bay trước mũi một cách không an toàn.

Sau khoảng 30 đến 40 phút, vào
lúc 7:03 sáng (giờ GMT), một trong những máy bay phản lực của Nga va
chạm với máy bay không người lái Mỹ, khiến nó bị rơi, quân đội Hoa Kỳ
cho biết.

“Máy bay MQ-9 của chúng tôi
đang thực hiện các hoạt động thường lệ trong không phận quốc tế thì bị
một máy bay Nga chặn và đâm trúng, dẫn đến một vụ tai nạn và chiếc MQ-9
thiệt hại hoàn toàn,” Tướng Không quân Hoa Kỳ James Hecker, người giám
sát không lực Mỹ tại khu vực, cho biết.

“Trên thực tế, hành động không an toàn và thiếu chuyên nghiệp của phía Nga suýt làm cho cả hai máy bay gặp nạn.”

TƯ LIỆU - Máy bay không người lái MQ-9 Reaper
TƯ LIỆU – Máy bay không người lái MQ-9 Reaper

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga
bác thông tin cho rằng máy bay của họ va đụng, khẳng định máy bay không
người lái của Hoa Kỳ rơi xuống nước do ‘thao tác gắt’.

“Các máy bay chiến đấu của Nga
không sử dụng vũ khí trên máy bay, không tiếp xúc với máy bay không
người lái và đã trở về sân bay an toàn,” Bộ Quốc phòng Nga nói.

Vẫn theo Bộ Quốc phòng Nga, máy
bay không người lái của Mỹ được phát hiện trên vùng biển gần bán đảo
Crimea, nơi Moscow đã sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

https://www.voatiengviet.com/a/may-bay-khong-nguoi-lai-cua-my-bi-nga-nghenh-can-roi-xuong-bien-den/7005441.html

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga trong tuần tới

14/03/2023 – Minh Anh – Hãng tin Anh Reuters ngày 14/03/2023, dẫn nhiều nguồn thạo tin cho biết chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự trù đến Nga gặp đồng nhiệm Vladimir Putin ngay trong tuần tới.

Kế hoạch đi Nga của lãnh đạo Trung Quốc dường như diễn ra sớm hơn dự kiến ban đầu. Hãng thông tấn Nga Tass hôm 30/01 loan báo, tổng thống Vladimir Putin đã mời Tập Cận Bình đến thăm Nga vào mùa xuân. Trong tháng 2/2023, báo Mỹ Wall Street Journal còn nêu chi tiết chuyến công du có thể diễn ra trong tháng Tư hay đầu tháng Năm.

Chuyến đi của chủ tịch Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc gần đây đưa ra một kế hoạch đàm phán hòa bình cho Ukraina. Do Trung Quốc hậu thuẫn Nga, phương Tây đón nhận sáng kiến này với nhiều hoài nghi, trong khi Kiev quan tâm, muốn biết rõ hơn ý định của Bắc Kinh.

Hiện tại, điện Kremlin chưa có bình luận gì về chuyến đi Nga của ông Tập Cận Bình. Các nội dung chính cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung cũng không được tiết lộ.

Nga và Trung Quốc, vào tháng 2/2022, vài tuần trước khi diễn ra cuộc xâm lược Ukraina, đã đúc kết một mối quan hệ đối tác «vô biên». Cả hai nước không ngừng khẳng định sự bền vững của mối quan hệ.

Theo nhiều nguồn thạo tin được Wall Street Journal trích dẫn hôm qua, 13/3, sau cuộc hội đàm với tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Tập Cận Bình rất có thể sẽ có cuộc điện đàm đầu tiên với đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky, kể từ khi Nga xâm lược Ukraina.

