Xuất khẩu Việt Nam hơn 200 tỷ USD có gì đáng ‘phấn khởi’?
Thiền Lâm
Cali Today
Việt Nam – Cali Today News – Kết thúc năm 2017, kinh tế Việt Nam đã “thắng lợi vẻ vang” trên mặt trận xuất khẩu hàng hóa và được toàn bộ hệ thống báo đảng tung hô. Nhưng thực chất của câu chuyện này có đáng phấn khởi đến thế?
Bảng thành tích luôn được tô hồng của chế độc độc đảng cho biết “kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đến nay đã chính thức vượt 200 tỷ USD khi đạt xấp xỉ 204 tỷ USD, vượt mục tiêu xuất khẩu năm nay 16 tỷ USD và cao gấp 4,2 lần kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO”.
Cần công nhận rằng những con số trên là một thực tế, phù hợp với giá trị xuất siêu của Việt Nam lên đến gần 30 tỷ USD vào thị trường Hoa Kỳ và đến 25 tỷ USD và thị trường Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, thực chất của câu chuyện “xuất khẩu vượt chỉ tiêu đề ra” ở Việt Nam là 70% giá trị xuất khẩu có nguồn gốc từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chỉ còn lại 30% giá trị do các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
Như vậy trong 10 năm từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2006, khối FDI đã gia tăng tỷ lệ giá trị xuất khẩu từ 37% lên đến 70%, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân lại bị sụt giảm mạnh giá trị xuất khẩu theo tỷ lệ ngược lại.
Chính xác hơn, khối doanh nghiệp nhà nước đã trở nên bết bát nhất sau 10 năm Việt Nam tham gia WTO. Đây cũng là khối doanh nghiệp đặc trưng cho “thành tích” tham nhũng nhiều nhất, lãng phí nhiều nhất và lỗ lã cao nhất. Hệ quả của chuỗi “thành tích” này đã khiến phát sinh chiến dịch “chống tham nhũng” trong khối nhà nước và dắt dây hàng ngàn quan chức phải vướng vòng lao lý trong những năm qua.
Chính một chuyên gia nhà nước cũng phải thừa nhận: “Lâu rồi chúng ta mới xuất siêu trở lại. Nhưng phân tích kỹ thì thấy xuất khẩu vẫn chủ yếu đến từ khu vực doanh nghiệp FDI, tăng đến 22% và cũng chỉ tập trung vào số ít doanh nghiệp. Nói thẳng ra, con số điện thoại và linh kiện tăng 23,6% và xuất siêu 328 triệu USD trong 9 tháng qua có đóng góp đáng kể của Samsung, đặc biệt là sự kiện ra đời Galaxy Note 8. Trong khi đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, truyền thống của Việt Nam mang lại nguồn thu cho doanh nghiệp trong nước, góp phần nâng cao đời sống cho hàng chục triệu nông dân là gạo, cà phê, tiêu… đang giảm đến mức báo động. Như vậy việc xuất siêu hiện nay chưa thể nói là ổn định và nỗi lo thâm hụt thương mại ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá vẫn thường trực…”.
2017 không chỉ là “tin vui” cho xuất khẩu Việt Nam, mà còn có cả nhiều tin buồn.
Vào giữa năm 2017, một tin buồn đã xảy đến đối với ngành xuất khẩu tôm Việt: Bộ Thương mại Mỹ chính thức tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam.
Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Việt Nam. Mỹ đã từng là thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, Nhật Bản giờ đã trở thành nhà nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất. Như vậy, tôm là mặt hàng xuất khẩu thứ hai của Việt Nam bị “đánh”, sau gạo.
Vào năm 2016, nền kinh tế vẫn thường tự hào là “một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới” đã bị giáng một cú điếng người do thói ăn xổi ở thì.
Khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2016 chỉ đạt gần 4,9 triệu tấn với trị giá 2,2 tỉ USD, giảm đến 26% về khối lượng và giảm đến 21% về giá trị so với năm 2015.
Nhiều thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh trong năm 2016 như Philippines (giảm 65%), Malaysia (giảm 48%), Mỹ (giảm 33%), Singapore, Indonesia, Bờ Biển Ngà và Hong Kong đều đồng loạt giảm tiêu thụ gạo Việt trong năm 2016.
Một số lô gạo Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã bị trả về, khiến nhiều chuyên gia trong ngành lo lắng về nguy cơ gạo Việt bị liên lụy khi xuất khẩu vào Mỹ, thậm chí có nguy cơ bị cấm nhập khẩu.
Được biết, một trong những nguyên nhân khiến Mỹ chính thức tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam rất có thể là do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Gần cuối năm 2017, kinh tế và thể chế chính trị Việt Nam còn phải nhận thêm một tin buồn nữa khi Liên minh châu Âu chính thức “giơ thẻ vàng” đối hàng hải sản Việt Nam. Điều đó có nghĩa là ngay từ giai đoạn “thẻ vàng”, hàng hải sản Việt Nam vào EU sẽ bị hạn chế, đặc biệt khâu kiểm định. Còn nếu sau 6 tháng mà không khắc phục được tình trạng ngư dân Việt Nam “đánh bắt xa bờ”, tức đánh bắt cá tôm trong vùng hải phận các nước khác như Indonesia, Philippines…, Việt Nam sẽ bị EU chính thức áp dụng “thẻ đỏ” và sẽ mang lại rất nhiều phiền toái cho xuất khẩu hải sản của quốc gia này.
“Dấu ấn” còn lại là kết thúc năm 2017, mặc dù giá trị xuất khẩu vượt hơn 200 tỷ USD nhưng giá trị xuất siêu của Việt Nam chỉ có khoảng 3 tỷ USD. Đây chính là hậu quả của căn bệnh nhập siêu ồ ạt từ Trung Quốc, lên đến khoảng 30 tỷ USD theo đường chính ngạch và 20 tỷ USD theo đường tiểu ngạch vào những năm trước mà cho đến giờ mới chỉ thuyên giảm được đôi chút.
Đó là chưa kể đến việc Mỹ – thị trường phải nhập siêu lớn từ Việt Nam – đang có kế hoạch điều chỉnh đáng kể về cân bằng thương mại – theo những quyết tâm của Tổng thống Trump. Vào năm 2017, Trump đã chỉ đạo Bộ Tài chính Mỹ làm việc với Chính phủ Việt Nam về việc này, thậm chí còn đưa Việt Nam vào danh sách 16 nước bị Trump coi là làm tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ.
Do vậy có khả năng trong năm 2018, hàng rào thuế quan và kiểm định của Mỹ sẽ dựng cao hơn đối với hàng xuất khẩu Việt Nam và sẽ hạn chế giá trị xuất siêu của Việt Nam vào Hoa Kỳ.
Vào cuối năm 2017, Mỹ đã chính thức đánh thuế thép Việt Nam (có nguồn gốc từ Trung Quốc) lên đến 531%.
http://www.vietnamthoibao.org/2018/02/vntb-xuat-khau-viet-nam-hon-200-ty-usd.html