Trong vụ cố ý làm trái tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN và công ty con PVC, ông Đinh La Thăng bị truy tố theo khung hình phạt có mức án cao nhất tới 20 năm tù.
|
Ông Đinh La Thăng – Ảnh: T.T. |
Sáng 27-12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã ra Quyết định số 464/2017/HSST-QĐ về việc đưa ra xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) vào ngày 8-1-2018.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong các ngày từ ngày 8 đến 21-1. Hội đồng xét xử gồm 5 người, do thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân làm chủ tọa.
Ba kiểm sát viên: Đào Thịnh Cường (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội), Nguyễn Minh Đồng (kiểm sát viên cao cấp), Nguyễn Mạnh Thường (kiểm sát viên cao cấp) thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự tại phiên tòa.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nộ còn bố trí 2 kiểm sát viên dự khuyết tham gia phiên tòa.
Như đã thông tin, ngày ngày 26-12, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí VN (PVC).
Bị can Đinh La Thăng, nguyên chủ tịch HĐTV PVN; Phùng Đình Thực, nguyên tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên phó tổng giám đốc PVN, cùng 9 bị can bị truy tố về tội cố ý làm trái.
Có 8 bị can bị truy tố về tội tham ô tài sản. Riêng hai bị can Trịnh Xuân Thanh – nguyên chủ tịch HĐQT PVC và Vũ Đức Thuận – nguyên tổng giám đốc PVC – cùng bị truy tố về cả hai tội danh.
Theo cáo trạng, từ năm 2008-2012, PVC do Trịnh Xuân Thanh là chủ tịch HĐQT và Vũ Đức Thuận là tổng giám đốc đã thi công 67 công trình.
Công ty mẹ PVC trực tiếp thi công 20 công trình thì trong đó có 12 công trình có dòng tiền bị mất cân đối do chi phí phát sinh ngoài hợp đồng.
Năm 2010, PVC góp vốn đầu tư vào 46 công ty với tổng giá trị hơn 3.000 tỉ đồng, đến năm sau tiếp tục góp vốn vào 43 đơn vị gần 3.500 tỉ đồng.
Tổng mức đầu tư tài chính vượt gần 1.000 tỉ đồng so với vốn điều lệ, làm mất cân đối dòng tiền đầu tư của PVC.
Từ năm 2011, PVC đã phải trích lập dự phòng tài chính cho các khoản đầu tư vào các công ty con.
Để tạo điều kiện cho PVC, ngày 13-4-2010, ông Đinh La Thăng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vào mục các dự án PVN sẽ triển khai thực hiện trong năm 2010 cần được chỉ định thầu và đề xuất ủy quyền cho PVN quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu.
Mặc dù chưa có đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của PVC, chưa làm các thủ tục liên quan đến việc lựa chọn nhà thầu, nhưng ngày 18-6-2010, ông Thăng đã ký nghị quyết đồng ý chủ trương giao PVC thực hiện gói thầu EPC dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 theo hình thức chỉ định thầu.
Cáo trạng thể hiện trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng với vai trò là chủ tịch HĐTV PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo Điện lực dầu khí (PVPower) ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Hợp đồng có nhiều nội dung không có thật, được lập và ký khi chưa được HĐTV của chủ đầu tư phê duyệt…
Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN căn cứ hợp đồng này tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỉ đồng cho PVC để các bị can tại PVC sử dụng hơn 1.115 tỉ đồng sai mục đích, trái quy định gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỉ đồng.
Hành vi của bị can Đinh La Thăng phạm vào tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Quá trình điều tra, bị can thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án với tư cách là người đứng đầu PVN.
Ông Thăng bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố theo khoản 3, điều 165 với khung hình phạt từ 10 đến cao nhất là 20 năm tù.
Cho rằng ông Thăng đã thừa nhận sai phạm, từng có nhiều thành tích trong công tác nên Viện KSND tối cao đề nghị cơ quan xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt
Ra cáo trạng “thần tốc” là có căn cứ
Luật sư Vũ Thị Nga, trưởng văn phòng luật sư Công Lý Việt, nhận định việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra cáo trạng chỉ trong vòng một tuần sau khi có kết luận điều tra có thể coi là “thần tốc” nhưng cũng hoàn toàn có căn cứ bởi Viện KSND đã giám sát quá trình điều tra ngay từ khi khởi tố vụ án.
“Luật không quy định kể từ khi kết thúc điều tra trong thời gian ít nhất bao nhiêu ngày được ra cáo trạng, nên khi thấy đầy đủ cơ sở, đủ căn cứ thì Viện KSND có thể ban hành cáo trạng.
Quan trọng là các bước tố tụng phải đúng quy định, khách quan và cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh được hành vi phạm tội của các bị can, chứ thời gian không phải là vấn đề quan trọng nhất” – bà Nga nói.
http://www.tintuchangngayonline.com/2017/12/xet-xu-ngay-8-1-ong-inh-la-thang-oi.html