Cũng theo Reuters, hôm qua trong cuộc họp báo liên quan đến thỏa thuận an ninh «AUKUS», tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết dự trù sớm gặp đồng nhiệm Trung Quốc nhưng không cho biết thêm chi tiết.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230314-trung-qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-s%E1%BA%BD-th%C4%83m-nga-trong-tu%E1%BA%A7n-t%E1%BB%9Bi

Người Việt ở Mỹ lên tiếng về Biển Đông trước đại sứ quán Trung Quốc, Việt Nam

14/03/2023 – VOA Tiếng Việt

Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, Mỹ
Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington, Mỹ

Một cuộc biểu tình phản đối những hành động của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 18/3 ở thủ đô Washington của Mỹ, một phần trong chuỗi sự kiện biểu tình được lên kế hoạch ở một số các thành phố lớn khắp thế giới trong những tuần sắp tới.

Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Việt Nam kỉ niệm trận hải chiến tại Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14 tháng 3 năm 1988, khi 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hi sinh trong một cuộc tấn công của lực lượng hải quân Trung Quốc. Bắc Kinh kể từ đó đã chiếm quyền kiểm soát thực thể này.

Trung Quốc trước đó đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ Việt Nam Cộng Hòa trong một trận hải chiến vào năm 1974.

Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với cả hai quần đảo này và hiện kiểm soát phần nhiều các đảo ở Trường Sa, nơi mà Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Brunei và Malaysia cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo.

Các cuộc biểu tình, được tổ chức bởi Việt Tân – một đảng chính trị có trụ sở ở Mỹ đấu tranh chống lại sự cai trị độc tài của chế độ cộng sản ở Việt Nam – cùng gần 140 tổ chức và đoàn thể của người Việt khắp thế giới, nhằm “phản đối hành động xâm chiếm của Trung Quốc và đòi chính phủ cộng sản Việt Nam kiện Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia,” theo một thông báo trên Facebook của Việt Tân.

Một cuộc biểu tình trong chuỗi sự kiện này đã diễn ra vào 11 tháng 3 tại thành phố Den Haag (The Hague) ở Hà Lan với sự tham dự của người Việt từ các nước như Pháp, Bỉ, Đức, Đan Mạch và Na Uy. Các cuộc biểu tình khác dự kiến sẽ diễn ra trong tuần này và tuần sau tại các cơ sở ngoại giao của Trung Quốc ở Washington, Sydney và Tokyo, theo ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư của Việt Tân.

“Đây là năm với những mốc điểm rất đặc biệt mà người Việt chúng ta phải làm sao lên tiếng để khẳng định là Việt Nam có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa và kêu gọi quốc tế tiếp tục không công nhận những hành động xâm lược của Trung Quốc,” ông nói với VOA.

Tại Washington, cuộc biểu tình được lên lịch diễn ra vào ngày 18 tháng 3 trước đại sứ quán của Trung Quốc và sau đó di chuyển sang đại sứ quán của Việt Nam, để kêu gọi “hành động mạnh hơn đối với Trung Quốc, cụ thể là thu hồi công hàm của Phạm Văn Đồng,” ông Duy nói, nhắc tới một văn kiện mà thủ tướng của Bắc Việt Nam đã gửi cho Thủ tướng Chu Ân Lai của Trung Quốc có nội dung được nói là tán thành những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với hai quần đảo.

Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ ngoạo giao giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Việt Nam thường lên tiếng bày tỏ lo ngại về những hành động bị cho là hung hăng của Trung Quốc nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền, nhưng những người chỉ trích cho rằng việc này vẫn chưa đủ và kêu gọi Hà Nội có những bước đi mạnh mẽ hơn.

Trong những năm trước, các hoạt động tưởng niệm công khai quân nhân Việt Nam hi sinh khi bảo vệ lãnh thổ và Hoàng Sa và Trường Sa thường bị cản trở và ít khi được nhắc tới trên truyền thông chính thống. Nhưng năm nay có những chỉ dấu cho thấy nhà chức trách dường như đã cho phép các hoạt động tưởng niệm diễn ra với một mức độ tự do nhất định trong khi báo chí đề cập đến sự kiện lịch sử này nhiều hơn.

