Xã hội dân sự, tên gọi tiếng Việt của Societas Civilis – Trần Thanh Hiệp

Cac Bai Khac

No sub-categories

Xã hội dân sự, tên gọi tiếng Việt của Societas Civilis – Trần Thanh Hiệp

Ghi chú: Nhờ mạng internet, nó đã được phổ biến cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Cuộc giao lưu thực tế và bất ngờ này đã mang lại cho nó nhiều ý kiến bổ sung, vô danh, ẩn danh. Vì vậy, nó vẫn chưa mất tính thời sự, nếu không muốn nói rằng nó đang đáp ứng nhu cầu của thời sự.

“Xã hội dân sự” một danh từ hiện chưa mấy người nói tới nhưng chắc chắn rồi đây có cơ trở nên rất thông dụng. Danh từ này là tiếng phiên dịch ra tiếng Việt của thành ngữ tiếng la-tinh “Societas Civilis” Nó rất mới trong ngôn ngữ của người Việt Nam, mới hơn cả thành ngữ Nhà nước pháp trị (pháp quyền). Trong dân gian không thấy ai dùng, thậm chí đến cả các tổ chức tranh đấu chính trị, các “hội đoàn” cũng hầu như ghẻ lạnh với thành ngữ ấy, nếu không muốn nói là không biết đến nó. Nhưng không phải vì vậy mà có thể khẳng định rằng Việt Nam chưa có xã hội dân sự. Trái lại, ở Việt Nam hiện tượng xã hội dân sự đã có từ lâu, có điều nó mang những tên gọi khác. Xã hội dân sự là một thành ngữ mượn của phương Tây. Muốn hiểu rõ nội dung của thành ngữ này cần phải quy chiếu vào nguồn gốc phương Tây của nó, sau đó sẽ trở lại với nguồn gốc Việt Nam mà phân biệt điểm giống điểm khác.

Hai câu hỏi cần đặt ngay tức khắc là:

Tại sao phải vay mượn?

Lời giải đáp câu hỏi thứ nhất có thể rất đơn giản: tại vì những người sử dụng thành ngữ này – những người trí thức – là những người được đào tạo ở phương Tây. Dưới đây, việc trích dẫn ít nhiều từ ngữ La tinh nhằm bổ nghĩa cho mấy tiếng Việt như “dân”, “nhân dân”, “quốc dân”, “quốc gia”, “Nhà nước” v.v… và nhất là để bàn xem nên dịch thành ngữ societas civilis là “xã hội công dân” hay “xã hội dân sự”.

Có định nghĩa được “societas civilis” không?

Lời giải đáp câu hỏi thứ nhì, trái lại, rất phức tạp. Nội một việc dịch thành ngữ “societas civilis” ra tiếng Việt cũng đã có vấn đề. Người này dịch là “xã hội dân sự“. người kia dịch là “xã hội công dân“, người khác lại đứng trung lập không thấy cần phải dứt khoát chọn lựa giữa “dân sự” và “công dân“. Ai cũng đưa ra được những lý lẽ khả tín để bảo vệ quan điểm của mình, như thể ai muốn hiểu nghĩa của thành ngữ “societas civilis” ra sao thì hiểu! Suy luận như vậy không phải là hoàn toàn vô căn cứ. Lý do, đó là một thành ngữ có nhiều nghĩa (polysémique) và nhiều nghĩa dẫn tới hệ quả nhiều định nghĩa – chẳng những nhiều mà còn trái ngược nhau. Không có gì đáng ngạc nhiên, các định nghĩa về những hiện tượng xã hội chỉ có giá trị chỉ hướng (tendancielle), không nhất thiết phải tuyệt đối chính xác như những định nghĩa toán học, khoa học. Như vậy không phải là xã hội dân sự không thể định nghĩa được.

