Zuckerberg bị QH Anh triệu đến vì vụ bảo mật dữ liệu
BBC
20/03/2018
Giá cổ phiếu của Facebook đã giảm mạnh, gây thiệt hại 37 tỷ USD cho hãng này trong bối cảnh hãng đang đối mặt với các câu hỏi từ giới chức Anh và Mỹ về luật riêng tư.
CEO Facebook Mark Zuckerberg vừa được một ủy ban của Quốc hội Anh triệu tập để đưa bằng chứng về việc sử dụng dữ liệu cá nhân của hãng Cambridge Analytica.
Hãng tư vấn chính trị có trụ sở tại London nhưng cũng có chi nhánh tại Hoa Kỳ này bị cáo buộc đã sử dụng dữ liệu cá nhân của 50 triệu người dùng Facebook để tác động đến kỳ bầu cử tổng thống Mỹ hồi 2016.
Chỉ trong ngày 19/03, cổ phiếu của Facebook sụt giảm 37 tỷ USD.
Thủ tướng Anh Theresa May nói những cáo buộc này là “rất đáng lo ngại”.
Tại Hoa Kỳ, các nghị sỹ Amy Klobuchar (Dân chủ) và John Kennedy (Cộng hòa) cũng kêu gọi mở cuộc điều trần về an ninh dữ liệu.
Họ cho biết họ muốn xét hỏi CEO Mark Zuckerberg của Facebook và người đứng đầu các hãng công nghệ khác.
“Mặc dù Facebook đã cam kết thực thi các chính sách để bảo vệ thông tin của mọi người, vẫn còn nhiều câu hỏi liệu các chính sách này có đủ không và liệu Quốc hội có nên hành động để bảo vệ thông tin riêng tư của người dân không,” họ viết trong một bức thư.
“Việc thiếu kiểm soát dữ liệu được lưu trữ ra sao và quảng cáo chính trị được bán như thế nào gây lo ngại về tính liêm chính của các cuộc bầu cử Mỹ cũng như quyền riêng tư”.
Kênh truyền hình Channel 4 News quay phim được cảnh lãnh đạo của Cambridge Analytica gợi ý hãng này có thể gài ‘bẫy mật ong’ và hối lộ để làm mất uy tín các chính trị gia.
Đến nay hãng này phủ nhận đã có bất kỳ hành động sai trái nào.
Facebook ‘dưới làn đạn’
Cuối ngày 19/3, cổ phiếu của Facebook giao dịch ở mức 172,56 USD, giảm 6,7% và làm bay mất 37 tỷ USD khỏi giá thị trường của hãng này.
Trong những phiên giao dịch đầu ngày thứ Ba 20/3, cổ phiếu của Facebook lại giảm thêm 2,5%.
Facebook bị cáo buộc đã không thông báo đầy đủ cho người dùng rằng những thông tin trong profile của họ có thể được Cambridge Analytica thu thập và lưu giữ.
“Cái nắp hộp đen về thông lệ sử dụng dữ liệu của Facebook đã được mở, và bức tranh không lấy gì làm tốt đẹp,” ông Frank Pasquale, giáo sư luật của Đại học Maryland, Mỹ, nói.
Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa và Thể thao của Quốc hội Anh vừa gửi một yêu cầu chính thức tới lãnh đạo của Facebook đòi hãng này giải thích các mối liên hệ với Cambridge Analytica.
Facebook nói họ chưa phạm luật.
Cáo buộc mới
Hôm thứ Hai 19/3, kênh Channel 4 News phát hình ảnh camera quay lén trong đó giám đốc của Cambridge Analytica, ông Alexander Nix gợi ý các chiến thuật làm mất uy tín của các chính trị gia trên mạng.
Trong đoạn phim này, khi một phóng viên ngầm hỏi ông Nix có cách “đào sâu” nào có thể dùng được, ông Nix nói: “Ồ, chúng tôi có thể làm hơn thế nhiều.”
Ông gợi ý một cách ‘đánh’ vào chính trị gia là “tặng cho họ một thương vụ tốt đến mức khó tin và đảm bảo thương vụ đó được quay phim”.
Ông này còn nói ông có thể “cử một số cô gái đến nhà các ứng cử viên…”, và nói thêm rằng các cô gái Ukraine “là rất đẹp, tôi thấy cử họ đến là rất có hiệu quả.”
Ông Nix tiếp lời trong đoạn phim: “Tôi chỉ đưa ra một số ví dụ những gì có thể làm được và những gì chúng tôi đã làm.”
Channel 4 News nói phóng viên của họ đóng giả làm người môi giới cho một khách hàng giàu có đang muốn giúp một ứng viên chính trị thắng cử ở Sri Lanka.
Tuy nhiên, hãng Cambridge Analytica nói tin này “phản ánh không đúng sự thật” câu chuyện được camera ghi lại.
“Khi theo mạch của câu chuyện này, và một phần cũng để giữ cho ‘khách hàng’ của chúng tôi khỏi mất mặt, chúng tôi nói giỡn về một số kịch bản hoàn toàn mang tính giả thuyết,” công ty này nói trong một thông cáo.
“Cambridge Analytica không dung túng hay tham gia vào việc cài bẫy, hối lộ hay cái gọi là ‘bẫy mật ong’,” bản thông cáo viết.
Trên trang web của mình, hãng Cambridge Analytica nói hãng có thể cung cấp dữ liệu và phân tích để “đưa cử tri đến các điểm bỏ phiếu và thắng cử”. Hãng còn quảng cáo họ đã đóng ‘vai trò chủ chốt’ trong chiến thắng ở cuộc bầu cử Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Thông tin Anh quốc, bà Elizabeth Denham đang điều tra tin nói hãng này dùng dữ liệu cá nhân để tác động đến cuộc bầu cử Mỹ. Bà sẽ ra lệnh khám các văn phòng của hãng Cambridge Analytica tại London.
Ông Christopher Wylie, người đã từng làm cho Cambridge Analytica, nói hãng này thu thập dữ liệu của hàng triệu người qua một trắc nghiệm tính cách trên Facebook với tên gọi Đây là Cuộc sống Số của bạn (This is Your Digital Life).
Tin mới nhất cho hay một phản ứng trước vụ Cambridge Analytica là phong trào xóa tài khoản Facebook, dùng hashtag #DeleteFacebook hoặc tẩy chay trang này #BoycottFacebook.
Một người sử dụng Twitter viết: “Chúng ta đã sống tiếp mà không cần MySpace. Chúng ta cũng có thể sống tiếp mà không cần Facebook.”
Bỏ qua {socialnetworki} tin bởi @ecarpen
Cuối Twitter tin bởi @ecarpen
Xem thêm về mạng xã hội: