Xung đột ở Biển Đông đang dần đạt tới đỉnh điểm
Một tàu tấn công đổ bộ của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang di chuyển trên bờ biển San Antonio, ở tỉnh Zambales, Philippines vào ngày 21 tháng 4 năm 2015, trong một cuộc huấn luyện quân sự với Philippines. Vị trí này cách bãi cạn tranh chấp Hoàng Nham ở Biển Đông khoảng 220 km về phía đông. Những sự căng thẳng trên Biển Đông đang dần đạt đến một cấp độ mới (Ted Aljibe / AFP / Getty Images)
Tác giả: Joshua Philipp, Epoch Times | Dịch giả: Trà Văn Kính – 25 Tháng Hai , 2016
Ban đầu, bài phân tích tin tức này đã được gửi qua bản tin email vì nó là một phần của các bản tin viết về Trung Quốc của thời báo Đại Kỷ Nguyên. Quý vị có thể theo dõi các bản tin trên bằng cách điền email của quý vị trong hộp đăng ký nhận email nằm dưới bài viết này.
Mặc dù suốt tuần qua, báo chí đăng những tin tức cho biết Trung Quốc đã triển khai nhiều tên lửa phòng không ở Biển Đông, nhưng thật ra, các tên lửa này chỉ là một phần của một sự thay đổi với quy mô rộng lớn hơn, chúng có khả năng sẽ tạo ra cuộc xung đột với một cấp độ mới.
Những sự thay đổi này được bắt đầu vào ngày 30 tháng 1 năm 2016, khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn ở quần đảo Hoàng Sa thuộc Biển Đông.
Đây là một phần của sứ mệnh “bảo vệ tự do hàng hải” của Mỹ, được Đài Loan và Việt Nam ủng hộ nhiệt tình. Vì cả 2 quốc gia này đều đều tuyên bố đảo Tri Tôn thuộc chủ quyền của mình. Mặt khác, Trung Quốc cũng đang kiểm soát hòn đảo này, và rất khó chịu vì Mỹ đã xâm nhập lãnh hải mà không xin phép trước.
Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc bắt đầu loan tin về “sự xâm lược” của Mỹ, và tuyên bố rằng Mỹ đã cố gắng thiết lập “quyền bá chủ” ở Biển Đông.
Trong một bài viết trước đây, tôi đã giải thích sự trớ trêu trong cách nói hàm hồ của Trung Quốc – cần lưu ý rằng tình hình đã cho thấy điều ngược lại. Xét theo đúng nghĩa đen, Trung Quốc chính là đang cố gắng để thiết lập quyền bá chủ ở khu vực này, trong khi Mỹ đang cố gắng duy trì các tiêu chuẩn tự do hàng hải thông qua các vùng biển rất quan trọng đối với thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, không cần quan tâm đến ý định xấu hay tốt của Mỹ, chính quyền Trung Quốc đã kêu gọi cần có một phản ứng về mặt quân sự ở mức độ cao nhằm chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này, và điều này có thể khiến cho những căng thẳng ở Biển Đông đạt đến đỉnh điểm.
Hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày 14 tháng 2 năm 2016 cho thấy Trung Quốc đã triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm xa (khẩu đội tên lửa đất đối không, hay còn gọi là đơn vị tên lửa SAM) trên đảo Phú Lâm trong chuỗi quần đảo Hoàng Sa.
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng những tên lửa này đã có mặt ở đó trong nhiều năm. Nhưng nếu điều này là sự thật, thì quân đội Trung Quốc đã che giấu rất nhiều tên lửa ở đó. Hình ảnh vệ tinh cho thấy rất nhiều tên lửa đã được điều ra đảo Phú Lâm từ ngày 3 tháng 2 đến ngày 14 tháng 2 năm 2016. Nhiều báo cáo trước đây cho biết rằng, khoảng tháng 5 năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu trang bị vũ khí quân sự trên hòn đảo nhân tạo này.
Mặc dù đề tài tên lửa chiếm hết trọng tâm mục tin tức của các hãng truyền thông trên toàn cầu, thế nhưng, cũng đã xuất hiện một số tiến triển khác nữa đáng quan tâm không thua kém.
Trang thông tin USNI News của Học viện Hải quân Mỹ cho biết rằng, Trung Quốc có thể xây dựng căn cứ trực thăng mới được trang bị hệ thống chống ngầm ASW. Và các nhà phân tích quốc phòng đã đưa ra lời cảnh báo trước đó rằng, tàu ngầm sẽ là một thứ có yếu tố “thay đổi cuộc chơi” dành cho Mỹ, nếu như quốc gia này xảy ra một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.
Một bài viết được đăng trên thời báo The Diplomat của chuyên gia Victor Robert Lee nhận định rằng, căn cứ trực thăng mới được trang bị hệ thống chống ngầm “có thể là dấu hiệu cho thấy sự gia tăng trong khả năng tác chiến chống tàu ngầm của Trung Quốc trên biển Đông”.
“Nếu Trung Quốc thiết lập mạng lưới căn cứ trực thăng và các điểm dừng tiếp nhiên liệu rải rác trên biển Đông, thì máy bay của họ có thể liên tục giám sát vùng biển và có khả năng phản ứng nhanh”, chuyên gia Victor Robert Lee cho biết.
Tiếp theo đó, tờ Nhân dân Nhật báo – một trong những cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc, tung ra những lời đe dọa cứng rắn nhằm khẳng định rằng, Trung Quốc phải “dạy cho Mỹ một bài học” nếu như Mỹ vẫn tiếp tục tự do hoạt động hàng hải của mình ở Biển Đông.
Lời đe dọa còn cho rằng, các lực lượng quân sự Trung Quốc sẽ sẵn sàng bắn súng cảnh cáo, thậm chí đâm vào chiến hạm Mỹ nếu dám tiến lại gần Hoàng Sa.
Hiện nay, các phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đăng tin rằng chính quyền Trung Quốc có thể sẽ triển khai nhiều tên lửa chống hạm cũng như các loại vũ khí khác ở Biển Đông.
Li Jie – nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Hải quânTrung Quốc nói với tờ South China Morning Post rằng, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ triển khai các loại vũ khí tiên tiến hơn nếu Mỹ “ngày càng làm quá”.
Đối phó với những sự xung đột ngày càng gia tăng với Trung Quốc, hiện giờ Mỹ đang tìm cách mở rộng nội dung của một văn bản quan trọng nhằm vạch ra các phương thức giao tiếp an toàn trên biển, được gọi là Quy chuẩn Giao tiếp Trên biển (Code for Unplanned Encounters at Sea).
Đã có nhiều thay đổi được đề xuất nhằm điều chỉnh nội dung của Quy chuẩn Giao tiếp Trên biển nhằm đối phó với những cuộc đụng độ mà có sự tham gia của các tàu phi quân sự. Những thay đổi này đã được vạch ra bởi Phó Đô đốc Joseph Aucoin – Chỉ huy Hạm đội 7 của Mỹ đóng tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản, thời báo The Diplomat cho biết.
Thời báo The Diplomat nhận định rằng, một trong những lý do chính để cân nhắc cho những sự thay đổi này là do chính quyền Trung Quốc đang triển khai các tàu cảnh sát biển rất mới và rất lớn, “chúng được sơn màu trắng chứ không phải màu xám như tàu Hải quân”. Trung Quốc đã sử dụng nhiều tàu cảnh sát biển và tàu cá như là một phần trong chiến lược quân sự của mình tại khu vực Biển Đông.
Các quốc gia khác cũng đang tăng cường tiềm lực của họ để thách thức với những tuyên bố của Trung Quốc. Mỹ đang thúc giục Úc nên để bắt đầu tiến hành việc tuần tra tự do hàng hải của quốc gia này ở Biển Đông. Việt Nam đang xây dựng thêm lực lượng quân sự của riêng mình. Quân đội Philippines đang chuẩn bị cho “trường hợp xấu nhất” nếu xảy ra kịch bản là một cuộc xung đột vũ trang với Trung Quốc. Và Nhật Bản thì đang xem xét khả năng tuần tra không quân trên Biển Đông.
Câu hỏi đặt ra là sẽ có biện pháp mạnh mẽ nào để Trung Quốc sẵn lòng nhượng bộ, và các quốc gia khác sẽ làm như thế nào để đẩy lùi hành động khiêu khích của Trung Quốc trong việc xây dựng những công trình quân sự với mục đích là kiểm soát các tuyến hàng hải qua lại Biển Đông.