Xu hướng vũ lực mới trong quyết sách của Trung Quốc

Cac Bai Khac

No sub-categories

Xu hướng vũ lực mới trong quyết sách của Trung Quốc

Trung Quốc đã có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới và đang tích lũy những chiếc tàu chiến hung hãn. Giờ đây, họ sung sức và sẵn sàng tham chiến.

Xu hướng vũ lực mới trong quyết sách của Trung Quốc Hình minh hoạ. Hải quân Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông hôm 12/4/2018 Reuters

Trong quá khứ, Trung Quốc từng là nước gây chiến, liệu họ có lặp lại điều này một lần nữa? Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, năng lực quân sự của Trung Quốc đã được củng cố. Họ gia tăng sức ép quân sự đối với Đài Loan, thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn trên biển Hoa Đông và Biển Đông. Ngoài ra, các cuộc đụng độ ở biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến nhiều thương vong cho cả hai bên.

Giới phân tích quốc tế đang cân nhắc về khả năng hành động quân sự sắp xảy ra. Trung Quốc thừa nhận họ có phương tiện, vấn đề là Bắc Kinh tin tưởng vào sự nghiệp này đến mức độ nào. Tháng 11/2020, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu với giọng điệu gay gắt: “Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai, bất kỳ lực lượng nào xâm phạm và chia cắt những vùng lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc”. Rắc rối nằm ở chỗ nhiều phần trong đó cũng là lãnh thổ thiêng liêng mà các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền.

Các nhà ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc khẳng định rằng họ chỉ có ý định hòa bình. Họ tuyên bố Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa bao giờ phải viện đến xung đột quân sự. Các nước láng giềng của họ hẳn sẽ phản đối điều này.

Dường như Trung Quốc không phải đang chuẩn bị cho hòa bình. Vũ khí của họ không nhằm mục đích phòng thủ. Cho dù họ triển khai sức mạnh với các tàu nổi hay đưa nhiều tàu sân bay vào hoạt động, thì điều chúng ta có thể thấy rõ là nước này đang xây dựng một quân đội có năng lực sử dụng vũ lực để đánh chiếm vùng lãnh thổ mà họ cho là của riêng mình.

Năm 1962, Trung Quốc đụng độ với Ấn Độ. Năm 1969, tranh chấp giữa Trung Quốc với Nga đã nhuốm màu bạo lực. Năm 1974, Trung Quốc chiếm các đảo của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Sự kiện này đã leo thang thành một cuộc xung đột lớn vào năm 1979 và tới năm 1988, giữa hai nước lại xảy ra đụng độ ở quần đảo Trường Sa.

Trong một cuộc tranh luận của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), Tiến sĩ Oriana Mastro, một nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu quốc tế, Đại học Stanford, nói bà tin rằng sẽ sớm xảy ra một cuộc đụng độ. Bà nói: “Dường như Trung Quốc không phải đang chuẩn bị cho hòa bình. Vũ khí của họ không nhằm mục đích phòng thủ. Cho dù họ triển khai sức mạnh với các tàu nổi hay đưa nhiều tàu sân bay vào hoạt động, thì điều chúng ta có thể thấy rõ là nước này đang xây dựng một quân đội có năng lực sử dụng vũ lực để đánh chiếm vùng lãnh thổ mà họ cho là của riêng mình. Ban lãnh đạo nước này không hài lòng với nguyên trạng. Tuy nhiên, khi quân đội Trung Quốc ngày càng trở nên hùng mạnh hơn, thì họ càng trở nên thoải mái hơn khi sử dụng các công cụ quân sự để đạt được mục tiêu của mình”.

Tập Cận Bình gia tăng sự hiếu chiến

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, giọng điệu hiếu chiến của Bắc Kinh đã được nâng lên tầm cao mới. Tháng 9/2020, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ, tuyên bố: “Người Trung Quốc không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi có những tranh chấp lãnh thổ với một số quốc gia láng giềng đã bị Mỹ xúi giục đối đầu với Trung Quốc”. Một lần nữa, các nước láng giềng không nhất trí về việc quy kết Mỹ là kẻ xúi giục.

