Xây đường băng trong rừng, TC bị nghi đặt tiền đồn quân sự tại Campuchia
Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Campuchia, bao gồm một sân bay với đường băng dài, đã làm dấy lên nghi vấn về khả năng Bắc Kinh đặt căn cứ quân sự tại quốc gia Đông Nam Á.
Sau khi hoàn thiện vào năm tới tại một dải đất ven biển xa xôi, sân bay quốc tế Dara Sakor sẽ được biết đến là nơi có đường băng dài nhất tại Campuchia với khu vực thuận lợi cho các phi công lái máy bay chiến đấu. Gần đó, các công nhân vẫn đang dọn sạch cây cối tại một công viên quốc gia, mở đường cho một cảng nước sâu để đón các tàu hải quân.
Theo New York Times, đường băng này giống như một vết sẹo cắt ngang khu vực từng là rừng hoang sơ của Campuchia.
Một công ty Trung Quốc có mối liên kết về chính trị, đơn vị xây dựng đường băng và cảng tại Campuchia, nói rằng chúng chỉ được sử dụng cho mục đích dân sự. Tuy nhiên, quy mô của thỏa thuận thuê đất tại Dara Sakor, khu vực chiếm 20% bờ biển của Campuchia trong thời hạn 99 năm, đã đặt ra nhiều nghi vấn.
Các hoạt động đang diễn ra tại Dara Sakor cũng như các dự án khác của Trung Quốc gần đó khiến nhiều người lo ngại rằng, Bắc Kinh đang lên kế hoạch biến Campuchia thành một tiền đồn quân sự tại Đông Nam Á.
Sự bùng nổ về hoạt động xây dựng của Trung Quốc đã gióng lên hồi chuông báo động về tham vọng quân sự của Bắc Kinh vào thời điểm sự hiện diện của Mỹ tại khu vực đang có dấu hiệu giảm dần. Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc không chỉ diễn ra tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông, mà còn trên khắp khu vực Ấn Độ Dương và hướng tới căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Bắc Kinh ở Djibouti tại vùng Sừng châu Phi.
Được biết đến với tên gọi “chuỗi ngọc trai”, chiến lược quốc phòng của Trung Quốc sẽ phát huy hiệu quả từ một “viên ngọc” đặt tại Campuchia.
“Tại sao người Trung Quốc xuất hiện giữa một khu rừng để xây dựng một đường băng. Công trình này sẽ cho phép Trung Quốc mở rộng sức mạnh không quân ra toàn khu vực và thay đổi toàn bộ cuộc chơi”, Sophal Ear, nhà khoa học chính trị tại Trường Occidental ở Los Angeles, nhận định.
Khi tìm cách phô trương sức mạnh ra bên ngoài, Trung Quốc sẽ “chạm trán” với “ô an ninh” được Mỹ thiết lập từ hàng chục năm trước trong khu vực. Campuchia được cho là đã bị cuốn vào quỹ đạo chính trị giữa các nước lớn. Chính quyền Thủ tướng Hun Sen “nặng lời” với Mỹ, trong khi xích lại gần Trung Quốc – nước hiện là nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia.
Theo giới chức quân sự Mỹ, xuôi xuống khu vực bờ biển từ Dara Sakor, Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận để có những đặc quyền nhằm mở rộng một căn cứ hải quân hiện thời của Campuchia. Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn phủ nhận về việc có ý đồ quân sự tại Campuchia.
“Chúng tôi lo ngại rằng các cơ sở như đường băng và cảng tại Dara Sakor đang được xây dựng trên quy mô nhằm phục vụ cho các mục đích quân sự, vượt xa hơn rất nhiều so với nhu cầu hạ tầng cho hoạt động thương mại cả ở hiện tại cũng như kế hoạch trong tương lai”, Trung tá Dave Eastburn, người phát ngôn Lầu Năm Góc, nhận định.
Theo Trung tá Eastburn, “bất kỳ bước đi nào của chính phủ Campuchia để mời nước ngoài hiện diện quân sự tại đây cũng sẽ gây rối loạn cho hòa bình và ổn định tại Đông Nam Á”.
Một báo cáo của tình báo Mỹ được công bố trong năm nay đã đặt ra nghi vấn về việc Campuchia sẽ cho phép Trung Quốc duy trì hiện diện quân sự tại nước này. Bộ Tài chính Mỹ trong tháng này đã áp lệnh trừng phạt một tướng cấp cao của Campuchia sau khi cáo buộc người này có liên quan tới hành vi tham nhũng ở Dara Sakor.
