Xã hội dân sự – Nhữ Đình Hùng
Kể từ sau khi khối cộng-sản đông-âu và liên-bang sô-viết tan vỡ, trên giới truyền-thông thấy xuất-hiện nhóm chữ ‘xã-hội dân-sự’. Đúng ra, nhóm chữ này đã dính liền với phong-trào phản-kháng ở Đông Âu từ thập niên 70 với lời kêu gọi của Vacla Havel trong tác-phẩm ‘Le pouvoir des sans-pouvoir’ đã thôi thúc sự thức dậy của xã-hội dân-sự. Theo Vacla Havel, trong những xã-hội ‘sau thời-kỳ toàn-trị’ được thành-hình từ sự sụp đổ của chủ-nghĩa cộng-sản, trỗi dậy những cơ cấu mới, những hiệp hội dân sự và công dân tạo sự thuận-lợi cho việc chuyển tiếp dân-chủ. Nhiều nước tây-phương đã đặt kỳ vọng vào các hiệp-hội chí-nguyện, nhắm vào việc giải-quyết các vấn-đề cụ-thể, tăng-cường các liên-hệ xã-hội, thực-hiện các cam-kết về những giá-trị được chấp-nhận và mong muốn của mọi người.
Và từ sau khi có cuộc nổi dậy ở Bắc Phi và Trung-Đông được biết đến dưới tên gọi ‘mùa xuân ả-rập’, vai trò của ‘xã-hội dân-sự’ được đề cao, coi như giữ phần chính-yếu trong việc khơi động việc nổi dậy để chống lại các chế-độ độc tài ở các nước này. Xã-hội dân-sự đã là chữ được dùng trong nhiều giới, từ giới chánh-trị tới giới truyền thông, từ các giáo-sư đại-học đến các diễn-giả ở các diễn-đàn trên mạng lưới xã-hội.
Ý-niệm về ‘xã-hội dân-sự’ không phải chỉ mới xuất-hiện ở cuối thế kỷ XX. Ở Hy-Lạp thời cổ, Aristote đã đề cập đến ‘koinôna politikè” được chuyển sang tiếng la-tinh thành ‘societas civilis, communitas civilis,communicatio và coetus’.Vào thời-kỳ đó, nhóm chữ này dùng để chỉ mọi cộng-đồng nhân-loại có tầm vóc chánh-trị, có tổ chức, hay nói khác đi, xã-hội dân-sự chính là nhà nước.
Cho đến thế-kỷ XVIII ở Âu Châu, ý niệm ‘xã-hội dân-sự’ xuất-hiện trở lại trong triết-học chánh-trị cùng lúc với sự phát-triển lý-thuyết về khế-ước xã-hội với các triết-gia Hobbes, Locke và Rousseau… Những người này đã nhấn mạnh đến những gì thuộc về lãnh-vực tư, thuộc về xã-hội không có Nhà Nước nghĩa là không có quyền-lực. Vào thế-kỷ XIX, chứng kiến việc tăng-cường quyền-lực của Nhà Nước ở Phổ (Prusse), Hegel đã đưa ra ý-niệm về sự phân-cách giữa Nhà Nước và các sáng-kiến tư của cá-nhân. Với ông, lãnh vực kinh-tế thuộc về xã-hội dân-sự vì các lợi-ích cá-nhân và các tương-quan thương-mãi đã qui-định nó, hoàn-toàn độc-lập với sự giám-hộ của Nhà Nước Vào thế kỷ XX, một nhà tư-tưởng Ý, Gramsci đã chia không-gian xã-hội là Nhà Nước, thị-trường và khu vực thứ ba gồm văn-hoá, kinh-tế xã-hội. Do đó, xã-hội dân-sự phải có khả năng tự-túc và tự tổ-chức. Xã-hội dân-sự, qua các tổ-chức khác nhau, tham-dự vào việc ấn-định các lợi ích chung.
Ngày nay, ý-niệm xã-hội dân-sự được dùng như khí cụ để phân-tích sự soi mòn của các chế-độ chuyên-đoán thuộc khối sô-viết cũng như các chế độ độc tài ở châu Mỹ la-tinh, ở Phi-Châu, Trung Đông… Xã-hội dân-sự như thế dùng để chỉ các hiệp-hội, tổ-chức phi chánh-quyền cũng như các tham-dự-viên các diễn đàn xã-hội hay các phong-trào cho một thế-giới mới (altermondialiste).
Phải đợi đến cuối thế kỷ XX, các xã-hội dân-sự mới có những hoạt-động đáng kể do việc phát-triển các hoạt-động công-dân và hội-đoàn nhằm chống lại giới ‘thượng-lưu chánh-trị’ đồi-trụy, nhằm chống lại các chế-độ toàn-trị, chuyên-quyền hay để chống lại các ý-thức-hệ ‘nhất nguyên, nhất đảng’, nhằm xây dựng một xã-hội với những vận-hành theo đường lối dân-chủ.
Trong nhóm chữ ‘xã-hội dân-sự’, khái-niệm dân-sự tự nó cho thấy tính cách ‘phi chánh-quyền’ nhưng cũng không đưa ra tính-cách ‘chống lại chánh-quyền’. Cũng có thể nghĩ ‘xã-hội dân-sự’ tiếp tay cho chánh-quyền trong các lãnh-vực mà chánh-quyền vắng mặt hoặc hoạt động không hữu hiệu, ví dụ như trong các hoạt động nhân-đạo, thiện nguyện (trường-hợp hội hồng-thập-tự, tổ chức cứu-trợ thiên-chúa-giáo,…). Các xã-hội dân-sự khác như nghiệp-đoàn, ủy-ban chống tham nhũng, ủy-ban chống-độc-tài… vừa mang tính-cách ‘chống chánh-quyền’ (chống lại một dự án luật, chống lại những hành-vi sai trái, phạm pháp của một hay nhiều viên chức chánh trị ‘đồi trụy’…), vừa có tính cách hợp tác (thoả-hiệp về tranh-chấp lao-động, về một vấn-đề xã-hội, kinh-tế..).
Sự hiện diện và hoạt-động của ‘xã-hội dân-sự’ ngày nay không còn là điều có thể chối cãi, đó là ‘thực tế’, nhưng đâu là giới hạn của những hoạt động xã-hội dân-sự. Hoạt-động của xã-hội dân-sự là hoạt-động của một cộng-đồng công dân thì trong cộng-đồng này sẽ chỉ có một hay nhiều thành phần? Hoạt-động của một công-dân có thể coi là một hoạt-động thuộc xã-hội dân-sự hay không? Giải đáp những điều này sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn đúng đắn về những hoạt động của xã-hội dân-sự .
Đối với một đất nước, một quốc-gia, xã-hội dân-sự là tập hợp các con người, các hiệp hội, các tổ-chức, các phong-trào, các nhóm vận-động, nhóm lợi ích,…có tính cách phi chính-phủ và không có mục đích thương mại. Các xã-hội dân sự có hình-thức tự quản theo các sáng-kiến của công dân hoàn toàn ở ngoài khuôn khổ của Nhà Nước hay thương mại. Mục tiêu của xã-hội dân-sự là những lợi ích chung hay tập-thể trong những lãnh-vực khác nhau như xã hội, chánh-trị, nhân-đạo, đạo đức, văn-hoá….
Theo Larry Diamond, Giáo Sư khoa-học chánh-trị và xã-hội tại đại học Stanford ở Hoa Kỳ, xã hội dân-sự là lãnh-vực của đời sống xã-hội có tổ-chức đặt trên sự tự-nguyện, tự phát, tự túc và tự trị đối với Nhà Nước, liên-kết với nhau bởi một trật tự hợp pháp hay một tập hợp các qui tắc chung. Nó khác với ‘xã-hội’nói chung ở việc nó đòi hỏi các công-dân phải tác-động một cách tập thể trong lãnh vực công cộng để bày tỏ các quyền lợi của nó, những đam mê, những ý-tưởng, trao đổi các thông-tin, đạt tới những mục-tiêu chung, chất-vấn các công-quyền và đòi các đại-diện Nhà Nước các giải-quyết…
Nói một cách chung, các tổ-chức của xã-hội dân-sự:
– độc-lập với Nhà Nước và các tổ chức kinh-tế
– có tính cách vô vị lợi (phi lợi nhuận)
– tìm cách lôi cuốn sự chú-ý về các quyền lợi của nó
– hoạt động, tuỳ theo việc ấn-định mục-tiêu, cho lợi-ích công
– không nhằm đạt đến một trách-vụ chánh trị
*Các chức-năng của xã-hội dân-sự.
Sau khi đã lướt qua về sự tạo dựng ý niệm xã-hội dân-sự, chúng ta có thể thấy xã-hội dân-sự có một số chức-năng:
– chức-năng bảo-vệ : trong chức-năng này, các xã-hội dân-sự có những nỗ-lực nhằm duy-trì và bảo-vệ các quyền tự-do của con người, chống lại sự can-thiệp và áp-đặt của Nhà Nước ví dụ như các ủy-ban tranh-đấu cho nhân-quyền, bảo-vệ tự-do báo-chí, truyền-thông…, các xã-hội dân-sự sẽ xem xét, gây sự chú ý cũng như có thái-độ trong trường-hợp có vi-phạm…
– chức-năng kiểm-soát: gồm có việc quan-sát và kiểm-soát như trong các cuộc bầu cử (quan-sát việc diễn-tiến trong khi bầu-cử, kiểm-soát việc thi-hành các thủ-tục, các qui-tắc…). Chức-năng kiểm-soát thường đi với chức-năng bảo-vệ.
– chức-năng tham-dự: đây là việc tạo sự tham-dự của dân-chúng vào các đề-án địa-phương hay quốc-gia như việc xây dựng một đập nước trong vùng, xây dựng một đường xa-lộ… các ủy-ban bảo-vệ môi-sinh sẽ xem xét, kiểm-soát việc ảnh-hưởng của đập nước, xa-lộ, đến môi-trường qua sự tham-khảo ý-kiến dân chúng trong vùng..
– chức-năng làm giảm vai trò của Nhà Nước: xã-hội dân-sự , bởi tính-cách tự-nguyện, đã đảm-trách một số công-tác xã-hội thay cho Nhà Nước. Phần lớn những hoạt-động này mang tính-cách hỗ-tương hay tương-trợ như chiến-dịch ‘pièces jaunes’ của bà Bernadette Chirac nhằm giúp đỡ các bệnh-viện xây dựng chỗ ở cho các phụ-huynh có con trẻ nằm bệnh-viện, như tổ chức ‘resto du coeur’….
– chức năng giải-quyết các tranh-chấp xã-hội như việc làm giảm-thiểu căng thẳng trong các cuộc tranh-chấp, việc tìm kiếm một giải-pháp, việc hướng dẫn dư luận…
Đây chỉ là những chức-năng thường thấy của xã-hội dân-sự, khó có thể liệt-kê tất cả các chức-năng của xã-hội dân-sự. Cũng vậy, đề-tài được xã- hội dân-sự đề-cập đến cũng vô cùng rộng rãi, có thể đó là một đề-tài tổng-quát như vấn-đề bảo-vệ môi-sinh, vấn-đề toàn-cầu-hoá… nhưng cũng có thể là những đề -tài nhỏ bé như vấn-đề bạo-hành trong gia-đình, vấn-đề đối xử xấu với trẻ con, vấn đề bảo -ệ người có phế tật… Nói tóm gọn, xã-hội dân-sự có các hoạt-động trong các vấn-đề liên-can đến cá-nhân và những nhóm trong xã-hội nhằm tạo ra một tác-động trong dư- luận quần-chúng…
Như vừa trình-bày, xã-hội dân-sự có tính-cách tự-nguyện, tự-quản, tự-túc và độc-lập với Nhà Nước. Các hình-thức của xã-hội dân-sự như vậy sẽ có dưới các hình-thức hiệp-hội vô vị-lợi (phi lợi nhuận), hội-đoàn, nghiệp-đoàn, câu-lạc-bộ, nhóm tư-tưởng (think tank) và các tổ-chức phi chánh-quyền; tất cả những hình-thức này được coi như là ‘động-cơ của xã-hội dân-sự’.
