Ý kiến: ‘TBT Trọng thể hiện thay đổi’
Theo BBC – TS. Đoàn Xuân Lộc – Gửi cho BBC từ Anh quốc – 14 tháng 7 2015
Qua chuyến thăm Mỹ vừa rồi, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện một hình ảnh, một con người khác – gần như là trái ngược với những gì mà dư luận cảm nhận về ông trước đây.
Phải chăng ông Nguyễn Phú Trọng đã có những chuyển biến về tư duy, lập trường, đường hướng? Và nếu vậy, liệu những thay đổi nơi ông có tác động lên chính sách ngoại giao của Việt Nam trong thời gian tới?
Thay đổi lập trường
Ngoại trừ một vài ý, câu hơi thừa, nếu không muốn là khách sáo và giả tạo – như việc ông mong chính quyền Mỹ ‘quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống, công việc và học tập của người Việt Nam’ tại đây – phát biểu của ông ở Phòng Bầu dục, trong buổi tiếp đại ở Bộ Ngoại giao và tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đều rất súc tích, thiết thực và có ý nghĩa đối với quan hệ Việt-Mỹ và các vấn đề khu vực, quốc tế nói chung.
Cả ba bài phát biểu quan trọng này đều hoàn toàn trái ngược với những phát biểu, diễn văn sáo rỗng, sáo ngữ, giáo điều, khô khan thường thấy của ông trước đây. Cùng với sự thay đổi này, ông đã có những chuyển biến đáng kể về lập trường.
Mãi tới gần đây, những thành phần bảo thủ trong giới lãnh đạo ĐCS Việt Nam – và ông được coi là một những người đó – vẫn coi ‘diễn biến hòa bình’ và các thế lực thù địch đứng sau đó, trong đó có Mỹ, là mối đe dọa lớn đối với sự tồn vong của chế độ.
Nhưng những gì ông thể hiện khi gặp giới lãnh đạo Mỹ hay những gì ông diễn tả trong ba bài phát biểu đó cho thấy ông đã có một cái nhìn rất khác, thân thiện hơn, về Mỹ.
Trong bài viết dịp Việt Nam kỷ niệm 40 năm ngày ‘Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước’, ông Trọng đã mô tả ‘cuộc chiến Việt Nam’ là ‘cuộc chiến chống Mỹ cứu nước’ và trong cuộc chiến chống ‘đế quốc Mỹ’ ấy, Việt Nam đã ‘đánh cho Mỹ cút’.
Nhưng trong bài phát biểu tại CSIS, ông Trọng nói: ‘Đối với nhân dân Việt Nam, đó là cuộc kháng chiến để giành độc lập, tự do cho dân tộc mình, giải phóng, thống nhất đất nước mình; không phải là cuộc chiến tranh nhằm chống lại Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, càng không phải để chống nhân dân Hoa Kỳ’.
Ông cũng nhắc lại rằng Tuyên ngôn độc lập 1945 của Việt Nam mở đầu bằng trích dẫn các giá trị về quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc trong Tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Ngày đầu ở Mỹ, ông đã tới thăm Nhà tưởng niệm Tổng thống Thomas Jefferson – tác giả chính của Bản tuyên ngôn bất hủ, lừng danh này.
Khi gặp báo giới cùng với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng, ông Trọng đã khen ngợi Mỹ ‘là một đất nước rất tươi đẹp’.
Những tấm hình về cuộc gặp giữa ông Trọng và ông Obama cho thấy hai nhà lãnh đạo rất cởi mở, tự nhiên, vui vẻ, thân thiện với nhau. Trong khi đó, ông Trọng trông rất dè dặt, kiềm chế, không thoải mái khi gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dịp ông sang thăm Trung Quốc cách đây bốn tháng dù cả hai cùng chung ý thức hệ.
Bài phát biểu của ông tại CSIS cũng không né tránh vấn đề nhân quyền – một vấn đề mà giới lãnh đạo và người dân Mỹ rất quan tâm.
Ông nói: ‘tuy còn không ít vấn đề cần tiếp tục phải giải quyết, trong đó có vấn đề quyền con người, nhưng chúng tôi đang nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người’.
Những điều này cho thấy ông rất có thiện cảm với đất nước, con người Mỹ và phần nào ngưỡng mộ những giá trị – như bình đẳng, tự do, dân chủ – của đất nước này. Và trong một chừng mực nào đó, ít nhất là về mặt nhận thức, ông cũng muốn Việt Nam hướng tới những giá trị, những điều tốt đẹp đó.
Một chi tiết khác cho thấy quan điểm của ông về Mỹ đã thay đổi – và điều này rất có ý nghĩa cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước – đó là trong chuyến thăm Mỹ của ông, Việt Nam đã đồng ý cho xây dựng trường Đại học Fulbright tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mãi tới gần đây, giới lãnh đạo bảo thủ tại Việt Nam như ông coi các chương trình đào tạo như Fulbright mà Mỹ triển khai ở Việt Nam là nhằm ý đồ lợi dụng hợp tác giáo dục, đào tạo để chuyển hoá Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý nữa là thuật ngữ ‘lợi ích’ xuất hiện rất nhiều trong các phát biểu của ông trong chuyến thăm Mỹ. Và lợi ích mà ông đề cập đến là lợi ích của hai quốc gia – hay nói cụ thể hơn, lợi ích của nhân dân hai nước – và các lợi ích khu vực, lợi ích toàn cầu khác.