Thủ tướng Hun Sen đã bác bỏ thông tin cho rằng, ông cho phép quân đội Trung Quốc thiết lập căn cứ tại Campuchia. Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen khẳng định đường băng và cảng ở Dara Sakor sẽ biến một khu rừng nhiệt đới hẻo lánh của Campuchia thành một trung tâm hậu cần toàn cầu – nơi “những điều kỳ tích có thể xảy ra”.
“Sẽ không có quân đội Trung Quốc tại Campuchia, hoàn toàn không có, đó chỉ là thông tin hư cấu. Có lẽ người da trắng muốn kiềm chế Campuchia bằng cách cản trở chúng tôi phát triển kinh tế”, người phát ngôn chính phủ Campuchia Pay Siphan cho biết.
Thỏa thuận thuê đất kỳ lạ
Hồi tháng 7, một số người mặc quân phục có vũ trang xuất hiện tại căn nhà gỗ của Thim Lim, một ngư dân đang sinh sống tại công viên quốc gia lớn nhất của Campuchia. Họ yêu cầu ông phải rời đi.
Theo lời kể của Thim Lim, các quan chức từ Bộ Quản lý Đất đai Campuchia đã nói với ông rằng, nhà của ông sẽ bị san phẳng vào năm tới để mở đường cho “một cảng quân sự do người Trung Quốc xây dựng”.
Những dân làng có mặt trong cuộc gặp ngày hôm đó đã xác nhận lời kể của Thim Lim, trong khi các quan chức Campuchia chưa đưa ra bình luận.
“Trung Quốc lớn đến mức họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn”, Thim Lim nói.
Khu đất của Thim Lim là một phần trong thỏa thuận cho thuê đất ở Dara Sakor giữa Campuchia với Union Development Group, một công ty Trung Quốc ít tiếng tăm và không có nhiều dấu ấn trên trường quốc tế, ngoại trừ thỏa thuận thuê 45.000 ha đất tại Campuchia.
Ngay từ đầu, thỏa thuận này đã bị đặt câu hỏi nghi vấn. Ngoài quy trình mở thầu không công khai, Union Development Group còn được Campuchia trao cho thỏa thuận thuê đất lên tới 99 năm với diện tích cho thuê nhiều gấp 3 lần so với quy định theo luật của Campuchia. Thậm chí, công ty Trung Quốc còn được miễn tiền thuê trong 10 năm.
Ngày 9/12, Tướng Kun Kim, cựu tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Campuchia, và gia đình ông đã bị Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt. Washington cho rằng ông Kim được hưởng lợi từ mối quan hệ với “một thực thể nhà nước của Trung Quốc” và từng triển khai binh sĩ để hăm dọa, tháo dỡ, giải tỏa khu đất tại Campuchia. Mặc dù “thực thể Trung Quốc” không được Mỹ nêu đích danh, song các nhóm nhân quyền và người dân địa phương cho biết đó chính là Union Development Group.
Chủ trì lễ ký kết thỏa thuận thuê đất Dara Sakor vào năm 2008 là cựu Phó Thủ tướng Trương Cao Lệ, một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc. Các tài liệu quảng cáo của công ty Trung Quốc mô tả dự án tại Dara Sakor là dự án đầu tư bờ biển lớn nhất không chỉ tại Đông Nam Á mà trên toàn thế giới.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, khu phức hợp nghỉ dưỡng đã được xây dựng ở Dara Sakor không sầm uất như kỳ vọng. Sân golf vắng vẻ, còn sòng bạc cũng không có người qua lại. Nhà hàng tại đây chỉ có một gia đình Trung Quốc ghé thăm, nhưng họ cũng mang theo hải sản tới để tránh phải trả giá cao tại khu nghỉ dưỡng.
Mặc dù vậy, thay vì rút khỏi một dự án kinh doanh ảm đạm, Union Development Group vẫn tiếp tục tăng cường hoạt động. Công trình mới tại Dara Sakor bao gồm đường băng dài 3.200 mét và cảng nước sâu có thể đón được các tàu 10.000 tấn.
Hiện vẫn chưa rõ ai là người nắm quyền kiểm soát dự án ở Dara Sakor. Trong suốt nhiều năm, Union Development Group nói rằng Dara Sakor hoàn toàn là của tư nhân. Tuy nhiên, Tướng Chhum Socheat, Thứ trưởng Quốc phòng Campuchia, nói với New York Times rằng cơ quan hàng không dân dụng của nước này sẽ vận hành dự án sân bay ở Dara Sakor, đồng nghĩa với việc dự án này không liên quan tới quân đội Trung Quốc.