*Đương nhiên là các chánh-quyền độc-tài đảng trị, các chánh-quyền chuyên-chế, toàn-trị đã không nhìn các ‘xã-hội dân sự’ với con mắt thiện-cảm. Ở một số quốc-gia, chánh-quyền tạo trở ngại, gây khó dễ cho các ‘xã-hội dân-sự’, ở những quốc gia khác, nhà cầm quyền dấu mặt trá hình để tổ chức các xã hội dân-sự, ở một số nước khác, chánh-quyền áp dụng cả hai biện-pháp song hành. Tại Việt Nam ngày nay, đảng cộng-sản đã cho khai-triển nhiều chiến-lược nhằm đưa việc phát-triển các xã-hội dân-sự phục-vụ cho lợi-ích của đảng và biến nó thành công-cụ để kiểm-soát xã-hội. Mặc dù những sự thu dụng, kiểm-soát và can-thiệp bằng mọi cách (được gọi chung dưới nhóm chữ ‘quốc doanh’ như phật-giáo quốc-doanh, công-giáo quốc-doanh… trong đó những tu-sĩ thực sự có quyền-hạn là các đảng-viên; tổ chức công-đoàn hay nghiệp-đoàn do nhà nước tổ chức vì có các chi-bộ đảng nắm quyền điều-động). Tuy vậy, cũng có một số xã-hội dân-sự tiếp-tục hoạt động một cách tự trị, tiếp-tục đưa ra các cáo-buộc các hành-vi vi phạm luật pháp của các cơ quan công quyền hay của các cán-bộ công nhân-viên…
Tại Việt Nam, ngay dưới thời-kỳ quân-chủ, vẫn có các hình-thức xã-hội dân-sự hiện diện, có hoạt-động tự-phát và ngắn hạn như các tổ-chức hộị hè đình đám, tổ-chức ‘yến lão’, chung nhau nuôi heo để ăn Tết, nấu bánh chưng chung, làm vần công… hoặc các tổ-chức phường nghề nghiệp…Ở miến Nam Việt Nam trước năm 1975, đã có những xã-hội dân-sự như nghiệp-đoàn, thanh-niên phật-tử, thanh-sinh-công, nhóm Caravelle, nhóm Sáng-Tạo… Ở miền Bắc Việt Nam sau 1954 và ở Việt Nam sau năm 1975, các ‘xã-hội dân-sự’ đích thực đã bị mất dạng. Tại miền Bắc Việt Nam sau hiệp-định Genève, các tổ-chức phường nghề-nghiệp đã đi vào qui-hoạch, trở thành các hợp-tác-xã hay công-đoàn đặt dưới sự điều-động và kiểm-soát của đảng cộng sản Việt Nam. Một biến-cố đáng kể trong năm 1956 là sự xuất-hiện phong-trào nhân-văn giai phẩm nhưng đã bị dập tắt ngay; các người tham gia hoặc đã bị đưa đi cải-tạo, hoặc đã bị quản-chế chặt chẽ.
Phải đợi đến năm 1986, sau khi chánh-sách Đổi Mới được đề ra, các xã-hội dân-sự mới thấy thỉnh thoảng xuất hiện và kể từ khi có việc tan rã của khối Varsovie và của liên-bang sô-viết, xã-hội dân-sự mới thấy xuất-hiện nhiều hơn và tương-đối tự-do trong việc chỉ-trích các tệ-đoan xã-hội nhưng bị theo dõi, kiểm-soát chặt chẽ trong các đề-tài liên-can đến việc cải-tổ chánh-trị. Các cải-cách về kinh-tế đi từ kinh-tế quốc-doanh sang kinh-tế thị-trường theo định-hướng xã-hội chủ-nghĩa cũng đưa đến một số cải-cách về chánh-trị và xã-hội cũng đã khiến một số kiểm-soát của chánh-phủ trở nên lỏng lẻo hơn! Hoạt động của khối 8406 bị giới-hạn ở trong nước dù được biết khá hơn ở ngoài nước. Các diễn-đàn ‘người làm báo’ và ‘dân làm báo’ bị chánh quyền theo dõi và gây khó khăn, các bloggers thường bị bắt và giam cầm dài hạn hoặc bị trục xuất ra nước ngoài! Tuy vậy, sự hiện-diện của các xã-hội dân-sự cũng đã làm thay đổi tương quan giữa Nhà Nước và xã-hội, các cuộc đấu-tranh cho công-lý xã-hội, cho dân chủ, văn-hoá, xã-hội…đã trỗi dậy. Nếu như chánh-quyền hay ‘Đảng- Nhà Nước’ đã thả lỏng hoặc chấp nhận một số các tranh-đấu, họ vẫn ngờ vực và e ngại các xã-hội dân-sự thoát ra ngoài sự kiểm-soát của họ. Vì thế, chánh-quyền đã dùng biện pháp ‘suy cử’ (cooptation) trong các xã hội dân-sự nhất là các tổ-chức phi chánh-quyền khiến người ta đã gọi các tổ-chức này là ‘GONGO’ , viết tắt của Governement Owned ONG! Nếu như chánh-quyền hay ‘Đảng- Nhà Nước’ mong muốn dùng các tổ-chức ‘Gongo’ này để kiểm soát, hướng dẫn xã hội dân-sự, ngược lại, những thành-phần không thuộc Đảng hay chánh-quyền cũng đã xuyên qua các tổ chức ‘Gongo’ để có những tìm hiểu, những thông tin từ phía chánh-quyền!