Đã đành rằng không thể tìm được một định nghĩa duy nhất về xã hội dân sự, có giá trị khắp mọi nơi, vào mọi thời. Nhưng đừng vì sự kiện có nhiều định nghĩa mà phủ nhận sự hiện hữu của xã hội dân sự. Phải đặt mội định nghĩa vào toàn bộ của nó trong không gian, thời gian để nắm bắt nội dung thành ngữ xã hội dân sự. Cách nhìn vấn đề như vậy buộc phải ngược dòng thời gian làm công ciệc khảo cổ về thành ngữ tiếng pháp “société civile” (tiếng Anh là civil society) để lập cho nó một tờ tông chi (1). Do đó phải tìm hiểu thành ngữ “Societas civilis”, gốc tiếng La tinh của thành ngữ tiếng Pháp société civile (2), tạm dịch ra tiếng Việt là “xã hội dân sự”.

Những biến thiên của thành ngữ societas civilis

Trước công nguyên, (thế kỷ thứ 2), luật gia Cicero định nghĩa societas civilis là một cộng đồng người (nhân xã) có tổ chức về mặt chính trị và luật pháp, trong giới hạn nhất định, khác với toàn thể nhân loại, societas generis humani, rộng lớn hơn, không được tổ chức về mặt chính trị, cũng như về mặt luật pháp. Mức độ tổ chức này là một tiêu chuẩn để phân biệt societas civilis với những cộng đồng tự nhiên (naturalis) như gia đình hay nhân loại. Hiểu như thế, societas civilis bao gồm cả hai thành phần mà ngày nay người ta gọi là Nhà nước và nhân dân.

Thời Trung cổ, cho đến cuối thế kỷ thứ XVI, nói chung nội dung của societas civilis không có nhiều thay đổi đáng kể, ngoại trừ việc các nhà thần học đã sáng chế ra hai loại khế ước là pactum unionis (hay pactum societatis) ràng buộc những tư nhân sống trong cùng một xã hội với nhau và pactum subjectionis để cam kết trao tất cả mọi quyền hành cho một người cầm đầu. Đó là hai trong những yếu tố sau này mở đường cho sự phát triển của nội dung societas civilis, được Pháp hóa thành société civile trong bốn thế kỷ tiếp XVII, XVIII, XIX và XX.

Thế kỷ XVI và XVII, với triết gia người Anh Thomas Hobbes, với sử gia kiêm triết gia, luật gia người Đức Samuel Pufendoft, với triết gia người Anh John Locke, societas civilis được đồng hóa với “Quốc gia” (Etat) theo nghĩa cả Nhà nước lẫn dân chúng. Gọi là xã hội dân sự cốt để nhấn mạnh tính cách nhân vi (artefice) của xã hội này, do con người thiết lập nên và dùng luật lệ bảo đảm hòa bình, an ninh cho mỗi người, tránh cảnh tự nhiên hỗn loạn chém giết nhau, (con người là một con chó sói đối với đồng loại, homo homimi lupus). S. Pufendoft đã tô đậm thêm sự đồng hóa này và société civile (societas civilis) vào thời điểm ấy không thể dịch là “xã hội dân sự” mà phải dịch là “xã hội công dân” (société des citoyens) để phân biệt với xã hội cơ đốc, chịu sự chi phối của Giáo hội hay với “xã hội” đơn thuần, do tự nhiên chứ không do kết ước mà có. Civile trong thành ngữ société civile bao hàm ý nghĩa “văn minh”, ngược lại với tự nhiên, man mọi. Cuối thế kỷ XVII tuy cũng vẫn theo chiều phân biệt này, J. Locke đã mang tới cho société civile một sắc thái mới khi triết gia này cho rằng mục đích của xã hội này không phải chỉ có hòa bình, an ninh mà còn phải có cả sự tôn trọng các “quyền” con người đã sở đắc khi còn ở thời kỳ dã man, trong số đó có “quyền tư hữu“. J. Locke đã bổ sung cho société civile một nghĩa “kinh tế” báo hiệu một hướng phát triển mới của thành ngữ.