Tuy vậy, người phát ngôn của Cơ quan Hàng không Dân dụng Campuchia Sin Chansereyvutha khẳng định: “Chúng tôi không có bất kỳ thỏa thuận nào” ở sân bay Dara Sakor.
Mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc
Cách Dara Sakor chưa đầy 80 km, một công trình vắng vẻ khác do Trung Quốc xây dựng mọc lên tại một công viên quốc gia khác. Khu nghỉ dưỡng quốc tế Sealong Bay có tầm nhìn hướng ra biển và đầu bếp Trung Quốc. Tuy nhiên dự án bên cạnh đó mới thu hút được chú ý: Căn cứ hải quân Ream, căn cứ lớn nhất của Campuchia..
Hồi tháng 7, Thời báo phố Wall đã đưa tin về một dự thảo thỏa thuận bí mật trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận độc quyền với một phần căn cứ hải quân Ream trong vòng 30 năm.
Những đồn đoán về Ream bắt đầu gia tăng trong năm nay khi Mỹ, bên đã chấp thuận yêu cầu từ Campuchia về việc nâng cấp các cơ sở bảo dưỡng tàu và huấn luyện tại căn cứ Ream, nhận được thông báo rằng Campuchia không còn muốn người Mỹ giúp đỡ.
“Việc rút lại yêu cầu 6 tháng sau đó đã gây bất ngờ và đặt ra câu hỏi về kế hoạch của chính phủ Campuchia đối với căn cứ”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Eastburn cho biết.
Trong khi đó, Tướng Chhum Socheat bác bỏ việc Campuchia yêu cầu Mỹ rót tiền để nâng cấp căn cứ Ream.
“Chúng tôi hoàn toàn đủ khả năng. Chúng tôi có cần nhờ người Mỹ giúp phát triển lãnh thổ của mình không? Chúng tôi có cần van xin Mỹ thực hiện dự án này không?”, ông Socheat đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, trong bức thư hồi tháng 5 gửi Bộ Quốc phòng Campuchia, tùy viên quốc phòng Mỹ ở Phnom Penh cho biết Campuchia đã “yêu cầu Mỹ hỗ trợ tiến hành sửa chữa và cải tạo quy mô nhỏ đối với những cơ sở do Mỹ cung cấp tại căn cứ”.
Một tháng sau đó, một quan chức quốc phòng Campuchia hồi đáp rằng “việc sửa chữa và cải tạo các cơ sở ở căn cứ không còn cần thiết”.
Trong bức thư, Joseph Felter, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam và Đông Nam Á, cảnh báo Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh rằng “sự thay đổi chính sách đột ngột này có thể là dấu hiệu cho thấy những kế hoạch thay đổi lớn hơn tại căn cứ hải quân Ream, đặc biệt là các kế hoạch liên quan tới việc tiếp nhận các khí tài quân sự của Trung Quốc”.
Bộ Quốc phòng Campuchia không hồi đáp bức thư trên. Trong khi đó, Thủ tướng Hun Sen cùng các cấp phó cáo buộc Mỹ tìm cách hỗ trợ phe đối lập chống lại chính phủ của ông. Hạ viện Mỹ hồi tháng 7 thông qua một dự luật trừng phạt các cá nhân làm suy yếu nền dân chủ ở Campuchia.
Hai năm trước đó, quân đội Campuchia đã hủy các cuộc tập trận chung với Mỹ và thay vào đó, bắt đầu các cuộc tập trận chung với Trung Quốc. Trong một động thái cho thấy mối quan hệ quân sự ngày càng gắn bó giữa hai nước, Thủ tướng Hun Sen hồi tháng 7 thông báo ông đã chi 240 triệu USD mua vũ khí của Trung Quốc.
“Nếu Đại sứ quán Mỹ không ưa chúng tôi, họ có thể đóng đồ đạc và rời đi. Họ là những kẻ gây rối. Chúng tôi nhận thấy điều đó khi họ coi thường Campuchia. Còn Trung Quốc đang đẩy mạnh sự thịnh vượng của chúng tôi. Chúng tôi là những người bạn rất tốt”, người phát ngôn của chính phủ Campuchia Pay Siphan khẳng định.
Theo New York Times