Ý kiến: ‘Chỉ quyền im lặng là không đủ’

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ý kiến: ‘Chỉ quyền im lặng là không đủ’

Theo BBC – 28 tháng 5 2015

Hôm qua 27/5, báo Tuổi trẻ có bài Các tướng công an không muốn quy định “quyền im lặng”.

Bài báo phản ánh nội dung họp bàn của các đại biểu Quốc hội về Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi, các đại biểu là tướng Công an đều không muốn quy định quyền im lặng trong bộ luật này.

Lý do đưa ra là quy định sẽ gây khó khăn cho hoạt động điều tra đấu tranh phòng chống tội phạm.

Tâm lý đấu tranh

Các ông tướng Công an là đại diện cho ngành điều tra cho nên tâm lý nhận thức mang nặng tính đấu tranh phòng chống tội phạm.

Họ cho rằng quy định quyền im lặng đề cao quyền công dân, quyền của bị can một cách không cần thiết trong khi gây khó cho hoạt động điều tra.

Họ cho rằng quy định quyền im lặng nhằm tránh bức cung nhục hình, nhưng bức cung nhục hình lâu nay chỉ là cá biệt ít ỏi do anh em điều tra nóng vội chứ không phải là tệ trạng rộng khắp.

Thực ra việc đòi hỏi cần tạo điều kiện thuận lợi để đấu tranh chống tội phạm là chính đáng, ai mà chẳng muốn chống tội phạm?

Thực chất lâu nay các quy định pháp luật đều đã tạo không gian quyền hạn rộng rãi cho hoạt động điều tra xử lý tội phạm.

Nhưng cũng nên biết rằng mục đích đấu tranh phòng chống tội phạm chỉ là một trong nhiều mục đích của Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 1 Bộ luật tố tụng hình sự quy định về nhiệm vụ của Bộ luật này đã viết về một loạt nhiệm vụ của Bộ luật tố tụng hình sự.

Các nhiệm vụ như: Bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa và cuối cùng là đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.

Mục tiêu nhiệm vụ đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm được nhắc đến sau cùng, cũng tức là tinh thần của Bộ luật tố tụng hình sự coi trọng việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hơn.

Điều này có lẽ cũng bởi đã có sự tiếp những giá trị của luật pháp quốc tế tiến bộ theo đó quyền của công dân được coi trọng hơn mục tiêu xử lý tội phạm.

Tinh thần tiến bộ đó được đúc rút ở nguyên tắc thà bỏ lọt tội phạm còn hơn làm oan người vô tội.

Theo tinh thần của nguyên tắc này thì cơ quan điều tra không phải tài giỏi đến mức vụ án nào cũng tìm ra được thủ phạm.

Và nếu không tìm ra được thì đành chấp nhận bỏ lọt tội phạm còn hơn cứ gắng điều tra để dẫn đến làm oan người vô tội.

Vì nếu bỏ lọt tội phạm thì chỉ sai một lần, còn làm oan thì lại sai những 2 lần (vừa không bắt được tội phạm, vừa làm oan thêm một người).

Ở Việt Nam lâu nay, đặc biệt là các cán bộ điều tra có tâm lý nhận thức coi trọng việc xử lý tội phạm hơn là bảo vệ các quyền công dân.

Điều này dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm hại vì động cơ mục đích đấu tranh phòng chống tội phạm.

Ví như vụ án giết người và hiếp dâm trẻ em xảy ra ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang năm 2005, bị can là Hàn Đức Long hiện đang kêu oan và cho dù hồ sơ có nhiều điểm vô lý không thể chấp nhận, nhưng vụ án cứ bị điều tra mãi để chứng minh cho được thủ phạm.

Nặng tính bạo quyền

Blogger Điếu Cày mới đây tham gia đóng góp ý kiến cho Amnesty International về thực trạng nhà tù ở Việt Nam.                    

Chính trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện tại, nhiều quy định hiện mang nặng tính đấu tranh phòng chống tội phạm.

Các quy định hiện tại trao quyền hạn rộng rãi cho cơ quan điều tra, khiến cho thủ tục tố tụng hình sự nặng tính bạo quyền mà xem nhẹ việc bảo vệ các quyền công dân.

Điều này có lẽ do bởi việc làm luật được thực hiện bởi những người vốn mang nặng tâm lý nhận thức đấu tranh phòng chống tội phạm.

Quy trình tố tụng hình sự mạng nặng yếu tố bạo lực và trao quyền hạn rộng rãi cho cơ quan điều tra thể hiện ở mấy điểm:

Thứ nhất là ở phạm vi rộng về các trường hợp có thể bị bắt ngăn chặn, và quyền bắt giam giữ nằm trong tay cơ quan điều tra.

