Ý kiến: Không để Việt-Trung lâm chiến
Ý kiến nói Nga sẽ không để TC tấn công Việt Nam
Theo BBC – 7 tháng 4, 2015 – Nhà nghiên cứu Việt Nam từ Nga nói Moscow đang làm tất cả những gì có thể để ngăn xung đột có thể xảy ra giữa CSVN – TC.
Trả lời phỏng vấn Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt hôm 6/4 nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, Giáo sư Vladimir Kolotov từ Đại học Quốc gia St Petersburg của Nga nói:
“Tôi nghĩ bây giờ Nga rất coi trọng vấn đề Biển Đông và Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia có thể nói là có vị trí ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á Thái Bình Dương, đây là hai đối tác chiến lược toàn diện.
“Chính vì thế cuộc chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể nói là khả năng xấu nhất có thể xảy ra được và theo ý kiến của Nga là không thể nào chấp nhận được điều đó.
“Nga sẽ dùng toàn bộ quyền và có thể nói là trí tuệ của mình để không cho phép phương án này xảy ra.”
Giáo sư Kolotov nói trong cuộc khủng hoảng giàn khoan hồi năm ngoái, Nga cũng đã có “những cuộc đàm phán không công khai” nhằm tránh căng thẳng leo thang thành xung đột vũ lực.
Ông Kolotov cũng cho rằng CSVN và TC đủ “thông thái” để tránh xung đột vũ trang vì Biển Đông.
Trong lúc Nga đang bị phương Tây cấm vận, CSVN và TC nằm trong số các nước mà Moscow muốn tăng cường quan hệ để cân bằng lại.
‘Bom nổ chậm’
Liên quan tới Biển Đông, giáo sư từ Đại học Quốc gia St Petersburg cũng nói ngoài TC, Việt Nam, Malaysia và Philippines đều muốn “mở rộng và tăng cường sự hiện diện” trên vùng biển tranh chấp.
Ông cũng đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã gài “bom nổ chậm” nhằm khiến quan hệ Việt Nam – TC căng thẳng khi chỉ đứng nhìn Bắc Kinh chiếm toàn bộ đảo Hoàng Sa mà chính quyền nam Việt Nam chiếm giữ một phần cho tới 19/1/1974.
Khi được hỏi liệu Nga có những lợi thế gì để đứng ra thuyết phục TC không gây chiến với Việt Nam, Kolotov nói:
“Nga và Trung Quốc có [sự] tin nhau rất cao, có thể nói chưa bao giờ trong quan hệ Nga Trung có thời điểm [mà niềm tin giữa hai nước cao] như thế.
“Và nếu xem tình hình xung quanh biên giới của Trung Quốc chỗ nào cũng căng thẳng, chỗ nào cũng có tiềm năng xung đột về một mặt nào đó [trừ] biên giới với Nga.”
Vị giáo sư nói chính quan hệ tốt giữa Nga và TC đã khiến tình hình an ninh ở Trung Á khá hơn và nó cũng có thể giúp cải thiện tình hình trên Biển Đông.
Kolotov cũng cho rằng TC ý thức được rằng nếu họ gây sức ép quá lớn với các nước trong khu vực, các nước này sẽ ngả sang Hoa Kỳ và đây là điều Bắc Kinh không muốn.
Trước thực tế Nga luôn bán cho TC nhiều vũ khí hơn so với lượng vũ khí họ bán cho Việt Nam, Kolotov giải thích TC đặt mua nhiều hơn vì là nước lớn.
Trả lời câu hỏi nếu có cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và TC thì Nga sẽ đứng về bên nào và liệu Nga có chọn TC vì là đối tác thương mại lớn hơn, Giáo sư Kolotov dẫn câu “Quân tử dụ ư nghĩa, tiểu nhân dụ ư lợi” (君子喻 于义,小人喻于利) của Khổng Tử và cho rằng trong chính sách đối ngoại nói chung và trong quan hệ với cả Hà Nội và Bắc Kinh nói riêng, Nga luôn luôn coi “nghĩa” hơn “lợi”.
Chuyện Moscow bán sáu tàu ngầm cho Việt Nam cũng giúp hiện đại hóa hải quân của đối tác để làm giảm khả năng có xung đột, Kolotov nói.
Trong khi đó một nhà quan sát Việt Nam khác, Giáo sư Carl Thayer từ Australia, nói với đài RFI cũng hôm 6/4 rằng “có thông tin cho biết là Nga sẽ không trang bị cho tàu ngầm Kilo bán cho Việt Nam loại tên lửa hành trình tấn công đối địa có thể được sử dụng để bắn tới căn cứ hải quân TC gần Tam Á trên đảo Hải Nam.”
Ông Thayer được dẫn lời bình luận thêm: “Mặc dù cả hai bên Nga-Việt đều tuyên bố rằng họ đều tin tưởng lẫn nhau, Việt Nam sẽ luôn luôn lo lắng rằng trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc, Nga sẽ giữ một vị trí trung lập. Một chính sách như vậy sẽ dẫn đến việc Nga từ chối tiếp tế cho Việt Nam khi kho tên lửa chống hạm và các loại tên lửa khác cạn kiệt.”
BBC sẽ chuyển toàn bộ cuộc phỏng vấn hơn 30 phút với giáo sư Kolotov tới các độc giả trong những ngày tới đây.