Thế kỷ XVIII, nhà văn triết gia người Thụy Sĩ gốc Pháp Jean Jacques Rousseau, không đi tới trên con đường mòn của thế kỷ XVII, đã có công đào sâu về mặt từ ngữ và nhất là dọn đường cho việc tách rời sociéte civile khỏi nhà nước. Chịu ảnh hưởng của J. Locke, J.J. Rousseau coi sociéte civile là lãnh vực của tư hữu. Nhưng mặt khác, ông lại tìm một phương thức thay thế sociéte civile bằng một xã hội chính trị hơn, trong đó con người không sa đọa vì quá ích kỷ chỉ lo lợi riêng trái lại biết tôn trọng lợi chung, một xã hội của những “công dân” (xin đọc tác phẩm Contrat Social, Khế Ước Xã Hội). Tuy lúng túng trong tư tưởng của mình, nhưng J.J. Rousseau cũng đã khơi ra được những suy nghĩ về các mâu thuẫn không tránh khỏi trong đời sống chung.

Cuối thế kỷ XVIII, kinh tế gia kiêm triết gia người Tô Cách lan, Adam Smith, đề xuất những ý kiến làm xáo trộn các quan điểm đã có trước về sociéte civile. Thành ngữ này với Adam Smith đã mất đi đặc tính chính trị của nó để chỉ còn phản ảnh ý nghĩa kinh tế, société civile chỉ là xã hội buôn bán (société marchande). Xã hội, theo Adam Smith có khả năng tự động điều chỉnh do lợi nhuận cá nhân, trao đổi và nhu cầu. Tự do tự nhiên sẽ giải quyết hết mọi vấn đề kể cả vấn đề trật tự, không cần đến sự can thiệp của Nhà nước. Ý kiến về một xã hội tự quản, tự trị như vậy đã mở đường cho việc tách rời hẳn société civile ra khỏi Nhà nước.

Bước sang thế kỷ XIX, nội dung sociéte civile phát triển mạnh và theo nhiều chiều hướng khác nhau. Ở Pháp, bộ Dân luật 1804 với sự tôn trọng quyền tư hữu, với tinh thần tự do kết ước, với sự nhìn nhận khế ước có giá trị luật giữa những người kết ước, đã hình thành một sociéte civile tự trị, đối với Nhà nước. Về mặt lý thuyết, triết gia người Đức George Wilhelm Friedrich Hegel đã hệ thống hóa được các tư tưởng đã có từ trước về đủ các mặt chính trị, kinh tế, cá thể, tập thể của société civile để tìm cho thành ngữ này một nội dung rõ rệt. Đó là một cơ cấu trung gian giữa gia đình và quốc gia có tác dụng cung cấp cho cá nhân các điều kiện giải quyết các nhu cầu của mình không cần đến sự can thiệp của gia đình hay Nhà nước. Hegel coi sociéte civile như là một thời điểm (un moment) trong tiến trình của con người đi từ gia đình tiến tới quốc gia. Hegel không chủ trì (soutenir) rằng sociéte civile và quốc gia loại trừ nhau, trái lại hai cơ cấu này liên hệ với nhau một cách biện chứng và hỗ tương ảnh hưởng. Những mâu thuẫn trong sociéte civile mà Hegel gọi là xã hội tư sản (société bourgeoise, không có nội dung giai cấp mà về sau Marx đã gán cho thành ngữ này).

Karl Marx cũng ảnh hưởng mạnh tới société civile qua việc Karl Marx tu chỉnh tư tưởng của Hegel, không coi société civile là xã hội của các cá nhân tư sản mà là của giai cấp tư sản nghĩa là K. Marx đã lịch sử hóa xã hội dân sự dưới ánh sáng của ý hệ mác xít, kinh tế hóa nó đồng thời khống chế nó bằng cách đặt nó dưới sự thao túng của Nhà nước, trong khi chờ đợi trong tương lai triệt tiêu được cả xã hội dân sự lẫn Nhà nước để thiết lập xã hội cộng sản.

