Xuống đường hay không xuống đường?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Xuống đường hay không xuống đường?
Tài liệu trích đăng chỉ nhằm mục đích thông tin. Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của Website. BBT
Sau mỗi lần xuống đường của những người yêu nước, các trang mạng, các buổi cà phê lại rộ lên vấn đề tranh luận, “Xuống đường hay không xuống đường? Như thế nào mới là đấu tranh, yêu nước, phương pháp nào là đúng đắn?” Chủ đề này luôn kéo mọi người ra làm hai nhóm chủ yếu và dường như không thể có sự đồng thuận sau các cuộc tranh luận đi đến tranh cãi dai dẵng. Tổng hợp lại vài ý chính:
Nhóm ủng hộ xuống đường cho rằng:
-Phải xuống đường mới vượt qua được nỗi sợ. Khi còn sợ hãi chưa dám bước chân xuống đường để thể hiện tiếng nói tự do của chính bản thân mình thì chưa vượt qua được chính mình. Chưa vượt qua được chính mình thì không thể có tự do và càng không thể dẫn dắt người khác.
– Không xuống đường là thụ động, chỉ đấu tranh ảo, không thực tế, không thực sự dấn thân, không chấp nhận cái giá phải trả, không tạo được sự liên kết thật, do đó không đáng tin cậy.
– Khi xuống đường mới bộc lộ được là người như thế nào qua hành động, lời nói cụ thể khi gặp sự việc, sự cố.

Nhóm không ủng hộ xuống đường cho rằng:
-Đấu tranh phải có chiều sâu, những bài viết mang tính học thuật nâng cao dân trí, chờ thời cơ thích hợp, tập trung đủ số lượng người cần thiết. Phải có hoạch định, kế hoạch, tổ chức.
-Xuống đường nhỏ lẽ chỉ tạo cớ cho chính quyền đàn áp, chỉ là phong trào bề nổi, không ích lợi gì.
-Không xuống đường không có nghĩa là hèn nhát, sợ hãi mà chỉ là không thích, chưa muốn, không có tổ chức…

Còn nhiều ý kiến khác, nhưng tựu trung lại, xoay quanh những ý chính trên. Mỗi nhóm có lý lẽ riêng và quyết liệt bảo vệ lý lẽ của mình. Các cuộc tranh luận thường bị dắt tới tranh cãi và không ít lời chê bai, xúc phạm lẫn nhau giữa hai nhóm.
Thật ra, nhóm nào cũng đúng và nhóm nào cũng có cái sai khi phủ nhận các giá trị của nhau.
Khi bước chân xuống đường, nói lên tiếng nói của chính mình, không e ngại sự đàn áp, nếu có, là bạn đã chấp nhận trả giá cho quyền được nói lên tiếng nói của mình một cách công khai, danh chính ngôn thuận và đấu tranh cho quyền của mình bằng chính sức lực và hành động, giọng nói của mình.
Nhưng bạn cũng cần học hỏi, đọc, tìm hiểu để xây nền tảng vững chắc về lý luận, kiến thức tổng hợp và chuyên sâu trước hết là cho chính mình và sau nữa là phổ biến cho người khác bằng các bài viết. Điều này giúp cho bạn có đủ lý lẽ để đối đáp, tranh luận, đủ kiến thức để xử lý sự việc, đủ cơ sở để tạo dựng niềm tin với người khác và đủ bình thản khi gặp mọi tình huống.
Nền tảng kiến thức tổng hợp cơ bản và chuyên sâu giúp cho bạn nhìn rõ hơn, dễ thấu hiểu hơn, dễ thông cảm hơn, nhất quán, kiên định hơn trong lời nói và hành động và dĩ nhiên là sẽ giúp chính bạn tự tin hơn rất nhiều để hoạch định cho con đường mình đi và cho cả người khác nếu bạn đủ giỏi.
Sự dấn thân xuống đường giúp bạn thể hiện được vai trò, bản lĩnh và khả năng của bạn trong đám đông. Không có người lính và vị tướng nào đánh trận chỉ ở mỗi bàn giấy. Học phải đi đôi với hành. Không có thí nghiệm nào thành công nếu không có thực nghiệm. Không có bài học nào được rút ra, không có kinh nghiệm thực tiễn nếu không có sự trãi nghiệm thực tế.
Nếu bạn chỉ xuống đường mà không nắm rõ kiến thức nền tảng và không hoạch định cho những kế hoạch đường dài hoặc nếu bạn chỉ ngồi bàn giấy viết kế hoạch đường dài mà không xuống đường thì bạn đều thiếu sót. Đại dương có cả sóng ngầm và cả sóng trên bề mặt.
Lịch sử phát triển nhân loại đã chứng minh, không có sự thay đổi nào diễn ra nếu không có sự vận động, con người phải luôn luôn đấu tranh vì sự sinh tồn, vì phát triển, vì tự do, vì các quyền của mình.. Trong cuộc vận động đó, mỗi người có vai trò, vị trí khác nhau trên cùng một lý tưởng, mục tiêu nhất định, cùng hợp lực, bổ sung cho nhau chứ không loại trừ nhau.
Khi nẩy sinh ra tính loại trừ thì…tất yếu quá trình vận động sẽ diễn ra chậm hơn và dần bị khiếm khuyết đi đến tự triệt tiêu.
Còn muốn viết nữa, nhưng thôi, để dành cho bạn.