Ý nghĩa và mối liên hệ của Ngày Hòa Hợp 21/3 cho ngày 30/4
31/03/2021 – Harmony Day – Ngày Hòa Hợp năm nay rơi vào ngày Thứ Bảy 21/3/2021. Đây là một ngày mà trường tôi đặt vào trong lịch sự kiện hàng năm của trường. Năm nào cũng vậy, đây là ngày mà các em gửi ra những thông điệp mang nội dung rất thân ái, bao dung và cũng đầy những tín hiệu tích cực khuyến khích mọi người học cách chấp nhận và đón nhận nhau, dù cho có nhiều khác biệt.
Năm nay, nhiều em học sinh chọn vẽ những biểu tượng nói về dân tộc “gốc” của mình, hay những biểu tượng nói về niềm tin tôn giáo, về ngôn ngữ mẹ đẻ của các em, hoặc cũng có em chọn vẽ tổng hợp tất cả các biểu tượng có thể “định nghĩa” về căn tính của mình. Các hình biểu tượng này được vẽ trong lòng một bàn tay, sau đó cắt ra và nối với hình các bàn tay khác trong lớp và trường của mình. Để hoạt động này được diễn ra, các em được có thời gian suy nghĩ về bản thân, thời gian để tìm hiểu, suy tư về các biểu tượng, và thời gian để diễn đạt nó qua hình vẽ. Thời lượng để hoàn tất là 1 tiếng đồng hồ. Tác động tích cực mà hoạt động này đem lại là rất nhiều. Cụ thể là việc các em nhận thức về căn tính của bản thân, thấy bản thân mình trong căn tính dân tộc, gia đình, văn hoá và tôn giáo. Các em cũng đồng thời nhận ra những giá trị tương tự nơi người khác, nơi các bạn cùng lớp, cùng trường. Từ nhận thức đưa đến hành động, các em hầu như rất khó lòng để cất lên những nhận xét tiêu cực về người khác, mà chỉ đưa ra những phân tích về sự khác biệt giữa người này với người khác, rồi học cách chấp nhận và đón nhận nhau.
Khi nói rằng ta chấp nhận và đón nhận ai đó, đặc biệt là chấp nhận và đón nhận cả những sự khác biệt về văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo, màu da, đẳng cấp hay học vấn, nghề nghiệp v.v, điều đó đơn thuần đã đòi hỏi mỗi người phải tự lui về một chút, tự nhún nhường một chút, hoặc đôi khi là cả sự thua thiệt một chút để có thể thấy được cái hay, cái đúng của người khác để đón nhận.
Chắc chắn rằng sẽ có những khác biệt và khoảng cách vô cùng phức tạp để có thể đưa đến hòa hợp trong cuộc sống. Thế nhưng phức tạp chứ không phải không không thể. Điều quan trọng là ước muốn được hòa hợp có tồn tại hay không. Có ước muốn tức là đoạn trường khó khăn đã giải quyết được nếu không phải là phân nửa thì cũng là một phần ba.
Có những sự cố gắng để đem lại sự hòa hợp giữa các sắc tộc, văn hoá và tôn giáo, thì cũng có những cố gắng để mong có được sự hòa hợp, chấp nhận và đón nhận nhau dù có những khác biệt về khoảng cách thế hệ và quan điểm chính trị. Hòa hợp, hòa đồng nhưng không đồng nhất thường là một cụm từ thường được dùng để nói lên sự chấp nhận, đón nhận nhưng không làm mất đi căn tính của mình là vì thế.
Trong một vài nghiên cứu về cộng đồng người Việt ở Mỹ và ở Úc có cho thấy rằng, khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái tại các gia đình Việt đã đưa đến những rào cản khó khăn cho mối liên hệ hoà hợp trong gia đình. Đối với các cộng đồng di dân, khoảng cách này là không thể tránh khỏi. Cách riêng là đối với cộng đồng người Việt, khoảng cách này được nhân lên vì giữa cha mẹ và con cái còn có sự khác biệt về văn hóa và giáo dục, tập quán, hành xử và ngôn ngữ. Những khác biệt này có thể không định hình rõ sự đúng sai tốt xấu, nhưng là những cản trở để đôi bên tìm đến sự thông cảm, chấp nhận và đón nhận nhau, nếu không có tấm lòng rộng mở và khoan dung, khiêm tốn. Trong các mối liên hệ gia đình này, điều liên kết mọi người lại chính là tình thân huyết thống.