“Bao nhiêu lần mà Trung Quốc có những hành động hung hăng ở Biển Đông thì nhà nước cộng sản Việt Nam lên tiếng rất là chừng mực, và đến ngày hôm nay họ vẫn chưa kiện Bắc Kinh tại Tòa án Trọng tài Quốc tế ở The Hague để xác định chủ quyền của Việt Nam,” ông Duy nói.

“Đối với người Việt Nam chúng ta, chúng ta có chấp nhận mất Hoàng Sa, Trường Sa hay không thì tôi nghĩ chắc chắn là không. Đó là lý do phải có sự phản đối từ người dân, rằng chúng ta không chấp nhận mất chủ quyền biển đảo của Việt Nam và phải có những hành động mạnh hơn từ chính quyền Hà Nội.”

Ông Duy cho biết ngoài những đồng hương người Việt ở vùng thủ đô Washington sẽ tham dự cuộc biểu tình vào ngày 18 tháng 3 còn có những phái đoàn khác đến từ các thành phố như Philadelphia, Boston và Toronto thuộc Canada.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, một thành viên của Việt Tân ở Toronto, phụ trách sắp xếp chuyến đi cho những người biểu tình đến Washington, cho biết đến nay gần 60 đồng hương người Việt ở Toronto và vùng phụ cận đã ghi danh tham dự và con số này chất đầy một chuyến xe buýt. Ông nói ông sẽ làm hết sức có thể để thu xếp phương tiện đi lại nếu thêm nhiều người nữa tham gia hành trình.

“Thông điệp của chúng tôi muốn gửi đến phía Việt Nam là yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam ngưng ngay việc thui chột lòng yêu nước của dân Việt Nam,” ông nói.

“Cứ mỗi một lần người Việt Nam xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc là bị nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp… Họ tìm tất cả mọi phương tiện mà họ có được để ngăn chặn tất cả tiếng nói chống Trung Quốc của dân Việt Nam. Đó là điều mình không thể chấp nhận được.”

https://www.voatiengviet.com/a/nguoi-viet-o-my-len-tieng-ve-bien-dong-truoc-dai-su-quan-trung-quoc-viet-nam/7005427.html

(AFP) – Trung Quốc mở lại dịch vụ cấp thị thực nhập cảnh cho khách nước ngoài. Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết, kể từ hôm nay, 14/3/2023, sẽ mở lại dịch vụ cấp thị thực nhập cảnh cho du khách tất cả các nước, bị hạn chế kể từ đầu mùa dịch Covid-19. Đây là một bước mới tiến đến mở cửa trở lại bình thường như Bắc Kinh mong muốn. Các thị thực được Trung Quốc cấp trước ngày 28/3/2020 mà chưa hết hạn vẫn còn hiệu lực và do vậy, người sở hữu được phép vào Trung Quốc.

(AFP) – Đài Loan trình làng drone tấn công đầu tiên. Hôm nay, 14/3/2023, định chế quân sự National Chung-Shan Institute of Science and Technology (NCSIST) tiết lộ một drone mới, có mô hình giống với Switchblade 300 – một kiểu drone của Mỹ đang được Ukraina sử dụng chống lại quân Nga. Thiết bị bay này, sản xuất tại Đài Loan, có kích cỡ nhỏ vừa đủ để vào túi ba-lô và có thể bay lơ lửng trong không trung trong vòng 15 phút. Loại drone này chỉ sử dụng một lần và tự hủy ngay sau lần tấn công đầu tiên.

(AFP) – Bắc Triều Tiên lại bắn thử hai tên lửa đạn đạo. Theo Seoul, chế độ Bình Nhưỡng hôm nay, 14/03/2023 đã cho bắn thử hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn, một ngày sau khi Mỹ – Hàn khởi động cuộc tập trận chung quy mô lớn « Ulchi Freedom Shield » đầu tiên sau 5 năm tạm ngưng. Chiến dịch quân sự này kéo dài ít nhất 10 ngày và tập trung chủ yếu vào «tiến triển môi trường an ninh» trước thái độ hung hăng ngày càng gia tăng từ Bắc Triều Tiên. Một ngày trước khi cuộc tập trận bắt đầu, Bình Nhưỡng cũng đã cho phóng hai tên lửa hành trình từ một tầu ngầm.

(AFP) – AUKUS: Nga tố cáo phe «Anh-Mỹ» chuẩn bị «nhiều năm đối đầu» ở châu Á. Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov trong một bài phát biểu tại Matxcơva hôm nay, 14/03/2023, tố cáo «thế giới Anh ngữ xây dựng khối cấu trúc như AUKUS, đặt cơ sở cho NATO ở châu Á, đồng thời đánh cược nghiêm túc cho nhiều năm dài đối đầu». Lãnh đạo ngoại giao Nga tuyên bố như trên sau khi Mỹ thông báo một hiệp ước AUKUS mới ngày hôm qua. Trong khi đó, điện Kremlin tỏ ra quan ngại về rủi ro phổ biến hạt nhân mà thỏa thuận giữa Washington, Luân Đôn và Canberra có thể gây ra.

(AFP) – Ý: Wagner dùng di dân gây áp lực với các nước hậu thuẫn Ukraina. Bộ trưởng Quốc Phòng Ý Guido Crosetto hôm qua, 13/03/2023 trong một thông cáo khẳng định «hiện tượng di dân đến từ các bờ biển châu Phi tăng vọt rõ ràng là một phần trong chiến lược chiến tranh tổng hợp mà Wagner đang tiến hành khi sử dụng tầm ảnh hưởng đáng kể của mình tại nhiều nước châu Phi». Cũng theo ông, Liên Hiệp Châu Âu, NATO và phương Tây ghi nhận các cuộc tấn công mạng cũng là một phần chiến lược đối đầu toàn diện mà chiến tranh Ukraina đang mở ra. «Mặt trận Nam Âu ngày càng trở nên nguy hiểm».

(AFP) – Armenia than phiền với Putin về nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Nga. Thủ tướng Armenia hôm nay, 14/3/23, khẳng định đã phàn nàn với tổng thống Nga Vladimir Putin về mối nguy leo thang căng thẳng tại vùng Thượng Karabakh. Theo ông, «tại những vùng dưới sự trách nhiệm của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đang có nhiều vấn đề». Những lời than phiền này của thủ tướng Armenia được đưa ra vào lúc căng thẳng với Azerbaïdjan và nỗi bất bình của Armenia đối với Nga ngày càng lớn.

(RFI) – Mỹ cấp giấy phép mới cho khai thác dầu tại Alaska: Giới môi trường phẫn nộ, lên án tổng thống Biden phản bội. Dự án khai thác dầu tại phía bắc Alaska của công ty ConocoPhilips, bị phản đối dữ dội tại Mỹ từ năm 2017, rút cục đã được cấp phép hôm qua, 13/03/2023. Trước đó, tổng thống Biden từng hứa không cấp phép thêm cho khai thác dầu tại Mỹ. Một phần cư dân địa phương ủng hộ dự án này, do hy vọng việc khai thác mang lại lợi ích tài chính và nhiều việc làm. Nhiều tổ chức phi chính phủ lên án các mâu thuẫn của chính quyền Biden, một mặt đầu tư 370 tỉ euro cho việc chuyển sang kinh tế xanh, mặt khác tiếp tục đầu tư cho năng lượng hóa thạch.

(Le Monde) – Tài chính cho Kinh tế Xanh:  Hơn 130 nghị sĩ châu Âu ký kiến nghị kêu yêu cầu lập thuế đặc biệt đánh vào giới triệu phú. Bản kiến nghị được đăng tải trên báo Pháp Le Monde hôm nay, 14/03/2023. Nghị sĩ nhóm minh các đảng Xã Hội và Dân Chủ, Aurore Lalucq, và kinh tế gia Gabriel Zucman chủ trì sáng kiến này. Các nghị sĩ châu Âu đề xuất mức đánh thuế 1,5% đối với các tài sản trị giá 50 triệu euro trở lên. Mục tiêu là để có nguồn thu cho các nỗ lực chuyển sang Kinh tế Xanh. Các nghị sĩ kêu gọi tổ chức OCDE và Liên Hiệp Quốc đưa vấn đề này ra thảo luận, đồng thời thúc đẩy Liên Âu hành động.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230314-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

