Xạo Sự Về “Đối Tác”.
Thân Kính Chào Quý Niên Trưởng Và Các Bạn.Ngày Thứ Ba 12-9-2023Thân Kính Chúc Một Ngày VuiÚt Bạch Lan
Sau bài viết “YES Hay NO” ngày 7/9/2023, nhiều người đã hỏi xạo tôi :”Đối Tác Toàn Diện” và “Đối Tác Chiến Lược” giữa hai quốc gia hay giữa nhiều quốc gia (Liên Minh) khác nhau như thế nào, nhất là quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hai quốc gia thù địch trong chiến tranh Việt Nam trước đây???”Để đáp ứng và góp ý sự yêu cầu của Quý Vị, xạo tôi xin ghi lại đây một vài nhận định của riêng mình về chuyến đi của Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đến Việt Nam liên quan đến hai chữ “Đối Tác”
Ngày 25 tháng 7 năm 2013 tại Tòa Bạch Ốc (White House) đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama. Hai nhà Lãnh đạo đã quyết định xác lập quan hệ “Đối Tác Toàn Diện Việt Nam – Hoa Kỳ” dựa trên các nguyên tắc tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Đối Tác Toàn Diện là quan hệ thông thường giữa hai quốc gia hoặc nhiều quốc gia, bên trong có ẩn chứa nhiều yếu tố khả dĩ có thể nâng cấp thành “Đối Tác Chiến Lược”. Trong trường hợp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có sự cân bằng trên mặt hợp tác, chưa có đủ sự tin cậy lẫn nhau, thời gian chưa chín mùi, nên cả hai bên Việt Nam và Mỹ chỉ chọn cách xây dựng một khuôn khổ đối tác toàn diện với hàm ý nhấn mạnh mặt hợp tác, tiếp tục củng cố lòng tin và cùng hướng tới tương lai. Tới 2020, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối Tác Toàn Diện với 13 quốc gia: Nam Phi (2004); Chile, Brazil và Venezuela (2007); Argentina (2010); Ukraine (2011); Hoa Kỳ và Đan Mạch (2013); Myanmar và Canada (2017); Hungary (2018); Brunei và Hà Lan (2019) v/v và v/v…
Đối Tác Chiến Lược là mối quan hệ mang tính chất toàn cục, then chốt và có giá trị lâu dài với thời gian. Mối quan hệ gắn liền với nhiều lĩnh vực phát triển cùng có lợi với nhau và có thể có cả lĩnh vực an ninh quân sự. Số lượng đối tác chiến lược loại này đang gia tăng nhanh chóng. Không tấn công lẫn nhau; không liên minh chống lại các nước khác, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, phải có lòng tin lẫn nhau. Đối với Mỹ, đối tác chiến lược phải bao gồm hợp tác chặt chẽ về quân sự, an ninh. Về hình thức, đối tác chiến lược có thể hợp tác trong sự uyển chuyển và linh hoạt (chính thức hoặc không chính thức, song phương hoặc đa phương, diện và mức độ tham gia rộng hoặc hẹp, nhiều hoặc ít…) và có tính mở vì không hướng tới một kết cục cụ thể.Hiện nay Việt Nam có 13 nước là đối tác chiến lược, trong đó có 5 đối tác là các quốc gia chủ chốt trong ASEAN, gồm: Nhật Bản, Tây Ban Nha (2009); Anh (2010); Đức (2011); Italy (1/2013), Thái Lan (6/2013), Indonesia (6/2013), Singapore (9/2013) và Pháp (9/2013); Malaysia và Philippines (2015); Úc (2018); New Zealand (2020)…
Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện hay còn gọi là đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, tức là hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực bao gồm an ninh quân sự quốc phòng mà các bên có lợi cùng hưởng có hại cùng chia. Đồng thời hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược. Tới nay, chỉ có 4 nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016) và Hàn Quốc (2022).
Ngoài ba (3) đối tác chính yếu nói trên còn có hai đối tác khác.
“Đối Tác Chiến Lược Lĩnh Vực”, là sự hợp tác trong một lĩnh vực nào đó mà cả hai nước đều có sự tin cậy lẫn nhau. Nhưng sự hợp tác ấy chỉ trong lĩnh vực ấy không sang các ngành và chuyên môn khác.Thí dụ như trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Mark Rutte ngày 16 tháng 6 năm 2014, Việt Nam và Hà Lan chính thức thiết lập thêm cơ chế Đối tác chiến lược về Nông nghiệp và An ninh lương thực.
Quan Hệ Đặc Biệt là mối quan hệ mật thiết với Việt Nam, gắn bó với quá trình lịch sử lâu dài. Như Việt Nam với Miên, Lào, Cuba.
Tóm tắt tổng quan nội dung của ba tầng cấp về sự “Đối Tác” giữa Việt Nam và Mỹ để có những nhận định về chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden ngày 10/9/2023 vừa qua.