Từ trong nhà ra ngoài phố, ngẫm các chuyện gia đình đã vậy, ngẫm chuyện ở “phố chính trường” lại càng thấy khó hòa hợp nếu không có tấm lòng khiêm tốn và bao dung, muốn được bắt tay, đồng bàn trao đổi.
Trong buổi tranh luận cho cuộc bầu phó tổng thống Mỹ năm 2020, có một câu hỏi được trích ra từ bài thi viết của Brecklyn Brown, một em học sinh 15 tuổi, để hỏi các ứng viên của cuộc tranh luận.
Em viết: “Khi em xem tin tức, tất cả những gì em thấy là cãi nhau giữa đảng Dân Chủ và Cộng hòa. Khi em xem tin tức, tất cả những gì em thấy là công dân chống lại công dân. Khi em xem tin tức, tất cả những gì em thấy là hai ứng viên của đảng đối lập đang gắng sức hạ bệ nhau. Nếu các nhà lãnh đạo của chúng ta không thể hòa thuận, thì làm sao các công dân có thể hòa thuận?”.
Trong đoạn tiếp theo, Brecklyn viết:
“Thủ đô của quốc gia chúng ta đang là một tấm gương kém cõi về sự đoàn kết và tôn trọng nhau. Bất kể chúng ta là ai và đại diện cho điều gì, chúng ta đều muốn được lắng nghe và đều muốn được thừa nhận nhưng không ai muốn lắng nghe hoặc hiểu người phía bên kia chiến tuyến. Sẽ không có gì thay đổi cho đến khi ai đó phá vỡ xu hướng tranh cãi và giận dữ này. Mỗi công dân chịu trách nhiệm và có quyền tự quyết của mình để không cho phép quốc gia chúng ta bị chia rẽ bởi những ý kiến khác biệt. Các khuôn mẫu của quý vị đã có thể tạo ra tất cả sự khác biệt để đưa chúng ta đến với nhau. Nhiệm kỳ tổng thống của quý vị sẽ làm thế nào để đoàn kết và hàn gắn quốc gia chúng ta?”(trích từ bản dịch của Đinh Yên Thảo)
Ngày 30/4 đã gần kề, những vấn đề mà Brecklyn Brown đưa ra cũng có những điểm mà ta có thể liên hệ đến câu chuyện lịch sử của dân Việt. Nhìn ở góc độ nào đó thì sự đối thoại, lắng nghe, cởi mở, tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt giữa hai “bên cuộc chiến” là điều cần cho cả hai. Nếu ta nói ta luôn đúng và bên đối diện cũng nói thế thì sẽ giải quyết được gì. Ta không muốn thay đổi mình thì người khác cũng thế. Chỉ có điều, bài học khiêm nhường, và mở lòng đón nhận thì luôn khó cho cả hai bên dù có là bên nào của cuộc chiến. Trong bài viết của Brecklyn, em cũng có nhắc đến trách nhiệm và quyền tự quyết của mỗi công dân. Quả thật, nếu mỗi chúng ta cũng nhất quyết không chấp nhận sự chia rẽ, cũng nhất quyết tìm kiếm cách thế để hoà giải thì như em ấy nói “chúng ta có thể đến với nhau”.
Câu chuyện về ngày Hòa Hợp ở trường tôi và bài viết của Brecklyn đều là những bài học vô cùng khó khăn đối với người lớn. Tuy nhiên, nếu giáo dục có thể hướng con người ta đến những giá trị tốt đẹp, để từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường, những hành động đối đãi nhân văn được khuyến khích và tấm lòng trân trọng các giá trị khác biệt của người khác được thực hành thường xuyên, thì niềm hy vọng về một sự hòa giải, hòa hợp liên quan đến câu chuyện 30/4 là còn có thể.
Đừng mất niềm hy vọng!
Trần An-Bee
https://www.voatiengviet.com/a/ngay-hoa-hop-hoa-giai-harmony-day/5835232.html