Thế kỷ XX chứng kiến sự lu mờ của société civile, ít ra là trên bình diện từ ngữ. Phe tả đồng hóa nó với xã hội tư sản, phe hữu tránh sử dụng nó vì những hàm nghĩa mà phe tả đã gán cho nó. Mặc dầu vậy, về mặt thực chất, société civile vẫn bành trướng vào cuối thế kỷ này, từ những năm 70 trở đi, thành ngữ société civile lại tái xuất hiện, nhất là ở Pháp. Đặc biệt từ đầu thập niên 80 và suốt mấy nhiệm kỳ của đa số phái tả, société civile đã được chiếu cố tích cực qua trung gian các hội đoàn, hợp tác xã, nghĩa hội, cơ quan công ích trong đủ mọi ngành văn hóa, thương mại, bảo hiểm, ngân hàng, canh nông, xã hội, giáo dục v.v… Một vài con số thống kê về hoạt động của khu vực kinh tế xã hội này (économic sociale, xin đừng lầm với économie socialiste, kinh tế xã hội chủ nghĩa) – 25 triệu người gián tiếp hay trực tiếp liên hệ, một triệu bảy chục ngàn việc làm, 1.500.000 xí nghiệp, 182.000 cơ quan công ích v.v… – cho thấy rõ xu hướng của người Pháp là không thiên về tập quyền Nhà nước nhưng cũng không xu hướng hoàn toàn tự do cạnh tranh, tự do lợi nhuận. Một khu vực thứ ba (tiers secteur) đã thực hiện sự hiện hữu trong đó các tác nhân sinh hoạt không theo đuổi mục đích lợi nhuận, đồng thời độc lập với Nhà nước. Có thể nói đó là nét đặc thù của société civile theo kiểu Pháp.

Theo gót bước chân lưu lạc của thành ngữ société civile, quanh co khúc khuỷu, trải qua trên dưới bốn thế kỷ, có thể tạm rút ra kết luận rằng société civile là giai đoạn loài người muốn ra khỏi trạng thái dã man, muốn thoát khỏi ảnh hưởng thần quyền, đã thi triển bản lĩnh để cùng nhau chung sống trên mặt đất, trong trật tự, hòa bình, tiến bộ. Sáp nhập với Nhà nước rồi phân cực với Nhà nước để sau cùng quan hệ biện chứng với Nhà nước, đó là lịch sử của société civile. Qua những khái niệm về nó, société civile phải định nghĩa nhiều cách cơ hồ không thể định nghĩa được. Nhưng société civile đã hiện hữu dưới nhiều dạng thức.

Tìm hiểu nó, không nên chỉ trụ vào những khái niệm cứng ngắc.

Thật ra société civile còn có mặt huyền thoại – mythe – của nó (đừng hiểu mythe là hoàn toàn hoang đường), sắc sắc không không, khi ẩn khi hiện, lúc nổi lúc chìm, có thể đột xuất hoặc để chống lại ngoại xâm hay Nhà nước độc tài toàn trị hoặc để cấp bách giải quyết những nhu cầu chung trước sự bất lực của Nhà nước (như dân Pháp trong ba tuần đình công cuối tháng Mười Hai năm 1995 vừa qua). Nó như ngọn đèn khi tỏ khi mờ. Tỏ khi tách rời hẳn với Nhà nước. Mờ khi nó ở vào thế tiềm ẩn trong mối tương quan với Nhà nước.

Việt Nam cần một khái niệm về xã hội dân sự

Việc đổi mới sinh hoạt của một nước như Việt Nam hiện nay không thể chỉ giới hạn vào việc thay chủ đổi ngôi, sửa đổi hiến pháp, lập chính phủ lưu vong, chia ghế nội các… những cách chữa bệnh ngoài da mà còn tạo dựng được một xã hội dân sự vững chắc, làm nền móng cho một Nhà nước thật sự xuất phát từ toàn dân, phục vụ dân chứ không cưỡi đầu cưỡi cổ dân.