Trung Quốc có tranh chấp trên biển với Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Brunei, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan. Họ có tranh chấp trên đất liền với Nga, Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Lào, Mông Cổ và Myanmar. Tuy nhiên, đối tượng mà cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc nhắm tới không phải là các nước láng giềng này mà là phần còn lại của thế giới. Họ muốn gieo rắc vào trong tâm trí của cộng đồng quốc tế một lời phủ nhận chính đáng. Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu, một vị trí do ĐCSTQ bổ nhiệm, nói: “Chúng ta phải làm rõ một số điều. Thứ nhất, phía bên kia, chứ không phải Trung Quốc, mới là bên phá vỡ nguyên trạng. Thứ hai, phía bên kia mới là kẻ khiêu khích trong một tình huống phức tạp.”

2018-04-13T022729Z_1129634530_RC122B397340_RTRMADP_3_CHINA-MILITARY-XI.JPG
Hình minh hoạ. Tàu chiến và máy bay của Trung Quốc tập trận ở Biển Đông hôm 12/4/2018. Reuters

Ông tiếp tục lập luận rằng mọi kịch bản hẳn phải được dàn dựng theo cách có thể lý giải cho cách hành xử của Trung Quốc. Bằng cách đó, họ có thể phát động một cuộc chiến tranh chính nghĩa.

Theo Mastro, có thể nhận thấy ý định của Bắc Kinh qua hành động của họ: “Dù người ta cho rằng đó là vì uy tín và danh dự hay vì những lý do chính trị trong nước (chủ nghĩa dân tộc dâng cao ở trong nước khiến ban lãnh đạo Trung Quốc cần chuyển hướng sự chú ý của người dân ra bên ngoài), hay dù người ta cho rằng Trung Quốc có lý (họ đang tính toán giữa phí tổn và lợi ích để tìm cách xây dựng và triển khai sức mạnh của mình), thì tất cả những yếu tố này đều dẫn đến một khả năng là Trung Quốc sẵn sàng sử dụng vũ lực ”.

“Hành động đạo đức” của Trung Quốc?

Theo Hồ Tích Tiến, “Trung Quốc phải là một quốc gia dám chiến đấu. Và điều này cần dựa trên cả sức mạnh và đạo đức. Chúng tôi có sức mạnh trong tay, chúng tôi có lý lẽ và chúng tôi không e sợ đứng lên bảo vệ những tài sản quan trọng của mình”. Vấn đề là phải làm cho phần còn lại của thế giới tin vào điều đó. Đó là lý do giải thích tại sao Bắc Kinh đang đầu tư mạnh tay vào các chiến dịch gây ảnh hưởng và truyền bá thông tin sai lệch.

Một chiến thuật khác là tạo dựng cảm giác “việc đã rồi”: lớn tiếng tuyên bố quyền sở hữu, kiên trì đòi quyền sở hữu, chiếm đóng lãnh thổ tranh chấp, ép buộc các bên không liên quan phải công nhận. Đây là kịch bản đang diễn ra trên dãy Himalaya, biển Hoa Đông và Biển Đông. Vấn đề là các quốc gia khác cũng nắm quyền kiểm soát đối với những khu vực đó và điều này khiến Bắc Kinh cảm thấy bất mãn.

Hồ Tích Tiến nói: “Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy bị Mỹ và phương Tây bác bỏ về mặt ý thức hệ. Các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc đồng cảm với nhau. Nếu Trung Quốc quyết định gây chiến với một nước láng giềng, thì cộng đồng quốc tế sẽ có xu hướng ủng hộ bên yếu hơn. Dù động thái của chúng tôi có chính đáng hay không thì vẫn có rủi ro lớn về mặt đạo đức”.

Tuy nhiên, liệu ban lãnh đạo ĐCSTQ có tin rằng đây là rủi ro đáng để họ chấp nhận? Vẫn chưa nước nào ngăn chặn được Bắc Kinh từng bước củng cố lãnh thổ của mình. Tiến sĩ Mastro nói: “Sẽ ít có khả năng hòa bình. Các phương tiện của Trung Quốc rất có thể sẽ đụng độ với phương tiện của Mỹ hoặc các đồng minh của nước này. Và điều này sẽ dẫn đến những thiệt hại về người và của mà có thể leo thang thành chiến tranh, đặc biệt là trong môi trường chính trị hiện nay”.