Như ông nhấn mạnh, chính những ‘lợi ích’ mà hai quốc gia cùng chia sẻ là yếu tố quan trọng giúp quan hệ Việt-Mỹ có những bước phát triển mạnh, ít ai ngờ trong 20 năm qua và cũng là động lực thúc đẩy hai quốc gia tăng cường quan hệ trong thời gian tới.
Lấy lợi ích quốc gia thay vì đặt ý thức hệ làm trung tâm điểm cho đường lối ngoại giao không phải là một điều hoàn toàn mới mẻ vì điều này đã được cố Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh cách đây 20 năm. Nhưng đối với những người bảo thủ coi trọng ý thức hệ như ông Trọng, đó là một điều đáng chú ý.
Lướt qua thấy thuật ngữ này xuất hiện đến 10 lần trong bài phát biểu của ông tại CSIS, 8 lần trong diễn văn ở buổi tiệc chiêu đãi và một lần trong phát biểu ở Phòng Bầu dục. Trong khi đó khái niệm ‘xã hội chủ nghĩa’ hay ‘chủ nghĩa xã hội’ không được đề cập đến một lần nào trong ba phát biểu này.
Điều đó cho thấy cách nhìn của ông Tổng Bí thư về quan hệ Việt-Mỹ và đường hướng ngoại giao của Việt Nam nói chung đã có những chuyển biến lớn. Thay vì cứ đặt nặng vấn đề ý thức hệ, quyền lợi của chế độ trong chính sách ngoại giao của Việt Nam như trước đây, giờ ông đã biết đặt quyền lợi của đất nước, của nhân dân lên trên.
Có thể nói, chuyến thăm Mỹ của ông rất thành công và ông để lại nhiều ấn tượng tốt trong dư luận vì ông đã có sự chuyển biến này.
Nhưng một điều quan trọng mà những ai quan tâm đến vận mệnh của đất nước và muốn giới lãnh đạo ĐCS Việt Nam thay đổi để đưa đất nước tới tự to, phồn thịnh, giàu mạnh chờ đợi là liệu những chuyển biến nơi ông có tạo nên một bước đột phá về ngoại giao của Việt Nam.
Tác động của chuyến biến
Dù còn quá sớm để nhìn nhận, đánh giá, có thể nói những thay đổi tích cực nơi ông sẽ có tác động không nhỏ lên đường lối ngoại giao của Việt Nam. Đây cũng là điều người dân mong đợi, hy vọng – đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang tỏ rõ tham vọng lấn chiếm biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông.
Chuyến thăm lịch sử tới Mỹ của ông Trọng là chuyến công du có ý nghĩa, quan trọng và thành công nhất của các lãnh đạo Việt Nam và chính bản thân ông trong những năm gần đây.
Phát triển được mối quan hệ thân thiện, gần gũi, bền vững với Mỹ – trong đó chuyến thăm lịch sử của ông đóng một vai trò quan trọng – cũng là thành công lớn nhất, có ý nghĩa nhất về ngoại giao của Việt Nam và của chính bản thân ông Trọng trong khóa XI sắp kết thúc này.
Hơn nữa, gần như chắc chắn ông sẽ không còn giữ một vai trò quan trọng nào sau Đại hội XII của ĐCS Việt Nam vào năm tới. Vì vậy, chắc ông không muốn thành quả này bị lu mờ, coi nhẹ và muốn dàn lãnh đạo mới tiếp tục phát huy quan hệ với Mỹ.
Với tư cách là Tổng Bí thư và được coi là một người rất bảo thủ, sự chuyển biến của ông chắc chắn cũng sẽ tác động lên những thành phần bảo thủ còn lại trong ĐCS.
Như tập hồi ký của cố Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ tiết lộ, những nhân vật bảo thủ chủ chốt trong giới lãnh đạo đã chi phối đường lối ngoại giao của Việt Nam và quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh nói riêng trong những năm đầu của thập niên 1990.
Vì muốn ‘hợp tác với Trung Quốc bảo vệ CNXH chống đế quốc Mỹ’, họ đã tìm mọi cách đưa Việt Nam gần với Trung Quốc và những thành phần bảo thủ đó tiếp tục chi phối chính sách ngoại giao của Việt Nam nhiều năm sau đó.
Là một trong những người có ảnh hưởng đến vấn đề nhân sự cũng như đường lối, trong đó có chính sách ngoại giao, của Việt Nam tại Đại hội XII, ông Trọng cũng có thể tạo một tác động tương tự lên đường hướng ngoại giao Việt Nam trong những năm tới.
Nếu ông thực sự đã ‘xoay trục’ sang Mỹ nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của quốc gia và hướng đất nước tới dân chủ, giàu mạnh, phồn thịnh, thay vì cứ muốn duy trì quan hệ hữu hảo với Trung Quốc (dù Bắc Kinh có những hành động khiêu khích, lấn chiếm biển đảo của Việt Nam) để bảo toàn chế độ, ông có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa Việt Nam đi theo đường hướng này.
Nếu ông làm được điều này trong khoảng sáu tháng còn lại trên cương vị Tổng Bí thư của mình, chắc chắn người dân sẽ dành cho ông một sự quý mến, kính trọng – điều mà không phải ai trong những người tiền nhiệm của ông cũng nhận được khi họ còn tại chức hay khi đã về hưu.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả Đoàn Xuân Lộc từ Anh Quốc. Các bạn xem chuyên đề của BBC ‘Toàn cảnh chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng’