Youtube Lễ Tưởng Niệm GS Nguyễn Văn Ngôn hôm Thứ Bảy 6/3/2021
LỜI VINH DANH VÀ TIỄN ĐƯA GS NGUYỄN VĂN NGÔN VỀ CÕI VĨNH HẰNG, 6/3/2021 – Tạ Văn Tài
Gs Nguyễn Văn Ngôn và tôi gặp nhau sau khi tôi gia nhập năm 1965 vào ban giáo sư Học Viện Quốc Gia Hành Chánh (QGHC) của Việt Nam Cộng Hoà và tôi trở nên thân thiết với Giáo sư cho đến khi tôi rời quê hương bay sang đảo Guam 5 ngày trước 30/4/1975, thân thiết không những trong cương vị đồng sự ở đại học, ở QGHC cùng như tại Đại học Cần Thơ khi cùng đi thỉnh giảng vào những ngày tháng sơ lập, mà còn trong vai trò tham vấn cho Phong Trào Cấp Tiến mà các GS Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy mời tôi làm việc, khi thì tại nhà GS Bông, khi thì tại nhà GS Huy.
Tháng 4, 1975, tôi quyết định ra đi khỏi Việt Nam làm lại cuộc đời vì biết chắc là sẽ bị chế độ mới trù ẻo vì là du học tại Mỹ về; quả là thoát ly đúng tình thế, vì sau đó một viên chức cao cấp tại Bộ Tài Chánh cuả chế độ mới, coi việc tiếp thu nhà ở của người di tản,đã chiếm căn J7B Cư xá Đường Yên Đổ của tôi và nói với các nhân viên dưới quyền mà ông tụ họp làm việc tại đó, chỉ vào tủ đầy sách viết bằng Anh ngữ của tôi: “Tay nay là CIA”, thì liền có lời phản biện của một nhân viên là chị Phan Bạch Ngọc, trước học Khoá Đốc sự 17: “GS Tài là thày tôi đấy!”. Sau ít lâu, khi ông luật sư Miền Bắc này đọc qua mấy luận văn của sinh viên QGHC trong nhà tôi, ông nói: “Sinh Viên Miền Nam giỏi quá nhỉ”.
Vô hình chung, ông dã khen các giáo sư QGHC dạy các sinh viên giỏi giang QGHC đó, trong đó có GS Nguyễn Văn Ngôn, dạy Kinh Tế và Tài Chánh-Ngân Hàng. GS Ngôn, khác tôi, đã quyết định ở lại trong nước để tiếp tục sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ cho việc xây đắp nền quản lý hành chánh về mặt kinh tế và tài chánh, và cả tiếp tục sự nghiệp xây dựng lực lượng Cấp Tiến trong chế độ mới, hy vọng đạt tới một thể chế tương đối cởi mở, có đối thoại giữa chính quyền và các lực lượng độc lập, đối lập hoà bình ,hợp pháp trong dân chúng, mà các giáo sư Bông và Huy đã suy ra như muc tiêu của Cấp Tiến từ sở học nghiên cứu từ khi du học ở Pháp (có thể thấy trong các luận án và sách của họ) và từ kinh nghiệm hoạt động.
Thật vậy, trong mấy ngày của tháng 4,1975, tại nhà GS N. N. Huy, các đồng chí Cấp Tiến đã biểu quyết yêu cầu GS Huy phải thoát ra hải ngoại để bảo toàn tính mạng và vận động ủng hộ quốc tế (như GS Huy sau đó đã làm, như vận động chính khách Kilgour tại Canada) và cứ để các lãnh tụ khác như GS Ngôn hay nhà báo Phạm Thái, tiếp nối công việc vận động quốc nội cho một khung cảnh chính trị cởi mở có đối thoại hòa bình giữa chính quyền các lực lượng dân chúng. Tôi có thấy bút tích giáo sư Huy nói răng ông sẵn sàng nói chuyện về chung sống hoà bình với chế độ. Sau này, người bạn Mỹ của GS Huy là ông Stephen Young cũng về Việt Nam, định tổ chức hội thảo cho mục tiêu này, nhưng không tổ chức được. Tiếc là chính quyền không thấy con đường hoa giải đích thực này, mà chỉ kêu gọi “khúc ruột ngoài ngàn dặm“ đem tài chánh và chất xám về Việt Nam theo lối một chiều.
Thiện chí cuả GS Ngôn muốn ở lại trong nước để giúp canh cải kinh tế, tài chánh-ngân hàng và để cùng các đồng chí Cấp Tiến đẩy tới một chế độ tương đối cởi mở, có đối thoại giữa các thành phần dân tộc, thì đã biểu lộ rõ trong việc ông không chạy ra khỏi nước mả ở lại trong nước theo nghị quyết của các đồng chí vào tháng 4,1975 và trong sự ông không làm hồ sơ HO (Humanitarian Operation) để đi hải ngoại sinh sống, mà Bộ Ngoại Giao Mỹ dành ưu tiên cho các ngừoi cựu tù cải tạo (Theo lời trình bày cuả Thứ Trưởng Ngoại giao Mỹ Funseth trong văn phòng ông ta,cho giáo sư Lê Xuân Khoa và tôi nghe, thì trường hợp đã tù cải tạo 12 năm, như GS Ngôn, thì là ưu tiên 1, không phải chờ thứ tự, nạp đơn là Mỹ sẽ lập tức cho lảm hồ sơ đi).
Cũng như GS Huy tận tụy cho việc nước cho đến hơi thở cuối cùng, GS Ngôn quyết làm việc trong lòng dân tộc cho đến tuổi thượng thọ, sau cái tai họa đổi đời 12 năm lao tù.