Tin tức chính xác mới nhất ngày hôm nay “Biden đi Việt Nam với Đối Tác Toàn Diện, khi Biden trở về mang theo thêm hai chữ Chiến Lược. Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện”. Cách đây đúng 10 năm, năm 2023, sau khi Trương Tấn Sang và Obama ký kết “Đối Tác Toàn Diện, nhiều tin đồn loan truyền rằng “Mỹ muốn thuê Cam Ranh của Việt Nam, nhưng vì Trung Cộng răn đe đủ điều nên Việt Nam không dám có một động thái nào hết…”. Dù là tin đồn, nhưng đó cũng là một đòn tuyên truyền tâm lý để thăm dò phản ứng của Bắc Kinh. Ngày 10/09/2023, ngay tại Hà Nội, sau cuộc hội đàm giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã loan báo quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên hàng “Đối tác Chiến Lược Toàn Diện”. Đối với giới quan sát, đây là một quyết định đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam, đưa bang giao hai nước vào một “giai đoạn mới”. Trích một đoạn trong bài diễn văn của Tổng Bì Thư Nguyễn Phú Trọng “Trên cơ sở đó, vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, tôi và ngài Tổng thống Joe Biden đã thay mặt hai nước thông qua Tuyên bố chung, thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Quan hệ đối tác đó tiếp tục dựa trên cơ sở tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước trong thời gian qua, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau…”
Chính tổng thống Mỹ Joe Biden là người đã khẳng định rằng quan hệ song phương Mỹ-Việt vừa đi được một bước tiến quan trọng. Phát biểu công khai tại một diễn đàn doanh nghiệp ở Hà Nội ngày 11/09/2023, một hôm sau khi loan báo việc hai kẻ cựu thù đã quyết định nâng cấp quan hệ lên mức “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, ông Biden xác định rằng quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã “bước vào một giai đoạn mới”, và hai bên đang tăng cường hợp tác sâu rộng về mọi mặt, từ điện toán, chất bán dẫn, cho đến trí tuệ nhân tạo. Không thấy nhắc đến vấn đề an ninh quân sự quốc phòng, một yếu tố quan trọng hàng đầu trong nghĩa đối tác chiến lược toàn diện.
Trên đặc san chính trị ngoại giao The Diplomat của Nhật Bản ngày 09/09/2023, giáo sư Jonathan D. London, một học giả Mỹ về Việt Nam không ngần ngại cho rằng: “Sự kiện Washington và Hà Nội nâng cấp quan hệ là một cột mốc quan trọng không chỉ đối với Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn đối với cả khu vực và thế giới…”
Họp thượng đỉnh (summit) giữa hai nguyên thủ của hai quốc gia nào mà không có tuyên cáo chung? Như nhận định của xạo tôi từ bấy lâu nay, những gì trong bản tuyên cáo chung chỉ là những chuyện công khai trên mặt bàn hội nghị, như giao thương kinh tế, tiền tệ, xã hội, giáo dục, dân sinh… sau đó được công bố trước hàng trăm ký giả phóng viên của giới truyền thông cả thế giới đều biết, còn những chuyện dưới đít bàn thì chỉ có “TRỜI” biết. Đó là chuyện “tối mật an ninh quân sự quốc phòng” của cả đôi bên.
Như phần định nghĩa “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” nói trên thì : “hai hay nhiều bên xác định gắn bó lợi ích lâu dài, hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực bao gồm an ninh quân sự quốc phòng mà các bên có lợi cùng hưởng có hại cùng chia”. Trong chiến tranh và trên mặt trận, bạn thù phân biệt rõ rệt. Thí dụ như Ukraine không thể nào nói quân Nga là bạn được. Trong chính trị thì không có bạn thù rõ rệt. Nay bạn mai thù chỉ có quyền lợi tương đồng đôi bên là hàng đầu.
Trước 1975 và sau đó, Mỹ và Việt Nam vẫn còn là kẻ thù không đội trời chung. Sau chiến thắng năm 1975, Hà Nội đã cho thiết lập hàng chục bảo tàng viện, phòng triển lãm trưng bày tội ác của Mỹ-Ngụy. Mỹ chẳng cần quan tâm vì lúc đó Mỹ đã ôm chặt lấy Đặng Tiểu Bình trong tay rồi và đang tương kế tựu kế triệt hạ Mạc Tư Khoa. Sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, Việt Nam chạy qua Bắc Kinh thì thấy Ông Mỹ đã chễm chệ ngồi ở Tử Cấm Thành Đảng Cộng Sản Trung Quốc rồi. Thời thế thế thời phải thế. Việt Nam hạ giọng và bắt đầu “thấy sang bắt quàng làm họ” với Mỹ. Những nỗ lực tái thiết lập quan hệ giữa hai nước vẫn không được thực hiện trong nhiều thập kỷ cho đến khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt chính thức tuyên bố thiết lập mối quan hệ ngoại giao Hoa Kỳ – Việt Nam vào ngày 11 tháng 7 năm 1995. Trước đó, vào năm 1994, Hoa Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại kéo dài 30 năm đối với Việt Nam. Quan hệ giữa hai nước tiếp tục được cải thiện trong thế kỷ 21. Tiếp theo đó là Bush Con, Obama và ngay cả Donald Trump đã dành sự ưu ái cho Việt Nam gần như “tối huệ quốc” như thế nào tưởng không cần nhắc lại.