Bốn thế kỷ kinh nghiệm về xã hội dân sự của phương Tây giúp cho người Việt Nam hoàn chỉnh mô thức xã hội dân sự Việt Nam hiện đang bị Nhà nước đảng trị khống chế. Bàn về đề tài xã hội dân sự là để kêu gọi sự chú ý đến phần còn ở trong thế tiềm ẩn của xã hội này, võ trang cho nó đủ bản lĩnh, ngang với tầm đòi hỏi của tình thế, của nhu cầu đổi mới đất nước. Mấy việc có thể làm ngay để đầu tư ngay cho một xã hội dân sự như vậy ở Việt Nam là tránh thái độ lẩn lách, dù dưới bất cứ lý do nào, trong nhận định về sự kiện chính quyền khống chế xã hội dân sự, học hỏi có chọn lựa kinh nghiệm của phương Tây về xã hội dân sự đồng thời khai thác huyền thoại xã hội dân sự để gọi dậy sức mạnh không bờ bến của xã hội dân sự Việt Nam. Đổi mới trong hiện tình chỉ có thể là giải tỏa tận gốc tình trạng bế tắc chính trị bằng xã hội dân sự.

Công dân hay dân sự?

Trong hai cách dịch thành ngữ société civile (societas civilis) là “xã hội công dân” và “xã hội dân sự“, cách nào đúng? Sự thật, cả hai cách đều đúng, tùy ở văn cảnh (contexte) đồng thời cũng tùy ở hàm nghĩa chính trị mà người sử dụng thành ngữ muốn gán cho nó.

Trước hết, cũng nên nói qua vài lời về chữ société. Dịch ra tiếng Việt là xã hội là để có một tên gọi có tính cách ước lệ vậy thôi. Nguyên nghĩa chữ Hán của danh từ này không diễn tả hết nội dung của chữ sociéte. “Xã” là thổ địa, thần đất (, thần đất, Tắc, thần lúa). Ngày xưa ở Trung Quốc, 25 nhà họp lại thành một xã. Hội là họp lại, thấy trong chữ xã hội. Phương Tây ít chú trọng đến sự “họp thành,” trái lại rất quan tâm đến “cách họp thành. Từ thế kỷ XVII, nhiều tác giả đã phân biệt cách tự nhiên với cách kết ước mà “họp thành” xã hội.

Thứ đến, tĩnh tự “civil” với nhiều nghĩa khác nhau của nó đã gây ra nhiều khó khăn cho việc phiên dịch tĩnh tự này sang tiếng Việt. Thường thường “civil” hay đi cặp với một số tĩnh tự khác và nghĩa của nó thay đổi tùy theo từng cặp đôi. Thí dụ “civil / miltaire” thì civil có nghĩa là “dân sự” (dân sự / quân sự) hay “civil-religieux” thì civil lại có nghĩa là “đời” (đời-đạo), hay “civil / politique” thì nghĩa của civil là “dân sự / chính trị) v.v…

1. Xã hội công dân

Nói chung, vì cho rằng sociéte civile là một xã hội “văn minh,” do kết ước mà họp thành để thoát khỏi trạng thái dã man nên các tác giả ở Châu Âu hai thế kỷ XVII và XVIII đã đồng hóa “société civile” với “Etat” (có nghĩa rộng là “quốc gia,” nghĩa hẹp là “nhà nước”) Khi đã đồng hóa như vậy thì société civile phải dịch là “xã hội công dân”. Hãy bàn về quan điểm của ba tác giả tiêu biểu.

Hạ bán thế kỷ XVII, Bossuet, một giáo sĩ cao cấp của Pháp, định nghĩa société civile là một “nhân xã tập hợp dưới một chính quyền chung và chịu sự chi phối của những luật pháp chung.”

Hai tác giả khác, triết gia người Anh Thomas Hobbes và triết gia Thụy sĩ gốc Pháp Jean Jacques Rousseau, mỗi người một cách định nghĩa sociéte civile, trái ngược nhau.

