Ý kiến từ bên ngoài về kết quả ĐH 12
Giới thiệu một số ý kiến từ bên ngoài về kết quả ĐH 12 công bố TBT Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử.
Theo BBC – 28 tháng 1 2016
New York Times 27/01:
Báo Mỹ trích ông Frederick Burke từ công ty luật Mỹ Baker & McKenzie nói chuyển giao quyền lực êm thắm ở Đại hội tuần này là “dấu hiệu đáng khuyến khích vì nó nêu bật lên sự ổn định chính trị và tôn trọng nhà nước pháp quyền”.
Ông Burke cũng nói đồng thuận trong Đảng Cộng sản “lớn hơn là truyền thông và một số nhà quan sát chính trị gợi ý” và rằng Trọng chưa bao giờ “tỏ ra xu hướng tụt lùi và bảo thủ ở vị trí lãnh đạo”.
“Người ta tìm cách tạo ra sân khấu nhưng kịch bản thực ra rất khác với hiện thực.”
Trang web của Đài Deutsche Welle của Đức 26/01:
Tranh chấp giữa Trọng và Dũng đánh dấu một tiến triển mới trong chính trị Việt Nam. Trong 70 năm qua, ĐCS luôn theo nguyên tắc đồng thuận….nhưng nay thì không…”
“Ban lãnh đạo mới khó có khả năng làm một chuyển đổi [như Đổi Mới 1 vào năm 1986]. Họ sẽ cố gắng buộc Đảng phải đi từng bước cẩn thận và chống lại ‘diễn biến hòa bình’ mà họ cho là do các NGO nước ngoài khởi xướng, vốn là thứ bộ máy an ninh lo sợ.”
“Chính quyền có thể sẽ nặng tay hơn với giới blogger và truyền thông. Nhưng dù cải cách kinh tế sẽ không sâu rộng như trong quá khứ, nó cũng sẽ không bị coi nhẹ vì phát triển kinh tế là công cụ tốt để biện minh cho tính chính danh của Đảng.”
Manila Times trích Stratfor Analysis 27/1:
“Việt Nam sẽ thận trọng nhưng khó đoán trước khi có khủng hoảng.
“Sau khi có chuyển đổi lãnh đạo, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập vào kinh tế toàn cầu và theo đuổi hợp tác an ninh với Nga, Ấn Độ và các láng giềng Đông Nam Á.
Các tiêu chí của quốc gia này, cùng với mục tiêu của Đảng Cộng sản, sẽ ngăn cản việc kết nối toàn tâm toàn ý với Hoa Kỳ.
Chia rẽ trong nội bộ Đảng sẽ hạn chế quan hệ với TC và tạo rủi ro có khủng hoảng bùng đột ngột và ngắn trên Biển Đông.”
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, ĐH New South Wales, Úc trên Facebook:
“Bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng trong Đại hội 12 hơi dài, với 10.242 từ, có rất nhiều sáo ngữ và khẩu hiệu. Ông dùng từ “đảng” nhiều nhất, lên đến 107 lần nhưng chỉ dùng từ “cộng sản” chỉ một lần. Cụm từ “xã hội chủ nghĩa” (22 lần) có tần số xuất hiện cao hơn cả từ “tổ quốc” (chỉ 18 lần). Ông có vẻ không thích dùng những chữ tiêu cực, từ “suy thoái” chỉ được nhắc đến 8 lần, “tham nhũng” (13).
Ông có vẻ không thích từ “nhân quyền” (0 lần) và “tự do” (2 lần), nhưng ông thích “dân chủ” (28 lần). Tuy nhiên, đọc kĩ thì chữ “dân chủ” ở đây không phải là thể chế, mà là ý nghĩa theo cách hiểu dân chủ trong đảng.”
Theo giáo sư, bài phát biểu của ông Trọng đề cập nhiều đến “đảng” nhưng cũng nói nhiều đến đổi mới và xây dựng.
“Do đó, dù ông là người bảo thủ nhưng qua bài này ông có vẻ gửi một tín hiệu về đổi mới. Tuy nhiên, không nên quá kỳ vọng “đổi mới” thể chế, vì bài phát biểu của ông chỉ nói về đổi mới tăng trưởng, đổi mới kinh tế, đổi mới giáo dục, đổi mới tài chính, đổi mới quốc hội, đổi mới tổ chức. Không có hỵ vọng gì to tát cả.”