40 năm mùa Quốc Hận – Phạm Ðức Duy

Cac Bai Khac

No sub-categories

61 năm từ khi sông Bến Hải chia đôi đất nước, 40 năm kể từ ngày miền Nam bị nhuộm đỏ, chắc hẳn chúng ta nay ai cũng hiểu rõ định mệnh Việt Nam không những không hoàn toàn chỉ tùy thuộc vào người Việt, mà nhiều lúc những bước ngoặc lịch sử hoặc những quyết định quan trọng cho số phận đất nước lại nằm trong trong tay các đại cường.

Với sự phát triển của kỹ thuật và thời đại thông tin, ngày nay hầu hết các lãnh vực chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội càng mang tính toàn cầu hóa hơn và dĩ nhiên các quốc gia hùng mạnh càng có ảnh hưởng và có thể chi phối các tiểu quốc về mọi phương diện nhiều hơn nữa. Có lẽ hơn bao giờ hết vị thế địa chính trị của Việt Nam đang là con dao hai lưỡi trước những biến chuyển toàn cầu và trong vùng, đậm nét nhất là sự trỗi dậy và bành trướng hung hăng của Trung Cộng (TC), và sự tái cân bằng lực lượng về châu Á của Hoa Kỳ.

Sau nhiều thập niên tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, mặc dù hơn 2/3 của gần 1.4 tỷ dân Trung Hoa vẫn sống trong cảnh nghèo khó, TC hiện đã trở thành một đại cường số 2 trên thế giới là điều không thể chối cãi được với 2014 GDP trên $10.3 trillions, hơn xa Nhật đứng hạng 3 với GDP hơn $4.6 trillions, và chỉ sau Hoa Kỳ hơn $17.4 trillions (cả EU gom lại cũng chỉ có GDP $18.4 trillions) [1]. Dựa vào những thống kê, người ta dự đoán nếu không có những điều bất ngờ xảy ra thì GDP của TC sẽ qua mặt Hoa Kỳ trong thập niên tới. Sự thay đổi trong sức mạnh kinh tế dĩ nhiên đưa tới những thay đổi quyền lực chính trị và các lãnh vực khác. Một bằng chứng hiển nhiên vừa xảy ra là việc các chính phủ phương Tây trên thế giới kể cả các đồng minh gần gũi với Hoa Kỳ đã đồng ý tham gia để trở thành các thành viên sáng lập của Asian Infrastructure Investment Bank (AIIB) Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Á châu do Bắc Kinh chủ xướng và lãnh đạo, bất chấp sự phản đối của Washington!

Trung Nam Hải, với giấc mộng bành trướng Ðại Hán, đã, đang và sẽ quyết tâm tranh dành quyền lực và ảnh hưởng với Hoa Kỳ và các cường quốc tự do tây phương qua sự thương mại, đầu tư và khai thác tại Phi châu, Nam Mỹ châu, cũng như ngay ở Úc và các nước Âu châu.

Riêng tại Á châu, “Một vành đai, Một con đường – One Belt, One Road”, bao gồm Con đường tơ lụa vành đai kinh tế – Silk Road Economic Belt (SREB) và Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21 – 21st Century Maritime Silk Road (MSR[2]) sẽ tăng cường sự hiện diện, vai trò, lợi ích và thế lực của TC tại khắp Ðông Nam Á, Trung Á, Nam Á cho tới cả Trung Ðông, châu Phi và châu Âu.

Ngay tại biển Ðông, TC dùng đường lưỡi bò 9 đoạn, với chiến thuật gặm nhấm các đảo ốc để dành chủ quyền và kiểm soát, quyết tâm biến biển Ðông thành ao nhà của Bắc Kinh.

Hoa Kỳ sẽ có chính sách, chiến lược gì để đối phó với tiến trình trỗi dậy “hòa bình” của TC (China’s peaceful rise) ngõ hầu tiếp tục duy trì vị thế đại cường số một và ảnh hưởng của mình trên thế giới?

Hai bên có thể hòa hoãn và hợp tác một cách tương đối với nhau. Sự năng động của nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa, và càng phụ thuộc lẫn nhau trên nhiều chính sách và lĩnh vực giữa hai nước sẽ khiến cả hai bên tránh né bất kỳ khả năng xung đột vũ trang nào, và tập trung vào các chính sách ưu tiên trong nước của mình trong khi vẫn duy trì hiện trạng địa chính trị trong khu vực.

Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh cũng có thể có mối quan hệ mang tính hợp tác, phối hợp nhiều hơn nữa. Hai bên sẽ cùng đồng thuận là để đối phó với những khó khăn cơ bản trong các mối quan hệ, họ không những chỉ phải chế ngự những khác biệt, mà còn cần thương thuyết và hợp tác trong các lĩnh vực có khó khăn để cùng giải quyết.

Ngược lại, thay vì hợp tác, hai bên cũng có thể leo thang cạnh tranh với nhau. Những khác biệt cơ bản sẽ được chế ngự, nhưng không được giải quyết. Trong trường hợp này, Hoa Kỳ và TC sẽ tranh giành ảnh hưởng chiến lược trên toàn thế giới. Cả hai bên sẽ đẩy mạnh khả năng quân sự để chuẩn bị cho những xung đột lâu dài.