Đối với Thomas Hobbes, con người sống trong một xã hội tự nhiên họp thành không có an ninh vì bị đồng loại thường xuyên đe dọa, từ tài sản đến tính mạng: ai cũng như ai, ai muốn làm gì cũng được. Do đó, xã hội tự nhiên này không là gì khác hơn một cuộc hỗn chiến giữa người với người. Bởi thế phải tìm cách ra khỏi tình trạng hỗn loạn của xã hội tự nhiên. Muốn vậy chỉ có cách lập một khế ước để mỗi người từ khước mọi quyền hạn mình đã có một cách tự nhiên đồng thời trao tất cả những quyền đó cho một người hay một tập đoàn cầm quyền. Điểm đặc biệt trong tư tưởng của Thomas Hobbes là khế ước này là một khế ước đơn phương, tất cả mọi người tự nguyện từ bỏ không điều kiện, tự do, quyền lực của mình. Hậu quả pháp lý là người hoặc những người được thụ hưởng sự nhượng quyền đó, một mặt có đủ mọi quyền hành, mặt khác lại không có bất cứ một nghĩa vụ nào đối với những người đã trao quyền. Khế ước này là một khế ước thần phục (pactum subjectionis) tuyệt đối và toàn vẹn. Xã hội lập thành trên cơ sở khế ước thần phục ấy sẽ không còn là một xã hội tự nhiên nữa và Thomas Hobbes gọi đó là một civil society, tất nhiên phải dịch là “xã hội công dân” để đánh dấu sự khác biệt với xã hội tự nhiên và sự lệ thuộc không điều kiện vào chính quyền.

Chính vì chủ trương khế ước thần phục một chiều đó mà hậu thế đã coi Thomas Hobbes như là cha đẻ của chế độ chuyên chế, toàn trị.

Đối cực với Thomas Hobbes về tư tưởng cũng như về phương pháp suy luận là Jean Jacques Rousseau. Với J.J Rousseau, thì con người rất thuần hậu và sống sung sướng khi còn ở trong trạng thái “tự nhiên”. Chính văn minh đã làm cho con người sống trong cái gọi là “société civile” bị sa đọa và cuộc sống của nó đầy khổ đau. Văn minh, trước hết đã mang lại cho họ quyền tư hữu, nguồn gốc của bất bình đẳng, của tranh chấp hỗn loạn do giàu, nghèo. Nhưng con người không trở lại thời đại hoàng kim của xã hội tự nhiên được nữa và cũng không ai có đủ sức mạnh để khuất phục tất cả mọi người. Chỉ có thể cùng nhau đồng thuận kết ước để thiết lập một xã hội mới, công bằng hơn, tốt đẹp hơn. Kết ước bằng một khế ước gọi là “Khế ước xã hội” (Contract social). Khác hẳn với Thomas Hobbes, J.J. Rousseau bác bỏ loại khế ước thần phục của Hobbes và chủ trương tất cả mọi người kết ước với nhau trong một khế ước hợp đoàn (pactum unionis) dưới một quyền lực tối cao chung gọi là “Ý chí chung” (volonté générale) và mỗi người từ đó trở thành một “công dân,” tự do, bình đẳng ai cũng như ai vì ai cũng là chủ “tập thể” của “ý chí chung.”

Như vậy là dưới mắt J.J.Rousseau, société civile đã trở nên một sociéte politique, một xã hội chính trị của những công dân. Và dịch société civile là “xã hội công dân” thì quá thích hợp nhưng không nên quên rằng cũng như Thomas Hobbes, J.J.Rousseau, vì lý luận về xã hội theo cảm tính và trong tư tưởng của ông có nhiều mâu thuẫn nội tại, đã xa gần mở đường cho sự biến chất của dân chủ trực trị thành chuyên chế toàn trị.

2. Xã hội dân sự

Ra đời sau Thomas Hobbes gần nửa thế kỷ John Locke, ngay từ khi còn nhỏ tuổi đã được nhìn tận mắt cảnh tượng bi thảm của chuyên chế: vua nước Anh, Charles 1er, năm 1649 bị Cromwell nhân danh dân quyền chặt đầu để rồi chính Cromwell ít lâu sau cũng lại đi vào con đường chuyên chế. Và suốt đời mình. John Locke đã thấu hiểu được thế nào là chuyên chế, thế nào là chính quyền hiến định. Giống như Thomas Hobbes, John Locke cũng dựa vào xã hội tự nhiên để luận bàn về con người. Nhưng khác với Thomas Hobbes, John Locke không coi xã hội tự nhiên là một không gian của luật rừng, con người đối xử với nhau như lang sói. Trái lại, với John Locke, đó là một không gian đã cho con người tự do và của cải. Có điều là sự tự do này không phải là sự phóng nhiệm ai muốn làm gì thì làm. Sự đóng góp quan trọng của John Locke là công trình ông suy nghĩ về điểm tại sao một người lại có những quyền hành đối với kẻ khác và tại sao con người lại phải ra khỏi xã hội tự nhiên để thiết lập một nhân vị, société civile.

