Xuân đến, xuân đi

Cac Bai Khac

No sub-categories

Xuân đến, xuân đi

Blog RFA – Tuấn Khanh – 19-02-2015

Sáng 30, đường phố Sài Gòn vắng đi, nhưng không vắng hẳn. Điều dễ thấy của xuân năm nay là những người buôn bán nghèo khó vẫn tiếp tục cầm cự bày hàng. Vỉa hè nhiều nơi vẫn còn chen nhau kiếm thêm chút, dành dụm cho một năm mới dự báo không nhiều niềm vui. Cứ từng năm qua, mùa xuân như cứ nhạt dần. Đường phố không còn không khí của những ngày Tết mà ai ai cũng muốn đóng cửa nghỉ ngơi, ai ai cũng muốn dừng tay lại để hít thở với chút cảm giác khó tả của trái tim mình khi bước qua thêm một lằn ranh nữa ở cõi sinh tồn thế gian. Quán café trước ngõ vẫn đông khách như một ngày rất thường. Quán bánh ướt vỉa hè trong ngỏ hẻm cũng không nghĩ sáng 30 Tết. Quán không có có bàn, những người đến ăn phải ngồi ghế đẩu, cầm đĩa ăn cho đến hết. Những người ăn vội vàng cho qua một bữa sáng, cho qua một ngày 30 mà trước đây Sài Gòn đón chờ như một điều thiêng liêng và hân hoan. Ông cụ ngồi ăn bánh quay sang bắt chuyện. “Tết đến làm gì, chán quá”. Một cụ khác cười, góp thêm “Tui thấy 5 năm Tết một lần cũng được”. Nghĩ mà buồn cười. Tết 5 năm một lần, cứ như là nhiệm kỳ của một ông quan thiên nhiên. Xuân đến như không mang đủ ngọt ngào của cuộc đời, đến mức dân chúng chán chê muốn xua đi, chỉ mong gặp và hy vọng vào một mùa xuân của nhiệm kỳ mới. Cuộc đời cũng vậy, bạn đã có bao giờ ngao ngán và chờ một điều mới mẻ nào đó từ con người, quan quyền trên đất nước này chưa? Tết ở Sài Gòn, đặc biệt ở quận 5, lâu rồi không còn nghe tiếng “tùng cheng”. Chắc cũng phải hơn 5 năm, những chiếc xe ba gác bán đầu lân, đầu ông địa cho trẻ con không còn dạo khắp phố phường với tiếng “tùng cheng” quen thuộc như tín hiệu rộn ràng của một mùa xuân. Ngay trong thủ phủ của người Hoa Chợ Lớn, một vài cửa hàng có treo đầu lân, đầu ông địa cũng xao xác buồn. Ngày xưa trẻ con ai cũng muốn phải có cho được một món để chơi mùa Tết, nay thì cầm món ấy đi giữa phố, chẳng khác nào kẻ lập dị. Mới năm trước, lúc trước giờ giao thừa vẫn hay có các nhóm nhỏ Lân Sư Rồng đi dạo phố phường, vào nhà xin lì xì. Nay thì cũng vắng bặt. Tiền dành dụm chưa đầy, dân chúng ai còn dám mạnh dạn mở hầu bao. Ấy vậy mà báo Nhà nước vẫn có tờ đăng tin Việt Nam là quốc gia có name có mark về hạnh phúc và dễ kiếm tiền. Trên chuyến xe taxi đi vào trung tâm Sài Gòn di chuyển chậm vì đông người trong những ngày cận Tết, người tài xế giết thời giờ bằng cách kể chuyện đó đây, trong đó ấn tượng nhất là chuyện bạn của anh làm công nhân mà năm nay không đủ tiền về quê. “Rất nhiều người gặp khó khăn như vậy nên ở lại buôn bán thời vụ, làm thêm để kiếm chút tiền sau Tết về”, anh tài xế kể. Trong bài hát Xuân này con không về của Trịnh Lâm Ngân, ca sĩ Duy Khánh có hát rằng “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm, mái tranh nghèo không người sửa sang…”, giờ thì về quê đâu chỉ có dùng sức mà lo được cho mái tranh của mẹ. Tháng 12/2014, các bản tin của báo Nhà nước còn đưa tin rằng nhiều tỉnh nghèo quay quắt chờ 8.000 tấn gạo cứu đói mùa Tết này. Không có tiền thì vô phương. Pháo bông giao thừa cũng chẳng để làm chi, rồi chỉ biết ngó lầu đài của các quan chức như ông tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền mà thở dài. Trong những nhịp đồng hồ cuối cùng của năm âm lịch, báo đưa tin những người bán hoa, cây kiểng ở trung tâm Sài Gòn, ở bến Bình Đông rơi nước mắt vì ế ẩm, không bán được hàng. Đọc mà lòng tự dưng buồn khôn tả. Tết năm nay không thấy bà tổ trưởng nhắc treo cờ, anh công an khu vực đi kiểm tra. Có lẽ mệt mỏi vì nhiều năm nhắc hoài mà dân chúng vẫn lơ là, nên chính quyền địa phương ở nhiều nơi theo lệnh mà xuất tiền trồng cờ dọc theo cầu, dọc theo lề đường. Khắp nơi rực rỡ một màu đỏ như ngày đánh thắng một mùa xuân. Cờ được chất đống trên các xe tải nhỏ và được các bạn trẻ dân phòng vội vã ghé vào, cắm dựng, vuốt… rồi chạy đi chỗ khác làm cho kịp chỉ tiêu. Cờ ngay ngắn và rõ ràng như phân lô đất trong thành phố. Ào một cái đã đến giờ cúng giao thừa. Mùa xuân vội đến và vội đi vậy sao? Mùa xuân nhạt nhòa và không còn rõ ràng trong sự chờ đón của con người. Những bài nhạc xuân viết mới ồn ào và như cố xô người nghe vào một không gian chộn rộn lố bịch. Khắp nơi ầm ầm như một chiến dịch xuân. Mọi thứ đó, như chỉ để nhắc nhau về một điều gì đó gọi là mùa xuân nhưng dường như đã vàng phai biết mấy, hoặc đã không còn tìm thấy.