(Reuters) – Mỹ và Philippines tập trận nhằm cải thiện khả năng phòng thủ và bảo vệ lãnh thổ của Manila. Đợt tập trận thường niên Salaknib mở ra vào hôm nay 13/03/2023 và kéo dài 3 tuần, với sự tham gia của hơn 3.000 binh sĩ hai nước, và gồm nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật cỡ nhỏ, pháo và súng cối và thao dợt xây dựng các công trình. Các cuộc tập trận tập trung vào hoạt động phòng không và phòng thủ bờ biển. Phần lớn các hoạt động sẽ diễn ra tại Fort Magsaysay, căn cứ quân sự lớn nhất của Philippines, và là một trong 5 căn cứ mà quân đội Mỹ được phép tiếp cận theo Thỏa Thuận Hợp Tác Quốc Phòng nâng cao (EDCA) với Manila.

(Le Monde) – Thụy Sĩ bảo vệ tính trung lập, cấm các nước khác cung cấp vũ khí Thụy Sĩ cho Ukraina. Trên báo Neue Zürcher Zeitung am Sonntag (NZZ), tổng thống Thụy Sĩ, Alain Berset, tuyên bố: «Các loại vũ khí của Thụy Sĩ không được sử dụng trong các cuộc chiến tranh». Nói đến tính trung lập của Thụy Sĩ, nhưng tổng thống Berset cũng khẳng định điều đó «không có nghĩa là sự thờ ơ» và Bern có thể «thích nghi», chẳng hạn như với các biện pháp trừng phạt chưa từng có mà Thụy Sĩ đã áp đặt đối với Nga. Hôm 10/02/023, chính phủ Thụy Sĩ đã cấm Tây Ban Nha chuyển cho Kiev pháo phòng không sản xuất tại Thụy Sĩ. Đến ngày 15/02, Berne thông báo việc tịch thu tài sản của Nga đi ngược lại hiến pháp của Thụy Sĩ và có thể «vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của Thụy Sĩ».

(AFP) – Modolva phá vỡ một mạng lưới gây bất ổn định do Nga đứng sau. Cảnh sát Moldova, hôm qua 12/03/2023, cho biết thẩm vấn 25 người, và câu lưu 7 người trong số họ. Cuộc truy bắt diễn ra trong bối cảnh phe thân Nga tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền. Hàng nghìn người hôm qua tiến về trụ sở chính phủ, nhưng bị cảnh sát ngăn chặn. Theo cảnh sát, đảng của nhà tài phiệt thân Nga Ilan Shore, đã chạy ra nước ngoài, đứng sau các cuộc biểu tình. Chính quyền Moldova siết chặt biên giới, 182 người nước ngoài bị cấm nhập cảnh.

(AFP) – Cấm xe chạy xăng dầu từ 2035 ở châu Âu: Đức trì hoãn do áp lực của ngành xe hơi. Theo chính quyền Đức hôm qua, các nước lưỡng lự với mục tiêu này đã có cuộc họp cấp bộ trưởng tại Strasbourg, Pháp, 13/03/2023, với Ủy Ban Châu Âu. Đứng đầu nhóm muốn trì hoãn là Đức. Đức đã ngăn chặn việc khối 27 nước thông qua mục tiêu này hôm thứ Ba tuần trước. Cấm xe xăng dầu là biện pháp chủ yếu của chính sách chuyển sang nền kinh tế xanh của Liên Âu. Lý do Đức trì hoãn là do áp lực của ngành xe hơi. Việc Ý, Ba Lan và cả Bulgari ủng hộ Đức khiến Liên Âu chưa hội đủ đa số cần thiết để ra quyết định này.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230313-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p