John Locke cho rằng có những luật tự nhiên chi phối đời sống xã hội, đó là không ai muốn mất quyền tự do, mất của cải và vì thế quyền tự do của người này không thể tiêu diệt quyền tự do của người khác, không ai được phép chiếm đoạt của cải thuộc về người khác. Nhưng con người vốn là một sinh vật yếu đuối, phải kết hợp lại để giải quyết ổn thỏa cuộc sống chung đồng thời đời sống riêng. Tất nhiên, kết hợp bằng khế ước. Sự khác biệt cơ bản giữa Thomas Hobbes và John Locke là với John Locke không phải chỉ có một khế ước mà có nhiều khế ước, giữa từng con người với nhau, giữa người cai trị với người bị trị. Lại nữa, trong mọi trường hợp, khi kết ước, không ai từ bỏ hết tất cả mà chỉ từ bỏ một số quyền hành mà thôi, nhưng với mục đích độc nhất là để giữ vững thêm tự do, của cải của mình. Ngoài ra, nếu mục đích này không thực hiện được thì có quyền giải ước để chấm dứt khế ước. Xã hội thiết lập trên cơ sở sự kết ước đa nguyên, đa phương này, để thay thế xã hội tự nhiên, là một xã hội tự do, bình đẳng được luật lệ bảo đảm một cách linh động. John Locke đã tách rời nó ra khỏi Nhà nước của chuyên chế. Vì thế, sociéte civile dưới nhãn quan của John Locle không thể dịch là “xã hội công dân” mà phải dịch là “xã hội dân sự.”

Hậu thế đã coi John Locke là cha đẻ của những chế độ tự do.

Xã hội dân sự, dân, nhân dân, quốc dân…

Nếu société civile là một khái niệm hoàn toàn phương Tây, thử hỏi Việt Nam có những hiện tượng société civile (societas civilis) không? Tiêu chuẩn của sociéte civile là hợp quần để ra khỏi trạng thái dã man, bước vào văn minh, hợp quần trên cơ sở một số nguyên tắc pháp lý chung, hợp quần để tạo an ninh riêng của mỗi người và hòa bình chung cho mọi người. Nếu xét theo các tiêu chuẩn đó thì ở Việt Nam đã có những hiện tượng société civile từ lâu, ít ra là trước khi Thomas Hobbes và John Locke bàn về những hiện tượng này. Từ đầu thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã xác định lại rằng từ lâu nước Đại Việt là một xã hội có “văn hiến” nghĩa là có tổ chức, có kỷ cương, đạo đức. Người ta sẽ bảo rằng xã hội này là một xã hội các thần dân của vua, giống như xã hội chuyên chế mà Thomas Hobbes chủ trương. Nhận xét này đúng vè đại thể. Nhưng trong cái “xã hội công dân” tổng thể Việt Nam ấy, có rất nhiều “xã hội dân sự.” đó là xã thôn.

Vậy thì từ xưa ở Việt Nam đã có societas civilis nhưng không mang danh xưng “xã hội công dân” hoặc”xãhội dân sự.” Nó chỉ có tên gọi rất ngắn là “dân.” Trên lý thuyết vua là chủ của núi, sông, đất, lúa (sơn hà xã tắc) nhưng vua không hoàn toàn chi phối được toàn bộ cuộc sống của người dân. Cuộc sống này đã được tổ chức trong nhiều không gian (làng, xã) trong đó nhiều tập đoàn người dân được quyền tự trị, “phép vua thua lệ làng” tất nhiên với ít nhiều giới hạn. Sau này chữ dân bị chìm ngập trong thành ngữ “toàn dân” (dân chủ tự do) hay “nhân dân” (cộng sản.)