Hoặc trầm trọng hơn, Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh sẽ đi đến thế đối đầu. Cuộc thi đua giữa hai đại cường sẽ ngày càng mang tính chất ý thức hệ giữa mô hình chủ nghĩa tư bản dân chủ và chủ nghĩa tư bản nhà nước tập trung. Ðồng nhân dân tệ renminbi CNY nếu có thể quốc tế hóa sẽ bắt đầu thách thức đồng dollar Mỹ. Riêng tại khu vực châu Á, những xích mích trên biển với TC sẽ có nguy cơ tăng lên đến mức tạo xung đột giữa Bắc Kinh và một nước bạn hoặc đồng minh của Hoa Thịnh Ðốn.

Tại thời điểm bây giờ, Hoa Kỳ với 2 năm cuối của TT Obama và Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ đầu tiên đang nhanh chóng củng cố quyền lực chính trị của mình tại TC, nhiều nhà nghiên cứu, chính trị gia chuyên nghiệp cho rằng đây là cơ hội tốt, hiếm có để Hoa Kỳ và TC tạo một nền tảng cho một quan hệ song phương ổn định, hai bên cùng có lợi về lâu về dài.

Tuy nhiên, sau khi Toà Bạch Ốc đổi chủ vào ngày 20/1/2017 tới đây, sẽ có những thay đổi như thế nào, chưa ai biết được. Ðiều có thể biết được là mối quan hệ và những tương quan giữa Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh cũng như những chính sách, chiến lược của hai bên cho vài thập niên tới có thể sẽ đưa đến những thay đổi to lớn trên trường thế giới trong tương lai và chắc chắn Việt Nam không thể nào thoát ra ngoài bàn cờ này.

40 năm trước, miền Nam rơi vào tay Cộng sản “hình như” vì mối tương quan mới thời đó giữa Hoa Thịnh Ðốn và Bắc Kinh, vì Chủ thuyết be bờ Containment doctrine tại Việt Nam đã không còn cần thiết, vì kế hoạch giải kết của Hoa Kỳ bỏ mọi cam kết bảo vệ miền Nam, vì thế lực của người gốc Do Thái tại Mỹ [3] và vì nhiều lý do khác nữa…

40 năm sau, bài học chung cho mọi người Việt Nam trong và ngoài nước, nhất là thế hệ trẻ, là mỗi quốc gia, dân tộc đều có những quyền lợi riêng khác nhau, mọi người dân phải góp phần tranh đấu cho sự sinh tồn chung của dân tộc mình, sự đoàn kết trong phạm vi dân tộc là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho sự sinh tồn của mỗi cá nhân [4].

Vì sự sinh tồn chung của dân tộc, Việt Nam trước hết phải thoát khỏi chế độ độc tài đảng trị mang danh “cộng sản” hiện nay, hoàn toàn lệ thuộc vào quan thày TC để duy trì quyền lực, ngõ hầu xây dựng một thể chế chính trị dân chủ, tự quyết, lấy dân làm gốc.

40 năm trước, cái xấu, cái gian, cái tà, cái ác đã thắng một trận chiến, một trận chiến lớn và đã đưa cả dân tộc vào một bước ngoặc thảm khóc và cho chúng ta những bài học chua cay.

Hôm nay, 40 năm sau, cuộc chiến cho sự sinh tồn của dân tộc, cho một Việt Nam thực sự tự do, hạnh phúc, dân chủ pháp trị và toàn vẹn lãnh thổ vẫn đang tiếp tục… và cần sự chung sức của mỗi người con dân nước Việt.

Phạm Ðức Duy

 

[1]:TheoIMF http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_countries_by_GDP_(nominal)

[2]: MSR bắt nguồn từ khái niệm “String of Pearls” (chuỗi ngọc trai) trong một nghiên cứu vào năm 2005 của Mỹ do hãng thầu quốc phòng Booz Allen Hamilton thực hiện. TC không chính thức sử dụng từ ngữ này. Khái niệm “chuỗi ngọc trai” thường được xem là một sáng kiến quân sự, với mục đích cung cấp cho hải quân TC một loạt các cảng trải dài từ biển Đông đến biển Ả Rập.

[3]: Bí Ẩn 30.4.1975, Phạm Trần Hoàng Việt, Tháng Tư Ðen 2010.

[4]: đây là một trong những ý tưởng chính của Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, một chủ thuyết tư tưởng về triết học và chính trị, do nhà ái quốc Trương Tử Anh (1914-1946) công bố vào năm 1938 và sau này được Gs. Nguyễn Ngọc Huy (1924-1990) hệ thống hóa và khai triển thêm để trở thành một chủ nghĩa yêu nước khoa học và hiện vẫn là nền tảng lý thuyết của Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, Tân Ðại Việt và Ðại Việt Cách Mạng Ðảng. Có thể tham khảo thêm tại www.tandaiviet.org