Nếu Đảng Cộng Sản Tàu không sản sinh ra Tập Cận Bình thì đâu có chuyện ngày nay, tình bạn giữa Washington và Bắc Kinh trở thành thù nghịch. Việt Nam vẫn nằm trong gọng kìm của Bắc Kinh, đã ký kết “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” với Bắc Kinh năm 2008, giờ đây lại ký kết đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ thì liệu nền ngoại giao “Cây Tre” của Việt Nam có trở thành cây gậy hay không. Chắc chắn 100%, Việt Nam cũng phải thận trọng không quay lưng lại với nước láng giềng khổng lồ, đồng thời vẫn trung thành với chính sách ngoại giao được gọi là « ngoại giao cây tre » được đích thân tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng định nghĩa : « gốc phải khỏe, thân phải chắc nhưng cành phải mềm dẻo ». Hà Nội sẽ phải giữ cân bằng vì muốn trở thành đối tác đáng tin cậy của Hoa Kỳ, nhưng vẫn khôn khéo với Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Như xạo tôi từng ví ngoại giao cây tre của Việt Nam giống như con lật đật “Gốc Phải Khỏe, Thân Phải Chắc, Cành Phải Mềm…” Với chính sách quốc phòng “Bốn Không” của Đảng CSVN thì làm sao “Gốc Phải Khỏe” cho được!?. Lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam bị Tàu Cộng uy hiếp áp đảo triền miên mà Hà Nội đành ngậm bồ hòn thì làm sao “Thân Phải Chắc” cho được!?
Xạo tôi có cảm nghĩ Biden sang Việt Nam lần này tương tự như chuyến đi của Cựu TT Richard Nixon sang Bắc Kinh gặp Đặng Tiểu Bình năm 1972 sau nhiều chuyến bay đêm của con cú đêm Henry Kissinger qua ngoại giao bóng bàn. Cả hai đều “say Yes”, nhưng riêng Đặng Tiểu Bình có rất nhiều “cái NO” tiềm ẩn bên trong. Chẳng hạn như không giải tán Đảng Cộng Sản, không thay đổi chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, không cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga…nhưng Mỹ vẫn hoan hỷ giúp Tàu lớn mạnh như ngày nay.
Vấn đề hôm nay là liệu Nguyễn Phú Trọng có dũng khí và bản lãnh như Tổng Thống Ai Cập Anwar Al Sadat năm 1971 hay không hay chỉ là mô hình bổn cũ soạn lại của Đặng Tiểu Bình!? Xin trích lại một đoạn ngắn trích từ Wikipedia như sau:
“Năm 1971, tức 3 năm sau cuộc chiến tiêu hao ở vùng kênh đào Suez, (Chiến Tranh Sa Mạc 7 ngày năm 1967) Al Sadat viết kèm một bức thư trong đề xuất gửi tới nhà đàm phán hòa bình Gunnar Jarring của Liên Hợp Quốc, đề nghị ngừng chiến với Israel, với điều kiện quân đội nước này rút khỏi vùng chiếm đóng. Tuy nhiên, sáng kiến hòa bình này đã thất bại do cả Israel và Mỹ từ chối ngồi vào bàn đàm phán. Al Sadat có lẽ đã nhận thức được rằng việc Israel từ chối đàm phán bắt nguồn từ việc họ nhận ra sức mạnh quân sự của Ai Cập đã yếu đi sau chiến tranh 7 ngày năm 1967. Ngoài ra, Israel cũng đã nhận ra mối đe dọa lớn nhất từ Ai Cập xuất phát từ khí tài và nhân lực Liên Xô. Đó là lý do khiến Al Sadat quyết định trục xuất các cố vấn Liên Xô về nước và cải tổ lại lực lượng quân sự nhằm đối đầu với Israel. Thời gian này, Ai Cập cũng đang phải gánh hậu quả nặng nề về kinh tế sau Cuộc chiến 6 ngày, và quan hệ với Liên Xô cũng xấu đi trông thấy sau khi Al Sadat khước từ sự giúp đỡ về quân sự…”
Để kết thúc bài xạo sự hôm nay, xạo tôi xin chuyển lại bức tranh biếm hoạ của Họa Sĩ Ba Bùi ngày 11/9/2023 nói lên toàn bộ ý nghĩa chuyến đi của Joe Biden để gặp Tổng Bí Thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng.
Nếu trong bức biếm hoạ này, chúng ta thay thế hình Nguyễn Phú Trọng bằng hình của Đặng Tiểu Bình, và hình của Tập Cận Bình bằng hình Leonid Brezhnev, hình của Biden bằng hình của Nixon thì chúng ta thấy rằng “lịch sử là một chuyện lập đi lập lại theo chu kỳ chính trị và kinh tế của nó”
Thân Kính Chúc Quý Vị Một Ngày Tâm Thân Thần Trí Được Bình An
Út Bạch Lan