Theo lẽ, có thể dịch société civile (societas civilis) là “dân.” Dịch vậy là không đối dịch thành ngữ tiếng Pháp. Nhưng dịch là “xã hội công dân” có chỉnh không ? Nếu dùng thành ngữ này để nói về trường hợp của nướoc Pháp thì e rằng không chỉnh vì hiện thời nó không còn mang nghĩa là xã hội của những công dân nữa.

Nếu dùng nó để chỉ xã hội đương kim tại Việt Nam thì chẳng những khiên cưỡng mà còn rất tai hại. Thật vậy, chế độ hiện hành tại Việt Nam là một chế độ hội đủ mọi đặc tính chuyên chế, hơn cả quân chủ chuyên chế thời cổ vì nó còn “toàn trị” để khống chế cả thể xác lẫn tinh thần con người nữa. Những nhà lãnh đạo cộng sản coi toàn dân như đã tự nguyện và đơn phương ký với nhau một khế ước thần phục trao toàn quyền cho Đảng Cộn sản. Và chỉ được kể là công dân những người đã chấp nhận chủ nghĩa xã hội. Dân phải là “nhân dân” nghĩa là, như Hiến pháp cộng sản đã định nghĩa, “liên minh giai cấp công nhân với gai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.” Không có tiêu chuẩn khách quan nào để quy định ba thành phần này, chỉ có mộ tiêu chuẩn độc nhất là sự thần phục Đảng không điều kiện. Còn những thành phần khác thì Đảng muốn cho là công dân thì được là công dân, nếu không có tư cách là công dân thì chỉ còn cách sống ngoài lề xã hội hay trong nhà tù hay sống kiếp lưu vong ở ngoài nước. Sao có thể gọi là xã hội đó là “xã hội công dân”, trừ khi muốn chính thống hóa nó ? Cho nên phải dịch là “xã hội dân sự” với hàm nghĩa là xã hội này độc lập với Nhà nước cộng sản và “dân” (nghĩa tập thể, như John Locke đã quan niệm, sẽ ký kết với nhau những khế ước hợp quần (pactum unionis hay societatis) giải quyết riêng lấy với nhau những vấn đề dân sinh đồng thời khôi phục những quyền đã bị Nhà nước cộng sản tiếm đoạt, tổ chức lại xã hội, bắt đầu bằng việc chấm dứt chuyên chế.

Dân chủ hóa nước Việt Nam là đổi mới và hoàn mỹ việc tổ chức xã hội Việt Nam theo chiều hướng trả lại quyền cho toàn dân, xóa bỏ mọi hình thức chuyên chế dù là vua, quan, đảng hay giai cấp. Không ai có thể chối cãi được rằng văn minh tiến bộ, trước ngưỡng cửa thế kỷ XXI không thể là gì khác hơn “dân chủ.” Và để tránh nạn dân chủ trá hình như đã diễn ra từ hơn một nửa thế kỷ nay, người dân thường Việt Nam phải được quyền xét lại và phê phán mọi dự án tổ chức xã hội trên cơ sở một khái niệm đúng đắn về xã hội dân sự (3). Khái niệm này sẽ không là bất cứ một sao chép theo nguyên bản phương Tây nào mà là sự kết hợp của các thành tố ý hệ dân tộc, dân, nhân dân dưới một “tên gọi mới”: Quốc Dân.

(*) Bả ác: chữ Hán Việt có nghĩa là nắm giữ, nắm lấy (chú thích của Tòa soạn).

(1) rất giản lược. (2) Khởi đầu, vì nghiên cứu dưới ánh sáng tư tưởng chính trị Châu Âu, đặc biệt của Pháp, tác giả giữ nguyên thành ngữ société civile, không dùng thay thành ngữ tiếng Anh civil society hay dịch ra tiếng Việt là xã hội công dân hoặc xã hội dân sự, hai cách gọi tên không tương đương với nhau. Trong phần cuối bài tác giả sẽ đề nghị cách dịch thích hợp.

(3) Xét lại như thế nào, theo tiến trình nào, đó là một vấn đề tranh đấu thực tiễn, chưa bàn ở đây.