Xa Quê Đón TẾT Mừng XUÂN

Cac Bai Khac

No sub-categories

Xa Quê Đón TẾT Mừng XUÂN

Chợ nổi miền Tây vào xuân – February 19, 2015

Đêm qua đốt đỉnh hương trầm

Khói lên nghi ngút, âm thầm nhớ quê (Ca dao)

Hàng năm, sau khi cùng dân bản xứ đón năm mới Dương lịch, thì người Việt xa quê lại cùng với gia đình, đồng hương sửa soạn đón mừng TẾT truyền thống dân tộc. Tết vẫn là ngày lễ vui nhất trong năm của mọi người dân Việt. Cho nên dù thời gian có qua đi, không gian có ngăn cách, con dân Hồng Lạc vẫn đời đời duy trì, bảo vệ những lễ nghi, phong tục, những tập quán cổ truyền của ngày Tết Nguyên Đán vào đầu mùa Xuân. Những ngày mới định cư ở đất lạ, có người đã tưởng như không còn biết Xuân, biết Tết là gì. Nhưng chỉ sau vài năm vất vả hội nhập, làm quen với nếp sống mới, văn hóa mới, người Việt đã tạo được truyền thống đón Tết, mừng Xuân trên quê người. Có người đã nói: Đón mừng TẾT là một cái truyền thống quý giá của người mình mà đi chợ Tết lại cũng rất hào hứng, hấp dẫn. Trước hết là phải giải thích cho con cháu những tục lệ của ngày Tết cổ truyền. Có cháu sẽ thắc mắc là tại sao ngày mồng một Tết không được quét nhà hút bụi; nhà có bếp điện chứ đâu có dùng bếp củi than mà cúng tiễn Táo Ông Táo Bà lên trời; tại sao phải lựa mời người tới thăm nhà xông đất vào ngày đầu năm, xuất hành phải chọn hướng…Nhưng tục lệ lì xì, mừng tuổi với bao tiền đỏ chói thì các cháu hiểu rất mau và nhớ rất lâu. Ở khắp nơi trên đất Mỹ, nơi nào có người Việt là nơi đó có những khu chợ chuyên bán sản phẩm quê hương. Mọi mặt hàng cần thiết cho việc bếp núc đều có cả: từ chai nước mắm Phan Thiết, mắm ruốc bà giáo Thảo tới rau húng rau thơm. Muốn ăn tiết canh, lòng heo tươi ngon, xin cứ tới chợ Việt Nam. Thích thịt dai và thơm của con gà đi bộ, khúc cá thu kho, trái sầu riêng Thủ Đầu Một, chùm nhãn lồng Hưng Yên: trong chợ đều có. Chả bù với những năm đầu, ai cho một xị nước mắm Thái Lan thì như vớ được vàng; thấy trên vườn trước cửa có một khoảng trồng rau thơm thì đích thị là nhà người Việt Nam ta. Chợ Tết bầy bán đủ thứ hàng cho TẾT. Người ta có cảm tưởng như đây là một chợ Đồng Xuân hay Bến Thành thu hẹp, nằm trên một nước Mỹ rộng lớn. Dân bản sứ mà đi vào khu Bolsa của Orange County, khu Bellaire của Houston, Eden Plaza của D.C, khu chợ Việt Nam Toronto, Vancouver…. thì coi như bị lạc lõng. Người ta chào hỏi nhau bằng tiếng Việt, mặc cả mua bán bằng tiếng Việt, thậm chí lớn tiếng với nhau cũng bằng tiếng Việt. Thiên hạ lũ lượt tới mua sắm, bãi đậu xe không đủ chỗ cho khách du xuân, nhất là những năm mà Tết trùng vào ngày nghỉ Thứ Bẩy, Chủ Nhật. Trước hết phải mua mấy cặp bánh chưng. “Tết về nhớ bánh chưng xanh “ Vâng, Tết mà không có món bánh chưng thì đâu còn là Tết. Nhất là những chiếc bánh chưng gói bằng lá dong, cột bằng sợi giang, nhân thịt tươi nóng hổi khi mua, nằm trong lớp đậu xanh đãi cho sạch, và gạo nếp ngỗng trắng, thơm và dẻo. Bánh chưng đã có một lịch sử từ ngày lập quốc bởi Vua Hùng và có người đã ví nó như linh hồn của ngày Tết. Những năm đầu, không có lá dong, bà con ta gói bằng lá chuối khô, bọc bên ngoài bằng những tờ giấy nhôm. Gói như vậy bánh không có vị nồng ướt của tầu lá, nhưng thôi, có còn hơn không. Đến bây giờ thì không thiếu gì lá dong từ quê nhà đưa sang, nên đã có những chiếc bánh chưng luộc rất dền, rất xanh. Lại còn món giò lụa, chả quế cũng nhiều vô kể và hương vị cũng khá đậm đà. Đừng quên mua ít mứt sầu riêng, mứt me, mứt quất, vài gói ô mai cam thảo, nửa ký hạt dưa để nhâm nhi khi có khách tới chơi. Vợ nhắc chồng mua một chậu mai tươi, một cành đào bản xứ. Có năm thời tiết không đủ lạnh, hoa đào không kịp nở, ta đành mua vài cành đào giấy, đào nylon thay thế. Nếu ở quê hương, thì ta đã chạy lên Ngọc Hà hay xuống chợ hoa đường Nguyễn Huệ mang về mấy cành đào tươi, mấy cây quất chĩu trái. Mua vài quả dưa hấu với vỏ xanh rờn, ruột đỏ chói chang để có hương vị Tết miền Nam nắng gắt. Sắm thêm mấy thẻ nhang, mấy cuộn hương vòng để thắp cúng gia tiên, đồng thời cho thơm nhà thơm cửa. Cũng đừng quên mấy bao giấy đỏ để đựng tiền lì xì cho bầy cháu nội ngoại. Ở đất nước tư bản, trẻ con được mừng tuổi mấy đồng đô xanh với lời chúc “nhất bản vạn lợi “ (one dollar make ten thousand dollars ) thì chúng mừng hết chỗ nói. Trước giờ Giao Thừa, đồng bào ta, đặc biệt là thanh niên thiếu nữ, giữ tập tục đi lễ chùa, nhà thờ rất đông. Đến để xin lộc, cầu may, để gặp nhau, chúc tụng nhau mọi sự lành trong năm tới cũng như cầu nguyện thanh bình thịnh vượng cho quê hương đất tổ. Rồi cùng về nhà xông đất, cúng gia tiên. Đó đây, một vài tiếng pháo nổ vang. Bên Mỹ, đốt pháo phải xin phép trước, vì chính quyền sợ tai nạn xẩy ra cho dân chúng. Nhiều cơ sở thương mại không đốt pháo thật, nhưng có pháo giả: cũng treo một giây pháo dài trước cửa tiệm với tiếng pháo nổ phát ra từ chiếc máy thu âm. Nhưng nơi gặp gỡ đầu xuân của mọi người thường thường là ở những Hội chợ, Chợ phiên. Năm nào các cộng đồng người Việt ở mọi nơi trên đất Mỹ cũng đều tổ chức những hội Tết mừng Xuân như vậy. Hội Xuân kéo dài hai ba ngày, có khi cả tuần. Trong hội có sân khấu để trình diễn văn nghệ quê hương dân tộc đón Tết, mừng Xuân, thi hoa hậu áo dài, thi cắm hoa, cây kiểng; có những gian hàng bán món ăn quê hương đủ loại (ngoại trừ món Cờ Tây); cũng có những gian hàng đỏ đen, bầu cua cá cọp. Nam thanh, nữ tú lượt là hẹn nhau tham dự. Con nít chạy tung tăng trong những chiếc áo dài Việt Nam cổ truyền. Giới chức chính quyền địa phương được mời tham dự để chia vui với nhóm cộng đồng còn mới cũng như tỏ tình đoàn kết chủng tộc. Hội chợ còn là cơ hội để các hội đoàn gây quỹ cho các công tác từ thiện bác ái tại địa phương hay giúp đồng bào kém may mắn ở quê nhà. Ây cứ loanh quanh như vậy mà cũng hết mấy ngày Tết. Ngày nay, đa số đồng hương ta đã lấy mấy ngày nghỉ để ăn Tết, để đi thăm bạn bè. Họ cũng đi về các thành phố lớn có đông người Việt hơn, để thăm viếng nhau, để sưởi ấm lòng nhau, để tìm lại trong nhau những hình ảnh, những kỷ niệm của quê hương, đất tổ. Với thời gian, TẾT đã đi vào văn hóa Hiệp Chủng Quốc cũng như tại các quốc gia tự do khác. Truyền thông đã dùng ba mẫu tự T-E-T để chỉ ngày hội New Year của người Việt Nam. Trong lịch sử nước nhà, chưa có giai đoạn nào mà người Việt hiện diện một cách tự do, thoải mái, đông đảo ở khắp năm châu bốn bể như ngày nay. Như người Nhật Bản. Như người Do Thái. Họ là một thành phần trong khối NGƯỜI VIỆT NAM máu đỏ da vàng trong và ngoài nước, để hy vọng cùng nhau xây dựng một quốc gia VIỆT NAM hùng mạnh, có tự do, dân chủ thực sự chứ không chỉ trên văn bản, giấy tờ như hiện nay.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức ERCT.COM