Điều này khiến cho tình trạng người bị bắt giam giữ rất phổ biến, theo một số liệu được báo cáo gần đây cho biết, hiện cả nước đang cần đến 3600 tỷ đồng để xây thêm 26.000 chỗ giam giữ để đảm bảo tiêu chuẩn giam giữ mỗi người 2 mét vuông.

Tiếp theo là Quy trình tố tụng hình sự hiện trao quyền hạn rộng rãi cho cơ quan điều tra và mang nặng yếu tố bạo lực thể hiện ở quy định thời hạn điều tra quá dài.

Thời hạn điều tra kéo dài cộng hưởng với tình trạng bị bắt giam giữ phổ biến, đây chính là vấn đề cho thấy thủ tục tố tụng hình sự nặng tính bạo quyền.

Bị can bị giam giữ trong phòng kín nhiều tháng năm khiến cho đời sống vô cùng khó chịu, đây chính xác là một sự đày đọa nhục hình. Cần phải thay đổi tình trạng này.

Thứ ba Quy trình tố tụng hình sự hiện mang nặng yếu tố bạo lực thể hiện ở quy định lời khai của bị can cũng là chứng cứ, đây là nguyên do gây ra tình trạng bạo lực rất phổ biến.

Vì quy định lời khai cũng là chứng cứ dẫn đến cơ quan điều tra luôn tìm cách để có được lời khai nhận của bị can để từ đó cho ra kết luận điều tra và hoàn tất trách nhiệm điều tra vụ án.

Để có được lời khai, rất phổ biết là người ta sử dụng biện pháp bức cung nhục hình vốn bị cấm.

Và đó cũng là nguyên do khiến cơ quan điều tra không muốn có quy định về quyền im lặng.

Chỉ Quyền im lặng là không đủ

Giới ngoại giao nước ngoài quan tâm tới những vụ đánh đập nhắm vào giới blogger ở Việt Nam.

Chế định về quyền im lặng là một trong nhiều vấn đề được đặt ra tiếp thu để thủ tục tố tụng hình sự vừa giúp đấu tranh xử lý tội phạm vừa giúp bảo vệ các quyền công dân.

Đây là xu hướng tiến bộ tất yếu để pháp luật Việt Nam tương thích phù hợp với luật pháp quốc tế giúp tiết giảm đi bạo quyền và tôn trọng các quyền công dân.

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc năm 1966 được Việt Nam ký kết tham gia năm 1982, có quy định:

Trong các vụ án hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những đảm bảo tối thiểu sau đây: … Được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng.

Khi đã ký kết Công ước quốc tế thì luật pháp trong nước phải tiếp thu và nội hóa các quy định của Công ước vào pháp luật trong nước.

Bộ luật tố tụng hình sự trước đây cũng đã lồng đưa ý nghĩa quy định của Công ước vào bằng quy định nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình.

Tuy nhiên nếu xét về mức độ gần gũi tương đồng về mục đích ý nghĩa thì quy định bị can được quyền giữ im lặng sẽ gần đúng với tinh thần của Công ước hơn.

Chúng ta đều hiểu như thế nào là đúng là tốt, tuy nhiên giống như bất kỳ một bước đi tới tiến bộ nào, chúng ta luôn gặp phải lực cản.

Đó là sự bảo thủ ỳ trệ bám víu vào những xưa cũ lạc hậu để duy trì lợi quyền của những người bị ảnh hưởng bởi chế định mới.

Những suy nghĩ bảo thủ lạc hậu cho rằng quyền im lặng sẽ gây khó cản trở hoạt động điều tra, điều này là ích kỷ, tham lam và thiển cận.

Vì thực chất như trên đã chỉ ra các quy định pháp luật lâu nay đã dành phạm vi quyền hạn rất rộng cho cơ quan điều tra trong việc phòng chống tội phạm.

Điều này dẫn đến hệ lụy xấu là tính bạo lực phổ biến, cho nên nay cần những chế định mới để tiết giảm bớt lại.

Tuy vậy cũng cần thấy rằng chỉ riêng quy định về quyền im lặng thôi là không đủ, mà còn cần loại bỏ những quy định sai cũ khiến cho quy trình tố tụng hình sự mạng nặng tính bạo quyền như đã chỉ ra ở trên.

Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của luật sư Ngô Ngọc Trai, Giám đốc Công ty luật Công chính từ Hà Nội.