Sử dụng con bài “chủ nghĩa dân tộc”

Giống như hầu hết các nhà lãnh đạo độc tài, Chủ tịch Tập Cận Bình xây dựng quyền lực của mình dựa trên niềm tự hào dân tộc. Để duy trì quyền lực, ông phải tạo ra được kết quả. Tiến sĩ Mastro lưu ý: “Chúng ta biết rằng Tập Cận Bình là người rất có tinh thần dân tộc. Chẳng hạn, ông đã nhiều lần nói rằng việc thống nhất Đài Loan là cần thiết để phục hưng dân tộc Trung Hoa”. Theo Mastro, sự nghiệp phục hưng dân tộc Trung Hoa đã trở thành nguồn gốc mang đến tính hợp pháp cho ĐCSTQ.

2021-01-27T072533Z_587348191_RC27GL9NQCMX_RTRMADP_3_TAIWAN-SECURITY.JPG
Hình minh hoạ. Hải quân Đài Loan tập trận ở Kao Hùng hôm 27/1/2021. Reuters

Tiến sĩ Mastro lập luận rằng hầu hết các cuộc chiến tranh đều nổ ra khi các nhà lãnh đạo tin rằng lực lượng quân sự sẽ tạo ra các nguồn lực, quyền lực, vinh quang và uy tín. Về bản chất, kết quả sẽ biện minh cho phí tổn. Ban lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng tin rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là giành lại quyền kiểm soát đối với những gì họ coi là lãnh thổ của mình. Và nếu người dân Trung Quốc tin tưởng vào cách biểu lộ và thể hiện chủ nghĩa dân tộc, thì họ cũng tin tưởng vào sự nghiệp này.

Mặc dù ĐCSTQ muốn sử dụng các phương tiện kinh tế và ngoại giao, nhưng có những dấu hiệu cho thấy họ đang mất hết kiên nhẫn. Tiến sĩ Mastro nói: “Chúng ta phải làm rõ rằng không thể giành lại hoàn toàn các vùng lãnh thổ tranh chấp bằng những công cụ này. Đó là vì các nước ở phe còn lại sẽ không bao giờ hoàn toàn chấp nhận lập trường của Trung Quốc”. Ấn Độ sẽ không sẵn lòng từ bỏ lãnh thổ của mình ở vùng núi cao trên dãy Himalaya. Đài Loan sẽ không dễ dàng từ bỏ nền dân chủ và độc lập của mình. Việt Nam, Nhật Bản và Philippines không thể để mất các ngư trường truyền thống của họ. Mastro nói rằng khi các quốc gia này kiên định với lập trường của mình và bắt đầu đoàn kết lại với nhau, thì càng nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ tiến hành một cuộc biểu dương lực lượng.

Tại thời điểm này, quân đội Trung Quốc tin rằng có một số tình huống bất ngờ mà trong đó Mỹ sẽ không đích thân can dự, như hành động chống lại Việt Nam hoặc Ấn Độ, và điều này sẽ làm tổn hại đến vai trò của Mỹ trong khu vực; hoặc những tình huống mà dù Mỹ đích thân can dự thì Trung Quốc cũng sẽ chiếm ưu thế. Điều này đem đến lợi ích to lớn cho Tập Cận Bình.

Thông điệp tuyên truyền của Trung Quốc vẽ nên một bức tranh tương tự. Hồ Tích Tiến nói: “Chúng tôi tự tin sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột với các lực lượng láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Tương tự, nếu chiến sự với Mỹ nổ ra gần khu vực ven biển Trung Quốc, chúng tôi cũng có nhiều cơ hội giành chiến thắng”.

Theo một báo cáo trình Quốc hội Mỹ gần đây, những tiến bộ trong thời gian qua về trang thiết bị, tổ chức và hậu cần (logistics) đã cải thiện đáng kể khả năng của PLA trong việc triển khai sức mạnh và các lực lượng viễn chinh ở xa bờ biển Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc có những lợi ích khi chiến đấu với các nước nhỏ hơn không phải là đồng minh, chẳng hạn như Việt Nam hoặc Ấn Độ, nhằm trau dồi khả năng quân sự của họ, làm suy yếu vai trò của Mỹ trong khu vực, chuẩn bị (trong vòng 7-9 năm) cho các cuộc xung đột lớn chống lại Nhật Bản hoặc cho việc giành lại Đài Loan bằng vũ lực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là sắp xảy ra một cuộc đụng độ giữa các các nước lớn.

Nguyễn Trường

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/southchinaseadispute/new-violent-trend-of-china-01292021130402.html