Xếp hạng Thượng Hải: Mỹ đứng đầu, 4 đại học Pháp trong nhóm 100
Reuters – Theo RFI – Trọng Thành – Thứ bảy 16 Tháng Tám 2014
Reuters hôm nay, 15/08/2014, loan tin về kết quả xếp hạng 2014 của đại học Thượng Hải về 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Hoa Kỳ và Anh Quốc tiếp tục dẫn đầu. Pháp vẫn giữ vị trí thứ 6. Hài lòng về vị trí ổn định của Pháp trong bảng xếp hạng, tuy nhiên các lãnh đạo giáo dục Pháp cũng khẳng định bảng xếp hạng này chỉ là một trong các cách đánh giá.
Theo xếp hạng của đại học Jiaotong (truyền thông) Thượng Hải, các đại học Mỹ Harvard, Stanford, MIT và Berkeley tiếp tục đứng đầu bảng, tiếp theo đó là đại học Cambdrige, Anh Quốc. Xếp hàng cao nhất trong số các đại học Pháp là trường Pierre và Marie Curie (thứ 35), Paris Sud Orsay (42), Ecole normale supérieure (67) và đại học Strasbourg (95). Pháp đứng thứ 3 về toán, thứ 5 về vật lý, thứ 7 về hóa học và thứ 9 về tin học. Theo xếp hạng này, Trung Quốc cũng tiến lên về số trường lọt vào nhóm 500, với 44 trường, đứng thứ ba sau Mỹ (146 trường) và Đức (39 trường). Bộ trưởng Giáo dục Pháp Benoit Hamon và Quốc vụ khanh về Giảng dạy Đại học và Nghiên cứu Geneviève Fioraso ca ngợi “vị trí ổn định của Pháp”. Tuy nhiên, trong một thông cáo chung, hai lãnh đạo giáo dục Pháp nhấn mạnh “xếp loại này chỉ là một trong các cách đánh giá chất lượng đại học và hoàn toàn không có giá trị tự thân”. Các lãnh đạo giáo dục Pháp cũng tái khẳng định Paris nghi ngờ về “phương pháp (mà Đại học Thượng Hải sử dụng để đánh giá) ít thích ứng với đặc thù của mô hình khoa học và đại học Pháp” và nhấn mạnh “bối cảnh thế giới hiện nay rất cạnh tranh” với sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Bảng xếp loại 500 đại học được coi là tốt nhất thế giới, trong số 17.000 đại học, của Thượng Hải được xây dựng trên 6 tiêu chí, số lượng người đoạt giải Nobel và Field trong số các cựu sinh viên, hay số lượng các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất…. Xếp hạng này cũng thiên về các khoa học tự nhiên, so với các khoa học xã hội và con người. Nhìn từ Pháp, các tiêu chí này phù hợp với các đại học Anh-Mỹ hơn là Châu Âu, bởi ưu tiên trước hết các đại học tuyển chọn hạn chế và không chú ý đến các tiêu chí khác như số lượng sinh viên, đào tạo sinh viên hay giúp sinh viên hội nhập nghề nghiệp… Xếp hạng đại học toàn cầu U-Multirank của Châu Âu Để đưa ra một cái nhìn khác về chất lượng đào tạo đại học, Liên Hiệp Châu Âu vừa khởi động bảng xếp hạng Châu Âu về đại học U-Multirank hồi tháng 5/2014. Bảng xếp loại, đánh giá 859 cơ sở đào tạo đại học trên thế giới, tại 74 quốc gia, dựa trên năm tiêu chí chính : nghiên cứu, giảng dạy, độ mở quốc tế, thành công trong việc chuyển giao tri thức qua trung gian đối tác của các doanh nghiệp và các hoạt động kinh doanh mạo hiểm (start-up), tham gia đóng góp khu vực. Bảng xếp hạng còn dựa trên thông tin phản hồi từ 60.000 sinh viên các trường đại học được điều tra. Xếp hạng U-Multirank đang tiếp tục được hoàn thiện. Năm 2014, U-Multirank mới phân loại các chuyên ngành vật lý, kỹ sư điện tử, kỹ sư cơ học và kinh doanh. Năm 2015 sẽ bổ sung thêm các ngành tâm lý học, tin học, y học. Xếp hạng U-Multirank của Châu Âu được Pháp đề nghị năm 2008, khi đảm nhiệm chức Chủ tịch Liên Âu, nhằm đối trọng với xếp hạng Thượng Hải và các bảng vàng của khối Anh-Mỹ. Theo một báo cáo của Hiệp hội các đại học Châu Âu năm 2011, được phụ trương sinh viên báo Le Figaro dẫn lại, chỉ có từ 1 đến 3% trường trong số 17.000 đại học trên toàn thế giới được phân tích trong 13 bảng xếp hạng đại học chủ yếu tính vào thời điểm đó.