Xã hội dân sự và đảng phái đối lập làm xoay chiều vụ trục xuất nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân
Thông cáo báo chí của Đảng Xanh trong Nghị viện bang Bayern về vụ trục xuất ông Hồng Nhân
Hiếu Bá Linh (Danlambao) – Theo lời cô Hồng Ân, bố mẹ cô đã bị cảnh sát thẩm vấn trong 14 giờ khi máy bay tới Hà Nội và sau đó được thả ra. Hiện tại, nhà cầm quyền đang gây áp lực lên người thân để không cho “kẻ thù của nhân dân” tá túc lâu dài trong nhà. Hồng Ân nói với nhật báo TAZ, cô biết rằng cha cô, người từng bị đột quỵ ở Đức, bị bệnh nặng. Trong trường hợp phải sống vô gia cư, cha cô sẽ phải đối mặt với cái chết.
Sau khi nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ bị Đức trục xuất về Việt Nam, nơi mà ông từng bị kết án và ngồi tù gần 20 năm trời với cáo buộc “hoạt động tuyên truyền chống phá cách mạng”, thì các tổ chức xã hội dân sự như Flüchtlingsrat Nürnberg, AK Asyl, Pro Asyl v.v… và các đảng phái đối lập tại bang Bayern đã được “báo động” về vụ trục xuất này. Đặc biệt là bài báo của nữ ký giả Marina Mai trên tờ TAZ ngày 01/04/2019 đã đánh động công luận, ngay sau đó các báo chí truyền thông bang Bayern đã chú ý và đưa tin về vụ việc này. Không chỉ báo chí địa phương, mà cả tờ Süddeutsche Zeitung, một nhật báo có tầm vóc liên bang, trong số ra hôm nay 03/04/2019 cũng có bài tường thuật về vụ trục xuất này.
Tổ chức giúp đỡ người tị nạn Flüchtlingsrat ở bang Bayern lên tiếng yêu cầu đưa vợ chồng ông Hồng Nhân trở lại nước Đức. “Nếu Nürnberg muốn được mệnh danh là Thành phố Nhân quyền một cách nghiêm túc, thì thành phố này phải bảo vệ cho một người hoạt động nhân quyền. Nếu có ý tốt thì đáng lẽ ra thành phố cùng với bang Bayern có thể đã tìm được một giải pháp khác thay vì trục xuất”, ông Alexander Thal, Phát ngôn viên của tổ chức Flüchtlingsrat nói.
Cô Hồng Ân 19 tuổi, con gái ông Hồng Nhân, cũng bị đe dọa trục xuất về Việt Nam. Cô không bị trục xuất cùng với cha mẹ hồi tuần rồi vì hộ chiếu Việt Nam của cô đã hết hạn. Cô đang theo học dương cầm tại Đại học Âm nhạc ở Nürnberg, cô được coi là một tài năng âm nhạc đặc biệt. Ông Christoph Adt, Hiệu trưởng trường đại học, nói với nhật báo TAZ rằng: “Người phụ nữ trẻ là sinh viên ghi danh theo học chính thức ở trường chúng tôi, và trường đại học của chúng tôi không thể chấp nhận được rằng cô ấy bị trục xuất trong quá trình học. Cùng với Giám mục Tin lành Stefan Ark ở địa phận Nürnberg, tôi đã tiếp cận Bộ Nội vụ bang Bayern với thỉnh cầu khẩn thiết ngăn chặn trục xuất cô ấy”.
Nhật báo Süddeutsche Zeitung hôm 3.4.2019 tường thuật về vụ việc nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân bị trục xuất
Hai đảng đối lập trong Nghị viện bang Bayern cũng đã vào cuộc để làm sáng tỏ vụ trục xuất này. Ông Martin Hagen, Chủ tịch khối dân biểu đảng FDP (đảng Dân chủ Tự do) nói với nhật báo TAZ rằng: “Bang Bayern đã trục xuất nhầm đối tượng. Chúng tôi sẽ đặt thành vấn đề tại Nghị viện bang để tìm hiểu lý do đằng sau vụ trục xuất này”.
Hôm nay 03/04/2019 Đảng Xanh trong Nghị viện bang Bayern đã ra một Thông cáo báo chí, trong đó chỉ trích mạnh mẽ nhất về việc trục xuất nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam và tác giả Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ về Việt Nam. “Một người đã ở tù hai mươi năm vì phê phán chính phủ của mình và bị chính phủ Việt Nam tiếp tục coi là ‘kẻ thù của nhân dân’, mà lại không được nước Đức đánh giá là người bị hiểm nguy và sau đó bị trục xuất, là hoàn toàn tàn nhẫn và vô nhân đạo, và cho thấy chính sách tị nạn của liên minh cầm quyền Đen và Cam (đảng CSU và đảng Cử tri Tự do) là thiếu nhân tính”, Ủy viên về tị nạn và nhập cư của Đảng Xanh Cemal Bozoğlu tuyên bố. “Cơ quan Liên bang về Nhập cư và Tị nạn (Bamf) đã bác đơn xin tị nạn và chính quyền bang Bayern của liên minh Đen và Cam đã tiến hành trục xuất gia đình Việt Nam sống ở Nürnberg mà không do dự. Trục xuất về một đất nước, nơi họ bị đe dọa áp bức, tra tấn và sợ hãi”.
Cemal Bozoğlu và Verena Osgyan, dân biểu Đảng Xanh ở Nürnberger, yêu cầu làm sáng tỏ tất cả về “sự thất bại hoàn toàn trong chính sách tị nạn của bang Bayern. Phải tạo điều kiện cho những nạn nhân có quyền trở lại nước Đức. Tương tự như vậy, Nürnberg với tư cách là một thành phố nhân quyền, phải bảo vệ cô con gái của gia đình Việt Nam tránh bị trục xuất và giúp đỡ cô ta trong thời gian này bị chia ly với gia đình”.
Dân biểu Đảng Xanh Verena Osgyam cũng đã mời cô con gái 19 tuổi của gia đình bị trục xuất, hiện vẫn đang sống ở Nürnberg, tới văn phòng để nói chuyện tư vấn về cách thức có thể giúp cô không bị trục xuất và khắc phục sự chia ly với gia đình.
Ông Martin Hagen, Chủ tịch khối dân biểu đảng FDP (đảng Dân chủ Tự do) tại bang Bayern đã vào cuộc để làm sáng tỏ vụ trục xuất này
Bản Thông cáo báo chí của Đảng Xanh cũng nêu thắc mắc: Thông thường, đơn xin tị nạn của người mang quốc tịch Việt Nam không được xử lý tại bang Bayern. Có thẩm quyền là Berlin, Brandenburg, Nordrhein-Westfalen và Sachsen. Ở đó, những nhân viên thẩm vấn người xin tị nạn và tòa án hành chính được đào tạo chuyên môn để có đủ khả năng quyết định về những lý do đàn áp tại Việt Nam. Tại sao đơn xin tị nạn của gia đình này được xử lý ngoại lệ ở bang Bayern?
Margarete Bause, dân biểu Đảng Xanh và là nữ Phát ngôn viên về chính sách nhân quyền của khối dân biểu Đảng Xanh trong Nghị viện bang Bayern, tuyên bố: “Vụ trục xuất này làm tôi nhớ đến trường hợp một người Duy Ngô Nhĩ bị trục xuất khỏi München trong đêm khuya đầy sương mù hồi tháng 4 năm ngoái, mặc dù anh ta phải đối mặt với các trại tập trung và trừng phạt ở Trung Quốc. Tôi chờ đợi Bộ Nội vụ Liên bang sẽ cung cấp thông tin nhanh chóng và toàn diện về vụ trục xuất cặp vợ chồng Việt Nam xảy ra như thế nào. Tôi yêu cầu Bộ Ngoại giao Đức tìm ra nơi cư ngụ hiện nay của những người đang gặp nguy hiểm lớn này và mạnh mẽ bảo vệ họ”.
Theo lời cô Hồng Ân, bố mẹ cô đã bị cảnh sát thẩm vấn trong 14 giờ khi máy bay tới Hà Nội và sau đó được thả ra. Hiện tại, nhà cầm quyền đang gây áp lực lên người thân để không cho “kẻ thù của nhân dân” tá túc lâu dài trong nhà. Hồng Ân nói với nhật báo TAZ, cô biết rằng cha cô, người từng bị đột quỵ ở Đức, bị bệnh nặng. Trong trường hợp phải sống vô gia cư, cha cô sẽ phải đối mặt với cái chết.
Luật sư Manfred Hörner của gia đình ông Nguyễn Quang Hồng Nhân cho biết, Cơ quan Liên Bang Đức về Nhập cư và Tị nạn (Bamf) nói rằng họ sẽ cứu xét lại đơn xin tị nạn của ông Nguyễn Quang Hồng Nhân.
Nhật báo Stuttgarter Nachrichten hôm 3.4.2019 đăng tải về vụ nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân bị trục xuất
Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)