Tại Việt Nam, nhờ việc phát-triển internet kể từ 1997, việc kiểm soát thông-tin của Đảng-Nhà Nước không còn dễ dàng như trước, các hoạt động của xã hội dân-sự đã gia-tăng, các nhóm như ‘dân làm báo, người làm báo, công-lý và sự thật, Beauxite Vietnam…’ và các bloggers đã đưa ra các kêu gọi về tự do dân chủ, nhất là tố cáo các lạm quyền và tham nhũng hay việc phản-đối Trung Cộng xâm-lược Việt Nam đã khiến tương-quan giữa chánh-quyền và xã-hội dân-sự trở nên phức-tạp! Các blogs này đã là ‘khoảng không-gian duy nhất dành cho các xã-hội dân-sự,giới truyền-thông, các tôn-giáo… quyền tự do phát-biểu’ trong chế độc tài đảng trị của đảng cộng-sản Việt Nam, một chế độ kiểm soát và bóp nghẹt mọi quyền tự do căn-bản!
Chánh-quyền đã không có phản-ứng mạnh mẽ đối với các hoạt-động của xã-hội dân-sự trong lãnh-vực bảo-vệ mội-trường như việc khai-thác bô-xít, việc truất-hữu đất để làm sân golf… hay việc chống Trung Cộng, ngược lại, đã có phản-ứng cứng rắn đối với các hoạt-động đòi hỏi tự-do, dân-chủ, nhân-quyền.
Ngày 31.08.2012, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chánh-thức của đảng cộng-sản Việt-Nam, đã đăng một bài xã-luận đánh giá xã-hội dân-sự là một chiến-thuật diễn-tiến hoà-bình. có sự tiếp tay của các thế lực thù địch bên ngoài nhằm lật đổ chánh quyền! Sự chuẩn-bị dư-luận này báo hiệu một chiến-dịch đàn-áp sau đó; Ngày 12.09 sau đó, Thủ Tướng đã chĩ-thị cho bộ nội-vụ và thông-tin có những biện-pháp đối với các thành-phần loan-truyền các tin-tức có hại cho chánh-sách chánh-trị của chế-độ! Và kể từ tháng bảy 2013, thủ-tướng chánh-phủ đã chỉ-thị phạt vạ nặng những ai loan-truyền trên internet các tin-tức sai lạc, không phù-hợp với quyền-lợi của Nhà Nước hay các phong-tục tập quán Việt Nam. Ngoài ra, điều 88 trong hình-luật đã ấn-định những hình phạt từ 3 đến 20 năm tù việc ‘có những tuyên-truyền chống lại cộng-hoà xã-hội Việt-Nam’ và điều 87 về việc ‘phá-hoại sự đoàn-kết quốc-gia’ và điều 79 về việc ‘có những hoạt-động nhằm lật đổ chánh-quyền của nhân-dân’. Với các điều khoản này, các bloggeurs và các thành-viên đã thường xuyên bị điều-tra, bắt-giữ..
Trong khi đó, cũng như Trung Cộng, nhà cầm quyền Hà Nội đã xử-dụng các bloggeurs ‘quốc doanh’ để chống lại các thế-lực thù-địch trên internet! Mặt khác, việc kiểm-soát chặt chẽ trên mạng internet cũng như việc xử dụng các ‘hackers’ cũng đã gây khó khăn đáng kể cho những hoạt-động của xã-hội dân-sự!
Nhữ Đình Hùng/ 07.12.2014
Tham-khảo:
http://www.alternatives-economiques.fr/societe-civile_fr_art_223_31341.html
http://www.toupie.org/Dictionnaire/Societe_civile.htm
http://www.huyghe.fr/actu_369.htm
http://www.cetri.be/spip.php?article2867
http://vietnamhumanrightsdefenders.net/2013/10/29/la-societe-civile-la-vietnamienne/
http://12mars.rsf.org/2014-fr/2014/03/10/vietnam-linternationale-des-blogueurs/